Triết học tôn giáo

Câu hỏi 34. Ngôi vị của Đức Chúa con

 

CÂU HỎI 34

NGÔI VỊ CỦA ĐỨC CHÚA CON

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh


 

 

Chúng ta sắp nghiên cứu ngôi vị của Thiên Chúa Con. Ba tên được chỉ về cho Đức Chúa Con, tức là : Con, Lời và Hình Ảnh. Ý tưởng về Đức Chúa Con được lấy từ ý tưởng về Đức Chúa Cha. Do đó, chúng ta còn phải nghiên cứu về Lời và Hình Ảnh.

Về Lời, chúng ta có 3 điểm cần bàn :

1. Lời là một từ ngữ thuộc yếu tính trong Thiên Chúa, hoặc là một từ ngữ thuộc ngôi vị trong Thiên Chúa.

2. Lời là tên đích xác của Đức Chúa Con không ?

3. Trong tên của Ngôi Lời, tương quan với các thụ tạo được biểu lộ không?

 

Tiết 1

LỜI TRONG THIÊN CHÚA

LÀ TÊN THUỘC VỀ NGÔI VỊ KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Có thể xem ra Lời trong Thiên Chúa không phải là tên thuộc về ngôi vị.

1. Tên thuộc về ngôi vị được ứng dụng cho Thiên Chúa theo ý nghĩa riêng biệt, như Cha và Con. Nhưng Lời được ứng dụng cho Thiên Chúa cách ẩn dụ, như Origène nói về Gioan : Đầu tiên đã có Ngôi Lời (Ga 1,1). Bởi đó, Lời không phải là tên thuộc về ngôi vị trong Thiên Chúa.

2. Theo thánh Augustinô, Lời là sự tri thức với tình yêu (De Trin. 9,10), và theo Ansenmô nói, đối với Thượng Trí, là không cái gì ngoài sự trông thấy bằng tư tưởng (Monolog. 63). Mà sự tri thức, sự tư tưởng và sự trông thấy là những từ ngữ thuộc về yếu tính Thiên Chúa. Vậy, Lời không phải là từ ngữ thuộc ngôi vị trong Thiên Chúa.

2. Điều thuộc về yếu tính của Lời, và được nói ra. Nhưng theo thánh Ansenmô, như Đức Chúa Cha là trí năng, Đức Chúa Con là trí năng, và Đức Chúa Thánh Thần là trí năng, vậy Đức Chúa Cha nói, Đức Chúa Con nói, và Đức Chúa Thánh Thần nói (Monolog. 49); và cũng vậy một trong ba Đấng đều được nói. Bởi đó, tên Lời được sử dụng với tính cách là từ ngữ thuộc yếu tính trọng Thiên Chúa, chứ không được sử dùng theo ý nghĩa thuộc ngôi vị.

4. Không ngôi vị nào trong Thiên Chúa mà được tác thành. Nhưng Lời của Thiên Chúa là cái gì được tác thành. Vì có lời chép : lửa, mưa đá, tuyết, sương mù, phong ba bão táp, thi hành Lời Ngài (Tv 148,8). Bởi đó, tên Lời không phải là từ ngữ thuộc ngôi vị trong Thiên Chúa.

TRÁI LẠI :

Thánh Augustinô nói : như Đức Chúa Con có tương quan với Đức Chúa Cha, thì cũng vậy, Lời có tương quan với kẻ mà nó là sự phát biểu. Mà từ ngữ Con là tên thuộc về ngôi vị, vì nó được nói cách tương đối. Vậy, Lời cũng là tên thuộc về ngôi vị.

TRẢ LỜI :

Tên Lời trong Thiên Chúa, nếu được sử dụng theo nghĩa chính xác, là tên thuộc về ngôi vị, chứ không cách nào mà nó là tên thuộc về yếu tính.

Để trông thấy điều này thật thế nào, chúng ta phải tri thức lời riêng của chúng ta, được sử dụng trong ý nghĩa chính xác của nó, có ba ý nghĩa, đang khi ý nghĩa thứ tư được sử dụng theo thể cách không chính xác hoặc thể cách nghĩa bóng. Vậy, nghĩa rõ ràng nhất và chung nhất là ý nghĩa mà Lời được phát biểu bằng tiếng nói; sự phát biểu này phát xuất do nguồn gốc bên trong, mà quan hệ với hai điều gặp được trong lời nói bên ngoài, tức là, chính ngôn ngữ và ý nghĩa được biểu thị do ngôn ngữ. Vì, theo Triết gia, ngôn ngữ biểu thị ý niệm của trí năng (Perih. 1,1); hoặc, theo bản văn khác, ngôn ngữ phát xuất do sự biểu thị hoặc do sự tưởng tượng, như đã trình bày về hồn (Aristote, De An. 2,8). Ngôn ngữ không có sự biểu thị ý nghĩa, không được gọi là Lời : bởi đó, ngôn ngữ được gọi là lời do sự kiện nó biểu thị ý niệm bên trong của trí năng. Do đó, trước tiên và cách chủ yếu ý niệm bên trong của trí năng được gọi là lời; thứ hai, chính ngôn ngữ, biểu thị ý niệm bên trong, được gọi là lời; và thứ ba, sự tưởng tượng của ngôn ngữ được gọi là lời. Thánh Damascenô biểu lộ ba thứ lời này, khi ông nói: Lời là sự chuyển động tự nhiên của trí năng, nhờ đó, mà trí năng được động và hiểu biết cùng tư duy, như sự sáng và tia sáng (De Fide Orth. 1,13) ; đó là lời thứ nhất. Ông còn nói : lời là cái gì không được phát âm bằng ngôn ngữ, nhưng được nói lên trong tâm trí : đó là lời thứ hai. Lại nữa, lời là thiên thần, nghĩa là người đem tin của trí năng : đó là lời thứ ba.

Lời cũng được sử dụng theo thể cách thứ bốn - theo nghĩa bóng - cho sự vật được biểu thị, hoặc được thực hiện bởi lời; như chúng ta thường nói : “đây là lời tôi đã nói hoặc “đây là lời vua đã ra lệnh”, bằng cách ám chỉ một hành vi nào đó được biểu thị bởi lời hoặc theo thể cách xác nhận, hoặc theo thể cách truyền lệnh.

Nhưng lời được sử dụng chính xác cho Thiên Chúa, với tính cách biểu thị ý niệm của trí năng. Do đó, thánh Augustinô nói : “Bất cứ ai hiểu biết lời, không những trước khi nó được nói ra bằng ngôn ngữ mà còn trước khi sự tư duy mặc cho nó những hình ảnh của ngôn ngữ, thì đã có thể trông thấy một sự tương tự nào về Lời, mà Kinh thánh đã nói đến : “đầu tiên đã có Ngôi Lời” (De Trin. 15, 10). Chính ý niệm về tâm hồn, theo bản tính của nó, thì có điều phát xuất bởi điều khác, tức là, bởi sự tri thức của chủ thể ý niệm. Do đó, Lời theo như chúng ta sử dụng từ ngữ này cách chính xác cho Thiên Chúa, thì biểu thị một cái gì phát xuất do bởi cái khác; điều đó thuộc về yếu tính của các từ ngữ thuộc về ngôi vị trong Thiên Chúa, vì các ngôi vị Thiên Chúa phân biệt nhau do nguồn gốc (Q.27, Intro., q.32, a.3). Bởi đó, từ ngữ Lời theo như chúng ta sử dụng cách đích thực cho Thiên Chúa, phải được sử dụng, không phải với tính cách thuộc về yếu tính, nhưng với tính cách thuộc về ngôi vị.

GIẢI ĐÁP :

1. Các người lạc giáo Ariô phát xuất từ Origène (c. Origène, in Joann, 2) đã công bố Đức Chúa Con phân biệt với Đức Chúa Cha trong bản thể. Do đó, họ nỗ lực chủ trương khi Đức Chúa Con được gọi là Lời, thì không được hiểu biết theo ý nghĩa chính xác, kẻo ý tưởng về Lời phát xuất, bắt buộc họ tuyên xưng Con của Thiên Chúa thuộc về cùng một bản thể với Đức Chúa Cha. Vì Lời bên trong phát xuất theo cũng một thể cách như từ hữu thể đã biểu lộ nó, đến nỗi nó tồn tại bên trong hữu thể này. Nhưng cho dầu Lời được nói theo cách ẩn dụ, thì chúng ta vẫn phải xác nhận Lời trong Thiên Chúa được sử dụng theo ý nghĩa chính xác của mình. Vì nếu một sự vật được gọi là lời theo cách ẩn dụ, sự vật này chỉ có được do một sự biểu lộ nào đó mà thôi; hoặc nó biểu lộ lời ra bên ngoài hoặc nó được biểu lộ bởi một lời. Nếu nó được biểu lộ do một lời, thì phải hiện hữu một lời, nhờ đó mà nó được biểu lộ. Nếu nó được gọi là lời, vì nó biểu lộ lời ra bên ngoài, thì những cái gì được nó biểu lộ bên ngoài, thì không được gọi là lời trừ phi theo mức độ chúng biểu thị ý niệm của trí năng; ý niệm này ở trong trí năng, thì bất cứ ai cũng có thể biểu lộ bên ngoài, nhờ các dấu bên ngoài. Bởi đó, dầu Lời đôi khi có thể được nói về Thiên Chúa cách ẩn dụ, chúng ta vẫn phải công nhận Lời theo ý nghĩa chính xác và được nói cách thuộc về ngôi vị.

2. Không cái gì thuộc về trí năng mà được ứng dụng cho Thiên Chúa bằng cách thuộc về ngôi vị, ngoài lời duy nhất; vì lời duy nhất biểu thị cái gì phát xuất bởi cái khác. Vì cái gì được trí năng nghĩ ra trong khi ý niệm, thì là Lời. Nhưng chính trí năng, tùy theo nó được làm cho trở nên hiện thể do một ảnh niệm khả niệm, thì không nói lên cái tuyệt đối; và cũng vậy, hành động hiểu biết quan hệ với trí năng hiện thể, như sự hiện hữu quan hệ với hữu thể hiện thể, vì hành động hiểu biết không biểu thị một hành động đi ra ngoài chủ thể, nhưng biểu thị một hành động nội tại trong tác nhân. Bởi đó, khi chúng ta nói lời là sự tri thức, thì từ ngữ tri thức không có nghĩa là hành động của trí năng hiểu biết, cũng không có nghĩa là một trong các tình trạng hiện hữu của trí năng, nhưng thay thế cho cái gì mà trí năng ý niệm nhờ sự hiểu biết. Do đó, thánh Augustinô cũng nói Lời là sự khôn ngoan được sinh sản (De Trin. 7,2), vì Lời chỉ là ý niệm của hữu thể khôn ngoan; và cũng vậy, Lời cũng có thể được gọi là sự “tri thức được sinh sản”. Như thế cũng hiểu biết thể nào nói trong Thiên Chúa, là trông thấy nhờ tư tưởng, vì Lời được ý niệm bởi cái nhìn đăm đăm của tư tưởng Thiên Chúa Nhưng từ ngữ tư tưởng không ứng dụng chính xác cho Lời của Thiên Chúa, vì thánh Augustinô nói : Chúng ta nói lời thuộc về Thiên Chúa thế nào, để chúng ta không nói tư tưởng thuộc về Thiên Chúa, kẻo chúng ta tin rằng trong Thiên Chúa có cái gì không vững bền hiện giờ nhận lấy một mô thể để trở nên lời, mà có thể bỏ đi và giao động cách nào đó, dường như không có mô thể nào (De Trin., 15,16). Vì tư tưởng, cách chính xác, cốt tại sự sưu tầm sự thật, và công việc này không xuất hiện trong Thiên Chúa. Nhưng trí năng đạt tới mô thể của sự thật, thì nó không tư tưởng nhưng nó hoàn toàn chiêm niệm sự thật. Do đó, thánh Ansenmô, một cách không chính xác, sử dụng từ ngữ từ tưởng mà thay thế từ ngữ chiêm niệm (Monolog. 63).

3. Nói một cách chính xác, như Lời trong Thiên Chúa, được nói cách thuộc về ngôi vị, thì cũng vậy. Do đó, như Lời không chung cho Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, không phải thật sự chỉ là một Đấng nói duy nhất. Như thế, thánh Augustinô nói : “Nói là đưa ra Lời đồng-vĩnh-cửu không phải là việc làm của mỗi Ngôi vị trong Thiên Chúa (De Trin. 7,1). Còn được nói thuộc về mỗi Ngôi vị, vì không những Lời được nói, mà thực tại được hiểu biết hoặc được biểu thị bởi Lời, cũng được nói. Như vậy, được nói, theo thể cách mà Lời được nói, thì chỉ thuộc về một Ngôi vị duy nhất; còn theo thể cách mà thực tại được hiểu biết trong Lời được nói, thì việc được nói thuộc về bất cứ Ngôi vị nào. Vì Đức Chúa Cha, hiểu biết chính Ngài, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần, cùng tất cả các sự vật khác được bao hàm trong sự hiểu biết này, thì ý niệm Lời; như thế, toàn thể Ba Ngôi được nói trong Lời, và tất cả các thụ tạo cũng vậy, như trí năng của nhân loại, nhờ lời mà nó ý niệm khi nó hiểu biết hòn đá, thì nói hòn đá.

Thánh Anselmô đã sử dụng từ ngữ nói một cách không chính xác, mà thay thế hành động hiểu biết; nhưng hai từ ngữ này phân biệt nhau thật sự. Vì “hiểu biết” chỉ biểu thị tương quan của trí năng hành động với sự vật được hiểu biết, mà trong tương quan này, ý tưởng về nguồn gốc không được bao hàm một sự mô hiệp nào đó của trí năng chúng ta được bao hàm, vì trí năng chúng ta được hiện thể nhờ mô thể của sự vật được hiểu biết. Tuy nhiên, trong Thiên Chúa, hiểu biết là nói lên đồng-nhất-tính hoàn toàn, bởi vì trong Thiên Chúa, trí năng và sự vật được hiểu biết thì hoàn toàn cũng là một, như đã minh chứng ở trước (Q.14, a.2 và 4). Nhưng nói, một cách chủ yếu, biểu thị tương quan với lời đã được ý niệm, vì nói là nói ra lời. Nhưng nhờ lời nói bao hàm tương quan với sự vật đã được hiểu biết mà sự vật được hiểu biết này được biểu lộ trong lời được nói ra cho kẻ hiểu biết. Như vậy, chỉ có ngôi vị nói ra Lời là kẻ nói trong Thiên Chúa mà thôi, dầu mỗi Ngôi vị hiểu biết và được hiểu biết, và do đó được nói bởi Lời.

4. Từ ngữ lời được sử dụng ở đó theo nghĩa bóng, tùy theo sự vật được biểu thị hoặc được thi hành bởi lời, được gọi là lời. Vì như vậy các thụ tạo được nói là làm lời của Thiên Chúa, tùy theo chúng thực hiện một hiệu quả nào mà chúng đã được sắp đặt đến đó, do Lời đã được ý niệm của sự khôn ngoan Thiên Chúa; như một người nào được nói là làm theo lời của vua khi họ làm công việc mà họ đã được chỉ định do lời của vua.

 

Tiết 2

LỜI LÀ TÊN CHÍNH XÁC CỦA ĐỨC CHÚA CON KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Có thể xem ra Lời không phải là tên chính xác của Đức Chúa Con.

1. Đức Chúa Con là ngôi vị lập hữu trong Thiên Chúa. Nhưng Lời không biểu thị sự vật gì lập hữu, như xuất hiện rõ ràng trong chúng ta. Bởi đó, Lời không có thể là tên chính xác của Đức Chúa Con

2. Lời phát xuất bởi chủ thể bằng cách được nói ra. Do đó, nếu Đức Chúa Con, một cách chính xác, là Lời, thì Ngài phát xuất do Đức Chúa Cha chỉ theo thể cách nói ra mà thôi; theo thánh Augustinô, điều này là lạc giáo của Valentin (De Haeres. 2).

3. Mỗi tên chính xác của một ngôi vị, chỉ biểu thị một đặc tính nào của ngôi vị này. Bởi đó, nếu Lời là tên chính xác của Đức Chúa Con, biểu thị một đặc tính nào đó của Đức Chúa Con; và như thế sẽ có trong Thiên Chúa nhiều đặc tính hơn các đặc tính đã được nói đến ở trước (Q.32, a.3).

4. Bất cứ ai hiểu biết, ý niệm lời trong hành động hiểu biết. Nhưng Đức Chúa Con hiểu biết. Bởi đó, một vài lời thuộc về Đức Chúa Con. Vậy, Lời không phải là riêng biệt của Đức Chúa Con.

5. Đã ghi chép về Đức Chúa Con : “Ngài cầm giữ cả vạn vật bằng quyền năng của Ngài” (Dt 1,3); do đó, thánh Basiliô kết luận : “Đức Chúa Thánh Thần là Lời của Đức Chúa Con (Contra Eunom, 5). Vậy là Lời không phải là riêng biệt của Đức Chúa Con.

TRÁI LẠI :

Thánh Augustinô nói : Bởi Lời, chúng ta hiểu biết Đức Chúa Con duy nhất (De Trin. 6,2).

TRẢ LỜI :

Lời được nói về Thiên Chúa trong ý nghĩa chính xác của mình, được sử dụng theo cách ngôi vị và là tên chính xác của Đức Chúa Con. Vì tên này biểu thị sự phát xuất của trí năng; và ngôi vị phát xuất trong Thiên Chúa theo đường lối phát xuất của trí năng, được gọi là Con; và sự phát xuất này được gọi là sinh sản, như chúng ta đã trình bày trước (Q.27, a.2). Do đó, Đức Chúa Con duy nhất, một cách chính xác, được gọi là Lời trong Thiên Chúa.

GIẢI ĐÁP :

1. Hiện hữu và hiểu biết ở trong chúng ta, không phải cũng là một. Do đó, cái gì là hữu thể khả niệm, thì không thuộc về bản tính của chúng ta. Nhưng trong Thiên Chúa, hiện hữu và hiểu biết là đơn nhất và cũng là một; bởi đó, Lời của Thiên Chúa không phải là tùy thể trong Ngài, hoặc một hiệu quả của Ngài, nhưng thuộc về bản tính Ngài. Do đó, Lời, một cách tất yếu phải là một cái gì lập hữu, vì bất cứ cái gì ở trong bản tính Thiên Chúa, đều lập hữu; và như vậy, thánh Damascênô nói : “Lời của Thiên Chúa thuộc về bản thể và có sự hiện hữu thuộc về ngôi, còn các lời khác, tức là lời của chúng ta, là những hành động của linh hồn” (De Fide Orth. 1,13).

2. Sự sai lầm của Valentin bị lên án, không phải như các người theo lạc giáo Ario vu khống mà thánh Hilariô kể lại, bởi vì Valentin khẳng định Đức Chúa Con đã được sinh sản do sự được nói ra; nhưng bởi vì thể cách khác trong sự nói ra mà ông đã đề xướng, như đã được do Augustinô phát hiện (De Haeres. 2).

3. Trong từ ngữ Lời được bao hàm cũng một đặc tính như trong từ ngữ Con. Do đó, thánh Augustinô nói : “Lời và con biểu lộ cũng một sự vật” (De trin. 7,2). Vì sự sinh ra của Đức Chúa Con là đặc tính thuộc ngôi vị của Ngài, mà sự sinh ra này được biểu thị bằng nhiều tên khác nhau và các tên này chỉ về Đức Chúa Con để biểu lộ sự hoàn hảo của Ngài bằng nhiều thể cách. Để bày tỏ Ngài cùng một bản tính với Đức Chúa Cha, Ngài được gọi là Con; để bày tỏ Ngài đồng-vĩnh-cửu, Ngài được gọi là sự xán lạn; để bày tỏ Ngài hoàn toàn tương tự, Ngài được gọi là Hình ảnh; để bày tỏ Ngài được sinh sản cách vô chất, Ngài được gọi là Lời. Tất cả các chân lý này không thể được biểu lộ bằng một tên duy nhất.

4. Có trí năng thuộc về Đức Chúa Con như là Thiên Chúa thuộc về Ngài; bởi vì hiểu biết được nói về Thiên Chúa cách thuộc yếu tính. Nhưng Đức Chúa Con là Thiên Chúa được sinh sản, chứ không phải là Thiên Chúa sinh sản; và do đó Ngài có trí năng, không với tính cách sản xuất Lời, nhưng với tính cách Lời phát xuất; vì trong Thiên Chúa, Lời phát xuất không phân biệt cách thực tại với trí năng Thiên Chúa, nhưng chỉ phân biệt với nguyên lý của Lời bằng cách tương quan mà thôi.

5. Khi người ta nói Đức Chúa Con mang lấy mọi sự vật bằng lời quyền năng mình, người ta hiểu lời theo nghĩa bóng nói lên công-hiệu tính sáng tạo của Ngôi Lời. Thí dụ, sách Chú Giải khẳng định ở đây lời được hiểu biết là mệnh lệnh.

Người ta muốn nói rằng các sự vật được bảo tồn trong sự vật hiện hữu do hiệu quả của quyền năng của Ngôi Lời cũng như chúng đã được Ngài sản xuất. Sự cắt nghĩa của thánh Basiliô : lời ở đây là Chúa Thánh Thần cũng không thích đáng theo nghĩa bóng. Theo ý nghĩa này, người ta gọi lời của người nào là tất cả cái gì biểu lộ người ấy; và Chúa Thánh Thần được gọi là lời của Đức Chúa Con, bởi vì Ngài biểu lộ Đức Chúa Con.

 

Tiết 3

TÊN NGÔI LỜI BAO HÀM TƯƠNG QUAN VỚI CÁC THỤ TẠO KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra không có như vậy.

1. Mọi tên của Thiên Chúa nói lên một hiệu quả được sáng tạo không phải là thuộc từ có tính cách yếu tính, đó là tên của ngôi vị (a.1). Vậy nó không bao hàm tượng quan với thụ tạo.

2. Các từ ngữ bao hàm tương quan với các thụ tạo được chỉ về Thiên Chúa trong thời gian; như vậy, các tên Chúa và Đấng Sáng tạo. Trái lại, Ngôi Lời được chỉ về Thiên Chúa cách tuyệt đối vĩnh cửu. Vậy tên này không bao hàm tương quan với các thụ tạo.

3. Ngôi Lời rõ ràng nói lên một tương quan, và đó là tương quan với một nguyên lý mà do đó Ngôi Lời phát xuất Vậy nếu Ngôi Lời quy về thụ tạo, thì Ngài phát xuất từ thụ tạo.

4. Có các ý niệm trong Thiên Chúa như các tương quan phân biệt với các thụ tạo. Vậy, nếu Ngôi Lời có các tương quan với các thụ tạo, thì trong Thiên Chúa không phải là có một Ngôi Lời duy nhất, nhưng có nhiều Ngôi Lời.

5. Nếu Lời bao hàm tương quan với thụ tạo, điều này chỉ có thể có, là bởi các thụ tạo được Thiên Chúa tri thức. Nhưng Thiên Chúa không những tri thức các hữu thể, mà Ngài còn tri thức các phi hữu. Do đó, trong Lời không bao hàm các tương quan với các phi hữu; điều này xem ra sai lầm.

TRÁI LẠI :

Thánh Augustinô nói : tên Lời biểu thị không những các tương quan với Đức Chúa Cha, mà còn biểu thị tương quan với các hữu thể đã được tạo thành nhờ Lời, do năng lực hành động của Lời (Lib. 83 quaest, q.68).

TRẢ LỜI :

Lời biểu lộ tương quan với các thụ tạo. Vì Thiên Chúa, do Ngài tri thức chính Ngài, tri thức tất cả các thụ tạo. Nhưng lời được ý niệm trong trí năng, biểu thị tất cả các sự vật mà chủ thể đã hiểu biết cách hiện thể. Do đó, trong chính chúng ta, có những lời khác nhau, thay thế những sự vật khác nhau mà chúng ta hiểu biết. Nhưng, bởi vì Thiên Chúa, bằng một hành động đơn nhất, hiểu biết chính Ngài cùng tất cả các sự vật, thì Lời đơn nhất và duy nhất của Ngài biểu lộ không những Đức Chúa Cha, mà còn tất cả các thụ tạo. Đàng khác, trong khi đối với Thiên Chúa, tư tưởng của Thiên Chúa là sự tri thức thuần túy, đối với các thụ tạo, nó là sự tri thức và là nguyên nhân; như vậy, Lời của Thiên Chúa là sự phát biểu thuần túy về mầu nhiệm Đức Chúa Cha, mà còn sự phát biểu và là nguyên nhân của các thụ tạo. Và như vậy đã có lời ghi chép : Thiên Chúa đã ngự phán và vạn vật đều được tạo thành (Tv 32); bởi vì trong Lời được biểu lộ ý tưởng hành động về các sự vật Thiên Chúa tạo thành.

GIẢI ĐÁP :

1. Bản tính cũng được bao gồm cách gián tiếp trong tên của ngôi vị; vì ngôi vị là bản thể cá thể của bản tính có trí năng. Bởi đó, tên của ngôi vị Thiên Chúa, đối với tương quan ngôi vị, không biểu lộ tương quan với thụ tạo; những tương quan với thụ tạo được biểu lộ trong tên thuộc về bản tính. Mà không có gì ngăn trở một ngôi vị biểu lộ tương quan với các thụ tạo, vì yếu tính được bao gồm trong ý nghĩa của tên ngôi vị như điều riêng biệt của Đức Chúa Con, là Đức Chúa Con, thì cũng vậy, điều riêng biệt của Đức Chúa Con, là Thiên Chúa được sinh sản, hoặc là Đấng sáng tạo được sinh sản; và theo thể cách này, tên Lời biểu lộ tương quan với các thụ tạo.

2. Bởi vì các tương quan có là do các hành động, thì một vài tên biểu lộ tương quan của Thiên Chúa đối với các thụ tạo; và tương quan này đi theo sau hành động của Thiên Chúa đi ra đến hiệu quả bên ngoài, như sáng tạo và thống trị. Các tên như vậy được ứng dụng cho Thiên Chúa trong thời gian. Nhưng các tên khác biểu lộ tương quan hiện hữu do một hành động không đi ra đến hiệu quả bên ngoài, nhưng ở trong tác nhân, như hiểu biết và muốn : các tên như vậy không ứng dụng cho Thiên Chúa trong thời gian. Tương quan thế này đối với thụ tạo, thì được bao hàm trong tên Lời. Không phải tất cả các tên biểu lộ tương quan của Thiên Chúa đối với các thụ tạo đều được ứng dụng cho Ngài trong thời gian nhưng chỉ được ứng dụng cho Thiên Chúa trong thời gian những tên nào hiện hữu do hành động của Ngài đi ra đến các hiệu quả bên ngoài.

3. Các thụ tạo được Thiên Chúa tri thức, không phải do sự tri thức có ra do chính các thụ tạo, nhưng do yếu tính riêng của Thiên Chúa. Do đó, Lời không phát xuất do các thụ tạo, mặc dầu Lời biểu lộ các thụ tạo.

4. Tên ý tưởng một cách chủ yếu được đặt ra để biểu thị tương quan với các thụ tạo : nó được sử dụng ở số nhiều trong Thiên Chúa, và không được nói bằng cách ngôi vị. Còn tên Lời, một cách chủ yếu được đặt ra để biểu thị tương quan với người nói, và do đó biểu thị tương quan với các thụ tạo, vì Thiên Chúa, hiểu biết chính Ngài, thì hiểu biết tất cả các thụ tạo; và như vậy, duy có một Lời đơn nhất trong Thiên Chúa và đó là một Lời đơn nhất thuộc ngôi vị.

5. Sự tri thức của Thiên Chúa đạt tới các phi hữu cách nào, thì Lời của Thiên Chúa cũng đạt tới các phi hữu cách ấy; vì Lời của Thiên Chúa không chứa đựng kém hơn sự tri thức của Thiên Chúa như thánh Augustinô nói (De Trin. 15,14). Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý điều này, là Lời bao gồm các phi hữu, với tính cách biểu lộ và tạo thành chúng nó; còn sự tri thức của Thiên Chúa bao gồm các phi hữu với tính cách biểu lộ và bày tỏ.

 


CÂU HỎI 35
CÂU HỎI 33

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt