Triết học văn hóa

Sieyès, Herder, Goethe - Tính phổ quát và bản sắc dân tộc

 

SIEYÈS, HERDER, GOETHE

TÍNH PHỔ QUÁT VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC

ALAIN FINKIELKRAUT*

 

Đối với khái niệm phi thời gian về “quốc gia” do nước Pháp 1789 đề xuất với châu Âu, Herder và những người lãng mạn Đức nêu lên tính riêng biệt không thể xóa bỏ của mỗi dân tộc. Đương thời, chỉ có Goethe là vượt lên trên được mâu thuẫn ấy giữa cái phổ quát và cái đặc thù bằng cách khẳng định rằng mọi nền văn học đều có thiên hướng vươn tới tính toàn cầu.

Sieyès[1] định nghĩa: “Quốc gia là một tập thể người liên kết sống theo cùng một luật pháp và đạt được đại diện bởi cùng một cơ quan lập pháp”[2]  – “Người liên kết” riêng từ này đã đủ xóa cả một quá khứ hàng nghìn năm và, nhân danh quốc gia, tống khứ một cách thô bạo lịch sử dân tộc. Việc chia xã hội thành ba đẳng cấp bị bãi bỏ: không còn phân biệt quý tộc, linh mục, thẩm phán, người bình dân, nông dân, chỉ còn có những người được hưởng những quyền lợi như nhau và có những nhiệm vụ như nhau. Bằng một từ Sieyès tuyên bố sự cáo chung của chế độ tập thể: cậy thế tổ tiên mà đòi hỏi một đặc quyền cho riêng mình cũng bằng tự loại trừ ra khỏi tập thể quốc gia.

Đi ngược với chính gốc chữ Nation[3] (nascor, trong tiếng Latinh nghĩa là sinh ra), quốc gia cách mạng đã trốc rễ những cá nhân, định nghĩa cá nhân theo tính nhân loại hơn là nguồn gốc sinh thành. Vấn đề không phải là trả lại một tính danh tập thể cho những con người không tung tích không phận vị; trái lại, vấn đề là khẳng định căn bản sự tự chủ của họ bằng cách giải thoát họ khỏi ràng buộc vĩnh viễn.

Quốc gia: Một sự liên kết tự nguyện và tự do

Thoát khỏi những ràng buộc và dòng dõi, những cá nhân cũng được giải phóng khỏi uy quyền siêu nghiệm trước nay vẫn ngự trị họ. Không còn Thượng đế và tổ tiên nữa; họ không còn phụ thuộc vào Trời cũng như vào chế độ tập thể nữa. Liên kết mà không tòng thuộc, họ được (nói như Sieyès) đại diện bởi cùng một cơ quan lập pháp. Bản thân cái quyền lực họ chịu theo cũng nảy sinh và trở thành hợp pháp từ việc họ quyết định cùng nhau chung sống và tự tạo ra những thể chế chung. Một thỏa ước ấn định việc thực thi, những giới hạn và tính chất của quyền lực ấy. Tóm lại, việc trị quốc là một tài sản thuộc về tập thể quốc gia mà các vua chúa xưa nay bao giờ cũng chỉ là “những người thu hoa lợi, những người thừa hành, những người được ủy quyền”. Nếu có vị quốc vương nào sử dụng bậy bạ quyền lực chính trị được ủy thác theo khế ước, nếu ông ta coi cái công ấy là của riêng, thì quốc gia, như Diderot đã nêu ra trong Bách khoa toàn thư, có quyền giải cho ông ta lời tuyên thệ, như một “kẻ vị thành niên hành động mà không biết đầu đuôi xuôi ngược ra sao”[4]. Nói cách khác, quyền lực không còn là xuất phát từ trên trời nữa, mà từ bên dưới, từ đất, từ dân, từ sự liên hiệp các ý chí hợp thành tập thể quốc gia.

Như vậy, khái niệm “quốc gia” đã xâm nhập vào lịch sử chống lại những đặc quyền quý tộc, và vương quyền chuyên chế. Tôn ty xã hội căn cứ vào dòng dõi gia tộc và chế độ quân chủ vào thần quyền. Cách mạng Pháp đã thay thế mô hình xã hội ấy và quan niệm quyền lực chính trị ấy bằng hình ảnh một sự liên kết tự nguyện và tự do.

Đối với những người bảo thủ, đó đích thực là tội tổ tông truyền, tính tự thị tất yếu của những người cách mạng. Tập hợp với nhau để làm hiến pháp, họ tưởng mình lặp lại bản thỏa ước ban đầu đã khai sinh ra xã hội. Để thiết lập chế độ đại nghị, họ vịn vào Khế ước xã hội. Thế nhưng – những người bảo vệ truyền thống trả lời – làm gì có khế ước nào; một công dân thuộc về quốc gia của mình đâu phải là do ý muốn tối cao của bản thân mình hạ lệnh. Tư tưởng ấy là hão.

Herder: Những giá trị phổ biến trước tòa án của tính đa dạng

Sở dĩ những triết gia không thừa nhận quyền lực của tập quán là vì họ tôn vinh những nguyên lý trừu trường và phi thời gian. Sở dĩ họ không sợ “giẫm lên thành kiến, truyền thống, thâm niên, sự đồng tình của nhân dân, uy quyền, tóm lại tất cả những gì thống trị đám đông trí tuệ”[5] [3], ấy là vì, nói theo Platon, họ đặt cái Thiện lên trên mọi thứ tồn tại. Để phán xét trật tự đã thiết lập, họ dựa vào một tiêu chuẩn tuyệt đối, vào một ý niệm bất biến và cưỡng bách về quyền lớn. Những người phản cách mạng không chịu theo họ lên những đỉnh cao ấy và chọn Herder làm người phát ngôn.

Thay vì xem xét các sự việc theo những tiêu chuẩn lý tưởng, Herder chỉ ra rằng bản thân những tiêu chuẩn ấy cũng có nguồn gốc phát sinh và bối cảnh, tóm lại cũng chỉ là những sự việc mà thôi. Ông quy cái Thiện, cái Chân, cái Mỹ trở về nguồn gốc địa phương, kéo những phạm trù vĩnh cửu đương nhởn nhơ trên trời xuống mảnh đất nơi chúng sinh ra. Herder tuyên bố là không có tuyệt đối, chỉ có những giá trị địa phương và những nguyên lý ngẫu phát.

Từ xưa đến nay, hay nói chính xác hơn, từ Platon đến Voltaire, tính đa dạng của con người đã bị đem ra xử trước tòa án các giá trị; Herder xuất hiện và khiến cho tòa án của tính đa dạng lên án tất cả những giá trị phổ biến.

Phải đợi đến trận đại bại ở Iena và đến khi Napoléon chiếm đóng Đức, những tư tưởng Herder mới thực sự tung cánh bay cao. Đương diện với nước Pháp đi chinh phục, nước Đức – bị cắt đứt thành nhiều công quốc – tìm lại được ý thức thống nhất. Sự ca ngợi bản sắc cộng đồng Đức bù lại sự thất bại quân sự và sự trả giá bằng tình trạng nô dịch tủi nhục. Dân tộc tự đền bù sự nhục nhã đáng phải chịu đựng bằng cách say sưa phát hiện ra văn hóa của mình. Để quên sự bất lực, người ta lao vào cơn say mê Nhật Nhĩ Man. Những giá trị phổ biến mà nước Pháp viện ra bị bác bỏ nhân danh tính đặc thù Đức, các nhà thơ và các luật gia có sức mạnh khẳng định đặc trưng Đức cổ xưa ấy. Các luật gia có nhiệm vụ đề cao những giải pháp truyền thống, nhưng tập quán, những cách ngôn và ngạn ngữ vốn là cơ sở của luật pháp Đức, một tác phẩm tập thể tạo nên bởi tinh thần bản năng và lặng lẽ của dân tộc. Những nhà thơ thì có nhiệm vụ bảo vệ thiên tài dân tộc đó chống lại những tư tưởng ngoại bang đang len lỏi vào; làm cho ngôn ngữ trong sạch bằng cách thay nhiều từ Đức gốc latinh bằng những từ ngữ thuần túy Nhật Nhĩ Man; khơi lại kho báu chìm lấp trong dân ca; và trong công việc thực tiễn, học tập folklore, một hình thái tươi mát, hồn nhiên và hoàn hảo trong đó có cá tính của nhân dân còn chưa nhuốm dấu vết tiếp xúc nào và được thể hiện nhất quán.

Những triết gia Ánh sáng tự định nghĩa mình là người làm chủ được chân lý và công bằng, họ đem lại sự công bằng của luật pháp lý tưởng đối lập với độc đoán và lạm quyền Chủ nghĩa lãng mạn Đức lộn nhào hết cả: luật gia và thi sĩ trước tiên đả vào những tư tưởng về lý trí phổ quát hay về luật pháp lý tưởng. Trong phạm vi văn hóa, vấn đề đối với họ không còn phải là đẩy lùi thành kiến và ngu dốt mà là thể hiện trong tính riêng biệt tối giản của nó linh hồn duy nhất của nhân dân mà họ là những người gìn giữ.

Goether chống lại Herder: văn học, uyên nguyên của cái phổ quát

J. W. Goethe (1749-1832)

Ngày 31-1-1827, Goethe, ở đỉnh cao vinh quang và vào lúc cuộc đời xế chiều, nói chuyện với người bạn trung thành Eckermann về một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc mà ông cho là rất đáng kể, đương làm ông bận tâm. Mới đầu, Goethe chờ đợi mình sẽ bị cái kỳ lạ và cái ngoạn mục của tác phẩm ấy chinh phục đến mực hồ như kính nể; nhưng rồi ông lại tìm thấy trong đó những nét đồng điệu với bản hùng ca bằng thơ Hermann và Dorothée của chính mình và với tiểu thuyết Anh của Richardson. Ông ngạc nhiên không phải vì tính chất xa lạ mà vì tính chất gần gũi của tác phẩm. Là một mảnh tách khỏi một nền văn minh xa vời, ít được biết đến, văn bản ấy tuy vậy không phải là một cái gì lạ lẫm: chính đó là điều khiến ông băn khoăn và sự trùng phùng có vẻ vô lý giữa ông, vị lão trượng của châu Âu, với cuốn tiểu thuyết Trung Quốc ấy, cảm giác quen thuộc kỳ lạ mà ông cảm thấy, sợi dây liên hệ đã được dệt nên bất chấp mọi khác biệt ấy đã phát lộ cho ông thấy khả năng của tinh thần con người có thể vượt ra khỏi xã hội và lịch sử. Cắm rễ vào một mảnh đất, cắm neo vào một thời đại, bị định vị trong thời gian và trong không gian, con người vẫn có thể vượt qua được tính tất yếu của những thứ phân lập. Sự chia cắt không phải là bất khả kháng: có những nơi chốn – cụ thể ở đây là sách – là ở đó nhân loại có thể thắng việc xé vụn mình ra thành vô vàn đầu óc địa phương.

Vượt ra khỏi cái khung dân tộc

Từ nghiệm chứng ngỡ ngàng thích thú ấy, Goethe liền rút ra một cương lĩnh: một khi văn học đã có khả năng thắng hoặc vượt lên những khác biệt về thời đại, chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa, thì nó phải dốc hết sức làm việc đó. Khả năng ấy định ra lý tưởng của nó. Điều không tưởng đó, cái không-nơi-chốn đó, cái vượt không gian và thời gian đó mới là thiên hướng thực sự của văn học: chỉ những tác phẩm mà những câu hỏi “ở đâu?” và “bao giờ” không thể thuyết minh hoàn toàn được mới có giá trị.

Qua Herder, Goethe đã biết rằng con người không phải là của mọi thời gian và không gian, rằng ngôn ngữ họ nói, cảnh quan nơi họ ở, lịch sử trong đó có số phận họ không phải là những tính chất thứ yếu hoặc hoa lá thêu thùa điểm tô thêm bản chất con người. Ông biết rất rõ không thể dùng sắc lệnh để khiến người ta thoát khỏi đặc tính của dòng giống. Ông coi nhóm dân tộc là một mặt cấu thành – chứ không phải ngẫu nhiên – của sinh tồn. Nhưng – điều này mới là cơ bản – Goethe không cho cái tất yếu là cái hay. Chúng ta thuộc về một truyền thống cụ thể, chúng ta được dân tộc hun đúc, đó là một sự việc không thể nhắm mắt làm ngơ, nhưng đó không phải là một giá trị trong bất cứ trường hợp nào. Thực tế đó đáng được công nhận, nhưng không đáng được sùng bái. Thơ cùng không khí với những người cùng bộ lạc, sinh ra y như mọi người trong một thế giới có lịch sử và bị chia cắt, người nghệ sĩ không thể kỳ vọng ngay từ đầu đã đạt đến tính phổ quát. Anh ta hồn nhiên chia xẻ những cách nhìn và nhận định chung đối với sự vật, tính cách anh ta mới đầu không khác tính cách cộng đồng đã mang lại cho mình những ý tưởng đầu tiên và những từ để thể hiện chúng. Nhưng đó không phải là lý do để thêm thắt khuếch đại lên, để tuyệt đối hóa sự cắm rễ ấy vào một nơi và một ngôn ngữ.

Cùng với Herder, Goethe nhận thấy sự lệ thuộc của tinh thần, sự ràng buộc của nó vào một cộng đồng riêng biệt. Nhưng ngược lại với Herder, Goethe giao cho nghệ thuật nhiệm vụ không phải là tô điểm sự lệ thuộc ấy mà là vượt lên nó. Những tác phẩm cá nhân phải vượt quá Volksgeist (tinh thần dân chúng) chứ không phải chỉ thể hiện nó. Văn hóa nhân loại, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể quy gọn ở mức là tổng số của những nền văn hóa riêng biệt. Bởi vậy, Goethe kêu gọi các nhà thơ, các nghệ sĩ và các nhà tư tưởng hãy ra khỏi cái khung dân tộc mà Herder và các đồ đệ của ông khuôn họ vào.

Tiến tới một nền văn hóa thế giới

Khi chuyện trò với Eckermann, Goethe rất thanh thản: ông cho là thời gian ủng hộ văn học thế giới. Nhiệt huyết dân tộc chủ nghĩa nguội dần khi sự chấn thương tinh thần gây ra bởi cuộc chinh phục của Napoléon dịu đi và chủ nghĩa lãng mạn chính trị suy tàn một cách hồ như vô phương cứu chữa. Thêm vào đó, một thị trường thế giới đang xuất hiện, chấm dứt tình trạng các dân tộc thu mình vào trong vỏ ốc. Không một bộ phận nào của nhân loại có thể tiếp tục lịch sử của mình trong bế quan tỏa cảng, tách ra khỏi mạng lưới của nền kinh tế thế giới. Trước đó không lâu, các biên giới còn đóng kín, giờ đã có khe hở; xem chừng không thể ngăn mãi không cho những sản phẩm tinh thần nhập vào dòng lưu thông của cải đã triển khai khắp toàn cầu.

Lịch sử, như ta đã biết, đau đó đã đi theo những đường vòng bất thường hơn.

 


Nguồn: Tạp chí Người đưa tin UNESCO. Chuyên đề “1789 Một ý tưởng đã làm thay đổi thế giới”. Số tháng Sáu 1989, trang 30-33. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.



* ALAIN FINKIELKRAUT, triết gia và nhà văn Pháp, giáo sư trường Bách Khoa (Paris), Giám đốc tạp chí Le Message européen. Đã xuất bản: Le jeu imaginaire (Seuil, 1980), La défaite de la pensée (Gallimard, 1987) và La Mémoire vaine (Gallimard, 1989)

[1] Emmanuel Josepth Sieyès (1748-1836) chính khách Pháp mặc trang phục Ủy viên Ban Đốc chính. Nước Pháp đặt dưới sự cai quản của Ban đốc chính từ 1795 đến 1799. Quyền hành pháp nằm trong tay 5 Ủy viên Đốc chính.

[2] Qu’est-ce que le Tiers-Etat? P.U.F: - Paris 1982.

[3] Nation vừa có nghĩa là quốc gia, vừa có nghĩa là dân tộc – ND.

[4] Diderot – mục từ “Autorité politique” trong Encyclopedie – Éditions Sociales, Paris, 1984.

[5] Diderot – mục từ “Eclectisme” trong Encyclopedie.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt