Tư tưởng Việt Nam

Bác cái thuyết văn minh vật chất và văn minh tinh thần

BÁC CÁI THUYT VĂN MINH VT CHT VÀ

VĂN MINH TINH THN*

 PHAN KHÔI

 


Nguồn: Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 4 (8. 10. 1933), tr. 4-5. Phiên bản điện tử: http://lainguyenan.free.fr


 

 

Gần nay ở nước ta, mà nhất là ở Nam Kỳ, có ít nhiều kẻ bạo gan khởi làm một việc quá sức họ, là việc đem hai cái văn minh của Đông và Tây mà so sánh nhau. Rốt cuộc, mười người hết chín kết luận rằng cái văn minh Tây phương là văn minh vật chất, còn cái văn minh Đông phương là văn minh tinh thần.

Việc so sánh này, bọn học giả bên Tàu đã làm rồi trước đây những mười lăm, hai mươi lăm. Bấy giờ họ cũng có một số người kết luận như thế. Không khéo, các nhà phê bình văn hóa của xứ ta chẳng qua cũng lại mượn cái lỗ mũi của họ mà thở, chưa biết chừng.

Phê bình văn hóa là một việc không phải dễ, đối với người mình lại càng không dễ lắm, nên trên kia tôi cho là việc quá sức. Ai có quyền phê bình văn hóa Đông Tây? Tôi tưởng, phải là người đọc khắp các lịch sử văn minh của các dân tộc thế gian, mà lại phải để bàn chân lên khắp các đất của các dân tộc ấy, tri thức với duyệt lịch ngang nhau, thì mới đủ sức mà phê bình vậy. Có người như vậy rồi, lại còn sợ bị cái tư tâm và cái thành kiến của mình nó làm cho thiên lệch đi, cho nên còn có một điều cần yếu nữa: người ấy phải tinh thông và nghiêm giữ cái phương pháp phê bình. Người Việt Nam ta, nhất là mấy người đã bạo gan đó, đọc đã ít mà đi lại càng ít, vả lại có ý xem thường phương pháp, sự phê bình của họ, tôi quyết là vô giá trị.

Rốt lại, họ quyết luận theo như một phái người Tàu, là chỉ vì cái tư tâm của họ đó thôi. Họ, và cho đến mấy người Tàu ấy cũng vậy, chỉ vì thấy hiện nay trăm việc gì Tây cũng hơn Đông cả, có ý hổ thẹn cho cái cổ văn minh Đông phương này, nên mới tìm cách nói để lấy lại thể diện đó thôi.

Họ bảo cái văn minh Tây phương là văn minh vật chất, có ý là cái văn minh ấy chỉ vụ bề ngoài cho tốt đẹp rực rỡ chớ bề trong không có chi; còn cái văn minh Đông phương là văn minh tinh thần, có ý là cái văn minh ấy chỉ vụ bề trong cho cao thượng chớ bề ngoài xoàng xoàng cũng được, không cần gì cả.

Tôi không đủ sức mà làm cái việc phê bình lớn lao này. Vì tôi không đọc đủ sách và chưa hề đi khảo sát khắp các nơi. Tuy vậy, thấy lời kết luận của họ không đúng lẽ, trái ngược với sự thực, vả lại cái thuyết của họ lan ra có thể làm cho người mình thêm kiêu căng và thoái bộ, cho nên tôi muốn viết ra đây mà phản đối.

Mười lăm năm về trước, bên Tàu có một phái ca tụng văn minh Đông phương, cho là văn minh tinh thần, thì cũng lại có một phái khác phản đối lại. Phái này tôi thấy có Lâm Ngữ Đường và Hồ Thích là hai người quả quyết hơn. Sự lý của tôi trong bài này tuy có giống với hai người ấy ít nhiều, nhưng đến cái nguyên lý mà tôi cứ đó để lập luận thì bởi chính tôi tìm lấy, chứ tôi không hề nói theo họ.

Tôi dựa vào lịch sử mà cho rằng cái văn minh của loài người là y nguyên cả một cái, chứ không hề chia ra có thứ văn minh nọ, văn minh kia. Văn minh của Đông với của Tây khác nhau là khác về trình độ chứ không phải về tính chất.

Vả lại, cái nghĩa tinh thần và vật chất ở đây tuy là hai mà kỳ thực có một. Hễ tinh thần đã đến một cái trình độ kia thì vật chất cũng đến một cái trình độ kia; tinh thần còn ở một cái trình độ này thì vật chất cũng còn ở một  cái trình độ này. Theo lẽ ấy thì vật chất Đông phương sở dĩ kém Tây phương là tại tinh thần cũng kém Tây phương; và Tây phương đã hơn Đông phương về vật chất thì cũng hơn luôn về tinh thần.

Cái lẽ ấy rõ ràng lắm; dưới này chỉ còn có lấy thực sự mà chứng nghiệm ra thôi.

Người ta hay nói vật chất! vật chất! chi thứ đồ vật chất! ‒ như tuồng khinh bỉ nó lắm, mà quên lửng, không nhìn lại thử cái vật chất ấy ra từ đâu. Hết thảy các thứ mà ta gọi là vật chất của Tây phương, tức là những đồ cơ khí lợi dụng cho sự sống loài người, đều sinh ra từ khoa học. Cái khoa học ấy có phải chợt một cái mà có ngay được đâu? Đã vắt bao nhiêu cái óc thông minh, trải mấy trăm năm mới tìm ra được đó chứ. Thế thì cái khoa học đó, cái mà phí bao nhiêu óc thông minh mới tìm ra đó, còn là cái gì mà chẳng phải là tinh thần?

Cái tinh thần ấy cao thượng lắm, siêu việt lắm, kỳ vĩ lắm, hùng tráng lắm: muốn lấy sức người mà tranh quyền cùng tạo hóa, muốn cho nước Thiên đàng thiệt hiện ra trên quả địa cầu. Tuy ngày nay chưa đạt cả đến mục đích, song ắt có một ngày sẽ đạt cả đến mục đích.

Ta thử đem một cái xe ô-tô ra mà nói chuyện. Cái xe chạy một ngày hàng mấy ngàn cây số, thu muôn dặm lại trong gang tấc, làm cho mất sự hạn chế của không gian và thời gian, thế mà không dùng đến con vật kéo chứ đừng nói người kéo, thì có phải chính nó đã bày tỏ cái tinh thần cao thượng hùng tráng kia ra cho ta thấy không? Phải, duy trước hết đã có cái tinh thần vật lộn với sức tự nhiên, lại còn muốn cho cả người ta và loài vật đều khỏi vất vả nên mới sáng chế ra được cái xe ô-tô ấy.

Người Đông phương chẳng phải chẳng có tinh thần, nhưng cái tinh thần yếu đuối lắm, gặp sức tự nhiên ở đâu thì chạy như gà chạy mặt, bởi đó mà cái lòng bác ái cũng kém đi. Sung cái tinh thần ấy ra, người Đông phương chỉ sáng tạo được cái xe tay hay gọi là xe kéo, cái xe mà chỉ có Tàu, Nhật Bản, Việt Nam, Tân-gia-pha mới có. Ấy, chính nó, cái xe mà một người da vàng kéo đằng trước như là con ngựa, còn một hoặc hai, có khi đến ba bốn người da vàng khác ngồi ở trên xe!

Cái tinh thần của chúng ta dù yếu đuối thế nào cũng không đến nỗi nhận cho sự một người kéo xe cho một người đồng loại là lẽ đương nhiên. Chúng ta cũng biết thế là bậy chớ. Thế mà lại còn có kẻ ngồi trên cái xe có người đồng loại kéo, dương dương tự đắc, dám bĩu môi chê cái xe ô-tô chạy đằng trước mình là vật chất văn minh, thì tôi, tôi không còn có lý sự nào mà nói phải nói trái với họ nữa!

Huống nữa, ngoài những đồ cơ khí ta kêu bằng vật chất mà nó vẫn có cái tinh thần cao thượng hùng tráng làm căn bản cho nó ra, người Tây phương lại còn có những cái tinh thần thuộc về các phương diện khác, mà theo tôi thì cái nào cũng lấn hơn của Đông phương cả; dù không hơn cũng bằng, chứ không kém.

Cái tinh thần ở trong cõi văn học, họ hơn Đông phương; trong cõi chánh trị, họ hơn Đông phương; trong cõi kinh tế, họ hơn Đông phương… Ở đây tôi không có thể dẫn chứng ra cho hết, chỉ nói gọn một câu rằng: Nếu trong những cõi ấy mà cái tinh thần của Tây phương không hơn Đông phương, thì năm sáu chục năm nay người Đông phương còn chịu mất tiền sang Âu sang Mỹ du học làm gì? Và, nếu bảo cái tinh thần của Đông phương hơn Tây phương thì sao chẳng hề thấy Tây phương phái học sinh xuống Đông phương du học?

Mọi sự rõ ràng ra trước mắt: bao nhiêu những học thuyết mới, như dân trị chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, kinh tế sử quan… phát sanh ở Tây phương rồi và mươi năm nay lần lượt nhập cảng vào Đông phương, những cái đó chẳng phải tinh thần là gì? Vậy mà dám bảo Tây phương chỉ là văn minh vật chất, còn Đông phương ta mới là văn minh tinh thần, thì tôi chẳng biết người ta sao mà cả gan dám xóa bỏ sự thực đến thế!

Chúng ta, người Việt Nam đây, phải tỉnh ngộ lại, phải thành thật nhận mình là thua kém, thua kém về vật chất là bởi thua kém về tinh thần. Ta nên biết cái trình độ của ta ước chừng nằm vào khoảng Trung thế kỷ (moyen àge) của Âu châu, còn tối tăm lắm, còn vụng dại lắm, chẳng có tinh thần gì đâu mà làm phách! Nghe lời ba cái anh nói dóc ấy càng thêm hại!

Một cái sự thực đáng đem ra chứng nghiệm nữa là việc nước Nhật Bản. Người Nhật họ đã biết mình kém Tây phương cả vật chất lẫn tinh thần, nên họ học theo Tây hết, thì bây giờ họ cũng kịp Tây, cập kỳ thành công nhất dã. Cho nên, dù ta chịu kém Tây phương cả đến về tinh thần, ấy cũng không phải một điều đáng thẹn cho ta mà ta lấy làm xấu hổ. Duy có nói dóc mới là xấu hổ và bất tự tri mới là đáng thẹn.

 

 

* Nhan đề đăng lần đầu là Văn minh vật chất với văn minh tinh thần, đến số 6 P.N.T.Đ., tác giả đã tự phê bình về sự vô nghĩa của nhan đề ấy và đã sửa lại.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt