Tư tưởng Việt Nam

Lại thấy luận lý học là cần có

LẠI THẤY LUẬN LÝ HỌC LÀ CẦN CÓ

PHAN KHÔI ((1887-1959)

 

Vì thấy trong nhiều cuộc biện luận của người mình không theo phép tắc nào hết, nên mấy năm nay, tôi hay đem luận lý học ra để nhắc nhỏm người ta. Có kẻ lấy việc đó mà chế nhạo tôi, thậm chí họ vu cho tôi tự xưng là luận lý học giả (logicien), rồi kiếm lời mà trêu ghẹo; những người như vậy chẳng qua là người phá đám.

Tôi không khi nào tự phụ là đã tinh thông cái học ấy; duy tôi thấy nó là có ích cho học giới ta, là phương thuốc hay, có thể trị được bệnh người mình, tôi đem mà mách miệng cho ai nấy đó thôi.

Có nhiều kẻ lại phản đối bằng cách khác. Như ông Vũ Xuân Lâm, ông Chu Quế Long cùng ông gì đó mà giấu tên đi trong báo Tiếng dân. Trong đám phản đối đó phải kể ông Trần Trọng Kim, trong cuộc luận chiến về Nho giáo, ông cho luận lý học là hẹp hòi, không đủ tìm thấy chân lý.

Như vậy thì té ra các ông không nhìn rõ cái công dụng của luận lý học. Luận lý học chẳng phải là cái học cho ta dựa theo nó để tìm chân lý. Cái công dụng của nó đã chẳng ở đó mà các ông lại nhè lấy chỗ đó trách nó là oan.

Ông Mill (1806-1873), người Anh, là nhà luận lý học có tiếng khắp thế giới, đã luận về cái công dụng của luận lý học rõ ràng lắm. Theo như ông thì luận lý học tuy thuộc về cái phạm vi triết học, nhưng nó khác với chính mình triết học. Cái việc của triết học làm, không phải là việc của luận lý học làm. Triết học ví cũng như kẻ có ra tay làm công nọ việc kia, còn luận lý học chỉ là kẻ ngồi mà xử đoán. Thử nói rõ ra một việc như: nhà triết học phải tìm tòi chứng cớ để án nghiệm cho cái thuyết của mình, thì nhà luận lý học không phải làm như vậy, mà chỉ soát lại xem cái chứng cớ ấy là phải hay quấy mà thôi.

Bởi vậy, sự tìm thấy chân lý là việc của triết học làm, chứ không phải việc của luận lý học làm. Những vấn đề tụ tụng xưa nay, như tâm và vật, hữu và vô, là vấn đề của triết học chứ không phải vấn đề luận lý học. Duy có những cái chứng cớ để án nghiệm cho tâm và vật, hữu và vô ấy, thì thế nào cũng phải trải qua sự xử đoán của luận lý học, rồi mới thành lập được. Chính cái công dụng của nó là ở sự xử đoán ấy[1].

Vậy thì luận lý học chỉ bày bảo sự đắc thất cho ta trong vòng lập ngôn mà thôi, chứ chưa nói đến sự minh lý. Sự minh lý phải để phần cho triết học.

Tuy vậy, lập ngôn mà không theo phép tắc thì nó cũng đủ làm trở ngại cho sự minh lý. Bởi vậy xưa nay học giới nước nào cũng phải cần tới luận lý học.

Trong cuộc luận biện về quốc học vừa rồi, nếu ông Lê Dư cũng giữ trong phạm vi luận lý học mà biện luận, thì ông đã không có những cái luận chứng (argument) quá ly kỳ như tôi cho là không bao giờ thành lập được.

Một đoạn ông đem sự nước ta không có quốc phục mà vặn lại tôi, tôi đã gạt đi trong bài trước. Nhưng sau đó, ông kết luận rằng: phục chế của ta ngày nay chính là quốc phục, mà đã công nhận phục chế của ta là quốc phục được, thì quốc học của ta từ xưa đến nay cũng nhận là quốc học được, vì cái học của ta từ xưa đến nay cũng có một cái vẻ đặc biệt, nhiều chỗ không giống nước nào cả.

Như vậy có phải ông cho: hễ nhận có quốc phục được tức là nhận có quốc học được không? Có lý sự đâu mà ly kỳ như thế?
Khi đem so sánh với quốc văn, quốc sử, đạo nghĩa mà ông nói là ba khoa quốc học của Nhật Bản, ông chỉ đem ra có một khoa quốc văn của ta là chữ Nôm. Chỗ này thấy rõ ông túng quá! Phải như thứ chữ Nôm ấy mà thành lập được là một thứ văn tự, thì thôi, bây giờ chúng ta có bỏ đi mà dùng chữ Quốc ngữ La tinh làm gì? Nôm na cha mánh khoé, chỉ dùng tạm trong một thời rồi chung quy phải bị đào thải, thế mà ông cũng đem ra làm luận chứng! Luận lý học không cho ai dựng lên những cái luận chứng mong manh như vậy.

Lại tóm tắt ý trong bài của ông, thấy ra ông kết luận rằng hễ có nước thì có quốc học; Nhật Bản cũng là một nước như ta, có lịch sử và diện tích bằng ta, cho nên hễ Nhật Bản có quốc học thì ta cũng có quốc học. Cái luận điệu này cũng một thứ với đoạn nói về quốc phục mà tôi đã chỉ ra trên kia. Vả nhận có quốc phục mà không nhận có quốc học, lại chẳng được hay sao? Cũng như Nhật Bản là một nước, nhưng họ có quốc học, còn ta cũng là một nước, nhưng ta không có quốc học, lại chẳng được hay sao?

Cái không đủ đem làm luận chứng mà sao lại đem làm luận chứng? Nếu đem nhiều điều luật của luận lý học mà ghép vào những đoạn văn này, thật nó sai bét đi hết.

Đến như trong bài Luận về quốc học của tôi, chỗ lược phân giới hạn văn học và quốc học, tôi có dùng những chữ hồ nghi, không dám quả quyết, mà bị ông bác đi, nói rằng: Ông (Phan Khôi) thanh minh lên rằng ông lược phân cái giới hạn văn học và quốc học mà ông phân biệt một cách mập mờ. Đáng phân biệt thế nào thì nói ngay, hà tất phải dùng những chữ như, chăng, không chắc cho lắm, nhưng hình như, thật là một giọng nói hồ đồ, ai nghe còn dám chắc thế nào được!

Ông đã từng tự phụ là một tay sở trường luận lý học thì nghị luận câu nào phải chắc chắc nấy, phải nói một cách quả quyết cho người ta tin có đâu mập mờ như vậy?

Tôi không tự phụ sở trường về luận lý học, nhưng tôi rất trọng thị luận lý học, bất kỳ trong khi tôi nghị luận điều gì, tôi cũng phải đoán lại đến nó hết. Chỗ tôi lược phân giới hạn văn học và quốc học trên đây mà tôi nói một cách hồ nghi, không dám quả quyết, chính là theo luận lý học đó.

Trong luận lý học, có phép phân loại (classification) là thật khó. Khó còn hơn sự lập giới thuyết (definition) nữa. Khi phân loại về sự vật gì, dầu tay tinh tế cho mấy cũng phải sợ sai lầm. Việc tôi làm đó là gồm cả phân loại và lập giới thuyết, cho nên tôi thận trọng là phải. Cho đến tôi không dám dùng một chữ phân hẳn, mà phải để chữ lược lên trên, tỏ ra cái ý chỉ phân sơ sơ mà thôi.

Thế mà ông Lê lại trách tôi! Trong bài của ông, tôi nhìn có đoạn này là chỗ ông đã thất ngôn lắm đó; mà cái cớ là bởi ông không thèm ngó đến luận lý học vậy.

Nhân đây, tôi thấy luận lý học là cần có cho kẻ học nước ta ngày nay, cũng như trước kia, tôi đã thấy rồi. Mà những người như ông Lê đương khảo cứu quốc học, tưởng lại còn cần nó lắm.

 


Nguồn: Đông tây, Hà Nội, s.121 (7.11.1931). Phiên bản điện tử: http://lainguyenan.free.fr/pk1931/laithay.html


 

[1] Đoạn trên này tôi lấy đại ý ở sách System of Logic của Mill mà là bản dịch chữ nho của Nghiêm Phục (nguyên chú của PK).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt