Tư tưởng Việt Nam

Một vài hồi ức về Bài giảng tư tưởng phương Đông của thầy Hượu

 

MỘT VÀI HỒI ỨC VỀ

BÀI GIẢNG LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG PHƯƠNG ĐÔNG 

CỦA THẦY HƯỢU

LẠI NGUYÊN ÂN

 

Trong những năm học đại học của tôi (1964-1968), bài giảng về lịch sử tư tưởng phương Đông của thầy Trần Đình Hượu là một trong những bài giảng, đối với tôi, là đáng nhớ nhất.

Đó là vào cuối năm 1967, sinh viên khóa 9 lớp tôi đang ở năm thứ tư ngành Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lúc ấy trường đóng ở nơi so tán, “giảng đường” là một căn nhà lá dưới chân đồi vùng núi Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nền lớp học còn được đào sâu xuống gần một mét, theo quy tắc tranh bom bi, mặt bàn học thấp hơn mặt đất đồi xung quanh… 

Thời gian ấy hầu hết sinh viên lớp tôi đã nhận đề tài luận án tốt nghiệp, có bạn mau mắn đã đưa đề cương dàn ý lần đầu lên nộp các thầy hướng dẫn để được duyệt, chuẩn bị cho đợt đi đọc tài liệu phục vụ viết luận án vào sau Tết âm lịch. Việc lên lớp học nói chung đã có màu sắc khác, bởi từ đây học không còn là để thi (như các chương trình từ năm thứ nhất đến năm thứ ba) mà chỉ là học để biết; việc học tuy không quá rảnh rang nhưng cũng không còn thật bận rộn. 

Đó là những tiết học gần như là cuối cùng của đời sinh viên, nội dung hầu hết là học các chuyên đề. Tôi còn nhớ đề tài những chuyên đề như về mỹ học, về tỉnh đảng cộng sản trong văn học nghệ thuật của thầy chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị, chuyên đề về mô-típ Tấm-Cám trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới của thầy Đinh Gia Khánh, chuyên đề tính cách và hoàn cảnh trong văn xuôi tiểu thuyết của thầy Phan Cự Đệ, chuyên đề truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của thầy Lê Đình Kỵ, chuyên đề văn học hiện sinh vùng đô thị miền Nam của thầy Hồ Tấn Trai, v.v… Cũng có một vài chuyên đề rất ngắn như về kinh kịch cách mạng hiện đại Trung Quốc của thầy Huy Liên, có khi chỉ là một buổi báo cáo như thuyết trình của thầy Nguyễn Kim Đính về quan niệm loại hình hóa ở học thuật Nga, qua một bài báo của học giả Gulyga, khác biệt so với quan niệm điển hình hóa. Đáng chú ý nhất, − ít nhất là đối với tôi, chứ không phải đối với mọi sinh viên trong lớp – là chuyên đề tư tưởng Nho gia và Lão Trang, do thầy Trần Đình Hượu trình bày.

Tôi nói chuyên đề ấy đáng nhớ nhất đối với một số sinh viên trong đó có tôi, là vì đó là chuyên đề hình như dài nhất về thời gian so với các chuyên đề khác. Trong vở ghi của tôi, đó là bài giảng được ghi dài nhất. Đó cũng là “đỉnh cao” trong lối “tốc ký” của riêng tôi, – không phải là tôi có học theo một khóa tốc ký bài bản nào mà chỉ là tự tập rèn lấy lối ghi nhanh nhất hiệu quả nhất cho mình, kể từ khi vào đại học, và cho đến lúc ấy thì đã có thể tạo ra một thói quen: ghi chép là cách nghe tốt nhất! Không phải “ghi từng lời” người nói, mà là ghi sát ý, ghi lấy ý của người nói, để khi về đọc lại là có thể hiểu lại được các nội dung bài giảng, thậm chí có thể nói lại vắn tắt cho người khác.

Chuyên đề tư tưởng Nho gia và Lão Trang của thầy Hượu, tôi ghi thành 130 trang, loại sổ tay giấy tiết kiệm, người ta tập hợp các trang giấy in các cuốn vở có dòng kẻ bị in hỏng, đóng xén thành thứ số tay cỡ 13x19 cm, mỗi cuốn chừng trên dưới 100 tờ, bán giá rẻ tại các hiệu tạp hóa.

Thời gian bọn tôi học chuyên đề ấy – chuyên đề về lịch sử tư tưởng Trung Hoa thời đại Xuân thu-Chiến quốc – cũng là thời gian mà tại Trung Quốc đang ở trong cao trào “cách mạng văn hóa” với các cuộc đấu tố, chụp mũ giấy và đấm đá thật lên đầu những quan chức cao cấp, những trí thức tên tuổi. Không xa nơi bọn tôi sơ tán, ngay dọc đường quốc lộ số 3, Hà Nội-Thái Nguyên đi Bắc Cạn, Cao Bằng, nơi các đơn vị công binh Trung Quốc làm đường, thỉnh thoảng lại có những trạm nghỉ có bày sách Mao tuyển chữ Việt do nhà xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh in, sẵn sàng tặng cho bất cứ ai tỏ ý muốn đọc. Trong một vài buổi học các chuyên đề khác tại lớp tôi đôi khi lại thấy xuất hiện một vài vị khách dự thính nói là vừa từ Bắc Kinh trở về, giữa giờ nghỉ họ thường trò chuyện với sinh viên, có lúc không dấu diếm câu hỏi: tại sao ở Việt Nam lại chưa tiến hành “cách mạng văn hóa”? Gần cuối chuyên đề của thầy Hượu, bọn tôi được nghe đôi câu bàn nhau nho nhỏ từ mấy cán bộ lớp: nghe nói trên Khoa có dư luận là không nên cho tiếp tục bài giảng này! Khi mà bên kia Tàu đang phê Khổng thì sao bên này ta lại cho học về lịch sử đạo Khổng?

Quả thật, sau khóa 9 bọn tôi, nghe nói trong chương trình học chuyên đề năm thứ tư ở mấy khóa tiếp sau đã không còn bài giảng tư tưởng Nho gia và Lão Trang của thầy Hượu nữa. Nhưng thầy Hượu vẫn làm việc tại khoa cũ, chuyển từ tổ giáo viên triết học sang tham gia bộ môn văn học Việt Nam cổ cận đại.

Những năm 1980 bọn tôi được biết thêm những ý tưởng mới về học thuật do thầy Hượu đem lại. Đó là nhận định rằng về căn bản là không thể xem xét dưới góc nhìn lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực (réalisme) đối với toàn bộ văn học Việt Nam thời trung đại, hoặc nhận định văn học Việt Nam ba chục năm đầu thế kỷ hai mươi như quá trình chuyển đổi hệ thống văn học, từ hệ thống văn học trung cận đại sang hệ thống văn học hiện đại, từ hệ thể tài gồm thơ văn phú lục sang hệ thể tài gồm thơ mới, kịch nói, tiểu thuyết, phê bình.

Tôi khi đó -- những năm 1970 -- hoạt động chủ yếu là biên tập xuất bản sách và viết phê bình văn học, nên rất chú ý đến các luận điểm ấy. Thỉnh thoảng tôi cùng một số bạn bè trong giới nghiên cứu giảng dạy hoặc giới làm báo rủ nhau đến thăm thầy, nhân thể hỏi và nghe thầy nói những nhận xét về nghiên cứu văn học từ góc độ lịch sử tư tưởng. Cũng từ đấy tôi thường cố gắng tham dự hầu hết những sinh hoạt học thuật có thầy Hượu thuyết trình, mà sự kiện gần như cuối cùng là hội thảo về Nguyễn Công Trứ tại trường viết văn Nguyễn Du. Chỉ sau đó ít lâu, tôi được tin thầy Hượu phải đột ngột nhập viện vì bệnh nặng và qua đời.

Sau khi thầy Hượu mất rồi, tôi càng thấy ra rất nhiều điều lẽ ra cần phải hỏi thầy mà chưa có dịp. Tôi cũng nhớ ra cuốn sổ ghi bài thầy giảng hồi mùa đông 1967 trên giảng đường ở Đại Từ. Tôi đi hỏi các bạn gần gũi thầy nhiều hơn như Trần Ngọc Vương, Nguyễn Đức Mậu, xem trong các giấy tờ di cảo của thầy có giáo trình “Tư tưởng Nho gia và Lão Trang” mà thầy từng dùng để giảng cho lớp tôi hồi ấy hay không. Tôi cũng đề nghị có những việc kiểm kê di cảo và tủ sách của các nhà nghiên cứu trong đó có trường hợp tương tự. Tuy vậy, về di cảo nói trên của thầy, không thấy có câu trả lời chắc chắn. Tôi bèn đi tới quyết định chép lại bài giảng trên của thầy Hượu, để, nếu được thì đưa in làm tài liệu phục vụ cho giới nghiên cứu.

Vào thời gian ấy, tức là đầu những năm 1990, ở mảng sách nghiên cứu đã bắt đầu xuất hiện những cuốn sách là bài ghi của học trò, còn nội dung là bài giảng của các thầy, ví dụ cuốn “Xã hội sử Trung Quốc” (Nxb. KHXH, 1994) là giáo trình đại học Hán học năm 1965-68 của Gs. Đặng Thai Mai, do một số học viên ghi lại; hoặc cuốn “Lịch sử tư tưởng trước K. Marx” (Nxb. KHXH., 1995) là bài giảng của Gs. Trần Đức Thảo hồi 1956-57 do các học trò là Phạm Hoàng Gia và Lưu Đức Mộc ghi lại. Những cuốn sách thực hiện theo cách như trên vừa gợi ý cho tôi, vừa kích thích tôi làm việc trên cuốn vở ghi bài giảng của thầy Hượu hồi sơ tán hơn hai chục năm về trước.

Tôi bắt đầu “chép lại” bài giảng “Tư tưởng Nho gia và Lão Trang” của thầy Hượu từ sổ ghi cũ ra các trang giấy mới. Điểm thuận lợi lớn cho tôi là trước kia tôi ghi được hầu như đầy đủ tên các chương, phần, mục bằng các ký tự A, B, C, hoặc I, II, III,… cho thấy một dàn ý chi tiết kỹ lưỡng của người giảng. Tôi không gắng diễn giải, khai triển mỗi ý ghi vắn tắt thành hẳn một câu, ngược lại, cứ giữ nguyên tính chất đề cương của từng câu trong bài giảng. Có điều tôi phải làm ngược lại với việc viết tắt trước kia, là tự mình “phiên giải” những từ những câu đã bị viết tắt; việc này không khó lắm vì đấy là cách viết tắt của chính tôi.

Còn lại, những khó khăn thực sự lại nằm ở những câu trích dẫn kinh truyện xưa ở bài giảng của thầy mà tôi ghi chưa chắc đã chính xác, đôi khi chỉ ghi lấy một vài từ trong khi đó là cả những câu tương đối dài. Đối với những năm 1990, sách vở kinh điển Nho giáo ở ta còn tương đối ít, hơi khó tìm để tra cứu; mà đây lại không phải là chuyên ngành của tôi. Tôi có trong tay một cuốn “Luận Ngữ”, một cuốn “Đạo Đức Kinh” in ở miền Nam những năm 1960, do bác Quang Đạm cho tôi, hồi gia đình tôi ở cùng khu tập thể với bác, trong ngõ Lý Thường Kiệt. Tuy vậy, chừng đó vẫn còn là rất thiếu thốn.

Để khắc phục những chỗ như vậy, tôi phải tìm tới các bạn có chuyên môn sâu hơn tôi. Tôi tìm tới bạn Trần Ngọc Vương, ban đầu chỉ hỏi một số chỗ thật sự “mắc mớ”. Về sau tôi bàn với bạn Vương, tôi ghi xong sẽ đưa cho bạn xem lại, bổ sung những dẫn liệu ấy.

Và nhân trò chuyện với bạn Trần Ngọc Vương, tôi biết thêm rằng, khoảng tháng 5-6/1991, thầy Hượu có thuyết trình tại Viện Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa) bài giảng “Nho giáo và Nho giáo ở Việt Nam”. Tôi tới Viện hỏi mượn được 6 cuốn băng ghi âm (cassett) và tập giấy đánh máy “tháo băng”, nhưng chưa hề biên tập, các phần của bài giảng đó.

Thế là tôi phải thêm vào “dự án” cuốn sách tương lai, “Các bài giảng về tư tưởng phương Đông” của thầy Trần Đình Hượu, một bài giảng thứ hai nữa, bên cạnh bài giảng mà tôi đã nghe và ghi vào mùa đông 1967.

Với bài giảng thứ hai này, bạn Trần Ngọc Vương cung cấp một nguồn thông tin bổ sung đáng kể: Anh biết là bạn Nguyễn Hòa, một nhà nghiên cứu ở học viện quân đội (về sau Nguyễn Hòa chuyển sang làm báo) đã trực tiếp dự nghe bài giảng này, lại còn giữ được những ghi chép, nên có thể bổ sung vào bản gỡ băng, vốn rất dễ bị mất từng đoạn, do những lúc hết băng này phải thay băng khác.

Tôi thống nhất với Trần Ngọc Vương: tôi sẽ nghe lại 6 cuộn băng ấy, viết lại thành văn từ những bản ghi theo kiểu “tháo băng” kể trên, sau đó sẽ chuyển cho bạn Vương để đưa bạn Nguyễn Hòa bổ sung và sửa chữa, theo trình tự bài giảng mà bạn Hòa đã ghi được; sau cùng, Trần Ngọc Vương sẽ phải xem lại toàn bộ bản ghi lại cả hai bài giảng, chú ý nhất là các dẫn liệu từ kinh truyện Nho giáo.

Một điều trùng hợp khá thú vị là, khi tập bản thảo kể trên xem như hoàn thành, thì nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội đã thành lập và đang ở thời kỳ hoạt động ban đầu. Tôi tới gặp ban biên tập nhà xuất bản đề nghị cộng tác bằng hai bản thảo liên tiếp: quyển “150 thuật ngữ văn học”, và sau đó là “Các bài giảng về tư tưởng phương Đông” của thầy Trần Đình Hượu. Nhà xuất bản sẵn sàng đón nhận sự cộng tác này, và bạn Phạm Ngọc Trâm là biên tập viên đầu cuốn cho cả hai cuốn sách.

Quyển "150 thuật ngữ văn học" được in vào cuối năm 2000, thì “Các bài giảng về tư tưởng phương Đông” được in vào giữa năm 2001, rồi tái bản vào giữa năm 2002. Tôi cùng hai bạn Trần Ngọc Vương, Nguyễn Hòa đem sách “Các bài giảng về tư tưởng phương Đông” tới nhà thầy, thắp hương tưởng nhớ và thầm thông báo với thầy ở cõi bên kia về việc chúng tôi đã tự ý đưa các bài giảng năm xưa của thầy tới các đồng nghiệp và công chúng, nghĩ rằng điều này không trái ý thầy. 

Tôi vẫn nghĩ, cùng với những bài báo và bài giảng của thầy, được tập hợp trong các cuốn “Đến hiện đại từ truyền thống” (1994, 1996), “Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại” (1996), “Văn học Việt Nam trong giai đoạn giao thời, 1900-1930” (1988), tập sách “Các bài giảng về tư tưởng phương Đông” càng thêm những tài liệu minh chứng về đóng góp đáng kể và đáng giá của học giả Trần Đình Hượu vào việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng vùng Đông Á, lịch sử tư tưởng Việt Nam, nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam từ góc độ lịch sử tư tưởng. 

31/01/2015


Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt