Thuật ngữ tổng quát

Siêu hình học (metaphysics)


 

 

Siêu hình học

(metaphysics)

 

SIÊU HÌNH HỌC. Ban đầu thuật ngữ này được dùng làm nhan đề cho một tập tài liệu sưu tầm các tác phẩm của Aristotle, theo truyền thống, do Andronicus xứ Rhodes ở thế kỷ thứ nhất san định. Nhan đề Ta meta ta phusika được dùng vì tập tài liệu sưu tầm này xuất hiện sau (meta) các tác phẩm bàn về vật lý học trong cách phân loại các công trình của Aristotle. Quan điểm này, tuy nhiên, có cơ sở triết học trong vấn đề bàn luận của nó, vì Aristotle có ý định tiến hành việc nghiên cứu các đối tượng có trước hay cao hơn các đối tượng vật lý, bằng cách đưa ra những lý do cho những gì mà chúng ta tin theo bản năng. Vì thế, nhan đề này có thể áp dụng cho toàn bộ ngành triết học. Giờ đây, siêu hình học chủ yếu được dùng để chỉ việc nghiên cứu về những bộ phận hay đặc điểm cơ bản nhất của thực tại (hữu thể học) hay nghiên cứu các khái niệm cơ bản nhất được sử dụng để giải thích thực tại. Theo một số cách giải thích, siêu hình học chủ yếu nghiên cứu các thực thể phi-cảm tính hay các sự vật ở bên ngoài phạm vi của phương pháp khoa học, nhưng cũng có những quan niệm siêu hình học khác phản bác các yêu sách này.

Bản thân Aristotle quy chiếu đến một loại nghiên cứu là đệ nhất triết học hay sophia (sự khôn ngoan minh triết), tức là khoa học về các nguyên nhânnguyên tắc tối hậu. Đôi khi ông còn gọi là khoa học về tồn tại xét như là tồn tại, hay nói đơn giản là cái tồn tại. Đôi khi ông đồng nhất loại khoa học này với thần học, vì nó liên quan đến một loại tồn tại đặc biệt, tức là Thượng đế, ở bên trên mọi bản thể khả giác. Các triết gia thời trung đại gọi các phương diện này của siêu hình học lần lượt là metaphysica generalis (siêu hình học tổng quát) và metaphysica specialis (siêu hình học chuyên biệt).

Trong truyền thống duy lý, siêu hình học được coi là một hoạt động nghiên cứu theo sự dẫn dắt của lý tính thuần túy tìm hiểu bản tính của một thực tại nền tảng nằm ngoài tầm với của tri giác, mặc dù nhiều nhà siêu hình học chủ đạo như Plato, Descartes, Spinoza, LeibnizHegel, không đồng tình với nhau về thực tại nền tảng ấy có thể là gì. Christian Wolff phân siêu hình học ra thành bốn bộ phận: hữu thể học (lý thuyết tổng quát về tồn tại hay hiện hữu), lý thuyết thuần lý (về Thượng đế), tâm lý học thuần lý (về linh hồn) và vũ trụ học thuần lý (về thế giới).

Kant gọi mọi nỗ lực sử dụng lý tính thuần túy để giải thích một thực tại siêu việt ở bên trên giác tính của con người là siêu hình học tư biện. Kant cho rằng siêu hình học là một xu hướng tất yếu của tinh thần con người hướng đến việc giải thích toàn bộ và các chủ đề siêu việt của nó (Thượng đế, Tự do ý chí, và sự Bất tử) có thể làm cơ sở cho cách ứng xử đúng đắn (siêu hình học về đức lý) ngay cả khi siêu hình học tư biện không mang lại tri thức nào cả. Triết học phê phán của Kant là siêu hình học theo nghĩa khác, nó xem xét các điểu kiện khả thể của kinh nghiệm và các tiền giả định khoa học.

Carnap và các nhà thực chứng logic khác định nghĩa siêu hình học là lĩnh vực của cái được gọi là tri thức về bản chất của sự vật vượt lên trên lĩnh vực của khoa học thực nghiệm, và tin rằng lĩnh vực này là thức vô nghĩa nên cần phải bị loại bỏ. Mặc khác, họ xét thấy rằng công việc của chính họ phải được giới hạn vào logic học và kinh nghiệm và nên gọi là triết học khoa học.

Đối với những động cơ khác, HeidggerDerrida cũng tìm cách loại trừ siêu hình học ra khỏi tư tưởng của họ, dù họ không cảm thấy thỏa mãn khi thực hiện công việc đó.

Strawson đưa ra một sự phân biệt nổi tiếng giữa siêu hình học xét lại và siêu hình học chuẩn định. Ông gọi các nhà siêu hình học tư biện là xét lại, đối lập với siêu hình học chuẩn định liên quan đến đồ thức khái niệm mà ta dựa vào để nghĩ và nói về thế giới. Do đó, thuyết thực chứng logic và các triết học chống siêu hình học khác tự chúng là một loại siêu hình học bao lâu chúng còn xử lý cấu trúc khái niệm của ngôn ngữ và tư tưởng của con người.

Một cách dùng khác gắn với chủ nghĩa Marx, phép siêu hình (metaphysics) được coi là một cách tư duy có tính bộ phận, tĩnh tại và cô lập, đối lập với phép biện chứng của Hegel.

 

“Đối với chúng ta, siêu hình học là tên gọi của một khoa học và đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, bởi qua nhiều thế kỷ nó được nhận thấy là cần thiết, và vẫn sẽ được nhận thấy là cần thiết, để ta tư duy một cách có hệ thống và trật tự về các chủ đề mà Aristotle đã bàn luận trong tập tài liệu mà ta biết đến qua [tên gọi] khoa học ấy.” Collingwood, An Essay on Metaphysics / Tiểu luận về Siêu hình học.

 

Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt