Thuật ngữ tổng quát

Viễn tượng ngôi thứ nhất / Perspective

 

VIỄN TƯỢNG NGÔI THỨ NHẤT 

FIRST-PERSON PERSPECTIVE

 

NHẬN THỨC LUẬN, TRIẾT HỌC TINH THẦN   Chúng ta có thể gán các khái niệm tinh thần cho chính mình (những cách gán ở ngôi thứ nhất thông qua ý thức bên trong của ta về các trạng thái tinh thần của ta) hoặc cho những người khác (những cách gán ở ngôi thứ ba thông qua những biểu hiện bên ngoài trong hành vi và lời nói). Hai kiểu gán này làm nảy sinh những vấn đề nan giải về bản tính thống nhất của các hiện tượng tinh thần, đối với tính chất đặc biệt của chủ thể đã cho nào đó, mô tả của tôi về các trạng thái tinh thần của chính tôi có thể hoàn toàn khác về tính chất và nội dung với mô tả của tôi về tinh thần của người khác. Sau đó, ta có thể hỏi để đưa ra một giải thích thỏa đáng về các hiện tượng tinh thần ta nên xuất phát từ viễn tượng của chủ thể có các hiện tượng tinh thần hay từ viễn tượng hình thành các phán đoán về các trạng thái tinh thần của người khác. Cách tiếp cận trước là viễn tượng ngôi thứ nhất và được gắn với thuyết duy lý của Descartes, và cách sau được gọi là viễn tượng ngôi thứ ba và được gắn với thuyết hành vi. Viễn tượng ngôn thứ nhất mang tính riêng tư và độc nhất đối với chủ thể. Những người ủng hộ nó cho rằng viễn tượng này cho phép tiếp cận đặc quyền đối với các trạng thái tinh thần của chủ thể. Viễn tượng ngôi thứ ba mang tính công cộng và có thể quan sát được. Những người ủng hộ nó tin rằng quan niệm của ta về các trạng thái tinh thần được thấm nhuần bởi các tiêu chí hành vi mà ta dùng để áp dụng các khái niệm tinh thần cho người khác. Ta cũng có thể chọn lấy một viễn tượng thứ ba, trung dung giữa hai lập trường này. Các viễn tượng khác nhau cung cấp những lý thuyết khác nhau về bản tính và bản chất của các trạng thái tinh thần, và về mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác. Sự phân đôi đối lập của viễn tượng ngôi thứ nhất và viễn tượng ngôi thứ ba tương ứng với sự tương phản giữa cái chủ quan và cái khách quan, và đã và đang giữ vị trí trung tâm trong triết học hiện đại.


"Chính bản tính - thực vậy chính sự hiện hữu - của cái được gọi là thế giới vật lý công cộng ấy mới là cái được cảm thấy là không đáng tin cậy, hay ít ra là đáng hoài nghi, từ bên trong rạp chiếu bóng riêng tư của ta. Viễn tượng ngôi thứ nhất của Descartes chi phối triết học tinh thần, cũng như siêu hình học và nhận thức luận nói chung, từ thế kỷ 17 cho đến nửa đầu thời đại của chúng ta." LycanConsciousness.


 

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây (Blackwell, 2004)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt