Hiện tượng học

Hiện tượng học là gì? (kỳ 6)

 

TRẦN THÁI ĐỈNH

HIỆN TƯỢNG HỌC LÀ GÌ?

HƯỚNG MỚI, 1969.

--- o0o ---

(tiếp theo kỳ 5)

 

Chương 6.

VẤN ĐỀ CHÂN LÝ

 

Chương này được coi như phần tổng kết về bản chất và vai trò của hiện tượng học. Những chương 2, 3, 4 và 5 trên đây đã trình bày tất cả những gì cần phải biết về khoa hiện tượng học: nhờ đó chúng ta có thể tìm lại thế giới sinh hoạt của ta, cũng là thế giới duy nhất ta biết được một cách chắc chắn, chứ không phải những thế giới huyền thoại của duy tâm hoặc duy vật. Thế giới hiện tượng học là thế giới duy nhất xứng danh là thế giới của con người: thế giới này (tức thế giới sinh hoạt của ta) là hình ảnh của ta. Nó là cái nhìn của ta về thực tại, và cũng là cái nhìn của ta về ta bởi vì ta là “một hiện hữu tại thế”. Bao nhiêu thế giới quan (tức bao nhiêu hình ảnh con người có về thế giới) đã hình thành qua bao nhiêu nền văn minh khác nhau, qua bao nhiêu thời đại khác nhau, rồi cũng bấy nhiêu thế giới quan đã qua đi với những văn minh và thời đại đó.

Hiện tượng học giúp ta nhận định rằng thế giới không những là môi trường sinh hoạt thể xác và tinh thần của con người, nhưng còn là như thân thể con người, như bản thân con người. Ngày nay, khi thuyết cơ cấu chủ trương dùng phương pháp phân tích cơ cấu hình thức (analyse structurale) để tìm hiểu bản lãnh con người mỗi thời, thì họ chứng minh rằng con người và xã hội sinh hoạt của con người cũng là một, cho nên nếu không trực tiếp thăm dò được tâm linh con người, thì các khoa học nhân văn cũng có thể phân tích các cơ cấu sinh hoạt của con người, biểu hiện nơi những cách sinh hoạt của con người (như ngôn ngữ, văn hóa, ăn mặc, nấu nướng, nghi lễ xã giao, chính trị, tôn giáo v.v…), để khơi lên cái cơ cấu (tức mô hình) vẫn thực sự chi phối “cách làm người” của mỗi nên văn minh, nơi mỗi dân tộc. Thực ra, một triết gia thời Trung cổ như thánh Thomas cũng đã chủ trương rằng “Tâm trí ta có khả năng để tri thức vạn vật trong thế giới, chứ không có khả năng tự tri thức mình”, và “nếu không có đối tượng, nếu không có kinh nghiệm sự vật, thì trí năng ta chỉ là trí năng khả hữu”, nghĩa là chưa có sinh hoạt, chưa đạt tới thực tại. Phải có đối tượng, phải có thế giới, trí năng ta mới trở thành hiện thể, nghĩa là mới sinh hoạt thực sự và có nội dung. Điều này được Kant nhấn mạnh hơn trong học thuyết của ông khi ông quả quyết không có cảm giác thì không thể có tri giác và kinh nghiệm. Nhưng phải đợi phong trào hiện tượng học, người ta mới thấy thế giới dành lại được vai trò quan trọng của nó, đồng thời không lấn át vai trò của chủ thể. Đúng như Merleau-Ponty viết sau đây: “Điều đắc thủ quan trọng nhất của hiện tượng học là đã nhờ quan niệm của mình về thế giới và về sự hợp lý để liên kết thuyết duy chủ thể cực đoan với thuyết duy khách thể cực đoan”. Thế giới hiện tượng học là thế giới của sinh hoạt con người, và con người của hiện tượng học là “hiện hữu tại thế”, cho nên nếu không có thế giới thì không hiểu được con người. Cho nên: a) Thế giới là biểu hiện của con người, - b) Hiện tượng học là khoa học nền tảng nhất.

a)Thế giới là biểu hiện con người

Nói thế giới là biểu hiện của con người, chúng ta cùng với hiện tượng học chống lại chủ trương duy tâm coi thế giới là công trình thực hiện của con người. Con người không phải là khả năng tác tạo nên thế giới, hoặc an bài thế giới, như thể chúng ta tác tạo hoặc sử dụng một đồ vật. Không phải thế. Tương quan giữa con người và thế giới sinh hoạt của mình là tương quan hiện hữu (chứ không phải tương quan chiếm hữu hoặc sở đắc), giống như tương quan giữa hồn và xác con người. Cho nên nói thế giới là biểu hiện của con người, ta chỉ có ý nhắc lại điều đã chứng minh nhiều lần trên đây: thế giới hiện tượng học tức thế giới sinh hoạt của ta, là hình ảnh trung thực của con người chúng ta. Cổ nhân có câu “nhân sao vật vậy”, hoặc “người làm sao chiêm bao làm vậy”, thực là chí lý. Vật đây là thế giới sinh hoạt của con người, và chiêm bao đây là hình ảnh ta mơ ước về thế giới sinh hoạt đó. Thế giới đã hình thành thế giới và ý thức ta đã đã thành ý thức, bởi vì con người của ta đã hình thành trong sinh hoạt tại thế: cho nên thế giới và con người có tương quan mật thiết với nhau như noèse (hình thái ý thức) và noème (hình thái của đối tượng, của thế giới mà ta ý thức). Thế giới biểu hiện con người:

“Điều đắc thủ quan trọng nhất của hiện tượng học là đã nhờ quan niệm của mình về thế giới và sự hợp lý (rationnalité) để liên kết duy chủ thể (subjectivisme) cực đoan với thuyết duy khách thể (objectivisme) cực đoan. Sự hợp lý được đo lường theo đúng những kinh nghiệm đã bày tỏ nó cho ta. Hợp lý có nghĩa là những hướng nhìn khác nhau đã gặp nhau và biện hộ cho nhau, những tri giác khác nhau xác nhận nhau, một ý nghĩa xuất hiện. Nhưng chúng ta không được tách rời ý nghĩa này ra, biến nó thành một thứ tinh thần tuyệt đối, hoặc thành một thế giới theo nghĩa duy thực (réalisme). Thế giới hiện tượng học không thuộc loại hữu thể thuần túy, nhưng nó là cái ý nghĩa lộ ra nơi giao tuyến các kinh nghiệm của tôi, và nơi giao tuyến các kinh nghiệm của tôi và tha nhân, do sự các kinh nghiệm này ăn khớp nhau: như vậy thế giới hiện tượng học không thể nào rời khỏi chủ thể tính và tương chủ tính (intersubjectivité) là hai thứ hợp nhất với nhau, bởi vì những kinh nghiệm ngày nay của tôi vẫn lấy lại những kinh nghiệm xưa kia của tôi, và kinh nghiệm của tôi cũng lặp lại kinh nghiệm của tha nhân.

Đây là lần đầu tiên, sự suy tưởng của triết gia được coi là đã ý thức đầy đủ, cho nên không dám thực hiện những suy luận của mình trong thế giới, cả trước khi suy tưởng. Triết gia tìm cách suy tưởng thế giới, tha nhân và chính bản thân, và tìm cách quan niệm những tương quan giữa các thực thể này. Tuy nhiên Ego suy niệm, “người quan sát viên vô tư” không gặp một sự hợp lý đã có sẵn, nhưng Ego tự thiết lập mình, và do một sáng kiến không được hiện hữu bảo đảm, Ego thiết lập cái hợp lý kia: sáng kiến này hoàn toàn dựa trên khả năng thực hiện mà ta vẫn có thể đảm lấy lịch sử của mình. Thế giới hiện tượng học không phải là sự triển khai một hữu thể đã có sẵn đó, nhưng đó là sự xây dựng nên hiện hữu. Triết lý không phản ảnh một chân lý có sẵn, nhưng là nghệ thuật để thực hiện một chân lý. Người ta sẽ hỏi làm sao có thể có sự thực hiện này, và sự thực hiện này có gặp lại nơi vạn vật cái lý trí vẫn có từ trước chăng. Nhưng Logos duy nhất được coi là có trước như thế, lại chính là thế giới, và triết lý có nhiệm vụ nêu rõ nó lên đó cũng không khởi sự là triết lý của cái khả hữu: đây là triết lý hiện thực và thực tại như thế giới, vì nó là thành phần của thế giới, cho nên không một phương thức giải thích nào được coi là sáng sủa cho bằng sự chúng ta bắt lấy cái thế giới chưa hoàn thành kia để nhìn vào toàn diện của nó và kiếm cách suy tưởng nó.

Sự hợp lý không phải là một vấn đề: sau lưng nó không có một ẩn số nào để ta cần phải dùng suy diễn mà xác định, hoặc phải dùng quy nạp để chứng minh: mỗi lúc ta chứng kiến sự lạ lùng của công việc liên kết giữa các kinh nghiệm; không ai biết rõ sự lạ lùng này hơn chúng ta vì chính chúng ta là cái gút của sự liên kết này. Thế giới và lý trí không đặt vấn đề cho ta: nếu muốn, ta có thể gọi thế giới và lý trí là những huyền nhiệm: bản chất của chúng là huyền nhiệm, và ta không thể có “giải đáp” nào để làm sáng tỏ huyền nhiệm này, vì nó ở phía trước mọi giải đáp. Triết lý đích thực phải là học tập lại cách nhìn thế giới: theo hướng nhìn này thì một câu chuyện kể chơi cũng nói lên thế giới của ta một cách sâu xa như một thiên khảo luận triết học. Ta cầm trong tay vận mạng của ta; ta trách nhiệm lấy lịch sử của ta nhờ sự suy nghĩ của ta và cũng nhơ quyết định dấn thân cuộc đời của ta: trong cả hai trường hợp cùng là thứ hành vi mạnh mẽ mà ta chứng nghiệm khi thực thi”.

Vấn đề lớn nhất của hiện tượng học vẫn là đặt tới chỗ nhận thấy thế giới đã hình thành thế giới trong sinh hoạt tại thế của ta. Chính quan niệm thế giới của hiện tượng học là chìa khóa mở vào chân lý (mà đây Merleau-Ponty gọi là sự hợp lý). Duy tâm cực đoan cho rằng ý thức, tức quan niệm, có trước và nó quyết định cho sự hình thành của thế giới đối tượng; ngược lại duy vật cực đoan lại quyết rằng vạn vật có trước và ý thức ta chỉ có việc in lấy những hình đã có sẵn của vạn vật. Hiện tượng học đã đả thông sự bế tắc và mâu thuẫn của hai thuyết này khi chủ trương rằng ý thức và đối tượng đã cùng hình thành một lúc trong kinh nghiệm sống của con người hiện hữu tại thế. Cho nên hợp lý không có nghĩa là hợp với một Logos (tứ lý trí siêu phàm) nào hết, như ta thấy nơi thuyết duy thực của Platon (duy thực là thuyết cho rằng chỉ những ý tưởng ngàn đời, tức bản tính vĩnh cửu của vạn vật là có thực, còn sự vật nơi trần gian sinh sinh hóa hóa chỉ là những bóng thoảng qua. Hợp lý là cái được nhiều kinh nghiệm xác nhận, và được nhiều người cùng xác nhận; còn ảo giác là cái thoạt tiên được coi là thực, nhưng rồi bị các kinh nghiệm đến sau phủ nhận. Hợp lý cũng chính là cái ta gọi là chân lý: với cái nhìn của hiện tượng học, chân lý không còn là một thực thể cao vời nơi thế giới thần linh, tức thế giới của Chân Thiện Mỹ, nhưng chân lý là kinh nghiệm dầy công phu của con người, một chân lý cần được kiện toàn thêm mãi. Chân lý khoa học, chân lý triết học, chân lý lịch sử v.v… tất cả đều là những kết quả của nhiều năm, nhiều thế hệ tìm kiếm vất vả, chứ đâu phải thứ chân lý từ trời rơi xuống của Platon và Aristote. Chân lý không có trước con người như kiểu một vật tự thân trong thiên nhiên. Chân lý là sự con người khám phá ra mình và thế giới: chân lý là lịch sử tính con người, chứ không là một cái gì vẫn có từ ngàn xưa.

Hiểu được sự hình thành của thế giới tức sẽ hiểu được sự hình thành của chân lý. Xưa kia các triết gia cũng đã nhận ra rằng “hiện hữu và chân lý cũng là một” (“Ens et Verum convertuntur”; “L’Être et le Vrai, c’est la même chose”), sự vật như thế (hiện hữu), thì ta thấy thế (chân lý). Tuy nhiên họ nghĩ rằng thế giới là một trật tự vĩnh cửu gồm toàn những bản tính sự vật bất biến, cho nên hiện hữu của triết học Platon và Aristote là hiện hữu vĩnh cửu và bất biến (hiện hữu của thế giới thần linh, thế giới những điển hình). Và chân lý của họ cũng là chân lý ngàn đời bất di dịch. Trái lại thế giới của ta là thế giới đã bắt đầu hình thành và còn đang biến chuyển tiến hóa mãi, cho nên tri thức ta có về thế giới sinh hoạt của loài người, tức chân lý của ta, cũng đà hình thành và còn đang tiến thêm. Bởi vậy “thế giới hiện tượng học không thể nào rời khỏi chủ thể tính và tương chủ tính”, tức không thể nào được coi như độc lập với sinh hoạt của con người và xã hội loài người.

Như vậy, “đây là lần đầu tiên, sự suy tưởng của triết học được coi là đầy đủ ý thức”, không dám “tác tạo” nên thế giới như tâm thức duy tâm đã làm, đồng thời tâm thức ta “cũng không gặp một sự hợp lý đã có sẵn”. Nói cách khác, “người quan sát vô tư” (tức chủ thể hiện tượng học) không nghĩ rằng thế giới vẫn có từ ngàn xưa như vậy (lập trường của duy vật và duy nhiên): thế giới và sự ta biết thế giới (tức chân lý) là “công việc do ta thiết lập để ta có thể trách nhiệm lấy lịch sử của mình”. Merleau-Ponty nói sáng kiến này, hành vi thiết lập này của ta không được hiện hữu bảo đảm, bởi vì chưa có hiện hữu: chính sinh hoạt tại thế mới làm cho thế giới hình thành thế giới, tức khởi đầu cho sự hiện hữu của đối tượng. (Tất nhiên, hiện hữu đây không phải “thứ hiện hữu, tức hữu thể thuần túy” mà Merleau-Ponty đã phê bình nơi những dòng đầu của đoạn văn trích dẫn này). Husserl gọi chủ thể hiện tượng học là “người quan sát vô tư” vì nó đã “thôi đồng lõa với thiên nhiên” (Xem chương 3 – c trên đây). Khi chủ thể hiện tượng học nhìn lại kinh nghiệm sống của mình, thì không thấy “một hữu thể đã có sẵn”, tức một thế giới ngàn đời, nhưng chỉ thấy một thế giới đã hình thành do “sự xây dựng của mình”. Cả hai chữ “có sẵn” và “xây dựng” cùng cần được hiểu đứng đắn kẹo lại đánh bùn sang ao. Nói “vẫn có sẵn rồi” thì khác, và nói “đã có đấy rồi” thì khác. Triết cổ truyền nghĩ thế giới vẫn có sẵn như thế từ ngàn xưa, cho nên họ chủ trương một thế giới vĩnh cửu và bất biến; còn hiện tượng học nói “thế giới đã có đấy rồi”, thì không bao giờ có nghĩa là thế giới vẫn có sẵn như thế từ ngàn xưa (ta biết Husserl cực lực chống lại thuyết duy nhiên cùng với thiên kiến thế giới), như chỉ có nghĩa là khi tôi phản tỉnh thì thế giới đã hình thành rồi, đã như thế rồi, chứ tôi đâu phải “kiến tạo” thế giới như phái duy tâm nghĩ. Chữ “xây dựng” cũng thế, khi hiện tượng học dùng chữ này thì nó chỉ có nghĩa là sự khởi đầu và sự hình thành, chứ không có nghĩa là tự mình kiến tạo nên thế giới theo một dự tính có sẵn của tư duy.

Khi đã hiểu thế giới (tức hiện hữu) theo quan điểm của hiện tượng học như thế, ta sẽ thấy chân lý không còn và không phải là một “chân lý có sẵn” tức chân lý ngàn đời, nhưng là một chân lý đã hình thành và hiện còn đang tiến mãi. Thế giới và chân lý đã hình thành theo “nghệ thuật” sinh hoạt của ta, nghĩa là theo lẽ sống mầu nhiệm của con người, theo trí tưởng tượng siêu nghiệm của con người, chứ không theo lý trí hay Logos ngàn đời nào hết. Hơn nữa, nếu phải nêu lên một Logos, tức một cái gì làm căn bản, thì cái đó là chính thế giới hiện tượng học, tức thế giới sinh hoạt của ta (“Từ nguyên thủy có sinh hoạt”, rồi mới có ý thức về sinh hoạt tức quan niệm). Nhân đó triết lý hiện tượng học cũng không khởi sự bằng quan niệm thuần túy (tức phạm trù) để đi tới những khả hữu như phái duy tâm, nhưng khởi sự từ “kinh nghiệm sống”, từ thực tại cụ thể, để tìm lại hình ảnh trung thực của thế giới.

Chân lý không phải là vấn đề, cũng như thế giới không phải là vấn đề, vì vấn đề là cái chưa được giải quyết. Trái lại thế giới là cái ta đã kinh nghiệm rồi, và chân lý là hình ảnh trung thực của kinh nghiệm sống đó. Vì thế Merleau-Ponty thường dùng chữ “nghệ thuật” và đây ông dùng chữ “huyền nhiệm” để nói lên vẻ phong phú và sự phức tạp của thế giới sinh hoạt. Phong phú và phức tạp cho nên không “sáng sủa” như những ý tưởng, nhưng như thế không có nghĩa là có thể dùng những giả thuyết hoặc những ý tưởng để làm sáng tỏ. Thế giới và chânlý thì “ở phía trước mọi giải đáp”, nghĩa là có thế giới sinh hoạt rồi mới có những ý tưởng và những suy tư, giả thuyết, cho nên không thể dựa vào những cái này để “giải đáp vấn đề” chân lý và thế giới. Vậy chỉ phải “trở lại chính những sự vật”, phải tìm hiểu mình đã sống cái thế giới của mình với ý hướng nào. Tóm lại, phải triển khai chứ không nên tìm cách giải nghĩa, vì không có vấn đề và cũng chưa có hiện hữu trước khi thế giới hình thành, cho nên không lấy gì để giải nghĩa nó được.

Kết luận: triết lý không phải là tìm ra những nguyên nhân hoặc tìm ra những giả thuyết. Không thể nói nguyên nhân ở đây, vì chưa có gì trước khi thế giới hình thành thế giới, và như ta biết thì thế giới “xuất hiện không lý do” nghĩa là không do một dự tính trù liệu nào hết. Cũng không thể nói giả thuyết, vì thế giới là thực tại và là sự kiện ta đã kinh nghiệm. Cho nên “triết lý phải là sự tập lại cái nhìn”: và khi ta biết nhìn thế giới với quan điểm hiện tượng học như thế, tất cả mọi sự kiện, mọi cử chỉ và lời nói đều có ý nghĩa sâu xa: đó là ý nghĩa của sinh hoạt, ý nghĩa của con người. Hèn chi Lévi-Strauss gần đây đã quả quyết rằng khoa nhân học (anthropologie) có thể tìm biết con người mỗi thời đại, mỗi văn mình, qua những cách thế sinh hoạt như: cách dựng vợ gả chồng, ý thức chính trị, những truyện thần thoại, nghệ thuật, xã giao và cách nấu ăn (Xem Cl. LEVI-STRAUSS, Anthropologie structurale, Plon 1958, tr.98). Và chúng ta biết ông đã nghiên cứu rất công phu về ba cách thế sinh hoạt của con người: hệ thống họ hàng – những truyện thần thoại, - nấu ăn. Cũng như R. Barthes đã nghiên cứu về “cách ăn mặc theo thời trang”, vì tất cả đều biểu lộ quan niệm sống của con người nơi các dân tộc.

b)Hiện tượng học, khoa học nền tảng

Bây giờ chúng ta có thể gấp sách lại và cảm ơn Merleau-Ponty. Chúng ta đã làm quen với hiện tượng học qua những trình bày tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của ông. Bài dạy của ông không phải vì thế mà trở thành dễ hiểu. Nhờ những trình bày trên đây, chúng ta thấy dễ hiểu hơn, nhưng nguyên hiện tượng học là một khoa khó hiểu vì nó không giống như một thứ khoa học nào khác như luận lý, toán học hay khoa học thực nghiệm. Bởit hế, nên đọc đi đọc lại những trang trên đây, rồi tự mình thực tập để nhìn thế giới với con mắt của hiện tượng học.

Để kết thúc lời nói đầu của ông, Merleau-Ponty nhắc lại tính cách nền tảng của hiện tượng học đối với các khoa học khác, cũng như tri giác là nền tảng các tri thức của ta về vạn vật:

“Vì nó là sự vén màn để thế giới xuất hiện cho ta, nên hiện tượng học chỉ có thể dựa trên chính mình nó, nó tự đặt nên tảng cho mình. Tất cả các tri thức đều dựa trên một cái nền những định đề, và chung quy đều dựa trên mối tiếp thông giữa ta và thế giới vì đó là nền móng đầu tiên của sự hợp lý. Xét như nó là sự phản tỉnh triệt để, thì triết học tự cấm mình không được dùng cái lối đó. – Triết lý cũng ở trong lịch sử, cho nên nó cũng sử dụng thế giới và những gì lý trí đã tạo nên. Vậy triết lý sẽ phải đặt cho mình cái câu hỏi mà nó đã đặt cho tất cả các tri thức khác: như vậy triết lý sẽ tự kèm mình, hay nói như Husserl, triết lý sẽ là một đối thoại, một suy niệm không cùng, và nếu trung thành với ý hướng của mình thì triết lý sẽ không bao giờ biết mình đi đâu.

Tính cách chưa hoàn tất và cái kiểu “mới bắt đầu” của hiện tượng học không phải là dấu hiệu một sự thất bại: đó là những điều không thể tránh được, vì hiện tượng học có nhiệm vụ nói lên huyền nhiệm của thế giới và huyền nhiệm của lý trí. Cho nên nếu hiện tượng học đã là một phong trào trước khi là một học thuyết và một hệ thống, thì không phải là điều tình cờ, và cũng không là giả bộ. Hiện tượng học là một việc làm đầy công phu như tác phẩm của Balzac, của Proust, của Valéry, và của Cézanne, - vì cũng do một loại chú ý và một loại ngạc nhiên như nhau, cũng do một sự đòi hỏi về ý thức, một ý chí nắm cho kỳ được cái ý nghĩa đang bắt đầu hình thành của thế giới, hoặc của lịch sử. Hiểu như thế, hiện tượng học phải được coi như chính nỗ lực của nền tư tưởng thời nay”.

Trong đoạn văn trên đây, trước hết Merleau-Ponty nhắc lại định nghĩa khoa hiện tượng học: đó là khoa giúp ta nhìn thấy thế giới hình thành thế giới cho ta trong kinh nghiệm sống. Và đó là sự kiện nguyên thủy, có trước tất cả các tri thức của con người: các tri thức, các khoa học đều nghiên cứu về những sự vật hoặc những biến cố ta đã thấy trong thế giới, cho nên các tri thức này đều giả định đã có quan niệm thế giới, quan niệm sự vật, quan niệm hợp lý; trong khi đó thì khoa hiện tượng học “không thể dùng cái lối đó”, tức không thể dựa vào những định đề (như quan niệm về thực tại, quan niệm về chân lý, quan niệm về sự vật), vì chức vụ của nó là giúp ta thấy làm sao thực tại là thực tại, làm sao sự vật đã trở thành đối tượng tri giác của ta, làm sao cái này được coi là chân lý và cái kia bị coi là ảo giác. Nhân đó hiện tượng học mới được gọi là khoa học nền tảng nhất, tức khoa học về hiện hữu cũng như về sự hợp lý. Phải có đối tượng, rồi ta mới có thể bàn luận và nghiên cứu đề xây dựng khoa học: chẳng hạn ta phải biết thế nào là một xã hội; rồi ta mới tùy chiều hướng nghiên cứu mà xây dựng các khoa học như tâm lý xã hội, luân lý xã hội, kinh tế xã hội, tiến hóa xã hội v.v… Bởi vậy, triết học, xét theo quan điểm hiện tượng học, sẽ có nhiệm vụ suy tưởng đến cùng kiệt, đến chỗ phát khởi uyên nguyên của sinh hoạt và của hiện hữu (tức của thế giới sinh hoạt): sự suy tư của triết giả vẫn đặt vấn đề, đặt câu hỏi, về các khoa học khác, thì nay sự suy tư còn phải đặt vấn đề về chính mình, về chỗ phát nguyên của suy tư, tức phần sinh hoạt chưa phản tỉnh. Theo chiều hướng này, sự suy tư của triết lý sẽ không cùng và triết lý sẽ không biết mình đi tới đâu, vì triết lý chỉ là tìm lại hình ảnh hết sức trung thực của sinh hoạt tại thế, mà sinh hoạt này “xuất hiện không lý do”, chứ không diễn tiến theo những quan niệm tiên thiên như duy tâm đã chủ trương một cách ngây thơ.

Triết lý là một sự suy niệm không cùng, hay nói như K. Jaspers, “triết lý là đi đường”. Sự hình thành của thế giới vẫn tiếp tục, và con người vẫn tiếp tục tiến hóa, nhân đó thế giới quan cùng với chân lý con người chưa được coi là hoàn tất. Chỉ cái nhìn tĩnh và thụ động của triết Hy lạp được triết lý cổ truyền noi theo mới quả quyết một cách ngây thơ, - và lười biếng, - rằng thế giới là một thực tại vĩnh cữu và bất biến. Ngày nay, các khoa học như địa chất học, cổ sinh vật học, thiên văn lý học (astrophysique), địa vật lý học (géophysique) v.v… vạch cho ta thấy rõ ràng như trên giấy trắng mực đen rằng trái đất này đã bắt đầu xuất hiện trong không gian như một khối lỏng, rồi dần dần rắn lại nơi ngoài vỏ từ quãng bốn tỷ năm nay, sau đó các loài thực vật và động vật đã dần dần xuất hiện do những định luật tiến hóa, và sau cùng, mới gần đây, loài người chúng ta xuất hiện. Loài người chúng ta mới bắt đầu có gần đây thôi: “Nếu lịch sử trái đất được thâu gọn lại bằng thời gian một năm, thì con người nguyên thủy chỉ xuất hiện vào ngày cuối cùng trong năm, mưới lăm phút trước nửa đêm thôi”. (I. M. van der Vlerk et P. H. Kuenen, L’Histoire de la terre, tr. Bìa 4).

Vì triết lý là suy niệm về sinh hoạt tại thế của con người, vì con người cùng với thế giới mỗi ngày mỗi tiến thêm và đổi khác, cho nên “tính cách chưa hoàn tất” của hiện tượng học, tính cách thiếu hệ thống của nó không phải là chuyện ngẫu nhiên, nhưng là do bản chất của đối tượng mà hiện tượng học tìm hiểu. Cho nên việc làm của Hiện tượng học vừa dầy công phu, vừa không bao giờ được coi là hoàn tất. Không hoàn tất, vì sinh hoạt con người chưa hoàn tất, cuộc tiến hóa của con người chưa hoàn tất, lịch sử con người và thế giới chưa hoàn tất. Vì chủ trương thế giới vĩnh cửu cùng với những bản tính bất biến và vĩnh cửu của vạn vật, triết cổ truyền tự cho là hoàn tất công việc một khi đã định nghĩa xong các bản tính của vũ trụ vạn vật, gồm cả bản tính con người. Trái lại, vì nhận rõ sự kiện tiến hóa và biến chuyển không ngừng của thế giới và của con người, nên hiện tượng học không bao giờ có thể nghĩ là xong.

Nếu triết học là phản tỉnh và phản tỉnh cho hết sức trung thực; - nếu đạo đức là ý thức đầy đủ về sinh hoạt của mình để tự đảm nhiệm lấy cuộc đời của mình, - nếu hiện tượng học thực sự giúp ta biết mình, biết người thời đại mình, qua những cách thế sinh hoạt tại thế, thì hiện tượng học quả là một thứ triết học về đời sống. Cho nên hiện tượng học đã khai sinh phong trào triết học hiện sinh. Hiện tượng học cũng đặt lại những nền móng cho các khoa học con người như tâm lý học, xã hội học, sử học, văn học sử, và cả đến bệnh lý học và y học nữa. Với hiện tượng học, các khoa học này không còn mang bộ mặt những môn học hình thức và cứng nhắc do ảnh hưởng không chính đáng của phương pháp thực nghiệm, nhưng đã trở thành những khoa học con người: như vậy chúng sẽ không bỏ mất cái đặc sắc của sinh hoạt con người mà phương pháp thực nghiệm của các khoa học về thiên nhiên (điển hình là khoa vật lý) đã làm hụt mất trước kia khi chúng nghiên cứu về con người bằng phương pháp mà khoa vật lý dùng để nghiên cứu về các sự vật.

Hiện tượng học đã đem lại cho ta một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ và rất trung thực về sinh hoạt của con người, nhân đó nó đã cách mạng một cách chính đáng tất cả các khoa học về con người. Cho nên Merleau-Ponty đã không nói qua khi quyết rằng hiện tượng học phải được coi là chính nổ lực của nền tư tưởng thời nay để tìm hiểu con người và thế giới con người.

--- HẾT ---


Nguồn: Trần Thái Đỉnh. Hiện tượng học là gì? Hướng Mới, Sài Gòn, 1969. Bản điện tử do bạn Phạm Văn Minh thực hiện.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

huy canh - 12:30 14/07/2014
Husserl, và hiện tượng học của ông, đã được tác giả nhìn nhận qua sự giải thích và phát triển của Ponty, và vì thế, chúng ta không nhìn thấy được sự có mặt của "ý thức thuần túy" trong quá trình kiến tạo thế giới, thông qua sự gặp gỡ của chủ thể với thế giới tiền phản tỉnh. Husserl đã phát triển. và tiến xa so với Kant khi ông đặt trọng tâm vào kinh nghiệm đời sống của mỗi cá thể, và liên cá thể trong ý niệm về"thế giới sống". Nhưng tôi cho rằng, Husserl đã thụt lùi so với Kant, khi ông bỏ thế giới vào trong ngoặc, và không cần băn khoăn về việc tri giác của ta có phù hợp hay không với thế giới đối tượng bên ngoài ấy. Husserl đã rất mâu thuẫn với chính ông khji ông đưa ra cái gọi là qui giản triết học, rằng ông đã không nhìn thấy chính những quan niệm về thế giới của các triết học trước đó, và của các khoa học đã đi vào, và cấu tạo nên đời sống kinh nghiệm của con người trong quá trình kiến tạo thế giới. Cuối cùng, tôi cho rằng, đúng như tên gọi của triết học này, nó đã vứt bỏ nền tảng chân thực của thế giới, mà mỗi chúng ta khi sinh ra đã tiếp nhận nó, chỉ còn là hiện tượng, không có chân đứng. Triết học Husserl là con người hiện thực bị mất chân. Đó là bi kịch của ông. Dĩ nhiên, điều tôi cho là quí hóa ở chỗ, nhờ ông, mà sau này mới có lí thuyết Hiện sinh, và Hậu hiện đại
đinh văn Đan - 15:08 30/11/2023
tại sao Hiện tượng học là trào lưu triết học có cái nhìn toàn diện nhất”.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt