KỶ NIỆM 300 NĂM IMMANUEL KANT VÀ PHONG TRÀO KHAI MINH ----- o0o -----
MỘT Ý TƯỞNG VỀ LỊCH SỬ PHỐ QUÁT VỚI MỤC ĐÍCH CÔNG DÂN THẾ GIỚI (1784)[1]
Tác giả: IMMANUEL KANT Người dịch: Đinh Hồng Phúc
TÓM TẮT Một ý tưởng về lịch sử phổ quát với mục đích công dân thế giới đặt ra câu hỏi liệu lịch sử có quy luật hay chỉ là chuỗi sự kiện hỗn loạn. Kant lập luận rằng dù con người hành động theo lợi ích riêng, lịch sử vẫn vận động theo một kế hoạch tự nhiên hướng đến tiến bộ. Bằng phương pháp suy diễn triết học, ông lý giải sự phát triển xã hội từ góc độ lý tính và mục đích tự nhiên, biến tác phẩm này thành một phần quan trọng trong hệ thống tư tưởng chính trị và triết học lịch sử của mình. Trong tác phẩm này, Kant đưa ra những luận điểm cốt lõi sau: (1) lịch sử có một trật tự và hướng đi tiến bộ, dù con người có nhận thức được điều đó hay không; (2) những xung đột và đối kháng trong xã hội không phải là điều gì tai hại, mà là động lực thúc đẩy con người phát triển các năng lực của mình; (3) tự nhiên hướng con người đến một trạng thái xã hội hợp lý tính, ở đó pháp luật và lý tính chi phối đời sống chính trị; và (4) nền hòa bình vĩnh cửu chỉ có thể đạt được khi các quốc gia cùng tham gia vào một hệ thống trật tự chung, một ý tưởng tiên phong cho chủ nghĩa công dân thế giới hiện đại. Dù được viết vào thế kỷ 18, tác phẩm này vẫn có giá trị thời sự khi thế giới ngày nay đang đối mặt với những thách thức như xung đột quốc tế, bất bình đẳng và sự suy giảm niềm tin vào các thể chế chính trị. Quan điểm của Kant về một nền hòa bình dựa trên luật pháp và hợp tác toàn cầu có thể là một nguồn cảm hứng quan trọng cho những cuộc thảo luận về trật tự thế giới và tương lai của nhân loại.
NHẬP ĐỀ Từ quan điểm siêu hình học, dù ta có khái niệm nào về sự tự do của ý chí chắc chắn những biểu hiện của nó, tức là hành động của con người, cũng như mọi sự kiện tự nhiên khác, đều được quy định bởi các quy luật phổ quát. Dù nguyên nhân của chúng có thể mờ mịt, nhưng lịch sử, vốn liên quan đến việc kể lại những biểu hiện này, cho phép chúng ta hy vọng rằng nếu chú ý đến sự hoạt động tự do của ý chí con người trên quy mô lớn, chúng ta có thể nhận ra một sự vận động có tính quy luật ở trong đó, và những gì có vẻ phức tạp và hỗn loạn nơi từng cá nhân có thể được nhìn nhận từ góc độ toàn thể loài người như một sự tiến hóa đều đặn và tiến bộ, dù chậm chạp, của năng lực ban đầu của nó. Vì ý chí tự do của con người có ảnh hưởng rõ ràng đến hôn nhân, sinh đẻ và cái chết, chúng dường như không tuân theo bất kỳ quy tắc nào để có thể tính toán trước số lượng của chúng. Tuy nhiên, các bảng thống kê hàng năm về chúng ở các nước lớn chứng minh rằng chúng xảy ra theo những quy luật ổn định. Những quy luật này giống như [những quy luật của] thời tiết khó đoán, mà chúng ta cũng không thể xác định trước. Nhưng ở quy mô lớn, [quy luật ấy] duy trì sự phát triển của cây cối, dòng chảy của sông ngòi, và các sự kiện tự nhiên khác trong một quá trình đồng nhất không gián đoạn. Các cá nhân và thậm chí cả các dân tộc ít nghĩ đến điều này. Mỗi người, theo xu hướng riêng của mình, theo đuổi mục đích của riêng mình, thường đối lập với người khác; thế nhưng, mỗi cá nhân và dân tộc, như thể đang theo một sợi chỉ dẫn đường, đều hướng tới một mục tiêu tự nhiên nhưng không ai biết đến; tất cả đều làm việc để thúc đẩy nó, ngay cả khi có biết đến nó, có thể họ cũng sẽ coi nhẹ. Vì con người trong những nỗ lực của họ, nhìn chung, không chỉ hành động theo bản năng như những con thú, mà cũng không hoàn toàn như những công dân lý tính của thế giới theo một kế hoạch đã thống nhất nào đó, nên dường như không thể có một lịch sử loài người được hình thành theo một kế hoạch, như có thể có một lịch sử như vậy đối với loài ong hay hải ly. Người ta không thể kìm nén được một sự phẫn nộ nhất định khi nhìn vào hành động của con người trên sân khấu lớn của thế giới và nhận thấy, bên cạnh sự khôn ngoan thỉnh thoảng xuất hiện ở một số cá nhân, mọi thứ ở quy mô lớn đều được dệt nên từ sự điên rồ, sự phù phiếm ấu trĩ, thậm chí từ sự độc ác và tính phá hoại ấu trĩ. Cuối cùng, người ta không biết phải nghĩ gì về loài người, vốn tự phụ về những tài năng của mình. Vì nhà triết học không thể giả định bất kỳ mục đích [có ý thức] cá nhân nào trong vở kịch lớn của nhân loại, ông ta không còn cách nào khác ngoài việc cố gắng tìm kiếm xem liệu có thể khám phá ra một mục đích tự nhiên trong diễn trình phi lý này của các sự kiện con người hay không. Phù hợp với mục đích này, có thể có một lịch sử với một kế hoạch tự nhiên xác định cho những sinh vật không có kế hoạch riêng của mình. Chúng ta mong muốn xem liệu có thể tìm ra một manh mối cho một lịch sử như vậy; chúng ta để cho Tự nhiên tạo ra con người có khả năng viết nên nó. Như vậy, Tự nhiên đã sản sinh ra Kepler, người đã, theo một cách bất ngờ, đặt những quỹ đạo lệch tâm của các hành tinh vào những quy luật xác định; và Tự nhiên đã sản sinh ra Newton, người đã giải thích những quy luật này bằng một nguyên nhân tự nhiên phổ quát.
LUẬN ĐỀ THỨ NHẤT Mọi năng lực tự nhiên của một sinh vật đều được định sẵn để tiến hóa hoàn toàn đến mục đích tự nhiên của chúng. Quan sát cả hình thái bên ngoài lẫn cấu trúc bên trong của mọi động vật đều xác nhận điều này ở chúng. Một cơ quan không có công dụng, một cách sắp xếp không đạt được mục đích của nó, là những mâu thuẫn trong lý thuyết mục đích luận về tự nhiên. Nếu từ bỏ nguyên tắc cơ bản này, chúng ta không còn có một diễn trình có quy luật của tự nhiên nữa, mà là một diễn trình vô mục đích, và sự ngẫu nhiên mù quáng sẽ thay thế sợi chỉ dẫn đường của lý tính.
LUẬN ĐỀ THỨ HAI Ở con người (như là sinh vật duy nhất có lý tính trên trái đất), những năng lực tự nhiên hướng đến việc sử dụng lý tính của anh ta chỉ có thể phát triển đầy đủ trong toàn bộ chủng loài, không phải ở cá nhân. Lý tính trong một sinh vật là một năng lực mở rộng các quy tắc và mục đích sử dụng tất cả các sức mạnh của nó vượt xa bản năng tự nhiên; nó không thừa nhận bất kỳ giới hạn nào cho các dự phóng của mình. Bản thân lý tính không hoạt động theo bản năng, mà đòi hỏi sự thử nghiệm, thực hành và hướng dẫn để dần dần tiến bộ từ mức độ hiểu biết này sang mức độ hiểu biết khác. Do đó, một cá nhân đơn lẻ sẽ phải sống cực kỳ lâu để học cách sử dụng đầy đủ tất cả năng lực tự nhiên của mình. Vì tự nhiên đã quy định chỉ một khoảng thời gian ngắn cho cuộc sống của con người, nên cần có một chuỗi các thế hệ có lẽ không đếm xuể, mỗi thế hệ truyền lại sự khai minh của mình cho thế hệ kế tiếp để cuối cùng đưa hạt giống khai minh đến mức độ phát triển trong chủng loài chúng ta hoàn toàn phù hợp với mục đích của Tự nhiên. Thời điểm này phải là, ít nhất như là một lý tưởng, mục tiêu cho những nỗ lực của con người, vì nếu không, các năng lực tự nhiên của anh ta phần lớn sẽ phải được coi là vô ích và vô mục đích. Điều này sẽ phá hủy tất cả các nguyên tắc thực hành, và Tự nhiên, mà sự khôn ngoan của nó phải đóng vai trò là nguyên tắc cơ bản trong việc đánh giá tất cả những đứa con khác của nó, do đó sẽ biến con người thành một trò đùa đáng khinh duy nhất.
LUẬN ĐỀ THỨ BA Tự nhiên đã muốn rằng con người phải tự mình tạo ra mọi thứ vượt ra ngoài trật tự máy móc của sự tồn tại động vật của mình, và rằng anh ta không nên hưởng bất kỳ hạnh phúc hay sự hoàn hảo nào khác ngoài những gì anh ta, độc lập với bản năng, đã tạo ra bằng lý tính của chính mình. Tự nhiên không làm gì vô ích, và trong việc sử dụng phương tiện để đạt mục tiêu của mình, nó không lãng phí. Việc nó ban cho con người lý tính và tự do ý chí phụ thuộc vào lý tính là dấu hiệu rõ ràng về mục đích của nó. Theo đó, con người không được định sẵn để được hướng dẫn bởi bản năng, không được nuôi dưỡng và chỉ dạy bằng kiến thức có sẵn; thay vào đó, anh ta phải tạo ra mọi thứ từ nguồn lực của chính mình. Việc đảm bảo thức ăn, nơi trú ẩn, an toàn và phòng vệ cho bản thân (mà vì thế Tự nhiên đã không ban cho anh ta sừng của bò, móng vuốt của sư tử, hay răng nanh của chó, mà chỉ ban cho anh ta đôi bàn tay), mọi trò tiêu khiển có thể làm cho cuộc sống trở nên dễ chịu, sự hiểu biết và trí tuệ, cuối cùng thậm chí là lòng tốt – tất cả những điều này phải hoàn toàn là công việc của chính anh ta. Trong việc này, Tự nhiên dường như đã hành động với sự tiết kiệm nghiêm ngặt nhất, và đã đo lường chính xác những món quà động vật của mình cho những nhu cầu cấp thiết nhất của một sự tồn tại ban đầu, như thể nó đã muốn rằng, nếu con người có tiến bộ từ trạng thái man rợ thấp nhất đến kỹ năng cao nhất và sự hoàn hảo tinh thần và do đó tự nâng mình lên đến hạnh phúc (trong chừng mực có thể có trên cõi đất này), chỉ mình anh ta nên được ghi nhận công lao và chỉ nên cảm ơn chính mình - chính xác như thể Tự nhiên nhắm đến lòng tự trọng dựa trên lý tính của anh ta hơn là sự an lạc (well-being) của anh ta. Bởi dọc theo cuộc hành trình của công việc loài người này, có hàng loạt rắc rối đang chờ đợi anh ta. Nhưng dường như Tự nhiên không quan tâm đến việc anh ta sống tốt, mà chỉ quan tâm đến việc anh ta nỗ lực vươn lên để, thông qua hành động của chính mình, trở nên xứng đáng với cuộc sống và sự an lạc. Vẫn còn điều kỳ lạ là những thế hệ trước dường như phải gánh chịu lao động vất vả chỉ vì lợi ích của những thế hệ sau, để chuẩn bị cho họ một nền tảng mà trên đó các thế hệ sau có thể xây dựng tòa nhà cao hơn, đấy hẳn là mục tiêu mà Tự nhiên đặt ra, thế nhưng chỉ có các thế hệ cuối cùng mới có được may mắn sống trong tòa nhà mà nhiều thế hệ tổ tiên của họ đã (vô tình) lao động mà không được hưởng những thành quả do chính mình đã chuẩn bị. Dù điều này có thể gây khó hiểu đến đâu, nó vẫn là cần thiết nếu ta giả định rằng một loài động vật nên có lý tính, và, như một tập hợp các sinh vật có lý tính mà mỗi cá thể đều chết đi trong khi loài thì bất tử, nên phát triển các năng lực của mình đến sự hoàn hảo.
LUẬN ĐỀ THỨ TƯ Phương tiện mà Tự nhiên sử dụng để mang lại sự phát triển mọi năng lực của con người là sự đối kháng của họ trong xã hội, mà xét cho cùng, đây mới là nguyên nhân của một trật tự hợp pháp giữa con người. Khi nói "đối kháng", tôi muốn nói đến tính hợp quần phi hợp quần (unsocial sociability) của con người, tức là xu hướng họ muốn gia nhập vào xã hội, gắn liền với một sự đối lập lẫn nhau luôn đe dọa phá vỡ khối hợp quần đó. Con người có khuynh hướng kết giao với người khác, bởi vì trong xã hội, anh ta cảm thấy mình nhiều hơn cả chính mình, nghĩa là, hơn cả hình thái phát triển của những năng lực tự nhiên của mình. Nhưng con người cũng có một khuynh hướng mạnh mẽ muốn tách biệt khỏi người khác, bởi vì anh ta nhận thấy trong mình đồng thời có đặc điểm phi hợp quần là mong muốn mọi thứ diễn ra theo ý muốn của riêng mình. Do đó, anh ta mong đợi sự đối lập từ mọi phía bởi vì, khi hiểu rõ bản thân, anh ta biết rằng chính mình cũng có xu hướng chống đối người khác. Chính sự đối kháng này đánh thức tất cả năng lực của con người, khiến anh ta chinh phục xu hướng lười biếng của mình và, được thúc đẩy bởi lòng kiêu ngạo hão huyền, khát khao quyền lực, và tham lam, để đạt được một vị thế giữa những đồng loại, những người mà anh ta không thể chịu đựng nhưng cũng không thể tách rời khỏi họ. Như vậy, những bước đi đầu tiên thực sự từ trạng thái man rợ đến văn hóa được thực hiện, bao gồm giá trị xã hội của con người; từ đó dần dần phát triển tất cả các tài năng, và sở thích thẩm mỹ được tinh luyện; thông qua quá trình khai minh liên tục, những nền tảng được đặt ra cho một lề lối tư duy có thể dần dần chuyển đổi tâm thế thô sơ tự nhiên trong việc phán đoán đạo đức thành các nguyên tắc thực hành rõ ràng, và qua đó làm thay đổi xã hội của những con người bị thúc đẩy bởi cảm xúc tự nhiên thành một tổng thể đạo đức. Nếu không có những đặc tính vốn không mấy dễ chịu của tính không hợp quần (unsociability) - gốc rễ của sự đối kháng, những đặc tính mà mỗi người đều phải nhận thấy trong những tham vọng ích kỷ của chính mình - thì mọi tài năng sẽ vẫn còn ẩn mình, không nảy sinh trong cuộc sống của người mục đồng ở xứ Arcadia, với mọi sự hòa hợp, mãn nguyện và tình cảm gắn bó lẫn nhau của nó. Con người, hiền lành như những con cừu họ chăn dắt, hẳn sẽ khó đạt được giá trị cao hơn so với những con thú của họ; họ sẽ không lấp đầy khoảng trống trong sự sáng tạo bằng cách đạt được mục đích của mình, đó chính là bản chất lý tính. Vậy nên, hãy cảm ơn Tự nhiên vì sự không tương thích, vì lòng kiêu ngạo cạnh tranh vô tâm, vì ham muốn không thể thỏa mãn để sở hữu và cai trị! Nếu không có chúng, tất cả những năng lực tự nhiên tuyệt vời của nhân loại sẽ mãi mãi ngủ yên, không được phát triển. Con người mong muốn sự hòa hợp; nhưng Tự nhiên biết rõ hơn điều gì tốt cho giống nòi; bà muốn sự bất hòa. Con người muốn sống thoải mái và dễ chịu; Tự nhiên muốn rằng anh ta phải được thúc đẩy rời khỏi trạng thái lười nhác và mãn nguyện thụ động để bước vào lao động và rắc rối, để từ đó anh ta có thể tìm ra cách thoát khỏi chúng. Những thôi thúc tự nhiên hướng tới điều này, những nguồn gốc của tính không hợp quần và sự đối lập lẫn nhau, từ đó nảy sinh ra nhiều điều xấu xa, lại thúc đẩy con người có những nỗ lực mới về sức mạnh của họ và từ đó dẫn đến sự phát triển đa dạng các năng lực của họ. Qua đó, có lẽ chúng cho thấy sự sắp đặt của một Đấng Sáng tạo khôn ngoan chứ không phải bàn tay của một tà thần (evil spirit), kẻ đã làm hỏng hoặc phá hỏng công trình vĩ đại của mình vì lòng đố kỵ.
LUẬN ĐỀ THỨ NĂM Vấn đề lớn nhất đối với loài người, mà Tự nhiên thúc đẩy con người giải quyết, là việc đạt được một xã hội dân sự phổ quát thực thi luật pháp giữa mọi người. Mục đích cao nhất của Tự nhiên, đó là sự phát triển tất cả những năng lực mà nhân loại có thể đạt được, chỉ có thể thực hiện được trong xã hội, và cụ thể hơn là trong xã hội có tự do lớn nhất. Một xã hội như vậy là nơi có sự đối lập lẫn nhau giữa các thành viên, cùng với việc định nghĩa chính xác nhất về tự do và xác định các giới hạn của nó để nó có thể phù hợp với tự do của người khác. Tự nhiên đòi hỏi nhân loại phải tự mình đạt được mục tiêu này cũng như tất cả các mục tiêu định sẵn khác. Do đó, một xã hội trong đó tự do trong khuôn khổ luật pháp chung được kết hợp ở mức độ cao nhất với quyền lực không thể cưỡng lại, tức là một hiến pháp công dân hoàn toàn công bằng, là vấn đề cao nhất mà Tự nhiên giao phó cho loài người; bởi vì Tự nhiên chỉ có thể đạt được các mục đích khác của mình đối với nhân loại khi nhiệm vụ này được giải quyết và hoàn thành. Nhu cầu buộc con người, những kẻ vốn say mê tự do vô hạn của mình, phải chấp nhận trạng thái bị ràng buộc này. Họ bị thúc đẩy bởi nhu cầu lớn nhất trong mọi nhu cầu, một nhu cầu xuất phát từ chính bản thân họ, trong chừng mực mà những đam mê của họ ngăn cản họ sống lâu dài cùng nhau trong trạng thái tự do hoang dã. Một khi đã ở trong một môi trường được bảo vệ và quản lý như một liên minh dân sự, chính những đam mê này sau đó lại mang lại lợi ích lớn nhất. Điều này cũng giống như cây cối trong rừng: mỗi cây đều cần những cây khác, bởi khi mỗi cây tìm cách giành lấy không khí và ánh sáng mặt trời từ những cây khác, nó buộc phải vươn lên, và nhờ đó mỗi cây đạt được một vóc dáng đẹp và thẳng. Trong khi đó, những cây sống trong tự do cô lập sẽ đâm chồi một cách ngẫu nhiên và phát triển còi cọc, cong queo và vặn vẹo. Tất cả văn hóa, nghệ thuật điểm tô cho nhân loại, và trật tự xã hội tốt đẹp nhất đều là hoa trái của tính không hòa đồng, buộc bản thân phải tự kỷ luật và nhờ đó, bằng một lối nghệ thuật có tính toán, phát triển những mầm mống tự nhiên đến mức hoàn hảo.
LUẬN ĐỀ THỨ SÁU Vấn đề này là khó khăn nhất và là vấn đề cuối cùng mà nhân loại phải giải quyết. Chỉ riêng việc suy nghĩ về vấn đề này đã đặt ra trước mắt chúng ta một khó khăn như sau. Con người là một loài động vật mà, nếu sống giữa những đồng loại của mình, cần có một người chủ. Bởi vì chắc chắn anh ta lạm dụng tự do của mình đối với những người khác, và mặc dù là một sinh vật có lý tính, anh ta mong muốn có một luật lệ giới hạn sự tự do của tất cả mọi người, nhưng những thúc đẩy ích kỷ mang tính động vật của anh ta cám dỗ anh ta, khi có thể, miễn trừ bản thân khỏi những luật lệ đó. Do đó, anh ta cần một người chủ, người sẽ bẻ gãy ý chí của anh ta và buộc anh ta tuân theo một ý chí có giá trị phổ quát, theo đó mỗi người có thể được tự do. Nhưng từ đâu anh ta có được người chủ này? Chỉ từ chính loài người. Nhưng khi đó bản thân người chủ ấy cũng là một động vật, và cũng cần có một người chủ. Dù cho anh ta bắt đầu bằng cách nào đi nữa, cũng không thể thấy được làm sao anh ta có thể tạo ra một hệ thống cai trị vừa có khả năng duy trì công lý công cộng vừa tự thân công bằng, cho dù đó là một cá nhân hay một nhóm gồm nhiều người được bầu chọn. Bởi vì mỗi người trong số họ sẽ luôn lạm dụng tự do của mình nếu không có ai ở trên họ để thực thi quyền lực phù hợp với luật pháp. Người chủ tối cao phải tự mìnhcông bằng, và tuy vậy vẫn là một con người. Do đó, nhiệm vụ này là khó khăn nhất trong tất cả; thực ra, việc giải quyết hoàn toàn nó là không thể, bởi vì từ loại gỗ cong vẹo như con người được tạo ra, không thể xây dựng được bất cứ thứ gì hoàn toàn thẳng.[2]" Việc đây là vấn đề cuối cùng được giải quyết cũng xuất phát từ điều này: nó đòi hỏi phải có một quan niệm đúng đắn về một bản hiến pháp khả hữu, kinh nghiệm phong phú có được từ nhiều hành trình của cuộc sống, và - vượt xa hơn những điều này - một thiện chí sẵn sàng chấp nhận một hiến pháp như vậy. Ba điều như thế rất khó có được, và nếu chúng có khi nào được tìm thấy cùng nhau, thì sẽ là rất muộn và sau nhiều nỗ lực vô ích.
LUẬN ĐỀ THỨ BẢY Vấn đề thiết lập một hiến pháp công dân hoàn hảo phụ thuộc vào vấn đề mối quan hệ bên ngoài hợp pháp giữa các quốc gia và không thể được giải quyết nếu không có giải pháp cho vấn đề sau. Việc nỗ lực hướng tới một hiến pháp công dân hợp pháp giữa các cá nhân, nghĩa là hướng tới việc tạo ra một khối thịnh vượng chung, có ý nghĩa gì? Chính tính không hợp quần thúc đẩy con người đến điều này, nhưng nó cũng khiến bất cứ khối thịnh vượng chung đơn lẻ nào đi tới chỗ hành động với sự tự do không kìm chế trong quan hệ với các khối thịnh vượng chung khác; do đó, mỗi một khối thịnh vượng chung phải lo đối mặt với điều dữ từ khối thịnh vượng chung khác, đó cũng chính là điều dữ đã đè nặng lên các cá nhân và buộc họ phải bước vào một trạng thái công dân hợp pháp. Những xung đột giữa con người, những đối kháng không thể tránh khỏi, vốn là đặc điểm của ngay cả những xã hội và tổ chức chính trị lớn nhất, được Tự nhiên sử dụng như một công cụ để cuối cùng thiết lập trạng thái yên bình và an ninh. Thông qua chiến tranh, việc đánh thuế và tích lũy vũ khí không ngừng, cùng những khó khăn nội tại mà bất cứ nhà nước nào, ngay cả trong thời bình, cũng không thể tránh khỏi, Tự nhiên buộc các nhà nước ấy phải có những nỗ lực trong bước đi đầu tiên, tuy chưa thỏa đáng và hãy còn mang tính thử nghiệm; cuối cùng, sau những sự tàn phá, những cuộc cách mạng, và thậm chí kiệt quệ hoàn toàn, nó đưa họ đến điều mà lẽ ra lý tính đã có thể chỉ ra ngay từ đầu và với ít kinh nghiệm đau buồn hơn nhiều, cụ thể là, bước từ điều kiện vô pháp luật của người hoang dã vào một liên minh các quốc gia. Trong một liên minh các quốc gia, ngay cả quốc gia nhỏ nhất cũng có thể kỳ vọng được hưởng an ninh và công lý, không phải từ sức mạnh riêng và bằng các sắc lệnh của riêng mình, mà chỉ từ liên minh lớn này của các quốc gia (Foedus Amphictyonum[3]), từ một sức mạnh thống nhất hành động theo các quyết định đạt được dưới luật pháp của ý chí thống nhất của họ. Ý tưởng này có thể trông có vẻ viễn vông - và thực tế đã bị Abbé de St. Pierre[4] và Rousseau[5] chế nhạo là phi thực tế, có lẽ vì họ cho rằng nó quá gần với khả năng hiện thực hóa – hậu quả tất yếu của tình trạng khốn cùng mà con người gây ra cho nhau là buộc các quốc gia phải đưa ra một quyết định - dù khó khăn - tương tự như quyết định mà người nguyên thủy đã phải miễn cưỡng đưa ra trong quá khứ, cụ thể là từ bỏ cái tự do thú vật (brutish freedom) của mình và tìm kiếm sự yên bình và an ninh dưới một hiến pháp hợp pháp. Do đó, tất cả các cuộc chiến tranh đều là những nỗ lực (không phải trong ý định của con người, mà là trong ý định của Tự nhiên) nhằm thiết lập những mối quan hệ mới giữa các quốc gia, và thông qua việc phá hủy hoặc ít nhất là chia cắt tất cả các quốc gia để tạo ra những thực thể chính trị mới. Những thực thể này, một lần nữa, về đối nội hay đối ngoại, không thể tự duy trì và do đó phải trải qua những cuộc cách mạng tương tự; cho đến khi cuối cùng, thông qua hiến pháp công dân tốt nhất có thể và sự đồng thuận cùng luật pháp chung trong các vấn đề đối ngoại, một nhà nước được tạo ra. Giống như một khối thịnh vượng chung của công dân, nhà nước này có thể tự duy trì một cách tự động. [Có ba câu hỏi ở đây, mà thực chất cũng chỉ là một.] Từ tập hợp các nguyên nhân tác thành của thuyết Epicure, ta có nên mong đợi rằng các trạng thái, giống như các hạt vật chất li ti trong các tiếp xúc ngẫu nhiên của chúng, sẽ hình thành đủ loại liên kết, sau đó lần lượt bị phá hủy bởi những tác động mới, cho đến khi cuối cùng, chỉ nhờ vào sự tình cờ, một cấu trúc xuất hiện có khả năng duy trì sự tồn tại của nó – một sự ngẫu nhiên may mắn hầu như không thể xảy ra? Hay chúng ta không nên cho rằng Tự nhiên ở đây đang đi theo một tiến trình có quy luật, dần dần nâng giống loài chúng ta từ các trình độ thấp là tính động vật lên đến trình độ cao nhất là nhân tính, nó thực hiện việc này bằng nghệ thuật bí mật của mình, và phát triển tất cả các tặng phẩm nguyên thủy [original gifts] của con người theo quy luật của mình, bất chấp vẻ ngoài có vẻ hỗn loạn của quá trình này? Hay có lẽ chúng ta nên kết luận rằng từ tất cả những tác động và phản ứng này của con người, xét về tổng thể, không có bất cứ điều gì, hay ít ra không có bất cứ điều gì khôn ngoan, nảy sinh? Dù mọi thứ vẫn giữ nguyên như trước, do đó, dù ta không thể biết chắc sự bất hòa vốn có trong bản tính loài của ta có đẩy ta vào tình trạng hết sức tệ hại [hell of evils] hay không, thì khả năng này vẫn có thể xảy ra bất chấp nền văn minh hiện thời của chúng ta, thông qua việc hủy diệt hoàn toàn nền văn minh và mọi tiến bộ văn hóa bằng sự tàn phá man rợ. (Đây là số phận mà chúng ta có thể sẽ phải gánh chịu dưới sự thống trị của ngẫu nhiên mù quáng – trên thực tế nó không khác gì tự do vô luật lệ – nếu không có một sự hướng dẫn khôn ngoan sâu kín trong Tự nhiên.) Tôi cho rằng, thực chất ba câu hỏi trên đều quy về một điều: liệu có hợp lý không khi ta thừa nhận rằng từng phần riêng lẻ của Tự nhiên có tính mục đích, nhưng lại phủ nhận điều đó đối với toàn thể? Tình trạng hoang dã vô mục đích đã kìm hãm sự phát triển các năng lực của giống loài chúng ta; nhưng cuối cùng, chính những điều ác mà nó đẩy nhân loại vào đã buộc con người phải từ bỏ trạng thái đó và bước vào một trật tự dân sự, ở đó những năng lực ấy có thể được phát triển. Điều tương tự cũng xảy ra với tự do man dã của các quốc gia có chủ quyền. Khi các quốc gia lãng phí sức mạnh của mình vào việc chạy đua vũ trang để chống lại nhau, khi chiến tranh gây ra sự tàn phá, và thậm chí còn nghiêm trọng hơn nữa, khi họ buộc phải duy trì trạng thái sẵn sàng chiến tranh liên tục – tất cả những điều này đều làm thui chột sự phát triển trọn vẹn của bản tính con người. Nhưng chính vì những tai họa đó, nhân loại buộc phải tìm ra một quy luật cân bằng, cùng với một quyền lực thống nhất để đảm bảo quy luật ấy có hiệu lực, vượt lên trên sự đối lập giữa các quốc gia – một sự đối lập vốn dĩ là lành mạnh, bởi nó là hệ quả tất yếu của tự do. Do đó, nhân loại buộc phải thiết lập một trật tự công dân thế giới nhằm đảm bảo an ninh bên ngoài cho từng quốc gia. Một trật tự như vậy không phải là không tiềm ẩn nguy cơ rằng sinh lực của nhân loại có thể rơi vào trạng thái ngủ quên; nhưng ít nhất, nó vẫn duy trì một nguyên tắc cân bằng giữa các hành động và phản ứng của con người – nếu không có nguyên tắc này, nhân loại có thể bị hủy diệt hoàn toàn. Cho đến khi bước cuối cùng hướng tới một liên minh giữa các quốc gia được thực hiện, tức một dấu mốc giữa chặng đường trong sự phát triển của nhân loại, thì bản tính con người vẫn phải chịu đựng những khổ đau tột cùng dưới lớp vỏ hào nhoáng của sự thịnh vượng bề ngoài; và Rousseau không hoàn toàn sai khi cho rằng trạng thái hoang dã đáng được ưa chuộng hơn, ít nhất là chừng nào nhân loại vẫn chưa đạt đến giai đoạn cuối cùng mà nó buộc phải vươn tới. Chúng ta đã được khai hóa ở mức độ cao nhờ nghệ thuật và khoa học. Chúng ta đã trở nên văn minh đến mức phiền toái với đủ kiểu lịch thiệp và phép tắc xã hội. Nhưng để nghĩ rằng chúng ta đã trở nên có đạo đức thì vẫn còn thiếu rất nhiều. Ý niệm đạo đức thuộc về văn hoá; còn việc sử dụng ý niệm để tạo ra cái tương tự như đạo đức thông qua lòng yêu danh dự và phép tắc hình thức thì chỉ tạo nên sự văn minh bề ngoài mà thôi. Nhưng chừng nào mà các quốc gia vẫn còn lãng phí sức lực của mình vào những tham vọng bành trướng vô ích và đầy bạo lực, từ đó liên tục cản trở những nỗ lực chậm chạp nhằm nâng cao tư duy của công dân họ, thậm chí còn tước bỏ mọi sự hỗ trợ cần thiết cho mục tiêu đó, thì không thể mong đợi bất cứ điều gì giống như một trật tự đạo đức. Để đạt được mục đích đó, mỗi thực thể chính trị phải trải qua một quá trình chuyển hóa nội tại lâu dài nhằm hướng đến việc giáo dục công dân của mình. Mọi điều tốt đẹp, nếu không được đặt nền tảng trên một phẩm chất đạo đức thực sự, thì rốt cuộc cũng chỉ là sự giả dối và một nỗi khốn khổ hào nhoáng. Trong tình trạng như vậy, loài người chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại, cho đến khi, theo cách mà tôi đã mô tả, nó tự thoát ra khỏi sự hỗn loạn trong quan hệ quốc tế của chính mình.
LUẬN ĐỀ THỨ TÁM Lịch sử loài người, xét trên tổng thể, có thể được nhìn nhận như quá trình hiện thực hóa kế hoạch ẩn giấu của Tự nhiên nhằm tạo ra một nhà nước được thiết lập một cách hoàn hảo như là điều kiện duy nhất trong đó các năng lực của loài người có thể được phát triển một cách đầy đủ, và đồng thời tạo ra một trật tự quan hệ giữa các quốc gia phù hợp một cách hoàn hảo với mục đích này. Đây là một hệ quả tất yếu từ điều đã nói trước đó. Ai cũng có thể thấy rằng triết học có thể tin vào một thời đại thiên niên kỷ lý tưởng, nhưng chủ nghĩa thiên niên kỷ ấy của nó không phải là không tưởng, bởi vì Ý niệm có thể hỗ trợ, dù chỉ gián tiếp, trong việc hiện thực hóa thời đại ấy. Câu hỏi duy nhất đặt ra là: Liệu Tự nhiên có tiết lộ điều gì về con đường dẫn đến mục tiêu này không? Và tôi trả lời: Tự nhiên có tiết lộ điều gì đó, nhưng rất ít. Cuộc cách mạng vĩ đại này dường như đòi hỏi một khoảng thời gian rất dài để hoàn tất, đến mức khoảng thời gian ngắn ngủi mà nhân loại đã đi theo con đường này chỉ cho phép chúng ta xác định hướng đi của nó và mối quan hệ giữa các bộ phận với toàn bộ một cách rất mơ hồ, giống như cách chúng ta đã từng dựa trên các quan sát thiên văn trước đây nhưng cũng không thể xác định chắc chắn quỹ đạo của mặt trời và các vệ tinh của nó giữa những ngôi sao cố định. Tuy nhiên, dựa trên tiền đề nền tảng về cấu trúc có hệ thống của vũ trụ và từ những điều ít ỏi đã được quan sát, chúng ta vẫn có thể tự tin suy luận về tính hiện thực của cuộc cách mạng ấy. Hơn nữa, bản tính con người vốn được cấu tạo theo cách sao cho chúng ta không thể thờ ơ trước thời đại xa xôi nhất mà giống loài của chúng ta có thể đạt đến, miễn là ta có đủ cơ sở để tin chắc vào điều đó. Sự thờ ơ như vậy lại càng ít có khả năng hơn đối với chúng ta, bởi dường như chính hành động trí tuệ của chúng ta có thể thúc đẩy thời đại hạnh phúc ấy đến nhanh hơn cho thế hệ mai sau. Vì lý do đó, ngay cả những dấu hiệu mờ nhạt nhất báo hiệu sự tiến gần đến thời đại ấy cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với chúng ta. Hiện thời, các quốc gia đang ở trong một mối quan hệ nhân tạo đến mức không một quốc gia nào có thể lơ là sự phát triển văn hóa nội tại của mình mà không đánh mất quyền lực và ảnh hưởng đối với các quốc gia khác. Do đó, việc bảo tồn mục đích tự nhiên này [văn hóa], nếu không phải là sự tiến bộ trong đó, cũng được bảo đảm khá tốt nhờ tham vọng của các quốc gia. Hơn nữa, nếu tự do công dân bị xâm phạm, chắc chắn sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực trên mọi mặt của đời sống, đặc biệt là trong thương mại, vì khi thương mại suy yếu, quyền lực và ảnh hưởng của quốc gia trong quan hệ đối ngoại cũng giảm sút. Tuy nhiên, tự do này dần dần mở rộng hơn. Khi công dân bị cản trở trong việc mưu cầu lợi ích cá nhân theo cách riêng của mình, miễn là điều đó không xâm phạm quyền tự do của người khác, thì sinh khí của toàn bộ cơ chế xã hội bị cạn kiệt, và cùng với đó, sức mạnh của toàn thể cộng đồng cũng suy giảm. Vì thế, các hạn chế đối với hành động cá nhân từng bước được dỡ bỏ, và tự do tôn giáo ngày càng được thừa nhận. Dù có những lúc điên rồ và thất thường, sự khai minh dần dần xuất hiện như một lợi ích lớn lao để rồi cuối cùng cứu nhân loại ra khỏi sự bành trướng ích kỷ của những kẻ thống trị họ, với giả định rằng những kẻ thống trị ấy hiểu được lợi ích thực sự của mình. Sự khai minh này, cùng với một sự cam kết nào đó trong tâm khảm mà con người được khai minh không thể không dành cho điều thiện mà anh ta đã nhận thức rõ ràng, phải dần dần vươn tới cả những ngai vàng và thậm chí có ảnh hưởng đến các nguyên tắc cai trị của chúng. Mặc dù, chẳng hạn, các nhà cầm quyền thế giới hiện nay không còn dư tiền cho giáo dục công, và nhìn chung là cho bất cứ điều gì liên quan đến lợi ích chung trên thế giới, bởi tất cả ngân sách của họ đã được dành cho các cuộc chiến tranh trong tương lai, nhưng họ vẫn sẽ nhận thấy lợi ích của chính họ ít nhất trong việc không cản trở những nỗ lực độc lập, dù yếu ớt và chậm chạp, của nhân dân trong công cuộc này. Cuối cùng, chiến tranh tự nó sẽ bị nhìn nhận không chỉ như một sản phẩm nhân tạo, với kết cục bất định đối với cả hai bên, mà còn như một gánh nặng kéo dài dưới hình thức nợ chiến tranh ngày càng gia tăng (một phát minh mới), đến mức không thể chi trả được, khiến nó trở thành một sự lựa chọn đầy rủi ro và đáng ngờ nhất. Tác động của bất kỳ cuộc cách mạng nào đối với tất cả các quốc gia trên lục địa của chúng ta, vốn được gắn kết chặt chẽ với nhau qua thương mại, sẽ rõ ràng đến mức các quốc gia khác, vì lo ngại cuộc cách mạng có thể đe dọa sự ổn định của chính mình dù không có cơ sở pháp lý nào, cũng sẵn sàng đóng vai trò trọng tài. Qua đó, họ sẽ dọn đường cho một chính quyền quốc tế trong tương lai xa, một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Mặc dù chính quyền quốc tế này hiện nay mới chỉ tồn tại dưới dạng một phác thảo thô sơ, nhưng trong tất cả các quốc gia thành viên đang dần hình thành một nhận thức chung về sự cần thiết phải bảo vệ toàn thể cộng đồng. Điều này cuối cùng mang lại hy vọng rằng, sau nhiều cuộc cách mạng cải tổ, một trật tự công dân thế giới phổ quát mà Tự nhiên xem là mục đích tối hậu của mình sẽ hình thành, như một cái nôi ở đó tất cả các năng lực nguyên thủy của loài người có thể phát triển toàn diện.
LUẬN ĐỀ THỨ CHÍN Một nỗ lực triết học nhằm xây dựng một lịch sử phổ quát theo một kế hoạch tự nhiên, hướng đến việc thiết lập sự liên hiệp công dân của toàn thể nhân loại, phải được xem là khả thi và thực sự góp phần vào mục đích tối hậu của Tự nhiên. Thật kỳ lạ và có vẻ ngớ ngẩn khi muốn viết một lịch sử theo một Ý niệm về việc tiến trình của thế giới phải như thế nào để dẫn đến những mục đích hợp lý nhất định. Có vẻ như với một Ý niệm như vậy, thứ duy nhất có thể viết ra chỉ là một câu chuyện hư cấu. Tuy nhiên, nếu ta có thể giả định rằng Tự nhiên, ngay cả trong sự vận động của tự do con người, vẫn hoạt động không phải không có kế hoạch hay mục đích, thì Ý niệm này vẫn có thể hữu ích. Ngay cả khi chúng ta quá mù quáng để nhận ra cơ chế bí ẩn trong cách vận hành của nó, thì Ý niệm này vẫn có thể đóng vai trò như một sợi chỉ dẫn đường, giúp trình bày lịch sử như một hệ thống, ít nhất là ở những nét phác thảo rộng lớn, thay vì chỉ là một tập hợp hỗn loạn các hành động con người. Bởi nếu ta bắt đầu với lịch sử Hy Lạp, một nền lịch sử qua đó mọi lịch sử cổ đại hoặc đương thời đều đã được truyền lại hoặc ít nhất là được xác nhận[6]; nếu ta theo dõi ảnh hưởng của lịch sử Hy Lạp đối với sự hình thành và những sai lệch trong việc thiết lập nhà nước La Mã, một thực thể đã nuốt chửng nền văn minh Hy Lạp; rồi từ ảnh hưởng của La Mã đối với các bộ tộc man di, những kẻ sau đó lại hủy diệt nó, và tiếp tục như vậy cho đến thời đại của chúng ta; nếu ta bổ sung những sự kiện từ lịch sử dân tộc của các quốc gia khác trong chừng mực mà chúng được biết đến thông qua lịch sử của các quốc gia khai minh, thì ta sẽ nhận ra một tiến trình phát triển có quy luật trong việc tổ chức nhà nước trên lục địa chúng ta (khu vực có khả năng sẽ thiết lập luật lệ cho tất cả các khu vực khác trong tương lai). Hơn nữa, nếu ta tập trung vào các thể chế dân sự, hệ thống luật pháp và quan hệ giữa các quốc gia, xét xem trong chừng mực nào những yếu tố tích cực mà chúng có đã giúp nâng cao và làm rạng rỡ các dân tộc, nghệ thuật và khoa học qua nhiều thế kỷ, và trong chừng mực nào những sai lầm của chúng đã dẫn đến sự sụp đổ của chính các thể chế đó, nếu sau sự sụp đổ, vẫn còn sót lại một mầm mống của khai minh để tiếp tục được phát triển nhờ chính sự sụp đổ đó, và một giai đoạn cao hơn có thể dần hình thành, thì tôi tin rằng nếu theo đuổi hướng nghiên cứu này, ta sẽ tìm ra một sợi chỉ dẫn đường. Nó không chỉ giúp làm sáng tỏ trò chơi hỗn loạn của những biến cố nhân loại hoặc phục vụ cho nghệ thuật dự đoán các biến động chính trị trong tương lai, một công dụng từng được rút ra từ lịch sử, ngay cả khi nó bị nhìn nhận như kết quả rời rạc của một tự do vô luật lệ, mà còn mở ra một viễn cảnh đầy an ủi về tương lai (mà ta không thể hy vọng một cách hợp lý nếu không giả định rằng có một kế hoạch tự nhiên), trong đó, từ xa ta có thể thấy được cách mà nhân loại cuối cùng đạt đến trạng thái mà tất cả những hạt giống mà Tự nhiên đã gieo vào nó có thể phát triển trọn vẹn, và trong đó, định mệnh của loài người sẽ được hoàn tất ngay tại trần thế. Một sự biện minh như vậy cho Tự nhiên – hay đúng hơn, cho Thiên hựu – không phải là một lý do không quan trọng trong việc xác định quan điểm đối với lịch sử thế giới. Bởi lẽ, có ích gì khi chúng ta tán dương sự huy hoàng và khôn ngoan của công trình sáng tạo trong lĩnh vực giới tự nhiên vô tri, và khuyến khích việc chiêm ngưỡng nó, nếu phần quan trọng nhất của đại sân khấu của trí tuệ tối cao, vốn là nơi chứa đựng mục đích của tất cả những phần khác – lịch sử loài người – lại trở thành một lời khiển trách không ngừng đối với chính trí tuệ ấy? Nếu chúng ta buộc phải ngoảnh mặt với nỗi chán chường, tự hỏi liệu có thể tìm thấy một mục đích hoàn toàn hợp lý trong đó hay không, và chỉ còn biết hy vọng rằng điều đó tồn tại ở một thế giới khác. Nói rằng tôi muốn thay thế công trình của các sử gia duy nghiệm bằng Ý niệm này về lịch sử thế giới, một Ý niệm phần nào đó dựa trên nguyên tắc tiên nghiệm, sẽ là một sự hiểu sai về ý định của tôi. Đây chỉ là một gợi ý về những gì một bộ óc triết học (vốn cũng cần phải rất am hiểu lịch sử) có thể thử nghiệm từ một góc nhìn khác. Nếu không, những tình tiết chi li quá mức của lịch sử thời đại chúng ta chắc chắn sẽ dẫn đến những hoài nghi nghiêm trọng về việc hậu thế của chúng ta sẽ bắt đầu tiếp cận gánh nặng của lịch sử mà chúng ta để lại cho họ sau vài thế kỷ như thế nào? Theo lẽ tự nhiên, họ sẽ đánh giá lịch sử của các thời đại trước, thời mà các tư liệu về nó có lẽ đã mất từ lâu, chỉ từ quan điểm về những gì khiến họ quan tâm, tức là nhằm trả lời câu hỏi: các quốc gia và chính phủ khác nhau đã đóng góp gì vào mục tiêu công dân thế giới, và họ đã làm gì để hủy hoại nó. Việc cân nhắc điều này, nhằm hướng tham vọng của các quốc vương và giới cầm quyền dưới trướng họ theo con đường duy nhất có thể giúp danh tiếng của họ được lưu truyền đến các thế hệ sau, có thể là một lý do phụ để thử nghiệm một cách tiếp cận lịch sử mang tính triết học như vậy.
Dịch từ: Immanuel Kant: On History, Lewis White Beck biên tập, The Bobbs-Merrill Co., 1963. [1] Một tuyên bố trong phần “Thông báo ngắn” trong tờ Gothaische Gelehrte Zeitung, số 12 năm nay [1784], chắc chắn dựa trên cuộc trò chuyện của tôi với một học giả đang du lịch qua đây, là nguyên nhân cho bài luận này, mà nếu không có nó thì tuyên bố đó sẽ không thể được hiểu. [Thông báo đó nói rằng: “Một ý tưởng yêu thích của Giáo sư Kant là mục đích tối hậu của loài người là đạt được một bản hiến pháp công dân hoàn hảo nhất, và ông ấy mong muốn rằng một sử gia triết học có thể đảm nhận việc mang đến cho chúng ta một lịch sử nhân loại từ quan điểm này, và chỉ ra mức độ mà nhân loại trong các thời đại khác nhau đã tiến gần hoặc xa rời mục đích cuối cùng này và những gì còn phải làm để đạt được nó.”] [2] Vai trò của con người rất phức tạp. Chúng ta không biết tình hình của cư dân trên các hành tinh khác và bản chất của họ như thế nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện tốt sứ mệnh mà Tự nhiên giao phó cho chúng ta, có lẽ chúng ta có thể tự hào rằng mình có thể đòi hỏi một vị trí không tầm thường giữa những người hàng xóm trong vũ trụ. Có thể trong số họ, mỗi cá nhân có thể hoàn toàn đạt được số phận của mình trong cuộc đời riêng. Đối với chúng ta, thì khác; chỉ có giống loài mới có thể hy vọng đạt được điều đó. [3] Ám chỉ đến Liên minh Amphictyonic, một liên minh của các bộ lạc Hy Lạp ban đầu được thành lập để bảo vệ một đền thờ tôn giáo, sau này đã đạt được quyền lực chính trị đáng kể. [4] Charles-Irénée Castel, Tu viện trưởng de Saint Pierre (1658-1743), trong tác phẩm Đề án hòa bình vĩnh cửu (Utrecht, 1713). Bản dịch của H. H. Bellot (London, 1927). [5] Trong tác phẩm Trích đoạn từ dự án hòa bình vĩnh cửu của Tu viện trưởng de St. Pierre (1760). Bản dịch của C. E. Vaughn, Một nền hòa bình lâu dài thông qua Liên bang châu Âu (London, 1917). [6] Chỉ có một công chúng có học thức, tồn tại liên tục từ thuở sơ khai cho đến thời đại của chúng ta, mới có thể xác nhận tính chân thực của lịch sử cổ đại. Ngoài phạm vi đó, mọi thứ khác đều là terra incognita (vùng đất chưa được biết đến); và lịch sử của những dân tộc nằm ngoài phạm vi ấy chỉ có thể bắt đầu khi họ tiếp xúc với nó. Điều này đã xảy ra với người Do Thái vào thời kỳ cai trị của vương tộc Ptolemaios, khi Kinh Thánh của họ được dịch sang tiếng Hy Lạp. Nếu không có bản dịch này, chúng ta sẽ ít có cơ sở để tin vào những câu chuyện riêng lẻ của họ. Từ thời điểm này, một khi đã được xác định chính xác, chúng ta có thể lần theo lịch sử của họ. Điều này cũng đúng với tất cả các dân tộc khác. Hume nói rằng, trang đầu tiên của Thucydides [“Về mức độ đông đúc của các quốc gia cổ đại” trong Các tiểu luận về đạo đức, chính trị và văn học, do Green và Grose biên tập, Tập I, tr. 414] chính là điểm khởi đầu duy nhất của toàn bộ lịch sử thực sự. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC