Thuyết cấu trúc

Cuộc cách mạng của Brecht

 

CUC CÁCH MNG CA BRECHT

 

ROLAND BARTHES (1915-1980)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 

 

Từ hai mươi bốn thế kỷ nay, ở châu Âu, kịch được dàn dựng theo lý thuyết Aristote: ngay cả ngày nay, năm 1955, mỗi lần đi xem kịch, chúng ta xem nếu không Shakespears thì cũng Montherlanr, nếu không Racine thì cũng Roussin, nếu không Maria Casarès thì cũng Pierre Fresnay; dù chúng ta có sở thích gì và thuộc đảng phái nào, chúng ta đều quyết định lấy sự thích thú hay sự chán ngán, cái thiện hay cái ác; với tính cách là chức năng của nền luân lý cố cựu, tín điều [credo] của nó là như sau: công chúng càng mủi lòng bao nhiêu thì họ càng đồng nhất với nhân vật chính bấy nhiêu, màn kịch càng mô phỏng cốt truyện bao nhiêu thì diễn viên càng nhập được vai diễn của mình bấy nhiêu, vở diễn càng huyền ảo bao nhiêu thì buổi diễn càng thành công bấy nhiêu.[1]

 

Bertolt Brecht (1898-1956)

Thế nhưng, có một người đã đến, công trình và tư tưởng của người ấy đặt lại vấn đề một cách triệt để bộ môn nghệ thuật này, một bộ môn lâu đời đến mức chúng ta có thể có những lý do chính đáng nhất trần đời để tin rằng nó là “tự nhiên”; đó là người đã bất chấp mọi truyền thống mà nói với chúng ta rằng công chúng chỉ nhất thiết tham dự vào phân nửa cảnh diễn [spectacle] thôi, để biết điều gì được biểu lộ, thay vì buông mình theo nó; rằng diễn viên phải tạo ra ý thức ấy bằng cách làm bộc lộ vai diễn của mình, thay vì hóa thân vào nó; rằng khán giả không bao giờ được đồng nhất hoàn toàn bản thân họ với các nhân vật chính, sao cho lúc nào họ cũng giữ được khoảng cách tự do để phán đoán về các nguyên nhân của sự đau khổ của mình, rồi [tìm kiếm] những phương thuốc chữa trị nó; rằng cốt truyện [action] không phải được mô phỏng, mà là được kể lại; rằng vở kịch phải thôi tính chất huyền ảo để trở nên có tính phê phán, đối với ông, đây vẫn sẽ là phương cách tốt nhất để [vở kịch] đầy tính nhiệt huyết.

    Và trong chừng mực cuộc cách mạng kịch nghệ của Brecht thách thức các thói quen, các sở thích và các sự phản tư của chúng ta, thì chính các “luật” của bộ môn nghệ thuật kịch mà chúng ta đang sống buộc chúng ta phải thôi không im lặng hay mỉa mai nữa, và phải đối mặt với Brecht. Tờ tạp chí của chúng tôi đã bị [độc giả] kêu ca quá nhiều trước tình trạng tầm thường hay thấp kém của nền sân khấu hiện nay, sự hiếm hoi những cuộc nổi loạn và sự cứng nhắc về kỹ thuật của nó, để nó có thể trì hoãn lâu hơn việc tra vấn một nhà soạn kịch vĩ đại của thời đại chúng ta, người đã đề xuất cho chúng ta không chỉ một công trình, mà còn là một hệ thống vững chắc, mạch lạc và ổn định, tuy có thể khó áp dụng, nhưng ít ra có được hiệu dụng [vertu] gây “xì-căng-đan” và gây ngạc nhiên một cách hữu ích và không thể chối cãi.

    Dù rốt cuộc ta có đánh giá như thế nào về Brecht, ít nhất ta cần phải chỉ ra sự trùng hợp giữa tư tưởng của ông với những chủ đề lớn có tính chất tiến bộ của thời đại chúng ta: cụ thể là các thói xấu của con người nằm trong tay bản thân con người, nghĩa là thế giới này có thể uốn nắn được; nghệ thuật có thể và phải can thiệp vào lịch sử; ngày nay nghệ thuật phải góp phần làm những công việc giống như các bộ môn khoa học mà nó có liên đới; và từ nay trở đi, chúng ta phải có một nghệ thuật giải thích chứ không còn chỉ đơn thuần là một nghệ thuật thể hiện; bộ môn kịch dứt khoát phải giúp sử học trong việc vạch ra sự tiến bộ của lịch sử; các kỹ thuật sân khấu tự chúng phải được dấn thân; và cuối cùng, không có một “bản chất” [“essence”] của nghệ thuật vĩnh cửu, mà mỗi xã hội phải sáng chế ra một bộ môn nghệ thuật nào có trọng trách tạo ra sự giải phóng cho chính mình.

    Một cách tự nhiên, các ý niệm của Brecht đã đặt ra một số vấn đề và gây nên những sự chống đối, nhất là ở một nơi như nước Pháp, và hiện nay, điều này đã tạo thành một phức thể lịch sử rất khác với Đông Đức. Số chuyên đề về Brecht của tờ Théâtre populaire này không có tham vọng giải quyết các vấn đề hay chiến thắng những sự chống đối ấy. Mục đích duy nhất của chúng tôi lúc này là góp phần tìm hiểu về Brecht.

     Chúng tôi đang mở ra một hồ sơ, chúng tôi không hề xem nó là thứ hồ sơ đóng kín. Chúng tôi rất mong muốn các độc giả của Théâtre populaire bổ sung thêm vào đó chứng cứ của mình. Trong mắt chúng tôi, điều này sẽ bù đắp cho sự vô tình hay sự lãnh đạm của phần đông giới trí thức và những người làm kịch [hommes de théâtre] đối với một con người mà trong mọi trường hợp chúng tôi đều coi là một “yếu nhân đương thời” [“contemporain capital”].

    1955, Théâtre populaire.

 



[1] Bài xã luận cho số chuyên đề về Brecht của Tạp chí Théâtre polulaire (jan.-fév. 1915), số II.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt