Thuyết Duy lý

Tổ triết học nước Pháp: ông Descartes cùng sách "Phương pháp luận"

Tạp chí Nam Phong, số 02, tháng 8 năm 1917, tr. 100-104.

TỔ TRIẾT HỌC NƯỚC PHÁP: ÔNG DESCARTES

CÙNG SÁCH “PHƯƠNG PHÁP LUẬN”

(Discours de la méthode)

PHẠM QUỲNH (1892-1945)

 

Xét lịch sử trong thiên hạ thì thấy hễ hết một thời đại hắc ám, thường xuất hiện ra một bực đại triết biến đổi cả tư tưởng cũ mà đặt ra một nền nếp mới. Nước Pháp trong suốt đời Trung cổ, cho đến đầu thế kỷ thứ 15, thực đã trải qua một thời kỳ hắc ám: quốc văn chưa thành, bọn học thức trong nước chỉ thiên trọng chữ la tinh; triết học thì gồm cả trong tay đảng giáo sư, hoặc là lẫn với khoa thần học, hoặc là biện nạn về mấy quyển sách cổ của La-mã Hi-lạp, sự tư tưởng như bị giam hãm trong những lề lối nhất định, không sáng nghĩ được điều gì mới lạ. Cái tình thế sự học ở Pháp về đời bấy giờ cũng tức như nho học ở nước ra khi xưa vậy. Ta trọng ông Chu ông Trình thế nào thì người Pháp cũng trọng ông Aristote, ông Platon như thế, mà không phải là trọng cái tinh thần, chỉ trọng cái hình thức mà thôi. Lấy một đoạn sách cổ, người kia biện ta thế này, người này nạn ra thế kia, cãi cọ nhau suốt ngày, không thành kết quả gì: đó là cái lối học triết lý đời bấy giờ. Nhưng bắt đầu từ thế kỷ thứ  15, người Pháp đã biết lấy cái áp chế của La-mã Hi-lạp mà làm nặng, khái nhiên muốn tự lực học vấn lấy, tư tưởng lấy, không quản gì phản trái với những tiền triết đời Cổ đại. Bấy giờ mới xuất hiện ra những nhà văn sĩ như ông Rabelais, ông Montaigne, lấy quốc âm làm văn tự, gây dựng ra một nền văn chương mới. Chữ la tinh từ đấy không dùng làm quốc văn nữa, thành một lối “tử văn”, chỉ còn dùng trong kinh nhà đạo mà thôi. Rồi đột nhiên sinh ra một bực đại triết, phá đổ cả cái học vấn cũ mà gây dựng ra một nền triết học mới. Nhà đại triết ấy là ông Descartes, đời sau suy tôn là ông tổ triết học ở nước Pháp. Tuy cái học của ông đã có một vài phần cũ rồi, không hợp với thời nay nữa, nhưng cái phương pháp của ông đặt ra để học triết lý thì thực là một cái công trình tuyệt tác, một cái lâu đài rất vững bền mà rất trang nghiêm, chưa dễ bao giờ đã suy truyển được. Vì cái phương pháp ấy là do nhẽ phải thiên nhiên, không phải do cái thành thuyết của người đời trước, nên người ta còn phải dùng đến nhẽ phải để suy xét sự vật thì còn không ra được ngoài phương pháp ấy. Bởi vậy[1]mà sách “Phương pháp luận” (Discours de la méthode) của ông, tuy làm tự năm 1637, mà bên Âu châu vẫn coi là một bộ nhập môn tất yếu của khoa triết học. Bọn ta ngày nay muốn thiệp liệp cái tư tưởng Tây phương, tưởng không gì bằng bắt đầu xem sách ấy. Có hiểu cái phương pháp của triết học thế nào thì mới có thể giải được cái lý tưởng mới, hội được nghĩa sâu của cái công tư tưởng Âu châu tự đầu đời Cận đại đến giờ. Trước thế kỷ thứ 15, nghĩa là về đời Trung cổ cùng đời Cổ đại, thì cái lối học vấn tư tưởng của Âu châu cũng chẳng khác gì bên Á châu ta, có nhẽ còn kém mà không bằng ta nữa. Âu châu mới bắt đầu tiến bộ nhanh rất dữ như ngày nay là tự thế kỷ 15 đến giờ. Bởi đâu mà gây nên sự tiến bộ nhanh như thế? Thực là bởi công mấy nhà đại triết xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 15, 16, như ông Bacon[2] nước Anh, ông Descartes nước Pháp vậy. Các nhà ấy đã đưa cái tư tưởng Âu châu vào đường chân chính mà gây nên cái nền văn minh học thuật ngày nay. Bởi vậy chúng tôi định dịch trong bản bái sách “Phương pháp luận” của ông Descartes, để hiến học giới ta một bộ giáo khoa cao đẳng, rất đáng học, đáng nghiền ngẫm, đáng đọc đi đọc lại, cho biết một nhà tây nho đời xưa đối với sự học nhiệt tâm mà thành thực là chừng nào. Ôi! Cái chân lý có phải là dễ tới được đâu. Trong óc ta thường đầy những tư tưởng sai nhầm, đầy những ý kiến thiên lệch, phải gột rửa đi cho sạch thì mới đem ra mà đón tiếp cái chân lý được. Tiên nho ta ngày xưa cũng từng dậy phải hư tâm để cầu sự thực. Nếu trong lòng còn bận những sự thiên kiến của đời, còn bị cái vật dục nó mờ ám đi, thì mong sao mà trông rõ được cái chân tướng của sự vật? Sách Phương pháp luận của ông Descartes này thực là dậy cho ta cái phép “hư tâm để cầu sự thực” vậy.

Trước khi dịch ta hẵng kể lược cái truyện ký của ông Descartes, cùng thuật qua cái đại ý trong sách như sau này.

Ông họ Descartes, tên René, tên la tinh là Cartesius, vốn dòng quý tộc (chính tên họ nhà ông nguyên là Desquares). Sinh năm 1596 ở La Haye, trong quận Touraine, tức là hạt Indre-et-Loire ngày nay. Ông là con một ông nghị viên ở Nghị hội thành Rennes. Thủa nhỏ học ở trường của các viên hội Gia tô (Jésuites) lập ra để dạy con nhà quý tộc. Sớm ông đã tỏ ra có thiên tư riêng về triết học cùng số học.Thủa thiếu niên cũng là người chơi bời lắm, đến năm 1617 nghe nhời cha quyết chí theo nghề quân, bốn năm tòng sự trong quân đội của công tước de Nassau cùng công tước đất Baviève.

Đến sau đi du lịch nước Đức, nước Thụy-điển, nước Hà-lan, nước Ý-đại-lợi, rồi ra thành La-mã mà về Ba-lê năm 1626. Ông đã từng được xem việc vây thành Rochelle, đánh đảng tân giáo cải lương năm 1627-1628. Sau việc ấy thì ông bỏ nghề quân quyết chí đem tâm cả vào sự tư tưởng triết học, bèn sang ở đất Hà-lan, trước ở thành Amsterdam, sau ra thành La Haye, thành Leyde, đến sau ra ở lầu Egmont là một nơi cảnh chí tịch mịch, có thú thanh nhàn.

Năm 1637, ông xuất bản sách “Phương phép luận”[3] ở thành Leyde. Năm 1641 thì in tập “Mặc tưởng lục” (Méditations), năm 1644 in sách “Triết học nguyên lý” (Principes de philosophie). Trước ông đã có soạn một bộ sách về quang học theo cái thiên văn học của ông Copernic[4], sau được tin ông Galilée[5] phái Giáo hoàng làm tội thì ông bỏ sách ấy không làm nữa, không phải rằng ông tự lấy làm nhầm, nhưng sợ tội lây đến mình. Tuy vậy cái học của ông cũng là trái với chính truyền của đạo Thiên-chúa. Năm 1666, hồi cải táng di hài ông về nhà thờ Sainte-Geneviève, có lệnh trên cấm giáo sư Lallemand không được đọc văn tế ông. Hồi sách “Phương pháp luận” cùng các sách khác về số học của ông mới xuất bản, ông cũng bị những nhà thần học về đạo La-mã cùng đạo Cải lương phản đối nhiều lắm. Nhất là bọn Cải lương đối với ông lại kích liệt lắm nữa. Họ cáo ông là không tin Thiên-chúa, sách vở của ông đã suýt phải bị đốt.

Ông nhọc vì những sự tranh biện vô ích ấy, lại không chịu đội ơn via Louis thứ 13, bèn nhận nhời bà nữ hoàng Christine nước Thụy-điển (Suède) năm 1649 mời sang kinh đô nước ấy là thành Stockholm. Khi mới đến, người Thụy-điển hoan nghênh ông rất là trọng thể. Nữ hoàng muốn xin ông dạy triết học; ngày ngày cứ năm giờ sáng ông vào cung diễn thuyết về triết học, những nhà danh sĩ cùng những bực quyền quí đến nghe rất đông. Một hôm ông bị cảm hàn, ngày 11 tháng 2 năm 1650 thì tạ thế, thọ được 54 tuổi.

Ông tính trầm mặc quả giao, thích ở tĩnh mịch, không đi lại với ai, chỉ có một người bạn thân là giáo sư Marsenne, phàm thư từ giao thiệp với các bực danh sĩ Âu châu đời bấy giờ cũng là bởi một tay giáo sư cả. Ông không ưa gần chúng, không muốn nhờ ai giúp việc gì, thường nói rằng: “Những người hoặc là muốn biết hoặc là muốn học thêm mà tự ý hiến công để giúp ta, thì không những thường thường là những người chỉ biết hứa mà không thực lực giúp được gì, ngồi bàn không thì khôn khéo lắm mà rút lại chẳng nhời bàn nào thành công, không những thế lại còn bắt ta phải đền công mà giải quyết cho những điều nghi vấn, không thì cũng bắt ta ngồi cùng mà nói những truyện vô ích, nói bao nhiêu là ta mất bấy nhiêu thì giờ vậy.” Bởi vậy, ông có việc gì đáng thuê thì ông thuê người làm, không hề lụy nhờ ai, vì ông nói: “Phàm con nhà nghề, cùng đại để những người có thể giả tiền được thì mình đối với họ lấy cái lợi mà đãi, cái lợi là cái kế diệu hơn cả, họ ham lợi mình khiến làm gì tất cố sức cho mình vừa ý.” Người ta ở đời đã từng có khi lấy sự giùm giúp của bè bạn làm phiền làm nặng hơn cái công mướn của kẻ làm thuê thì mới biết nhời ông nói là phải. Tuy ông đối với thế nhân giữ cái thái độ lạnh nhạt như thế, mà cái ảnh hưởng của ông trong xã hội đương thời rất là sâu xa mà đầm thấm. Cho hay những người đại trí ở đời không biết chiều chúng cho chúng yêu, thường bỉ chúng mà chúng phải phục; cái thiên tài vốn là một  vật quí của giời đất, dẫu chí ngu cũng biết cảm vậy.

Cái thiên tài ấy ông có từ thủa nhỏ, khi lên tám chín tuổi cha đã thường gọi ông là “ông triết học nhỏ” (le petit philosophe), vì cái gì ông cũng muốn hỏi cho biết cỗi dễ[6] nó thế nào. Trong lúc còn ở học nhà trường ông thường theo cái tục các con nhà quí tộc thời bấy giờ tập cỡi ngựa cùng đấu gươm; ông liền soạn ngay một bộ sách bàn về nghề đấu gươm (l’Escrime), sách ấy ngày nay lưu lạc mất không còn nữa. Ông sở trường nhất là các khoa số học; từ khi còn làm học trò ông đã từng so sánh số học với các môn học khác, nhận thấy cái gốc của số học thực là vững vàng và bền chặt hơn các môn học kia, mà lấy làm lạ rằng cớ sao từ xưa đến nay chưa ai biết dùng cái gốc ấy mà đặt ra một lối triết học mới. Trong bụng ông mang một cái tư tưởng như thế trong mấy mươi năm, kịp đến khi ông theo quân của công tước đất Baviève ra đóng ở thành Neubourg nước Đức thì một đêm – đêm ấy là đêm ngày 10 tháng 11 năm 1619 – ông hốt nhiên tỉnh ngộ tưởng như thấu suốt được cái phép tắc ấy chỉnh nhiên sác nhiên[7] như trong số học vậy. Ông bèn tự nghĩ rằng nếu trong các môn học chỉ có số học là có cái tính đích sác như thế thì sao không đem theo cái phương pháp của số học ra mà ứng dụng cho triết học để xét cái cùng lý của sự vật? Bởi vậy ông mới sáng nghĩ ra đại ý sách “Phương pháp luận” này. Sách tuy đến mười năm sau mới xuất bản nhưng thực là khởi điểm tự bất giờ.

Đại khái sách ấy dạy rằng mục đích triết học là để tìm cái chân lý. Nhưng làm thế nào mà biết được cái chân lý? Chân lý là cái gì mình tư tưởng sác nhiên, không còn nghi ngờ nữa. Phàm cái gì có sác nhiên mới nên nhận là thực, phàm cái gì đã sác nhiên là sự thực: đó là cái phép tắc thứ nhất của triết học. Vậy thì cái gì còn mập mờ là chưa đủ tin. Tư tưởng một sự gì phải nghiền ngẫm cho thực sâu, cho đến khi trong trí mình sáng suốt cả, mới chịu nhận là phải; như thế thì không thể nào nhầm được. Nhưng mà cái sác nhiên cũng có khi giả dối, cũng có khi nó nhầm mình được. Không kể phái “ngụy biện”  (les sophistes) là phái những nhà triết học biết mình là nhầm mà vẫn cứ cố cãi cho được, còn từ xưa đến nay phàm sự tư tưởng nhầm của các bực tiền triết lúc xướng ra tất cũng cho là phải, cho là sác nhiên cả. Bởi sao vậy? Bởi sự phán đoán điều phải điều trái không phải là bởi trí tuệ, thực là thuộc về ý chí, thuộc về cái chí muốn, sự tự do của người ta. Chắc là phải có trí tuệ mới hiểu được các nhẽ, người ngu tối thì còn biết suy xét điều gì. Nhưng muốn hiểu cho sác nhiên thì phải có cái chí muốn, có quyền tự do mới được. Là bởi cái nhẻ như thế này: trong khi ta tư tưởng một sự gì thì cái trí tuệ ta phải nghiền ngẫm về sự ấy. Cái trí tuệ ta vốn nó không được thập phần sáng suốt. Vậy lắm khi nó chưa cứu xét cái tư tưởng ấy cho đến nơi đến chốn đã đệ trình cho ta phán đoán. Nếu ta cũng lười mà cẩu thả, nếu trong lòng ta lại thiên nữa, thì ta phán đoán tất nhầm, không khỏi được. Người đời thường lẫn lộn sai nhầm, lấy trái làm phải, lấy trắng làm đen, lắm khi bởi cái ý chí mình nhu nhược , không phải bởi cái trí tuệ mình hôn mê vậy. Cứ lấy một người bình thường, trong óc trong sạch không có bệnh tật gì, trong lòng bình tĩnh không có thiên ỷ gì, nếu lại có cái chí cương cường nữa, thì không lo xét đoán sai nhầm được. Cái óc mình nó trình bầy mình sự gì, mình có thể muốn thì nhận, muốn thì khước, đã sác nhiên thì cho là phải, chưa sác nhiên thì bỏ bác đi, như thế thì còn nhầm sao được?

Nhưng có cái chí muốn chưa đủ, còn phải có quyền tự do nữa mới được. Vì người ta không những là phải đoạt cái tính nhu nhược cẩu thả ở trong người, lại còn phải đoạt cái áp lực ở ngoài nữa, cái áp lực ấy nó thường ngăn trở cái lý sác nhiên không phát hiện ra được. Áp lực ấy là gì? Là những sự thiên kiến, sự xét đoán nông nổi sai nhầm của người đời, lề lối bó buộc, quyền thế ngăn cầm, điều lợi hại của mình, lợi hại cho bè đảng, cùng nhiều mối khác nữa. Phải cho sạch lòng cả những sự ấy mới có thể cầu được cái nhẽ sác nhiên. Nhưng muốn cho sạch lòng những sự ấy thì phải có cái nghị lực khác thường mới được, vì phải chống đối ở trong, chống đối ở ngoài, có toàn thắng mới được tự do. Đã tự do, nghĩa là không phải hệ lụy gì, được tự mình phán đoán, lại có cái chí quyết muốn phán đoán cho đúng, thì không khó gì mà tới được cõi sác nhiên. Cái sác nhiên là cái của báu chỉ riêng để cho những người vừa thông minh sáng suốt, vừa thành thực chính trực, nhất là chính trực, vì nếu bụng không thẳng, trí cong queo thì sáng suốt làm gì?

Nói rút lại phàm người đã đem thân thờ cái chân lý, phải trong sạch trong lòng , sáng suốt trong trí, tình ngay thẳng, ý nghiêm trang, phải có một cái đức tính sâu và dầy vậy. Cái nhẽ sác nhiên không phải là kết quả của đạo đức, nhưng có đạo đức mới cảm được nhẽ sác nhiên.

Đó là gốc của cái phép triết học ông Descartes, tuy suy rộng ra vô cùng mà rút lại chỉ gồm ở hai chữ đạo đức. Thế mới biết đạo đức thực là một mối thiêng liêng, nó ngụ ở nguồn gốc mọi sự mọi vật, nó là nơi trung tâm của mọi sự tư tưởng. Tinh thần ta dù muốn mượn cánh chim bằng ông Trang Tử ma tiêu dao trong giời đất, sớm trưa cũng là phải qui y về đấy. Phàm cái tư tưởng gì không lấy đạo đức làm cốt là hư tưởng ngụy tưởng cả. Thánh hiền ta ngày xưa cũng dậy như thế mà các bực đại triết bên Âu châu cũng khuyên như vậy.

Ta nói đến tên triết học tất nghĩ đến người có đức tính hơn người. Nhà triết học xưa nay vẫn là đồng nghĩa với nhà quân tử. Người ta thành tâm mà theo đuổi cái chân lý thì dù chẳng tới được, cũng là hay thêm người ra. Xưa nay trong lịch sử thiếu gì kẻ gian hùng tranh quyền cướp nước, thiếu gì những người nham hiểm giảo quyệt, hại người mà mưu sự lợi lộc cho mình. Nhưng thử hỏi đã từng trông thấy bao giờ một người phẩm hạnh sằng – dù thông minh sáng suốt đến đâu nữa mặc lòng – mà nổi danh nhà triết học không? Quyết rằng không.

Nếu triết học vun trồng được mầm đạo đức, bổ ích cho việc thế giáo như thế, thì triết học cũng nên học mà sách triết học cũng nên xem vậy.

Kỳ sau bắt đầu dịch sách “Phương pháp luận” của ông Descartes.

PHẠM QUỲNH


Nguồn: Tạp chí Nam Phong, số 02, tháng 8 năm 1917, tr. 100-104. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.



[1] chữ “vậy” bị in thiếu ký tự “v” trong nguyên bản, đã sửa (triethoc.edu.vn)

[2] Tầu dịch là Bồi Càn.

[3] Chỗ này trong bản in ghi là “phép” chứ không phải “pháp” (triethoc.edu.vn).

[4] Ông Nicolas Copernic là nhà thiên văn học người Ba-lan (Poloane). Ông phát minh ra trước nhất rằng các hành tinh vừa quay chugn quanh mình, vừa quay chung quanh mặt giời. Sau bị giáo hoàng bắt tội vì cái lý thuyết ấy trái với thánh kinh. – Sinh năm 1473, mất năm 1543.

[5] Ông Galilée, chính tên là Galiles Galilée, là nhà số học, lý học, thiên văn học, người Ý-đại-lợi, sinh ở thành Pise năm 1564. Ông chế ra cái hàn thử biểu, cái thiên lý kính, mà theo cái thiên văn học của ông Copernic, xướng lên rằng chính mặt giời chớ không phải địa cầu là trung tâm của thế giới ta, địa cầu thực là quay chung quanh mặt giời. Giáo hội làm án cái học thuyết ấy là trái với thánh kinh, bấy giờ ông đã 70 tuổi phải ra trước tòa thẩm phán xin lỗi mới được khỏi tội thiêu.

[6] “cội rễ” (triethoc.edu.vn)

[7] sác nhiên: sự chắc chắn (triethoc.edu.vn)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

An Cao - 15:26 27/01/2016
Xin được cám ơn ông Phạm Quỳnh đã viết một bài thật giá trị, đồng thời cũng góp công lớn trong việc phát triển chữ Quốc Ngữ (năm 1917), Việt Nam đã mất một nhân tài không nên bị mất.
Xin được cám ơn triethoc.edu.vn đã đưa lên internet tài liệu quí báu. Mục đích của triết học là để tìm cái chân lý.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt