Thuyết Duy nghiệm

Thuyết duy nghiệm

THUYẾT DUY NGHIỆM

 

ANTHONY M. QUITON, BARON QUITON

 


Trích dịch từ Anthony M. Quiton, Baron Quiton. "Empiricism" trong Encyclopaedia Britannica. 2009. Encyclopædia Britannica Online. 26 Jul. 2009.  http://www.britannica.com/EBchecked/topic/186146/empiricism | Bản dịch tiếng Việt của Cù Ngọc Phương


 

Trong triết học, thái độ cho rằng những niềm tin phải được chấp nhận và làm theo miễn là chúng được khẳng định trước hết bằng kinh nghiệm thực tế. Định nghĩa rộng này phù hợp với việc ta dẫn xuất tên gọi này (“thuyết duy nghiệm”) từ chữ Hy Lạp là empeiria, nghĩa là “sự kinh nghiệm”. Tuy nhiên, cụ thể hơn, thuyết duy nghiệm gồm một cặp học thuyết triết học tuy có quan hệ gần gũi nhưng vẫn khác nhau: học thuyết này gắn với những khái niệm, còn học thuyết kia gắn với những mệnh đề.

Học thuyết đầu, một lý thuyết về nghĩa, cho rằng các từ ngữ (từ “bản thể” chẳng hạn) có thể được hiểu hay những khái niệm cần có cho bất cứ tư tưởng có tính nối khớp nào chỉ có được nếu chúng được những người sử dụng nối kết với những sự vật mà họ đã kinh nghiệm hay có thể kinh nghiệm (ví dụ: những miếng gỗ, các khí đốt trong động cơ xăng). Học thuyết sau, một lý thuyết triết học về nhận thức, xem niềm tin, hay ít ra một số vấn đề chủ yếu của niềm tin (ví dụ, tin rằng Jane là người tốt), là phụ thuộc một cách căn bản và tất yếu vào kinh nghiệm cho sự biện minh (Jane được xem là đang thực hiện những hành vi của lòng tốt)

Tuy nhiên, cả hai học thuyết này đều hàm ý lẫn nhau một cách chặt chẽ. Một số nhà duy nghiệm đã thừa nhận rằng có những mệnh đề tiên nghiệm nhưng lại phủ nhận rằng không có những khái niệm tiên nghiệm. Tuy nhiên, sự tách rời ngược nhau ấy giữa hai hình thức của thuyết duy nghiệm không có một giải thích nào cho rõ ràng, bởi lẽ khó có một triết gia nào phủ nhận hoàn toàn những mệnh đề tiên nghiệm và chắc chắn không ai cùng lúc chấp nhận những khái niệm tiên nghiệm.

Nhấn mạnh đến kinh nghiệm, vì thế thuyết duy nghiệm đã đối lập với những yêu sách về uy quyền, trực quan, sự mường tượng phỏng đoán, và sự lập luận trừu tượng mang tính lý thuyết, hay mang tính hệ thống, như là những nguồn suối của niềm tin đáng tin cậy. Phản đề cơ bản nhất của nó là đối lập với cái sau (tức với thuyết duy lý, cũng được gọi là thuyết duy trí hay thuyết tiên nghiệm ). Một lý thuyết duy lý về nghĩa khẳng định rằng có những khái niệm không được rút ra từ hay đối ứng với những đặc điểm của thế giới mà ta có thể kinh nghiệm được như: “nguyên nhân”, “tính đồng nhất”, hay “vòng tròn hoàn hảo” và rằng những khái niệm này là tiên nghiệm (chữ Latinh: “từ cái trước”) theo nghĩa truyền thống là một phần của năng lực tự nhiên hay năng lực bẩm sinh của tâm thức – được đối lập là hậu nghiệm  (chữ Latinh: “từ cái sau”), hay được đặt cơ sở trong sự kinh nghiệm về các sự kiện. Mặc khác, lý thuyết duy lý về nhận thức cho rằng có những niềm tin là tiên nghiệm (tức là để biện minh chúng, ta chỉ cậy vào mỗi tư tưởng mà thôi), ví dụ như niềm tin rằng mọi thứ phải có lý do đầy đủ hay niềm tin rằng một quá trình không thể tự nó có được mà phải xuất hiện trong thực thể nào đó. Những niềm tin như thế hoặc có thể nảy sinh hoặc từ trực quan trí tuệ, tức sự lĩnh hội trực tiếp về chân lý tự-hiển minh, hoặc từ sự lập luận thuần túy theo lối diễn dịch.

Nghĩa rộng

Cả trong các thái độ hàng ngày lẫn trong các lý thuyết triết học, những kinh nghiệm được đề cập đến về nguyên tắc là những kinh nghiệm nảy sinh từ sự kích thích của các cơ quan cảm giác, đặc biệt là thị giác và xúc giác. Nhưng phần nhiều các triết gia duy nghiệm đều khăng khăng cho rằng cảm giác không phải là nguồn cung cấp duy nhất của kinh nghiệm, trong khi thừa nhận sự ý thức về những trạng thái tinh thần trong sự nội quan hay trong sự phản tư là kinh nghiệm, ví dụ như những cảm nhận về cơn đau hay nỗi sợ, thường được mô tả một cách ẩn dụ là hiện ra trong “giác quan bên trong”. Một vấn đề còn bất đồng ý kiến là những loại kinh nghiệm vẫn còn tăng tiến nữa, như: kinh nghiệm luân lý, kinh nghiệm thẩm mỹ, hay kinh nghiệm tôn giáo, phải được thừa nhận là thường nghiệm không.

Hai điểm nhìn khác có liên quan nhưng không cùng một với thuyết duy nghiệm là thuyết dụng hành của nhà tâm lý học kiêm triết gia người Mỹ, William James - một phương diện của nó là thuyết duy nghiệm triệt để - và thuyết thực chứng lôgíc, cũng được gọi là thuyết duy nghiệm lôgíc. Cho dù những triết học này đều duy nghiệm cả, nhưng mỗi thuyết lại có một trọng điểm riêng, và trọng điểm này chứng thực cách giải quyết của từng thuyết như là một sự vận động biệt lập. Thuyết dụng hành nhấn mạnh sự bao hàm những ý niệm trong kinh nghiệm và trong hành động thực tiễn, trong khi thuyết duy nghiệm lôgíc liên quan đến kinh nghiệm khoa học hơn.

Khi mô tả một thái độ hàng ngày, chữ “thuyết duy nghiệm” đôi khi chuyển tải một hàm ý không tán thành về sự ngu dốt hay sự dửng dưng với lý thuyết có liên quan. Do đó, để gọi một bác sĩ, nhà duy nghiệm gọi ông ấy là lang băm – một cách gọi có thể dùng để chỉ những người thuộc phái điều trị đối lập với lối điều trị theo phương pháp và trong một vài quan điểm siêu hình học nào đó, các lý thuyết của Galen, một bác sĩ xuất chúng người Hy Lạp, thế kỷ 2 trước công nguyên, những lý thuyết ngự trị nền y khoa cho đến thế kỷ 17. Các nhà duy nghiệm y học đối lập với Galen ưa dựa vào những điều trị hiệu ứng lâm sàng được quan sát, mà không thẩm tra những cơ chế đã được lý thuyết trị liệu tìm ra. Nhưng “thuyết duy nghiệm”, bị tách khỏi hiệp hội y khoa này, cũng có thể được sử dụng, thuận lợi hơn, để mô tả sự cương quyết bác bỏ việc bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì ngoại trừ những sự kiện mà nhà tư tưởng đã quan sát thấy từ chính bản thân mình, một sự đối kháng thẳng thừng lại những tư kiến được tiếp nhận hoặc những chuỗi lập luận trừu tượng không dựa trên cơ sở chắc chắn.

Nghĩa hẹp

Với tư là là một phong trào được định nghĩa một cách hẹp hơn, thuyết duy nghiệm phản ánh những sự phân biệt cơ bản  nào đó và diễn ra ở những trình độ khác nhau.

Những phân biệt cơ bản

Nếu việc làm xóa nhòa sự phân biệt giữa những khái niệm và những mệnh đề đã làm lẫn lộn những cuộc thảo luận về thuyết duy nghiệm, thì sự ảnh hưởng khác ít ra cũng gây tranh cãi không kém đó là cái, được thể hiện trong hệ thuật ngữ truyền thống của các cuộc tranh luận, đối lập thuyết duy nghiệm với cái bẩm sinh, chứ không phải với tiên nghiệm. Vì những vấn đề lôgíc học dễ bị lẫn lộn với những vấn đề tâm lý học, nên không dễ dàng gì ta gỡ vấn đề về nguồn gốc nhân quả của những khái niệm và những niềm tin của con người ra khỏi vấn đề về ý nghĩa của chúng và sự biện minh chúng.

Một khái niệm, ví dụ như “số năm”, được cho là có tính chất thiên bẩm nếu việc con người sở hữu nó là độc lập về nguyên nhân với kinh nghiệm của mình – ví dụ độc lập với việc ta lập ra năm nhóm đối tượng. Mặt khác một khái niệm, “Phải là” chẳng hạn, là tiên nghiệm nếu những điều kiện lôgíc của sự vận dụng nó (hay của những từ ngữ diễn tả nó) không bao gồm bất cứ sự quy chiếu nào đến những hoàn cảnh có thể kinh nghiệm được (do đó “Phải là” không thể được định nghĩa bằng những sự kiện đơn thuần). Cũng giống như thế, một niềm tin là thiên bẩm nếu sự thừa nhận nó là độc lập về mặt nguyên nhân với kinh nghiệm của người mang niềm tin; và nó là  tiên nghiệm nếu sự biện minh cho nó là độc lập về mặt lôgíc với kinh nghiệm. Những mệnh đề có thể là thiên bẩm nếu không phải tiên nghiệm, ví dụ niềm tin thường nghiệm của trẻ em rằng hai bầu vú mẹ sẽ nuôi dưỡng nó.

Sắc màu nào đó được thêm vào sự lẫn lộn giữa tiên nghiệm và thiên bẩm bởi sự kiện là hầu hết những khái niệm thường nghiệm thực sự được sở đắc nhờ kỹ thuật định nghĩa biểu diện, trong đó một khái niệm (ví dụ khái niệm “dài”) được chuyển tải bằng cách đưa ra những trường hợp làm ví dụ cho nó (một số cây bút chì dài nào đó) vào kinh nghiệm của người học. Nhưng không dựa vào thể cách sở đắc của chúng mà những khái niệm là thường nghiệm; chính phương cách mà chúng được áp dụng, một khi chúng được sở hữu, xác định cho chúng tính chất như thế. Dù con người được sinh ra với năng lực sử dụng theo bản năng chữ “màu xanh” mà không bao giờ phải học cách sử dụng chữ đó như thế nào, chữ “màu xanh” ấy vẫn là khái niệm thường nghiệm nếu lý do cho việc sử dụng nó luôn là kinh nghiệm của giác quan của con người về một đối tượng màu xanh. Hơn nữa, việc con người sau khi sinh ra đã học cách sử dụng chữ “nguyên nhân” không chứng tỏ rằng chữ này diễn tả một khái niệm thường nghiệm nếu việc áp dụng nó cho cái gì đó luôn hàm ý đến cảm thức mà kinh nghiệm về loại sự vật ấy hình dung nhiều hơn là áp dụng nó vào tâm thức.

Một thuộc tính khác đồng nhất về mặt giả định nhưng trên thực tế là ít nhiều không có liên quan nhau của những khái niệm và những niềm tin là thuộc tính của tính phổ quát của việc sở hữu và thừa nhận nó – những khái niệm tiên nghiệm hay thiên bẩm ấy phải là sở hữu chung cho tất cả mọi người và những niềm tin như thế phải được mọi người chấp nhận. Trên thực tế, có thể có cơ sở nào đó cho việc rút tính phổ quát ra từ tính thiên bẩm, vì nhiều đặc trưng thiên bẩm như chứng sợ tiếng ồn có vẻ là chung toàn thể loài.

Hai loại khái niệm chính được cho là tiên nghiệm và vì thế là không thường nghiệm. Thứ nhất, có những khái niệm hình thức nào đó của lôgíc học và của toán học phản ánh cấu trúc cơ sở của diễn ngôn: “không”, “và”, “hoặc”, “nếu”, “mọi”, “một số”, “tồn tại”, “đơn vị”, “số”, “phần tử tiếp theo”, “vô hạn”. Thứ hai, có những khái niệm phạm trù như: “bản thể”, “nguyên nhân”, “tinh thần” và “Thượng đế”, nên được gọi là sau “những phạm trù của tư duy” như đã được Kant và Aristoteles liệt kê thành danh mục, là những phạm trù mà tâm thức áp đặt cho những dữ kiện được mang lại của kinh nghiệm.

Rất nhiều những kiểu mệnh đề khác nhau cũng được cho là tiên nghiệm. Đôi người ắt sẽ cho rằng trạng thái này không phải là những sự hiển nhiên của định nghĩa hay những hay sự lặp thừa rõ rệt như “mọi đầu trọc đều hói” hay “một hoa hồng là một hoa hồng”. Cũng có những chân lý của lôgíc học, toán học, và của siêu hình học – dù là chân lý siêu nghiệm như: “sự tồn tại của Thượng đế”, vật-tự-thân (nằm sau những hiện tượng), hay những chân lý nội tại và vì thế có thể tri giác được trong thực tại như: những nguyên tắc (được tiền giả định bởi nhiều khoa học tự nhiên) về sự bảo toàn, quan hệ nhân quả và lý do đầy đủ. Một số người cho rằng những nguyên tắc nền tảng của đạo đức học, hay quy luật nhân quả của tự nhiên là tiên nghiệm. Tuy nhiên thuyết duy nghiệm một mực cho rằng một số trong những nguyên tắc đó mới là tiên nghiệm

Các cấp độ của thuyết duy nghiệm

Thuyết duy nghiệm, dù đề cập về ý nghĩa hay nhận thức, cũng có thể được tổ chức với nhiều cấp độ cường độ khác nhau. Trên cơ sở đó, ta có thể phân biệt thuyết duy nghiệm tuyệt đối,  thuyết duy nghiệm bản thể (chất liệu), và thuyết duy nghiệm bộ phận.

Những nhà duy nghiệm tuyệt đối cho rằng không có những khái niệm tiên nghiệm, hoặc là mô thức hoặc là nhất quyết và không có những mệnh đề tiên nghiệm. Thuyết duy nghiệm tuyệt đối về nhận thức thì ít phổ biến hơn thuyết duy nghiệm tuyệt đối về những khái niệm, và hầu như triết gia nào cũng đều thừa nhận rằng ít ra những phép lặp thừa rõ rệt và sự hiển nhiên của định nghĩa là tiên nghiệm; nhưng nhiều người nói ắt sẽ nói thêm rằng chúng biểu hiện tình trạng xuống cấp.

Một hình thức thuyết duy nghiệm ôn hòa hơn là của những nhà duy nghiệm bản thể, là những người không bị thuyết phục bởi những nỗ lực được tạo ra để lý giải những khái niệm hình  thức theo kinh nghiệm, và vì thế họ thừa nhận rằng những khái niệm hình thức là tiên nghiệm, nhưng lại phủ nhận những khái niệm nhất quyết như “bản thể", "nguyên nhân", và "Thượng đế" là tiên nghiệm. Theo quan niệm này, những khái niệm hình thức ắt sẽ không còn là những khái niệm ngữ nghĩa, gắn liền với mối quan hệ giữa các từ ngữ và các sự vật; thay vào đó, chúng sẽ chỉ là những khái niệm mô tả đơn thuần hay những khái niệm thuần túy là cú pháp, gắn liền với những quan hệ giữa các ý niệm. Trên cơ sở này “Thượng Đế”, chẳng hạn, không phải là một thực thể bên cạnh những thực thể khác mà là công cụ sắp xếp những niềm tin dựa vào sự kiện của con người về thế giới; vì vậy khái niệm “Thượng Đế” sẽ giữ vai trò cấu trúc chứ không phải vai trò thông tin.

Một quan điểm song hành với nó về nhận thức cho rằng chân lý của những mệnh đề toán học và những mệnh đề lôgíc được xác định, như chân lý của những điều hiển nhiên có thể định nghĩa rõ, bởi các mối quan hệ giữa các nghĩa với nhau vốn được thiết lập trước kinh nghiệm. Chân lý thường được các nhà đạo đức học tán thành, ví dụ như ai đó thực sự bị bắt buộc phải cứu một người khỏi chết đuối với điều kiện anh ta có thể làm được điều đó là vấn đề về nghĩa chứ không phải là về những sự kiện về thế giới. Theo quan điểm này, mọi mệnh đề, trái với ví dụ nói trên, ở bất kì phương cách nào thuộc thông tin căn bản về thế giới, thì đều là thường nghiệm.

Ngay cả khi nếu có những mệnh đề tiên nghiệm, thực chất chúng là những mệnh đề hình thái hay vị từ hay khái niệm, và chân lí tất yếu của chúng chỉ đơn thuần rút ra từ những nghĩa mà con người đã gán cho các từ ngữ mình dùng. Một nhận thức tiên nghiệm là hữu ích vì nó làm sáng tỏ những hàm ý ẩn giấu của những khẳng định mang tính sự kiện và bản thể.

Nhưng những mệnh đề tiên nghiệm bản thân chúng không diễn tả nhận thức mới mẻ về thế giới một cách chân thực; chúng thật sự là những mệnh đề rỗng, “đúng cho mọi thế giới có thể”. Vì thế “tất cả những người độc thân là những người chưa lập gia đình” chỉ đơn thuần đưa ra sự thừa nhận minh nhiên về sự cam kết để mô tả là người chưa lập gia đình cho bất cứ ai được cho là độc thân; nhưng nó chẳng thêm bất cứ điều gì mới.

Thuyết duy nghiệm bản thể về nhận thức, nền tảng cho phần lớn triết học phân tích đương đại, xem mọi mệnh đề tiên nghiệm như là những lặp thừa ít nhiều bị che dấu, hay nói theo Kant, như thuộc về phân tích. Vì thế, nếu “nghĩa vụ” của một người được định nghĩa như là điều anh ta luôn nên làm, thì phát biểu: “một người luôn nên thực hiện nghĩa vụ của mình” sẽ trở thành “một người luôn nên làm những gì mà anh ta luôn nên làm”. Theo đó, lập luận diễn dịch được xem như là một phương cách đưa trạng thái lặp thừa vốn bị che dấu này ra ánh sáng. Sự giải thoát hầu như luôn được đòi hỏi như vậy có nghĩa là một nhận thức tiên nghiệm là không hề thông thường.

Đối với nhà duy nghiệm bản thể, những chân lý hiển nhiên và những mệnh đề của lôgíc học và toán học tát cạn hết lĩnh vực của cái tiên nghiệm. Khoa học, mặt khác - từ những giả định nền tảng về cấu trúc của vũ trụ tới những yếu tố chứng cứ đơn lẻ được dùng để củng cố những lý thuyết của nó - thì được xem như hoàn toàn mang tính thường nghiệm. Những mệnh đề của đạo đức học và của siêu hình học, là những mệnh đề bàn về bản tính của “Tồn tại” xét như là tồn tại (chẳng hạn, “chỉ cái gì không phụ thuộc vào sự biến đổi là hiện thực”), hoặc là sự lặp thừa được nguy trang hoặc là những phát biểu thường nghiệm hay chỉ là những mệnh đề giả; tức là, những sự kết hợp các từ ngữ mà, bất chấp tính chất đáng kính của ngữ pháp của chúng, cũng không thể được xem như là những khẳng định đúng hay những những khẳng định sai.

Loại thuyết duy nghiệm ít triệt để được phân biệt ở đây, xếp ở mức độ thứ ba, có thể được gọi là thuyết duy nghiệm bộ phận. Nhiều triết gia cho rằng những khái niệm khác ngoài cái hình thức ra đều là tiên nghiệm và rằng về cơ bản là có những mệnh đề mang thông tin về thế giới lại không phải là thường nghiệm. Những mệnh đề của siêu hình học siêu nghiệm, hay những mệnh đề siêu hình học của Kant, và những mệnh đề của thần học, những nguyên tắc khoa học phổ biến về sự bảo tồn và tính nhân quả, những nguyên tắc cơ bản của luân lý, và những luật nhân quả của tự nhiên, tất cả đều được cho vừa là tổng hợp vừa là tiên nghiệm - bản thể và tuy thế có thể xác lập được chỉ bằng lập luận mà không cần đến kinh nghiệm. Tuy nhiên trong tất cả những phiên bản của quan niệm này vẫn còn rất nhiều khái niệm và mệnh đề thường nghiệm trực diện: những mệnh đề đơn nhất (hay còn gọi là “những mệnh đề Russell”) thông thường về sự kiện và những khái niệm nổi bật trong chúng được cho là thất bại trong lĩnh vực thường nghiệm.

CÙ NGỌC PHƯƠNG dịch

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt