Thuyết Nữ quyền

Phụ nữ và triết học trong tôn giáo Tây phương (3)

HỘI LUẬN NỮ QUYỀN 4

 

PHỤ NỮ TRONG TRIẾT HỌC VÀ TÔN GIÁO TÂY PHƯƠNG (3)

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 

 

Thưa Bà, bước vào thế kỷ 18 và 19, tình hình nữ quyền có đặc điểm gì mới?

 

S.B: Yêu sách bình đẳng vượt khỏi khuôn khổ triều đình và sa-lông văn chương, mở rộng sang thế giới chính trị và nghề nghiệp. Bước ngoặt này diễn ra vào thời Cách mạng Pháp. Một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu: Sur les femmes/Về phụ nữ của Diderot (1772), Déclaration des droits de la femme et de la citoyenne/Tuyên ngôn quyền của phụ nữ và nữ công dân (1789), Sur l'admission des femmes aux droits de cité/Về việc chấp nhận các quyền dân sự cho phụ nữ của Condorcet (1790), A Vindication of the Rights of Women (1792)/ Biện chính cho quyền của phụ nữ.

 

Có gì đáng chú ý trong các tác giả này, thưa Bà?

 

S.B: Nhìn chung, các tác giả đều lập luận theo cách hiểu mới, có tính tự do, khai phóng (liberal) về các quyền bình đẳng của con người. Riêng trường hợp bà Olympe de Gouges là dũng cảm và bi thương nhất. Bà soạn một Phản-Tuyên Ngôn đối với Tuyên Ngôn Nhân quyền nổi tiếng (8.1789) của Cách mạng Pháp. Bà bảo từ "l'homme" trong tiếng Pháp (tiếng Anh, tiếng Đức đều thế cả!) lẫn lộn "con người" với "đàn ông". Vì thế, bà thay hết từ "homme" thành từ "femme", "citoyen" ("(nam) công dân") thành "citoyenne" ("nữ công dân")!

 

Ý nghĩa sâu xa của hành động độc đáo và táo bạo này là gì, thưa Bà?

 

S.B: Các nhà cách mạng Pháp, toàn là đàn ông, tận dụng quyền lực và vị thế cố hữu của nam giới muốn bóp chết phong trào nữ quyền từ trong trứng nước. Ngoài lý trí và hai bàn tay trắng, phụ nữ không có vũ khí gì khác để chống lại. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20, phụ nữ còn không có quyền tụ tập và lập hội. Thời ấy, những người đi đầu như bà De Gouges thường xuyên bị mạ lị ghê gớm. Ta không thể hình dung sự ác liệt và đầy hiểm nguy thời bấy giờ!

 

Chiến lược lập luận của bà Olympe de Gouges ra sao?

 

S.B: Chuyện khá dài dòng, nhưng cần kiên nhẫn nhìn kỹ một chút! Theo cách nói của Michel Foucault, quan niệm về con người trong thế kỷ 18 gặp một "khủng hoảng về tính chính đáng". Nói cách khác, là khủng hoảng về nhân học. Ta nhớ rằng, vào giữa thế kỷ 18, quan niệm duy lý lấy lý tính làm chủ thể của Descartes mất tác dụng. Vì sao? Thời đại cách mạng có tinh thần chống thần học, trong khi Descartes vẫn ít nhiều mang dấu vết kinh viện, khi sự nghi ngờ nơi ông kỳ cùng dẫn đến sự biện minh cho hiện hữu của Thượng Đế. Nơi Descartes không chỉ có cái "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại" (cogito ergo sum) mà còn có cái này nữa: trong tư duy của ta có ý niệm về Thượng Đế. Ý niệm này không phải do tôi tìm ra, bởi nó có một thực tại hoàn hảo, được mang lại cho tôi một cách bẩm sinh. Vậy, nguyên nhân của ý niệm về Thượng Đế phải là bản thân Thượng Đế. Chính ý niệm về Thượng đế là bằng chứng cho sự hiện hữu của Ngài. Từ sự rõ ràng, sáng sủa của ý niệm Thượng Đế, suy ra mọi cái gì tôi nhận thức rõ ràng, sáng sủa, thì dều phải có thật!

Trong phong trào khai minh thế kỷ 18, điểm quy chiếu nhân học không còn là Thượng Đế kiểu Descartes nữa! Lấy cái gì thay vào? Đó là: "tự nhiên"! "Bản tính tự nhiên của con người là gì?" trở thành hạt nhân của khoa học mới mẻ: "science de l'homme", khoa học về con người, hướng theo mô hình của môn "lịch sử tự nhiên". Một môn nhân học thế tục hóa ra đời, lấy con người tự nhiên làm đối tượng nghiên cứu trực tiếp. Các thực tại xã hội ảnh hưởng đến châu Âu hiện đại được cấu tạo nên từ đó.

 

Thưa Bà, tôi vẫn chưa thấy...De Gouges!

 

S.B: Sẽ thấy ngay đây! Trong cái "science de l'homme" này, một cách "tự nhiên", phụ nữ - và cả các chủng tộc không phải da trắng - đều thành hạng hai, thứ cấp! Bây giờ, bà De Gouges mới triển khai lập luận của mình bằng cách vạch trần sự mâu thuẫn nội tại của nền nhân học mới mẻ lấy quyền tự nhiên làm cơ sở cho nhân quyền và dân quyền.

 

Tôi cũng...mường tượng được, nhưng vào thời ấy. chưa chắc tôi có đủ dũng cảm nói ra như bà De Gouges!

 

S.B (cười): Anh bạn có vẻ thành thật đấy! Bà ấy lập luận giản dị nhưng đanh thép lắm! Nếu mọi nhân quyền đều phải dựa trên sự bình đẳng của mọi người khi sinh ra là tự do, thì tại sao một nửa nhân loại lại không được hưởng những quyền ấy? Làm sao biện minh được việc đặt ngang hàng "con người" với "đàn ông" từ quyền tự nhiên? Chúng tôi cùng các ông sinh ra có ai mang sẵn thứ hạng nào đâu? Vậy, chỉ có hành vi tùy tiện, bạo ngược mới sinh ra chuyện ấy! Ông "đàn ông" J.J. Rousseau nói hay lắm, thống thiết lắm: "Con người sinh ra tự do, nhưng đâu đâu cũng ở trong xiềng xích" là nói hộ cho mọi con người, nếu không câu ấy có nghĩa  gì đâu? Tại sao chỉ vì là "phụ nữ", chúng tôi lại bị "mang xiềng xích" của chế độ phụ quyền gia trưởng, nam trị của các ông? Cô em thân yêu Hannah Arendt sinh sau đẻ muộn đã bảo rằng, với sự "sinh nở" ("natality"), ai ai cũng có cuộc sống mới mẻ, vứt bỏ xiềng xích của các thế hệ đi trước kia mà? Vậy hóa ra "tự nhiên" của các ông có đến hai bộ mặt à? Từ nay làm ơn định nghĩa lại: "bản tính tự nhiên của con người/đàn ông/ đàn bà" nhé! Cách mạng Pháp mà làm ăn như thế là từ bỏ cương lĩnh khai phóng của mình rồi đó! Nói một đường làm một nẻo! De Gouges này sửa Tuyên Ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nền tân Cộng hòa thế này nhé: "Phụ nữ sinh ra tự do và bình đẳng với đàn ông về quyền hạn!".

 

Kết quả sao Bà?

 

S,B: Bi thương lắm! Lãnh đạo cách mạng xem phụ nữ có "bản tính" là khờ dại, nông nổi, tự đại, rồi tìm cách vu oan cho bà theo phái bảo hoàng để xử tử bà năm 1793! Cái giá bằng máu, vì, trước mắt họ, phụ nữ đòi tham gia bình đẳng về chính trị là không thể tưởng tượng được, là "trái-tự nhiên"! Tháng 10 năm ấy, mọi câu lạc bộ phụ nữ đều bị đóng cửa. Năm 1795, cấm phụ nữ tham gia hội họp chính trị!

 

Thưa Bà, ở Mỹ cũng có chuyện gần tương tự?

 

S.B: Mãi đến 1848 mới có phong trào nữ quyền đúng nghĩa ở đây. Elisabeth Cady Stanton soạn Declaration of Sentiments, nhại theo Declaration of Independence, tức Tuyên Ngôn Độc lập nổi tiếng của Hoa kỳ. Bà bổ sung thêm từ "women", thành: "That all men and women are created equal" ("Mọi đàn ông và đàn bà đều sinh ra bình đẳng"). Từ "usurpation" ("cưỡng chiếm") của hoàng đế Anh được thay bằng: "sự cưỡng chiếm của phía đàn ông đối với đàn bà"!

 Đến năm 1919, khi tu chính án XIX có hiệu lực, chiếc bàn nơi Stanton viết "Tuyên ngôn Độc lập của Phụ nữ" ấy được giao cho Smithonian Institute làm bảo tàng. Có tiếng vang nhiều hơn Tuyên ngôn của Stanton là quyển The Subjection of Women (1861) của John Stuart Mill, tài liệu kinh điển của lý thuyết khai phóng. Chính Mill cũng là người đầu tiên trình cho Nghị Viện Anh dự luật về quyền bầu cử của phụ nữ năm 1867.

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt