Góc đọc sách

Giới thiệu sách: Tiểu sử học - Những nguyên tắc thực hành

Giới thiệu sách

 

Tiểu sử học

Những nguyên tắc thực hành

của tác giá Phạm Văn Quang

(Nxb. Tri thức & Viện Social Life, 2018)

 



 

Lời nói đầu

 

Từ cuộc đời, qua lịch sử cuộc đời, câu chuyện cuộc đời, đến tiểu sử và phương pháp tiểu sử cuộc đời, là một hành trình của diễn đạt ngôn ngữ, mà cốt lõi của nó là tự sự. Chúng tôi đặt tên cho công trình nhỏ này “Phương pháp tiểu sử cuộc đời” với tất cả ý thức về những thuộc tích của nó: hoạt động kể, thời tính, con người chủ thể ngôn ngữ. Nhưng ngoài việc đề cập đến kết quả của một quá trình diễn đạt ngôn ngữ, chúng tôi muốn làm đặc trưng hóa một sự khẳng định, một quá trình định chế hóa loại hình thực hành xã hội, đồng thời mong muốn gợi mở một nhãn thức nơi các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Thực vậy, phương pháp tiểu sử học không phải là một phát minh mới. Nó đã được sử dụng trong lãnh vực nghiên cứu và phê bình văn chương, đặc biệt từ khi chủ nghĩa Lãng mạn ra đời[1]. Xa hơn nữa, nó đã trở thành một phương pháp suy tưởng trong triết học, trong thần học hay rộng hơn là trong đời sống tâm linh và nội tâm. Vì thế, phác họa một số nét của phương pháp tiểu sử (hay còn gọi là phương pháp dòng chảy cuộc đời) là cố gắng khơi gợi sự “trờ về” với một địa hạt đã bị quên lãng một thời hoặc chưa được phổ biến rộng rãi ở không gian khoa học xã hội và nhân văn của chúng ta. Trở về với phương pháp nghiên cứu này là ý thức được vai trò của tự sự trong cuộc sống của con người. Quả vậy, tự sự tạo thành một hoạt động thường trực trong thời gian và trong không gian của mọi xã hội. Từ truyền thống truyền khẩu trong các huyền thuyết, huyền thoại, cho đến diễn đạt ngôn ngữ viết, tự sự đã đi vào cuộc sống với các chức năng khác nhau trong hoạt động trao đổi và giao tiếp, chuyển hóa và duy trì ký ức cộng đồng. Những câu chuyện được kể ra có quyền lực tạo thành thực tại, nói theo kiểu Roland Barthes[2]. Như vậy, hoạt động tự sự không chỉ còn là công việc đơn thuần của cá nhân kể lại câu chuyện đời mình, mà nó là cả một thế giới chuyển tải những quy mã huyền bí giữa người kể và người đọc, hoặc giữa các tác nhân của chuyện kể. Tự sự vì thế trở thành một khoa học[3], đòi hỏi những nghiên cứu để giải mã và diễn giải trong đó tâm thức của cả một cộng đồng trong dòng chảy lịch sử. Khoa học tự sự hay tự sự học đã trở thành những quan tâm đặc biệt trong giới nghiên cứu văn bản và khoa học văn bản[4].

Trong các lãnh vực khoa học xã hội, hoạt động phân tích các câu chuyện hay các tác phẩm tự sự ngày càng chiếm một vị trí đáng kể. Christian Salmon, trong công trình công bố năm 2007, Storytelling. La machine à fabriquer les images et à formater les esprits (Nghệ thuật kể chuyện. Bộ máy chế tạo các hình ảnh và thành tạo các tinh thần), đã phân tích những lối diễn đạt trong câu chuyện như là cách thức vượt trội trong việc sản sinh mối liên hệ xã hội trong các xã hội đương đại. Nghệ thuật kể chuyện đã đề cao những tưởng tượng của cộng động, nó trở thành một kỹ thuật giao tiếp của các trung tâm quyền lực chính trị và kinh tế. Nghệ thuật tự sự là một công cụ quyền lực, đặc biệt trong xã hội thuộc nền kinh tế tư bản và nền kinh tế thị trường. Cũng theo Salmon, đã có một bước ngoặt tự sự trong khoa học xã hội. Chúng ta không còn nghi ngờ về vai trò của tự sự. Kể câu chuyện cuộc đời mình hay kể về sự sống trải và tưởng tượng tương lai là hai tâm thức khác nhau về hai thực tại, nhưng chúng đều nói lên mục đích cuối cùng của con người là để hiểu, để giải thích, để có tham vọng, sáng tạo và thỏa mãn các nhu cầu, hay để phóng chiếu bản thân và kể cả để tưởng mộng. Kể đi vào hành trình cấu tạo thế giới vô thức của con người và phóng chiếu những thái độ sống hằng ngày của con người.

Nghiên cứu tiểu sử cuộc đời cho phép chúng ta ý thức về hoạt động tự sự, không chỉ dừng lại ở chiều kích cá nhân, mà còn ở phạm vi cộng đồng, xã hội hiện hữu. Với đặc tính tự sự, phương pháp tiểu sử mang đến một sự quan sát tính liên tiếp hay sự ngắt quãng trong hoạt động kể của cộng đồng ở những thời đại khác nhau trong lịch sử, cũng như những cơ chế thuận lợi nhất cho hoạt động tự sự. Bởi vì có những thời điểm tiếng nói của con người đã bị “biến mất”, bị chiếm lĩnh bởi sự ngự trị của những hình thức vô nhân cách. Tiến trình kể bị ngắt đoạn. Người ta nói đến tình trạng “con người đã chết”. Nhưng sau thời kỳ ấy là sự trỗi dậy mạnh mẽ của con người. Như thế, rõ ràng chúng ta không thể tách lịch sử/câu chuyện của cá nhân ra khỏi dòng Lịch sử viết hoa, cũng như không tách tương lai của một cá nhân ra khỏi cội nguồn gia đình và tổ quốc, không thể phân tích một xã hội khi tách khỏi cách sống của xã hội đó.

Trong tinh thần nhìn nhận tiểu sử hay câu chuyện cuộc đời như là tài liệu khoa học, cứ liệu thực hành văn hóa-xã hội và như một loại hình diễn ngôn, chúng tôi giới thiệu trong cuốn sách này một số nội dung cơ bản mang tính đa diện và có tính giả định.

Phần thứ nhất trình bày lịch sử vấn đề. Chúng tôi muốn ngược dòng để làm sáng tỏ ý nghĩa hình thành của câu chuyện cuộc đời. Vấn đề được khởi đi từ thời Cổ đại Hy lạp, bởi vì kể về bản thân hay viết về bản thân là một loại thực hành đã xuất hiện sớm ở Phương Tây. Trong hành trình tìm về lịch sử, chúng tôi đặt trọng tâm vào hai yếu tố : tri thức về bản ngã và ý thức về bản ngã. Hai phạm trù này đánh dấu hai bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của tinh thần con người. Ở phạm trù thứ nhất, chúng tôi dẫn ra phương pháp của Socrate và truyền thống Kitô giáo cũng như quan niệm của Thánh Augustin về bản ngã, để thấy được nguyên lý quy hướng của con người về chính mình, và thấy được cơ sở ra đời của lối diễn đạt về bản thân như thế nào. Ở phạm trù thứ hai, chúng tôi quan tâm đến sự hình thành của chủ thể tính dưới nhãn quan hiện đại. Đó chính là vấn đề ý thức về bản thân trong tinh thần Phục Hưng, hay trong tư duy của Montaigne và Descartes. Mục tiếp theo trình bày vấn đề phát triển của ý thức con người liên quan đến sự thể hiện bản thân từ thời kỳ Khai Minh đến thời hiện tại, nghĩa là quan niệm về con người trong sự thể hiện của mình qua phương thức tự sự. Trước khi kết thúc phần thứ nhất, chúng tôi đặt vấn đề về những tác động đến hiện tượng viết dòng chảy cuộc đời. Những động cơ kể về cuộc đời thường là những nhu cầu của cá nhân, nhưng cũng có những dòng chảy cuộc đời được sản sinh ra trong bối cảnh xã hội đặc thù. Cuối cùng chúng tôi bàn đến một vài ý nghĩa của việc nghiên cứu tiểu sử và vận dụng phương pháp tiểu sử vào các lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Phần thứ hai phác họa cơ sở khoa học luận của dòng chảy cuộc đời. Sau khi xem xét một số vấn đề khái niệm, chúng tôi chủ yếu dành phần này để giới thiệu các trào lưu và khuynh hướng chính trong việc ứng dụng dòng chảy cuộc đời hay tiểu sử học: Từ Trường phái Chicago đến nhóm nghiên cứu tiểu sử trong xã hội học của Daniel Bertaux, khuynh hướng kinh nghiệm sống trải của Oscar Lewis, trào lưu nghiên cứu dòng chảy cuộc đời trong giáo dục học, nhóm nghiên cứu Tiểu thuyết gia đình và quãng đường xã hội của Vincent de Gaulejac. Sự hình thành các khuynh hướng này cho phép khẳng định cơ sở khoa học luận của dòng chảy cuộc đời nói chung và tiểu sử nói riêng trong lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Bên cạnh việc xác định sự hình thành của các khuynh hướng nghiên cứu, phần thứ hai còn lược khảo về viễn cảnh lý thuyết dòng chảy cuộc đời. Những cơ sở lý thuyết này chủ yếu bắt nguồn từ những khuynh hướng trên đây. Yếu tố quan trọng khác để khẳng định một khoa học luận chính là những đối tượng nghiên cứu. Chúng tôi nêu ra một số đối tượng nghiên cứu ở mục tiếp theo : quãng đường xã hội, giới xã hội, vị trí xã hội, lịch sử gia đình, chủ thể tính, thời tính và tự sự.

Phần thứ ba tập trung vào các vấn đề phương pháp luận. Mục thứ nhất phân tích dòng chảy cuộc đời trong hoạt động trị liệu. Chúng tôi nhắm đến lãnh vực giáo dục sự phát triển của cá nhân cũng như các điều kiện để dòng chảy cuộc đời trở thành phương pháp trị liệu. Sự can thiệp của nhà nghiên cứu vào tiến trình vận dụng phương pháp là rất quan trọng. Mục thứ hai đề cập đến vị trí của dòng chảy cuộc đời trong nghiên cứu định tính và vai trò của nhà nghiên cứu hay mức độ can thiệp của nhà nghiên cứu vào sự thay đổi và điều tiết xã hội. Chúng tôi dành một mục quan trọng cho việc trình bày các chức năng của dòng chảy cuộc đời dưới sự soi sáng từ các nghiên cứu của Daniel Bertaux. Cuối cùng, nội dung chính trong phần thứ ba này thuộc về các bước nghiên cứu dòng chảy cuộc đời. Chúng tôi cố gắng giới thiệu từng bước nghiên cứu theo tiếp cận dòng chảy cuộc đời, từ việc chuẩn bị đến ghi băng và xử lý phân tích cứ liệu. Vẫn là yếu tố vị trí của nhà nghiên cứu được lưu ý nhiều nhất trong các bước nghiên cứu.

Phần kết muốn gợi ra một viễn cảnh nghiên cứu đặc biệt của dòng chảy cuộc đời liên quan đến vấn đề căn tính. Đây chỉ là một trường hợp điển hình. Vì giới hạn của cuốn sách, chúng tôi không thể nghiên cứu sâu hơn và rộng hơn vấn đề căn tính. Chúng tôi nhấn mạnh đến sự tái thiết của căn tính trong thực hành dòng chảy cuộc đời, thông qua các định chế như gia đình, trường học.

Tác giả luôn ý thức được ý nghĩa của việc giới thiệu và thực hành dòng chảy cuộc đời trong xã hội đương đại và giới hạn của chính người phân tích và sử dụng nó trong một không gian phức tạp. Khi phác thảo một số vấn đề chính của phương pháp nghiên cứu tiểu sử hay dòng chảy cuộc đời, tác giả khó tránh khỏi những quan sát và nhận định chủ quan, cũng như những hạn chế của tri thức cá nhân trước một lãnh vực đa diện và bao hàm, vì vậy rất mong đón nhận những chia sẻ và góp ý chân thành từ quý độc giả.

 

Mục lục

Lịch sử và vấn đề

 

Tri thức về bản ngã

Socrate và phương pháp hộ sinh trí tuệ

Truyền thống Kitô giáo và tri thức về bản ngã

Thánh Augustin và Những Lời trần tình

Ý thức về bản ngã: hành trình của chủ thể

Con người cá nhân ở thời kỳ Phục Hưng

Michel de Montaigne: chân dung triết gia và triết gia về chân dung

René Descartes: chủ thể tính hiện đại

Từ kỷ nguyên Khai Minh đến thời kỳ hiện tại

Những tác động xã hội và hiện tượng viết về bản thân

Những nguồn cảm hứng phong phú từ môi trường xã hội

Những thách thức của sự khẳng định khác biệt cá nhân

Những nhân chứng của thời đại   

Ý nghĩa của việc nghiên cứu tiểu sử học

 

Cơ sở khoa học luận

 

Một vài nhận định về khái niệm

Trường phái Chicago

Kinh nghiệm sống trải hay kỹ thuật văn chương: trường hợp Oscar Lewis

Daniel Bertaux và Nhóm nghiên cứu phương pháp tiểu sử trong xã hội học

Trào lưu lịch sử cuộc đời trong giáo dục

Trào lưu “Tiểu thuyết gia đình và quãng đường xã hội”

Các viễn cảnh lý thuyết

Đối tượng nghiên cứu

Giới xã hội

Quãng đường xã hội

Vị trí xã hội

Lịch sử gia đình

Chủ thể tính

Thời tính và tự sự

 

Các vấn đề phương pháp luận

 

Tự kể như là một phương thức trị liệu bản thân

Phương pháp luận định tính của dòng chảy cuộc đời

Chức năng của dòng chảy cuộc đời

Chức năng khai thác

Chức năng phân tích

Chức năng diễn đạt

Các bước tiến hành của phương pháp dòng chảy cuộc đời

Bước chuẩn bị điều tra

Bước thu thập dòng chảy cuộc đời (phỏng vấn)

Diễn tiến cuộc điều tra

Xử lý và phân tích câu chuyện cuộc đời

 

Thay lời kết: viễn cảnh nghiên cứu căn tính

 

 



[1] Đỗ Lai Thúy, 2004.

[2] Roland Barthes, 1981.

[3] Gérard Genette, 1966, 1969, 1972, 1999, 2002.

[4] Umberto Eco, 1982.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt