Trần Đức Thảo

Vấn đề con người trong cuộc cải tổ CNXH ở Liên Xô ngày nay

 

VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG CUỘC CẢI TỔ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở LIÊN XÔ NGÀY NAY

TRẦN ĐỨC THẢO (1917-1993)

 

Trong diễn văn đọc ở Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô ngày 28 tháng 2 năm 1988, đồng chí Mikhain Goócbachốp lần đầu tiên đã đề cập vấn đề triết lý của sự đổi mới đương tiến hành từ 3 năm nay trong xã hội Xô Viết. Đặc biệt, đồng chí Goócbachốp đã phát triển quan điểm mácxít cơ bản về sự tha hóa của con người và đấu tranh chống tha hóa, giải phóng con người.

Để vận dụng khái niệm tha hóa trong điều kiện ngày nay, cần phải phân biệt hai loại tha hóa:

  1. Sự tha hóa xã hội của con người trong chế độ bóc lột, nó được giải quyết thông qua cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
  2. Sự tha hóa sinh ra trong xã hội xã hội chủ nghĩa từ những năm 1930, do cơ chế hành chính mệnh lệnh, tệ sùng bái cá nhân, chủ nghĩa quan liêu, giáo điều. Sự tha hóa này được giải quyết trong quá trình đổi mới, cải tổ có tính cách mạng đương tiến hành từ 3 năm nay.

Đồng chí Goócbachốp nói: “Xét tới cùng, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là chấm dứt sự tha hóa xã hội của con người. Sự tha hóa này là đặc thù của cái xã hội, trong ấy sự bóc lột giữ địa vị thống trị, tha hóa đối với chính quyền, đối với sức sản xuất, với kết quả lao động bản thân, với những giá trị tinh thần.

“Cách mạng Tháng Mười đã mở con đường đi đến cái mục tiêu lịch sử, là chấm dứt sự tha hóa như thế. Sự thiết lập chính quyền của những người lao động, sự xóa bỏ quyền tư hữu về tư liệu sản xuất, sự xóa bỏ chế độ người bóc lột người là những tiến bộ cơ bản tạo nên bước ngoặt lịch sử. Đấy là những thành tựu cơ bản của chủ nghĩa xã hội”.

“Trong suốt 70 năm nay Đảng và nhân dân ta đã xuất phát từ những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội. Nhưng những lý do bên ngoài và bên trong đã làm cho chúng ta không thể thực hiện đầy đủ những nguyên lý Lêninnít của chế độ xã hội chủ nghĩa mới ra đời. Sự sùng bái cá nhân, cái cơ chế hành chính mệnh lệnh lặp đặt trong những năm 30, những sự méo mó quan liêu, giáo điều, ý chí chủ nghĩa, sự tùy tiện đã góp phần nghiêm trọng đưa đến kết quả thiếu sót như thế” (trang 2)[1].

Dĩ nhiên, mặt tích cực đã đạt được trong công trình xây dựng chủ nghĩa xã hội từ Cách mạng Tháng Mười là mặt căn bản, cần phân biệt với mặt không cơ bản là mặt tiêu cực, tha hóa: “Cần phải phân biệt những biểu hiện căn bản của chủ nghĩa xã hội với những sự bóp méo chủ nghĩa xã hội (trang 2).

“Đồng thời, trong những hiện tượng méo mó, cũng phải phân biệt cái gì “do nguyên nhân khách quan quyết định” với cái gì “do nhân tố chủ quan tạo nên”.

Cái mặt tiêu cực méo mó, còn kéo dài trong xã hội xã hội chủ nghĩa hiện nay, không phải là sự tha hóa đặc thù của xã hội bóc lột. Nó không phải là tha hóa đối với chính quyền hay đối với tư liệu sản xuất. Vì trong chủ nghĩa xã hội, chính quyền và quyền sở hữu về tư liệu sản xuất căn bản là thuộc về nhân dân. Sự tha hóa bây giờ là “tha hóa đối với quá trình kinh tế và những kết quả của nó” (trang 4).

Tức là người lao động về căn bản là người làm chủ, nhưng anh không nắm được cụ thể cái tổ chức quản lý sản xuất và phân phối. Sự vận động kinh tế về căn bản là của anh, nhưng nó lại tiến hành hình như ngoài anh, giống như một cái gì khác biệt với anh. Sự tha hóa bây giờ là ở chỗ cái cơ chế hành chính mệnh lệnh hình như từ trên áp đặt vào người lao động cái quá trình kinh tế cụ thể của anh, tức là về một mặt nào đấy thì phủ định anh. Cải tổ cơ chế hành chính mệnh lệnh, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa với người lao động thực sự tham gia quản lý, thì có nghĩa là “phủ định sự phủ định” (trang 2).

Nói “sự tha hóa của con người”, có nghĩa là sự phủ định con người, tức là con người bị đặt trong tình trạng “bất nhân”. Do đấy thì nội dung của sự phủ định sự phủ định có nghĩa là dựa vào những đức tính của con người, để giải phóng sức sáng tạo của con người, phát triển bản cách của con người.

Đồng chí Goócbachốp nói: “Sự cải tổ là một thứ giai đoạn phủ định sự phủ định, trong ấy chúng ta tự giải phóng khỏi tất cả những gì đã trở thành cái phanh kìm hãm.

“Phải tẩy sạch cái lớp rỉ quan liêu ra khỏi những giá trị và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, quét ra khỏi chủ nghĩa xã hội tất cả cái gì bất nhân mà người ta đã mưu toan lấy cái bất nhân để thay thế cho chủ nghĩa xã hội. Phải giải phóng những lực lượng tốt đẹp nhất, những lực lượng sáng tạo của con người, bảo đảm sự triển khai tinh thần của nhân cách… Sự cải tổ là dựa vào kiến thức, trí tuệ của con người, vào những đức tính tốt đẹp nhất của con người.” (trang 2).

“Chính nhiệm vụ cải cách kinh tế là tập hợp những tiền đề và khuyến khích cần thiết, để đưa quyền sở hữu xã hội và những phương pháp hành chính và quản lý vào những hình thái tạo điều kiện cho người sản xuất nhận thấy rằng mình là chủ nhà.

“Tất cả những mục tiêu ấy có thể đạt được, nếu chuyển các xí nghiệp sang chế độ quản lý tự chủ, làm cho chúng tự túc, tự quản… Đấy là con đường xóa bỏ sự san bằng và sự ăn bám… Đấy là cơ sở kinh tế thực sự, để đi sâu xây dựng dân chủ, làm cho người lao động tham gia quản lý, tức là chấm dứt sự tha hóa của con người đối với quá trình kinh tế và những kết quả của nó” (trang 4).

Chúng ta thấy rõ sự khác biệt cơ bản giữa sự tha hóa xã hội của con người trong chủ nghĩa tư bản với sự tha hóa trong cơ chế hành chính mệnh lệnh bao cấp, hiện nay là đối tượng của sự cải tổ trong chủ nghĩa xã hội. Sự tha hóa trong chủ nghĩa tư bản là toàn diện. Do đấy mà nó chỉ có thể được khắc phục thông qua đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội chủ nghĩa, chuyên chính vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Còn sự tha hóa sinh ra, khi mà trong xã hội xã hội chủ nghĩa còn giữ cơ chế hành chính mệnh lệnh bao cấp, thì chỉ là “tha hóa đối với quá trình kinh tế và những kết quả của nó”, do người lao động không được thực sự tham gia quản lý. Sự tha hóa này được khắc phục thông qua dân chủ hóa làm cho người lao động thực sự tham gia quản lý trong cơ chế hoạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

“Cái căn bản là dân chủ hóa, chỉ nhờ một sự tham gia có quyền lợi và có ý thức của những người lao động vào tất cả các công việc của xã hội, thì mới có thể thực hiện những mục tiêu nhân bản của chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đã thiệt mất nhiều và vẫn tiếp tục thiệt thòi, do chúng ta không giải phóng được hoàn toàn tính chủ động sáng kiến, sáng tạo, và tính độc lập của mọi người” (trang 3).

Để thực hiện dân chủ hóa, đổi mới và cải tổ, thì vấn đề dĩ nhiên không phải là đấu tranh giai cấp. Mục đích không phải là đấu tranh giai cấp. Mục đích không phải là thay đổi chế độ xã hội này bằng một chế độ xã hội khác, mà chỉ là xóa bỏ cơ chế hành chính mệnh lệnh bao cấp. Nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện bằng cách trở lại nguồn gốc, là những giá trị và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, dựa vào những đức tính cơ bản của con người. Đấy là nội dung của sự dân chủ hóa mà mục tiêu là giải phóng cái gì tốt đẹp trong con người. Đồng chí Goócbachốp nói:

“Phải giải phóng những lực lượng tốt đẹp nhất, những lực lượng sáng tạo của con người. Phải bảo đảm sự triển khai tinh thần của nhân cách” (trang 2).

“Con người không phải chỉ sống bằng bánh mì, và nó cũng không phải chỉ sống bằng những của cải vật chất hiện đại. Con người sống chủ yếu bằng chân lý và lương tri, bằng chính trực và tự do, bằng đạo lý và nhân bản” (trang 3).

Chúng ta thấy như thế là sự đổi mới, cải tổ tiến hành trên hai mặt gắn liền với nhau: một mặt là bảo đàm đầy đủ quy tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động, người lao động tham gia thực sự quản lý xã hội. Đồng thời động viên lực lượng tinh thần nhằm phát triển những giá trị chân chính của con người: chân lý và lương tri, chính trực và tự do, đạo lý và nhân bản.

Nội dung của mặt thứ nhất là xác định chính xác những quyền của mỗi người, để giải phóng tất cả những lực lượng sáng tạo, nhằm phục vụ xã hội. Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng san bằng:

“Sự san bằng có ảnh hưởng phá hoại kinh tế quốc dân, cũng như phá hoại đạo lý, phương pháp tư duy và hành động của con người. Nó hạ thấp sự lao động có lương tâm và sáng tạo, làm buông lỏng kỷ luật, bóp nghẹt cái yêu cầu cải tiến, làm yếu tinh thần thi đua lao động… Sự san bằng biểu hiện những quan điểm tiểu tư sản hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội.

“Chúng ta không thể nào tiến lên và thực hiện các nhiệm vụ của sự cải tổ, nếu chúng ta không loại trừ những xu hướng bình quân chủ nghĩa, ở đâu mà chúng còn kéo dài” (trang 4).

Mặt thứ hai là mặt động viên lực lượng tinh thần, là dựa vào những giá trị cơ bản chung của con người, những nhu cầu lý tưởng, đòi hỏi chân và thiện, liên hệ với tình hình giai cấp trước mắt. Những lực lượng như thế được triển khai đặc biệt trong hoạt động văn hóa:

“Giai đoạn phát triển hiện nay của chủ nghĩa xã hội đặt ra những vấn đề văn hóa một cách mới mẻ. Sự đổi mới chủ nghĩa xã hội đương khôi phục trên toàn thế giới tính hấp dẫn của những giá trị xã hội chủ nghĩa. Thế giới ngày nay là một thế giới trong ấy hàng ngày có những sự đối đầu và va chạm mạnh, nhưng cũng có sự trao đổi làm phong phú lẫn nhau do những giá trị tiên phong chung cho tất cả mọi người” (trang 3).

“Nhiệm vụ mà Lênin đã đề ra: Làm cho mình phong phú thêm bằng “sự hiểu biết văn hóa, văn hóa này là thành quả của loài người”, vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó. Ở đây biểu hiện sự biện chứng thực tế của quan điểm giai cấp và lĩnh vực phổ cập trong nhưng điều kiện cụ thể ngày nay” (trang 3).

Con người trong xã hội giai cấp dĩ nhiên có hai mặt: một mặt là quan hệ giai cấp, một mặt là lĩnh vực chung của đời sống xã hội. “Vấn đề lý luận cơ bản đặt ra chung hiện nay trước những người mácxít và những kẻ đối lập với họ là vấn đề thống nhất những nguyên lý giai cấp với những nguyên lý phổ cập trong sự phát triển thế giới có thật.” (trang 6)

 

Nguồn: Giáo sư Trần Đức Thảo. Vấn đề con người và Chủ nghĩa “Lý luận không có con người” (In lần hai có viết thêm). Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1989, tr. 23-30.
Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.



[1] Phụ bản báo Tin Tức Mátxcơva, ngày 28.2.88

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt