Triết học cho trẻ em

Alexander và một ngày khó chịu, kinh khủng và tồi tệ

ALEXANDER VÀ MỘT NGÀY KHÓ CHỊU, KINH KHỦNG VÀ TỒI TỆ

(Tác giả JUDITH VIORST, ALADDIN PAPERBACKS)

 

Tóm tắt

Từ khoảnh khắc Alexander thức giấc, mọi chuyện bắt đầu trở nên tệ hại. Cậu thức dậy với mái tóc dính kẹo cao su, tranh cãi với bạn của cậu, bị bắt phải ăn đậu lima trong bữa ăn tối. Kết thúc một ngày đầy khó khăn, Alexander nhận ra rằng đôi khi cậu sẽ phải trải qua những ngày tồi tệ như vậy. Tất cả những đứa trẻ đều từng trải qua những ngày như thế, và chúng sẽ vui vẻ khi phát hiện bản thân mình không đơn độc với trải nghiệm này.

Hướng dẫn thảo luận triết học

MARIA LAWSON

Cuốn sách của Judith Viorst, Alexander và Một Ngày Khó chịu, Kinh khủng và Tồi tệ, là câu chuyện về một ngày đầy gay go của Alexander. Cậu bé thức dậy với kẹo cao su dính trên tóc, sau đó thì không tìm được chỗ ngồi cạnh của sổ trong suốt chuyến xe đến trường, rồi không được ăn món tráng miệng sau bữa trưa, lại bị các bạn từ chối không cho chơi cùng trên sân chơi, rồi phải đến nha sĩ để chữa lỗ hổng trên răng, cuối cùng thì bị bắt phải ăn món đậu lima trong bữa tối. Những tình huống khó khăn mà Alexander phải đối diện và cách thức mà cậu bé đối phó với chúng là những yếu tố khiến cho cuốn sách này trở nên vô cùng phù hợp cho một cuộc thảo luận triết học. Cuốn sách này tập trung vào các vấn đề về tâm trạng và cảm xúc, cảm giác ghen tị, những tranh cãi và những phản ứng trong tranh cãi, khái niệm về nghệ thuật và về việc phạm sai lầm.

Khái niệm về cảm xúc là một khái niệm bị đặc biệt lảng tránh. Chúng thường được biết đến như là những khái niệm rất khó để nhận thức thấu đáo, và càng khó khăn hơn trong việc diễn đạt chúng một cách rõ ràng. Nhận thức về bản chất của cảm xúc vẫn đang là một vấn đề triết học gây nhiều tranh luận. Triết học truyền thống cho rằng, các trạng thái bên trong có vai trò rất quan trọng đối với cảm xúc, trong khi các nhà hành vi học lại tin rằng cảm xúc chỉ đơn giản là một trong các hành vi bên ngoài của chúng ta. Cậu bé Alexander vật lộn với rất nhiều cảm xúc khác nhau trong suốt cả ngày, một số trong chúng được cậu bé âm thầm xử lý trong lòng, số khác lại hoàn toàn bộc lộ ra bên ngoài.

Cậu bé trải qua một loạt các cảm xúc từ đơn giản là tâm trạng không tốt, rồi đến ghen tị, thất vọng, đến tức giận, và rồi là thịnh nộ, cậu bé buộc phải xử lý và kiểm soát từng cái một trong chúng. Hành động của Alexander làm nảy sinh những câu hỏi mang tính triết học về phương cách tốt nhất để nhận biết và xử lý cảm xúc. Chúng bao gồm các câu hỏi giúp ta nhận ra các đặc điểm tính chất của từng trạng thái cảm xúc, và gợi lên các câu hỏi về việc xác định cách thức hữu hiệu nhất giúp ta ứng phó trong một tình huống khó khăn. Điều này, đến lượt nó, tất yếu sẽ đặt ra những vấn đề về hành vi đạo đức và luân lý.

Đạo đức học là một lĩnh vực triết học có thể được áp dụng rộng rãi hầu như cho mọi tình huống trong đời sống, và việc có một nền tảng đạo đức tốt có thể giúp ích cho mỗi cá nhân ứng phó với bất kì tình huống cụ thể nào trong sinh hoạt đời thường. Khái niệm bạo lực đặc biệt thú vị khi nhìn từ quan điểm đạo đức học bởi ban đầu chúng luôn bị nhìn nhận như một thứ tiêu cực, nhưng trong một số trường hợp người ta có thể lập luận rằng bạo lực là cách duy nhất để giải quyết một vấn đề đặc biệt nan giải.

Xuyên suốt cuốn sách này, Alexander đã nhiều lần đề cập đến mong muốn của mình về việc chuyển tới Úc, và điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu có thỏa đáng không khi ta lựa chọn chạy trốn khỏi các vấn đề, và liệu đây có phải là phương cách ứng phó tốt nhất hay không. Cuốn sách cũng đặt ra các câu hỏi về việc phạm sai lầm. Điều này đặc biệt thú vị bởi vì hầu như mọi trẻ em đều đang ở độ tuổi dễ dàng mắc sai lầm và mặc dù mọi người đều có thể học hỏi từ những sai lầm, nhưng một số sai lầm lại nghiêm trọng hơn số còn lại. Ở đây, đặt ra vấn đề về triết lý học tập. Học có nghĩa là gì và phương cách tốt nhất để học hỏi là gì? Xã hội chúng ta luôn được định hướng đến mục tiêu đặt một vòng quay tích cực vào mọi thứ và nỗ lực học hỏi từ mọi tình huống, nhưng liệu điều này có luôn khả thi hay luôn hợp lý không?

Trong tinh thần học hỏi và sáng tạo, có một số vấn đề được đặt ra về bản chất của nghệ thuật. Có nhiều ý kiến khác nhau về nghệ thuật và dường như là bất khả thi khi cố gắng đưa ra bất kì một định nghĩa nào về nghệ thuật mặc dù cuốn sách đã chỉ ra rằng chắc chắn có những thứ không thể được xem là nghệ thuật. Trẻ em rất sáng tạo, và những câu hỏi này được thiết kế để kích thích chúng suy nghĩ xa hơn về định nghĩa nghệ thuật là gì hoặc cái gì thì không phải là nghệ thuật.

Toàn bộ các vấn đề được đặt ra để khơi gợi các phản ứng và suy nghĩ của trẻ em về ý nghĩa của từng chủ đề trong cuốn sách này. Nó đặt ra một loạt các câu hỏi như thế nào và tại sao cũng như một số vấn đề mang tính triết học để giúp trẻ suy nghĩ. Lý do mà cuốn sách này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ em là bởi trong cuộc sống của mỗi đứa trẻ, chúng đều buộc phải đối mặt với ít nhất một vấn đề nào đó trong các vấn đề đã được gợi ra trong cuốn sách. Suy nghĩ về những vấn đề này không chỉ cho phép trẻ em hiểu biết sâu sắc hơn về chúng mà còn giúp trẻ em suy nghĩ về những trải nghiệm mà chúng có đối với những vấn đề này và làm cách này trẻ có thể tiếp cận các vấn đề này trong lần tiếp theo chúng xuất hiện. Bằng cách suy nghĩ nghiêm túc hơn về các vấn đề thường ngày, như là liệu có nên đánh anh/em trai của mình khi anh/em trai gọi bạn bằng một biệt danh nào đó, sẽ giúp trẻ suy nghĩ về việc trở thành một công dân có đạo đức và có trách nhiệm là như thế nào, ngay cả khi ở Úc và trên toàn thế giới.

Câu hỏi thảo luận triết học

Bản chất của cảm xúc

Alexander phải trải qua một loạt những việc tệ hại đầu tiên vào buổi sáng và điều này khiến cậu bé có tâm trạng rất tệ.

1. Bạn có bao giờ thức dậy với tâm trạng không tốt?

2. Có phải thức dậy với tâm trạng tệ hại thì sẽ ảnh hưởng đến cả ngày còn lại của bạn hay không?

3. Làm sao bạn biết được mình đang có tâm trạng không tốt?

4. Liệu có thể che giấu cảm xúc không tốt trong lòng mà không bộc lộ chúng ra ngoài không?

5. Liệu người khác có khả năng nói cho bạn biết là bạn đang có tâm trạng không tốt không? Bằng cách nào?

6. Dựa vào câu trả lời của các câu hỏi trên, chúng ta có thể trả lời được câu hỏi “Tâm trạng là gì” không?

Alexander cảm thấy ghen tị bởi cậu bé chỉ có ngũ cốc trong hộp ăn trưa mà không có đồ chơi.

1. Bạn có bao giờ cảm thấy ghen tị với những thứ mà người khác có không?

2. Liệu cảm thấy ghen tị có giúp bạn có được thứ mình muốn không?

3. Liệu người khác có thể nói cho bạn biết là bạn đang ghen tị với họ không? Bằng cách nào?

4. Sử dụng thảo luận của chúng ta về các câu hỏi trước, chúng ta có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Ghen tị là gì” không?

Alexander cảm thấy thực sự tức giận và bị đối xử độc ác khi bạn bè cậu bé nói rằng chúng không thích cậu nhiều như trước nữa.

1. Bạn nghĩ Alexander cảm thấy như thế nào khi bạn cậu bé đối xử tệ với cậu?

2. Cậu bé ứng phó với vấn đề của mình như thế nào?

3. Liệu việc đối xử tệ lại với người khác khi họ cư xử không tốt với bạn có giúp bạn giải quyết được vấn đề không?

4. Có tình huống nào mà khi đó việc trở nên giận dữ có thể là một việc tốt không?

5. Bạn có nghĩ Alexander cảm thấy bị tổn thương và tức giận cùng một lúc không?

6. Liệu có khả thi không khi cảm giác được nhiều trạng thái cảm xúc cùng một lúc?

7. Làm thế nào chúng ta nói được sự khác biệt giữa các cảm xúc?

8. Liệu người khác có thể nói được sự khác biệt giữa các cảm xúc của chúng ta không?

9. Dựa vào cuộc thảo luận của chúng ta về những câu hỏi phía trên, chúng ta có thể định nghĩa cảm xúc là gì không?

Đối mặt với những cảm xúc như thế nào

Alexander nói rằng cậu ấy sẽ chuyển đến Úc.

1. Nước Úc nằm ở đâu?

2. Cậu bé muốn đến Úc để chạy trốn những vấn đề của mình, như là để tránh khỏi phải đến nha sĩ. Bạn có từng bao giờ trốn tránh những vấn đề của mình chưa?

3. Việc trốn tránh đó có giúp ích được gì cho bạn không?

Alexander đánh anh trai của mình vì đã gọi cậu là đứa trẻ khóc nhè, và mẹ Alexander cảm thấy rất tức giận với cậu ấy.

1. Tại sao mẹ của Alexander cảm thấy tức giận với cậu ấy?

2. Tại sao bạo lực lại là hành vi xấu?

3. Bạn có từng trở nên bạo lực với ai chưa?

4. Liệu có lúc nào mà việc trở nên bạo lực là một việc chấp nhận được không?

5. Chúng ta có thể có câu trả lời cho định nghĩa “Bạo lực là gì” không?

Bản chất của nghệ thuật

Alexander vẽ bức tranh về một tòa lâu đài vô hình và cậu cảm thấy thất vọng khi giáo viên không thích bức vẽ của mình.

1. Bạn có nghĩ cậu bé xứng đáng được khen ngợi vì bức tranh của cậu ấy không?

2. Bạn có nghĩ bức tranh của cậu bé có tính nghệ thuật không?

3. Bạn có nghĩ Alexander thực sự thấy được bức tranh trong khi giáo viên của cậu ấy thì không thấy không?

4. Làm thế nào mà bức tranh là có thực với Alexander nhưng lại không thực với giáo viên của cậu ấy?

5. Liệu có phải nghệ thuật phải luôn là thứ mà chúng ta có thể nhìn thấy không?

6. Có những loại nghệ thuật khác nhau nào?

7. Sử dụng thảo luận của chúng ta về những câu hỏi ở trên, chúng ta có thể đi đến định nghĩa được “Nghệ thuật là gì” không?

Sai lầm

Alexander cảm thấy buồn và thất vọng khi giáo viên của cậu ấy nói rằng cậu đã phạm lỗi.

1. Phạm lỗi có phải là một việc xấu không?

2. Làm thế nào chúng ta biết được chúng ta đang phạm sai lầm?

3. Liệu có lúc nào mà sai lầm là một việc tốt không?

4. Liệu có thể sửa chữa được sai lầm không? Bằng cách nào?

 

VŨ HOÀNG LAN PHƯƠNG dịch


Nguồn: https://www.teachingchildrenphilosophy.org


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt