Triết học Đông phương

Đạo 道 [của Lão Từ

 

ĐẠO 道 [CỦA LÃO TỬ]

 

Thu Giang

NGUYỄN DUY CẦN

 


Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Lão Tử tinh hoa. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.


 

A. Về bản thể

Trong các chương 1, 4, 14, 21, 25, 34, 42, 51, 79, Lão Tử ròng luận về Bản thể của Đạo. Chỗ mà ông gọi là Đạo, tức là chỗ ông ám chỉ cái Nguồn gốc của Vũ Trụ (宇宙之本原)

Nguồn gốc của Vũ Trụ (Đạo 道) là một Lẽ tuyệt Đối, không chi đối đãi với nó cả, vì vậy, không thể lấy một danh từ gì để chỉ định. Là vì, phàm cái gì có thể lấy lời nói mà định danh là đã sa vào chỗ đối đãi rồi. Như nói Đạo tức là đã mặc nhiên hàm cái ý có một cái “không phải Đạo” ẩn trong danh từ ấy, và như thế thì Đạo không còn là một lẽ Tuyệt đối nữa. Tuyệt đối là độc nhất vô nhị, cho nên dùng danh từ của giới nhị nguyên (dualist) đối đãi mà gọi tên, là không thể được. Bởi vậy mới nói: “Đạo khả đạo, phi thường Đạo; Danh khả danh, phi thường Danh” (Đạo mà ta có thể gọi được, không còn phải là Đạo “thường”; Danh mà ta có thể gọi được không còn phải là Danh “thường”) (Chương 1) 道可,非常道; 名可名,非常名.

Thế thì, sở dĩ lại gọi nó là Đạo, là bất đắc dĩ gượng mà kêu tên đó thôi: “Ngô bất tri kỳ Danh, cưỡng tự chi viết Đạo, cưỡng vị chi danh viết Đại” (Ta không biết tên, gượng gọi đó là Đạo, gượng cho đó là lớn) (Chương 25) 吾不知其名, 強字之曰道, 強為之名曰大.

__________

 

Việc quan trọng nhất của triết học phải chăng, không có gì cần thiết hơn mà cũng không có gì khó khăn hơn là vấn đề giải thích Vũ Trụ? Lấy Vũ Trụ làm căn nguyên cho tất cả Vạn vật thì học thuật mới có chỗ cứu cánh, và trí thức loài người mới mong đầy đủ được.

Nếu lấy ngay hình hài và kiếp sống trăm năm là hạn của con người mà sánh với cái vô cùng vô tận của không gian và thời gian, thì tuy thấy là có mà hình như không có gì cả. Cho nên, bàn về cách đo lường tinh xác Vũ Trụ đã đến đâu, và sự học thức của người để hiểu biết Vũ Trụ ấy đã tiến đến bực nào, thiết tưởng cũng không cần cho lắm. Là vì muốn giải quyết cứu cánh Vũ Trụ, rốt cuộc lại hình như không bao giờ có thể giải quyết được. Tại sao thế?

Giả sử mà công việc giải thích ấy có thể được thì Vũ Trụ này sẽ là một Vật hữu tận, chứ không còn là vô tận nữa. Và ngoài cái Vũ Trụ này ra cũng có thể còn có một Vũ Trụ khác, và cứ như thế mãi đến không cùng. Vậy thì cái Vũ Trụ vô cùng đó, đâu phải chỗ mà chúng ta có thể giải quyết được. Theo các nhà thiên văn ngày nay thì Thái Dương ở giữa trung bộ của đại vũ trụ. Cách trung tâm đại vũ trụ ước mấy trăm trăm triệu lý, ngoài ra thì ngôi sao phân bố bốn phương như dầy dặt trên một cái vòng tròn. Cái bề cao của nguyên khôi tinh tú ấy từ đầu này sang đầu kia, nếu tính theo sức mau lẹ của ánh sáng 186.000 anh lý trong một ly đồng hồ, thì cũng phải đến 50.000 năm mới có thể đi tới đặng. Đó là cái đại vũ trụ của loài người chúng ta ở… Nhưng ngoài cái Vũ Trụ này há lại chẳng còn có cái đại vũ trụ nào khác nữa hay sao?

Nhà thiên văn lại cũng có nói: “Cái Vũ Trụ lớn mà loài người chúng ta ở đây là một vùng xoáy của tinh vân: hình nó mỏng và bằng, bề mặt hai bên nó lồi lên. Từ trung tâm thẳng đến bên cạnh thiên hà, có trên vạn vạn triệu lý. Từ trung tâm đến khoảng hai trục ấy, lại chỉ có một phần ba con số ấy mà thôi. Nếu cho rằng mỗi một đoàn tinh vân là một cái đại vũ trụ độc lập, thì lớn hay nhỏ, nó sẽ giống nhau như đại vũ trụ mà chúng ta đang ở. Mà cái số của đoàn tinh vân ấy có trên mười vạn…

Nhưng mà đó cũng chỉ chẳng qua là ngày nay chúng ta mới thấy được bấy nhiêu mà thôi, và biết đâu sau này, chỗ biết ấy lại không hơn bây giờ gấp trăm nghìn lần! Vậy thì Vũ Trụ tức là Không gian và Thời gian há có thể là vấn đề có thể bàn đến được không, và ta có thể nào lấy lời nói mà hình dung được cái chỗ Vô cùng Vô tận của nó chăng? Như vậy, đến ngày nay mà khoa học đã đến chỗ gần như cùng độ, thế mà đối với vấn đề Vũ Trụ, dường như cũng phải nhận là một vấn đề bất khả tư nghị và hình dung được. (Trần Trụ).

Trong thời đại Lão Tử, quan niệm về Vũ Trụ hãy còn hết sức là ấu trĩ, cho nên phần đông con người khó tránh sa vào thần bí. Chỉ có một mình Lão Tử là không phải như thế. Mặc dù ông không có đủ khí cụ cùng phương tiện đo lường tinh xác như ngày nay, ông vẫn cũng biết được một cách rất thâm sâu rằng: Vũ Trụ không thể nào dùng tư tưởng mà suy nghĩ được, không thể nào dùng lời nói mà luận bàn được. Và vì thế ông cưỡng đặt cho nó tên là Đạo.

“Ở chương thứ nhất sách Đạo Đức Kinh có nói: “Đạo mà có thể nói ra được, không còn phải là Đạo thường nữa; Danh mà có thể nói ra được, không còn phải là Danh thường nữa”.

Trang Tử ở Thiên Trí Bắc Du 知北遊 giải câu nói trên đây của Lão Tử rất rõ ràng:

Đạo chẳng có thể nghe được, nghe được không còn phải là Nó nữa; Đạo chẳng có thể thấy được, thấy được không phải là Nó nữa; Đạo chẳng có thể nói được, nói được không phải là Nó nữa. Có thể nào lấy cái Trí mà hiểu được cái hình dung của cái không hình dung được chăng? Vậy thì, không nên đặt tên cho Đạo” (道不可聞, 聞而非也; 道不可見, 見而非也; 道不可言, 言而非也. 知形之不形乎! 道不當名). Ông lại nói thêm: “Kẻ hỏi Đạo cũng như kẻ đáp lại, đều là những người không hiểu Đạo cả” (有問道而應之者, 不知道也), vì “biết thì không nói, mà nói thì không biết" (知者不言, 言者不知)[47].

Hàn Phi Tử 韓非子 ở thiên Giải Lão 解老 cũng có bàn rộng về cái nghĩa “bất khả Đạo” 不可道 trên đây như sau đây: “Phàm cái Lý ấy, nếu đem ra mà phân chia thành ra vuông, tròn, dài, ngắn, xấu, đẹp, cứng, mềm… thì cái Lý ấy đã bị hạn định rồi vậy (…) Vật mà đã định rồi thì mới có còn mất, sống chết, thịnh suy. Ôi! vật mà khi còn, khi mất, thoạt sống, thoạt chết, trước thịnh sau suy, thì không thể gọi là “thường” được (…) Cho nên không thể gọi đó là Đạo được (凡理者方園短長粗靡堅脆之分也 (…) 故定理有存亡, 有死生, 有盛衰. 夫物之一存一亡. 乍死乍死, 初盛而後衰者, 不可謂常 (…) 是以不可道也).

Chương 67 Đạo Đức Kinh có câu:

Thiên hạ giai vị ngã Đạo đại tự bất tiếu. Phù duy đại, cố tự bất tiếu; nhược tiếu cữu hĩ, kỳ tế dã phù!” 天下皆謂我道大似不肖. 夫惟大, 故似不肖. 若肖久矣, 其細也夫!

(Thiên hạ đều gọi Đạo ta là lớn mà dường như không giống chi cả. Bởi nó Lớn, nên Nó không giống chi cả. Nhược bằng Nó giống vật chi, thì Nó đã nhỏ lâu rồi!).”

Đạo mà nói ra đặng, mà có thể gọi tên đặng, là vì nó có chỗ giống (để mà so sánh). Có chỗ giống, mới có thể dùng lời nói mà hình dung, như vậy thì Đạo đã có chỗ cùng. Mà đã có chỗ cùng, thì sao có gọi là Lớn, lớn một cách tuyệt đối. Thật vậy, mỗi khi ta nói đến Lớn, thì óc ta liên tưởng đến một cái gì nhỏ hơn, nghĩa là lớn hơn cái nhỏ, nhỏ hơn cái lớn… Và như thế, thì trong đời không có cái gì thật lớn, cũng không có cái gì thật nhỏ.

Chương 15 sách Đạo Đức Kinh:

Cổ chi thiện vi sĩ giả, vi diệu huyền thông, thâm bất khả thức. Phù duy bất khả thức, cố cưỡng chi vi dung” 古之善為士者, 微妙玄通, 深不可識. 夫唯不可識, 故強為之容.

(Bậc toàn thiện xưa, tinh tế nhiệm mầu, siêu huyền thông suốt, sâu chẳng khá dò. Bởi chẳng khá dò, tạm hình dung đó).

Nghiêm Phục 嚴復 nói: “Vật có hình khí thời không thể không đối đãi được. Cái mà chẳng thể đối đãi được, thời chẳng thể nào tư tưởng mà suy nghĩ, lấy lời nói mà nghị luận”. 形氣之物, 無非對待; 非對待則不可思議 (Hình khí chi vật, vô phi đối đãi; phi đối đãi tắc bất khả tư nghị).

Trở lên, là bàn về Bản thể của Đạo.

Bản thể của Đạo, tức là Nguồn gốc của Vũ Trụ, nên mới nói: “Hữu vật hỗn thành, tiên Thiên Địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập bất cải, châu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu” (有物混成, 先天地生. 寂兮, 寥兮, 獨立而不改, 周行而不殆, 可以為天下母) (Chương 25) (Có vật hỗn độn mà nên, sanh trước Trời Đất. Yên lặng, trống không. Đứng riêng mà không đổi, đi khắp mà không mỏi, có thể là Mẹ thiên hạ). Gọi là “thiên hạ mẫu” (天下母) là muốn bảo: Đạo là Nguồn gốc của Vũ Trụ, Mẹ sinh ra vạn vật dưới trời, mà cũng là nguồn gốc của Vô Vi, của một cái Có tuyệt đối, một cái Lớn tuyệt đối mà không có đối đãi. Vì nó là một cái gì Lớn tuyệt đối nên mới nói: “nghinh chi nhi bất kiến kỳ thủ, tùy chi nhi bất kiến kỳ hậu” 迎之不見其首, 隨之不見其後 (Chương 14) (Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi). Tức là “vô thủy vô chung” 無始無終 vậy. Lại cũng vì Nó là một cái Có tuyệt đối, một cái gì Lớn tuyệt đối nên mắt xem không thể thấy, tai lóng không thể nghe, tay rờ không thể đụng, nên mới nói: “Thị chi nhi bất kiến, danh viết Di; thính chi nhi bất văn, danh viết Hi; bác chi bất đắc, danh viết Vi” 視之而不見名曰夷; 聽之不聞名曰希; 搏之不得名曰微 (Chương 14) (Xem mà không thấy nên tên gọi là Di, Lóng mà không nghe nên tên gọi là Hi; Bắt mà không nắm được, nên tên gọi là Vi).

Như vậy Đạo là một cái gì gần như không có vật gì cả, nên mới nói: “thằng thằng bất khả danh, phục quy ư vô vật, thị vị vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng” 繩繩不可名, 復歸於無物. 是謂無狀之狀, 無物之象(Chương 14) (Dài dằng dặc mà không có tên, rồi lại trở về chỗ không có; ấy gọi là hình trạng không hình trạng, cái hình trạng của cái không có vật).

Nhưng thực sự thì không phải vậy, bởi nó là Nguồn gốc sanh ra Vạn Vật, thì bảo là không có gì cả sao đặng. Nên mới nói: “Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt; hốt hề hoảng hề, kỳ trung hữu tượng. Hoảng hề hốt hề, kỳ trung hữu vật. Yểu hề minh hề, kỳ trung hữu tinh” (Chương 21) (道之為物, 惟恍惟惚; 惚兮恍兮, 其中有象. 恍兮惚兮, 其中有物. 窈兮冥兮, 其中有精) (Đạo sanh ra Vật, Thấp thoáng mập mờ. Thấp thoáng mập mờ, trong đó có hình; mập mờ thấp thoáng, trong đó có Vật. Sâu xa tăm tối, trong đó có tinh).

Vì Đạo là nguồn gốc của Vũ Trụ, hay nói 1 cách khác, Đạo là nguồn gốc của Vạn Vật, nên mới nói: “Đạo sanh Nhất, Nhất sanh Nhị, Nhị sanh Tam, Tam sanh Vạn Vật” (道生一, 一生二, 二生三, 三生萬物) (Chương 42) (Đạo sanh Một, Một sanh Hai, Hai sanh Ba, Ba sanh ra Vạn Vật). Lại nói: “Đạo sanh chi, Đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi” (道生之, 德畜之, 物形之, 勢成之) (Ch.51) (Đạo sanh đó, Đức nuôi đó, chủng loại tạo hình đó, hoàn cảnh kết liễu đó).

Bao nhiêu điều nói trên, đều là để bày giải cái lý sinh thành của Vạn Vật.

Đạo là nguồn gốc của Vạn Vật, là cái chỗ tự sinh (生) của muôn loài mà không biết tại sao mà sinh ra. Nó là cái vật che chở và nuôi dưỡng vạn vật mà không tự cho mình là chủ muôn vật, và bởi thế mới có nói: “Vạn vật thị chi nhi sinh nhi bất từ. Công thành bất danh hữu, y dưỡng vạn vật nhi bất vi chủ” 萬物恃之而生而不辭. 功成而名有. 衣養萬物而不為主 (Chương 34) (Vạn vật nhờ Nó mà sinh ra, mà không vật nào bị nó khước từ. Xong việc rồi, không để tên; che chở, nuôi nấng muôn loài mà không làm chủ). Lời nói này, chủ ý muốn nói Đạo sinh ra vạn vật, tuồng như không có làm gì cả mà kỳ thật, không có gì là không làm (似無為而實無不為也).

Chỗ nguồn gốc phát xuất triết học chánh trị vô vi của Lão Tử là căn cứ nơi chỗ này vậy.

 

B. Về nhân sự

Những chương 8, 9, 14, 15, 16, 18, 23, 25, 30, 31, 32, 37, 38, 41, 46, 47, 48, 53, 59, 77, 79, 81, Lão Tử bàn đến cái Đạo về nhân sự. Nhưng, thiết yếu nhất là chương: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên” (人法地, 地法天, 天法道, 道法自然) (Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự Nhiên). Bấy nhiêu lời nói ấy, đủ chỉ cho ta thấy rằng Lão Tử đối với vấn đề nhân sinh, chủ trương con người phải bắt chước theo Trời, bắt chước theo Đạo. Bởi vậy, ông thường khuyên ta: “Đạo thường Vô vi, nhi vô bất vi. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa” (道常無為而無不為, 侯王若能守之, 萬物將自化) (Đạo thường không làm, nhưng không gì không làm. Bậc hầu vương giữ được nó, thì vạn vật sẽ tự thay đổi) (Ch.37).

Câu “độc lập nhi bất cải, châu hành nhi bất đãi” (獨立而不改, 周行而不殆) (Đứng riêng mà không đổi, đi khắp mà không mỏi) là muốn ám chỉ cái luật mâu thuẫn của Đạo: Đạo thì chí tịnh (至静), “bất cải” mà cũng là chí động (至動) “bất đãi”. Như khoa học vật lý ngày nay đã chứng minh, ta thấy rằng trong cái chí tịnh của hạt nguyên tử, mà giác quan ta không thể nhận thức khác hơn được, kỳ thực là một cái chí động(động cùng cực). Rộng lớn hơn, là quả địa cầu ta ở: cái chuyển của quả địa cầu thật là chí động, thế mà ta không dè là có động. Lớn hơn nữa là ngôi Thái dương, chí tịnh đối với các hành tinh trong thái dương hệ, mà chí động đối với các ngôi thái dương khác. Cho hay cái chí động lại dường như cái chí tịnh, cái “không làm” gì cả mà kỳ thực là “cái làm” hiệu quả nhất.

Bản thể của Đạo thì thấy là “không làm” gì cả: chí tịnh; mà kỳ thực không có gì là không do cái làm của nó mà ra (無為而無不為): chí động. Do đó mới có cái hành động Vô Vi là “bất tranh” (不爭), mà không có cái gì tranh được với nó, hay thắng được nó. Hành động Vô vi, là hành động “bất tranh nhi thiện thắng”, ta phải bắt chước theo hành động ấy của Đạo mà “hành” cái Đạo “không tranh”. Ông lấy nước để ví với Đạo.

Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố. Cố cơ ư Đạo. Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chánh thiện trị, sự thiện năng, động thiện thời. Phù duy bất tranh, cố vô vưu” (上善若水. 水善利萬物而不爭, 處眾人之所惡, 故幾於道. 居善地, 心善淵, 與善仁, 言善信, 正善治, 事善能, 動善時. 夫唯不爭, 故無尤) (Bậc “thượng thiện”, giống như nước, nước thì ưa làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Ở thì hay lựa chỗ thấp, lòng thì chịu chỗ thâm sâu, xử thế thì thích lòng nhân, nói ra thì trung thành không sai chạy, sửa trị thì chịu làm cho thái bình. Làm việc thì hợp với tài năng, cử động thì hợp với thời buổi. Ôi vì không làm nên không sao lầm lỗi) (Ch.8).

Nhân nguyên tắc “bất tranh nhi thiện thắng” mới có sanh ra những thuyết xử thế: “công toại thân thoái”(功遂身退) (Ch.9), “nhược úy tứ lân” (若畏四鄰) (Ch.15), và do đó nẩy ra những điều răn mình như “tự căng tự phạt” (自矜自伐) ở chương 24: “tự phạt giả vô công, tự căng giả bất trưởng…” (tự xem là có công thì không công, tự kiêu căng thì không đứng đầu…) hay là “bất dĩ binh cưỡng thiên hạ” (Ch.30) (đừng dùng binh mà bức thiên hạ)… Phải chăng đó đều là do cái nghĩa của hai chữ “bất tranh” để gìn giữ cho thân mạng của mình được lâu dài… mà nẩy sinh ra không?

Tôn chỉ của Lão Tử, chỗ khấn yếu nhất là câu: “thượng Đức bất Đức” (上德不德) ở chương 38.

Đoạn văn này cần phải để ý đến hai chữ “thượng” và “hạ”. Thượng, là chỉ sự gần với Đạo; hạ, là chỉ sự xa với Đạo. Cái đức của Đạo, không phải những đức tính như người đời thường nhận như Nhân, Nghĩa, Lễ… nên mới nói: “thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức, hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức”. (Đức mà cao là không có đức, bởi vậy mới có Đức. Đức mà thấp, là có đức, nên không có đức).

Ta thấy rằng chỗ mà Lão Tử gọi là Đạo, bao giờ cũng có hai nghĩa: cái Đạo của Bản thể và cái Đạo của Nhân sự. Chữ Đức cũng có hai nghĩa: cái đức của Đạo và cái đức của cái không phải Đạo như Nhân, Nghĩa, Lễ… Và vì thế Lão Tử trọng Đạo Đức mà khinh Nhân, Nghĩa, Lễ v.v…”

Khinh Nhân, Nghĩa… không phải là bỏ Nhân, Nghĩa, mà thực ra là cho nó chưa đủ để thực hiện được cái Đạo nơi lòng mình. Còn nói đến Nhân, Nghĩa… là còn phân nhĩ ngã… còn thấy có người có ta. Đạo mà cao, hay nói một cách khác, người mà thực hiện được cái Đạo nơi mình rồi, không cần nói đến Nhân, đến Nghĩa… mà vẫn có Nhân, có Nghĩa một cách hoàn toàn đầy đủ, không miễn cưỡng… Không cần phải thi hành cái đạo Nhân, đạo Nghĩa mà tự nhiên được Nhân được Nghĩa là vì kẻ đã thực hiện được cái đạo nơi mình, không còn thấy có người, có ta… mà thấy người là ta, ta là người; cũng không còn thấy có nội, có ngoại gì nữa mà cả thẩy đều là một. Còn nói đến Nhân, Nghĩa, Lễ là còn thấy có ta và người khác nhau. Lời nói này của Trần Trụ cũng đáng để cho ta để ý: “Lão Tử, vì muốn khôi phục cái chánh trị đạo đức đại đồng, nên mới cho Nhân, Nghĩa, Lễ là chưa đủ… Nếu chưa rõ được chỗ chánh trị đạo đức đại đồng mà lại chê bướng Nhân, Nghĩa, Lễ… đó là kẻ tội nhân của Lão Tử…”. Hay nói một cách khác “Đại đạo phế, hữu Nhân Nghĩa…” 大道廢, 有仁義 (Ch.18). Đạo nơi ta đã mất rồi, ta mới nhận thấy có người có ta nên mới có bày ra Nhân Nghĩa để nối lại cái Sống Một đã bị chia lìa. Còn thấy nhĩ ngã, nội ngoại là còn sống trong nhận định sai lầm của Tư Ngã (本我) của nhãn kiến Nhị nguyên. Trang Tử, ở chương Thiên Vận (天運) giải thích vấn đề này có nói: “Thương đại tể là Đảng hỏi Trang Tử cái nghĩa của chữ Nhân. Trang Tử nói: “Ấy là đức của hổ lang”. Đảng hỏi: “sao vậy?”. Đảng hỏi: “Còn chí nhân thì sao?” Trang Tử nói: “Chí nhân không thân ai hết.” Đảng hỏi: “Tôi nghe nói không thân thì không thương, không thương thì không hiếu. Gọi người chí nhân là không có hiếu được không?” Trang Tử nói: “Không phải vậy. Chí nhân cao lắm. Hiếu không đủ để nói đến họ”.

Như vậy, ta thấy kẻ mà khuyên ta “thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả ngô diệc thiện chi; tín giả, ngô tín chi, bất tín giả, ngô diệc tín chi” lại bị người đời cho là vô luân lý chẳng phải là oan lắm ru! Đối với kẻ phải với ta, ta ở thành tín với họ, thì đó là lẽ thường rồi! Nhưng, đối với kẻ ở quấy với ta, đối với kẻ bội phản ta, thế mà ta vẫn cứ một mực ở phải với họ, thành tín chung thủy với họ, thì có cần phải đem Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà bàn với ta nữa không? Ta là kẻ đã đứng trên loài người: đạo đức luân lý thông thường như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đều là qua nhỏ bé đối với ta vậy!

Khác với Nho, Lão Tử khuyên ta “dĩ đức báo oán”, và dùng chữ Từ… để đối xử với tất cả mọi người, bất phân kẻ thiện ngưới ác, thì chữ Từ ấy phảng phất với chữ Bác ái và Bát nhã bình đẳng của Nhà Phật. Những kẻ vịn lẽ Lão không phân Thiện Ác, và cho ông chủ trương vô luân lý là hiểu sai! Phải nói rằng luân lý của Lão là một thứ siêu đẳng luân lý mới đúng hơn.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt