Chủ nghĩa Marx

Cơ sở thực tế của hệ tư tưởng (I)

 

[B. CƠ SỞ THỰC TẾ CỦA HỆ TƯ TƯỞNG]

[1.] Sự giao tiếp và sức sản xuất

 

KARL MARX (1818-1883)

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


Karl Marx và Friedrich Engels. “Hệ tư tưởng Đức” trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 3. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 72-88. Phiên bản điện tử: http://dangcongsan.vn | Bản tiếng Anh: “The Real Basis of Ideology”. | Bản tiếng Pháp: “La base réelle de l’idéologie


 

Mục lục

[1]. Sự giao tiếp và sức sản xuất

[2]. Quan hệ của nhà nước và của pháp quyền với sở hữu

[3]. Những công cụ sản xuất tự nhiên và những công cụ sản xuất do nền văn minh tạo ra và các hình thức sở hữu

 

Sự phân công lớn nhất giữa lao động vật chất và lao động tinh thần là sự tách rời giữa thành thị với nông thôn. Sự đối lập giữa thành thị và nông thôn xuất hiện cùng với bước quá độ từ thời đại dã man lên thời đại văn minh, từ chế độ bộ lạc lên nhà nước, từ tính địa phương lên dân tộc và cứ tồn tại mãi suốt toàn bộ lịch sử văn minh cho đến ngày nay (Đồng minh chống những đạo luật về ngũ cốc[1]).

Cùng với thành thị đã xuất hiện những sự cần thiết phải có sự cai trị, cảnh sát, thuế khoá, v.v., tóm lại là cần phải có cơ quan công cộng, do đó phải có chính trị nói chung. Ở đây, lần đầu tiên xuất hiện sự phân chia dân cư thành hai giai cấp lớn, một sự phân chia trực tiếp dựa trên sự phân chia lao động và trên công cụ sản xuất. Thành thị đã là sự tập trung dân cư, công cụ sản xuất, tư bản, hưởng thụ, nhu cầu, còn nông thôn lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại, sự biệt lập và phân tán. Sự đối lập giữa thành thị và nông thôn chỉ có thể tồn tại trong khuôn khổ của sở hữu tư nhân. Nó biểu hiện rõ nét nhất sự phụ thuộc của cá nhân vào sự phân công lao động, vào một hoạt động nhất định bắt buộc đối với cá nhân, sự lệ thuộc ấy biến người này thành một con vật ở thành thị và người kia thành một con vật ở nông thôn, cả hai người đều ngu dốt như nhau và hằng ngày lại tái sản sinh ra sự đối lập giữa lợi ích của cả hai phía. Ở đây, lao động lại vẫn là cái chủ yếu nhất, là một lực lượng đè lên các cá nhân; và chừng nào lực lượng ấy còn tồn tại thì chừng ấy vẫn còn sở hữu tư nhân. Xoá bỏ sự đối lập giữa thành thị và nông thôn là một trong những điều kiện đầu tiên của đời sống cộng đồng, và điều kiện ấy, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào một số lớn tiền đề vật chất mà chỉ có ý chí không thôi thì không thể thực hiện được - điều mà ai cũng nhìn thấy ngay được. (Những điều kiện ấy còn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng thêm nữa). Người ta cũng có thể coi sự tách rời giữa thành thị với nông thôn là sự tách rời giữa tư bản với sở hữu ruộng đất, là bước đầu của sự tồn tại độc lập và của sự phát triển độc lập của tư bản đối với sở hữu ruộng đất, là bước đầu của một sở hữu chỉ dựa trên lao động và trao đổi mà thôi.

Trong những thành thị thời trung cổ tức là những thành thị không phải đã có sẵn từ thời lịch sử trước mà mới được lập nên bởi những nông nô đã được tự do thì sở hữu duy nhất của mỗi cá nhân là lao động riêng biệt của cá nhân đó, nếu không kể số vốn nho nhỏ, hầu như chỉ gồm có những công cụ thủ công tối cần thiết mà anh ta đem theo. Sự cạnh tranh của những nông nô không ngừng chạy trốn vào thành thị, chiến tranh liên miên của nông thôn chống lại thành thị và do đó sự cần thiết phải có một lực lượng quân sự có tổ chức của thành thị; mối liên hệ hình thành từ việc chiếm hữu chung về một việc làm chuyên môn nhất định; sự cần thiết có những nhà sở chung để bán hàng hoá của mình, - trong thời kỳ đó người thợ thủ công đồng thời cũng là người buôn bán, - và gắn liền với việc ấy là việc không cho phép những người ngoài được vào những nhà sở đó, sự đối lập về lợi ích giữa những nghề thủ công khác nhau; sự cần thiết phải bảo vệ nghề nghiệp mà người ta phải tốn nhiều công sức mới học được, và tổ chức phong kiến của cả nước - đó là những nguyên nhân làm cho những người lao động trong mỗi nghề thủ công riêng rẽ họp thành phường hội. Ở đây, chúng ta không cần nghiên cứu tỉ mỉ những sự biến đổi rất nhiều của tổ chức phường hội trong quá trình phát triển lịch sử về sau. Suốt thời kỳ trung cổ, nông nô không ngừng bỏ chạy vào thành thị. Những nông nô bị chúa đất truy nã ở nông thôn, kéo vào thành thị từng người một, ở đây đã có sẵn một cộng đồng có tổ chức mà họ bất lực không chống lại được, và buộc phải nhận ở trong đó một vị trí do nhu cầu của người ta về lao động của họ cũng như do lợi ích của những người cạnh tranh với họ, những người cạnh tranh có tổ chức, ở thành thị, quyết định. Những người lao động ấy, đến thành thị một cách lẻ tẻ, không bao giờ có thể họp thành một lực lượng được, vì nếu như lao động của họ là lao động phường hội và cần phải học tập thì các thợ cả của phường hội bắt họ phải tuân theo luật lệ của mình và tổ chức họ tùy theo lợi ích của mình, hoặc nếu như lao động của họ không cần phải học tập và vì vậy không phải là lao động phường hội mà là lao động công nhật thì họ không thể tự tổ chức lại được và mãi mãi vẫn là tầng lớp bình dân, không có tổ chức. Nhu cầu của thành thị về lao động công nhật đã tạo ra tầng lớp bình dân.

Những thành thị đó là những "hiệp hội" thực sự, chúng được sản sinh ra từ nhu cầu trực tiếp, từ sự quan tâm bảo vệ sở hữu và tăng thêm những tư liệu sản xuất và những phương tiện tự vệ của các thành viên riêng rẽ. Tầng lớp bình dân của những thành thị đó, gồm những cá nhân không quen biết nhau, đến thành thị lẻ tẻ từng người, nên trở thành không có tổ chức trước một lực lượng có tổ chức, được trang bị để tiến hành chiến tranh và theo dõi họ một cách đố kỵ, nên tầng lớp ấy không có quyền lực gì cả. Thợ bạn và thợ học việc được tổ chức trong mỗi nghề sao cho phù hợp nhất với lợi ích của thợ cả; mối quan hệ gia trưởng giữa họ và thợ cả tạo ra cho thợ cả một thế lực gấp đôi. Một là thợ cả có một ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ đời sống của thợ bạn; hai là công việc của những thợ bạn làm việc cho cùng một thợ cả là một mối dây thực sự gắn bó họ với nhau chống lại những thợ bạn của các thợ cả khác và làm cho họ tách biệt với những thợ bạn này; cuối cùng thợ bạn đã gắn bó với chế độ hiện có vì cái lợi đơn giản là muốn chính mình trở thành thợ cả. Vì vậy, nếu như đám bình dân đôi khi đã nổi loạn chống lại toàn bộ chế độ thành thị, - những cuộc nổi loạn này không đạt được kết quả vì họ bất lực, - thì những người thợ bạn lại không vượt quá những xung đột vụn vặt trong nội bộ những phường hội riêng rẽ, những xung đột gắn liền với bản thân sự tồn tại của chế độ phường hội. Những cuộc khởi nghĩa lớn trong thời kỳ trung cổ đều phát sinh từ nông thôn, nhưng cũng đều bị thất bại vì sự phân tán và tình trạng hết sức lạc hậu của nông dân, do sự phân tán ở đó gây ra.

Ở thành thị, sự phân công lao động giữa các phường hội riêng biệt được tiến hành [hoàn toàn có tính chất nguyên thủy] nhưng hoàn toàn không được xác lập giữa những người lao động riêng rẽ, ở bên trong các phường hội. Mỗi người lao động phải biết làm cả một loạt công việc, phải có khả năng làm được mọi việc có thể làm được bằng công cụ của mình; sự trao đổi hạn chế, sự liên hệ còn ít giữa các thành thị với nhau, tình trạng dân cư thưa thớt và những nhu cầu ít ỏi không tạo điều kiện thuận lợi cho một sự phân công lao động phát triển hơn, và vì vậy người nào muốn trở thành thợ cả thì phải nắm vững toàn bộ nghề của mình. Vì thế, những người thủ công thời trung cổ lại còn quan tâm đến công việc chuyên môn của mình, đến việc làm thành thạo trong công việc, một sự thành thạo có thể vươn lên đến một năng khiếu nghệ thuật hạn chế nào đó. Nhưng cũng vì thế mà mỗi người thủ công thời trung cổ để toàn tâm toàn ý vào công việc của mình, anh ta tỏ ra gắn bó tận tụy như nô lệ đối với công việc của anh ta và bị phụ thuộc vào nó nhiều hơn người công nhân hiện đại là người thờ ơ với công việc của mình.

Tư bản ở những thành thị đó là tư bản tự nhiên, gồm có nhà cửa, công cụ thủ công và khách hàng tự nhiên từ trước truyền lại; và tư bản ấy buộc phải truyền từ đời cha cho đời con vì sự giao tiếp còn chưa phát triển và lưu thông còn thiếu khiến cho tư bản đó không có khả năng thực hiện được. Khác với tư bản hiện đại, tư bản này không thể trị giá bằng tiền - trong trường hợp trị giá bằng tiền thì tư bản ấy là vật gì cũng không quan trọng, - mà trực tiếp gắn liền với lao động hoàn toàn xác định của người sở hữu nó, hoàn toàn không tách rời lao động đó, và do đó, nó là một tư bản gắn liền vào một đẳng cấp.

Sự mở rộng của phân công lao động tiếp theo đó là sự tách rời giữa sản xuất với thương nghiệp, là sự hình thành ra một giai cấp riêng biệt những thương nhân, một sự tách rời đã có sẵn trong các thành thị cổ (với những người Do Thái trong số những người khác) và xuất hiện rất nhanh trong các thành thị mới thành lập. Điều đó tạo ra khả năng có quan hệ thương nghiệp vượt ra ngoài phạm vi của khu vực gần gũi nhất, một khả năng mà sự thực hiện là tùy thuộc vào những phương tiện giao thông hiện có, vào tình trạng an ninh công cộng trên đường đi do những quan hệ chính trị quyết định (người ta biết rằng trong suốt thời kỳ trung cổ, thương nhân đều đi thành đoàn có vũ trang) và còn phụ thuộc vào sự phát triển nhiều hay ít của những nhu cầu của địa phương mà sự giao tiếp có thể với tới được, sự phát triển nhiều hay ít này của các nhu cầu là do trình độ văn hoá tương ứng quyết định.

Cùng với sự tập trung các quan hệ thương mại vào tay một giai cấp riêng biệt, cùng với việc thương nghiệp được mở rộng, nhờ có thương nhân, ra ngoài phạm vi những khu vực gần gũi nhất của thành thị, lập tức xuất hiện tác động qua lại giữa sản xuất và thương nghiệp. Các thành thị quan hệ với nhau, những công cụ lao động mới đã được đưa từ thành thị này đến thành thị khác, và sự phân công giữa sản xuất và thương nghiệp chẳng bao lâu tạo ra một sự phân công sản xuất mới giữa những thành thị khác nhau; chẳng bao lâu mỗi thành thị kinh doanh một ngành công nghiệp chiếm ưu thế nào đó. Tính hạn chế lúc ban đầu tức là tính địa phương, dần dần tiêu tan.

Trong thời trung cổ, trong mỗi thành thị, những thị dân buộc phải liên hợp lại với nhau để tự bảo vệ chống lại bọn quý tộc nông thôn; sự mở rộng của thương nghiệp và sự xây dựng những đường giao thông làm cho mỗi thành thị riêng lẻ có khả năng biết đến những thành thị khác đã đấu tranh chống cũng kẻ địch ấy để bảo vệ cũng những lợi ích ấy. Giai cấp tư sản chỉ nảy sinh ra rất chậm chạp từ cái số đông đảo những khối thị dân địa phương của các thành thị khác nhau. Sự đối lập với những quan hệ hiện có và cả với phương thức lao động do sự đối lập ấy quy định, đã biến những điều kiện sinh hoạt của mỗi người thị dân nói riêng, thành những điều kiện sinh hoạt chung cho tất cả mọi người thị dân, và độc lập đối với mỗi người thị dân nói riêng. Những thị dân đã tạo ra những điều kiện ấy trong chừng mực họ thoát khỏi những mối liên hệ phong kiến và được những điều kiện ấy tạo ra, trong chừng mực bản thân họ được quy định bởi sự đối lập của họ với chế độ phong kiến đã tồn tại. Cùng với sự xuất hiện mối liên hệ giữa các thành thị riêng lẻ, những điều kiện chung đối với họ ấy phát triển thành những điều kiện giai cấp. Những điều kiện như nhau, sự đối lập như nhau, những lợi ích như nhau, nói chung và toàn bộ, phải tạo ra ở khắp mọi nơi những tập quán như nhau. Bản thân giai cấp tư sản chỉ dần dần phát triển lên cùng với những điều kiện riêng của giai cấp ấy; đến lượt nó, nó lại phân chia ra thành những bộ phận khác nhau tùy theo sự phân công lao động, và cuối cùng nó thu hút tất cả những giai cấp có của đã tồn tại từ trước1*, (đồng thời giai cấp tư sản biến số đông các giai cấp không có của đã tồn tại trước nó và một phần những giai cấp có của trước kia thành một giai cấp mới - giai cấp vô sản) trong chừng mực mà toàn bộ sở hữu hiện có được chuyển thành tư bản thương nghiệp hay công nghiệp. Những cá nhân riêng lẻ chỉ hình thành một giai cấp chừng nào họ phải tiến hành cuộc đấu tranh chung chống lại một giai cấp khác; còn thì họ lại đối địch với nhau trong cuộc cạnh tranh. Mặt khác, giai cấp đến lượt nó lại trở thành độc lập đối với những cá nhân, thành thử các cá nhân thấy những điều kiện sinh hoạt của mình đã được quy định sẵn, đã được giai cấp của họ quy định cho họ vị trí trong đời sống, đồng thời cả sự phát triển cá nhân của họ; họ lệ thuộc vào giai cấp của họ. Sự lệ thuộc của các cá nhân riêng lẻ vào sự phân công lao động cũng là một hiện tượng giống như thế và hiện tượng này chỉ có thể bị xoá bỏ nếu sở hữu tư nhân và bản thân lao động bị xoá bỏ1*. Sự lệ thuộc ấy của cá nhân vào giai cấp đồng thời lại phát triển như thế nào thành sự lệ thuộc vào đủ mọi thứ quan niệm, v.v., điều đó chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra rồi.

Những lực lượng sản xuất, nhất là những phát minh, đã đạt được ở một địa phương có mất đi hay không đối với sự phát triển sau này, điều đó chỉ phụ thuộc vào sự mở rộng của giao tiếp thôi. Chừng nào sự giao tiếp còn hạn chế trong phạm vi những địa phương lân cận trực tiếp thì người ta phải làm lại mỗi phát minh trong từng địa phương, và chỉ cần gặp những sự ngẫu nhiên thuần túy, như sự xâm nhập của các dân dã man hoặc ngay cả những cuộc chiến tranh thông thường, cũng đủ để cho một nước nào đó có những lực lượng sản xuất và những nhu cầu đã phát triển, buộc phải bắt đầu lại tất cả từ đầu. Trong buổi đầu của lịch sử, người ta phải hàng ngày làm lại từng phát minh một trong riêng từng địa phương một. Ví dụ của những người Phê-ni-xi1* chỉ rõ rằng những lực lượng sản xuất phát triển, ngay cả trong tình hình của một nền thương nghiệp tương đối rộng, cũng ít được bảo đảm khỏi bị hoàn toàn hủy hoại vì phần lớn những phát minh của họ đã bị mất đi trong một thời gian dài, do chỗ dân tộc họ bị loại khỏi hoạt động thương nghiệp và bị A-lếch-xan-đrơ chinh phục khiến cho dân tộc họ bị suy sụp. Ở thời trung cổ, nền hội hoạ trên thủy tinh chẳng hạn cũng có chung một số phận như vậy. Chỉ khi nào sự giao tiếp trở thành một sự giao tiếp thế giới có công nghiệp lớn làm cơ sở và chỉ khi nào mọi dân tộc đều bị lôi cuốn vào cuộc đấu tranh cạnh tranh thì việc bảo tồn những lực lượng sản xuất đã tạo ra mới được bảo đảm.

Kết quả trực tiếp nhất của phân công lao động giữa các thành thị khác nhau là sự ra đời của công trường thủ công, tức là những ngành sản xuất đã vượt khỏi khuôn khổ chế độ phường hội. Tiền đề lịch sử của sự phồn vinh ban đầu của công trường thủ công - ở I-ta-li-a và sau đó ở Phlan-đrơ - là sự giao tiếp với các nước ngoài. Ở những nước khác, ví dụ như ở Anh và ở Pháp, thì công trường thủ công lúc đầu còn bó hẹp vào thị trường trong nước. Ngoài những tiền đề nói trên thì công trường thủ công muốn được xác lập, còn cần đến một sự tập trung đã lớn hơn của dân cư, - nhất là ở nông thôn, - và của tư bản đã bắt đầu được tích luỹ trong tay một số ít người, một phần trong các phường hội, bất chấp những luật lệ của phường hội, một phần trong tay các thương nhân.

Thứ lao động ngay từ đầu gắn liền với máy móc dù còn ở dưới hình thức hết sức thô sơ, đã nhanh chóng tỏ ra là thứ lao động có khả năng phát triển nhất. Nghề dệt mà cho tới lúc đó, ở nông thôn, nông dân vẫn làm như một nghề phụ nhằm tự cung cấp lấy quần áo cần thiết, là thứ lao động đầu tiên được thúc đẩy và đã phát triển rộng hơn nhờ sự giao tiếp được mở rộng. Nghề dệt là hoạt động công trường thủ công đầu tiên và vẫn là hoạt động công trường thủ công chủ yếu. Số cầu về vải để may mặc tăng lên cùng với sự tăng dân số, việc tích luỹ và động viên tư bản hình thành một cách tự nhiên bắt đầu diễn ra nhờ lưu thông được đẩy mạnh, nhu cầu về xa xỉ phẩm sinh ra từ đó và nói chung được sự phát triển dần dần của thương mại khuyến khích, - tất cả những cái đó đã thúc đẩy nghề dệt phát triển về lượng và về chất, làm cho nó thoát ra khỏi hình thức sản xuất cũ. Bên cạnh nông dân còn tiếp tục dệt vải để tự cung tự cấp - những người này vẫn tồn tại và tiếp tục tồn tại, - thì ở thành thị xuất hiện một giai cấp mới những người thợ dệt mà vải của họ là dành cho toàn bộ thị trường trong nước và phần lớn cho cả thị trường nước ngoài nữa.

Nghề dệt, một loại lao động thường không đòi hỏi nhiều sự khéo léo và nhanh chóng tự phân ra thành rất nhiều ngành, nên do toàn bộ bản chất của nó, nó chống lại những ràng buộc của phường hội. Vì vậy nghề dệt phần lớn được tiến hành trong những làng và thị trấn không có tổ chức phường hội và dần trở thành thành thị, thậm chí nhanh chóng trở thành những thành thị phồn vinh nhất của mỗi nước.

Với sự xuất hiện của công trường thủ công không còn bị sự ràng buộc của phường hội thì những quan hệ sở hữu cũng lập tức biến đổi. Sở dĩ có bước tiến đầu tiên vượt qua thứ tư bản đẳng cấp được hình thành một cách tự nhiên là do sự xuất hiện của những thương nhân, tức là những người mà tư bản của họ ngay từ đầu đã là một thứ tư bản hoạt động, một thứ tư bản theo ý nghĩa hiện đại của danh từ đó nếu chúng ta có thể nói như vậy, khi vận dụng vào những điều kiện lúc bấy giờ. Bước tiến thứ hai diễn ra cùng với sự xuất hiện của công trường thủ công, công trường thủ công, đến lượt nó, lại huy động cả cái khối lớn tư bản hình thành một cách tự nhiên và nói chung làm tăng thêm số lượng tư bản hoạt động so với số lượng tư bản hình thành một cách tự nhiên.

Đồng thời, công trường thủ công cũng trở thành chốn nương thân cho những nông dân chống lại những phường hội đã loại họ ra hoặc trả công cho họ một cách tồi tệ, giống như xưa kia những thành thị theo chế độ phường hội đã là chốn nương thân cho những nông dân chống lại [bọn quý tộc áp bức họ].

Cùng một lúc với sự ra đời của công trường thủ công, là thời kỳ có nhiều người đi lang thang vì các đội hộ vệ võ trang của phong kiến đã bị bãi bỏ, và những đội quân mà người ta đã tập hợp lại và được bọn vua chúa dùng để chống lại những chư hầu của chúng, đã bị giải tán, vì nghề làm ruộng được cải tiến và những vùng đất cày cấy rộng lớn bị biến thành bãi chăn nuôi. Do đó chúng ta cũng đã thấy rõ rằng tình trạng lang thang ấy gắn liền với sự tan rã của chế độ phong kiến. Ngay từ thế kỷ XIII, đã có một vài thời kỳ như vậy, nhưng tình trạng lang thang này chỉ trở thành phổ biến và kéo dài vào cuối thế kỷ XV và vào đầu thế kỷ XVI. Những người lang thang ấy đông đến nỗi riêng vua Hen-ri VIII ở Anh đã ra lệnh treo cổ tới 72 000 người; sau khi họ bị đẩy đến tình trạng thiếu thốn cùng cực thì người ta mới buộc được họ lao động và làm được như vậy thì cũng gặp phải những khó khăn rất lớn và còn phải khắc phục sự chống đối lâu dài. Sự phát đạt nhanh chóng của những công trường thủ công, đặc biệt là ở Anh, đã dần dần thu hút họ.

Với sự ra đời của công trường thủ công, các dân tộc khác nhau bắt đầu cạnh tranh với nhau, tiến hành cuộc đấu tranh thương nghiệp bằng chiến tranh, chế độ thuế quan bảo hộ và những chế độ cấm đoán, không như trước kia khi quan hệ với nhau họ tiến hành những cuộc trao đổi vô hại với nhau. Từ nay, thương nghiệp đã mang ý nghĩa chính trị.

Với sự ra đời của công trường thủ công, quan hệ của người lao động với người chủ cũng thay đổi. Trong các phường hội, giữa thợ bạn và thợ cả, vẫn tồn tại quan hệ gia trưởng; trong công trường thủ công, quan hệ gia trưởng bị thay bằng quan hệ tiền bạc giữa công nhân và nhà tư bản; nếu ở nông thôn và những thành thị nhỏ quan hệ này vẫn còn mang màu sắc gia trưởng, thì ở các thành thị lớn thực sự có tính chất công trường thủ công, màu sắc gia trưởng hầu như biến mất rất sớm.

Công trường thủ công và toàn bộ sự phát triển của sản xuất nói chung đã đạt được sự tăng tiến phi thường, nhờ sự mở rộng của sự giao tiếp mà việc tìm ra châu Mỹ và con đường biển sang Đông Ấn Độ đã mang lại. Những sản phẩm mới, nhập từ đó về, đặc biệt là những khối lớn vàng và bạc tham gia vào lưu thông đã hoàn toàn làm biến đổi vị trí của các giai cấp đối với nhau và giáng một đòn nặng vào sở hữu ruộng đất phong kiến và vào những người lao động; những cuộc viễn chinh của bọn phiêu lưu, việc chinh phục thuộc địa, và trước hết là các thị trường mang quy mô thị trường thế giới, một việc bây giờ đã có thể thực hiện được và đã được thực hiện ngày một nhiều hơn, - tất cả những cái đó đã tạo ra một giai đoạn mới của sự phát triển lịch sử, mà ở đây, nói chung, chúng ta không cần phải nói thêm. Việc chinh phục những đất đai mới phát hiện đã cung cấp thêm cho cuộc đấu tranh thương nghiệp giữa các dân tộc với nhau một chất nuôi dưỡng mới và do đó cuộc đấu tranh ấy có quy mô lớn hơn và có tính chất quyết liệt hơn.

Sự phát triển của thương nghiệp và của công trường thủ công đẩy nhanh việc tích luỹ tư bản hoạt động, trong khi đó thì trong các phường hội không được kích thích để mở rộng sản xuất, tư bản hình thành một cách tự nhiên vẫn nguyên như cũ hay thậm chí còn giảm đi. Thương nghiệp và công trường thủ công tạo ra giai cấp tư sản lớn; giai cấp tiểu tư sản thì tập trung trong các phường hội, bây giờ họ không còn thống trị các thành thị như trước kia mà buộc phải phục tùng sự thống trị của những thương nhân lớn và những chủ công trường thủ công1*. Do đó phường hội suy tàn ngay khi nó tiếp xúc với công trường thủ công.

Trong thời kỳ chúng tôi vừa nói, quan hệ giao tiếp giữa các dân tộc mang hai hình thức khác nhau. Ban đầu số lượng vàng và bạc lưu thông ít ỏi dẫn đến việc cấm xuất khẩu những kim loại đó; mặt khác, công nghiệp, mà đại bộ phận được du nhập từ ngoài vào, trở nên cần thiết để có việc làm cho dân số ngày một tăng của thành thị, thì không thể không cần đến những đặc quyền, dĩ nhiên là để có thể không những chống lại sự cạnh tranh bên trong mà chủ yếu là chống lại sự cạnh tranh bên ngoài. Nhờ những sự cấm đoán ban đầu đó, những đặc quyền phường hội có tính địa phương được mở rộng ra cho cả nước. Thuế quan bắt nguồn từ những khoản cống nạp mà bọn chúa phong kiến bắt các thương nhân đi qua lãnh thổ mình phải nộp để khỏi bị cướp bóc, khoản thuế đó sau này cũng được thành thị đặt ra, và khi các nhà nước hiện đại xuất hiện thì khoản đó trở thành thủ đoạn thuận tiện nhất để thu tiền cho kho bạc.

Sự xuất hiện của vàng bạc Mỹ trên thị trường châu Âu, sự phát triển dần dần của công nghiệp, bước tiến nhanh chóng của thương nghiệp và những hậu quả của nó, tức là sự phát đạt của giai cấp tư sản ngoài phường hội và tiền được lưu thông ngày càng rộng rãi, - tất cả những cái đó làm cho những biện pháp nói trên có một ý nghĩa khác. Nhà nước ngày càng khó mà không cần đến tiền, bây giờ nó phải duy trì việc cấm xuất khẩu vàng bạc vì những lý do tài chính; bọn tư sản - những kẻ mà đối với chúng số lượng tiền bạc vừa được tung ra thị trường ấy đã trở thành đối tượng chủ yếu để đầu cơ, - đều hoàn toàn thoả mãn; những đặc quyền trước kia trở thành một nguồn thu nhập của chính phủ và được đem bán lấy tiền; trong luật lệ thuế quan, xuất hiện thuế xuất khẩu, loại thuế chỉ gây trở ngại cho sự phát triển của công nghiệp và nhằm những mục đích tài chính đơn thuần.

Thời kỳ thứ hai bắt đầu từ giữa thế kỷ XVII và kéo dài đến gần cuối thế kỷ XVIII. Thương nghiệp và hàng hải phát triển nhanh hơn công trường thủ công; công trường thủ công chỉ còn đóng vai trò thứ yếu; thuộc địa bắt đầu trở thành những khách hàng tiêu thụ lớn; qua những cuộc chiến đấu lâu dài, các nước chia nhau thị trường thế giới đã được mở ra. Thời kỳ này mở đầu bằng những luật hàng hải và những độc quyền ở thuộc địa. Cạnh tranh giữa các dân tộc được người ta ra sức ngăn chặn bằng những thuế suất, những điều cấm đoán, những hiệp nghị; và rút cục lại cuộc cạnh tranh được tiến hành và giải quyết bằng chiến tranh, (nhất là bằng chiến tranh trên mặt biển). Cường quốc mạnh nhất trên mặt biển, nước Anh, chiếm ưu thế về thương nghiệp và công trường thủ công. Như vậy là đã có sự tích tụ những thứ đó vào độc một nước.

 

 

Công trường thủ công được luôn luôn bảo vệ trên thị trường trong nước bằng thuế quan bảo hộ, trên thị trường thuộc địa bằng độc quyền, và trên thị trường ngoài nước bằng thuế quan chênh lệch. Người ta bảo hộ việc chế biến những nguyên liệu sản xuất trong nước (len và lanh ở Anh, tơ ở Pháp), cấm xuất khẩu nguyên liệu sản xuất trong nước (len ở Anh), coi nhẹ hoặc hoàn toàn cấm việc chế biến nguyên liệu nhập khẩu (bông ở Anh). Như vậy, dĩ nhiên là nước chiếm ưu thế về thương nghiệp hàng hải và về thế lực thuộc địa bảo đảm được cho mình sự phát triển cao nhất, cả về lượng lẫn về chất, của công trường thủ công. Công trường thủ công hoàn toàn không thể thiếu sự bảo hộ, vì một sự thay đổi nhỏ nhất trong các nước khác cũng đủ làm cho nó mất thị trường tiêu thụ và có thể suy sụp; vì nếu người ta dễ dàng du nhập công trường thủ công vào trong một nước trong những điều kiện ít nhiều thuận lợi, thì cũng chính vì thế mà người ta dễ phá hủy nó. Đồng thời, do phương thức kinh doanh của nó, nhất là phương thức kinh doanh của nó ở nông thôn trong thế kỷ XVIII, công trường thủ công gắn chặt với những điều kiện sinh hoạt của đông đảo quần chúng đến mức không một nước nào dám liều đụng đến sự tồn tại của nó bằng cách cho phép cạnh tranh tự do. Do đó chừng nào nó xuất khẩu được sản phẩm thì công trường thủ công hoàn toàn lệ thuộc vào sự mở rộng hay sự hạn chế của thương nghiệp, và nó tác động trở lại thương nghiệp một cách tương đối yếu. Điều đó nói lên ý nghĩa thứ yếu của công trường thủ công và cũng nói lên ảnh hưởng của thương nhân hồi thế kỷ XVIII. Chính thương nhân, và đặc biệt những chủ tàu biển, là những người tha thiết đòi hỏi, hơn ai hết, sự bảo hộ của nhà nước và những độc quyền; đành rằng những chủ công trường thủ công cũng đòi và đã đạt được sự bảo hộ đó, nhưng về mặt ý nghĩa chính trị thì bao giờ họ cũng đứng sau thương nhân. Những thành phố thương nghiệp, đặc biệt những thành phố ven biển, đã đạt tới trình độ tương đối văn minh và trở thành những thành phố của giai cấp tư sản lớn, trong khi đó thì trong các thành phố công xưởng, thế lực tự phát tiểu tư sản vẫn tiếp tục ngự trị. Xem Ây-kin, chẳng hạn[2]. Thế kỷ XVIII là thế kỷ thương nghiệp. Về điểm này, Pin-tô nói rõ ra rằng[3]: "Thương nghiệp là con cưng của thế kỷ" và "ít lâu nay, người ta chỉ nói đến thương nghiệp, đến hàng hải và đến đội tàu biển"1).

 

Thời kỳ này còn có đặc điểm là sự bãi bỏ việc cấm xuất khẩu vàng bạc, là sự ra đời của việc buôn bán tiền tệ, của ngân hàng, của quốc trái, của tiền giấy, của đầu cơ cổ phiếu và chứng khoán, là việc đầu cơ mọi thứ hàng, là sự phát triển hệ thống tiền tệ nói chung. Tư bản lại mất thêm một phần lớn tính chất tự nhiên ban đầu mà nó hãy còn mang theo.

Sự tập trung của thương nghiệp và của công trường thủ công vào một nước, nước Anh, tăng lên không ngừng từ thế kỷ XVII, đã dần dần tạo ra cho nước đó một thị trường thế giới tương xứng, và do đó cũng tạo ra một nhu cầu về sản phẩm công trường thủ công của Anh mà những lực lượng sản xuất công nghiệp trước kia không thoả mãn được nữa. Nhu cầu vượt quá những lực lượng sản xuất ấy chính là động lực đưa đến thời kỳ phát triển thứ ba, kể từ thời trung cổ, của sở hữu tư nhân, bằng cách tạo ra công nghiệp lớn - việc sử dụng những lực lượng tự nhiên vào mục đích công nghiệp, việc sản xuất bằng máy móc và phân công lao động rộng rãi nhất. Những điều kiện khác của giai đoạn mới đó - như tự do cạnh tranh ở trong nước, việc hoàn thiện cơ học lý thuyết (môn cơ học mà Niu-tơn hoàn thành, là khoa học phổ cập nhất ở Pháp và Anh hồi thế kỷ thứ XVIII nói chung), v.v. - đã có ở Anh rồi. (Còn tự do cạnh tranh trong nước thì ở đâu cũng phải thông qua cách mạng mới giành được - năm 1640 và 1688 ở Anh, năm 1789 ở Pháp). Chẳng bao lâu, cạnh tranh buộc những nước muốn giữ vai trò lịch sử của mình phải dùng đến những biện pháp thuế quan mới để bảo vệ công trường thủ công của mình (vì những thuế quan cũ không còn đủ để chống lại công nghiệp lớn nữa) và sau đó buộc phải thực hiện công nghiệp lớn dưới sự bảo hộ của thuế quan bảo hộ. Mặc dù đã có những biện pháp bảo hộ đó, công nghiệp lớn vẫn làm cho cạnh tranh trở thành phổ biến (cạnh tranh chính là tự do mậu dịch thực tế, trong đó những thuế quan bảo hộ chỉ là thủ đoạn nhất thời, là vũ khí phòng ngự trong phạm vi của tự do mậu dịch), công nghiệp lớn tạo ra những phương tiện giao thông và thị trường thế giới hiện đại, đặt thương nghiệp dưới sự thống trị của mình, biến mọi tư bản thành tư bản công nghiệp và do đó sản sinh ra sự lưu thông nhanh chóng (hệ thống tiền tệ phát triển) và sự tập trung của tư bản. Bằng biện pháp cạnh tranh phổ biến, công nghiệp lớn buộc tất cả các cá nhân phải sử dụng toàn bộ tinh lực của mình một cách cực kỳ khẩn trương. Hễ có thể làm được thì nó ra sức thủ tiêu hệ tư tưởng, tôn giáo, đạo đức, v.v., còn khi không thể làm được việc đó thì nó biến những thứ đó thành những điều dối trá trắng trợn. Chính nó đã lần đầu tiên tạo ra lịch sử thế giới, khi nó làm cho mỗi nước văn minh và mỗi cá nhân trong nước đó muốn thoả mãn nhu cầu của mình thì phải phụ thuộc vào toàn thế giới và khi nó thủ tiêu tính biệt lập trước kia hình thành một cách tự nhiên của các nước riêng lẻ. Nó bắt khoa học tự nhiên phải phục tùng tư bản và làm cho phân công lao động mất hết những vết tích cuối cùng của tính chất tự nhiên của nó. Nói chung, nó xoá bỏ tính chất tự nhiên trong chừng mực nó có thể làm được điều đó trong phạm vi lao động và đã biến tất cả những quan hệ tự nhiên thành những quan hệ tiền bạc. Thay cho những thành thị hình thành một cách tự nhiên trước kia, nó tạo ra những thành thị công nghiệp lớn, hiện đại phát triển nhanh như chớp. Xâm nhập tới đâu là ở đó, nó tiêu diệt thủ công nghiệp và nói chung tất cả các giai đoạn trước kia của công nghiệp. Nó hoàn thành chiến thắng của thành thị thương nghiệp đối với nông thôn. [Tiền đề đầu tiên của nó] là hệ thống tự động. [Sự phát triển của nó] đã tạo ra một khối lớn những lực lượng sản xuất mà [sở hữu] tư nhân đã cản trở, cũng như trước kia chế độ phường hội đã cản trở công trường thủ công và kinh doanh tiểu nông đã cản trở thủ công nghiệp đang phát triển. Dưới sự thống trị của sở hữu tư nhân, những lực lượng sản xuất ấy chỉ phát triển phiến diện; đối với đa số, chúng đã trở thành những lực lượng phá hoại, và số lớn những lực lượng sản xuất ấy đã hoàn toàn không được sử dụng trong chế độ tư hữu. Nói chung, công nghiệp lớn tạo ra ở khắp nơi những quan hệ như nhau giữa các giai cấp xã hội và do đó xoá bỏ tính chất riêng biệt của những dân tộc khác nhau. Và sau hết, trong khi giai cấp tư sản của mỗi dân tộc còn duy trì những lợi ích dân tộc riêng biệt thì công nghiệp lớn lại tạo ra một giai cấp cùng có những lợi ích như nhau trong tất cả các dân tộc, một giai cấp không còn tính riêng biệt dân tộc nữa, một giai cấp thực sự đoạn tuyệt với toàn bộ thế giới cũ và đồng thời đối lập với thế giới cũ. Công nghiệp lớn làm cho người công nhân không những không chịu đựng nổi mối quan hệ của họ với nhà tư bản, mà còn không chịu đựng nổi cả bản thân lao động nữa.

Đương nhiên là công nghiệp lớn không phát triển đồng đều ở tất cả mọi địa phương của một nước. Nhưng điều đó không ngăn cản phong trào có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, vì những người vô sản do công nghiệp lớn sản sinh ra thì đứng đầu phong trào đó và lôi cuốn tất cả khối đông đảo quần chúng theo mình, và vì những công nhân không được thu hút vào trong công nghiệp lớn lại bị nền công nghiệp lớn ấy đẩy vào một tình trạng sinh hoạt tồi tệ hơn những công nhân trong bản thân công nghiệp lớn ấy. Cũng như vậy, những nước có công nghiệp lớn phát triển tác động đến những nước plus ou moins1* không có công nghiệp trong chừng mực những nước này bị nền mậu dịch quốc tế lôi cuốn vào cuộc đấu tranh cạnh tranh phổ biến1)!

Những hình thức khác nhau đó cũng là những hình thức tổ chức lao động, và do đó cũng là những hình thức sở hữu. Mỗi thời kỳ đều có một sự kết hợp những lực lượng sản xuất hiện có, trong chừng mực nhu cầu làm cho sự kết hợp ấy trở thành tất yếu.

 

Do C.Mác và Ph.Ăng-ghen viết vào năm 1845-1846

Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin công bố toàn văn lần đầu tiên bằng tiếng viết trong nguyên bản năm 1932, bằng tiếng Nga năm 1933

In theo bản thảo

Nguyên văn là tiếng Đức

 

 

 


[1] Đồng minh chống những đạo luật về ngũ cốc do các chủ xưởng ở Man-se-xtơ là Cốp-đen và Brai-tơ lập ra. Cái gọi là những đạo luật về ngũ cốc nhằm hạn chế hoặc cấm chỉ nhập khẩu ngũ cốc, được thi hành ở anh vì lợi ích của bọn đại địa chủ - bọn địa chủ quý tộc. Đề ra yêu sách đòi hoàn toàn tự do mậu dịch, Đồng minh đòi huỷ bỏ những đạo luật về ngũ cốc nhằm mục đích hạ thấp tiền công của công nhân và làm suy yếu địa vị kinh tế và chính trị của bọn quý tộc ruộng đất. Trong cuộc đấu tranh chống bọn địa chủ, Đồng minh đã tìm cách lợi dụng quần chúng công nhân. Nhưng chính thời gian đó, những công nhân tiên tiến của nước Anh đã bước lên con đường của một phong trào công nhân độc lập đã định hình về phương diện chính trị (phong trào Hiến chương).

      Cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản công nghiệp và tầng lớp quý tộc ruộng đất về vấn đề những đạo luật về ngũ cốc đã kết thúc bằng việc thông qua vào năm 1846 dự luật huỷ bỏ những đạo luật về ngũ cốc

1*  Mác ghi ở ngoài lề: "Trước hết nó thu hút những ngành lao động trực thuộc nhà nước, rồi tất cả những nghề nghiệp ± [ít nhiều] có tính chất tư tưởng".

1* Về ý nghĩa của những chữ "lao động bị xoá bỏ" (Aufhebung der Arbeit), - xem tập này  tr.93-101, 112, 283.

1* Mác ghi ở ngoài lề: "và nghề sản xuất thủy tinh của thời trung cổ".

1* Mác ghi ở ngoài lề: "Giai cấp tiểu tư sản, giai cấp trung đẳng, giai cấp tư sản lớn".

[2] J.Aikin. "A Description of the Country from thirty to foty Miles round Manchester". London, 1795 (Giôn Ây-kin. "Miêu tả những vùng lân cận thành phố Man-se-xtơ trong phạm vi từ ba mươi đến bốn mươi dặm Anh". Luân Đôn, 1795).

[3] Trích dẫn "Lettre sur la Jalousie du Commerce" ("Thư về cạnh tranh trong thương mại") trong sách của L.Pin-tô "Traitéde la Circulation et du Crédit" Amsterdam, 1771 ("Bàn về lưu thông và tín dụng", Am-xtéc-đam, 1771).

1) Sự vận động của tư bản tuy có nhanh lên một cách rõ rệt nhưng vẫn còn tương đối chậm. Sự chia cắt thị trường thế giới thành từng bộ phận riêng biệt, mỗi bộ phận do từng nước riêng biệt khai thác, sự xoá bỏ cạnh tranh giữa các nước, sự vụng về của bản thân sản xuất và việc hệ thống tiền tệ chỉ mới trải qua giai đoạn phát triển bước đầu, - tất cả những cái đó kìm hãm rất nhiều lưu thông. Kết quả của tình hình đó là tinh thần con buôn nhỏ nhen bần tiện đang còn thấm sâu vào tất cả những thương nhân và tất cả những phương thức buôn bán thời ấy. So với những chủ công trường thủ công, hơn nữa so với những người thủ công nghiệp thì dĩ nhiên họ là những người tư sản lớn, nhưng so với những thương nhân và những nhà công nghiệp của thời kỳ sau thì họ vẫn chỉ là những người tư sản nhỏ mà thôi. Xem A.Xmít18.

1) Cạnh tranh làm cho các cá nhân biệt lập với nhau, không phải chỉ những người tư sản, mà đặc biệt là những người vô sản cũng biệt lập với nhau, mặc dù nó tập hợp họ lại. Vì vậy, phải trải qua một thời gian dài, các cá nhân mới có thể liên hợp lại với nhau, đấy là chưa nói rằng muốn có sự liên hợp ấy - nếu sự liên hợp này không phải chỉ là sự liên hợp địa phương, - thì nền công nghiệp lớn trước hết phải tạo ra những phương tiện cần thiết, tức là những thành thị công nghiệp lớn và những phương tiện giao thông rẻ tiền và nhanh chóng và vì vậy, chỉ sau những cuộc đấu tranh lâu dài, mới có thể chiến thắng được mọi lực lượng có tổ chức đối lập với những cá nhân biệt lập sống trong những điều kiện hàng ngày tái tạo ra sự biệt lập ấy. Đòi hỏi điều ngược lại cũng có nghĩa là đòi hỏi sự cạnh tranh không được tồn tại trong thời kỳ lịch sử nhất định đó, hay đòi hỏi các cá nhân phải loại trừ khỏi đầu óc mình những quan hệ mà do tình trạng biệt lập của họ, họ hoàn toàn không thể kiểm soát được.

 

1* - ít nhiều

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt