Chủ nghĩa Marx

Tính phổ biến của mâu thuẫn

 

BÀN VỀ MÂU THUẪN

(Tháng Tám 1937)

 

MAO TRẠCH ĐÔNG (1893-1976)

 


Mao Trạch Đông. Bàn về thực tiễn. Bàn về mâu thuẫn. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1966. | Nguyên bản tiếng Trung | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

2. TÍNH PHỔ BIẾN CỦA MÂU THUẪN

 

Để tiện cho việc trình bày, ở đây trước tiên tôi nói về tính phổ biến của mâu thuẫn, sau mới nói về tinh riêng biệt của mâu thuẫn. Như thế là vì những nhà sáng lập và những nhà kế thừa vĩ đại của chủ nghĩa Mác là Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Sta-lin đã tìm ra vũ trụ quan theo phép biện chứng duy vật, đã áp dụng phép biện chứng duy vật vào nhiều mặt của việc phân tích lịch sử loài người và lịch sử tự nhiên, áp dụng nó vào nhiều mặt của việc thay đổi xã hội và thay đổi tự nhiên (như ở Liên-xô) và đã thu được những thành công rất to lớn; tính phổ biến của mâu thuẫn đã được nhiều người thừa nhận, vì vậy về vấn đề đó chỉ cần nói ít thôi cũng rõ; còn về vấn đề tính riêng biệt của mâu thuẫn thì còn rất nhiều đồng chí, đặc biệt là những người giáo điều chủ nghĩa chưa hiểu rõ. Họ không hiểu rằng tính phổ biến của mâu thuẫn nằm trong tính riêng biệt của mâu thuẫn. Họ cũng không hiểu rằng việc nghiên cứu tính riêng biệt của mâu thuẫn của sự vật cụ thể trước mắt có ý nghĩa quan trọng bực nào đối với việc chúng ta chỉ đạo sự phát triển của thực tiễn cách mạng. Do đó, ta phải chủ trọng nghiên cứu vấn đề tính riêng biệt của mâu thuẫn và dành một số trang thích đáng để nói rõ. Vì lẽ đó, khi chúng ta phân tích quy luật mâu thuẫn của sự vật, trước hết chúng ta phải phân tích vấn đề tính phổ biến của mâu thuẫn, rồi sau mới chú trọng phân tích vấn đề tính riêng biệt của mâu thuẫn, cuối cùng lại trở lại vấn đề tính phổ biến của mâu thuẫn.

Vấn đề tính phổ biến hoặc tính tuyệt đối của mâu thuẫn có ý nghĩa về hai mặt: một là mâu thuẫn tồn tại trong quá trình phát triển của tất cả mọi sự vật, hai là, trong quả trình phát triển của mỗi một sự vật, đều có sự vận động của mâu thuẫn từ đầu đến cuối.

Ăng-ghen đã nói: « Bản thân sự vận động đã là một mâu thuẫn... ».[1] Định nghĩa của Lê-nin về quy luật thống nhất của các mặt đối lập nói rằng, quy luật này "thừa nhận (sự tìm ra) những khuynh hưởng đối lập, mâu thuẫn, bài trừ lẫn nhau trong tất cả các hiện tượng và quá trình của giới tự nhiên (kể cả tinh thần và xã hội)"[2]. Những ý kiến đó có đúng không? Đúng. Sự phụ thuộc lẫn nhau và sự đấu tranh lẫn nhau giữa các mặt của mâu thuẫn nằm trong mọi sự vật, quyết định sinh mệnh của mọi sự vật, thúc đẩy sự phát triển của mọi sự vật. Không có sự vật nào là không bao gồm mâu thuẫn. Không có mâu thuẫn thì không có thế giới.

Mâu thuẫn là cơ sở của hình thức vận động giản đơn (ví dụ sự vận động có tính chất máy móc), mâu thuẫn càng là cơ sở của hình thức vận động phức tạp.

Về tính phổ biến của mâu thuẫn, Ăng-ghen đã từng nói như sau: « Nếu bản thân sự di động một cách máy móc đơn giản đã chứa đựng mâu thuẫn, thì tất nhiên những hình thức vận động cao hơn của vật chất và đặc biệt là sự sống hữu cơ và sự phát triển của sự sống hữu cơ đó lại càng phải chứa đựng mâu thuẫn như vậy... Sự sống trước hết là chính ở chỗ một sinh vật trong mỗi lúc vừa là nó nhưng lại vừa là một cái khác. Như vậy sự sống cũng là một mâu thuẫn tồn tại trong bản thân các sự vật và các quá trình, tự đề ra và tự giải quyết không ngừng. Và khi mâu thuẫn đã hết thì sự sống cũng không còn nữa và cái chết xảy đến. Cũng như chúng ta đã thấy rằng trong lĩnh vực tư duy cũng vậy, chúng ta không thể thoát khỏi mâu thuẫn; chẳng hạn như mẫu thuẫn giữa năng lực nhận thức vô hạn bên trong của con người với việc thực hiện thực tế năng lực nhận thức đó trong từng người, mà những người đó lại bị hạn chế bởi hoàn cảnh bên ngoài và bị hạn chế cả trong nhận thức nữa, — thì mâu thuẫn này được giải quyết trong sự nối tiếp của các thế hệ, sự nối tiếp đó ít ra đối với chúng ta về thực tế cũng là vô tận, – và được giải quyết trong sự tiến bộ vô tận.

... Một trong những cơ sở chính của toán học cao cấp là... mâu thuẫn...

Ngay toán học sơ cấp cũng đầy rẫy mâu thuẫn..."[3]. Lê-nin cũng nói như sau về tính phổ biến của mâu thuẫn:

« Trong toán học + và –, vi phân và tích phân. Trong cơ học, tác dụng và phản tác dụng.

Trong vật lý học, điện dương và điện âm.

Trong hóa học, hỏa hợp và phân giải của các nguyên tử. Trong khoa học xã hội, đấu tranh giai cấp ».[4]

Trong chiến tranh, công và thủ, tiến và thoái, thắng và bại đều là những hiện tượng của mâu thuẫn. Một bên mất thì bên kia cũng không còn. Hai bên đấu tranh với nhau, mà cũng gắn liền với nhau, tạo thành tổng thể của chiến tranh, đẩy chiến tranh phát triển, giải quyết vấn đề chiến tranh.

Mỗi một điểm khác nhau trong khái niệm của người ta đều phải xem là phản ánh của mâu thuẫn khách quan. Mâu thuẫn khách quan phản ánh vào tư tưởng chủ quan, tạo thành sự vận động của mâu thuẫn trong khái niệm, thúc đẩy tư tưởng phát triển, không ngừng giải quyết vấn đề tư tưởng của người ta.

Trong Đảng, thường xảy ra sự đối lập và đấu tranh giữa các tư tưởng khác nhau, đó là phản ánh của mâu thuẫn giai cấp trong xã hội và của mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ vào trong Đảng. Nếu trong Đảng không có mâu thuẫn và đấu tranh tư tưởng đề giải quyết mâu thuẫn, thì sinh mệnh của Đảng cũng hết.

Do đó ta thấy rằng, không kể là hình thức vận động giản đơn hay hình thức vận động phức tạp, không kể là hiện tượng khách quan hay hiện tượng tư tưởng, phổ biến chỗ nào cũng có mẫu thuẫn, quá trình nào cũng có mâu thuẫn, điều đó đã rõ ràng rồi. Nhưng phải chăng giai đoạn đầu của mỗi một quá trình cũng có mâu thuẫn? Phải chăng quá trình phát triển của mỗi một sự vật đều có sự vận động của mâu thuẫn từ đầu đến cuối?

Xem những bài của giới triết học Liên-xô phê phán phái Đê-bô-rin thì thấy phái Đê-bô-rin có một quan điểm như sau: họ cho rằng mâu thuẫn không phải thoạt ngay lúc đầu đã xuất hiện trong quá trình, phải đợi quá trình phát triển đến một giai đoạn nhất định thì mâu thuẫn mới xuất hiện. Thế thì, trước lúc đó, nguyên nhân phát triển của quá trình không phải là do nguyên nhân bên trong, mà là do nguyên nhân bên ngoài. Thế là Đê-bô-rin đã trở về với thuyết nguyên nhân bên ngoài và thuyết máy móc siêu hình. Đem quan điểm ấy để phân tích những vấn đề cụ thể, họ cho rằng trong điều kiện của Liên-xô, giữa phú nông và nông dân nói chung, chỉ có sự khác nhau, chứ không có mâu thuẫn, họ hoàn toàn đồng ý với Bu-kha-rin[5].

Khi phân tích cuộc cách mạng Pháp, họ cho rằng trước cách mạng, trong đẳng cấp thứ ba do công nhân, nông dân và giai cấp tư sản họp thành, cũng chỉ có sự khác nhau chứ không có mâu thuẫn. Quan điểm đó của phái Đê-bô-rin trái hẳn với chủ nghĩa Mác. Họ không hiểu rằng mỗi một sự khác nhau trên thế giới là đã bao gồm mâu thuẫn, khác nhau tức là mâu thuẫn. Từ lúc bắt đầu có lao động và tư bản, thì giữa hai giai cấp đó đã mâu thuẫn với nhau, chỉ có điều là chưa kịch liệt mà thôi. Giữa công nhân và nông dân, dù là trong điều kiện xã hội của Liên-xô, cũng có sự khác nhau; sự khác nhau giữa công nhân và nông dân là mâu thuẫn, chỉ có điều là sẽ không trở nên kịch liệt và không biến thành đối kháng, không dùng hình thức đấu tranh giai cấp, không giống như mâu thuẫn giữa lao động và tư bản; trong cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, họ hình thành khối liên minh vững chắc và trong quá trình phát triển từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản, mâu thuẫn đó dần dần được giải quyết. Đó là vấn đề tính khác nhau của mâu thuẫn chứ không phải là vấn đề có hay không có mâu thuẫn. Mâu thuẫn là phổ biến, là tuyệt đối, nó tồn tại trong tất cả mọi quá trình phát triển của sự vật, nó lại quán xuyến tất cả mọi quá trình từ đầu đến cuối.

Sự phát sinh của một quá trình mới là gì? Đó là sự thống nhất cũ và những thành phần đối lập họp thành sự thống nhất cũ ấy, nhường chỗ cho một sự thống nhất mới và thành phần đối lập họp thành sự thống nhất mới ấy, do đó phát sinh một quá trình mới thay thế cho quá trình cũ. Quá trình cũ đã kết thúc, và quá trình mới phát sinh. Quá trình mới lại bao gồm những mâu thuẫn mới, mở đầu cho lịch sử phát triển mâu thuẫn của bản thân nó.

Lê-nin đã chỉ ra rằng, trong bộ Tư bản, Mác đã cho ta một kiểu mẫu về cách phân tích sự vận động của mâu thuẫn từ đầu đến cuối trong quá trình phát triển của sự vật. Đó là phương pháp cần phải vận dụng khi nghiên cứu quá trình phát triển của bất cứ sự vật nào. Bản thân Lê-nin cũng đã vận dụng phương pháp đó một cách đúng đắn, phương pháp đó quán triệt trong toàn bộ tác phẩm của Lê-nin.

"Trong bộ Tư bản, Mác phân tích trước hết cái đơn giản nhất, phổ thông nhất, cơ bản nhất, thường thấy nhất, bình thường nhất, đã gặp đến hàng nghìn triệu lần, mối quan hệ của xã hội tư sản (xã hội hàng hóa): sự trao đổi hàng hóa. Sự phân tích phát hiện trong cái hiện tượng đơn giản ấy (trong cái « tế bào » ấy của xã hội tư sản) tất cả những mâu thuẫn (và mầm mống của tất cả mọi mâu thuẫn) của xã hội hiện đại. Sau đó sự trình bày của Mác vạch cho chúng ta thấy sự phát triển ( sự lớn lên  sự vận động) của các mâu thuẫn ấy và của cải xã hội ấy trong tổng số của các bộ phận của nó, từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc của xã hội đó."

Sau khi nói như trên, Lê-nin lại nói tiếp: « Phương pháp trình bày (và nghiên cứu)... phép biện chứng nói chung, phải là như vậy ).[6]

Người cộng sản Trung-quốc cần phải học tập phương pháp ấy mới phân tích đúng được lịch sử và hiện tình của cách mạng Trung-quốc và suy đoán được tương lai của cách mạng.

 




[1] F. Ăng-ghen: Chống Đuy-rinh, Nhà xuất bản Sự thật, Hà nội, 1960, tr. 204.

[2] V. Lê-nin; Bút ký triết học, Nhà xuất bản Sự thật, Hà nội, 1963, tr. 382.

[3] Xem thêm F. Ăng-ghen: Chống Đuy-rinh, phần thứ nhất, tiết 12, Phép biện chứng. Lượng và chất.

[4] Lênin: Bút ký triết học, Nhà xuất bản Sự thật, Hà nội, 1963, tr. 381.

[5] Bu-kha-rin (1888 – 1938) nguyên là một người đứng đầu phái chống chủ nghĩa Lê-nin trong phong trào cách mạng Nga; về sau do tham gia nhóm phản quốc mà bị khai trừ ra khỏi Đảng năm 1937 và bị Tòa án tối cao Liên-xô kết án xử tử năm 1938. Ở đây, đồng chí Mao Trạch đông phê phán Bu-kha-rin đã bám lấy một ý kiến sai lầm lâu dài là : che đậy đấu tranh giai cấp, thay thế cho đấu tranh giai cấp bằng sự hợp tác giai cấp. Trong thời gian từ năm 1928 đến 1929, ở Liên-xô đã chuẩn bị mọi mặt để thực hành tập thể hóa nông nghiệp, thì Bu-kha-rin đã đưa ra những ý kiến sai lầm đó một cách lộ liễu hơn, ra sức che đậy những mâu thuẫn về giai cấp giữa phú nông với bần nông, trung nông, chống lại cuộc đấu tranh kiên quyết với phú nông, và hoang đường cho rằng giai cấp công nhân có thể thành lập khối liên minh với phú nông, phú nông có thể “hòa bình đi vào chủ nghĩa xã hội".

[6] V. Lê-nin : Bút ký triết học. Nhà xuất bản Sự thật, Hà nội, 1963, tr. 383.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt