Triết học nghệ thuật

Bản chất của chân lý

 

BẢN CHẤT CỦA CHÂN LÝ

BÙI VĂN NAM SƠN


Bài viết này là chương 7 với nhan đề “Bản chất của chân lý” trong bản Chú giải Dẫn nhập của Bùi Văn Nam Sơn về tác phẩm Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (Der Ursprung des Kunstwerkes, 1935) của triết gia Martin Heidegger. Sách chưa được xuất bản. Phiên bản điện tử bài viết này đăng trên http://www.triethoc.edu.vn đã được tác giả cho phép.


 

MỤC LỤC

1. Từ luận điểm của Hegel về "sự cáo chung" của nghệ thuật

2. "Nguồn gốc là gì?

3. Tác phẩm nghệ thuật và vật

4. Tồn tại của vật dụng

5. Sự tự tồn của tác phẩm nghệ thuật

6. "Cõi sống" và "đất"

7. Bản chất của chân lý

8. Chân lý và nghệ thuật

9. Sáng tạo và bảo tồn

10. Nghệ thuật là thi ca

11. Lời kết

Ở phần trước, Heidegger cho thấy chân lý “xảy ra” hay “diễn ra” trong tác phẩm, và nghệ thuật là chân lý tự thiết định chính mình thành tác phẩm. Rồi sau đó, ta biết rằng có sự “xảy ra” cuộc tranh chấp giữa Cõi sống và Đất trong tồn-tại-như-là-tác-phẩm của tác phẩm. Câu hỏi là: cuộc tranh chấp giữa Cõi sống và Đất thuộc về việc “xảy ra” của chân lý ở trong tác phẩm như thế nào? Heidegger chỉ mới tạm thời khẳng định rằng chân lý tự thiết định chính mình trong tác phẩm, nhưng chưa nói rõ chân lý xảy ra trong tồn-tại-như-là-tác-phẩm ra sao, và, kỳ cùng, chân lý là gì?

 

7.1. Thế nào là: “Ở trong chân lý” (§§89-92)

 

Ta cần đọc kỹ tiểu đoạn §90 để tìm hiểu quan niệm của Heidegger về chân lý:

 

“Ở trong chân lý” có nghĩa là gì? Chân lý là bản chất của cái đúng thật. Ta nghĩ đến điều gì khi ta nói về “bản chất”? Thông thường, ta nghĩ rằng bản chất là có chung cho mọi cái đúng thật. Bản chất được phát hiện ở trong những khái niệm về loài hay khái niệm phổ biến, tức khái niệm hình dung cái Một có giá trị ngang bằng cho cái Nhiều. Nhưng, cái bản chất dửng dưng, có giá trị-ngang nhau này (tính bản chất theo nghĩa của chữ latinh essentia) chỉ là cái bản chất không-bản chất. Vậy, cái bản chất thực sự có tính bản chất nằm ở đâu? Có lẽ nó nằm ở chỗ cái tồn tại hiện diện ở trong chân lý. Bản chất đúng thật của một sự việc được xác định từ sự Tồn tại đúng thật của nó, từ chân lý của mỗi cái tồn tại. Chỉ có điều: bây giờ ta đâu có đi tìm chân lý của bản chất mà đi tìm bản chất của chân lý. Quả là một sự rối rắm! Đó chỉ là một sự hiếu kỳ hay thậm chí chỉ là một trò chơi tinh tế vô bổ của chữ nghĩa hay – thực sự là một vực thẳm?” (§90).

 

-    “Chân lý” (Wahrheit/truth) có nghĩa là “bản chất” (Wesen/essence) của cái gì là đúng thật (wahr/true), chẳng hạn cái đẹp là bản chất của những gì là đẹp. Theo đó, ta có thể nhìn vào mọi sự vật được xem là “đúng thật”, rồi rút ra từ đó việc hiểu của ta về bản chất của chân lý. Thế nhưng, Heidegger gọi cách hiểu này chỉ thu hoạch được cái “bản chất không bản chất”, để phân biệt với cái “bản chất có tính bản chất”. Chính cái “bản chất có tính bản chất” này mới được Heidegger gắn liền với việc “cái tồn tại là ở trong chân lý” (ist in der Wahrheit/is in truth).

 

-    Vậy, “tồn tại ở trong chân lý” cần được hiểu như thế nào? Heidegger đề nghị hãy sử dụng sự hướng dẫn của từ Hy Lạp cổ: aletheia. Tuy nhiên, Heidegger lập tức đặt câu hỏi: “Chân lý có nghĩa là bản chất của cái đúng thật. Ta nghĩ đến “bản chất” này khi nhớ lại chữ Hy Lạp aletheia: sự không-che giấu của cái tồn tại. Nhưng liệu đó có đủ để định nghĩa bản chất của chân lý?” (§91).

 

Nói khác đi, cần tự hỏi: từ aletheia hay “không che giấu” (Unverborgenheit/unconcealedness) có nội hàm gì? Phải chăng aletheia chỉ có nghĩa rằng cái gì đó bộc lộ ra, đi vào trong sự mở ngỏ, dưới ánh sáng của ý thức, tức, tự bộc lộ ra cho con người chúng ta mà thôi? Hay từ này còn đòi hỏi nhiều hơn thế: chính sự vật hay cái tồn tại tự bộc lộ ra đúng như chúng “ở trong chân lý”? Vậy, lại phải quay trở lại với câu hỏi: “chân lý” cần được hiểu như thế nào?

 

-    Heidegger cho rằng việc đơn thuần quay trở lại với từ Hy Lạp aletheia chưa đủ giúp ta thật sự tiếp cận câu hỏi về chân lý. Bởi, như Heidegger nhận định, ngay bản thân triết học Hy Lạp cũng không suy tưởng về chân lý như là sự không-che giấu. Trong “Học thuyết của Platon về Chân lý”*, Heidegger đã cho thấy Platon không nhận thức như thế. Ngay từ lúc khởi nguyên, tư tưởng Hy Lạp đã hiểu chân lý như là sự trùng hợp (xem: 7.2). Nếu hiểu sự không-che giấu một cách phiến diện, nó sẽ chỉ cho thấy “chân lý”, vậy cái sai lầm ở đâu, như là cái đối lập với chân lý? Trong khi đó, hiểu một cách đầy đủ, sự không-che giấu ắt phải là điều kiện tiên quyết cho cả hai: chân lý và sai lầm. Cách hiểu phiến diện về aletheia chỉ mới là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ của chân lý.

 

7.2. Chân lý như là sự không-che giấu (§§93-96)

 

-    Theo truyền thống, chân lý được hiểu như là sự trùng hợp hay sự đúng đắn giữa nhận thức với thực tại.

 

Sự “trùng hợp” hay “nhất trí” (Übereinstimmung/correspondence) ở đây có nhiều nghĩa:

 

-    nghĩa thần học: vật thụ tạo tất yếu phải trùng hợp hay nhất trí với ý niệm đã được nhận thức từ trước trong tâm trí của Thượng đế, và vì thế, vật thụ tạo chỉ có thể là đúng thật. Chân lý của những cái tồn tại, được hiểu như adaequatio rei (creandae) ad intellectum (divinum) (“sự trùng hợp giữa vật (thụ tạo) với trí tuệ (thần linh)) đảm bảo cho chân lý được hiểu như adaequatio intellectus (humani) ad rem (creatam) (“sự trùng hợp giữa trí tuệ (của con người) với vật (thụ tạo)”) (xem GA9, 178-182). Ở đây, thước đo được ban cho trí tuệ con người chính là trật tự của vũ trụ được Thượng đế sáng tạo.

 

Đây cũng chính là “chân lý của bản chất”, tức “vực thẳm” phân cách trí tuệ sáng tạo vô hạn của Thượng đế với trí tuệ hữu hạn của con người (§90).

 

-    Với Nietzsche, trong “Về Chân lý và Dối lừa”, không có một nhịp cầu nào nối liền “vực thẳm” ấy, vì thế, theo nghĩa mạnh mẽ, chân lý không dành cho con người nhận thức hữu hạn như chúng ta

 

-    Theo một nghĩa nào đó, Kant cũng thế: nếu ta hiểu chân lý như là sự trùng hợp giữa phán đoán của ta và vật-tự thân - hiểu như noumena (= chân lý của sự vật), thì cũng không thể có chân lý đúng nghĩa cho ta. Nhưng Kant lại không đi đến kết luận như Nietzsche, bởi theo Kant, vẫn có thể có một sự biện minh siêu nghiệm về việc con người theo đuổi chân lý để đạt được tính khách quan. Ở đây, cách hiểu về chân lý có nét gần gũi với truyền thống của Thomas Aquino. Theo đó, sự vật, trong chân lý của nó, là phương thức được Thượng đế nhận thức. Đối với trí tuệ của Thượng đế, tất cả điều trong suốt. Thượng đế là đấng toàn tri (người nhận thức lý tưởng). Ý tưởng cho rằng mọi sự vật (ens)đúng thật (verum), bởi chúng mở ra trước trí tuệ thần linh dường như được Kant giữ lại khi ông nhấn mạnh đến chủ thể siêu nghiệm đối tượng siêu nghiệm. Chúng cung cấp cho con người ý niệm điều hành (regulative Idee) hiểu như hình dung về một “người nhận thức lý tưởng” không bị xuyên tạc bởi những viễn tượng chủ quan (như trong Nietzsche).

 

-    Như sẽ thấy, Heidegger không cầu viện đến Thượng đế như Descartes, không hoàn toàn đồng ý với Nietzsche, và sẽ đặt cược vào bản thân Tồn tại (Sein/Being) như là sự nhị bội: che giấu/không-che giấu.

 

Vậy, tại sao ta cần phải hiểu chân lý như là sự không-che giấu: “Thế nhưng, tại sao ta lại không chịu vừa lòng với bản chất của chân lý mà ta đã quen thuộc hàng bao thế kỷ? Ngày nay cũng như đã từ lâu, chân lý có nghĩa là sự trùng hợp giữa nhận thức và sự vật. Tuy nhiên, để cho nhận thức và mệnh đề định hình, và phát biểu về nhận thức ấy có thể trùng hợp với sự vật, để cho bản thân sự vật “có thể trở nên gắn bó với mệnh đề thì bản thân sự vật phải tự biểu lộ ra như là bản thân sự vật đã…” (§93).

 

Ta có thể gọi sự khai mở của sự vật đúng như là bản thân chúng là chân lý của sự vật. Câu hỏi vẫn còn là: làm thế nào để hiểu được “chân lý này của sự vật”? Như đã thấy, việc hiểu chân lý như là “sự trùng hợp hay nhất trí giữa nhận thức và sự kiện” (theo cách hiểu truyền thống) tiền giả định “chân lý của sự vật”:

 

“… làm sao bản thân sự vật tự biểu lộ ra được, nếu bản thân nó không thể đi ra khỏi sự bị che giấu, nếu bản thân nó không đứng bên trong cái không-che giấu? Mệnh đề phát biểu là đúng thật, khi nó hướng đến cái không-che giấu, nghĩa là, hướng đến cái đúng thật. Chân lý của mệnh đề bao giờ cũng chỉ là “sự đúng đắn” này. Các khái niệm phê phán về chân lý - xuất phát từ quan niệm về chân lý như là sự xác tín kể từ Descartes - đều chỉ là những biến thể của việc xác định chân lý như là sự đúng đắn. Cái bản chất của chân lý vốn quen thuộc với ta này - tức sự đúng đắn của việc hình dung - đứng vững và sụp đổ cùng với chân lý xét như là sự không-che giấu của cái tồn tại” (§93).

 

Nói khác đi, cái làm cho mệnh đề là “đúng đắn” thì cũng phải tự tiết lộ chính mình trước đó “đúng như chính mình”, nếu mệnh đề ấy muốn xứng đáng được gọi là đúng thật.

 

“Nếu ở đây cũng như ở chỗ khác, ta hiểu chân lý như là sự không-che giấu, ta không chỉ đơn thuần viện đến một sự phiên dịch sát sao hơn về một từ Hy Lạp [aletheia]. Ta cũng suy nghĩ tới những gì tuy không được trải nghiệm và không được suy tưởng nhưng lại làm nền móng cho cái bản chất quen thuộc – và do đó, sáo mòn – về chân lý theo nghĩa là “sự đúng đắn”. Ta thường yên tâm thú nhận rằng: lẽ tất nhiên, để hiểu và kiểm chứng sự đúng đắn (chân lý) của một mệnh đề, ta phải trở về lại với cái gì đã khai mở. Trong thực tế, điều kiện tiên quyết này là không thể tránh khỏi được. Bao lâu ta nói và tin như thế, ta vẫn chỉ luôn hiểu chân lý như là sự đúng đắn mà thôi. Sự đúng đắn ấy đòi hỏi phải có một điều kiện tiên quyết như ta vừa làm, nhưng trời mới biết phải làm như thế nào và tại sao” (§94).

 

-    Dĩ nhiên, để kiểm chứng một mệnh đề, ta phải đặt nó trên cơ sở cái gì đã hiển nhiên. Descartes gọi đó là những gì được mang lại cho ta một cách rõ ràng và phân minh (clair et distinc/clearly and distinctly). Nhưng rồi chính Descartes cũng phải tự hỏi: những gì rõ ràng và phân minh ấy có đủ để thiết lập nên chân lý cho các mệnh đề của ta? Ông phải cầu viện đến Thượng đế để đảm bảo cho chân lý. Như ta thấy, Heidegger không cầu viện đến Thượng đế, mà cầu viện đến sự không-che giấu của những cái tồn tại, tức, đến Tồn tại.

 

“Nhưng, thật ra không phải ta là kẻ tiền-giả định sự không-che giấu của cái tồn tại, mà chính sự không-che dấu của cái tồn tại (= Tồn tại) đặt ta vào hoàn cảnh sống của một thực thể mà mỗi khi hình dung, ta luôn đặt mình ở bên trong sự không-che dấu và chờ đợi nó. Không chỉ cái mà nhận thức hướng tới để trùng hợp với nó mới phải không bị che giấu bằng một cách nào đó. Trái lại, cả toàn bộ lĩnh vực trong đó việc “trùng hợp với cái gì đó” vận động, xét như một cái toàn bộ, cũng phải diễn ra một cách không bị che giấu. Điều này cũng đúng cả cho cái mà một sự trùng hợp của mệnh đề với sự vật trở nên rõ ràng (§95).

 

-    Sự không-che giấu của những cái tồn tại (= Tồn tại) - còn gọi là Ereignis - diễn ra nơi con người. Con người - trong sự tồn tại của mình - mở ngỏ với những cái tồn tại. Sự mở ngỏ ấy là tiền đề cho khả thể nhận thức được những tồn tại cá biệt. Trong khi chân lý của một số mệnh đề tiền giả định rằng cái gì đó đã được nhận thức hay được trình hiện một cách nào đó cho ta (tức cái gì đó bị che giấu trở nên không bị che giấu), thì sự trình hiện ấy tiền giả định ngay từ đầu “một lĩnh vực” hay “một vùng” (Bereich/realm) (§95) cùng với những sự vật có chỗ đứng và tự thể hiện trong đó như những diễn viên trên một sân khấu:

 

“Với tất cả mọi biểu tượng đúng đắn của mình, ta cũng không thể đi đến đâu cả, thậm chí ta cũng không thể tiền-giả định rằng phải có một cái gì không-che giấu để ta cố gắng trùng hợp với nó, nếu bản thân sự không-che giấu của cái tồn tại đã không đặt ta vào cái lĩnh vực đã được khai quang ấy, một lĩnh vực được khai quang mà mọi cái tồn tại đều đứng vào trong đó cho ta và chúng cũng từ đó rút lui” (§95).

 

-    Ta gặp một khái niệm mang tính ẩn dụ sâu sắc và mới mẻ của Heidegger: sự khai quang (Lichtung/clearing)lĩnh vực hay vùng được khai quang (jenes Gelichtete/a lighted realm) (§95).  Về sau, trong Zur Sache des Denkens/Về Trách vụ của Suy tư/On Time and Being (1962-64) (GA 14, 80-90), Heidegger xác định rằng khai quang (Lichtung) là những gì ông “nghe ra” từ chữ “aletheia” của Hy Lạp.

 

-    Từ Lichtung (“Khai quang”) trong tiếng Đức nguyên nghĩa là “khai quang” một khu vực trong rừng để đốn hạ cây cối. Heidegger đưa luận văn NGTPNT vào tập Holzwege/Những con đường rừng/“Wood paths”, theo nghĩa những con đường để đưa cây cối bị đốn hạ ra khỏi rừng. Vì thế, con đường rừng kết thúc ở chỗ khai quang. Con đường ấy không dẫn đến đâu cả. Đi trên đường rừng có nghĩa là bị lạc đường. Chính vì bị lạc đường, nên ta ở ngay trong vùng khai quang.

 

- “Khai quang” ở đây ngụ ý điều gì? Đối với một mệnh đề được gọi là đúng, một đối tượng phải được trình hiện cho một chủ thể nhìn nhận chân lý của mệnh đề ấy. Nói cách khác, đối tượng phải đi vào trong không gian khái niệm hay trong khuôn khổ phạm trù nào đó. “Không gian” ở đây chính là vạch ngang giữa chủ thể/chủ ngữ với đối tượng/vị ngữ: S - O. Vạch ngang hay không gian này vừa phân ly vừa kết nối cả hai lại với nhau. Ta nhớ đến ẩn dụ của Platon: hiểu giống như nhìn sự vật. Khi nhìn, đối tượng được nhìn giữ một khoảng cách với con mắt đang nhìn. Chỉ khoảng cách này mới cho phép cái được nhìn tự trình hiện ra. Ta cần ánh sáng mặt trời để soi sáng những gì ta nhìn. Như thế, ẩn dụ về sự khai quang - nối kết khoảng cách và ánh sáng - chính là nền tảng của triết học cổ truyền. Và bây giờ, nó cũng là điều kiện tiên quyết cho mọi phát biểu về chân lý và sai lầm.

 

7.3.    “Bản chất của Chân lý là Vô-chân lý (§§97-104)

 

-    Chân lý như là sự trùng hợp tiền-giả định sự không-che giấu. Rồi sự không-che giấu tiền-giả định sự khai quang. Bây giờ, cần hiểu sâu hơn về sự không-che giấu như là nơi chân lý “xảy ra” như thế nào?

 

“Người cũng như vật đều tồn tại. Quà tặng, sự hy sinh, thú vật, cây cối đều tồn tại. Vật dụng và tác phẩm cũng đều tồn tại. Mọi cái tồn tại đặc thù đều đứng bên trong sự Tồn tại. Thông qua sự Tồn tại, một tấm màn định mệnh buông xuống giữa cái thần linh và cái phản-thần linh. Có bao điều nơi cái tồn tại mà con người không thể khống chế. Quá ít điều được biết về cái tồn tại. Còn cái biết được thì vẫn không chính xác, cái khống chế được thì không vững chắc. Những gì tồn tại thì không bao giờ là do ta làm ra hay thậm chí chỉ là sản phẩm của đầu óc ta, như mới thoạt nhìn. Nếu ta nghĩ về cái toàn bộ này như một toàn khối, thì có vẻ như ta nắm bắt được tất cả những gì đang tồn tại, cho dù chỉ nắm bắt một cách thô thiển” (§97).

 

Ở trong Tồn tại đồng nghĩa với ở trong sự khai quang:

 

“Và tuy thế: vượt ra khỏi cái tồn tại nhưng không phải thoát ly nó mà đi trước nó, còn xảy ra một cái gì khác nữa. Ngay trong lòng cái tồn tại, xét như cái toàn bộ, hiện diện một khoảng trống. Đó là một sự khai quang. Suy tưởng từ cái tồn tại, sự khai quang này còn mang tính chất tồn tại hơn cả cái đang tồn tại. Vì thế, cái trung tâm trống trải và mở ngỏ này không bị bao bọc bởi cái tồn tại, mà đúng hơn, chính bản thân cái trung tâm đang làm công việc khai quang này mới bao bọc tất cả mọi cái tồn tại, không khác gì cái hư vô mà ta chẳng biết bao nhiêu về nó” (§98).

 

Như thế, ta có thể so sánh sự khai quang ở đây với những gì Kant gọi là điều kiện siêu nghiệm [= điều kiện khả thể] của sự trình hiện những đối tượng của kinh nghiệm:

 

“Cái tồn tại chỉ có thể là cái tồn tại, khi nó đứng vào bên trong và đứng ra bên ngoài chỗ được khai quang của sự khai quang này. Chỉ có sự khai quang này mới ban tặng và đảm bảo cho chúng ta một lối vào cái tồn tại không phải là bản thân ta. Nhờ sự khai quang này, cái tồn tại mới không bị che giấu theo nhiều mức độ nhất định và luôn thay đổi” (§99).

 

Nói chính xác hơn, sự khai quang là điều kiện siêu nghiệm vừa cho cả sự ý thức của ta về sự vật, vừa cho cả sự tự-ý thức của ta. Tuy nhiên, khác với trí tuệ thần linh, kinh nghiệm của ta về sự vật không bao giờ là hoàn toàn trong suốt đối với ta. Theo đó, sự khai quang đồng thời không thể tránh khỏi sự che giấu:

 

“Song, ngay cả việc bị che giấu thì một cái tồn tại cũng chỉ có thể bị che giấu ở bên trong không gian của cái gì được khai quang. Bất kỳ cái tồn tại nào mà ta gặp gỡ hay gặp gỡ ta đều mang theo mình một sự đối lập kỳ lạ của sự hiện diện ở chỗ luôn cùng lúc rút lui vào trong một sự bị che giấu. Sự khai quang - trong đó cái tồn tại đứng vào - thì tự nó cũng đồng thời là sự che giấu. Tuy nhiên, sự che giấu cũng ngự trị ngay trong lòng cái tồn tại bằng một cách nhị bội [= bằng hai cách khác nhau]” (§99).

 

-    Heidegger phân biệt hai cách che giấu:

 

“Cái tồn tại từ khước không cho ta làm điều dễ dàng nhất và có vẻ ít ỏi nhất là chỉ nhìn thấy nơi nó một đặc điểm duy nhất và tối hậu khi ta không thể nói gì nhiều hơn về nó ngoài việc nó tồn tại. Sự che giấu - hiểu như là sự từ khước - không đơn giản và không chỉ là sự giới hạn của nhận thức trong một hoàn cảnh nhất định, mà còn là sự khởi đầu sự khai quang của cái được khai quang. Nhưng sự che giấu - suy tưởng theo cách khác - cũng đồng thời diễn ra bên trong lòng cái được khai quang. Một cái tồn tại này tự đặt mình trước một cái tồn tại khác, cái này giúp cái kia ẩn mình, đồng thời làm lu mờ cái kia, một số cái này ngăn cản nhiều cái khác, thậm chí một cái riêng lẻ phủ nhận tất cả mọi cái khác. Ở đây, sự che giấu không phải là một sự từ khước đơn thuần, trái lại: cái tồn tại tuy xuất hiện ra, nhưng nó lại trình hiện như cái gì khác với nó” (§100).

 

Ở đây, “từ khước” (sich versagen/refusal) là đặc điểm của thực tại. Theo đó, những gì đáng gọi là “thực tồn” hay “đúng thật” không bao giờ xuất hiện ra cho ta một cách trong suốt, không bao giờ trở nên “rõ ràng và phân minh” theo cách nói của Descartes. Thử so sánh một định nghĩa của hình học về vòng tròn với việc ta hiểu về một cái cây. Theo một nghĩa nào đó, khi ta định nghĩa vòng tròn như một đường tròn có khoảng cách đều một điểm cho trước bằng một khoảng cách cho trước v.v.., hầu như ta không bỏ sót điều gì. Không có gì “từ khước” ta cả! Nhưng, với nghĩa ấy, ta không bao giờ hiểu được trọn vẹn một cái cây. Ở đây, “từ khước” cũng có nghĩa tương tự như khi ta bàn về “Đất”, vốn “luôn kháng cự lại mọi nỗ lực muốn thâm nhập vào bên trong nó”.

 

-    Cách che giấu thứ hai thì dễ hiểu hơn, khi sự vật này che khuất sự vật kia. Động từ tiếng Đức ở đây là verstellen (Hofstadter đề nghị dịch sang tiếng Anh là “dissembling”, hiểu như trò chơi tráo chỗ. “Verstellen” là thiết yếu trong việc diễn giải, thấu hiểu gắn liền với việc hiểu dựa trên ngôn ngữ. Ta áp dụng những danh hiệu, những nhãn hiệu vào cho sự vật vốn không bao giờ là hoàn toàn thích đáng và trọn vẹn đối với tính đặc thù của nó. Trong mọi trường hợp, hầu như phải nói rằng từ ngữ vừa che giấu trong khi vừa vén mở thực tại. Heidegger sử dụng cách nói mạnh mẽ để nhấn mạnh điều này: “Chân lý, trong bản chất của nó, là sự không-chân lý”:

 

“Trong vòng gần gũi của những cái tồn tại, ta tin rằng mình đang sống trong nhà của chính mình. Cái tồn tại là quen thuộc, đáng tin cậy, bình thường. Thế nhưng, qua sự khai quang, một sự che giấu thường trực diễn ra trong hình thức nhị bội của sự từ khước và tráo chỗ. Cái bình thường thực ra không phải bình thường, mà là cái dị thường. Bản chất của chân lý, tức, của sự không-che giấu được cai quản xuyên suốt bởi một sự từ khước. Tuy nhiên, sự từ khước này không phải là một khiếm khuyết và sai lầm, cho dù chân lý là sự không-che giấu thuần khiết, đã dẹp bỏ được tất cả những gì che giấu. Nếu chân lý mà là như thế, ắt nó không còn là chính nó nữa! Sự từ khước này – trong hình thức của sự che giấu nhị bội – là thuộc về bản chất của chân lý xét như là sự không-che giấu. Chân lý, trong bản chất của nó, là sự không-chân lý. Nói một cách mạnh mẽ và có vẻ lạ lùng như thế là để muốn cho thấy rằng sự từ khước – trong cách thức của việc che giấu – là thuộc về sự không-che giấu xét như sự khai quang. Tuy nhiên, câu nói: “bản chất của chân lý là không-chân lý” tuyệt nhiên không hề muốn nói rằng chân lý, một cách rốt ráo, là sự sai lầm. Nó cũng không hề muốn nói rằng chân lý không bao giờ là chính bản thân nó mà luôn là cái đối lập của nó, nhìn theo kiểu biện chứng” (§103).

 

Ta lưu ý đến hai câu cuối cùng của §103. Ở đây, Heidegger vừa giữ khoảng cách với Nietzsche: “… không hề muốn nói rằng, chân lý, một cách rốt ráo, là sự sai lầm”, vừa giữ khoảng cách với Hegel: “… cũng không hề muốn nói rằng chân lý không bao giờ là chính bản thân nó mà luôn là cái đối lập của nó, nhìn theo kiểu biện chứng”. Trái lại, Heidegger hiểu chân lý là “sự đối lập của việc tranh chấp nguyên thủy” (Urtreit/the primordial struggle) (theo nghĩa polemos của Heraclitus) “giữa sự khai quang và sự che giấu”:

 

“Trong bản thân nó, bản chất của chân lý là cuộc tranh chấp nguyên thủy này, trong đó cái trung tâm mở ngỏ nói trước đây giành được thắng lợi, để là nơi cái tồn tại vào đứng ở trong đó và cũng là nơi từ đó cái tồn tại thu lại vào trong chính mình” (§104).

 

7.4.    Nghệ thuật như là một phương cách để “Chân lý xảy ra” (§§105-112)

 

Heidegger liên hệ sự tương tác giữa che giấu/không che giấu hay không chân lý/chân lý với điều ta vừa bàn trước đây như là sự “tranh chấp” giữa Đất và Cõi sống (xem lại: Chú giải dẫn nhập 6):

 

“Cái [trung tâm] mở ngỏ này xảy ra ngay trong lòng cái tồn tại. Nó thể hiện một đặc điểm cơ bản mà ta đã nêu: thuộc về cái trung tâm mở ngỏ này là một Cõi sống và Đất. Nhưng, Cõi sống không đơn giản là cái mở ngỏ, tương ứng với sự khai quang, cũng như Đất không phải là cái khép kín, tương ứng với sự che giấu. Đúng hơn phải nói rằng: Cõi sống là sự khai quang những con đường định hướng để đi đến mọi sự quyết định, bởi mọi sự quyết định đều dựa trên một cái gì không làm chủ được, một cái gì bị che giấu, lầm lạc, nếu không, đã không phải là một sự quyết định. Còn Đất cũng không đơn giản là cái khép kín, mà đúng hơn, là cái gì vươn tới việc tự-khép kín. Cõi sống và Đất, mỗi cái trong bản chất của mình, đều có tính tranh chấp và sẵn sàng tranh chấp. Chỉ với tư cách ấy, cả hai mới đi vào trong cuộc tranh chấp giữa sự khai quang và sự che giấu” (§105).

 

-    Heidegger mô tả mối quan hệ giữa Cõi sống và Đất như là một trận chiến. Mặt khác, mối quan hệ giữa chân lý và không chân lý cũng mang đặc điểm là một cuộc tranh chấp. Do Cõi sống được gọi là cái mở ngỏ và Đất là cái gì tự thoái ẩn, ta dễ có xu hướng đồng nhất hóa chân lý/sự khai mở với Cõi sống và sự che giấu/hay không chân lý với Đất. Heidegger phủ nhận sự đồng nhất hóa ấy và cho rằng “trong sự khai quang, Cõi sống lẫn Đất đều được khai mở” (§105). Thật thế, theo Heidegger, Cõi sống không đơn giản là sự mở ngỏ tương ứng với sự khai quang, còn Đất không đơn giản là cái khép kín tương ứng với sự che giấu. Như đã thấy, Cõi sống, đúng hơn, là sự khai quang những con đường cho những định hướng thiết yếu mà mọi quyết định của con người phải tương thích. Nhưng mặt khác, bất kỳ quyết định nào như thế đều dựa trên một cái gì không được làm chủ hoàn toàn, tức cái gì bị che giấu hay còn tối tăm. Nếu không như thế, ắt không phải là một quyết định đích thực.

 

-    Vì thế, Heidegger nói thêm: “Đất trồi lên Cõi sống, và Cõi sống đặt mình trên Đất chỉ khi chân lý xảy ra như là cuộc tranh chấp nguyên thủy giữa sự khai quang và sự che giấu” (§106). “Đặt mình trên” và “trồi lên” không được hiểu như sự cưỡng bách cho bằng một quà tặng. Chính quà tặng này - sự tranh chấp giữa Cõi sống và Đất - cấu tạo nên sự tự do của con người, mà nếu không có nó, sẽ không có sự quyết định đích thực. Nơi đâu có sự quyết định, chân lý xảy ra theo nghĩa của Heidegger.

 

-    Chân lý sẽ xảy ra bằng một số thể cách cơ bản. Một trong số ấy là cách thức chân lý xảy ra trong tồn tại-như-là-tác-phẩm của tác phẩm nghệ thuật. Khi dựng lên một Cõi sống và chế tạo ra Đất, bản thân tác phẩm “lâm trận”, trong đó sự không che giấu của những cái tồn tại, được nắm lấy như một cái toàn bộ (a-letheia = chân lý) giữ phần thắng.

 

-    Như thế, “chân lý diễn ra trong việc ngôi đền đứng đó” (§107), không theo nghĩa cái gì đó được thể hiện một cách đúng đắn (correctly), trái lại, là cái gì - “được nắm lấy như là cái toàn bộ” - được đưa vào trong sự không che giấu và được giữ yên ở đó. Động từ “giữ yên” trong tiếng Đức là “halten” (to hold) có nghĩa nguyên thủy là hüten: old) )= chân lý)chở che, chăm sóc. Cũng thế, chân lý diễn ra trong bức tranh của Van Gogh, và cũng không có nghĩa là cái gì đó được mô tả một cách đúng đắn, trái lại, trong sự vén mở Tồn tại-như-là-vật-dụng của đôi giày - xét như cái toàn bộ, tức xét như Cõi sống và Đất được nắm bắt trong sự tương tác của chúng - đi đến chỗ không bị che giấu (§107).

 

-    Tóm lại, trong tác phẩm nghệ thuật, bản thân chân lý là “cái tác” trong tác phẩm (am Werk/at work), chứ không chỉ là cái gì đúng thật. Những gì ngôi đền ở Paestum, bức tranh của Van Gogh, bài thơ của Meyer về đài phun nước La Mã thể hiện không phải là thực thể hay cái tồn tại bị cô lập. Những gì tác phẩm thể hiện chính là sự không che giấu của cái tồn tại nói chung, xét như cái toàn bộ: “Đôi giày càng giản dị và đích thực bao nhiêu, đài phun nước càng ít màu mè bao nhiêu trong bản chất của nó, thì các cái tồn tại ấy càng đạt tới cấp độ tồn tại lớn hơn một cách trực tiếp và thâm thúy bấy nhiêu. Sự tồn tại tự-che giấu được khai quang như thế đó. Luồng ánh sáng như thế gắn liền sự rọi sáng của nó với tác phẩm và vào cho tác phẩm. Sự rọi sáng gắn liền với tác phẩm và vào cho tác phẩm ấy chính là cái Đẹp. Vẻ đẹp là một thể điệu để chân lý hiện diện như là sự không che giấu” (§108). Chữ “hiện diện” hay “diễn ra” (west/occur) cũng có nghĩa là rọi sáng (scheinen/shine) trong từ Hy Lạp ekphanestaton trong truyền thống từ Platon đến Hegel.

 

-    Dù nhắc đến ngôi đền, bức tranh, bài thơ, toàn bộ cuộc trao đổi của ta dường như đã bỏ qua điều cốt yếu, đó là xét tác phẩm nghệ thuật như là một vật đặc thù, và, cụ thể hơn, như là một vật vốn là sản phẩm của sự sáng tạo của con người:

 

“Bây giờ, bản chất của chân lý quả đã được nắm bắt rõ hơn ở một vài khía cạnh. Theo đó, đã rõ hơn cái gì “tác” ở trong tác phẩm. Chỉ có điều: sự tồn-tại-như-là-tác-phẩm của tác phẩm bây giờ đã lộ diện vẫn chưa nói cho ta biết chút gì về hiện thực gần gũi nhất và dễ nhận thấy nhất của tác phẩm, đó là về tính cách vật nơi tác phẩm. Thậm chí dường như khi theo đuổi ý đồ duy nhất là nắm bắt sự tự tồn của bản thân tác phẩm càng thuần túy càng hay, ta đã hoàn toàn bỏ qua một điều, đó là: một tác phẩm bao giờ cũng là một tác phẩm, nghĩa là, bao giờ cũng là một cái được tác tạo nên. Nếu có điều gì để phân biệt tác phẩm như là tác phẩm, thì đó là việc tác phẩm được sáng tạo ra”… (§109).

 

-    Vậy, ta cần đi từ chân lý trở lại với tác phẩm: “Chân lý là gì, khiến cho nó có thể xảy ra như là nghệ thuật, hay thậm chí phải xảy ra như thế? Trong chừng mực nào có nghệ thuật?” (§112).

 

Nói cách khác, để cho việc bảo rằng chính chân lý là “cái tác” ở trong tác phẩm (am Werk/at work) không chỉ là một khẳng quyết suông (§111), ta phải hỏi câu hỏi sau cùng và cơ bản hơn: trong bản chất của chân lý, phải chăng có một xu hướng hay động lực hướng đến, hay thậm chí, phải hướng đến sự sáng tạo tác phẩm nghệ thuật? (§112).

 



* M. Heidegger: “Platons Lehre von der Wahrheit”/Học thuyết của Platon về Chân lý, viết năm 1940, công bố năm 1942. Luận điểm chính: nói lên sự chuyển dịch và qua đó, sự mất mát của bước chuyển từ aletheia sang orthotes, tức từ Chân lý sang sự Đúng đắn (Richtigkeit/correchtness).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt