Triết học nghệ thuật

Nhận xét chung về sự trình bày phán đoán thẩm mỹ phản tư

QUYỂN II

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI CAO CẢ

 

NHẬN XÉT CHUNG VỀ

SỰ TRÌNH BÀY NHỮNG PHÁN ĐOÁN THẨM MỸ PHẢN TƯ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                       

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 180-197. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

Trong quan hệ với xúc cảm vui sướng, một đối tượng thuộc về một trong bốn loại sau đây: hoặc thuộc về cái dễ chịu, cái đẹp, cái cao cả hay cái tốt (tuyệt đối) (latinh: iucundum; pulchrum; sublime; honestum).

  • Cái dễ chịu, với tư cách là động lực của những ham muốn, đều thuộc cùng một loại như nhau, bất kể nó có nguồn gốc từ đâu và bất kể biểu tượng (của giác quan và của cảm giác, xét một cách khách quan) khác biệt nhau một cách đặc thù như thế nào. Do đó, khi đánh giá ảnh hưởng của nó lên tâm thức, yếu tố quan trọng duy nhất chỉ là số lượng của những kích thích, hấp dẫn (đồng thời và tiếp theo nhau) và khối lượng của cảm giác dễ chịu; và như vậy, cảm giác này chỉ cho ta hiểu được nó không bằng gì khác hơn là LƯỢNG (QUANTITÄT) của nó. Nó cũng không góp phần vào việc đào luyện văn hóa mà chỉ thuộc về sự hưởng thụ đơn thuần.
  • Cái đẹp, ngược lại, đòi hỏi sự hình dung về một CHẤT (QUALITÄT) nào đó của đối tượng; biểu tượng này cho phép ta hiểu và chuyển thành những khái niệm (mặc dù trong phán đoán thẩm mỹ, nó không được chuyển thành khái niệm). | Nó góp phần đào luyện văn hóa vì dạy ta phải biết đồng thời lưu ý tới tính hợp mục đích ở trong cảm xúc về sự vui sướng.
  • Cái cao cả chỉ đơn thuần ở trong sự TƯƠNG QUAN (RELATION) khi hình dung về Tự nhiên, trong đó cái cảm tính được đánh giá là thích dụng để phục vụ cho một sự sử dụng siêu-cảm tính khả hữu.
  • Cái tốt hay cái thiện-tuyệt đối – được phán đoán một cách chủ quan dựa theo xúc cảm do nó gây ra (đối tượng của xúc cảm) như là tính có thể được quy định của các năng lực của chủ thể thông qua sự hình dung về một quy luật có tính bắt buộc tuyệt đối – có đặc điểm phân biệt chủ yếu thông qua HÌNH THÁI (MODALITÄT) của một tính tất yếu dựa trên các khái niệm tiên nghiệm. | Tính tất yếu này không chỉ chứa đựng yêu sách đơn thuần mà cả điều răn hay mệnh lệnh (Gebot) buộc mọi người phải tán đồng; và tự bản thân, cái Tốt-tuyệt đối không thuộc về năng lực phán đoán thẩm mỹ mà thuộc về năng lực phán đoán thuần túy trí tuệ [của lý tính thuần túy thực hành], do đó, không phải là thuộc tính của phán đoán phản tư mà của phán đoán xác định, không phải là thuộc tính của Tự nhiên mà là của Tự do. Tuy nhiên, tính có thể bị quy định của chủ thể thông qua Ý niệm này, – tức của một chủ thể có thể cảm nhận những trở lực về phương diện cảm năng nhưng đồng thời cũng cảm nhận tính ưu việt của mình cao hơn hẳn những trở lực ấy như là sự biến thái tình trạng của mình; – nói khác đi, một tính có thể bị quy định với tư cách là xúc cảm luân lý vẫn gắn bó gần gũi với năng lực phán đoán thẩm mỹ và với những điều kiện mô thức của năng lực này trong chừng mực xúc cảm luân lý có thể được dùng để phục vụ cho sự hình dung thẩm mỹ về tính hợp quy luật của hành vi xuất phát từ nghĩa vụ, nghĩa là cho sự hình dung điều này như là cao cả hay thậm chí là đẹp mà vẫn không bị tổn hại đến tính thuần túy của mình; một kết quả không thể có được nếu ta làm cho xúc cảm luân lý này gắn liền một cách tự nhiên với xúc cảm về cái dễ chịu.

Kết quả rút ra từ sự trình bày cho đến nay về cả hai loại phán đoán thẩm mỹ [về cái đẹp và cái cao cả] có thể tóm tắt trong hai định nghĩa ngắn gọn sau đây:

  • ĐẸP là cái gì làm hài lòng ở trong sự phán đoán đơn thuần (do đó không nhờ vào cảm giác của giác quan dựa theo một khái niệm của giác tính). Từ đó suy ra ngay rằng cái đẹp phải làm hài lòng mà không đi liền với bất kỳ một sự quan tâm nào.
  • CAO CẢ là cái gì làm hài lòng một cách trực tiếp thông qua sự đề kháng của nó chống lại sự quan tâm của giác quan.

Cả hai, với tư cách là các định nghĩa về sự phán đoán thẩm mỹ có giá trị phổ biến, liên hệ đến các cơ sở [hay nguyên do] chủ quan. | Một bên liên hệ đến các cơ sở của cảm năng, trong chừng mực các cơ sở này nhắm vào việc phục vụ cho giác tính tĩnh quan (komtemplativ); còn bên kia, ngược lại, trong chừng mực các cơ sở đối lập lại với cảm năng, chúng nhằm vào việc phục vụ cho các mục đích của lý tính thực hành. Tuy nhiên, cả hai đều hợp nhất lại ở trong cùng một chủ thể nhằm mục đích phục vụ cho tình cảm luân lý. Cái đẹp chuẩn bị để ta yêu một cái gì, kể cả yêu Tự nhiên mà không có sự quan tâm nào; còn cái cao cả đánh giá cao một cái gì cho dù nó đối lập lại với [đối tượng của] sự quan tâm (cảm tính) của chúng ta.

Ta có thể diễn tả cái cao cả như sau: nó là một đối tượng (của Tự nhiên) mà biểu tượng về nó đặt tâm thức trước sứ mệnh phải xem việc nâng Tự nhiên lên khỏi tầm với của ta là tương đương với một sự diễn tả về những Ý niệm.

Theo nghĩa chặt chẽ và xét về mặt lôgíc, những Ý niệm là không thể diễn tả được. Nhưng, nếu ta mở rộng quan năng biểu tượng thường nghiệm của ta (một cách toán học hay năng động) trong việc trực quan về Tự nhiên, thì không tránh khỏi sự tham gia của lý tính – với tư cách là quan năng liên quan đến tính độc lập của cái Toàn thể tuyệt đối – khơi dậy nỗ lực của tâm thức, dù bất túc đến đâu, hãy làm cho biểu tượng của giác quan tương ứng với cái toàn thể này. Bản thân nỗ lực này và niềm xúc cảm về việc không thể nào đạt tới được Ý niệm bằng trí tưởng tượng là một sự diễn tả về tính hợp mục đích chủ quan của tâm thức ta trong việc sử dụng trí tưởng tượng phục vụ cho sứ mệnh siêu-cảm tính của tâm thức và buộc ta, một cách chủ quan, phải suy tưởng bản thân Tự nhiên trong tính toàn thể của nó như là sự diễn tả về cái gì siêu-cảm tính, mặc dù ta không thể nào thực hiện được sự diễn tả này một cách khách quan.

Bởi vì ta đã thấy rằng Tự nhiên, trong không gian và thời gian, hoàn toàn không có được cái vô-điều kiện, do đó, không có được độ lớn tuyệt đối mà lý tính bình thường nhất vẫn luôn đòi hỏi. Chính điều này cũng nhắc nhở ta rằng ta chỉ làm việc với một giới Tự nhiên xét như là hiện tượng và bản thân Tự nhiên-hiện tượng này phải được xem như là sự diễn tả đơn thuần về một Tự nhiên tự-thân (an sich) (mà lý tính có ở trong Ý niệm của mình). Nhưng, Ý niệm về cái Siêu-cảm tính này – tức Ý niệm mà ta không thể xác định rõ được, do đó không thể nhận thức Tự nhiên như là sự diễn tả của Ý niệm mà chỉ suy tưởng về nó như thế thôi – được đánh thức ở trong ta thông qua một đối tượng, khi sự đánh giá thẩm mỹ về đối tượng ấy đẩy nỗ lực của trí tưởng tượng đến tận ranh giới của nó, dù bằng sự mở rộng (theo kiểu toán học) hay bằng sức mạnh của nó trên tâm thức (theo kiểu năng động). | Vì Ý niệm này đặt nền tảng trên cảm xúc về một sứ mệnh của tâm thức hoàn toàn vượt lên trên lĩnh vực của Tự nhiên (tức là, dựa trên nền tảng của tình cảm luân lý), nên về phương diện này, sự hình dung về đối tượng được đánh giá là hợp mục đích-chủ quan.

Thật ra, khó suy tưởng về một sự xúc cảm trước cái cao cả của Tự nhiên mà không gắn liền nó với một cảm trạng của tâm thức tương tự như cảm trạng có tính luân lý. | Và mặc dù giống như xúc cảm này, sự vui sướng trực tiếp về cái đẹp trong Tự nhiên tiền-giả định và đào luyện một tính tự do (Liberalität) nào đó của lề lối tư duy, nghĩa là, làm cho sự hài lòng của ta độc lập với việc hưởng thụ đơn thuần cảm tính, thì qua đó vẫn hình dung có sự tham gia nhiều hơn của Tự do so với chức năng áp đặt quy luật vốn là đặc tính đích thực của luân lý, là nơi lý tính phải sử dụng quyền lực thống trị đối với cảm năng. | Chỉ có điều, trong phán đoán thẩm mỹ về cái cao cả, quyền lực thống trị này được hình dung như là do bản thân trí tưởng tượng thực hiện, với tư cách là một công cụ của lý tính.

Vì thế, sự hài lòng trước cái cao cả của Tự nhiên cũng chỉ có tính tiêu cực [hay phủ định] (negativ) (trong khi sự hài lòng trước cái đẹp có tính tích cực (positiv)), có nghĩa, đó là một xúc cảm về sự tước đoạt Tự do của trí tưởng tượng bởi bản thân trí tưởng tượng, khi nó mang tính quy định về mục đích dựa theo một quy luật khác so với quy luật khi nó được sử dụng một cách thường nghiệm. Qua sự việc này, trí tưởng tượng đạt được một sự mở rộng và sức mạnh lớn hơn những gì nó chịu thiệt, nhưng nguyên do (Grund) của điều này vẫn bí ẩn đối với bản thân nó; thay vào đó, nó chỉ cảm nhận được sự hy sinh mất mát hay sự bị tước đoạt [Tự do] và đồng thời [chỉ cảm nhận] cái nguyên nhân [trực tiếp] (Ursache) mà nó phải phục tùng. Sự kinh ngạc đến mức kinh hoàng, nỗi khiếp sợ và rùng mình ớn lạnh nơi con người khi đối diện với cảnh núi non chớn chở cao ngất tầng mây, những vực thẳm hun hút đầy nước cuồng sóng réo, hay quang cảnh cô liêu khêu gợi nỗi buồn tê tái... thật ra đều không phải là nỗi sợ hãi thực sự một khi con người biết rõ mình đang ở trong tình thế an toàn. | Trái lại, đây chỉ là một nỗ lực tự đặt mình vào cảm xúc ấy bằng trí tưởng tượng, nhằm mục đích cảm nhận được sức mạnh của chính năng lực [tưởng tượng] này, nối kết sự xúc động của tâm thức do các quang cảnh ấy gây ra với trạng thái an tĩnh của chính tâm thức, và do đó, thấy mình đứng cao hơn bản tính tự nhiên ở trong ta, lẫn giới Tự nhiên ở bên ngoài ta, trong chừng mực giới Tự nhiên có thể có ảnh hưởng nào đó đến xúc cảm về sự an nguy của chính ta. Vì trí tưởng tượng dựa theo quy luật của sự liên tưởng [thường nghiệm] đặt trạng thái an vui của chúng ta phụ thuộc vào các điều kiện thể chất (physisch), nhưng cũng chính nó, khi tương ứng với các nguyên tắc của thuyết niệm thức (Schematismus) của năng lực phán đoán (do đó, trong chừng mực phục tùng sự Tự do) đồng thời lại là một công cụ của lý tính và của những Ý niệm của lý tính. | Với tư cách ấy, nó là một sức mạnh cho phép ta khẳng định sự độc lập của mình trước những ảnh hưởng của Tự nhiên, hạ thấp những gì là lớn đối với các điều kiện trước thành nhỏ, và như thế, đặt cái Vĩ đại-tuyệt đối (das Schlechthin-Grösse) chỉ ở trong sứ mệnh riêng của chính mình (của chủ thể) mà thôi. Sự phản tư này của năng lực phán đoán thẩm mỹ – tự nâng mình lên tương ứng với lý tính (dù không có bất kỳ khái niệm xác định nào của lý tính cả) – vẫn là sự hình dung về đối tượng như là có tính hợp mục đích-chủ quan, ngay cả khi nhờ vào tính không tương ứng [tính bất lực] của trí tưởng tượng trong việc mở rộng tối đa bản thân nó hòng đáp ứng được các yêu cầu của lý tính (như là quan năng của những Ý niệm).

Nói chung, ở đây điều cần phải đặc biệt lưu ý như đã từng nhắc nhở, đó là: trong Cảm năng học siêu nghiệm (transzendentale Ästhetik) về năng lực phán đoán, ta không bàn về điều gì khác ngoài những phán đoán thẩm mỹ thuần túy, do đó không được vay mượn các ví dụ từ những đối tượng đẹp hay cao cả của Tự nhiên, xét như những đối tượng lấy khái niệm về một mục đích làm điều kiện tiên quyết. | Bởi, nếu vậy, tính hợp mục đích ắt sẽ hoặc là có tính mục đích luận, hoặc dựa vào những cảm giác đơn thuần về một đối tượng (thích khoái hay đau đớn) và như thế, trong trường hợp trước, không phải là tính hợp mục đích thẩm mỹ, trong trường hợp sau, không đơn thuần là tính hợp mục đích hình thức. Cho nên, khi ta gọi quang cảnh một bầu trời đầy sao là cao cả, ta không được đặt sự đánh giá ấy của ta trên bất kỳ khái niệm nào về những thế giới có những sinh vật đang cư ngụ và rồi, những điểm sáng mà ta thấy đang tràn ngập không gian trên đầu ta như là những mặt trời vận động trong những quỹ đạo được quy định sẵn cho chúng một cách hết sức hợp mục đích; trái lại, ta phải nhìn bầu trời đầy sao như nó đang xuất hiện ra trước mắt ta giống như một mái vòm bao la bao trùm tất cả; và, chỉ đơn thuần dưới một sự hình dung như thế, ta mới được phép nói đến tính cao cả mà phán đoán thẩm mỹ thuần túy gán cho đối tượng này. Cũng tương tự như thế, khi nhìn đại dương, ta không nhìn như khi ta suy tưởng với biết bao kiến thức phong phú của ta về nó (những kiến thức không hề được chứa đựng ở trong trực quan trực tiếp). Chẳng hạn như suy nghĩ rằng đó là một thế giới mênh mông của những loài thủy tộc, như là kho dự trữ nước khổng lồ để bốc hơi thành mây mang lại độ ẩm cho không khí, có lợi cho đất đai, hoặc như là một môi trường tuy cách ngăn các vùng đất trên thế giới nhưng lại cũng giúp cho việc giao thương giữa chúng có thể có được một cách tối đa, bởi lẽ đấy toàn là những phán đoán mục đích luận. | Trái lại, ta phải có khả năng nhìn thấy đại dương là cao cả giống như cách các nhà thơ đã làm dựa theo ấn tượng gieo vào mắt họ, chẳng hạn, nhìn đại dương khi nó yên tĩnh như một “gương sáng bụi không mờ”, “cộng trường thiên nhất sắc”*, còn khi cuồng nộ thì như một hố thẳm đe dọa nuốt chửng tất cả. | Ở đây, về các cơ sở quy định cho việc phán đoán, ta không được viện đến các khái niệm về mục đích phục vụ lẫn nhau giữa các bộ phận của cơ thể, hay cho phép sự tương hợp giữa chúng với các mục đích này ảnh hưởng đến phán đoán thẩm mỹ (vì như thế, phán đoán thẩm mỹ không còn thuần túy nữa), mặc dù, quả cũng là một điều kiện cần thiết của sự hài lòng thẩm mỹ khi chúng không xung đột với các mục đích ấy. Tính hợp mục đích thẩm mỹ là tính hợp quy luật của năng lực phán đoán trong sự tự do của nó. Sự hài lòng đối với đối tượng tùy thuộc vào mối quan hệ ta muốn dành cho năng lực tưởng tượng, chỉ với điều kiện là trí tưởng tượng giúp cho tâm thức được hoạt động tự do. Còn ngược lại, nếu một cái gì khác – cảm giác hay khái niệm của giác tính – quy định sự phán đoán, thì tất nhiên nó hợp với quy luật nhưng lại không phải là một hành vi của năng lực phán đoán tự do.

Vì thế, nói về tính đẹp và tính cao cả trí tuệ là sử dụng thuật ngữ không hoàn toàn đúng đắn. | Bởi, thứ nhất, chúng là các phương cách hình dung về mặt thẩm mỹ hoàn toàn xa lạ với chúng ta, nếu giả sử chúng ta đơn thuần là những [sinh vật] trí tuệ thuần túy (hoặc nếu ta tự nghĩ như thế trong tư tưởng). | Thứ hai, mặc dù cả hai, với tư cách là các đối tượng của một sự hài lòng trí tuệ (luân lý), là tương thích với sự hài lòng thẩm mỹ trong chừng mực không dựa trên một sự quan tâm [hay lợi ích] nào, thì, mặt khác, cũng khó mà tương hợp được với một sự hài lòng [luân lý] như thế, vì chức năng của chúng là tạo ra một sự quan tâm; và, giả định rằng sự trình bày phải tương thích với sự hài lòng trong phán đoán thẩm mỹ, thì sự quan tâm này chỉ có thể diễn ra bằng một sự quan tâm của cảm quan được kết hợp với nó ở trong sự trình bày. | Nhưng, bằng cách này thì tính hợp mục đích trí tuệ [luân lý] ắt bị vi phạm và bị làm cho trở thành không thuần túy.

Đối tượng của một sự hài lòng trí tuệ có tính thuần túy và vô-điều kiện chính là quy luật luân lý với sức mạnh mà nó áp đặt lên trên mọi động cơ có trước đó của tâm thức ở bên trong ta. | Và, bởi lẽ ta chỉ có thể cảm nhận được sức mạnh này một cách thẩm mỹ là thông qua những sự hy sinh nào đó (tức nó tước đoạt đi một cái gì đó, mặc dù là nhằm lợi ích của sự tự do nội tâm, trong khi, đến lượt nó, nó khai mở trong ta một sự sâu thẳm không thể dò tìm của quan năng siêu cảm tính này mà các hậu quả của nó vượt ra khỏi tầm nhìn của giác quan), cho nên sự hài lòng [luân lý], xét từ phương diện thẩm mỹ (trong quan hệ với cảm năng) là tiêu cực, tức là đối lập lại với sự quan tâm này, nhưng từ phương diện trí tuệ [luân lý], nó lại là tích cực và gắn liền với một sự quan tâm [thực hành]. Kết luận rút ra là: cái Thiện trí tuệ và hợp mục đích tự thân (tức cái Thiện luân lý), xét về mặt thẩm mỹ, không nên được xem là đẹp cho bằng là cao cả, bởi nó khơi dậy một tình cảm tôn kính (Achtung) (khinh rẻ sự hấp dẫn) hơn là tình cảm yêu thương và lôi cuốn thâm tình, vì lẽ bản tính tự nhiên của con người không tự mình trùng hợp được với cái Thiện mà chỉ có thể nhờ vào sự chế ngự của lý tính đối với cảm năng. Ngược lại cũng thế, những gì ta gọi là cao cả ở trong giới tự nhiên bên ngoài hay thậm chí ở trong bản tính tự nhiên bên trong (chẳng hạn: những sự kích động nào đó) chỉ được hình dung và trở nên lý thú như là một sức mạnh của tâm thức cho phép tâm thức thắng vượt những trở lực này khác của cảm năng nhờ dựa vào những nguyên tắc luân lý.

Tôi muốn dừng lại ở điểm này một lát. Ý niệm về cái Thiện mà được bổ sung bằng sự kích động (Affekt) thì gọi là nhiệt tình (Enthusiasm). Trạng thái tâm thức này có vẻ như là cao cả, chẳng thế mà người ta thường bảo là không có gì vĩ đại có thể đạt được nếu không có nó*. Thế nhưng, bất kỳ sự kích động(1) nào cũng là mù quáng, hoặc trong việc chọn lựa mục đích của nó, hoặc, – nếu mục đích được lý tính mang lại –, trong việc thực hiện mục đích ấy, vì nó là sự vận động của tâm thức làm cho việc cân nhắc tự do về các nguyên tắc để tự định hướng chính mình trở nên không thể thực hiện được. Do đó, sự kích động tuyệt nhiên không thể hưởng được sự hài lòng về phía lý tính. Dầu vậy, về mặt thẩm mỹ, nhiệt tình lại có tính cao cả, bởi nó là một sự gắng sức nhờ các Ý niệm, mang lại cho tâm thức một sức bật có tác động mạnh mẽ hơn và lâu bền hơn là sự thúc đẩy thông qua các biểu tượng cảm tính. Tuy nhiên (điều có vẻ lạ lùng), chính việc không bị kích động (apatheia, phlegma in significatu bono)* trong một tâm thức kiên trì tuân thủ những nguyên tắc bất di bất dịch cũng là cao cả, và là cao cả ở mức độ ưu việt hơn nhiều, vì nó đồng thời giành được sự hài lòng của lý tính thuần túy [thực hành] đứng về phía mình. Chỉ duy có một loại tâm thức như thế mới được gọi là “cao thượng” [hay cao quý] (edel). | Tên gọi này về sau cũng được áp dụng cho cả những sự vật, chẳng hạn cho tòa nhà, một bộ quần áo, một văn phong, hay phong cách của một con người v.v..., một khi chúng không chỉ gây nên sự kinh ngạc (sự kích động do hình dung về tính mới mẻ vượt khỏi sự chờ đợi) mà còn cả sự thán phục (tức sự kinh ngạc không mất đi khi không còn có tính mới mẻ nữa); và điều này chỉ có được là khi các Ý niệm – được diễn tả một cách không cố ý và không giả tạo – hài hòa với sự hài lòng mang tính thẩm mỹ.

Một sự kích động thuộc loại cường tráng (tức cái gì kích thích để ta có ý thức về các sức mạnh của ta nhằm thắng vượt bất kỳ sự đề kháng nào) [animi strenui] là cao cả về mặt thẩm mỹ, chẳng hạn, sự phẫn nộ, hay thậm chí sự tuyệt vọng (nhưng là sự tuyệt vọng đầy bi phẫn chứ không phải sự tuyệt vọng buông xuôi, nản lòng). Còn sự kích động thuộc loại yếu ớt, rã rời (ngăn cản nỗ lực đề kháng, cả trước đối tượng của sự không vui sướng) [animum languidum] thì không có gì cao quý nơi tự thân cả, nhưng lại có thể được kể vào cái đẹp cảm tính. Vì thế, những sự xúc động cũng rất khác nhau một khi chúng có thể đạt tới độ cao của sự kích động. Ta có những sự xúc động hùng dũng mà cũng có những xúc động dịu dàng. Những xúc động dịu dàng, khi tăng lên thành sự kích động thì lại chẳng dùng được việc gì: ham thích loại kích động này gọi là sự cảm thương (Empfindelei). Một nỗi đau đớn khôn nguôi hay một nỗi bất hạnh tưởng tượng khiến ta cố tính tự thêu dệt như thể nó có thật, vừa minh chứng vừa tạo nên một tâm hồn ủy mị, yếu đuối, tuy cho thấy có một mặt đẹp nào đó, nhưng chỉ có thể gọi là “huyền ảo” (phantastisch) chứ không thể gọi là nhiệt tình (enthusiatisch) được. Những cuốn tiểu thuyết, những vở diễn bi lụy*, những thói tục hủ bại cợt đùa với những tình cảm được gọi là “cao thượng” (mặc dù là sai lầm), còn trong thực tế, lại làm cho lòng người ủ rũ, vô cảm trước điều lệnh nghiêm ngặt của nghĩa vụ, làm cho con người không còn khả năng biết tôn kính phẩm giá của tính người trong bản thân mình cũng như đối với quyền hạn của con người (là cái gì hoàn toàn khác với hạnh phúc của họ) và nói chung, đối với mọi nguyên tắc vững chắc; và, ngay cả một bài thuyết giảng tôn giáo khuyến khích sự nịnh hót và cầu xin ân huệ một cách hèn hạ, thấp kém, vứt bỏ hết mọi lòng tự tin vào năng lực bản thân để chống lại cái ác ở trong ta, thay vì kiên quyết ra sức sử dụng những sức mạnh vẫn còn sót lại – cho dù ta có yếu đuối, tội lỗi đến đâu – để vượt qua những xu hướng của bản năng; rồi cả sự sùng mộ sai lầm dùng việc tự hạ mình, ăn năn rên rỉ đạo đức giả và thái độ đơn thuần thụ động như là phương cách duy nhất để tưởng có thể làm hài lòng đấng tối cao: tất cả những điều ấy đều không phù hợp với những gì được xem là thuộc về tính đẹp, càng không thể thuộc về tính cao cả, của tâm hồn.

Nhưng, ngay cả những vận động sôi nổi của tâm thức, dù nhân danh sự nâng cao tâm hồn gắn liền với những Ý niệm của tôn giáo hay chỉ đơn thuần thuộc về đời sống văn hóa gắn liền với những Ý niệm có chứa đựng một sự quan tâm [hay lợi ích] xã hội nào đó, thì, tuy có tạo ra một sự nỗ lực lớn của trí tưởng tượng, vẫn tuyệt nhiên không thể có quyền đòi hỏi được hưởng vinh dự là một sự thể hiện cao cả của tâm hồn, nếu chúng không lưu lại được một cảm trạng của tâm thức – dù là một cách gián tiếp – có ảnh hưởng đến ý thức về sự dũng mãnh và kiên quyết của tâm hồn liên quan đến những gì mang theo mình tính hợp mục đích thuần túy trí tuệ (tức về cái Siêu-cảm tính). Bởi, nếu thiếu vắng điều này, tất cả những sự xúc động ấy chỉ thuộc về sự cử động (Motion) sở dĩ được ưa thích chỉ vì có lợi cho sức khỏe mà thôi. Thật thế, sự mệt mỏi đầy khoan khoái có được sau khi vận động kịch liệt với sự tương tác của các sự kích động là một sự thụ hưởng khoái cảm khỏe mạnh từ việc phục hồi sự cân bằng của nhiều lực sống khác nhau ở bên trong ta. | Khoái cảm này, rút cục, chẳng đạt được gì nhiều hơn so với khoái cảm của các nhà thuật sĩ ở phương đông khi họ hầu như xoa bóp toàn thân rồi sau đó có thể dễ dàng uốn vặn mọi cơ bắp và khớp xương; chỉ có điều là trong trường hợp trước, nguyên tắc vận động phần lớn là ở bên trong ta, còn trong trường hợp này, ngược lại, là hoàn toàn ở bên ngoài ta. Cũng thế, không ít người tưởng rằng mình được nâng cao tâm hồn (erbaut) nhờ một bài thuyết giáo nào đó, nhưng trong đó chẳng kiến tạo (aufgebaut) được gì (tức không có hệ thống nào về những châm ngôn thiện hảo), hoặc, như khi ta tưởng rằng mình được thiện lương hơn nhờ xem một vở bi kịch, nhưng thật ra ta chỉ vui vẻ vì đã được giải buồn mà thôi. Cho nên, cái cao cả lúc nào cũng phải có mối quan hệ với lề lối tư duy (Denkungsart), tức với những châm ngôn (Maxime) tạo ra được sức mạnh ưu thế cho trí tuệ [luân lý] và cho những Ý niệm của lý tính trước cảm năng.

Ta không có lý do gì để lo ngại rằng tình cảm về cái cao cả sẽ mất đi do phương cách diễn tả có tính trừu tượng hóa như thế; một phương cách diễn tả hoàn toàn có thái độ tiêu cực, phủ định đối với những gì là cảm tính. | Bởi vì, trí tưởng tượng, tuy nó sẽ không tìm được gì ở bên ngoài cái cảm tính mà nó có thể bám vào, lại sẽ cảm thấy mình không bị giới hạn, chính là nhờ dẹp bỏ hết những sự giới hạn này; và chính việc cô lập hóa như thế lại là một sự diễn đạt về cái vô tận (das Unendliche). Sự diễn đạt như thế ắt chỉ có thể là tiêu cực, phủ định thôi nhưng lại mở rộng tâm hồn. Cho nên, có lẽ không có đoạn nào cao cả hơn trong bộ luật của người Do Thái cho bằng điều răn sau đây: ngươi không được tạo ra bất kỳ hình tượng hay biểu tượng ẩn dụ nào về những gì ở trên trời, dưới đất hay ở dưới mặt đất v.v... Chỉ duy lời răn này mới giải thích được sự nhiệt tình mà dân tộc Do Thái cảm nhận được về tôn giáo của họ trong thời kỳ luân lý khi họ so sánh mình với những dân tộc khác; hay giải thích được lòng tự hào do đạo Islam gây nên. Chính điều này cũng có giá trị khi ta hình dung về quy luật luân lý và về thiên hướng tự nhiên hướng về luân lý của ta. Sự lo ngại rằng khi ta tước bỏ hết những gì có thể khuyến khích sự hình dung này hướng đến những giác quan cảm tính thì chẳng còn lại gì ngoài sự chấp nhận [luân lý] một cách lạnh lẽo, vô hồn và không còn mang theo được chút sức mạnh vận hành hay sự xúc động nào nữa cả, là một sự lo ngại hoàn toàn sai lầm. Đúng ra là hoàn toàn ngược lại, vì, một khi không còn điều gì hiện diện trước giác quan nữa, nhưng vẫn tồn tại Ý niệm không thể phai mờ và không thể xóa bỏ của luân lý, thì bấy giờ mới thấy cần thiết phải điều tiết bớt sức bật của một trí tưởng tượng vô giới hạn, không để cho nó gia tăng lên thành sự nhiệt tình, hơn là cầu viện đến sự trợ giúp của những hình tượng và những trò rườm rà ấu trĩ chỉ vì lo ngại cho sự yếu đuối, bất lực của những Ý niệm [luân lý và lý tính] này. Chính vì lý do đó, những nhà cầm quyền rất thích tạo điều kiện cho tôn giáo được trang bị bằng đủ thứ phụ tùng rườm rà này, để, bằng cách ấy, tìm cách ngăn chặn nỗ lực cũng như khả năng của những “thần dân” khi họ muốn mở rộng những sức mạnh tâm hồn vượt ra khỏi những giới hạn bị áp đặt trên họ một cách tùy tiện, và, để qua đó, những nhà cầm quyền có thể càng dễ dàng hơn trong việc đối xử với thần dân như thể họ là đám đông đơn thuần thụ động*.

Mặt khác, cách trình bày đơn thuần tiêu cực, phủ định, và, do đó là cách trình bày thuần túy và [thực sự] nâng cao tâm hồn này về luân lý sẽ không tạo ra nguy cơ của sự cuồng tín (Schwärmerei), tức của một sự ngông cuồng tưởng rằng có thể nhìn thấy được cái gì đó vượt ra khỏi mọi ranh giới của cảm năng; nghĩa là, muốn mơ mộng dựa theo các nguyên tắc (ngông cuồng bằng lý tính!), bởi sự trình bày về luân lý vốn đơn thuần tiêu cực. Trong khi Ý niệm về Tự do là không thể dò tìm được và hoàn toàn cắt đứt mọi sự trình bày tích cực, khẳng định về nó*, thì quy luật luân lý là nguồn suối của sự quy định có tính nguyên thủy và tự đầy đủ ở bên trong ta, khiến ta không được phép đi tìm một cơ sở quy định nào khác ở bên ngoài bản thân nó. [Cho nên] nếu sự nhiệt tình có thể so sánh với sự điên cuồng (Wahnsinn) thì sự cuồng tín có thể so sánh với sự ngông cuồng (Wahnwitz). Trong cả hai, thì cái sau lại càng không có gì tương thích được với cái cao cả, bởi nó là trò dị hợm, buồn cười. Trong sự nhiệt tình, với tư cách là sự kích động, trí tưởng tượng là không bị kìm chế, còn trong sự cuồng tín, như là sự mê cuồng được ấp ủ một cách thâm căn cố đế, trí tưởng tượng trở nên vô quy tắc. Cái trước là sự ngẫu nhiên nhất thời mà lý trí lành mạnh nhất cũng có khi gặp phải, còn cái sau là một căn bệnh hủy hoại lý trí.

[Vậy], tính đơn điệu (Einfalt) (tính hợp mục đích một cách không màu mè) hầu như là phong cách của Tự nhiên ở trong cái cao cả. | Và luân lý cũng hệt như thế. | Luân lý là bản tính tự nhiên (siêu cảm tính) thứ hai mà ta chỉ nhận biết những quy luật của nó chứ ta không thể dùng trực quan [cảm tính] để đạt tới quan năng siêu cảm tính này ở bên trong ta, mặc dù quan năng này chứa đựng cơ sở cho việc ban bố các quy luật nói trên.

Xin nêu thêm một nhận xét: sự hài lòng nơi cái đẹp cũng như nơi cái cao cả không chỉ phân biệt với những phán đoán thẩm mỹ khác ở tính có thể thông báo được một cách phổ biến mà còn thông qua đặc điểm là có một sự quan tâm trong quan hệ với xã hội (trong đó sự hài lòng ấy được thông báo). | Dầu vậy, ta thấy rằng việc [tự] cô lập mình trước xã hội cũng được xem là cái gì cao cả, với điều kiện nó đặt cơ sở trên những Ý niệm không tính tới mọi quan tâm hay lợi ích cảm tính. Tự “tri túc”, do đó, không cần đến xã hội mà vẫn không phải không có tính hợp quần, tức là, không trốn tránh xã hội, là cái gì gần gũi với cái cao cả, giống tương tự như bất kỳ việc đứng lên trên những nhu cầu [cảm tính] này khác. Còn ngược lại, trốn tránh con người do thù ghét con người (Misanthropie) hay do ngại ngùng trước con người (Anthropophobie) vì e người khác hại mình thì vừa đáng ghét vừa đáng khinh. Tuy vậy, cũng có một loại thù ghét con người (Misanthropie) (tuy cách gọi ấy không thật đúng) thường lôi cuốn tâm trạng tự nhiên của nhiều người lão thành, những người, xét về thiện chí, vẫn quý chuộng con người, nhưng do từng trải nhiều kinh nghiệm đau buồn trong thời gian dài nên sự hài lòng đối với con người bị suy giảm nhiều. | Ta thấy nhiều bằng chứng về điều này, thể hiện trong lòng ham thích được lui về ẩn dật, chẳng hạn lòng khao khát đầy mơ mộng muốn tìm chỗ cư ngụ ở một vùng quê hẻo lánh, hoặc (ngay cả nơi những người trẻ tuổi) ôm ấp giấc mơ có thể được hưởng hạnh phúc trọn đời, với một gia đình nhỏ, nơi một hoang đảo vô danh tách biệt với thế gian, những giấc mơ được các nhà viết tiểu thuyết hay các nhà thơ theo kiểu Robinson* khéo dùng làm chất liệu cho các tác phẩm của họ. Sai lầm, bội bạc, bất công, tính tầm phào, ấu trĩ trong những mục đích được chính ta xem là quan trọng và lớn lao, rồi khi theo đuổi những mục đích ấy, con người gây nên bao điều xấu xa tàn ác với nhau rõ ràng mâu thuẫn lại với Ý niệm về những gì con người có thể trở thành nếu như họ muốn làm và cũng trái ngược quá nhiều với niềm mong mỏi tha thiết được thấy con người tốt đẹp hơn; tất cả những điều ấy khiến cho việc từ bỏ những niềm vui trong giao tiếp xã hội – bởi không thể yêu con người nhưng cũng để tránh khỏi phải ghét họ – tỏ ra là một sự hy sinh nhỏ bé! Nỗi buồn này, không phải là nỗi buồn về điều xấu mà số phận dành cho những người khác (tức nỗi buồn bắt nguồn từ cảm tình) mà nỗi buồn về những gì con người tự gây ra cho chính mình (nỗi buồn dựa trên sự bất bình liên quan đến những vấn đề về nguyên tắc) mới có tính cao cả, vì nó đặt nền móng trên những Ý niệm, trong khi nỗi buồn bắt nguồn từ cảm tình chỉ có thể được gọi là đẹp mà thôi.

Saussure*, một tác giả vừa tinh tế vừa sâu sắc, trong khi tường thuật chuyến du hành của ông ta ở vùng núi Alpen đã nhận xét như sau về Bonhomme, một trong những hòn núi ở Savoy: “ở đây toát ra một nỗi buồn vô vị”. Như thế là ông ta cũng biết đến một nỗi buồn thú vị, nảy sinh khi nhìn một vùng hoang vắng nào đó mà con người có thể lui về để không còn phải nghe, phải biết gì nữa về thế gian này, nhưng cũng không nhất thiết phải là một mảnh đất quá cằn cỗi đến nỗi con người phải quá vất vả mới sống được. Tôi nêu nhận xét này chỉ nhằm lưu ý rằng ngay cả nỗi u buồn (chứ không phải nỗi buồn thê thảm) vẫn có thể được kể vào loại những kích động cường tráng, nếu nó có cơ sở ở trong những Ý niệm luân lý; còn nếu nó chỉ dựa trên cảm tình (Sympathie) – và với tư cách ấy, là đáng yêu – thì chỉ thuộc về loại những kích động yếu ớt, rã rời. | Chỉ trong trường hợp trước, cảm trạng của tâm thức mới được gọi là cao cả.

---------------o0o--------------

Thế nhưng, nếu ta đặt sự hài lòng nơi một đối tượng hoàn toàn và duy nhất ở chỗ đối tượng làm ta hài lòng là thông qua sự hấp dẫn hay cảm xúc thì ắt ta không thể đòi người khác phải tán thành những phán đoán thẩm mỹ do ta đưa ra, vì mỗi người đều có quyền chỉ hỏi đến cảm nhận riêng tư của chính mình. Trong trường hợp ấy, ắt mọi sự thẩm định về sở thích đều hoàn toàn kết liễu, trừ khi ta chịu lấy một trường hợp nào đó được người khác ngẫu nhiên tán đồng làm mệnh lệnh hay điều răn cho sự tán thưởng về phía ta. | Nhưng, nguyên tắc này ắt cũng sẽ bị ta phản đối ngay và ta vẫn có quyền viện đến quyền tự nhiên của ta rằng: phán đoán dựa trên những tình cảm trực tiếp của sự lạc thú riêng tư của tôi thì chỉ phục tùng cảm quan của riêng tôi chứ không chịu phục tùng cảm quan của người nào khác cả.

Như thế, nếu phán đoán sở thích không muốn có tính chất “vị kỷ” [hay tự quy/egoistisch], nếu ta trọng thị nó như một phán đoán đồng thời có quyền đòi hỏi bất cứ ai cũng phải tán đồng, nghĩa là dựa theo bản tính nội tại của nó, chính bản thân nó chứ không phải những trường hợp do những người khác [ngẫu nhiên] mang lại từ sở thích của họ, thì nó tất yếu phải có giá trị một cách liên-chủ thể (pluralistisch) và ta phải đặt nó trên nền tảng một nguyên tắc tiên nghiệm nào đó (dù là khách quan hay chủ quan) mà việc dò tìm những quy luật thường nghiệm về những trạng thái biến đổi của tâm thức không bao giờ có thể đạt đến được. | Lý do là vì những quy luật [thường nghiệm] này chỉ cho biết ta đã phán đoán như thế nào, nhưng lại không thể ra mệnh lệnh buộc ta phải phán đoán ra sao. Và thậm chí, mệnh lệnh như thế là vô-điều kiện, và những mệnh lệnh thuộc loại này là điều kiện tiên quyết cho những phán đoán sở thích, trong chừng mực chúng đòi hỏi rằng sự hài lòng phải được xem là trực tiếp gắn liền với một biểu tượng. Do đó, việc trình bày thường nghiệm về những phán đoán thẩm mỹ bao giờ cũng chỉ là bước đầu để thu thập chất liệu cho một sự nghiên cứu cao hơn; và [như đã thấy] một sự trình bày siêu nghiệm về quan năng này là có thể có được và tạo nên phần cơ bản của việc Phê phán về sở thích. Bởi lẽ, nếu giả sử sở thích không có được các nguyên tắc tiên nghiệm thì ắt nó không thể phán xét về những phán đoán [thẩm mỹ] của người khác, cũng như không thể đưa ra những lời tuyên bố tán thành hay bác bỏ với ít nhiều vẻ thẩm quyền.

Phần còn lại của Phân tích pháp về năng lực phán đoán thẩm mỹ trước hết là: sự Diễn dịch về những phán đoán thẩm mỹ thuần túy.

 

 



* Nguyên văn: “như một mặt gương bằng nước trong sáng, chỉ bị giới hạn bởi bầu trời”. Chúng tôi dịch thoát cho rõ ý. (N.D).

* Xem Shaftesbury, Ein Brief über den Enthusiasmus/Một lá thư về sự nhiệt tình, đoạn 6, trong Các tác phẩm triết học, 3 tập, Leibzig, 1776, 1779, tập I, tr. 67 (dẫn theo bản Meiner). (N.D).

(1) Cần phân biệt tính chất của sự kích động và của sự đam mê. Những sự kích động liên quan đơn thuần đến tình cảm, còn những đam mê thì thuộc về quan năng ham muốn và là những xu hướng ngăn cản hay thậm chí làm cho mọi nỗ lực khống chế sự tùy tiện bằng các nguyên tắc trở thành bất khả. Những kích động thì sôi nổi và không có dự mưu, còn những đam mê thì lâu bền và có tính toán, cho nên sự bất bình thể hiện bằng sự giận dữ là một sự kích động, còn thể hiện như sự thù ghét (khao khát trả thù) là một đam mê. Đam mê, trong mọi trường hợp, không bao giờ được gọi là cao cả, vì trong sự kích động, sự tự do của tâm thức bị kìm hãm, còn trong sự đam mê, sự tự do bị triệt tiêu. (Chú thích của tác giả).

* Latinh: “sự bất động tâm theo nghĩa tốt”: chỉ khái niệm “apatheia” (bất động tâm, không để bị kích động) của Epiktet (thuộc Phái Khắc kỷ cổ đại Hy Lạp). (N.D).

* Ám chỉ những tiểu thuyết diễm tình sướt mướt đương thời của Samuel Richardson được dịch sang tiếng Đức trong những năm từ 1742-1755 (dẫn theo bản Meiner). (N.D).

* Đoạn trên đây cũng có thể được xem như cách trả lời gián tiếp của Kant trước sự phê phán mạnh mẽ về “chủ nghĩa hình thức” trong học thuyết luân lý của Kant về “mệnh lệnh tuyệt đối” của các triết gia sau Kant như Jacobi, Schiller, Hegel v.v... Xem thêm đoạn tiếp theo B126. (N.D).

* Ý nói: ta không thể chứng minh sự tồn tại hiện thực của Tự do bên cạnh sự tất yếu của Tự nhiên, mặc dù có thể và phải suy tưởng về Tự do như là không mâu thuẫn lại với Tự nhiên. Xem Kant, Phê phán Lý tính thuần túy, B586 (N.D).

* Alex Selkirk (1676-1721) là nguyên mẫu cho tiểu thuyết Robinson Crusoe nổi tiếng của Daniel Defoe sau này. Xem thêm J. J. Rousseau, Emile ou de l’Éducation/Emile hay là về giáo dục, La Haye 1762, tr. 455 (dẫn theo bản Meiner). (N.D).

* Saussure, Reisen durch die Alpen/Các chuyến du hành xuyên dãy Alpen, 1781, phần 2, tr. 271 và tiếp. (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt