Triết học nghệ thuật

Phân tích pháp về cái cao cả: Cái cao cả theo cách năng động của Tự nhiên

 

QUYỂN II

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI CAO CẢ

 

B: CÁI CAO CẢ THEO CÁCH NĂNG ĐỘNG CỦA TỰ NHIÊN

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                       

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 171-178. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

 

§28

GIỚI TỰ NHIÊN NHƯ MỘT MÃNH LỰC (MACHT)

Mãnh lực là một lực lượng thắng vượt những trở lực lớn. Cũng chính mãnh lực ấy sẽ được gọi là quyền lực thống trị khi nó thắng vượt cả sự đề kháng của những gì bản thân cũng có mãnh lực. Giới Tự nhiên, được xem như là mãnh lực ở trong phán đoán thẩm mỹ, nhưng không có quyền lực (Gewalt) thống trị trên ta, chính là cao cả một cách năng động (dynamisch-erhaben).

Nếu ta đánh giá Tự nhiên như là cao cả một cách năng động, thì nó phải được hình dung như là nguồn gốc gây ra sự khiếp sợ (Furcht) (dù không phải ngược lại rằng bất kỳ đối tượng gây khiếp sợ nào cũng được xem là cao cả trong phán đoán thẩm mỹ của ta). Vì khi hình thành một phán đoán thẩm mỹ (không có sự có mặt của khái niệm), tính ưu thắng trước các trở lực chỉ có thể được đánh giá tùy theo độ lớn của sự đề kháng. Nay, điều mà ta ra sức đề kháng là một cái gì hung dữ, và nếu ta thấy các năng lực của ta không ngang sức, thì đó là một đối tượng của sự sợ hãi. Vậy, đối với năng lực phán đoán thẩm mỹ, Tự nhiên chỉ có giá trị như là mãnh lực, do đó, cao cả một cách năng động, trong chừng mực nó được xem như là đối tượng của sự sợ hãi.

Nhưng ta có thể xem một đối tượng là đáng sợ mà lại không khiếp sợ trước nó, nếu ta phán đoán về nó theo kiểu: chỉ cần tưởng tượng đến trường hợp muốn đề kháng lại nó, sẽ nhận ra ngay rằng mọi sự đề kháng như thế ắt là vô vọng. Như thế, một người có đức hạnh kính sợ Thượng đế nhưng không sợ hãi trước Ngài, bởi người ấy xem trường hợp muốn chống lại Thượng đế và những lời răn của Ngài là trường hợp không hề được suy nghĩ tới. Nhưng nếu cả trường hợp ấy vẫn được xem tự thân không phải là điều bất khả thì bấy giờ người ấy sẽ nhìn nhận Thượng đế là quyền lực đáng sợ.

Ai đang ở trong tình trạng sợ hãi tuyệt nhiên không thể phán đoán về cái cao cả của Tự nhiên, không khác gì kẻ đang bị sự ưa thích và thèm khát chế ngự không thể phán đoán về cái đẹp. Người đang sợ hãi trốn chạy trước diện mạo của đối tượng làm mình sợ hãi và không thể nào tìm thấy sự hài lòng nơi cái gì được xem là khủng khiếp thực sự. vì thế, nỗi khoan khoái sau khi một điều khó chịu đã chấm dứt mới được gọi là sự vui mừng. Nhưng sự vui mừng nhờ đã thoát hiểm này là sự vui mừng đi kèm với quyết tâm là không bao giờ để mình bị rơi vào tình cảnh nguy hiểm nọ; thậm chí người ta còn không hề muốn nhớ lại cảm giác đáng sợ ấy chứ đừng nói đến việc tìm cơ hội để nó tái diễn.

Tảng đá lơ lửng, lạnh lùng nhô ra đầy hăm dọa, những đám mây giông kéo đen mịt trời kèm sấm chớp dữ dội, những ngọn núi lửa hung hãn với toàn bộ sức mạnh hủy diệt, những cơn bão tố để lại cảnh hoang tàn sau lưng chúng, đại dương mênh mông đang phẫn nộ, thác nước cao ngất của con sông dũng mãnh v.v... đúng là đã làm cho sức đề kháng của ta trở nên nhỏ nhoi, bé mọn so với sức mạnh khổng lồ của chúng. Tuy nhiên, hình ảnh của chúng càng đáng sợ thì lại càng hấp dẫn lôi cuốn ta hơn, miễn là ta đang ở trong tình trạng an toàn; và ta sẵn sàng gọi các đối tượng này là cao cả, bởi chúng nâng cao sức mạnh tâm hồn lên trên Độ trung bình thông thường và cho phép phát hiện ra trong ta một năng lực đề kháng thuộc loại hoàn toàn khác; năng lực ấy làm cho ta có sự dũng cảm để có thể tự sánh mình với lực lượng tưởng như toàn năng của Tự nhiên.

Quả thật, trong tính bao la vô lượng của Tự nhiên và trong sự bất túc của quan năng của ta để có được một thước đo hợp tỷ lệ cho việc lượng định có tính thẩm mỹ về độ lớn của lĩnh vực Tự nhiên, ta đã thấy rõ sự hạn chế của chính mình. | Nhưng dầu vậy, ta cũng đồng thời tìm thấy trong quan năng lý tính của ta một thước đo phi-cảm tính khác; thước đo này đặt bản thân tính vô tận của Tự nhiên vào bên dưới nó như là một đơn vị thống nhất và khi so sánh với thước đo ấy, vạn sự vạn vật ở trong Tự nhiên đều là bé nhỏ cả, và như thế là ta đã tìm thấy trong tâm thức ta một sự ưu việt hơn hẳn giới Tự nhiên, bất chấp tính bao la vô lượng của nó. | Cũng thế, tính bất khả đề kháng của mãnh lực Tự nhiên buộc ta phải nhận rõ sự yếu đuối về mặt thể chất của mình xét như sản phẩm của Tự nhiên, nhưng đồng thời phát hiện một năng lực tự đánh giá chính ta như là độc lập với Tự nhiên cũng như một tính ưu việt hơn hẳn Tự nhiên làm cơ sở cho việc tự bảo tồn chính mình bằng một phương cách hoàn toàn khác với kiểu có thể bị xâm hại và bị đẩy vào nguy cơ do Tự nhiên ở bên ngoài ta gây ra. | Nhờ đó, tính Người ở trong nhân cách của ta vẫn đứng vững, không bị hạ nhục, mặc dù, với thân phận là con người [khả diệt], ta phải phục tùng quyền lực thống trị của Tự nhiên. Bằng cách ấy, trong phán đoán thẩm mỹ của mình, Tự nhiên bên ngoài không được ta đánh giá là cao cả, trong chừng mực nó gây nên sự sợ hãi, mà đúng hơn, là cao cả bởi nó kêu đòi năng lực ở trong ta (vốn không phải là năng lực tự nhiên) hãy xem mọi sự mà ta lo toan (của cải thế gian, sức khoẻ và sinh mệnh) đều là nhỏ bé; và từ đó, xem mãnh lực của Tự nhiên (mà trong những sự vụ vừa kể ắt ta phải phục tùng) không thể có quyền lực thống trị đối với ta và với nhân cách của ta khiến ta phải khuất phục, một khi vấn đề liên quan đến những nguyên tắc tối thượng của ta và đến việc phải khẳng định hay buông bỏ chúng. Như vậy, ở đây sở dĩ Tự nhiên được gọi là cao cả chỉ đơn thuần bởi vì nó nâng trí tưởng tượng lên nhằm diễn tả những trường hợp như vừa kể, trong đó tâm thức có thể làm cho bản thân mình cảm nhận được chính tính cao cả của sứ mệnh của mình; một tính cao cả đứng lên trên cả Tự nhiên.

Việc tự lượng định nói trên về chính ta không hề bị tổn thất bởi sự kiện: ta phải thấy mình được an toàn mới cảm nhận được sự hài lòng có tác dụng nâng cao tâm hồn này. | Sự kiện này thoạt nhìn tưởng như có lý khi cho rằng: nếu sự nguy hiểm không thực sự nghiêm trọng thì tính cao cả của quan năng tinh thần cũng không thể thực sự là cao cả. Song thực ra ở đây, sự hài lòng chỉ liên quan đến sứ mệnh của quan năng tinh thần được bộc lộ trong trường hợp kể trên, trong chừng mực tố chất (Anlage) dẫn đến quan năng này bắt nguồn từ trong bản tính tự nhiên của ta, còn sự phát triển và tập luyện quan năng ấy là công việc tự ta phải làm và vẫn mãi mãi là trách nhiệm của riêng ta. Nên điều này vẫn là đúng sự thật, cho dù con người, khi triển khai sự suy tưởng của mình đến mức độ ấy, có ý thức đến đâu đi nữa về sự bất lực thực sự của mình trong hiện tại.

Nguyên tắc trên đây quả thật còn có vẻ quá xa vời và cao kỳ, do đó, tưởng như vượt khỏi tầm với của một phán đoán thẩm mỹ. | Thế nhưng, việc quan sát thái độ của con người minh chứng ngay điều ngược lại và cho thấy nguyên tắc ấy có thể làm cơ sở cho cả những nhận định tầm thường nhất dù người ta không phải lúc nào cũng ý thức ngay được. Vì thử hỏi, ngay đối với con người ở thời hoang dã, đối tượng được ngưỡng mộ nhất là gì? Đó chính là [hình ảnh] một con người không hoảng hốt, nghĩa là không biết sợ hãi, do đó vừa không lùi bước trước nguy hiểm vừa hiên ngang tiến hành công việc một cách đầy suy tính. Rồi ngay trong thời đại đã văn minh hơn rất nhiều, người ta vẫn dành sự kính trọng đặc biệt này đối với người chiến sĩ, chỉ có điều đòi hỏi người ấy đồng thời chứng tỏ mọi đức tính như hiếu hòa, nhân từ, lòng trắc ẩn và cả sự quan tâm thích đáng đối với bản thân; và sở dĩ đòi hỏi như thế vì ta thừa nhận tính bất khuất trước hiểm nguy nơi tâm thức của người chiến sĩ. Cho nên, dù người ta có thể tranh cãi bao nhiêu đi nữa về việc nên dành sự tôn kính đặc biệt cho ai trước – khi so sánh giữa một chính khách và một vị tướng lĩnh cầm quân – thì phán đoán thẩm mỹ vẫn ngã về cho người sau. Ngay cả chiến tranh, nếu được tiến hành có trật tự và tôn trọng những quyền thiêng liêng của thường dân, vẫn có một cái gì cao cả nơi chính nó và đồng thời làm cho cung cách tư duy của quốc gia tiến hành cuộc chiến tranh theo kiểu ấy chỉ càng thêm cao cả hơn khi quốc gia ấy bị đặt vào tình cảnh càng có nhiều hiểm nguy phải đương đầu và có thể dũng cảm đứng vững trước những hiểm nguy ấy. | Ngược lại, một cảnh thái bình kéo dài quá lâu thường tạo điều kiện cho óc mua bán đơn thuần, và cùng với nó là lòng vị kỷ thấp hèn, tính hèn nhát và nhu nhược trở thành thống lĩnh và hạ thấp khí độ của quốc gia ấy*.

Việc xóa bỏ quan niệm gắn tính cao cả cho mãnh lực [Tự nhiên] xem ra trái với thói quen của chúng ta khi hình dung Thượng đế trong cơn cuồng phong, bão tố, động đất v.v... như chính Ngài đang thể hiện mình qua cơn thịnh nộ, nhưng đồng thời cũng thể hiện cả tính cao cả của Ngài; và ở đây quả là điên rồ và tự phụ khi tưởng tượng ra một tính ưu việt của tâm thức con người vượt lên trên các hành động ấy, thậm chí còn có vẻ vượt lên trên cả các ý đồ của mãnh lực ghê gớm như thế. Ở đây, dường như không phải xúc cảm về tính cao cả của bản tính tự nhiên ở trong ta mà chính sự khuất phục, sự sờn lòng thối chí và xúc cảm về nỗi bất lực hoàn toàn mới đúng là cảm trạng của tâm thức tương ứng với sự biểu lộ của một đối tượng như thế và thường gắn liền với Ý niệm về đối tượng cao cả nhân chứng kiến các hiện tượng tự nhiên thuộc loại trên. Trong tôn giáo nói chung, sự khuất phục và cầu khẩn với mái đầu cúi thật thấp đi kèm với cử chỉ và lời nguyện cầu đầy sợ hãi và sám hối dường như là thái độ duy nhất phù hợp khi đối diện với thần linh như ta thấy tuyệt đại đa số các dân tộc đều chấp nhận và không ngừng thể hiện như vậy. Chỉ có điều, một cảm trạng như thế của tâm thức thực ra không thiết yếu gắn liền một cách tự thân với Ý niệm về tính cao cả của một tôn giáo và của đối tượng sùng bái của tôn giáo ấy. Con người ở trong tình trạng thực sự run sợ – thấy mình có lý do để phải run sợ vì ý thức rằng mình đang xúc phạm đến một mãnh lực mà ý chí của mãnh lực ấy là bất khả đề kháng và nghiêm minh bởi động cơ bất chính của mình – thì không hề được ở trong trạng thái tâm thức sẵn sàng để ngưỡng mộ sự vĩ đại của Thượng đế, một trạng thái đòi hỏi sự chiêm ngưỡng đầy an tĩnh và một sự phán đoán hoàn toàn tự do. Chỉ khi nào con người ý thức rằng mình đang có động cơ chính trực và làm hài lòng Thượng đế thì những hành động dữ dội kể trên của mãnh lực mới làm khơi dậy nơi mình Ý niệm về tính cao cả của Hữu thể thần linh này, trong chừng mực con người nhận ra nơi chính mình tính cao cả của động cơ phù hợp với ý chí ấy và qua đó được nâng mình lên cao hơn nỗi sợ hãi trước các uy lực của Tự nhiên và không còn nhìn chúng như những cơn bùng phát thịnh nộ của Thượng đế nữa. Ngay thái độ tự hạ mình [trong tôn giáo] như là sự đánh giá không khoan nhượng về những khiếm khuyết của mình – những khiếm khuyết thường có thể được bào chữa dễ dàng bằng sự yếu đuối của con người khi có ý thức về động cơ tốt – cũng là một cảm trạng cao cả của tâm thức khi tự nguyện đặt mình dưới sự đau đớn dày vò của việc tự hối nhằm mục đích dần dần tiêu trừ nguyên nhân ấy đi. Đây chính là phương cách duy nhất có tính nội tại để phân biệt tôn giáo với sự mê tín. | Sự mê tín không tạo dựng trong tâm thức sự kính sợ (Ehrfurcht) trước cái cao cả mà chỉ có sự khiếp sợ (Furcht) và lo sợ (Angst)* trước Hữu thể có quyền lực cao hơn mình mà con người đang khiếp hãi thấy phải chịu khuất phục trước ý chí của Hữu thể ấy nhưng không biết kính trọng. | Từ thái độ mê tín thực sự không thể nảy sinh được điều gì ngoài sự van nài phước lộc và sự siểm nịnh, thay vì một nền tôn giáo được thể hiện trong đời sống thiện hảo.

Vậy, tính cao cả không được chứa đựng trong bất kỳ sự vật nào của Tự nhiên mà chỉ ở trong tâm thức của ta, trong chừng mực ta có thể ý thức rằng mình ưu việt hơn hẳn bản tính tự nhiên ở bên trong ta và qua đó cả giới Tự nhiên ở bên ngoài ta (trong chừng mực nó gây ảnh hưởng đến ta). Tất cả những gì gây nên được xúc cảm này ở trong ta, kể cả mãnh lực của Tự nhiên thách thức sức lực của ta, mới được gọi là cao cả (dù không phải là cao cả đích thực [theo nghĩa tự bản thân chúng]); và cũng chỉ là cao cả với điều kiện tiên quyết là phải có Ý niệm [về cái cao cả] ở trong ta đã và chỉ trong quan hệ với Ý niệm này, ta có khả năng đạt tới được Ý niệm về tính cao cả của Hữu thể [tuyệt đối] tạo nên trong ta lòng tôn kính sâu xa không phải bởi sự biểu lộ đơn thuần về mãnh lực của mình ở trong Tự nhiên cho bằng thông qua quan năng được đặt vào bên trong ta để phán đoán về mãnh lực ấy một cách không khiếp sợ và xem sứ mệnh của mình là cao cả hơn hẳn mãnh lực ấy.

 

§29

VỀ [PHƯƠNG DIỆN] HÌNH THÁI (MODALITÄT)

CỦA PHÁN ĐOÁN VỀ CÁI CAO CẢ CỦA TỰ NHIÊN

Trong giới Tự nhiên có vô số sự vật đẹp đẽ mà ta có thể đòi hỏi cũng như chờ đợi sự nhất trí của mọi người – không quá cách xa – với phán đoán của ta về những sự vật ấy. | Nhưng, đối với phán đoán của ta về cái cao cả trong Tự nhiên lại khó có thể hy vọng một sự chấp nhận dễ dàng như thế ở mọi người. Bởi dường như cần phải có một trình độ đào luyện (Kultur) cao hơn nhiều không chỉ về năng lực phán đoán thẩm mỹ mà cả về năng lực nhận thức làm nền tảng mới cho phép ta có khả năng đưa ra một phán đoán về đặc điểm cao cấp này của những đối tượng tự nhiên.

Cảm trạng của tâm thức đối với cảm xúc về cái cao cả đòi hỏi một tính cảm thụ (Empfänglichkeit) của tâm thức đối với những Ý niệm, vì chính trong sự bất lực của Tự nhiên khi muốn vươn tới những Ý niệm này – và do đó, chỉ với điều kiện tiên quyết là có tính cảm thụ này và có sự nỗ lực của trí tưởng tượng để sử dụng Tự nhiên như là một Niệm thức [hay sơ đồ] (Schema) cho những Ý niệm – mới hình thành một cái gì đáng sợ đối với cảm năng, nhưng cái đáng sợ này lại có sức hấp dẫn ta. | Điều này nảy sinh từ sự kiện: cái đáng sợ ấy là quyền lực thống trị được lý tính áp đặt lên trên cảm năng nhằm mở rộng nó theo đúng các đòi hỏi của lĩnh vực riêng của lý tính (lĩnh vực thực hành) và nhằm buộc cảm năng phải mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài chính mình, hướng tới cái vô tận vốn là một hố thẳm đối với nó. Thật vậy, nếu không có sự phát triển của những Ý niệm luân lý thì những gì chúng ta gọi là cao cả – nhờ sự chuẩn bị từ trước của sự đào luyện văn hóa – hẳn chỉ là những gì đơn thuần đáng sợ đối với con người còn trong tình trạng hoang dã. Người ấy sẽ thấy trong những bằng chứng của bạo lực tàn phá của Tự nhiên – và so với mãnh lực có quy mô khổng lồ ấy, năng lực của cá nhân mình trở thành vô nghĩa – toàn là sự vất vả, hiểm nguy và khốn khó bao bọc quanh mình như trong cảnh bị lưu đày.

Cho nên, (như Saussure đã kể lại)*, người nông dân chất phác nhưng khá khôn ngoan ở vùng núi Savoyard ở dãy Alpen đã không ngần ngại gọi mọi kẻ yêu thích [leo lên] những ngọn núi tuyết là một lũ khùng. Ai có thể bảo rằng người nông dân này hoàn toàn không có lý, khi kẻ leo núi chịu hết mọi hiểm nguy về phía mình – giống như thói quen của mọi phần lớn khách du thám – chỉ vì lòng say mê hay chỉ để sau đó có thể viết được những trang tường thuật đầy hấp dẫn? Nhưng, rõ ràng ý định của Saussure là để giáo dục cho con người; và bản thân tác giả tuyệt vời này đã trải nghiệm cảm giác nâng cao tâm hồn của mình cũng như mang lại cho những người đọc sách du khảo của ông.

Tuy nhiên, bảo rằng sự đào luyện văn hóa là điều cần có để phán đoán về cái cao cả của Tự nhiên (nhiều hơn so với việc phán đoán về cái đẹp) không có nghĩa rằng cái cao cả là sản phẩm do văn hóa tạo ra và được đưa vào trong xã hội theo kiểu đơn thuần quy ước, trái lại, cái cao cả có cơ sở của nó ở trong bản tính tự nhiên của con người và là cái mà, cùng với tâm trí lành mạnh của con người, ta có thể hy vọng và đòi hỏi rằng ai ai cũng có ở trong tố chất bẩm sinh (Anlage) của mình đối với xúc cảm về những Ý niệm (thực hành), tức là, về những Ý niệm luân lý.

Đây chính là cơ sở cho tính tất yếu của sự tán đồng giữa phán đoán của những người khác về cái cao cả và phán đoán của riêng ta; tính tất yếu được ta bao hàm ngay trong phán đoán của riêng ta. Cho nên, giống như ta chê trách một người dửng dưng trước một đối tượng tự nhiên được ta thấy đẹp là kẻ thiếu óc thẩm mỹ thì ta cũng bảo người nào bất động tâm trước cái gì được ta phán đoán là cao cả là kẻ không có xúc cảm. Nhưng ta đòi hỏi cả hai [sở thích thẩm mỹ và xúc cảm] nơi bất kỳ người nào, và nếu người ấy có ít nhiều văn hóa, ta giả định tiên quyết cả hai điều ấy nơi họ. | Tuy nhiên chỉ với một sự khác biệt: trong trường hợp trước, bởi năng lực phán đoán chỉ liên hệ trí tưởng tượng với giác tính – như một quan năng của khái niệm – , ta đòi hỏi điều này như một việc đương nhiên; còn ở trường hợp sau, vì ở đây năng lực phán đoán liên hệ trí tưởng tượng với lý tính, như là quan năng của những Ý niệm, nên ta chỉ đòi hỏi với một tiền-giả định chủ quan (tuy nhiên ta tin rằng mình rất có quyền đòi hỏi), đó là tiền-giả định về tình cảm luân lý ở trong con người. | Và, với tiền-giả định này, ta cũng gắn tính tất yếu vào cho phán đoán thẩm mỹ về cái cao cả.

Ở trong hình thái (Modalität) này của các phán đoán thẩm mỹ, cụ thể là ở trong tính tất yếu được giả định của chúng, ta có một phương diện chủ yếu cực kỳ hệ trọng đối với công cuộc Phê phán năng lực phán đoán. Bởi chính hình thái này cho thấy rõ một nguyên tắc tiên nghiệm nơi chúng và tách chúng ra khỏi lĩnh vực của môn Tâm lý học thường nghiệm – là nơi chúng ắt sẽ bị chôn vùi dưới những tình cảm khoái lạc và đau đớn (cùng lắm chỉ được ban cho một từ bổ sung vô nghĩa như là một tình cảm “tinh tế” hơn) – để có thể đặt chúng, và nhờ chúng, đặt năng lực phán đoán vào trong hàng ngũ những phán đoán thuộc loại có những nguyên tắc tiên nghiệm làm nền tảng, và, với tư cách ấy, được chuyển vào trong lĩnh vực của TRIẾT HỌC SIÊU NGHIỆM.

 



* Ý tưởng gây nhiều tranh cãi về vai trò của “chiến tranh” cũng sẽ được Kant nêu rõ hơn trong bài viết ngắn về triết học lịch sử: “Ý tưởng về một lịch sử khái quát hướng theo mục đích làm công dân thế giới”/“Idee zu einer allgemeinen Geschichte in weltbürgerlichen Absicht”, 1784, và, sau này, nơi Hegel (xem Hegel, Hiện tượng học Tinh thần). (N.D).

* - Sự khiếp sợ (Furcht/Anh: fear; Pháp: la peur): sự sợ hãi trước một đối tượng cụ thể (vd: cái chết).

- Sự lo sợ (Angst/Anh: anxiety, in peril; Pháp: angoisse): sự sợ hãi không có đối tượng cụ thể. (N.D).

* H.B. de Saussure, Voyages dans les Alpes/Những chuyến du khảo vùng núi Alpe, 4 tập 1779, (in lại: Genève, 1978). Kant còn trích dẫn Saussure ở trang B127. (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt