Triết học nghệ thuật

Phân tích pháp về cái cao cả: Cái cao cả theo cách toán học

 

QUYỂN II

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI CAO CẢ

 

A: CÁI CAO CẢ THEO CÁCH TOÁN HỌC

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                       

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 153-170. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

§25

ĐỊNH NGHĨA “CÁI CAO CẢ”

Cái gì lớn [vĩ đại] một cách tuyệt đối thì được ta gọi là cao cả. Nhưng “lớn” và có “một độ lớn” [một đại lượng] là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau (latinh: magnitudoquantitas). Cũng thế, nói một cách đơn giản (simpliciter) rằng “cái gì đó là lớn” là hoàn toàn khác với nói “cái gì đó là lớn một cách tuyệt đối” (absolute, non comparative magnum). Cái sau là lớn vượt lên hẳn mọi sự so sánh. Vậy, khi khẳng định cái gì đó là “lớn”, là “nhỏ” hay “trung bình” thì điều này có nghĩa là gì? Điều được khẳng định không phải là một khái niệm thuần túy của giác tính [phạm trù]; càng không phải là một trực quan cảm tính, và lại càng không phải là một khái niệm [Ý niệm] của lý tính, bởi nó không hề mang theo mình nguyên tắc nào của nhận thức cả. Do đó, nó phải là một khái niệm của năng lực phán đoán, hoặc có nguồn gốc từ một khái niệm như thế và phải lấy một tính hợp mục đích-chủ quan của biểu tượng trong quan hệ với năng lực phán đoán làm cơ sở.

Khi đa thể của cái cùng loại [nhiều cái giống nhau] tập hợp lại tạo nên cái Một [sự vật], ta có thể lập tức nhận thức từ bản thân sự vật ấy rằng nó là một đại lượng (quantum). Nhưng, để xác định sự vật ấy “lớn bao nhiêu”, ta luôn luôn cần có một cái gì khác mà bản thân cũng là một đại lượng để đo lường “độ” (Maß) của nó. Song vì lẽ trong việc đánh giá về đại lượng, điều quan trọng không phải chỉ là tính đa thể (con số các đơn vị) mà cả đại lượng của đơn vị thống nhất (Độ), và vì đại lượng của đơn vị thống nhất này đến lượt nó bao giờ cũng đòi hỏi một cái gì khác như là độ của nó để nó có thể được so sánh và cứ thế tiếp tục, nên ta thấy rằng việc xác định đại lượng của hiện tượng, trong mọi trường hợp, đều tuyệt nhiên không thể mang lại một khái niệm tuyệt đối nào về một đại lượng, trái lại, bao giờ cũng chỉ là một khái niệm [dựa trên sự] so sánh thôi.

Bây giờ, nếu tôi khẳng định một cách giản đơn rằng cái gì đấy là “lớn” thì dường như tôi không hề nghĩ đến một sự so sánh, hay ít ra không có một độ đo lường khách quan nào, bởi qua đó không hề có ý muốn xác định đối tượng ấy “lớn bao nhiêu”. Tuy nhiên, mặc dù tiêu chuẩn của sự so sánh là đơn thuần có tính chủ quan, nhưng không vì thế mà phán đoán không có yêu sách có được sự tán đồng phổ biến: các phán đoán chẳng hạn: “người ấy đẹp”, hay “ông ấy vĩ đại” không tự giới hạn đơn thuần nơi chủ thể phán đoán mà đòi hỏi sự tán đồng của bất kỳ người nào, giống như những phán đoán lý thuyết.

Nhưng, trong một phán đoán biểu thị cái gì đó là “lớn” một cách giản đơn*, nó không chỉ muốn nói rằng đối tượng có một đại lượng, trái lại, đại lượng đồng thời được gán cho nó một cách ưu tiên (vorzugsweise) trước nhiều đối tượng khác cùng loại, song không xác định rõ sự ưu tiên này như thế nào. | Tuy thế một tiêu chuẩn rõ ràng cũng đã được dùng làm nền tảng cho phán đoán và được tiền-giả định như một tiêu chuẩn có thể được chấp nhận chung cho mọi người, nhưng chỉ khả dụng cho việc phán đoán thẩm mỹ về tính chất “lớn” chứ không phải cho một phán đoán lôgíc (có tính xác định theo kiểu toán học), vì tiêu chuẩn chỉ là đơn thuần chủ quan làm nền tảng cho phán đoán phản tư về tính chất “lớn”. Ngoài ra, tiêu chuẩn này cũng có thể là thường nghiệm, chẳng hạn như kích thước trung bình của những con người mà ta đã biết, của các thú vật thuộc một loại nào đó, của cây cối, nhà cửa hay núi non v.v... | Hoặc nó cũng có thể là một tiêu chuẩn được mang lại một cách tiên nghiệm, nhưng do sự bất toàn của chủ thể phán đoán, bị hạn chế bởi các điều kiện chủ quan trong việc diễn tả in concreto [một cách cụ thể], chẳng hạn như trong lĩnh vực thực hành: phán đoán về “độ lớn” của một đức hạnh nào đó hay của sự tự do công cộng và công lý trong một đất nước; hoặc như trong lĩnh vực lý thuyết: phán đoán về “độ lớn” của tính đúng đắn hay không đúng đắn của một sự quan sát hay đo đạc v.v...

Ở đây, có điều đáng chú ý là, mặc dù ta không có quan tâm nào đến đối tượng, nghĩa là, ta dửng dưng trước sự hiện hữu của nó, thế nhưng, chỉ “sự lớn” đơn thuần của nó thôi, kể cả khi nó được xem là vô-hình thức, lại có thể mang theo mình một sự hài lòng có thể thông báo một cách phổ biến, và như thế chứa đựng ý thức về một tính hợp mục đích chủ quan trong việc sử dụng các quan năng nhận thức của ta; nhưng [cần nhắc lại rằng] nó không phải là một sự hài lòng nơi đối tượng (vì đối tượng này có thể là vô-hình thức), khác hẳn với trường hợp hài lòng với cái đẹp, là nơi năng lực phán đoán phản tư tìm thấy chính mình ăn khớp một cách hợp mục đích trong quan hệ với nhận thức nói chung, còn ở đây là sự hài lòng trước việc mở rộng [tác động lên] bản thân trí tưởng tượng.

Khi ta (phục tùng sự hạn chế nói trên) nói về một đối tượng một cách giản đơn rằng: “nó là lớn” thì đây không phải là một phán đoán xác định theo kiểu toán học mà chỉ là một phán đoán phản tư về biểu tượng về nó; biểu tượng này là có tính hợp mục đích-chủ quan cho một sự sử dụng nào đó của các quan năng nhận thức của ta trong việc đánh giá về độ lớn; và trong trường hợp đó, lúc nào ta cũng gắn liền với biểu tượng ấy một kiểu tôn kính nào đó, giống như một kiểu khinh rẻ nào đó đối với cái gì bị ta gọi giản đơn là “nhỏ”. Vả lại, việc đánh giá sự vật là “lớn” hay “nhỏ” trải rộng trên mọi sự vật, kể cả trên mọi thuộc tính của chúng. | Vì thế, chúng ta cũng gọi cả vẻ đẹp là “lớn” hay “nhỏ” [“nhiều” hay “ít”]. | Lý do của việc này là ở chỗ: chúng ta chỉ có thể diễn tả một sự vật ở trong trực quan tuân theo điều lệnh quy định của năng lực phán đoán (cũng vì thế có thể hình dung nó một cách thẩm mỹ), bởi sự vật toàn là hiện tượng thôi, và do đó, cũng là một đại lượng (Quantum)*.

Tuy nhiên, nếu ta gọi một cái gì đấy không chỉ là “lớn” mà còn vĩ đại một cách tuyệt đối, về mọi phương diện (vượt lên trên mọi sự so sánh), nghĩa là gọi nó là cao cả, ắt ta thấy ngay rằng ta không được phép đi tìm cho nó một tiêu chuẩn nào tương ứng với nó ở bên ngoài nó cả, mà chỉ ở bên trong nó thôi. Nó là một đại lượng chỉ đơn thuần ngang bằng với chính bản thân nó. Kết luận rút ra từ đó là: không thể đi tìm cái cao cả ở trong những sự vật của giới Tự nhiên mà chỉ ở trong các Ý niệm của ta. | Còn chúng nằm ở trong các Ý niệm nào, xin dành lại cho phần Diễn dịch (Deduktion) sau này. [Xem mục §30 và tiếp, N.D].

Định nghĩa nói trên cũng có thể được diễn tả như thế này: cao cả là cái gì mà khi so sánh với nó, mọi cái khác đều là nhỏ. Ở đây, ta dễ dàng thấy ngay rằng: không có gì có thể có ở trong Tự nhiên – dù được ta đánh giá là lớn đến như thế nào – lại không thể bị hạ thấp xuống thành cái nhỏ vô tận nếu được xem xét trong một mối quan hệ khác; và ngược lại, không có gì là nhỏ mà không thể mở rộng thành lớn như cả một thế giới nếu so sánh nó với những tiêu chuẩn còn nhỏ hơn nữa đối với trí tưởng tượng của ta. Kính viễn vọng trong trường hợp trước và kính hiển vi trong trường hợp sau đã sẵn sàng mang lại cho ta quá nhiều chất liệu xác minh cho nhận xét trên đây. Vậy, không có gì có thể là đối tượng của giác quan mà được gọi là cao cả nếu được xem xét trên cơ sở này. Nhưng cũng chính vì trong trí tưởng tượng của ta có một nỗ lực tiến lên đến vô tận, còn trong lý tính của ta có một yêu sách về tính toàn thể tuyệt đối như một Ý niệm mang tính thực tại, nên bản thân sự bất lực của quan năng đánh giá độ lớn của những sự vật thuộc thế giới cảm tính nhằm đạt tới Ý niệm này làm thức dậy nỗi xúc cảm về một quan năng siêu-cảm tính ở trong ta; và chính sự sử dụng mà năng lực phán đoán dùng một cách tự nhiên để đặt một số đối tượng đặc thù phục vụ cho xúc cảm này chứ không phải đối tượng của giác quan mới lớn một cách tuyệt đối, còn bất kỳ sự sử dụng nào khác đều là nhỏ. Do đó, chính cảm trạng của tinh thần (Geistesstimmung)* thông qua một biểu tượng đặc thù đẩy năng lực phán đoán phản tư vào hoạt động chứ không phải đối tượng mới là cái được gọi là cao cả.

Tóm lại, ta có thể bổ sung cho các công thức trước đây để định nghĩa cái cao cả một công thức khác sau đây: “cao cả là cái gì mà năng lực đơn thuần của sự suy tưởng minh chứng [sự có mặt của] một quan năng của tâm thức vượt hẳn lên mọi tiêu chuẩn hay thước đo của giác quan”.

 

§26

VIỆC LƯỢNG ĐỊNH ĐỘ LỚN CỦA NHỮNG SỰ VẬT

TRONG TỰ NHIÊN CẦN THIẾT CHO Ý NIỆM VỀ CÁI CAO CẢ

Việc lượng định độ lớn bằng các khái niệm của con số (hay bằng các ký hiệu của chúng trong đại số học) là có tính toán học, còn sự lượng định trong trực quan đơn thuần (bằng mắt) là có tính thẩm mỹ. Thật thế, ta chỉ có thể có được các khái niệm xác định về câu hỏi: “sự vật lớn bao nhiêu” bằng cách dựa vào những con số (hoặc thường là những tiệm cận bằng các dãy số kéo dài đến vô tận), và sự thống nhất của chúng là Độ. | Trong chừng mực đó, mọi sự lượng định lôgíc về độ lớn đều có tính toán học. Nhưng, vì độ lớn của Độ phải được giả định như là một lượng đã biết, nên, nếu muốn lượng định về điều này, ta lại phải dựa vào những con số có một Độ [tiêu chuẩn] khác cho sự thống nhất của chúng và do đó, lại phải tiến hành một cách toán học, ta sẽ không bao giờ đạt tới một Độ đầu tiên hay Độ cơ bản và như thế, không thể có được bất kỳ khái niệm xác định nào về một độ lớn đã cho. Do đó, việc lượng định độ lớn của Độ cơ bản chỉ ở chỗ ta có thể nắm bắt độ lớn ấy một cách trực tiếp ở trong một trực quan và sử dụng nó thông qua trí tưởng tượng để diễn tả các khái niệm về con số, nghĩa là, mọi lượng định về độ lớn đối với những đối tượng của Tự nhiên kỳ cùng là có tính thẩm mỹ (tức là được xác định một cách chủ quan chứ không phải khách quan).

Bây giờ ta thấy, đối với việc lượng định độ lớn toán học, không thể có cái “lớn nhất”(vì sức mạnh của những con số là có thể đi tới vô tận); nhưng, trong việc lượng định độ lớn theo kiểu thẩm mỹ thì lại có một cái “lớn nhất”; và tôi nói về cái này rằng: khi nó được đánh giá như là Độ tuyệt đối, nghĩa là bên ngoài nó không thể có cái gì lớn hơn được nữa một cách chủ quan (tức đối với chủ thể phán đoán), nó mang theo mình Ý niệm về cái cao cả và tạo nên một sự rung động (Rührung) mà không một sự lượng định độ lớn nào theo kiểu toán học bằng những con số có thể tạo ra được (trừ khi trong chừng mực Độ cơ bản mang tính thẩm mỹ được duy trì một cách sống động ở trong trí tưởng tượng). | Lý do là vì cái sau bao giờ cũng chỉ diễn tả độ lớn tương đối qua việc so sánh với những độ lớn khác cùng loại, còn cái trước diễn tả độ lớn một cách tuyệt đối (schlechthin), trong chừng mực tâm thức có thể nắm bắt nó ở trong một trực quan.

Tiếp thu một đại lượng (Quantum) vào trong trí tưởng tượng bằng cách trực quan để có thể sử dụng nó làm Độ hay như là sự thống nhất [của đơn vị] nhằm lượng định độ lớn bằng các con số, cần có hai hành vi [hay thao tác] của quan năng này: sự lĩnh hội (Auffassung/latinh: apprehensio) và sự thống hội [thẩm mỹ] (Zusammenfassung/latinh: comprehensio aesthetica). Sự lĩnh hội không gặp khó khăn gì, vì tiến trình này có thể đi đến vô tận, nhưng, với tự tiến lên phía trước của sự lĩnh hội, sự thống hội gặp khó khăn với từng bước tiến này và sớm đạt tới cái tối đa của nó, và đó là Độ cơ bản lớn nhất – có tính thẩm mỹ đối với việc lượng định độ lớn. Vì khi sự lĩnh hội đã đạt tới một điểm mà các biểu tượng bộ phận của trực quan cảm tính đã được lĩnh hội đầu tiên bắt đầu biến mất khỏi trí tưởng tượng, trong khi trí tưởng tượng tiếp tục tiến lên lĩnh hội các biểu tượng khác, thì phần nó mất đi ở mặt này cũng ngang bằng với phần nó thu được ở mặt kia, và đối với sự thống hội, ta đạt được một cái lớn nhất [cái tối đa] mà trí tưởng tượng không thể vượt ra khỏi được.

Điều này giải thích các quan sát được Savary* ghi nhận trong các tường trình của ông về nước Ai Cập, đó là người ta không nên đến quá gần mà cũng không nên đứng quá xa các kim tự tháp mới có thể cảm nhận trọn vẹn sự rung động trước sự vĩ đại của chúng. Bởi vì trong trường hợp sau, những bộ phận đã được lĩnh hội (những khối đá chồng lên nhau) chỉ được hình dung mơ hồ và biểu tượng về chúng không gây tác động nào lên phán đoán thẩm mỹ của chủ thể. Còn trong trường hợp trước, mắt ta cần một ít thời gian để hoàn tất việc lĩnh hội từ đáy lên đến đỉnh, nhưng trong khoảng thời gian này, các điều được lĩnh hội đầu tiên bao giờ cũng mất đi một phần trước khi trí tưởng tượng tiếp thu được điều sau cùng, và như thế, sự thống hội không bao giờ hoàn tất được. Cách này cũng có thể đủ để giải thích sự thảng thốt hay một dạng bối rối nào đó nơi khách tham quan khi đặt chân lần đầu tiên vào nhà thờ Thánh Phêrô ở Roma, như người ta thường kể. Vì ở đây là một xúc cảm về nỗi bất lực của trí tưởng tượng để diễn tả Ý niệm về một cái toàn bộ trong đó trí tưởng tượng của người du khách đạt tới sự tối đa của nó, và trong nỗ lực [không kết quả] để mở rộng giới hạn này, trí tưởng tượng rơi trở lại vào trong chính mình, song qua đó được hưởng một sự hài lòng đầy xúc động.

Trước mắt, tôi chưa muốn bàn về nguyên nhân của sự hài lòng này, đặc biệt khi nó được nối kết với một biểu tượng mà ta ít chờ đợi nhất, đó là cho thấy có sự bất lực [sự không tương ứng nổi] và do đó, tính phản-mục đích chủ quan của chính biểu tượng đối với năng lực phán đoán trong việc lượng định độ lớn. | Ở đây, tôi tự giới hạn vấn đề và chỉ nhận xét rằng nếu phán đoán thẩm mỹ là thuần túy (không bị trộn lẫn với bất kỳ phán đoán mục đích luận – teleologisch – nào, vốn là phán đoán của lý tính), và nếu ta phải đưa ra một ví dụ hoàn toàn thích hợp về nó cho công cuộc Phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ, thì ta không được chỉ ra cái cao cả ở nơi những sản phẩm của nghệ thuật [nhân tạo] (chẳng hạn như nhà cửa, tượng v.v...) là nơi một mục đích của con người quy định hình thức lẫn độ lớn; cũng không phải ở nơi những sự vật của Tự nhiên, mà ngay trong khái niệm về chúng đã mang theo một mục đích nhất định (vd: thú vật thuộc một quy định tự nhiên được thừa nhận nào đó), mà là ở trong Tự nhiên hoang sơ có chứa đựng độ lớn (và chỉ ở đây trong chừng mực không mang theo mình sự kích thích hấp dẫn hay rung động nào nảy sinh từ sự nguy hiểm hiện thực). Bởi vì, ở trong một biểu tượng thuộc loại này, [bản thân] Tự nhiên không chứa đựng điều gì là kinh dị (ungeheuer) cả (cũng không tráng lệ hay khủng khiếp): độ lớn được lĩnh hội có thể tăng lên đến đâu cũng được, miễn là trí tưởng tượng còn có khả năng nắm bắt nó trong một cái toàn bộ. Một đối tượng là “kinh dị” (ungeheuer) khi nó phá hủy mục đích tạo nên khái niệm về nó, do độ lớn của nó. Còn “khổng lồ” (kolossalisch) là chỉ sự diễn tả đơn thuần về một khái niệm, nhưng khái niệm ấy gần như là quá lớn đối với bất cứ sự diễn tả nào (tiếp cận với cái kinh dị, xét một cách tương đối), bởi mục đích nhắm tới khi diễn tả một khái niệm khó thực hiện được do trực quan về đối tượng hầu như quá lớn đối với quan năng lĩnh hội của ta. Tuy nhiên, một phán đoán thuần túy về cái cao cả tuyệt nhiên không được lấy bất kỳ mục đích nào của đối tượng làm cơ sở quy định cho mình, nếu nó muốn là phán đoán thẩm mỹ chứ không muốn bị pha trộn với một phán đoán của giác tính hay của lý tính.

----------o0o----------

Bởi lẽ tất cả những gì muốn là nguồn gốc của sự vui sướng nhưng không có sự quan tâm nào đều phải mang theo trong biểu tượng của mình tính hợp mục đích chủ quan, và, với tư cách ấy, có giá trị phổ biến, thế nhưng ở đây lại không có tính hợp mục đích nào cả về mặt hình thức của đối tượng làm nền tảng cho sự phán đoán [thẩm mỹ] của ta (như trong trường hợp với cái đẹp), nên câu hỏi nảy sinh ra là: tính hợp mục đích-chủ quan ở đây là gì? và bằng cách nào nó có thể được đề ra như một chuẩn mực (Norm) [hay quy phạm] làm cơ sở cho sự hài lòng có giá trị phổ biến trong việc lượng định đơn thuần về độ lớn, thậm chí trong trường hợp nó được đẩy tới chỗ trí tưởng tượng thất bại trong việc diễn tả khái niệm về một độ lớn và cho thấy sự bất lực [sự không tương ứng] của trí tưởng tượng trước nhiệm vụ của mình?

Trong việc tổ hợp (Zusammensetzung) [các đơn vị một cách tuần tự] theo đòi hỏi của việc hình dung về độ lớn, trí tưởng tượng tự mình tiến lên đến vô tận mà không gặp khó khăn trở ngại gì. | Còn giác tính thì hướng dẫn trí tưởng tượng bằng các khái niệm về con số, trong khi trí tưởng tượng phải cung cấp niệm thức (Schema)* cho giác tính. | Nhưng phương cách này là thuộc về sự lượng định có tính lôgíc về độ lớn, và với tư cách ấy, quả có cái gì hợp mục đích một cách khách quan dựa theo khái niệm về một mục đích (như vốn có trong mọi sự đo lường), tuy nhiên lại không có gì là hợp mục đích hay làm hài lòng đối với năng lực phán đoán thẩm mỹ ở đây cả. Ngoài ra, trong tính hợp mục đích có ý hướng này cũng không có gì buộc ta phải tận dụng hết sức lực của trí tưởng tượng và đẩy nó đến mức diễn tả được tối đa việc mở rộng kích thước của Độ và, qua đó, làm cho một trực quan duy nhất có thể thống hội (Zusammenfassung) được cái đa thể. Bởi vì, trong việc lượng định độ lớn của giác tính (trong số học), ta cũng đi tới được như thế hoặc bằng cách đẩy sự thống hội các đơn vị cho tới con số 10 (trong hệ thập phân) hoặc chỉ tới số 4 (trong hệ tứ phân), rồi việc tạo ra tiếp tục độ lớn được thực hiện bằng sự tổ hợp dần dần các đơn vị, hoặc nếu đại lượng đã được mang lại trong trực quan, thì bằng cách lĩnh hội, tức chỉ tiến lên dần dần (chứ không phải một cách thống hội), dựa theo một nguyên tắc tiến lên (Progressionsprinzip) đã được chấp nhận. Trong việc lượng định độ lớn theo kiểu toán học này, giác tính cũng được phục vụ và thoả mãn không kém nếu trí tưởng tượng chọn lựa cho sự thống nhất [của đơn vị] một độ lớn mà người ta có thể nắm bắt ngay lập tức, chẳng hạn một “Fuß” hay một “Rute”**, hay thậm chí một dặm Đức hoặc cả đường kính của trái đất mà sự lĩnh hội về chúng đúng là có thể làm được, nhưng không phải là sự thống hội ở trong trực quan của trí tưởng tượng (nghĩa là không thể làm được bằng một sự “comprehensio aesthetica” [thống hội thẩm mỹ], dù có thể làm được bằng một sự “comprehensio logica” [thống hội lôgíc] ở trong một khái niệm về con số). Trong cả hai trường hợp nói trên, việc lượng định độ lớn về mặt lôgíc đi tới vô tận mà không gặp cản ngại gì cả.

Nhưng bây giờ tâm thức lại nghe theo tiếng nói của lý tính vốn luôn đòi hỏi một tính toàn thể (Totalität) cho mọi độ lớn được mang lại, kể cả cho những cái không bao giờ có thể được lĩnh hội một cách trọn vẹn, mặc dù (trong biểu tượng cảm tính) được xem như đã được mang lại trọn vẹn. | Và do đó là đòi hỏi sự thống hội ở trong một trực quan cũng như đòi hỏi một sự diễn tả đáp ứng cho tất cả mọi mắt xích của một chuỗi số lớn lên không ngừng và thậm chí không những không loại trừ khỏi sự đòi hỏi này cả cái vô tận (của không gian và thời gian đã trôi qua), mà còn làm cho ta không thể tránh được việc phải suy tưởng cái vô tận này (ở trong phán đoán của lý trí thông thường) như là đã được mang lại một cách toàn bộ (nghĩa là: đã được mang lại trong tính toàn thể của nó).

Nhưng, cái vô tận là lớn một cách tuyệt đối (chứ không phải chỉ lớn theo nghĩa so sánh). So sánh với cái lớn tuyệt đối này, mọi cái khác (cùng một loại độ lớn) đều là nhỏ. Tuy nhiên, điểm đặc sắc nhất ở đây là: bản thân việc đơn thuần có thể suy tưởng cả về cái vô tận như một cái toàn bộ cho thấy có một quan năng của tâm thức vượt hẳn lên trên mọi tiêu chuẩn (Maßstab: thước đo) của giác quan. Bởi nếu muốn thế, ắt đòi hỏi giác quan phải có một sự thống hội cung cấp một thước đo như là đơn vị thống nhất có một mối tương quan bằng con số nhất định với cái vô tận, điều này là phi lý, không thể có được. Tuy nhiên, ngay việc có thể suy tưởng về cái vô tận – như là đã được mang lại – mà không gặp mâu thuẫn là việc làm đòi hỏi phải có một quan năng bản thân là siêu-cảm tính ở trong tâm thức con người. Bởi chỉ nhờ vào quan năng này và Ý niệm của nó về một cái “Noumenon”* [“vật tự thân”, “cái khả niệm”], – tức cái bản thân không cho phép [ta] có được trực quan nào về nó, song lại được đặt làm nền tảng như là cơ chất (Substrat) cho trực quan về thế giới xét như hiện tượng đơn thuần – thì cái vô tận của thế giới cảm tính mới được thống hội lại toàn bộ trong việc lượng định về độ lớn một cách thuần túy trí tuệ dưới một khái niệm, mặc dù trong việc lượng định theo kiểu toán học bằng các khái niệm số, nó [cái vô tận] không bao giờ có thể được suy tưởng một cách trọn vẹn như một toàn bộ. Ngay một quan năng tạo khả năng cho cái vô tận của trực quan siêu-cảm tính được suy tưởng như là “đã được mang lại” (trong cơ chất khả niệm của nó) vượt hẳn mọi tiêu chuẩn của cảm năng và là “lớn” hơn hẳn mọi sự so sánh, kể cả so với quan năng lượng định theo kiểu toán học: tất nhiên, không phải – từ quan điểm lý thuyết – để phục vụ cho quan năng nhận thức, mà nhằm mở rộng tâm thức, giúp cho tâm thức, từ một quan điểm khác (tức quan điểm thực hành), tự cảm thấy bản thân mình có năng lực vượt ra khỏi các khuôn khuôn khổ hạn chế của cảm năng.

Vậy, giới Tự nhiên là cao cả trong những gì thuộc về những hiện tượng của nó khi trực quan về những hiện tượng này mang theo mình Ý niệm về tính vô tận của chúng. Nhưng điều này không thể diễn ra bằng cách nào khác hơn là thông qua tính không tương ứng [hay: sự bất lực] kể cả của nỗ lực lớn nhất của trí tưởng tượng của ta trong việc lượng định độ lớn của một đối tượng. Bây giờ ta thấy: đối với sự lượng định độ lớn theo kiểu toán học, trí tưởng tượng hoàn toàn có đủ năng lực để cung cấp một Độ đáp ứng đúng các đòi hỏi của bất kỳ đối tượng nào. | Bởi vì các khái niệm về con số của giác tính, bằng con đường tổng hợp tiến lên (Progression), có thể tạo ra bất kỳ Độ nào tương ứng với bất kỳ độ lớn nào được cho. Do đó, phải là sự lượng định độ lớn theo kiểu thẩm mỹ, trong đó ta vừa có được cảm xúc về nỗ lực hướng đến một sự thống hội vượt ra khỏi quan năng của trí tưởng tượng để nắm bắt việc lĩnh hội tiến lên tuần tự [của trí tưởng tượng] trong một cái toàn bộ của trực quan; và, đồng thời vừa nhận rõ sự bất lực của quan năng này – vốn phải tiến lên vô giới hạn –, mới nắm lấy và sử dụng được một Độ cơ bản (Grundmaß) thích dụng trong việc lượng định độ lớn mà giác tính không phải mất công sức gì cả. Độ cơ bản bất biến đích thực của Tự nhiên chính là cái toàn bộ tuyệt đối của Tự nhiên, tức là cái, cùng với Tự nhiên, xét như một hiện tượng, không gì khác hơn là tính vô tận được thống hội. Song, bởi lẽ Độ cơ bản này là một khái niệm tự-mâu thuẫn (do không thể có một tính toàn thể tuyệt đối của một tiến trình không kết thúc), nên độ lớn của một đối tượng Tự nhiên – mà trí tưởng tượng dù tận lực vẫn hoài công trong việc thống hội nó – nhất thiết phải dẫn khái niệm về Tự nhiên của ta đến một cơ chất siêu-cảm tính (ein übersinnliches Substrat) (làm cơ sở cho cả Tự nhiên lẫn quan năng suy tưởng của ta) lớn hơn hẳn mọi thước đo của giác quan. | Như thế, không phải đối tượng mà chính là cảm trạng của tâm thức (Gemütsstimmung) khi lượng định về đối tượng mới là cái được phán đoán là cao cả.

Vì thế, cũng giống như năng lực phán đoán thẩm mỹ khi đánh giá về cái đẹp đã liên hệ trí tưởng tượng trong “trò chơi” tự do của nó với giác tính để tạo ra sự tương hợp với các khái niệm của giác tính nói chung (nhưng không nhằm xác định chúng), thì trong việc đánh giá một sự vật là cao cả, năng lực phán đoán thẩm mỹ liên hệ trí tưởng tượng với lý tính nhằm tạo ra sự trùng hợp chủ quan với các Ý niệm của lý tính (không xác định là các Ý niệm nào), nghĩa là, nhằm tạo ra một cảm trạng của tâm thức tương ứng và ăn khớp với lý tính khi ảnh hưởng của các Ý niệm (thực hành) nhất định có thể tác động lên cảm xúc.

Điều này cho thấy rõ rằng: tính cao cả đích thực phải được đi tìm ở trong tâm thức của chủ thể phán đoán, chứ không phải ở nơi đối tượng tự nhiên, mà chính sự đánh giá về nó mới tạo cơ hội có được cảm trạng này về nó. Ai chẳng muốn gọi những dãy núi trùng điệp vô hình thù chồng chất lên nhau một cách hỗn độn với những đỉnh cao đầy băng tuyết hay đại dương mù mịt đang gầm thét là “cao cả”? Nhưng [thực ra], khi ta chiêm ngưỡng chúng, không xét đến hình thức của chúng, tâm thức ta phó thác cho trí tưởng tượng và cho một lý tính được gắn liền với nó, một lý tính hoàn toàn không có một mục đích nhất định nào cả mà chỉ nhằm mở rộng tầm nhìn của trí tưởng tượng, tâm thức cảm thấy bản thân mình được nâng cao lên trong sự tự đánh giá về chính mình khi thấy ra rằng toàn bộ sức mạnh của trí tưởng tượng vẫn bất lực, không thể tương xứng với các Ý niệm của lý tính.

Những điển hình về cái cao cả-toán học của Tự nhiên ở trong trực quan đơn thuần cung cấp cho ta trong mọi trường hợp khi trí tưởng tượng không chỉ có được một khái niệm về con số lớn hơn cho bằng một đơn vị thống nhất lớn hơn như là Độ (để rút ngắn các dãy số). Một cái cây được ta lượng định bằng chiều cao của con người sẽ mang lại một thước đo [tiêu chuẩn] trong mọi trường hợp cho một hòn núi; rồi giả định rằng hòn núi này cao một dặm, nó có thể dùng làm đơn vị cho con số thể hiện đường kính của trái đất để làm cho đường kính này có thể hình dung được bằng trực quan; và tương tự như thế, dùng đường kính trái đất cho hệ thống hành tinh đã được biết; rồi lại dùng cái này cho hệ thống Ngân hà; và số lượng vô hạn những hệ thống ngân hà như thế với tên gọi là “Nebulae” lại có thể, đến lượt chúng, hình thành một hệ thống tương tự và ta không chờ đợi có một ranh giới nào ở đây cả. Vậy, trong việc phán đoán thẩm mỹ về một cái toàn bộ vô lượng như thế, cái cao cả không nằm ở trong độ lớn của con số cho bằng nằm trong sự kiện là, càng tiến lên phía trước, ta càng luôn đạt đến những đơn vị lớn hơn nữa. | Chính sự phân chia có hệ thống của toà nhà vũ trụ dẫn đến kết quả này, vì nó hình dung tất cả những gì là lớn ở trong Tự nhiên, đến lượt chúng, lại trở thành nhỏ; hay, nói chính xác hơn, nó hình dung trí tưởng tượng của ta trong toàn bộ tính vô-ranh giới, và cùng với trí tưởng tượng, Tự nhiên cũng tiêu biến thành bé mọn vô nghĩa trước các Ý niệm của lý tính, một khi trí tưởng tượng muốn ra sức mang lại một sự diễn tả tương ứng với các Ý niệm này.

 

§27

VỀ [PHƯƠNG DIỆN] CHẤT (QUALITÄT) CỦA

SỰ HÀI LÒNG TRONG PHÁN ĐOÁN VỀ CÁI CAO CẢ

Sự tôn kính (Achtung) là xúc cảm về nỗi bất lực của ta trong việc đạt đến được một Ý niệm [của lý tính], khi Ý niệm ấy là quy luật đối với ta. Bây giờ ta thấy, Ý niệm về sự thống hội bất kỳ một hiện tượng nào có thể được mang lại cho ta trong một cái toàn bộ của trực quan chính là một Ý niệm áp đặt lên ta bởi một quy luật của lý tính, Ý niệm này không thừa nhận một Độ nào có tính xác định, có giá trị phổ biến và bất biến ngoài cái toàn bộ-tuyệt đối. Thế nhưng, trí tưởng tượng của ta, kể cả khi nỗ lực tối đa để thống hội một đối tượng được mang lại trong cái toàn bộ của trực quan như lý tính đòi hỏi (tức để diễn đạt được Ý niệm của lý tính) vừa chứng tỏ các giới hạn và sự bất lực [sự không tương ứng] của mình, thì đồng thời cũng cho thấy sứ mệnh (Bestimmung)* của nó là phải làm cho mình tương ứng được với Ý niệm ấy như với một quy luật. Do đó, xúc cảm về cái cao cả ở trong Tự nhiên là sự tôn kính trước sứ mệnh* của riêng ta; một sự tôn kính vốn được ta dành cho đối tượng của Tự nhiên do một sự lẫn lộn (Subreption) nào đó (tôn kính đối tượng thay vì tôn kính Ý niệm về Con người trong chính Chủ thể của ta); và chính xúc cảm này mới hầu như cho phép ta trực quan được tính ưu việt của các quan năng nhận thức về phương diện sứ mệnh của lý tính (Vernunftbestimmung)* hơn hẳn quan năng mạnh mẽ nhất của cảm năng.

Như thế, xúc cảm về cái cao cả vừa là một xúc cảm của sự không vui sướng, nảy sinh từ tính không tương ứng [hay bất lực] của trí tưởng tượng trong việc lượng định thẩm mỹ về độ lớn hầu đạt đến được sự lượng định bởi lý tính, nhưng đồng thời vừa là một sự vui sướng được khơi dậy cũng chính từ chỗ phán đoán về tính không tương ứng của quan năng cảm tính lớn nhất so với các Ý niệm của lý tính, trong chừng mực nỗ lực vươn đến các Ý niệm này là một quy luật đối với ta. Nói khác đi, quy luật (của lý tính) đối với ta và cũng là sứ mệnh của ta buộc ta phải đánh giá tất cả những gì được ta xem là lớn ở trong Tự nhiên với tư cách là đối tượng của giác quan đều là nhỏ so với các Ý niệm của lý tính; và những gì khơi dậy trong ta niềm xúc cảm về sứ mệnh [hay tính quy định] siêu-cảm tính này của mình thì đều tương hợp với quy luật ấy. Nay, nỗ lực lớn nhất của trí tưởng tượng trong việc diễn tả đơn vị thống nhất nhằm lượng định độ lớn có quan hệ với cái gì lớn-tuyệt đối, do đó, có quan hệ với quy luật của lý tính khẳng định rằng chỉ duy cái lớn-tuyệt đối này mới được thừa nhận như là Độ tối cao của tất cả những gì là lớn. Cho nên, sự tri giác bên trong về tính không thích hợp của mọi thước đo cảm tính đối với việc lượng định độ lớn của lý tính lại là một sự trùng hợp với các quy luật của lý tính, và một sự không-vui sướng – mà xúc cảm về sứ mệnh siêu-cảm tính khơi dậy trong ta – xét theo sứ mệnh ấy, lại là hợp-mục đích, do đó, là sự vui sướng khi thấy rằng bất kỳ thước đo nào của cảm năng đều không tương ứng với các Ý niệm của lý tính.

Trong việc hình dung cái cao cả ở trong Tự nhiên, tâm thức cảm thấy được đặt vào trạng thái vận động, trong khi phán đoán thẩm mỹ về cái đẹp để yên tâm thức trong trạng thái tĩnh quan yên tĩnh. Sự vận động này (nhất là trong lúc đầu) có thể so sánh với một sự chấn động, nghĩa là, với trạng thái thay đổi nhanh chóng giữa “sức hút” và “sức đẩy” của cùng một đối tượng [vừa thấy lôi cuốn, vừa ghê sợ]. Đối với trí tưởng tượng, điểm quá mức độ (mà nó bị đẩy tới trong việc lĩnh hội về trực quan) hầu như là một hố thẳm khiến nó sợ hãi sẽ đánh mất mình trong đó, thì đối với Ý niệm của lý tính về cái Siêu-cảm tính lại không phải là quá mức độ mà là hợp quy luật, nhằm tạo ra một nỗ lực như thế của trí tưởng tượng, do đó, đến lượt mình, lại thấy ngay trong Độ [tuyệt đối] là có tính hấp dẫn, trong khi Độ ấy vốn đã là cái đáng ghê sợ đối với cảm năng đơn thuần. Tuy nhiên, bản thân phán đoán ở đây bao giờ cũng chỉ có tính thẩm mỹ thôi, bởi nó – không lấy một khái niệm nhất định nào về đối tượng làm cơ sở cả – chỉ đơn thuần hình dung “trò chơi” chủ quan của các năng lực tâm thức (ở đây là giữa trí tưởng tượng và lý tính) như là hòa hợp với nhau nhờ thông qua chính sự tương phản giữa chúng. Bởi vì, cũng giống như khi phán đoán về cái đẹp, trí tưởng tượng và giác tính nhờ thông qua sự nhất trí với nhau, thì ở đây, trí tưởng tượng và lý tính nhờ thông qua sự đối lập giữa chúng mới tạo ra tính hợp mục đích chủ quan của các năng lực tâm thức; nghĩa là, tạo ra một xúc cảm rằng chúng ta sở hữu một lý tính tự chủ và thuần túy, hay sở hữu môt quan năng lượng định độ lớn mà tính ưu việt của nó không thể được trực quan bằng cách nào khác hơn là thông qua sự bất túc của chính quan năng trước [trí tưởng tượng] vốn bản thân không bị giới hạn trong việc diễn tả những độ lớn khác nhau (của những đối tượng cảm tính).

Việc đo đạc một không gian (như là hành vi lĩnh hội) đồng thời là sự mô tả nó, do đó, là sự vận động khách quan ở trong trí tưởng tượng và là một tiến trình quy tiến (Pro-gressus). | Ngược lại, sự thống hội cái đa thể vào trong cái nhất thể không phải của tư tưởng mà của trực quan, do đó, là thống hội cái đã được lĩnh hội tuần tự vào trong một khoảnh khắc tức thời, lại là một tiến trình quy thoái (Regressus), thủ tiêu đi điều kiện thời gian trong tiến trình quy tiến của trí tưởng tượng và làm cho sự tồn tại đồng thời (das Zugleich-sein) có thể trực quan được. Vì thế, bởi lẽ chuỗi thời gian là một điều kiện của giác quan bên trong và của một trực quan, nên sự thống hội là một tiến trình vận động chủ quan của trí tưởng tượng qua đó nó dùng bạo lực cưỡng bức đối với giác quan bên trong; một bạo lực cưỡng bức càng dễ nhận thấy rõ khi đại lượng (Quantum) mà trí tưởng tượng thống hội trong một trực quan càng lớn. Cho nên, nỗ lực tiếp nhận một Độ cho những độ lớn ở trong một trực quan riêng lẻ, – mà việc lĩnh hội Độ ấy lẽ ra đòi hỏi khá nhiều thời gian – là một phương cách hình dung, xét về mặt chủ quan, là đi ngược lại mục đích, nhưng xét về khách quan, là cần thiết cho việc lượng định độ lớn, do đó, là hợp-mục đích. | Ở đây, cũng chính cùng một bạo lực đã cưỡng bức chủ thể thông qua trí tưởng tượng và được đánh giá là hợp-mục đích đối với toàn bộ sứ mệnh của tâm thức.

Chất (Qualität) của xúc cảm về cái cao cả nằm ở xúc cảm về sự không vui sướng đối với một đối tượng xét về phương diện quan năng phán đoán thẩm mỹ. Nhưng xúc cảm không vui sướng này đồng thời được hình dung như là hợp-mục đích; một sự hình dung sở dĩ có thể có được là từ sự kiện: chính sự bất lực của chủ thể làm phát hiện ra ý thức về một quan năng không bị giới hạn của bản thân chủ thể ấy, và, tâm thức chỉ có thể đưa ra phán đoán thẩm mỹ về quan năng này là nhờ vào sự bất lực nói trên.

 

Trong việc lượng định có tính lôgíc về độ lớn, sự bất khả thể của việc hy vọng đạt được một tính toàn thể tuyệt đối thông qua tiến trình đo đạc theo kiểu quy tiến (Progressus) về những sự vật của thế giới cảm tính trong không gian và thời gian được nhận thức như là một sự bất khả thể khách quan, tức là, một sự bất khả thể của việc suy tưởng về cái vô tận như là cái gì đã được mang lại, chứ không phải như là sự bất khả thể đơn thuần chủ quan, tức là, sự bất khả thể của việc nắm bắt (fassen) được nó; bởi ở đây vấn đề không phải là mức độ thống hội vào trong một trực quan như là Độ, trái lại, tất cả đều dựa vào một khái niệm về con số. Còn trong việc lượng định có tính thẩm mỹ về độ lớn, khái niệm về con số phải dẹp bỏ đi hoặc phải được biến đổi. | Điều duy nhất có tính hợp-mục đích đối với một sự lượng định như thế là sự thống hội về phía trí tưởng tượng để đi đến đơn vị thống nhất của Độ (do đó, tránh được khái niệm về một quy luật của việc tạo ra tuần tự các khái niệm về độ lớn).

Bây giờ, nếu một độ lớn hầu như đạt tới mức cực điểm cho quan năng của ta để thống hội nó vào một trực quan, nhưng vẫn còn là những độ lớn bằng con số (do đó ta có ý thức về tính không bị giới hạn của quan năng của ta) đang yêu cầu trí tưởng tượng thống hội thẩm mỹ vào một đơn vị thống nhất lớn hơn, ắt tâm thức ta sẽ cảm thấy bị gò bó bên trong những ranh giới về mặt thẩm mỹ. | Tuy nhiên, hướng đến sự mở rộng trí tưởng tượng một cách tất yếu để tương ứng với cái gì không bị giới hạn trong quan năng lý tính của ta, tức là với Ý niệm về cái Toàn bộ-tuyệt đối, thì sự không vui sướng này, và do đó, sự thiếu tính hợp mục đích trong quan năng trí tưởng tượng vẫn được hình dung như là hợp-mục đích đối với các Ý niệm của lý tính và với việc khơi dậy các Ý niệm này. Cũng chính bằng cách này, bản thân phán đoán thẩm mỹ là hợp mục đích-chủ quan đối với lý tính như là nguồn suối của những Ý niệm, nghĩa là, của một sự thống hội có tính trí tuệ mà đối với nó, mọi sự thống hội thẩm mỹ đều là bé nhỏ; và đối tượng được tiếp thu như là cao cả với một niềm vui sướng chỉ có thể có được thông qua sự trung gian của một sự không vui sướng.

 



* Schlechtweg: giản đơn, ở đây có nghĩa là không xác định rõ đối tượng “lớn bao nhiêu”. (N.D).

* Xem Kant, Phê phán lý tính thuần túy: “Các tiên đề của trực quan: Nguyên tắc của chúng là: mọi trực quan là những lượng có quảng tính”, B203 và tiếp. (N.D).

* Chúng tôi hiểu chữ “Stimmung” ở đây là “cảm trạng” theo nghĩa là “sự sắp xếp” (Disposition), còn “Geist” (Tinh thần) theo nghĩa là “tâm thức” (Gemüt) ở cấp độ cao của lý tính. (N.D).

* Claude Etienne Savary: “Tình hình nước Ai Cập xưa và nay về phương diện cư dân, thói tục, nông nghiệp và thể chế chính trị”. J. G. Schneider bổ sung và hiệu đính 3 phần, 2 tập, Berlin 1786-1788, tr. 147 và tiếp. Sau khi ca ngợi vẻ uy nghi của kim tự tháp và nói lên xúc cảm kính phục và lòng hoài cổ của mình, Savary viết: “Khi ta nhìn gần, dường như kim tự tháp được tập hợp từ những tảng đá khối, nhưng nếu đứng xa chừng trăm bước chân, những khối đá mất đi sự vĩ đại của chúng trong cái toàn khối khổng lồ vô lượng và lại có vẻ như rất nhỏ bé”. (Dẫn theo bản Meiner). (N.D).

* Niệm thức (Schema) và thuyết niệm thức (Schematismus) = sự sử dụng các niệm thức của giác tính thuần túy). Xem Kant, Phê phán lý tính thuần túy, tr. B176-B187 và Chú giải dẫn nhập (mục 9.2) của người dịch cho tác phẩm này. (N.D).

** “Fuß”“Rute” là các đơn vị đo chiều dài cổ của Đức (một “Rute” bằng 3 đến 5 mét, gồm nhiều “Füsse”, mỗi Fuß bằng 30,5cm). (N.D).

* Noumenon: xem Kant, Phê phán lý tính thuần túy, tr. 295-315. (N.D).

* Bestimmung: sự quy định, nhưng ở đây còn có nghĩa là “sứ mệnh”, “ý hướng và mục tiêu”. Có khi chúng tôi cũng dịch là “vận mệnh” (của con người) (Bestimmung des Menschen) tùy theo văn cảnh đối với từ có ý nghĩa khá rộng này. Xem thêm Kant, Phê phán lý tính thuần túy, tr. B345. (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt