Triết học nghệ thuật

Phân tích pháp về năng lực phán đoán mục đích luận

PHÊ PHÁN NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN (MỸ HỌC VÀ MỤC ĐÍCH LUẬN)

Mục lục 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
                                         

 

CHƯƠNG I

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ

NĂNG LỰC PHÁN ĐOÁN MỤC ĐÍCH LUẬN

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 363-391. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

 

§62

VỀ TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH KHÁCH QUAN ĐƠN THUẦN CÓ TÍNH HÌNH THỨC ĐỂ PHÂN BIỆT VỚI TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH CÓ TÍNH CHẤT LIỆU

Mọi hình thể hình học được vẽ ra theo một nguyên tắc cho thấy một tính hợp mục đích khách quan đa dạng và thường được thán phục về tính khả dụng của chúng trong việc giải quyết nhiều vấn đề dựa theo một nguyên tắc duy nhất hoặc giải quyết cùng một vấn đề bằng vô số cách thức khác nhau. Ở đây, tính hợp mục đích rõ ràng là có tính khách quan và trí tuệ [thuộc giác tính] chứ không đơn thuần có tính chủ quan và thẩm mỹ. Lý do là vì nó diễn tả tính phù hợp của hình thể để tạo ra nhiều hình thể theo ý muốn và được nhận thức bằng lý tính. Chỉ có điều: tính hợp mục đích này không làm cho khái niệm về bản thân đối tượng có thể có được, nghĩa là, đối tượng không được xem là “có thể có được” chỉ căn cứ vào việc sử dụng này.

Nơi một hình đơn giản như hình tròn, ta thấy ở đó có cơ sở để giải quyết được một loạt những vấn đề [hay bài toán] mà nếu xét riêng từng vấn đề, ắt đòi hỏi phải có các phụ tùng lỉnh kỉnh, trong khi giải pháp hầu như tự động được mang lại như là một trong vô số những thuộc tính tuyệt vời của hình vẽ này. Chẳng hạn, nếu đòi phải cấu tạo một tam giác từ một cạnh đáy và một góc đối đỉnh, ta thấy bài toán này là bất định, nghĩa là, có thể giải đáp bằng những cách khác nhau nhiều đến vô tận. Nhưng, chỉ duy hình tròn là có thể bao hàm hết mọi giải pháp ấy như là quỹ tích cho mọi [đỉnh của] tam giác, thỏa ứng các điều kiện được cho. Hoặc, hai đường phải cắt nhau sao cho hình chữ nhật ở các đoạn phân của đường này bằng hình chữ nhật nơi các đoạn phân của đường kia tỏ ra là một bài toán khó giải quyết. Thế nhưng, mọi đường dây cung giao nhau bên trong một vòng tròn được chu vi của nó giới hạn thì lại phân chia nhau trong tỉ lệ này. Những đường cong khác lại cung cấp những đáp án hợp mục đích khác nữa cho những điều không hề được suy tưởng ở trong quy tắc cấu tạo nên chúng. Mọi mặt cắt [tiết diện] hình nón, tự chúng và khi được so sánh với cái khác, đều bổ ích trong các nguyên tắc nhằm giải quyết hàng loạt những vấn đề, tuy định nghĩa để xác định khái niệm về chúng thật là đơn giản.

Quả là một niềm vui đích thực khi chứng kiến nhiệt tâm của các nhà hình học cổ đại* đã dày công nghiên cứu các đặc tính của các đường hình học thuộc loại này và họ đã không để bị lạc lối bởi thắc mắc của những đầu óc thiển cận: kiến thức ấy có ích lợi thực tế gì không? | Chẳng hạn, họ phát hiện các đặc tính của các đường parabôn mà không hề biết đến định luật trọng trường trên trái đất vốn có thể giúp họ nghĩ tới việc áp dụng chúng vào quỹ đạo của những vật thể nặng (vì vận động của vật thể nặng có thể được xem là tương đương với đường cong của một parabôn). | Hoặc, họ tìm ra các đặc tính của hình êlíp mà không hề ước đoán rằng bất kỳ thiên thể nào cũng có trọng lượng và không biết đến định luật về lực ở các khoảng cách khác nhau từ điểm có sức hút, tức định luật giúp họ mô tả đường cong này trong sự vận động tự do. Trong khi họ làm việc một cách không có ý thức như thế cho nền khoa học của tương lai, họ tìm vui nơi một tính hợp mục đích ở trong bản chất của những sự vật mà họ đã có thể trình bày nó trong tính tất yếu một cách hoàn toàn tiên nghiệm. Platon**, bản thân là bậc thầy trong ngành khoa học này, đã ám chỉ đến một đặc tính căn nguyên của sự vật mà khi phát hiện nó, ta có thể không cần đến kinh nghiệm nào cả cũng như gợi mở năng lực của tâm thức tạo ra sự hòa điệu của mọi hữu thể từ nguyên tắc siêu cảm tính của tâm thức (thêm vào đó là các đặc tính của những con số mà tâm thức “chơi đùa” với chúng ở trong âm nhạc). | Chính nguồn cảm hứng này đã nâng ông [Platon] lên khỏi những khái niệm của kinh nghiệm để vươn đến những Ý niệm, tức những gì, đối với ông, chỉ có thể giải thích được là nhờ thông qua một cộng đồng trí tuệ [thân thuộc] với nguồn cội của mọi sự hữu. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông đuổi hết những người không tinh thông môn hình học ra khỏi môn hộ của ông, vì ông nghĩ rằng ông đã có thể rút ra từ trực quan thuần túy vốn có nguyên quán ở trong Tinh thần con người tất cả những gì đã được Anaxagoras* rút ra từ những đối tượng thường nghiệm và sự nối kết mục đích luận của chúng. Bởi vì, trong chính sự tất yếu của cái gì hợp mục đích và có đặc điểm là được hình thành nên như thể cố ý phục vụ cho việc sử dụng của chúng ta, nhưng đồng thời cũng có vẻ như thuộc về bản chất của sự vật một cách nguyên thủy, không liên quan gì đến việc sử dụng của ta cả mới là lý do khiến ta có sự ngưỡng mộ lớn lao đối với Tự nhiên, không phải ở bên ngoài ta cho bằng ở bên trong lý tính của riêng ta. | Đó hẳn nhiên chính là chỗ có thể tha thứ được khi sự ngưỡng mộ ấy, do sự ngộ nhận, mà dần dà đã tăng lên đến độ cuồng tín**.

Nhưng, tính hợp mục đích trí tuệ này – mặc dù rõ ràng có tính khách quan (chứ không phải có tính chủ quan như tính hợp mục đích thẩm mỹ) – chỉ đơn thuần có tính hình thức (formal) (không phải hiện thực/real) xét về mặt khả thể của nó. | Nghĩa là, nó chỉ có thể được quan niệm như là tính hợp mục đích nói chung nhưng không có bất kỳ mục đích [nhất định] nào được khẳng định như là nền tảng của nó cả, và do đó, không cần có một mục đích luận nào (Teleologie) cho nó hết. Hình tròn là một trực quan được giác tính xác định dựa theo một nguyên tắc. | Sự thống nhất của nguyên tắc này – được tôi chấp nhận một cách tùy tiện và sử dụng như là khái niệm nền tảng và được áp dụng vào mô thức của trực quan (không gian) có ở bên trong tôi đơn thuần như là biểu tượng và có tính tiên nghiệm (a priori) – làm cho tôi hiểu được sự thống nhất của nhiều quy tắc được mang lại từ sự cấu tạo nên khái niệm ấy. | Các quy tắc này có tính hợp mục đích cho nhiều ý đồ khả hữu nào đó, nhưng tính hợp mục đích ấy lại không bao hàm một mục đích hay bất kỳ một lý do nào khác. Tình hình sẽ hoàn toàn khác khi tôi gặp phải trật tự và tính quy tắc ở trong những tổng thể của những sự vật ở bên ngoài tôi và được bao bọc bên trong những ranh giới nhất định, chẳng hạn nơi một khu vườn với trật tự và tính quy tắc của cây cối, các luống hoa và đường đi dạo v.v... | Tôi không thể hy vọng suy ra chúng một cách tiên nghiệm từ việc giới hạn một không gian* do tôi tiến hành dựa theo một quy tắc tùy tiện của riêng tôi, vì trật tự và tính quy tắc này là những sự vật đang tồn tại hiện thực phải được mang lại một cách thường nghiệm thì tôi mới biết được, chứ không phải là một biểu tượng đơn thuần ở bên trong tôi và được xác định một cách tiên nghiệm dựa theo một nguyên tắc. Như thế, tính hợp mục đích (thường nghiệm) này là phụ thuộc vào khái niệm về một mục đích, và, do đó, như là tính hợp mục đích hiện thực (real).

Nhưng, nguyên nhân cho việc thán phục một tính hợp mục đích được ta nhìn thấy tận mắt – dù nằm bên trong bản chất của sự vật (trong chừng mực các khái niệm về chúng có thể được cấu tạo nên) – là hoàn toàn có thể nhận ra và cả nhận ra tính chính đáng của nó. Các quy tắc đa tạp – mà sự thống nhất của chúng (từ một nguyên tắc) gây nên sự thán phục này – đều nhìn chung là có tính tổng hợp và không được rút ra từ khái niệm của đối tượng [một cách phân tích], chẳng hạn từ khái niệm về một hình tròn, mà đòi hỏi đối tượng này phải được mang lại ở trong trực quan**. Song, qua đó, sự thống nhất này lại có vẻ như có một cơ sở của các quy tắc ở bên ngoài một cách thường nghiệm được phân biệt với năng lực biểu tượng*** của ta; vì thế, có vẻ sự tương ứng của đối tượng với nhu cầu về các quy tắc – vốn là nhu cầu riêng của giác tính – là cái gì bất tất nơi tự thân (an sich) nó, cho nên chỉ có thể có được là nhờ một mục đích hướng rõ về giác tính. Tuy nhiên, vì lẽ sự hài hòa này – bất chấp mọi tính hợp mục đích – không được nhận thức một cách thường nghiệm mà là tiên nghiệm, nên tự khắc cho ta thấy rằng không gian – mà đối tượng chỉ có thể có được là nhờ vào sự quy định của nó (thông qua trí tưởng tượng phù hợp với một khái niệm) – không phải là một đặc tính cấu tạo của những sự vật ở bên ngoài tôi mà chỉ là một phương cách biểu tượng đơn thuần ở bên trong tôi. | Do đó, trong hình thể mà tôi vẽ ra tương ứng với một khái niệm, tức vẽ ra trong phương thức biểu tượng của riêng tôi về cái gì được mang lại cho tôi từ bên ngoài, thì, bất kể nó là như thế nào trong tự thân (an sich) nó, chính tôi là người đã đưa tính hợp mục đích vào trong nó: tôi không có được sự chỉ bảo thường nghiệm nào từ đối tượng về tính hợp mục đích, và, vì thế, tôi không đòi hỏi một mục đích đặc thù nào ở trong nó mà lại ở bên ngoài tôi. Nhưng, bởi lẽ sự suy nghĩ này đòi phải có một sự sử dụng lý tính có phê phán trước đã, nên chưa thể được thực thi ngay khi ta phán đoán về đối tượng dựa theo các thuộc tính của nó, khiến cho sự phán đoán [tiền-phê phán] này không trực tiếp gợi cho tôi điều gì khác hơn là sự hợp nhất những quy tắc dị loại (heterogen) (kể cả dựa theo chính tính dị biệt của chúng) vào trong cùng một nguyên tắc. | Nguyên tắc này – vốn không đòi hỏi bất kỳ một cơ sở tiên nghiệm đặc thù nào ở bên ngoài khái niệm của tôi hay, nói chung, ở bên ngoài sự hình dung của tôi – lại được tôi nhận thức một cách tiên nghiệm như là đúng thật (wahrhalf). Ta biết rằng sự kinh ngạc (Verwunderung) là một sự chấn động của tâm thức nảy sinh từ tính không tương thích giữa một sự hình dung và quy tắc do nó mang lại với các nguyên tắc vốn là nền tảng cho nó; sự kinh ngạc này gây nên sự hoài nghi liệu ta có thấy hay phán đoán đúng đắn hay không. Còn sự thán phục (Bewunderung) lại là sự kinh ngạc trở đi trở lại mãi dù ta không còn sự hoài nghi này nữa. Cho nên, sự thán phục là một hiệu quả hoàn toàn tự nhiên về tính hợp mục đích được quan sát thấy ở trong bản chất của những sự vật (xét như những hiện tượng). | Điều này thật ra không có gì đáng chê trách cả một khi không chỉ sự thỏa thuận giữa mô thức của trực quan cảm tính (không gian) với quan năng của khái niệm (giác tính) là chưa thể giải thích nổi đối với ta mà còn do nó mở rộng tâm thức để dự cảm về sự tồn tại của cái gì nằm bên ngoài những biểu tượng cảm tính của ta, trong đó, dù ta không nhận thức được, lại có thể bắt gặp cơ sở tối hậu cho sự thỏa thuận ấy. Đúng là ta không cần thiết phải nhận thức cơ sở này nếu ta chỉ làm việc một cách tiên nghiệm với tính hợp mục đích hình thức của những biểu tượng của ta, nhưng chính sự kiện rằng ta phải nhìn rộng ra khỏi chân trời ấy đồng thời gây nên sự thán phục đối với đối tượng, vì chính đối tượng buộc ta phải có sự cảm hứng như thế.

Ta vẫn thường quen gọi những thuộc tính nói trên của những hình thể hình học hay của những con số là đẹp, căn cứ vào một tính hợp mục đích tiên nghiệm và bất ngờ nào đó của chúng đối với mọi yêu cầu nhận thức từ tính đơn giản trong việc cấu tạo nên chúng. | Chẳng hạn, ta nói về đặc tính đẹp này hay đặc tính đẹp kia của hình tròn được phát hiện bằng cách này hay cách khác. Chỉ có điều: đây không phải là một sự đánh giá thẩm mỹ nhờ đó ta thấy chúng có tính hợp mục đích, tức không phải một sự đánh giá không cần đến khái niệm làm lộ rõ một tính hợp mục đích đơn thuần chủ quan trong trò chơi tương tác tự do của các quan năng nhận thức của ta [như trong phán đoán thẩm mỹ đích thực] mà là một sự phán đoán trí tuệ dựa theo các khái niệm làm cho ta nhận thức rõ về một tính hợp mục đích khách quan, tức là, tính khả dụng cho mọi mục đích (đa tạp đến vô tận). Vì thế, đúng hơn, ta phải gọi chúng là một tính hoàn hảo tương đối của những hình thể toán học hơn là tính đẹp của chúng. Còn gọi là một tính đẹp trí tuệ thì nói chung cũng không được phép, bởi nếu thế, từ “đẹp” sẽ mất đi mọi ý nghĩa nhất định hoặc sự hài lòng trí tuệ sẽ có mọi tính ưu thắng so với sự hài lòng cảm tính. Ta có thể gọi một sự minh họa (Demonstration) về những thuộc tính như thế là đẹp, vì qua nó, giác tính với tư cách là quan năng của khái niệm và trí tưởng tượng như là quan năng trình bày chúng, tự cảm thấy được tăng cường một cách tiên nghiệm (điều này, nếu được xét kết hợp với sự chính xác do lý tính tạo ra, còn có thể gọi là sự trang nhã). | Tuy nhiên, ở đây, sự hài lòng, dù đặt cơ sở trên các khái niệm, vẫn là có tính chủ quan, trong khi sự hoàn hảo gắn liền với một sự hài lòng khách quan.

 

§63

VỀ TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH CỦA TỰ NHIÊN TRONG QUAN HỆ TƯƠNG QUAN

[VỚI NHỮNG SỰ VẬT KHÁC]*PHÂN BIỆT VỚI TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH NỘI TẠI

Kinh nghiệm dẫn dắt năng lực phán đoán của ta đi đến khái niệm về một tính hợp mục đích khách quan hay có tính chất liệu, tức là đi đến khái niệm về một mục đích của Tự nhiên chỉ khi ta phải phán đoán về một mối quan hệ của nguyên nhân đối với kết quả(1). Ta thấy mình có khả năng lĩnh hội mối quan hệ này như là có tính quy luật chỉ khi ta giả định ý tưởng về kết quả của tính nhân quả của nguyên nhân như là điều kiện nền tảng nằm ngay trong nguyên nhân cho khả thể của kết quả. Điều này có thể diễn ra bằng hai cách: hoặc ta có thể trực tiếp xem kết quả như là sản phẩm của một “nghệ thuật” tạo tác (Kunstprodukt) [của Tự nhiên] hoặc chỉ như là chất liệu cho “nghệ thuật” của những thực thể tự nhiên khả hữu nào khác. Tính hợp mục đích này gọi là tính hữu ích (cho con người) hoặc cũng là tính có lợi (cho bất kỳ loài thụ tạo nào khác) và chỉ đơn thuần có tính tương quan (relativ), trong khi tính hợp mục đích trước là một tính hợp mục đích nội tại của thực thể tự nhiên.

Chẳng hạn, những con sông mang theo chúng mọi loại đất có lợi cho việc sinh trưởng của cây cối, được bồi lắng khi thì ở nơi đất liền, khi thì thường ở các cửa sông. Thủy triều lên dẫn chất bùn này đến nhiều vùng ven của đất đai hay để lại trên hai bên bờ sông, và, nếu đặc biệt được bàn tay con người trợ giúp để ngăn không cho nó lại bị cuốn trôi trở lại khi thủy triều xuống thì vùng đất màu mỡ sẽ tăng thêm về diện tích và giới thực vật sẽ giành thêm được mảnh đất sinh sôi ở nơi trước đó là quê hương của loài thủy tộc. Phần lớn những việc mở rộng đất đai canh tác theo kiểu này là do bản thân Tự nhiên tạo ra và vẫn cứ tiếp diễn, dù rất chậm chạp. Câu hỏi đặt ra là: phải chăng việc này được xem như là một mục đích của Tự nhiên vì nó chứa đựng một tính hữu ích cho con người? | Ta không thể bảo nó hữu ích cho bản thân giới thực vật bởi sự sống dưới nước bị mất đi bao nhiêu thì được thêm vào bấy nhiêu cho cuộc sống trên cạn.

Hay nếu ta lấy một ví dụ khác về tính có lợi của một số sự vật tự nhiên như là phương tiện cho những vật thụ tạo khác (nếu ta tiền giả định chúng như là các mục đích), thì không có loại đất nào giúp cho cây thông phì nhiêu hơn là loại đất cát. Vậy, trước khi tự rút ra khỏi đất liền, biển cả thời xưa đã để lại rất nhiều dải cát ở các vùng phía bắc của chúng ta khiến cho vùng đất vốn vô dụng đối với mọi loại trồng trọt lại có thể trở thành những dải rừng thông bạt ngàn mà ta thường phiền trách tổ tiên chúng ta đã dại dột phá hủy chúng. | Và ta có thể đặt câu hỏi phải chăng việc lưu lại những lớp cát từ thời xa xưa này là một mục đích của Tự nhiên có lợi cho những cánh rừng thông để chúng có thể phát triển phì nhiêu trên đó? Điều rõ ràng là, nếu ta xem đó là một mục đích của Tự nhiên thì ta cũng phải xem cát như là một mục đích tương quan, còn bờ biển và việc lùi ra xa của nó là phương tiện, vì trong chuỗi những mắt xích phối kết với nhau của một sự nối kết về mục đích, mỗi một mắt xích phương tiện phải được xem là như là mục đích (tuy không phải như là mục đích tối hậu), và nguyên nhân sát cận với nó lại là phương tiện. Cũng như thế, nếu muốn bò, cừu, ngựa v.v… tồn tại thì phải có cỏ trên mặt đất; rồi lại phải có các loại cây có chất muối ở trong sa mạc nếu muốn nuôi lớn lạc đà; và hễ có các loại thú ăn cỏ đông đảo thì lại phải có chó sói, hổ và sư tử. Do đó, tính hợp mục đích khách quan dựa trên tính có lợi không phải là một tính hợp mục đích khách quan của những sự vật trong tự thân chúng, như thể cát, xét riêng phần nó, không thể hiểu như là kết quả từ nguyên nhân của nó là biển mà không đặt một mục đích vào cho biển và không xem kết quả, tức cát, như là một sản phẩm của “nghệ thuật tạo tác” [của Tự nhiên]. Nó chỉ là một tính hợp mục đích đơn thuần “tương đối” (relativ), đơn thuần bất tất đối với sự vật mà nó được quy về; và mặc dù trong các ví dụ vừa nêu, các loại cỏ khác nhau, tự bản thân chúng, phải được xem như là các sản phẩm có tổ chức [hữu cơ] của Tự nhiên, do đó, như là “có tính nghệ thuật tạo tác” (kunstreich), nhưng trong quan hệ với những súc vật dùng chúng làm thức ăn thì chỉ được xem như là nguyên liệu thô đơn thuần.

Nhưng, trên hết, dù cho con người, nhờ sự tự do của tính nhân quả của mình, thấy một số sự vật tự nhiên là có lợi cho các ý đồ của mình – các ý đồ có khi điên rồ như dùng lông chim sặc sỡ để tô điểm áo quần, dùng các loại đất hay nước ép thực vật có màu sắc để làm phấn son; hoặc thường có khi hợp lý như dùng ngựa để cưỡi, dùng bò, (hay như ở Minora) dùng cả lừa và lợn để cày –, thì ở đây, ta vẫn không thể giả định một mục đích tự nhiên tương đối. Vì lẽ, lý trí của con người biết cách mang lại cho sự vật một sự tương hợp với những ý nghĩ tùy tiện của mình, những ý tưởng mà Tự nhiên không hề “tiền định” nơi bản thân con người. Vậy, chỉ khi ta giả định rằng con người là phải sống trên mặt đất, thì những phương tiện cũng phải có mặt vì nếu không có chúng, con người không thể tồn tại như những động vật và thậm chí như những động vật có lý trí (dù ở mức độ lý trí thấp kém đến đâu), bấy giờ những sự vật tự nhiên ấy, – tỏ ra thiết yếu về phương diện này –, mới phải được xem như là những mục đích tự nhiên.

Từ đó ta dễ dàng nhận ra rằng, tính hợp mục đích ngoại tại (tính có lợi của một sự vật cho những sự vật khác) chỉ có thể được xem như là một mục đích tự nhiên ngoại tại với điều kiện: sự tồn tại của thực thể – trực tiếp hay gián tiếp được hưởng lợi – bản thân phải là một mục đích của Tự nhiên. Nhưng vì điều này không bao giờ có thể được xác định một cách trọn vẹn chỉ bằng sự quan sát đơn thuần về Tự nhiên, nên kết luận rút ra là: tính hợp mục đích tương đối, dù giả thiết là mang lại những chỉ báo về các mục đích tự nhiên, vẫn không biện minh được cho bất kỳ phán đoán mục đích luận tuyệt đối nào cả.

Trong các xứ lạnh, tuyết bảo vệ hạt giống chống lại băng giá; nó cũng giúp cho con người giao tiếp với nhau dễ dàng hơn (nhờ dụng cụ trượt tuyết). | Dân* vùng gần Bắc cực còn tìm thấy ở xứ mình những con vật giúp cho việc đi lại, giao tiếp, đó là giống tuần lộc. | Giống thú này kiếm đủ thức ăn bằng cách tự đào bới lớp rêu khô ở dưới tuyết nhưng lại dễ thuần dưỡng và sẵn sàng chịu cho con người tước đi sự tự do mà nếu muốn, chúng có thể dễ dàng bảo vệ. Đối với các giống dân khác ở cùng vùng giá lạnh ấy thì biển đầy rẫy kho dự trữ thực phẩm. | Ngoài thức ăn và áo quần do những con vật ở biển mang lại, họ còn có gỗ trôi dạt từ biển vào để làm nhà ở, có đủ chất đốt để sưởi ấm những ngôi lều của mình. Ở đó rõ ràng có một sự gặp gỡ thật kỳ diệu giữa nhiều mối quan hệ của Tự nhiên vì một mục đích chung, và mục đích này chính là cuộc sống của những giống người ở vùng Grönland, vùng Lappe, Samojede, Jakute v.v... Thế nhưng có một điều ta không thấy rõ, đó là tại sao con người, nói chung, lại phải sống ở vùng đó. Cho nên, nếu bảo rằng sở dĩ hơi nước trong không khí rơi xuống thành tuyết, biển có dòng hải lưu để đưa gỗ từ các vùng ấm hơn đến đây, và những con vật biển khổng lồ mình chứa đầy mỡ cũng có mặt là bởi vì ý tưởng có lợi cho một nhóm sinh vật người khốn khổ là nguyên nhân cơ bản tập hợp tất cả những sản vật tự nhiên này lại thì quả là một phán đoán quá táo bạo và tùy tiện. Bởi lẽ cho dù không có tính hữu ích tự nhiên này đi nữa, ta vẫn không thấy bị mất mát gì xét về phương diện tính hoàn chỉnh của những nguyên nhân tự nhiên cho việc kiến tạo nên giới Tự nhiên cả, trong khi đó, việc đòi hỏi giới Tự nhiên phải có tố chất hữu ích ấy và việc gán cho Tự nhiên một mục đích như thế đúng ra là do ta đã kiêu ngạo một cách thiếu suy nghĩ và tự đánh giá mình quá cao. | Tại sao ta không chịu thấy rằng chính sự bất hòa gay gắt nhất giữa con người với nhau có thể đã đẩy con người đến chỗ ly tán và phải phiêu bạt đến những vùng đất khắc nghiệt ấy?

 

§64

VỀ TÍNH CÁCH RIÊNG CÓ CỦA NHỮNG SỰ VẬT

XÉT NHƯ NHỮNG MỤC ĐÍCH CỦA TỰ NHIÊN

Để nhận ra rằng một sự vật chỉ có thể có được như một mục đích, nghĩa là, buộc phải đi tìm tính nhân quả của nguồn gốc của nó không ở trong cơ chế mù quáng của Tự nhiên mà ở trong một nguyên nhân với quan năng tác động được xác định bằng các khái niệm, điều cần thiết là: hình thức của nó không thể có được chỉ dựa theo những định luật tự nhiên đơn thuần, tức không dựa theo những định luật có thể được ta nhận thức chỉ nhờ vào giác tính khi giác tính được áp dụng vào cho những đối tượng của giác quan, trái lại, cả nhận thức thường nghiệm về nó ở phương diện nguyên nhân-kết quả tiền-giả định những khái niệm của lý tính. Tính bất tất này của hình thức của nó trong mọi định luật tự nhiên thường nghiệm liên quan đến lý tính đòi hỏi một căn cứ để xem xét tính nhân quả của nó là chỉ có thể có được thông qua lý tính. | Vì lẽ, lý tính – phải nhận thức tính tất yếu của bất kỳ hình thức nào của một sản phẩm tự nhiên nhằm hiểu được cả những điều kiện cho sự ra đời của nó – không thể chấp nhận một tính tất yếu [tự nhiên] như thế ở trong hình thức đặc thù được cho. | Do đó, tính nhân quả của nguồn gốc của sự vật phải liên quan đến năng lực hành động dựa theo các mục đích (tức: một ý chí); và đối tượng, chỉ được hình dung như là có thể có được từ quan năng này, ắt chỉ được hình dung như là một mục đích.

Nếu trong một vùng hoang vu có vẻ không có người sinh sống, một ai đó thấy trên mặt cát có một hình vẽ hình học, chẳng hạn một hình lục giác đều đặn, suy nghĩ của người ấy về hình vẽ ắt sẽ quy sự thống nhất trong nguyên tắc tạo nên sự ra đời của nó vào cho lý tính, tuy một cách mơ hồ; do đó, ắt sẽ không xem lý do ra đời của hình vẽ là do cát, do gió hay do các vết chân thú quen thuộc hay do một nguyên nhân phi lý tính nào khác. | Bởi vì hình vẽ ấy chỉ có thể có được là do lý tính [con người], chứ tính ngẫu nhiên tập hợp lại để tạo ra hình vẽ ấy là có vẻ nhiều đến vô tận, nên hình vẽ có mặt không phải từ một quy luật tự nhiên, và không nguyên nhân nào trong cơ chế mù quáng của Tự nhiên có thể tạo ra nó. | Vậy chỉ có khái niệm về sự vật do một mình lý tính mang lại và lý tính dùng khái niệm ấy để so sánh với sự vật mới có thể chứa đựng nguyên nhân cho một kết quả như thế. | Như thế, hình vẽ được xem như là một mục đích nhưng như là một sản phẩm của “nghệ thuật tác tạo” (Kunst) chứ không phải như là một mục đích tự nhiên (vestigum hominis video)*.

Nhưng, sau khi ta nhận thức một sự vật như là sản phẩm tự nhiên, rồi lại muốn phán đoán về nó như một mục đích – tức như là mục đích tự nhiên – thì, để không có mâu thuẫn, ta cần thêm nhiều điều khác nữa. Tôi tạm thời xin nói thế này: một sự vật tồn tại như là mục đích tự nhiên khi nó vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của chính nó (mặc dù theo ý nghĩa hai mặt). | Bởi vì ở đây có một tính nhân quả không thể được kết hợp với khái niệm đơn thuần về một Tự nhiên mà không gắn vào cho nó một mục đích; điều này tuy chắc chắn có thể được suy tưởng không có mâu thuẫn nhưng lại không thể nào thấu hiểu được. Trước hết, chúng ta hãy thử làm rõ sự quy định của ý tưởng này về một mục đích tự nhiên bằng một ví dụ trước khi phân tích nó một cách đầy đủ.

Thứ nhất, một cái cây tạo ra một cây khác theo một định luật tự nhiên đã biết. Nhưng, cái cây được nó tạo ra cũng thuộc về cùng một loài; và, như thế, nó tạo ra chính bản thân nó xét về mặt loài. | Một mặt, với tư cách là kết quả, nó được tạo ra chính mình một cách liên tục; mặt khác, với tư cách là nguyên nhân, nó liên tục tạo ra chính mình và, như thế, bảo tồn chính mình về mặt loài.

Thứ hai, một cái cây tự tạo ra chính mình với tư cách là cá thể. Loại hình kết quả này được ta gọi là sự tăng trưởng (Wachstum); nhưng hiểu theo nghĩa hoàn toàn khác với bất kỳ sự gia tăng nào dựa theo các quy luật cơ giới, và, vì thế cũng được mệnh danh dưới một tên gọi khác là sự sinh sản (Zeugung). Phần vật chất được cây thêm vào cho chính mình được nó xử lý trước đó thành một chất lượng riêng biệt mà cơ chế tự nhiên mù quáng bên ngoài nó không thể cung cấp được, và tiếp tục tự kiến tạo chính mình nhờ vào một chất liệu, xét về mặt kết cấu, là sản phẩm của riêng nó. Nhìn vào các thành phần vật chất đến từ giới Tự nhiên bên ngoài, quả chúng cần được xem chỉ như là sản phẩm của sự chiết xuất mà thôi, nhưng trong sự tách rời và tái kết hợp chất liệu thô này, ta thấy rõ một sự độc đáo trong năng lực phân cắt và kiến tạo của loại tồn tại tự nhiên [thực vật] này. | Năng lực ấy vượt xa vô hạn so với mọi nghệ thuật tạo tác, nếu muốn thử tái tạo những sản phẩm thực vật ấy từ những yếu tố có được khi tách rời chúng ra hay từ nguồn thực phẩm mà Tự nhiên cung cấp cho chúng.

Thứ ba, mỗi bộ phận của một cái cây sản sinh chính mình theo kiểu sự bảo tồn bất kỳ bộ phận nào cũng phụ thuộc hỗ tương vào sự bảo tồn những bộ phận còn lại. Một chồi của cây này được ghép vào cành của một cây khác tạo nên một cái cây thuộc loại riêng của mình nơi một cành xa lạ, cũng giống như một cái mầm được ghép vào một cái gốc khác. Vì thế, ta có thể xem mỗi cành hay mỗi lá của cùng một cái cây chỉ đơn thuần như được ghép vào cây ấy, và giống như một cái cây độc lập được ghép vào cây kia và sống nhờ vào cây kia theo kiểu ký sinh. Nhưng đồng thời, trong khi lá là sản phẩm của cây thì, đến lượt chúng, lá cũng hỗ trợ cho cây, bởi nếu cứ liên tục vặt lá, cây sẽ chết, và sự sinh trưởng của cây phụ thuộc vào hoạt động của lá đối với thân cây. Sự tự-cứu của Tự nhiên diễn ra trong trường hợp bị tổn thương nơi giới thực vật khi việc thiếu một bộ phận cần thiết cho sự bảo tồn của các bộ phận bên cạnh sẽ được các bộ phận còn lại cung ứng; và những khuyết tật hay dị dạng trong sự tăng trưởng của một số bộ phận do những thiếu sót hay trở ngại nhất thời sẽ tự kiến tạo bằng một kiểu mới để duy trì những gì đang tồn tại và vì thế mà tạo nên một sản vật bất thường, đột biến. | Đó là tôi chỉ nhân tiện nhắc qua, mặc dù chúng thuộc về những đặc tính kỳ diệu nhất của những sản vật hữu cơ, có tổ chức.

 

§65

NHỮNG SỰ VẬT XÉT NHƯ NHỮNG MỤC ĐÍCH-TỰ NHIÊN

LÀ NHỮNG THỰC THỂ CÓ TỔ CHỨC

Theo đặc điểm đã nêu ở mục §64 trên đây, một sự vật với tư cách là sản phẩm tự nhiên chỉ có thể được nhận thức như là một mục đích tự nhiên khi bản thân nó phải vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả. Tuy nhiên, cách nói này còn thiếu chính xác và bất định, cần một sự truy nguyên từ một khái niệm thật xác định.

Sự nối kết nhân quả, trong chừng mực đơn thuần được giác tính suy tưởng*, là một sự nối kết tạo nên một chuỗi luôn quy tiến (của các nguyên nhân và kết quả); và những sự vật, với tư cách là kết quả, tiền giả định những sự vật khác như là những nguyên nhân của mình thì không thể đồng thời lại là những nguyên nhân của những nguyên nhân này được theo kiểu tương hỗ. Ta gọi loại nối kết nhân quả này là sự nối kết của những nguyên nhân tác động (nexus effectivus). Nhưng, ngược lại, ta cũng có thể suy tưởng về một sự nối kết nhân quả dựa theo một khái niệm của lý tính (về các mục đích); sự nối kết ấy, xét như một chuỗi, lại có sự phụ thuộc lẫn nhau theo chiều xuôi lẫn chiều ngược, trong đó sự vật được gọi là kết quả cũng có thể xứng đáng được xem là nguyên nhân của cái mà bản thân nó là kết quả. Trong đời sống thực tiễn (tức trong “nghệ thuật” tác tạo), ta dễ dàng gặp phải loại nối kết nhân quả như thế; chẳng hạn, ngôi nhà hẳn nhiên là nguyên nhân để ta có được tiền cho thuê nhà, đồng thời chính hình dung về khoản lợi tức này lại đã là nguyên nhân cho việc xây lên ngôi nhà ấy. Ta gọi một sự nối kết nhân quả như thế là sự nối kết của các nguyên nhân mục đích (latinh: nexus finalis). Có lẽ tên gọi phù hợp cho loại trước là sự nối kết của các nguyên nhân hiện thực (real), loại sau là sự nối kết của các nguyên nhân ý tưởng (ideal), bởi cách gọi tên ấy cũng đồng thời cho ta hiểu rằng không thể có loại nối kết nhân quả nào ngoài hai loại trên đây. Đối với một sự vật xét như mục đích tự nhiên, điều đòi hỏi trước tiên là những bộ phận (về mặt tồn tại cũng như về hình thức) chỉ có thể có được là nhờ mối quan hệ của chúng với cái toàn bộ. Vì bản thân sự vật là một mục đích, do đó, được hiểu dưới một khái niệm hay một ý tưởng làm nhiệm vụ phải xác định một cách tiên nghiệm tất cả những gì được chứa đựng trong đó. Nhưng, trong chừng mực một sự vật chỉ có thể được suy tưởng là khả hữu bằng cách này, nó chỉ đơn thuần là một sản phẩm được tạo tác, tức là một sản phẩm của một nguyên nhân thuần lý [của lý trí con người], phân biệt với chất liệu (của những bộ phận) mà tính nhân quả của nó (trong việc tập hợp và nối kết những bộ phận) được quy định bởi ý tưởng của nó về một toàn bộ khả hữu nhờ vào chúng như những phương tiện (và do đó, không thông qua Tự nhiên ở bên ngoài nó). Nhưng, nếu một sự vật, với tư cách là sản phẩm tự nhiên, lại chứa đựng một mối quan hệ với mục đích ở nơi chính mình và nơi khả thể nội tại của mình, nghĩa là, chỉ có thể có được như là một mục đích tự nhiên mà không có tính nhân quả từ các khái niệm của những hữu thể có lý trí ở bên ngoài bản thân nó, thì, điều đòi hỏi thứ hai là: những bộ phận của nó phải kết hợp trong sự thống nhất của một cái toàn bộ sao cho những bộ phận là nguyên nhân và kết quả một cách tương hỗ của hình thức của chúng với nhau. Chỉ bằng cách này thì ý tưởng về cái toàn bộ mới quy định ngược lại (một cách hỗ tương) đến hình thức và sự kết hợp của mọi bộ phận; tất nhiên không phải như là nguyên nhân – bởi nếu vậy, sự vật hóa ra là một sản phẩm được tạo tác – mà như là cơ sở cho việc nhận thức – đối với người phán đoán – về nhất thể có hệ thống và về sự kết hợp của mọi cái đa tạp được chứa đựng trong vật chất [sự vật] ấy.

Vậy, đối với một cơ thể được phán đoán như là một mục đích tự nhiên trong bản thân nó và trong khả thể nội tại của nó, điều cần thiết là những bộ phận của nó phải phụ thuộc vào nhau một cách hỗ tương về hình thức lẫn về sự kết hợp, và, như thế, tạo nên một cái toàn bộ bằng chính tính nhân quả của riêng chúng; trong khi ngược lại, khái niệm về cái toàn bộ có thể được xem như là nguyên nhân của nó dựa theo một nguyên tắc (trong một thực thể có tính nhân quả dựa theo các khái niệm tương ứng với một sản phẩm như thế). | Trong trường hợp đó, sự nối kết của những nguyên nhân tác động có thể được phán đoán như là kết quả thông qua những nguyên nhân mục đích (Endursachen).

Trong một sản phẩm-tự nhiên như thế, mỗi bộ phận không chỉ tồn tại là nhờ vào những bộ phận khác mà còn được suy tưởng như là tồn tại những bộ phận khác và cái toàn bộ, nghĩa là, tồn tại như một “dụng cụ” (Werkzeug) (một “cơ quan”/Organ). | Tuy nhiên, như thế vẫn có thể là một “dụng cụ” được tác tạo và chỉ được hình dung như một mục đích khả hữu nói chung, cho nên điều cần thiết là: những bộ phận của nó đều là những cơ quan tạo ra nhau một cách tương hỗ. | Điều này không bao giờ xảy ra đối với những dụng cụ được tạo tác mà chỉ với giới Tự nhiên cung cấp mọi chất liệu cho những dụng cụ ấy (kể cả cho những dụng cụ được tạo tác). | Chỉ có một sản phẩm thuộc loại ấy mới có thể được gọi là một mục đích tự nhiên, và, sở dĩ gọi thế vì nó là một thực thể có tổ chức tự-tổ chức.

Trong một cái đồng hồ, một bộ phận là dụng cụ cho sự vận động của những bộ phận khác, nhưng bánh xe [trong đồng hồ] không phải là nguyên nhân tác động cho việc tạo ra bộ phận khác: như thế rõ ràng một bộ phận là tồn tại những bộ phận khác nhưng không tồn tại nhờ những bộ phận khác. Vậy, trong trường hợp này, nguyên nhân tạo ra những bộ phận và hình thức của chúng không được chứa đựng trong bản tính tự nhiên (của chất liệu) mà là ở bên ngoài nó, tức ở bên trong một hữu thể [con người] có thể tạo ra những kết quả dựa theo các ý tưởng về cái toàn bộ khả hữu nhờ tính nhân quả này. Như thế, một bánh xe của chiếc đồng hồ không tạo ra những bánh xe khác và một chiếc đồng hồ càng không hề tạo ra những chiếc đồng hồ khác bằng cách sử dụng (tổ chức) chất liệu bên ngoài cho mục đích ấy; cho nên nó không thể tự thay thế các bộ phận bị mất đi, cũng không thể cải tiến những gì khiếm khuyết khi mới được chế tạo bằng cách bổ sung các bộ phận còn thiếu, và cũng không thể tự chữa khi bị hỏng hóc; tất cả những điều ấy, ngược lại, ta đều có thể chờ đợi từ giới tự nhiên [hữu cơ] có tổ chức. Như thế, một thực thể có tổ chức không phải đơn thuần là một cái máy, vì máy chỉ có lực vận động, trong khi nó có lực kiến tạo trong chính mình (in sich bildende Kraft), và đó là một lực được nó thông báo cho những chất liệu vốn không có lực ấy (tức tổ chức chúng lại), nghĩa là một lực tự kiến tạo và tiếp tục sinh trưởng mà ta không thể giải thích bằng năng lực vận động (cơ chế máy móc) đơn thuần.

Ta nói về giới Tự nhiên và năng lực của nó trong những sản phẩm có tổ chức một cách quá bất cập, nếu ta bảo năng lực này là một sự tương tự với nghệ thuật tạo tác (ein Analogon der Kunst), bởi nói như thế là ta nghĩ đến một người thợ tạo tác (một hữu thể có lý trí) ở bên ngoài Tự nhiên*. Đúng hơn, Tự nhiên tự tổ chức chính mình và những sản phẩm có tổ chức của chính mình thuộc mọi giống loài. | Những sản phẩm ấy tuy về đại thể được tổ chức theo một mẫu chung nhưng với những biến thái thích hợp do sự tự bảo tồn đòi hỏi tùy theo các hoàn cảnh khác nhau. Có lẽ ta tiếp cận gần gũi hơn với đặc tính chưa được nghiên cứu tường tận này khi ta gọi nó là một sự tương tự với sự sống (Analogon des Lebens); nhưng ở đây ta lại phải gán cho vật chất, xét như vật chất đơn thuần, một tính chất đi ngược lại với bản chất của nó (thuyết vật hoạt/Hylozoism), hoặc gắn nó vào với một nguyên tắc dị loại nhưng cùng sống chung với nó (một “linh hồn”)**. | Trong trường hợp sau, nếu một sản phẩm như thế muốn là một sản phẩm tự nhiên thì hoặc ta phải tiền giả định vật chất có tổ chức như là “dụng cụ” của “linh hồn” ấy và chẳng làm cho “linh hồn” này được dễ hiểu hơn chút nào; hoặc xem “linh hồn” như là kẻ tác tạo nên cấu trúc này và, như thế, lại rút sản phẩm này ra khỏi giới Tự nhiên (có thể chất). Do đó, nói một cách chính xác, sự tổ chức của Tự nhiên không có gì tương tự với bất kỳ một thứ tính nhân quả nào được ta biết [đến nay](1).

Ta có lý khi gọi vẻ đẹp của Tự nhiên như là một cái tương tự với nghệ thuật tạo tác, vì vẻ đẹp được gán cho những đối tượng chỉ liên quan đến sự phản tư về phương diện bề ngoài của chúng, và, do đó, chỉ xét đến hình thức của mặt bên ngoài của chúng mà thôi. Còn sự hoàn hảo nội tại của Tự nhiên, – thuộc về những sự vật chỉ có thể có được như là những mục đích tự nhiên –, và vì thế mà được gọi là những thực thể có tổ chức, lại không tương tự với bất kỳ năng lực vật lý, tức tự nhiên, nào được ta biết cả; và, bởi bản thân ta, theo nghĩa rộng nhất, cũng thuộc về Tự nhiên, nên sự hoàn hảo nội tại ấy cũng không thể được suy tưởng hay giải thích bằng bất kỳ một sự tương tự chính xác nào với nghệ thuật tạo tác của con người. Vì lý do đó, khái niệm về một sự vật mà tự thân là một mục đích tự nhiên không phải là khái niệm cấu tạo (konstitutiv) của giác tính hay lý tính, nhưng nó có thể phục vụ như là một khái niệm điều hành (regulativ) cho năng lực phán đoán phản tư nhằm hướng dẫn việc nghiên cứu của ta về những đối tượng thuộc loại này bằng một sự tương tự khá xa xôi với tính nhân quả của chính chúng ta dựa theo những mục đích nói chung, và trong việc suy tưởng của ta về cơ sở tối cao của chúng. | Tuy nhiên, việc sử dụng theo kiểu điều hành này không liên quan đến việc nhận thức về Tự nhiên hay về nguyên nhân sơ thủy của nó, mà thực ra chỉ liên quan đến năng lực thực hành của lý tính chúng ta khi ta xem xét nguyên nhân của tính hợp mục đích ấy trong sự tương tự với năng lực thực hành này.

Như thế, những thực thể có tổ chức là những thực thể duy nhất trong Tự nhiên có thể được suy tưởng như là khả hữu chỉ như là những mục đích của Tự nhiên, khi chúng được xem xét trong bản thân chúng và tách khỏi mọi quan hệ với những sự vật khác. | Vì thế, trước hết, chúng mang lại tính thực tại khách quan cho quan niệm về một mục đích của Tự nhiên, phân biệt với một mục đích thực hành; và mang lại cho khoa học tự nhiên cơ sở cho một môn mục đích luận (Teleologie), nghĩa là một phương thức phán đoán về những đối tượng tự nhiên dựa theo một nguyên tắc đặc biệt, mà bình thường ta tuyệt nhiên không thể biện minh được khi làm như thế (vì ta không thể nhìn thấy khả thể của loại tính nhân quả này một cách tiên nghiệm được).

 

66

VỀ NGUYÊN TẮC ĐỂ PHÁN ĐOÁN VỀ TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH NỘI TẠI

TRONG THỰC THỂ CÓ TỔ CHỨC

Nguyên tắc, đồng thời là định nghĩa này, như sau: một sản phẩm có tổ chức của Tự nhiên là sản phẩm trong đó tất cả đều là mục đích và cũng là phương tiện hỗ tương cho nhau. Không có gì trong đó là vô ích, là vô mục đích hay bị xem là một cơ chế tự nhiên mù quáng.

Tuy xét về cơ hội [thường nghiệm] cho sự ra đời của nó, nguyên tắc này được rút ra từ kinh nghiệm, tức từ những gì được tiến hành một cách có phương pháp và được gọi là từ sự quan sát, nhưng xét về tính phổ biến và tất yếu mà nguyên tắc ấy gán vào cho tính hợp mục đích như thế, nguyên tắc ấy không thể chỉ dựa vào các cơ sở thường nghiệm mà phải có một nguyên tắc tiên nghiệm (a priori) làm nền tảng, mặc dù nguyên tắc ấy chỉ đơn thuần có tính điều hành, và các mục đích này chỉ dựa trên ý tưởng của chủ thể phán đoán chứ không phải trên một nguyên nhân tác động [khách quan]. Vì thế, ta có thể gọi nguyên tắc nói trên là một châm ngôn (Maxime) cho việc phán đoán về tính hợp mục đích nội tại của những thực thể có tổ chức.

Điều ai cũng biết là: những nhà nghiên cứu phân tích cây cối và thú vật để tìm hiểu cấu trúc và phát hiện những lý do tại sao và nhằm mục đích gì chúng được ban cho các bộ phận, sự sắp xếp và kết hợp các bộ phận và cả một hình thức bên trong như thế đều chấp nhận một cách nhất thiết và không bàn cãi châm ngôn cho rằng không có gì trong một vật thụ tạo như thế là vô ích cả, cũng giống như họ phải khẳng định nguyên lý nền tảng của khoa học tổng quát về Tự nhiên là: không có gì xảy ra một cách ngẫu nhiên cả. Trong thực tế, họ không thể thoát ly khỏi nguyên tắc mục đích luận này cũng như không thể từ bỏ nguyên tắc vật lý tổng quát kia, bởi nếu rời bỏ cái sau, ta ắt không thể có được kinh nghiệm nào hết, và, nếu không có cái trước, ta ắt không có manh mối hướng dẫn cho việc quan sát giống loài của những sự vật tự nhiên mà ta đã phải suy tưởng theo kiểu mục đích luận bằng khái niệm về các mục đích tự nhiên.

Khái niệm này dẫn lý tính bước vào một trật tự hoàn toàn khác lạ của những sự vật so với cơ chế đơn thuần máy móc của Tự nhiên, một cơ chế không còn làm thỏa mãn được ta ở đây nữa. Bây giờ phải có một ý tưởng làm cơ sở cho khả thể của sản phẩm tự nhiên. Nhưng vì lẽ ý tưởng này là một sự nhất thể tuyệt đối của sự hình dung của ta, thế chỗ cho vật chất như là một đa thể của những sự vật vốn không thể tự mình mang lại một sự nhất thể nhất định nào cho sự tập hợp cả; và nếu nhất thể này của ý tưởng có nhiệm vụ như là cơ sở quy định tiên nghiệm của một quy luật tự nhiên về tính nhân quả của một hình thức tập hợp như thế, thì mục đích của Tự nhiên nhất thiết phải được mở rộng bao trùm hết tất cả mọi yếu tố bao hàm trong sản phẩm của nó. Vì nếu ta đã từng quy toàn bộ tác động thuộc loại ấy cho một nguyên nhân quy định siêu-cảm tính bên ngoài cơ chế mù quáng của Tự nhiên, thì ta phải phán đoán về toàn bộ Tự nhiên theo nguyên tắc này; và ta không có lý do nào để xem hình thức của một sự vật như thế là phụ thuộc một phần vào cơ chế mù quáng, bởi sự trộn lẫn các nguyên tắc dị loại sẽ không còn cho ta một quy tắc vững chắc nào để phán đoán nữa cả. Chẳng hạn, trong một cơ thể động vật, có nhiều bộ phận có thể được xem như là các hình thái cụ thể tuân theo những định luật đơn thuần máy móc (như da, xương, lông). Nhưng, nguyên nhân tập hợp chất liệu cần thiết ấy lại, biến thái nó, uốn nắn nó thành hình thể và đặt nó vào đúng chỗ thì bao giờ cũng phải được phán đoán một cách mục đích luận, khiến cho ở đây, tất cả đều phải được xem như có tổ chức, và, trong quan hệ nhất định với bản thân sự vật, tất cả đều lại là một “cơ quan”.

 

§67

VỀ NGUYÊN TẮC CỦA VIỆC PHÁN ĐOÁN MỤC ĐÍCH LUẬN

VỀ TỰ NHIÊN NÓI CHUNG NHƯ LÀ HỆ THỐNG NHỮNG MỤC ĐÍCH

Trên đây ta đã cho rằng tính hợp mục đích bên ngoài của những sự vật tự nhiên không có cơ sở chính đáng đầy đủ để sử dụng chúng như là những mục đích của Tự nhiên hầu giải thích được sự hiện hữu của chúng và để xem những kết quả hợp mục đích một cách bất tất của chúng ở trong ý tưởng như là những cơ sở giải thích sự hiện hữu của chúng dựa theo nguyên tắc của các nguyên nhân-mục đích (Endursachen). Cho nên, ta không thể lập tức xem các hiện tượng sau đây là các mục đích tự nhiên được: chẳng hạn, xem những dòng sông là những mục đích tự nhiên vì chúng hỗ trợ cho việc giao lưu, đi lại giữa những con người sống trong đất liền, xem những dãy núi cũng như thế vì chúng chứa nguồn của các dòng sông, và duy trì chúng nhờ vào kho dự trữ về tuyết dành cho mùa khô hay có độ dốc để nước dễ dàng trôi đi, làm cho đất đai khô ráo v.v..., vì lẽ: mặc dù hình thái này của bề mặt trái đất là rất cần thiết cho sự ra đời và bảo tồn giới động, thực vật nhưng không có gì trong chính bản thân nó để ta buộc phải xem là có một tính nhân quả dựa theo các mục đích cho khả thể của nó cả. Điều ấy cũng đúng cả cho giới thực vật mà con người cần đến cho nhu cầu hay sự vui thích của mình; cho giới động vật, nào lạc đà, bò, ngựa, chó v.v..., tức những giống vật con người thiết yếu cần đến vừa như là thực phẩm, vừa để đáp ứng các nhu cầu sử dụng khác nhau. Vậy, đối với những sự vật mà ta không có lý do gì để xem bản thân chúng như là các mục đích, mối quan hệ ngoại tại như thế chỉ có thể được phán đoán như là hợp mục đích một cách giả thiết mà thôi.

Đánh giá một sự vật như là mục đích-tự nhiên do chính hình thức bên trong của nó là việc làm hoàn toàn khác so với việc xem sự hiện hữu của sự vật ấy như là mục đích của Tự nhiên. Bởi vì, để có được sự khẳng định sau, ta không chỉ đơn thuần cần đến khái niệm về một mục đích khả hữu nào đó mà cần phải có nhận thức về mục đích tối hậu (Endzweck/ latinh: scopus) của Tự nhiên. | Nhưng điều này lại đòi hỏi sự quy chiếu của nhận thức như thế với cái gì siêu-cảm tính, vượt lên hẳn mọi kiến thức mục đích luận về Tự nhiên của ta, vì lẽ mục đích của sự hiện hữu của bản thân Tự nhiên phải được đi tìm ở bên ngoài Tự nhiên. Hình thức bên trong của một cọng cỏ đơn thuần đủ cho thấy rằng: đối với năng lực phán đoán của con người chúng ta, nguồn gốc căn nguyên của nó chỉ có thể có được là dựa theo quy tắc về các mục đích. Nhưng, nếu ta thay đổi quan điểm và nhìn vào việc sử dụng nó của những hữu thể tự nhiên khác, tức từ bỏ việc xem xét tổ chức bên trong của nó và chỉ nhìn vào các quy chiếu có tính hợp mục đích bên ngoài mà thôi, ta ắt sẽ không đi đến được một mục đích có tính nhất thiết (kategorisch)* nào cả. | Mọi quy chiếu có tính mục đích này lại phải dựa vào một điều kiện càng xa xôi hơn nữa, tức điều kiện vô-điều kiện (sự hiện hữu của một sự vật như là mục đích tối hậu) vốn hoàn toàn nằm bên ngoài cái nhìn mục đích luận-vật lý về thế giới. | Chẳng hạn, đó là trường hợp: cỏ cần thiết cho bò, rồi bò lại cần thiết cho người như là phương tiện để sinh tồn, nhưng ta không thấy được tại sao con người lại nhất thiết phải hiện hữu (một câu hỏi thật không dễ trả lời nếu thỉnh thoảng ta nghĩ đến những cư dân [phải sống ở những vùng khắc nghiệt] như người New-Holland hay ở Tierra del Fuegs). Nhưng, trong trường hợp ấy, một sự vật như thế cũng không phải là một mục đích-tự nhiên, vì bản thân nó [vd: bò, cỏ…] (hay toàn bộ giống loài nó) không [còn] được xem là sản phẩm-tự nhiên.

Vậy, chỉ trong chừng mực vật chất được tổ chức thì nó mới tất yếu mang theo mình khái niệm về một mục đích tự nhiên, vì chính hình thức đặc biệt này của nó đồng thời là một sản phẩm-tự nhiên. Song, khái niệm này tất yếu dẫn đến ý tưởng về toàn bộ giới Tự nhiên như là một hệ thống tương ứng với quy tắc về những mục đích mà mọi cơ chế của Tự nhiên phải phục tùng ý tưởng ấy dựa theo các nguyên tắc của lý tính (chí ít là để nghiên cứu những hiện tượng tự nhiên ở trong đó). Nguyên tắc của lý tính thuộc về nó [toàn bộ Tự nhiên] chỉ như là một nguyên tắc hay một châm ngôn chủ quan; nghĩa là: tất cả mọi sự trong thế giới đều là tốt một cách nào đó cho một cái gì đó; không có gì là vô ích ở trong thế giới cả. | Thông qua ví dụ điển hình mà Tự nhiên mang lại cho ta trong những sản phẩm hữu cơ của nó, ta không chỉ có quyền mà thậm chí còn có nghĩa vụ chờ đợi nơi nó và nơi những định luật của nó điều sau đây: không có điều gì là không có tính hợp mục đích đối với cái Toàn bộ.

Tất nhiên đây không phải là một nguyên tắc dành cho năng lực phán đoán xác định mà chỉ cho năng lực phán đoán phản tư; là có tính điều hành chứ không có tính cấu tạo; và qua đó, chúng ta chỉ có được một manh mối để xem xét những sự vật tự nhiên trong quan hệ với một cơ sở quy định đã được cho theo một trật tự quy luật mới mẻ và mở rộng khoa học tự nhiên của ta dựa theo một nguyên tắc khác, đó là nguyên tắc về những nguyên nhân mục đích mà không gây tổn hại gì đến nguyên tắc về tính nhân quả cơ giới. Vả lại, qua đó, ta cũng không hề muốn nói rằng khi ta phán đoán dựa theo nguyên tắc ấy, ta bảo một sự vật gì đấy là một mục đích có ý đồ thực sự của Tự nhiên, chẳng hạn bảo cỏ tồn tại là cho bò hay cho cừu hoặc bảo hai loài vật này và các sự vật khác trong Tự nhiên tồn tại là cho con người. Đành rằng không ai cấm ta đứng từ phương diện này để đánh giá những sự vật làm ta khó chịu hay có vẻ trái ngược với tính hợp mục đích trong một số quan hệ nào đó. Chẳng hạn, ta có thể bảo: chấy rận trong áo quần tóc tai, giường chiếu làm ta khổ sở thì, xét như một sự an bài tài tình của Tự nhiên, lại là một động lực tạo nên sự sạch sẽ, nên tự nó, đã là một phương tiện quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho con người! Hoặc, ta cũng có thể bảo: muỗi mòng, sâu bọ làm khổ các tộc người sơ khai ở các vùng còn hoang dại ở Châu Mỹ lại chính là những gì đã thúc đẩy họ phải hoạt động để khai thông các vùng lầy lội, phát quang những rừng rậm mịt mù, nghĩa là, cũng như việc khai phá đất đai, chính cách ấy đã cải thiện sức khỏe của con người! Nhìn dưới ánh sáng ấy cùng một sự vật tỏ ra phản tự nhiên trong tổ chức bên trong của nó lại cho ta một viễn tưởng thích thú, đôi khi có tính giáo dục về một trật tự mục đích luận của những sự vật mà nếu không có nguyên tắc điều hành ấy, sự quan sát đơn thuần vật lý không thể dẫn ta đến viễn tượng ấy được. Cũng giống như một số người xem loại sán xơ mít có mặt trong con người hay thú vật là một loại cảnh báo về khuyết tật trong các cơ quan nội tạng, tôi cũng muốn đặt câu hỏi phải chăng những giấc mơ (ta không bao giờ ngủ mà không có chúng, dù hiếm khi ta nhớ lại được) lại không phải là một sự sắp đặt hợp mục đích của Tự nhiên? Bởi vì, trong khi mọi lực vận động của cơ thể đều ở trong trạng thái thư giãn, những giấc mơ giúp kích thích các cơ quan nội tạng từ bên trong nhờ vào sự tưởng tượng với hoạt động mạnh mẽ của nó (chính trong trạng thái thư giãn, trí tưởng tượng càng đạt tới cao độ). | Trong giấc ngủ, trí tưởng tượng thường hoạt động mạnh hơn khi dạ dày bị quá tải, nên, trong trường hợp ấy, sự kích thích vận động lại càng cần thiết. | Do đó, nếu không có lực vận động nội tại và không có sự bất an đầy mệt mỏi này (điều mà ta thường trách cứ các giấc mơ, dù trong thực tế có lẽ là một phương thuốc điều trị), thì giấc ngủ, cả trong trạng thái sức khỏe lành mạnh, ắt sẽ là một sự tắt nghỉ hoàn toàn của sự sống.

Ngay cả vẻ đẹp của Tự nhiên, tức sự kết hợp của Tự nhiên với “trò chơi” tự do của các quan năng nhận thức của ta trong việc lĩnh hội và phán đoán về hiện tượng của Tự nhiên cũng có thể được xem như là một loại của tính hợp mục đích khách quan của Tự nhiên trong cái Toàn bộ của nó với tư cách là một hệ thống mà con người là một thành viên, một khi sự phán đoán mục đích luận về Tự nhiên – nhờ vào những mục đích-tự nhiên do những thực thể có tổ chức gợi ý cho ta – cho phép ta có quyền đi đến Ý tưởng về một hệ thống vĩ đại của những mục đích của Tự nhiên. Ta có thể xem hệ thống ấy như là một sự biệt đãi hay ái mộ (Gunst)(1) mà Tự nhiên đã dành cho ta, đó là, ngoài cái hữu ích, nó còn hào phóng ban cho ta vẻ đẹp và sự hấp dẫn, vì thế, ta có thể yêu Tự nhiên cũng như ngắm nhìn Tự nhiên với sự ngưỡng mộ trước tính vô lượng của nó và cảm thấy bản thân mình được cao thượng hơn lên trong sự ngắm nhìn ấy, như thể chính Tự nhiên đã dựng lên và tô điểm cái sân khấu lộng lẫy của chính mình bằng chính ý đồ như thế.

Trong mục này, ta không muốn nói điều gì khác hơn là: nếu ta đã phát hiện trong Tự nhiên một quan năng tạo ra những sản phẩm chỉ có thể được ta suy tưởng tương ứng với khái niệm về các nguyên nhân mục đích, là ta đã đi xa lắm rồi. | Ta khá liều lĩnh khi phán đoán rằng những sự vật đều thuộc về một hệ thống những mục đích, nhưng những mục đích ấy (trong bản thân chúng hay trong các quan hệ hợp mục đích của chúng) không buộc ta phải đi tìm bất kỳ một nguyên tắc nào cho khả thể của chúng ở bên ngoài cơ chế của những nguyên nhân vận hành một cách mù quáng cả. | Bởi lẽ, ngay Ý tưởng đầu tiên ấy – liên quan đến nguyên nhân của chúng – đã mang chúng ta ra khỏi thế giới cảm tính, vì, bằng cách ấy, sự thống nhất của nguyên tắc siêu cảm tính phải được xem là có giá trị không chỉ cho một số loài nhất định của những thực thể tự nhiên mà cho toàn bộ giới Tự nhiên xét như một hệ thống.

 

§68

VỀ NGUYÊN TẮC CỦA MỤC ĐÍCH LUẬN NHƯ LÀ NGUYÊN TẮC NỘI TẠI

CỦA KHOA HỌC TỰ NHIÊN

Các nguyên tắc của một ngành khoa học thì hoặc là ở bên trong ngành khoa học ấy và được gọi là các nguyên tắc nội bộ (principia domestica), hoặc dựa vào những khái niệm ở bên ngoài nó và gọi là các nguyên tắc ngoại lai (peregrina). Các khoa học chứa đựng các nguyên tắc ngoại lai lấy các định lý bổ sung (lemmata) làm cơ sở, nghĩa là, chúng vay mượn một số khái niệm, và, cùng với khái niệm ấy, một căn cứ sắp đặt từ một ngành khoa học khác.

Mỗi một ngành khoa học, xét riêng bản thân nó, là một hệ thống. | Xây dựng ở bên trong nó dựa theo các nguyên tắc và, do đó, tiến hành đúng theo phương thức kỹ thuật là không đủ mà còn phải xử trí với nó như với một tòa nhà tự mình đứng vững, nghĩa là xử trí theo nghĩa kiến trúc (architekto-nisch); phải đối xử với nó như với một toàn bộ tự tồn chứ không phải như với một phần được xây thêm hay một bộ phận của một tòa nhà khác, mặc dù sau đó, ta có thể xây một lối thông thương từ nó dẫn sang tòa nhà khác và ngược lại.

Do đó, nếu giả sử ta đưa vào cho khoa học tự nhiên và trong ngữ cảnh của nó khái niệm về Thượng đế chẳng hạn, nhằm làm cho tính hợp mục đích ở trong Tự nhiên có thể giải thích được, để rồi lại dùng tính hợp mục đích này để chứng minh rằng Thượng đế tồn tại, thì không cái nào trong cả hai môn học ấy [khoa học tự nhiên và thần học] có sự tự tồn riêng biệt, nội tại cả, và một vòng lẩn quẩn có tính lừa dối sẽ làm cho cả hai trở thành thiếu vững chắc, vì các ranh giới của chúng bị trùng lấp vào nhau.

Thuật ngữ “một mục đích của Tự nhiên” đã đủ ngăn ngừa việc hỗn loạn do trộn lẫn khoa học tự nhiên và cơ hội do nó tạo ra khi ta đưa ra phán đoán có tính mục đích luận về những đối tượng của nó với việc bàn thảo về Thượng đế, tức với việc dẫn xuất có tính thần học về chúng. | Ta không được phép xem là không quan trọng khi người ta lẫn lộn thuật ngữ ấy với thuật ngữ về một mục đích thần linh trong việc an bài giới Tự nhiên, hay khi huênh hoang rằng chỉ có cái sau là thích hợp hơn và thích đáng hơn cho một tâm hồn sùng đạo, bởi rút cục điều ấy chỉ đưa đến việc dẫn xuất những hình thức hợp mục đích Tự nhiên từ một đấng tạo hóa sáng suốt. | Ngược lại, ta phải cẩn trọng và khiêm tốn tự giới hạn mình ở thuật ngữ về “một mục đích của Tự nhiên”, tức chỉ nói lên những gì chúng ta biết được mà thôi. Trước khi ta tiếp tục tra hỏi về nguyên nhân của bản thân giới Tự nhiên, ta tìm thấy ở trong Tự nhiên và trong diễn trình của sự phát triển của nó những sản phẩm cùng loại, được tạo ra bên trong Tự nhiên dựa theo những định luật thường nghiệm đã biết và khoa học tự nhiên phải theo đó mà xét đoán về những đối tượng của mình, và, do đó, cũng phải đi tìm ở trong bản thân Tự nhiên tính nhân quả của chúng dựa theo quy tắc về các mục đích. Cho nên, khoa học tự nhiên không được vượt ra khỏi các ranh giới của mình để du nhập các khái niệm mà không một kinh nghiệm nào có thể tương ứng được và biến chúng thành nguyên tắc “nội bộ” của mình. | Ta chỉ được phép mạo hiểm bàn về các khái niệm ấy sau khi đã hoàn tất khoa học tự nhiên mà thôi.

Các đặc tính tự nhiên cho thấy bản thân chúng là có tính tiên nghiệm, và do đó, cho phép nhìn vào khả thể của chúng từ các nguyên tắc phổ quát mà không trộn lẫn chút nào với kinh nghiệm cả thì, mặc dù chúng mang theo mình một tính hợp mục đích “kỹ thuật” và là tuyệt đối tất yếu, vẫn không được phép liên quan đến Mục đích luận về Tự nhiên với tư cách một phương pháp thuộc về môn Vật lý học để giải quyết những vấn đề vật lý học. Những sự loại suy theo kiểu tương tự (Analogien) của số học hay hình học cũng như những định luật cơ học phổ biến – cho dù sự hợp nhất những quy tắc khác nhau và vốn thoạt nhìn là độc lập với nhau thành một nguyên tắc duy nhất có lạ lùng và đáng thán phục đến mấy đi nữa – cũng không vì thế mà có quyền yêu sách là những cơ sở mục đích luận cho việc giải thích ở trong Vật lý học. | Là cho dù chúng xứng đáng để được xem xét trong học thuyết phổ quát về tính hợp mục đích của những sự vật của Tự nhiên, chúng thuộc về một khoa học khác, đó là, Siêu hình học và không hề tạo nên nguyên tắc nội bộ của khoa học tự nhiên. | Với những định luật thường nghiệm về các mục đích tự nhiên trong những thực thể có tổ chức, Siêu hình học không chỉ được phép mà còn không thể tránh khỏi việc sử dụng phương cách phán đoán mục đích luận như là một nguyên tắc về học thuyết về Tự nhiên trong quan hệ với một loại đối tượng đặc thù nào đó.

Vậy, để giữ cho Vật lý học ở đúng trong các ranh giới của nó, nó phải hoàn toàn tách rời khỏi câu hỏi: những mục đích tự nhiên là có ý đồ hay không có ý đồ, vì đó là sự can thiệp vào một công việc xa lạ (công việc của Siêu hình học). Đã là quá đủ khi ở đây ta có những đối tượng được giải thích duy nhất dựa theo những định luật tự nhiên, [nhưng] ta chỉ có thể suy tưởng* nhờ vào ý tưởng về các mục đích như là nguyên tắc, và như thế, bằng cách ấy, chỉ liên quan nội tại đến những đối tượng có thể nhận thức được, liên quan đến hình thức bên trong của chúng. Vì thế, để tránh mọi hoài nghi về một yêu sách phi lý dù là nhỏ nhất, như thể ta đã muốn trộn lẫn vào trong các cơ sở nhận thức của ta một cái gì tuyệt nhiên không thuộc về Vật lý học, đó là một nguyên nhân siêu nhiên, ta tuy vẫn nói trong môn Mục đích luận (Teleologie) về Tự nhiên như thể tính hợp mục đích trong Tự nhiên là có ý đồ, là cố ý, nhưng theo kiểu rằng “ý đồ” này được quy cho Tự nhiên, nghĩa là cho Vật chất [chứ không phải ý đồ siêu nhiên]. Bằng cách nói ấy, sẽ không thể có sự ngộ nhận, vì không có “ý đồ” đúng nghĩa nào lại có thể được quy cho vật chất vô tri vô giác cả, nên ta lưu ý rằng ở đây, chữ này chỉ diễn tả một nguyên tắc của năng lực phán đoán phản tư chứ không phải của năng lực phán đoán xác định, và, như thế, không hề du nhập vào khoa học tự nhiên một cơ sở đặc thù nào của tính nhân quả cả mà chỉ thêm vào cho việc sử dụng lý tính một loại nghiên cứu khác so với loại nghiên cứu chỉ dựa theo những định luật cơ giới nhằm bổ sung cho tính không hoàn chỉnh của loại nghiên cứu sau, dù chỉ trong phạm vi nghiên cứu thường nghiệm về mọi quy luật đặc thù của Tự nhiên. Vì thế, trong Mục đích luận, trong chừng mực liên quan đến Vật lý học, ta hoàn toàn đúng đắn khi nói về sự sáng suốt, tính kiệm ước, sự chu đáo, lòng từ tâm của Tự nhiên mà không hề biến Tự nhiên thành một thực thể có lý trí, vì như thế là phi lý hoặc cũng không hề có ý muốn đặt một thực thể có lý trí đứng lên trên Tự nhiên như là Kiến trúc sư cho nó, bởi như thế là quá tự phụ (vermessen)(1). | Thật ra, nó chỉ có ý nghĩa là một loại tính nhân quả của Tự nhiên dựa theo sự tương tự với việc sử dụng lý tính một cách “kỹ thuật” của chính chúng ta nhằm đặt ra trước mắt ta một quy tắc cần thiết để dựa theo đó mà tìm hiểu một số sản phẩm của Tự nhiên mà thôi.

Vậy tại sao Mục đích luận (Teleologie) thường không phải là một bộ phận riêng của bản thân khoa học tự nhiên lý thuyết mà chỉ được xem như là sự dự bị (Propädeutik) hay bước quá độ đi đến Thần học? Sở dĩ như thế là để giới hạn việc nghiên cứu về Tự nhiên – dựa theo cơ chế [máy móc] của nó – vào những gì ta có thể buộc chúng phục tùng sự quan sát hay các thí nghiệm của ta, khiến cho bản thân ta có thể “tạo ra” chúng giống như Tự nhiên, hay ít nhất cũng bằng những định luật tương tự với Tự nhiên. | Bởi vì ta chỉ thấu hiểu sự vật một cách hoàn chỉnh trong chừng mực ta có thể làm cho nó tương ứng với các khái niệm của ta. Còn sự “tổ chức”, xét như mục đích bên trong của Tự nhiên, thì vượt xa vô hạn ra khỏi mọi năng lực của ta để có được sự trình bày tương tự bằng “nghệ thuật tạo tác”. | Đối với những “thiết kế” của Tự nhiên bên ngoài được xem là hợp mục đích (chẳng hạn: gió, mưa v.v...), tất nhiên, Vật lý học có thể xem xét cơ chế vận hành của chúng, nhưng nó tuyệt nhiên không thể cho biết sự quy chiếu [khách quan] của chúng đối với những mục đích, trong chừng mực sự quy chiếu này là một điều kiện thiết yếu thuộc về nguyên nhân, bởi tính tất yếu của sự nối kết [nhân quả có tính mục đích] này chỉ hoàn toàn liên quan đến sự nối kết của những khái niệm của ta chứ không phải với đặc điểm cấu tạo của bản thân những sự vật.

 



* Ám chỉ Archimed, Euklid và Pythagore. Xem thêm Kant, Toàn tập Viện Hàn Lâm (AA): XXIV 379, 623 và XXIV 902-903.

** Platon: xem Kant, Toàn tập hàn lâm (AA): XXIV 902-903.

* Anaxagoras: xem Kant, AA: XXVIII 1144

** Schwärmerei: xem lại B125.

* Không gian (Raum). Nguyên bản của NXB Meiner (tr. 267) rõ ràng in sai thành “Baum” (cây cối). (N.D).

** Phân tích-tổng hợp; đối tượng của toán học phải được cấu tạo từ trực quan: xem Kant, Phê phán Lý tính thuần túy, B742 và tiếp. (N.D).

*** tức khi chưa tiến hành sự phê phán siêu nghiệm về các quan năng nhận thức như đã được trình bày trong phần “Các yếu tố cơ bản của nhận thức” trong quyển Phê phán lý tính thuần túy.

* relative Zweckmäßigkeit.

(1) Vì lẽ trong toán học thuần túy, ta không bàn về sự hiện hữu thực sự (Existenz) mà chỉ về khả thể của những sự vật, tức về một trực quan tương ứng với khái niệm về chúng, do đó, tuyệt nhiên không thể bàn về nguyên nhân và kết quả, cho nên mọi tính hợp mục đích được ghi nhận ở đây [trong toán học thuần túy] chỉ được xem xét như đơn thuần có tính mô thức (formal) chứ không bao giờ như là mục đích [của] Tự nhiên (Naturzweck). (Chú thích của tác giả).

* Lappländer.

* Latinh: “thấy rõ dấu vết của con người”. (N.D).

* thông qua phạm trù “nhân quả” của giác tính. Xem Kant, Phê phán Lý tính thuần túy: Loại suy thứ hai: Nguyên tắc về sự tiếp diễn của thời gian theo quy luật tính nhân quả (B232-256). (N.D).

* ám chỉ và phê phán thuyết duy thần luận (Theismus). (N.D).

** ám chỉ phái khắc kỷ (xem Kant, Ấn bản Hàn Lâm AA XXII 97; XXVII 1042; XXVIII 347, 1042, 1211). (N.D).

(1) Ngược lại, ta có thể rọi thêm ánh sáng để hiểu một sự nối kết nhất định bằng cách xem như có một sự tương tự với cái gọi là “những mục đích tự nhiên trực tiếp”, tuy rằng điều này thường gặp trong ý tưởng nhiều hơn trong thực tế. Trong công cuộc cải tạo toàn diện mới đây của một dân tộc vĩ đại để biến mình trở thành một Nhà nước, chữ “tổ chức” (Organization) thường được dùng rất chính xác để chỉ việc điều hành hệ thống tư pháp v.v... và cả toàn bộ cơ thể chính trị. Bởi, trong một cái toàn bộ như thế, mọi thành viên đều là mục đích lẫn phương tiện, và, trong khi mọi bộ phận đều hướng về khả thể của cái toàn bộ, mỗi bộ phận, trong vị trí và chức năng của mình, đều được quy định bởi ý tưởng về cái toàn bộ. (Chú thích của tác giả). [Piero Giordanetti trong bản của NXB Meiner cho rằng ở đây Kant muốn ám chỉ nước Pháp và cuộc Đại Cách mạng Pháp; bản dịch tiếng Anh lại cho rằng Kant muốn ám chỉ sự hình thành tổ chức Nhà nước của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ. N.D].

* “nhất thiết” (kategorisch) là một trong ba loại phán đoán về tương quan (Relation): nhất thiết, giả thiết (hypothetisch) (xem §67) và phân đôi (disjunktiv). Xem Kant, Phê phán Lý tính thuần túy B95 và tiếp.

(1) Trong phần I bàn về mỹ học [§58], ta đã nói rằng: ta nhìn giới Tự nhiên xinh đẹp với sự ái mộ (Gunst) khi ta có một sự hài lòng hoàn toàn tự do (không có sự quan tâm về lợi ích nào) nơi hình thức của nó. Bởi vì trong phán đoán sở thích đơn thuần ấy, ta không hề quan tâm đến việc những vẻ đẹp của Tự nhiên ấy tồn tại vì mục đích gì: hoặc để khơi dậy sự thích thú ở trong ta hoặc, với tư cách là mục đích, không hề có liên quan gì đến ta. Còn trong một phán đoán mục đích luận, ta quan tâm đến mối liên quan này, và ở đây, ta có thể xem nó như là một sự biệt đãi hay ái mộ của Tự nhiên [dành cho ta] khi nó phơi bày bao nhiêu hình thể đẹp đẽ như thế để mong muốn hỗ trợ ta nâng cao nền văn hóa của mình. (Chú thích của tác giả).

* Kant luôn phân biệt giữa “suy tưởng” (denken) và “nhận thức” (erkennen). “Suy tưởng” thì tha hồ, nhưng “nhận thức” thì có điều kiện, đó là chỉ trong phạm vi của kinh nghiệm khả hữu. (N.D).

(1) Chữ “vermessen” trong tiếng Đức là một từ hay và nhiều ý nghĩa*. Một phán đoán – trong đó ta quên nghĩ đến phạm vi những năng lực của (lý trí) của mình – đôi khi nghe có vẻ rất khiêm tốn, nhưng thật ra là nêu các yêu sách quá lớn lao và, do đó, quá tự phụ. Thuộc loại này là phần lớn các phán đoán được ta nêu ra với ý định to tát là ngợi ca sự sáng suốt của Thượng đế bằng cách quy những ý đồ [của Thượng đế] vào cho những công trình sáng tạo và cho việc duy trì những công trình ấy. | Những ý đồ này thực ra là để nhằm ca ngợi sự khôn ngoan riêng tư của người phán đoán mà thôi! (Chú thích của tác giả).

* Chữ “vermessen” có nhiều nghĩa gần gũi nhau: - đo lường sai, không lượng sức mình; - liều lĩnh; - tự cao tự đại. (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt