Triết học nghệ thuật

Tác phậm nghệ thuật [mang tính] tinh thần: Anh hùng ca

 

TÔN GIÁO [TRONG HÌNH THỨC] NGHỆ THUẬT

1 2 3 4

 

c

TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT [MANG TÍNH] TINH THẦN*

4 4a 4b 4c

 

I. Anh hùng ca 

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

§ 728

[I. Anh hùng ca:

a) Thế giới đạo đức của nó:]

Sự tập hợp của những Tinh thần quốc gia-dân tộc hình thành nên một vòng tròn của những hình thái; vòng tròn ấy từ nay bao trùm toàn bộ giới Tự nhiên lẫn toàn bộ thế giới đạo đức [xã hội]. Ngay cả chúng [những Tinh thần quốc gia-dân tộc] cũng phục tùng sự chỉ huy tối cao (Oberbefehl) hơn là phục tùng sự thống trị tối cao (Oberherrschaft) [Chủ quyền tối cao] của cái Một [Tinh thần quốc gia-dân tộc duy nhất]. Về mặt “cho-mình” (für sich), chúng là những bản thể phổ biến của những gì Bản chất tự giác “là” và “làm” một cách “tự-mình” (an sich). Song, Bản chất này hình thành nên sức mạnh và, ít ra là thoạt đầu, tạo nên trung tâm hội tụ của những Bản thể phổ biến nói trên và có vẻ như chỉ mới nối kết [hợp nhất] một cách ngẫu nhiên những công việc khác nhau của những Bản thể này[1]. Nhưng chính sự quay trở lại của Bản chất  thần linh vào trong Tự-ý thức đã chứa đựng lý do cho thấy tại sao chính Tự-ý thức mới là cái tạo dựng nên trung tâm điểm cho các thế lực thần linh trên đây và che đậy sự thống nhất có tính bản chất của chúng thoạt đầu dưới hình thức của một mối quan hệ ngoại tại [song] hữu hảo giữa hai thế giới [thế giới thần linh và thế giới con người][2].

 

§ 729

Do đó, cùng một tính phổ biến vốn thuộc về nội dung này cũng tất yếu mang hình thức của ý thức và trong hình thức ấy, nội dung xuất hiện ra. Việc làm của ý thức không còn là hành vi hiện thực của việc thờ cúng nữa; trái lại là một hành động tuy chưa được nâng lên trình độ Khái niệm, mà mới ở trình độ của biểu tượng (Vorstellung) [tư duy-hình tượng], ở việc nối kết tổng hợp giữa hiện hữu tự giác và hiện hữu bên ngoài. [Môi trường] hiện hữu của tư duy-hình tượng này – tức là ngôn ngữ – chính là ngôn ngữ đầu tiên [xuất hiện sớm nhất dưới hình thức] của anh hùng ca (Epos) xét như anh hùng ca[3]. | Anh hùng ca chứa đựng nội dung phổ biến, ít nhất là phổ biến theo nghĩa là tính hoàn chỉnh của thế giới được hình dung, mặc dù chưa phải theo nghĩa là tính phổ biến của tư tưởng[4].

Người hát anh hùng ca là một cá nhân đơn lẻ và hiện thực, và là người – với tư cách là chủ thể của thế giới này – tạo dựng và chống đỡ thế giới. Cái “Pathos” [động lực nội tâm] của người hát không phải là sức mạnh đinh tai của Tự nhiên, mà là ký ức (Mnemosyne), sự tỉnh thức (Besinnung) và sự nội tâm hóa dần dần, sự nhớ lại cái Bản chất đã từng hiện diện trực tiếp trước kia. Người hát là cơ quan, [là công cụ] đang tiêu biến đi trong nội dung của mình; bản thân Tự ngã của người hát không có giá trị gì, trái lại, cái đáng kể là cảm hứng, là lời ca có ý nghĩa phổ biến của người hát[5]. Tuy nhiên, trong thực tế, cái hiện diện ở đây mang hình thức của một tiến trình suy luận (der Schluss), trong đó cái đối cực của tính phổ biến – tức thế giới của những thần linh – được nối kết với tính cá biệt – tức với người hát – thông qua trung giới của tính đặc thù. Cái hạn từ trung giới ấy chính là nhân dân [quốc gia-dân tộc] trong [hình ảnh] những người anh hùng của mình, tức những người cũng là những cá nhân riêng lẻ giống như người hát, song chỉ được hình dung bằng biểu tượng và qua đó, đồng thời là phổ biến giống như cái đối cực tự do của tính phổ biến, tức những vị thần linh[6].

 

§ 730

[b) Con Người và Thần linh:]

Như vậy, trong anh hùng ca này, những gì đã được hiện thực hóa một cách “tự-mình” [mặc nhiên] ở trong việc thờ cúng, tức mối quan hệ giữa “thần” với “người”, thể hiện ra như một toàn bộ nói chung cho ý thức [trong hình thức biểu tượng]. Nội dung là một “hành động” (eine Handlung) [“một màn diễn” trong anh hùng ca] của cái Bản chất tự giác. Hành động là việc làm khuấy động sự yên bình của Bản thể và kích động [đánh thức] cái Bản chất, qua đó tính [nhất thể] đơn giản của Bản chất tự vỡ ra thành những bộ phận và khai mở ra thành thế giới đa tạp của những sức mạnh tự nhiên và những lực lượng đạo đức [xã hội]. Hành động là sự xúc phạm, làm tổn thương đến mặt đất yên bình, là cái hố sâu – được truyền sức sống bằng máu tươi của những người đang sống – tuyên triệu vong linh của những người đã khuất, những kẻ đang khao khát sự sống và đón nhận sự sống ở trong việc làm của Tự-ý thức. Có hai phương diện mà công việc liên quan đến các nỗ lực hoạt động phổ biến này phải hoàn thành, đó là: phương diện của Tự ngã, nhờ đó công việc được thực hiện bằng sự tập hợp toàn bộ của những quốc gia-dân tộc hiện thực với những cá nhân kiệt xuất đứng ở hàng đầu; và phương diện của cái phổ biến, nhờ đó công việc được thực hiện bởi những lực lượng bản thể của những quốc gia-dân tộc ấy. Tuy nhiên, trước đây, mối quan hệ của cả hai phương diện đã mang tính chất là sự nối kết tổng hợp của cái phổ biến với cái cá biệt, tức là một tiến trình của tư duy-hình tượng (das Vorstellen). Việc đánh giá về thế giới này phụ thuộc vào tính quy định ấy.

Như thế, qua sự hình dung bằng biểu tượng, mối quan hệ của hai phía [thần và người] là một sự trộn lẫn của cả hai; sự trộn lẫn này phân phối không hợp lý sự thống nhất của việc làm và áp đặt hành động của phía này sang phía kia một cách thừa thãi. Những quyền năng phổ biến [thần linh] mang hình thái của tính cá nhân, và như thế, mang theo mình nguyên tắc của hành động, cho nên, khi các vị thần [trong anh hùng ca] tác động nên điều gì, có vẻ như điều này được tiến hành hoàn toàn xuất phát từ họ và họ cũng hành động tự do giống hệt như con người. Như thế, cả hai phía, thần và người, đều cùng làm một việc. [Nhưng], sự trịnh trọng nghiêm túc trong hành động của những thần linh này là thừa thãi đáng buồn cười, bởi lẽ trong thực tế, họ chính là lực lượng xui khiến những cá nhân [anh hùng] lao vào hành động; trong khi đó, nỗ lực và việc làm của tính cá nhân này cũng là sự vất vả thừa thãi, vô ích không kém, bởi chính những quyền lực thần linh mới là kẻ chỉ huy và điều khiển mọi sự. Đồng thời, những sinh vật thụ tạo sống rày chết mai [những cá nhân anh hùng] vốn không là gì cả lại là cái Tự ngã hùng mạnh đòi những Bản chất phổ biến phải phục tùng, xúc phạm đến những vị thần linh, và, nói chung, chính là những kẻ mang lại tính hiện thực và sự quan tâm cho hành động của những vị thần. | Ngược lại cũng thế, những vị thần linh – tức những Bản chất phổ biến bất lực, sở dĩ sống còn là nhờ hưởng dụng những tặng vật của con người và thông qua con người mới có việc gì để làm – lại là cái Bản chất tự nhiên và là thực chất của mọi sự cố cũng như là thực thể đạo đức và “động lực nội tại” (Pathos) của hành động [của người anh hùng]. Vậy, nếu những bản tính cơ bản của thần linh phải thông qua Tự ngã tự do của tính cá nhân mới có được hiện thực và được đưa vào mối quan hệ hành động, thì đồng thời, những vị thần linh cũng vẫn cứ là cái phổ biến, có thể rút lui khỏi mối quan hệ này, vẫn ở yên trong tính quy định vô giới hạn của mình, và, do tính mềm dẻo không ai có thể thắng vượt được của tính nhất thể, cái phổ biến ấy tiêu trừ tính đơn lẻ và những hình thái đa tạp của hành động cá nhân, bảo tồn chính mình trong tính thuần túy và phân hủy mọi cái gì là cá nhân, cá biệt ở trong tính trôi chảy liên tục của mình[7].

 

§ 731

[c) Quan hệ giữa những thần linh với nhau:]

Cũng giống như những vị thần linh rơi vào mối quan hệ đầy mâu thuẫn này với bản tính đối lập lại với họ, đó là bản tính của Tự ngã thì tính phổ biến của họ cũng mâu thuẫn với tính quy định của chính họ và với mối quan hệ giữa họ với những vị thần khác. Những vị thần linh là những cá nhân vĩnh hằng, đẹp đẽ; an tĩnh trong sự tồn tại của riêng mình; thoát khỏi tính vô thường và khỏi ảnh hưởng của những cưỡng chế xa lạ. Nhưng đồng thời, họ là những yếu tố nhất định, những vị thần đặc thù, do đó, là đi vào trong mối quan hệ với những vị thần khác. Song, mối quan hệ với những vị thần khác – do tính cách đối lập của mối quan hệ nên đó là quan hệ xung đột với những vị thần khác – là một sự tự-lãng quên đáng buồn cười về bản tính vĩnh hằng của chính mình. Tính quy định [tính đặc thù] này bắt nguồn trong sự tự tồn của thần linh; và trong sự giới hạn của mình, có sự độc lập của tính cá nhân toàn vẹn: chính do sự độc lập này mà đồng thời những tính cách của thần linh mất đi nét sắc sảo của tính đặc thù [vĩnh hằng...] và bị trộn lẫn trong tính hàm hồ đa nghĩa của chính mình[8].

       Một mục đích nào đó của hành động và bản thân [toàn bộ] hành động của họ – vì nhằm chống lại một “cái khác”, do đó là chống lại một sức mạnh vô địch của thần linh – là một màn “lên gân” trống rỗng, vô ích, lập tức tiêu biến đi và biến vẻ nghiêm trọng bề ngoài của hành động thành một trò đùa không có gì nguy hiểm, [bởi] biết chắc là an toàn, một trò đùa vô thưởng vô phạt, không mang lại kết quả và hậu quả nào cả. Nhưng, nếu do bản tính thần linh của mình, yếu tố phủ định hay tính quy định của bản tính ấy xuất hiện đơn thuần như là sự không triệt để của hành động và có sự mâu thuẫn giữa mục đích và kết quả, và nếu lòng tự tin rằng mình sẽ được an toàn chiếm ưu thế hơn so với yếu tố của sự bị quy định [yếu tố phủ định] thì, cũng chính vì thế, bản tính tự nhiên của họ lại phải đương đầu với sức mạnh thuần túy của cái phủ định, tức là với quyền lực tối hậu mà họ phải chịu khuất phục và không thể chống cự gì được. Họ [những thần linh] là cái phổ biến và là cái “khẳng định” (das Positive) đối lập lại với cái Tự ngã cá biệt của những sinh vật hữu tử, khả diệt; và Tự ngã này [của con người] không tài nào kháng cự được trước quyền năng và sức mạnh ấy. | Thế nhưng, vì lý do đó, chính cái Tự ngã phổ biến lại là mối đe dọa treo lơ lửng trên đầu họ [những vị thần trong anh hùng ca của Homer] và trên toàn bộ thế giới biểu tượng này, tức trên toàn bộ nội dung của anh hùng ca. | Với họ, cái Tự ngã phổ biến này là sự trống rỗng vô-khái niệm [phi lý tính] của sự tất yếu (die begrifflose Leere der Notwendigkeit)[9]; tức là một sự biến (ein Geschehen) mà đối diện với nó, họ chỉ biết hành xử như những hữu thể không có Tự ngã và đầy lo buồn, bởi lẽ: những bản tính được quy định nhất định này (diese bestimmten Naturen: những vị thần của Homer) không tìm thấy chính mình ở trong tính thuần túy [của sự tất yếu] này[10].

 

§ 732

Tuy nhiên, một sự tất yếu như thế là sự thống nhất [nhất thể] của Khái niệm; một sự thống nhất buộc tính bản thể [sự tự tồn] đầy mâu thuẫn của những yếu tố cá biệt phải phục tùng; một sự thống nhất, trong đó sự không triệt để và bất tất của hành động của những thần linh được sắp xếp một cách mạch lạc, hợp lý; và tính chất đùa giỡn trong những hành động của họ sẽ nhận được tính nghiêm chỉnh và chân giá trị nơi bản thân những hành động ấy. Nội dung của thế giới biểu tượng [thế giới hình tượng của anh hùng ca] triển khai sự vận động của mình một cách “trên không chằng dưới không buộc” (ungebunden) ở trong hạn từ trung giới[11], tập hợp chung quanh tính cá nhân của một vị anh hùng nào đó, song cũng chính người anh hùng này, dù với tất cả sức mạnh và vẻ đẹp, vẫn cảm thấy đời mình bị gãy đổ và đau buồn khi biết trước rằng sự yểu mệnh đang chờ đón mình[12]. Bởi lẽ, tính cá biệt – được thiết lập vững chắc trong chính mình và là hiện thực – bị loại trừ thành một đối cực, bị phân hóa thành nhiều yếu tố chưa tìm thấy nhau và chưa được hợp nhất lại. Một bên, cái cá biệt không hiện thực và trừu tượng chính là sự tất yếu không tham gia gì vào trong đời sống của hạn từ trung giới ấy cả; còn bên kia là cái cá biệt hiện thực – tức người hát – cũng không tham gia gì vì tự đặt mình ra bên ngoài đời sống ấy và tiêu biến đi trong sự trình diễn của mình. Cả hai đối cực này phải tiếp cận với nội dung: một bên, sự tất yếu phải tự lấp đầy bằng nội dung này; và bên kia, ngôn ngữ của người hát cũng phải tham gia vào nội dung ấy; [để cho] nội dung bị bỏ rơi trước đây phải có được trong nó sự xác tín và sự quy định vững chắc của cái phủ định[13].

 

 



[1] Thần linh là môi trường bản thể cho hành động của con người, cho cái Pathos (khát vọng, động lực nội tâm) của những “anh hùng”; ngược lại, chính hành động của con người, tức Bản chất tự giác, mới làm cho việc làm của thần linh có thể có được. Đó là một cách lý giải của Hegel về thế giới anh hùng ca của Homer, hay nói như R. Kroner (trong “Từ Kant đến Hegel”/“Von Kant bis Hegel, II, tr. 408), là một “Hiện tượng học về anh hùng ca Homère” (dẫn theo J.H).

[2] Chính sự trở về lại của Bản chất thần linh vào trong Tự-ý thức là ý nghĩa của việc tiêu vong và chuyển hoá từ anh hùng ca sang bi kịch rồi hài kịch.

[3] “Xét như anh hùng ca” nghĩa là xét theo nghĩa từ nguyên của Anh hùng ca. Trong “Mỹ học”, Hegel xem thi ca là hình thức diễn đạt nghệ thuật đầu tiên, có trước văn xuôi.

[4] “Tư duy hình tượng” (Vorstellung), trong tâm lý học của Hegel, là bước trung gian giữa cái trực tiếp cảm tính và tư tưởng. Như sẽ thấy ở câu sau đó, sự hình dung bằng hình tượng này chưa phải là “tư tưởng” đúng nghĩa mà đúng hơn, mới là sự “nội tâm hóa của hồi ức” (Mnemosyne/Er-innerung), tức “sự nhớ lại cái Bản chất đã từng hiện diện trực tiếp trước kia”.

[5] Những vần thơ đầu tiên của Illiade.

[6] Như vậy, anh hùng ca là một hình thái mang tính biện chứng của một “suy luận” (Schluss), trong đó, một đối cực là thế giới của những yếu tố bản thể, tức những thần linh ngự trên đỉnh núi Olympe (cái phổ biến); đối cực kia là người hát anh hùng ca, sản sinh và chống đỡ thế giới này (cái cá biệt), còn cái hạn từ trung giới là thế giới của những nhân vật anh hùng, tức những cá nhân giống như người hát nhưng đã được nâng lên để tiếp cận với tính phổ biến do sự thổi phồng của ký ức (cái đặc thù). Mới thoạt nhìn, người hát chỉ là hình thức thuần túy cá biệt, nhưng như sẽ thấy, chính tính cá biệt của con người với tư cách là Tự-ý thức sẽ là “sự thật” (hay chân lý tối hậu) của mối quan hệ “suy luận” này.

[7] Như thế, ở đây, thế giới của những vị thần linh biểu lộ một nét cao cả có tính hài kịch, còn trong thế giới của con người, một nét yếu đuối có tính bi kịch. (Xem: R. Kroner, Sđd, tr. 409; dẫn theo J.H).

[8] Bản thân sự độc lập của thần linh cũng là một sự giới hạn (như Hegel nói trong Mỹ học). Sự thiếu vắng hoàn cảnh đặc thù thì bản thân cũng là một hoàn cảnh. Cho nên, cái thiếu nơi các thần linh là sự dấn thân thực sự vào hành động; và, thiếu sự dấn thân, tức thiếu tính khẳng định thì cũng đồng nghĩa với việc thiếu sức mạnh phủ định.

[9] “Sự trống rỗng vô-khái niệm của sự tất yếu”: tức Định mệnh.

[10] Sự lo buồn cũng đã xuất hiện ngay trong sự an tĩnh của thần linh, xem Mỹ học II, tr. 75-76.

[11] “Trong hạn từ trung giới”: như đã biết ở §729, hạn từ trung giới này chính là cá nhân những nhân vật anh hùng ở trong anh hùng ca (hai đối cực kia của “suy luận” là những vị thần linh và người hát anh hùng ca).

[12] Ám chỉ nhân vật anh hùng Achille.

[13] Bước chuyển từ anh hùng ca sang bi kịch. Trong anh hùng ca, hạn từ trung giới (tức nhân vật anh hùng) là “trên không chằng, dưới không buộc” (ungebunden): ở “bên trên” người anh hùng là tính cá biệt phổ biến của Định mệnh, là sự vận động trừu tượng của sự biến và của thời gian được thể hiện trong ngôn ngữ anh hùng ca một cách ngoại tại đối với nội dung; còn ở “bên dưới” là tính cá biệt riêng lẻ của người hát không tham gia vào câu chuyện do mình kể ra. Bi kịch sẽ là ngôn ngữ thỏa ứng các đòi hỏi mới trong mối quan hệ hai chiều ấy.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

HÀ HUY HIỆP - 22:46 12/02/2023
Theo em được hiểu
Giữa con người và thần linh việc thờ cúng , cũng là 1 trong số yếu tố cần thiết để mang lại sự may mắn cũng như sự thoải mái của đầu óc con người , giúp việc gắn kết hơn giữa thần và dân . Từ đó yếu tố này cũng mang lại nhiều cái lợi trong thực tiễn
Anh hùng ca chỉ mang bản chất và ý chí giúp con người hiểu và nhận ra thế giới này và cũng ngược chiều thì con người chúng ta sẽ nhìn thấy sự thật 1 cách quang minh chính đại
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt