Triết học nghệ thuật

Thái độ không quan tâm trong mỹ học

 

THÁI ĐỘ KHÔNG QUAN TÂM TRONG MỸ HỌC

 

DAVID E.W. FENNER

Lê Thị Thanh Loan dịch

 


Trích dịch từ David E. W. Fenner. Introducing Aesthetics. Praeger, 2003, tr. 15-22. | Bản thảo do dịch giả gửi cho triethoc.edu.vn.


 

Trong quá trình tạo lập các lý thuyết về thái độ thẩm mỹ, sự không quan tâm (disinterest) nổi bật lên như là một ứng viên chiếm nhiều ưu thế nhất cho việc xác định thái độ thẩm mỹ là gì. Nó được bàn luận lần đầu tiên bởi Lord Sahftesbury và Francis Hutcheson khi các triết gia này trình bày lý thuyết của họ về cái đẹp và sở thích. Cả Shaftesbury lẫn Hutcheson được coi là người mở đầu cho truyền thống nhấn mạnh đến sự không quan tâm. (Chúng ta sẽ khảo sát cặn kẽ các quan niệm của họ ở chương 8, chương bàn về việc định nghĩa “cái đẹp”). Sự không quan tâm được các nhà tư tưởng Đức Immanuel Kant và Arthur Schopenhauer phân tích kỹ lưỡng, và trong vòng 25 năm qua, sự không quan tâm đã được Jerome Stolnitz nhiệt tình ủng hộ. Sau khi thảo luận Kant và Schopenhauer xong, ta sẽ chuyển sang công trình của Stolnitz.

Chúng tôi gộp Stolnitz vào chung nhóm với các triết gia Đức thế kỷ 18 và 19 không phải để ngụ ý rằng quan niệm của ông chỉ là thay bình mới cho vò rượu cũ. Thực ra thì lý thuyết của Stolnitz tinh gọn hơn nhiều so với của các triết gia Đức. Trong cách giải thích của  Stolnitz, không có những cam kết siêu hình học tầm cỡ nào như trong các lý thuyết của Kant và Schopenhauer. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng, nhưng quan niệm của Stoltniz hướng đến một mục đích khác với quan niệm của các triết gia Đức này. Mục tiêu của cương lĩnh Kant là tạo ra điểm gặp nhau cho (hoặc sự nhất trí phổ quát giữa) phán đoán thẩm mỹ và sự giải thích nó. Mục tiêu của cương lĩnh Schopenhauer là đảm bảo cho việc thoát ra khỏi thế giới hiện tượng và Ý chí, thâm nhập vào các Ý niệm và trạng thái vô-Ý chí của thế giới đằng sau hiện tượng. Nhưng mục tiêu của cương lĩnh Stolnitz lại tỏ ra khiêm tốn và giản đơn hơn. Ông tìm cách xem xét các phương tiện dẫn đến kinh nghiệm thẩm mỹ. Mục tiêu của Stolnitz khá sát cận với mục tiêu của hầu hết, hay có lẽ là tất cả, các lý thuyết gia về thái độ thẩm mỹ hiện nay.

IMMANUEL KANT

Quan niệm của Immanuel Kant về sự không quan tâm chính là ở chỗ nó coi sự không quan tâm như là một thái độ cần thiết để đánh giá đúng đắn một thứ gì đó có đẹp hay không. Kant nói rằng, trong vô vàn thứ mà chúng ta phải xem chúng ở phương diện thẩm mỹ, về nguyên tắc, ta không được quan tâm đến đối tượng để trải nghiệm nó ở phương diện thẩm mỹ. Thế thì, sự không quan tâm này không có nghĩa là ta phải tránh né hay bỏ qua đối tượng. Hoàn toàn ngược lại. Sự không quan tâm trong việc trải nghiệm này của chúng ta là một sự không quan tâm nhưng có ý quan tâm (interested disinterest). Trước lối diễn đạt đầy nghịch lý này, nhiệm vụ của chúng ta là phải định nghĩa sự không quan tâm.

Kant nói với ta rằng “sự không quan tâm” là từ dùng để chỉ sự hiện hữu thực sự của đối tượng. Khi nào ta nhìn một vật nào đó mà không quan tâm đến bất cứ sự hiện hữu vật lý thực sự của đối tượng thì khi đó ta đang nhìn nó trong trạng thái không quan tâm. Ta phải nhìn như thể ta không để ý chút nào đến sự hiện hữu vật lý của đối tượng; ta chỉ để ý đến sự biểu hiện ra (appearance) của đối tượng ấy (“sự biểu hiện ra” nếu được dùng theo nghĩa rộng thì nó bao hàm cả việc nghe và những cách cảm nhận khác).

Ý thứ hai của định nghĩa về sự không quan tâm nằm trong ý niệm cho rằng ta không được quan tâm đến bất cứ chức năng nào mà đối tượng có thể có. Để nhìn theo cách không quan tâm, ta không được coi đối tượng như một công cụ hay bất cứ thứ gì khác có thể hữu dụng. Vì thế, trong khi ta có thể nhìn Phòng khi gãy tay (trưng bày cái xẻng) của Duchamp như là một thứ hữu dụng nó đã là vật được treo trong một ga-ra ở Main vào tháng Giêng, nhưng để nhìn nó ở phương diện thẩm mỹ, nhìn nó nhưng không quan tâm đến nó, thì ta chớ để ý tới công dụng của nó. Ta chỉ tập trung vào nó, xem nó như là một đối tượng thẩm mỹ, nghĩa là chỉ chú ý đến những yếu tố nào trong sự trải nghiệm của ta khi nhìn đối tượng sẽ cung cấp cho ta một sự kinh nghiệm thẩm mỹ phong phú và bổ ích hơn.

Thứ ba, khi nhìn mà không quan tâm, ta không được đưa đối tượng “vào bất cứ phạm trù nào”. Ta phải xử lý đối tượng vì chính bản thân nó. Cho nên nếu Sam có xem một tác phẩm của Manet, anh ta không nên đánh giá nó như là một phần tử trong tập hợp nghệ thuật Ấn tượng, anh ta nên xử lý đối tượng như thể nó không có mối liên hệ nào với bất kỳ một đối tượng, có thực hay tưởng tượng, nào khác. Theo nghĩa nào đó, Sam không được nhìn vào các mối quan hệ bên ngoài mà một đối tượng thẩm mỹ có thể có với những thứ khác trong thế giới. Anh ta chỉ được phép chú ý đến các mối quan hệ bên trong, tồn tại với tư cách là vấn đề về hình thức của đối tượng và vấn đề về đặc điểm của bản thân đối tượng.

Kant cho thấy sự phân biệt giữa thích nhưng không quan tâm với thích một cách đơn thuần là một sự phân biệt khá quan trọng. Khi chỉ đơn thuần là “thích” một đối tượng, ta thích nó như là một phương tiện nào đó dẫn ta tới thứ gì đó khác. Ta thích nó vì nó có thể mang lại cho ta một sự thích thú nào đó – thích cái chỉ đơn thuần là dễ chịu – hay ta thích nó vì nó có thể dùng cho mục đích nào đó khác của ta. Ta thích nó như một công cụ tốt, tốt cho một cái gì đó khác. Tuy nhiên, thích nhưng không quan tâm là một cái thích thuần túy vì chính nó. Ta không thích một đối tượng như là một công cụ tốt, mà ta thích nó chỉ vì ta thích nó.

Ba đặc điểm này góp phần tạo nên sự đánh giá không quan tâm về đối tượng thẩm mỹ. Theo Kant, sở dĩ ta nói “sự đánh giá không quan tâm” là vì ta phải ý thức sâu sắc về hình ảnh của đối tượng và chỉ tập trung vào hình ảnh ấy mà thôi. Có lẽ nếu có ai tuyệt nhiên không quan tâm đến một đối tượng nào đó thì hẳn người ấy đã thuộc cõi trời nào khác rồi. Tuy nhiên, như ta thấy, đây không phải là điều Kant nghĩ. Ông không có ý nói là vô tâm (noninterested). Sự không quan tâm mà ông nói đến là một loại quan tâm đặc biệt, chỉ khi nào người quan sát rất quan tâm – nghĩa là rất quan tâm tới hình ảnh của đối tượng vì bản thân hình ảnh ấy và bởi chính hình ảnh ấy, thì thái độ không quan tâm này sẽ đưa cái nhìn ấy vào kích thước thẩm mỹ. Cho nên, theo nghĩa nào đó ý niệm không quan tâm của Kant chỉ là để chặn một số kiểu nhìn nào đó. Đấy không phải là vấn đề ta nên nhìn như thế nào, cũng không phải là vấn đề một phương cách nào đó được mang lại cho ta để ta có cái nhìn thẩm mỹ. Thay vào đó, nó cho ta biết ta không nên nhìn như thế nào. Và, nếu không nhìn theo những cách phi thẩm mỹ thì đó là ta đã đặt mình vào lập trường đúng đắn, một thái độ đúng đắn, để nhìn một cách thẩm mỹ. (Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn về quan niệm của Kant ở chương 11, trong định nghĩa "cái đẹp".)

ARTHUR SCHOPENHAUER

Muốn hiểu rõ nhất tại sao ý niệm sự không quan tâm ở Arthur Schopenhauer cho phép chúng ta có cái nhìn thẩm mỹ, ta phải nắm vững được siêu hình học của ông. Hai điều đáng chú ý ở đây. Một là, Schopenhauer là người theo thuyết Plato. Ông tin mỗi vật đều có bản chất của chúng và các bản chất ấy hiện hữu ở bên ngoài các đối tượng cụ thể cá biệt. Hai là, ông tin có một Ý chí, một mãnh lực bao trùm toàn bộ thế giới hiện hữu thông qua nhu cầu và ham muốn. Schopenhauer cho biết có ba cách để thoát khỏi Ý chí. Ta có thể trở thành nhà khổ hạnh. Ta có thể trở thành triết gia. Hoặc ta có thể nỗ lực tìm kiếm những kinh nghiệm thẩm mỹ. Thông qua việc trải nghiệm thẩm mỹ, ta thâm nhập vào các Hình thức hay các bản chất kiểu Plato. Ta vượt lên trên thế giới vật chất và có thể chiêm ngưỡng thế giới tinh thần.

Ngắm tác phẩm nghệ thuật, nhìn theo lối thẩm mỹ cho phép ta thoát khỏi Ý chí. Và cuộc đào thoát khỏi Ý chí này được thực hiện thành công bằng cách nhìn nhưng không quan tâm (viewing disinterestedly). Trong cả hai trường hợp, chúng ta đang bàn về mặt tiêu cực: ta thoát khỏi Ý chí bằng cách nhìn nhưng không quan tâm. Cho nên, theo một nghĩa nghiêm túc, nhìn theo lối thẩm mỹ là nhìn nhưng không chú ý đến những sự vật nào đó, bỏ qua tất cả những yếu tố nào của thế giới góp phần tạo nên nhu cầu và ham muốn. Khi bỏ qua các mối quan hệ mà một đối tượng có với những phương diện khác của thế giới, tức nói như Schopenhauer “sự vật ấy ở đâu, khi nào, tại sao và sự suy tàn của nó”, ta chỉ có thể đánh giá bản thân đối tượng, bởi chính đối tượng, và chiêm ngưỡng cái hiện thực nhất trong đối tượng. Ta có thể tập trung vào việc tìm kiếm Hình thức (chữ H viết hoa) trong đối tượng.

Như vậy, khác với các nhà mỹ học khác, Schopenhauer tin rằng việc ta nhìn nhưng không có sự quan tâm, tức là khi ta có thái độ thẩm mỹ là không quan tâm, đã thực sự làm thay đổi đối tượng ta đang nhìn. Ta đã biến đối tượng thành một cái gì đó mới mẻ: một đối tượng thẩm mỹ. Đây là chỗ cho thấy lý thuyết của Schopenhauer về sự không quan tâm đích thực là một lý thuyết về thái độ thẩm mỹ, hơn hẳn các lý thuyết khác, như lý thuyết của Kant chẳng hạn. Trong khi đối với Kant, người ta vẫn có những thắc mắc nào đó về việc liệu Kant có thực sự phù hợp với truyền thống thái độ thẩm mỹ hay không (vì ông chủ yếu quan tâm đến năng lực phán đoán thẩm mỹ, chứ không chỉ đơn thuần là trải nghiệm thẩm mỹ), thì với Schopenhauer chẳng ai thắc mắc gì về chuyện đó cả, bởi lẽ đối với ông, thái độ thẩm mỹ làm thay đổi đối tượng được nhìn từ chỗ là một đồ vật thông thường trong thế giới trở thành một đối tượng thẩm mỹ.

Schopenhauer là một trong số không nhiều các nhà lý thuyết về thái độ đã thực sự xem xét thái độ thẩm mỹ một cách chính xác liên quan đến việc biến đồ vật thành một đối tượng thẩm mỹ. Phần lớn các lý thuyết gia khác về thái độ chỉ muốn nói rằng ta chú ý đến những phương diện nào đó, những mối quan hệ nào đó, những thuộc tính nào đó luôn có trong đối tượng, nhưng khi được nhìn không phải theo lối thẩm mỹ thì chúng bị bỏ sót hay bị che đậy. Schopenhauer cho phép người nhìn thẩm mỹ thay đổi sự cấu tạo, hay trạng thái khách quan (objective status) của đối tượng. Điều này được thực hiện phần nào là do mối quan hệ gần gũi giữa người nhìn và vật được nhìn khi người nhìn để ý tới nó nhưng không có sự quan tâm. Và trong khi người nhìn làm thay đổi đối tượng, đến lượt nó, đối tượng làm thay đổi người nhìn. Nó nâng anh ta ra khỏi thế giới thường nhật. Nó biến anh ta, trong một khoảng thời gian nào đó, trở thành một cư dân của thế giới tinh thần hay thế giới bản chất.

Vì vậy, sự không quan tâm, hay bỏ qua những khía cạnh nào đó của đối tượng, đạt được nhiều mục đích. (1) nó cho phép người nhìn tham dự ở mặt thẩm mỹ. (2) Nó biến đối tượng từ một đồ vật thông thường thành một đối tượng thẩm mỹ. (3) Nó cho phép chủ thể, với năng lực của chính mình, nâng mình lên khỏi thế giới của các cá thể đồ vật và chiêm ngưỡng thế giới hiện thực của các bản chất, một thế giới thoát ly khỏi Ý chí.

Chúng ta có thể đi thêm bước nữa trong việc rời bỏ Ý chí. Schopenhauer gợi ý rằng trong khi sự chiêm ngưỡng đích thực bất cứ đối tượng thẩm mỹ nào sẽ là cuộc đào thoát thành công ra khỏi Ý chí, chính nhờ việc chiêm ngưỡng một hình thức nghệ thuật đặc biệt mà ta hầu như thực sự có thể thoát khỏi Ý chí. Nếu ta dự mình vào bản nhạc đã được hình thức hóa, ta không chỉ đang ở trong thế đứng để chiêm ngưỡng các Hình thức, mà còn đang ở trong thế đứng tốt nhất để thoát khỏi Ý chí.

Chắc chắn có thể có vấn đề đối với cách giải thích của Schopenhauer (dĩ nhiên cách giải thích triết học nào cũng đều dường như có vấn đề cả). Nhưng các vấn đề ấy không nhiều như lúc đầu có thể ta đã tưởng. Siêu hình học của ông thì phức tạp và khẳng định với ta rằng có hai thế giới: thế giới tự nhiên và thế giới siêu nhiên. Hơn nữa, có khái niệm Ý chí và sự tin tưởng hết mình vào một sức mạnh như vậy, đặc biệt là đối với các sinh viên có óc khoa học cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi của một lý thuyết mạnh mẽ và thành công về thái độ thẩm mỹ hầu như vẫn còn nguyên ngay cả khi ta không tiếp nhận siêu hình học của ông. Các vấn đề then chốt: (1) có thể trải nghiệm thẩm mỹ và (2) việc biến đổi đối tượng từ chỗ là một vật dụng thường ngày thành một đối tượng thẩm mỹ vẫn còn đó ngay cả khi hệ thống siêu hình học nặng nề bị bác bỏ. Theo dòng các truyền thống thái độ, đây là những yếu tố quan trọng nhất cho việc xây dựng lý thuyết thái độ. Hơn nữa, Schopenhauer đã có một lối tiếp cận rõ ràng, lối tiếp cận không quan tâm. Ông rất hợp với truyền thống thái độ. (Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn về các quan niệm của Schopenhauer ở chương 4, mục định nghĩa “nghệ thuật”).

JEROME STOLNITZ

Jerome Stolnitz là người bảo vệ quan trọng nhất trong thế kỷ 20 cho quan niệm truyền thống về sự không quan tâm. Nhưng ông khác Kant và Schopenhauer ở hai điểm: (1) Ông không có học thuyết siêu hình học trong đó sự không quan tâm được cho là phù hợp; và (2) ông không nói cụ thể gì đến sự đánh giá hay phán đoán thẩm mỹ trong mô tả của mình về sự không quan tâm (như Kant đã làm). Stolnitz quan tâm đến những điều kiện cần thiết cho kinh nghiệm thẩm mỹ, cho nên mối quan tâm của ông nhìn chung là mang tính tâm lý hay tinh thần.

Stolnitz bắt đầu cách giải thích của mình bằng cách lưu ý rằng sự chú ý là có tính chọn lọc. Chúng ta tập trung, hoặc là có ý thức hoặc là theo thói quen thường ngày, vào các phương diện khác nhau của cái đáp ứng được các giác quan của mình, và loại bỏ những phương diện nào không liên quan tới mục đích xem của mình. Nếu mục đích của ta là mua một chiếc xe, ta sẽ tập trung vào chức năng của chiếc xe ta đang xem. Tuy nhiên, trong trường hợp không có mục đích, ta tập trung vào chiếc xe nhưng không phải xem nó như là một chiếc xe. Khi ta xem mà không có mục đích, ta tập trung vào đối tượng xét như là một đối tượng thẩm mỹ, chú ý đến các thuộc tính hiện tượng của nó, và chỉ có thế mà thôi.

Stolnitz định nghĩa thái độ thẩm mỹ là (1) thái độ không quan tâm và (2) sự chú ý có tính cách đồng cảm tới một đối tượng bất kỳ. Giống như Kant, Stolnitz gợi ý rằng khi nhìn đối tượng theo cách thẩm mỹ, ta không nên chú ý đến bất cứ mục đích nào mà đối tượng có thể đáp ứng, mà chỉ chú ý đến bản thân đối tượng và vì đối tượng ấy mà thôi. Ta không được xem đối tượng như là một công cụ hữu dụng, mà phải xem nó như là một mục đích tự thân.

Nhưng ý niệm sự đồng cảm thì sao? Stolnitz cho rằng nếu muốn đánh giá đối tượng, ta phải chấp nhận nó theo những điều kiện riêng của nó. Điều đó có nghĩa là, để trải nghiệm đối tượng một cách không có mục đích và một cách thẩm mỹ, ta chỉ phải chú ý đến các đặc điểm của các đối tượng và ta phải chú ý một cách chặt chẽ và cẩn trọng. Ta phải đồng cảm với tác phẩm nghệ thuật, nếu không thì sự không quan tâm rất có thể sẽ có nghĩa là thiếu quan tâm (lack of disinterest), đấy thực sự là điều ta không hề muốn. Cũng giống như cách Kant giải thích, dù nghe có vẻ như nghịch lý, ta phải quan tâm đến tác phẩm để duy trì sự không quan tâm đến tác phẩm, nhưng thực tế là nếu ngay từ đầu ta không có sự quan tâm nào đó thì ta sẽ không có thế đứng nào để đánh giá tác phẩm – hay nói đúng hơn, để trải nghiệm tác phẩm về mặt thẩm mỹ. Nghịch lý sẽ mất đi khi ta hiểu “quan tâm” là “đồng cảm” và “không quan tâm” là “không có mục đích”.

Stolnitz cũng đã đưa vào thế kỷ 20 ý niệm của Schopenhauer rằng thái độ của người thưởng ngoạn chuyển đối tượng từ chỗ là một đồ-vật-trong-thế-giới thành một đối tượng thẩm mỹ. Ở đây chúng tôi không có ý nói rằng đối tượng trải qua một sự thay đổi khách quan, có thể Schopenhauer đã nghĩ như vậy. Chúng tôi muốn nói rằng các thuộc tính của đối tượng, có thể dẫn ta đến sự trải nghiệm thẩm mỹ trọn vẹn – tức các thuộc tính như đường nét, hình dạng, màu sắc, sự đối xứng, sự cân bằng, sự hài hòa, v.v. – đều bị ẩn giấu đến khi nào người xem chọn lấy thái độ thẩm mỹ để nhìn ngắm đối tượng thì mới thôi.

Nhìn đối tượng mà không lưu tâm đến mục đích không có nghĩa là bất cứ sự hiểu biết nào về đối tượng, như ai là người tạo ra nó, nó được tạo ra khi nào và trong hoàn cảnh nào chẳng hạn, cũng đều không liên quan. Nếu sự hiểu biết về một đối tượng nào đó có ích cho việc trải nghiệm thẩm mỹ của ta về đối tượng – tạo điều kiện thuận lợi cho sự đánh giá của ta, hay giúp cho sự đánh giá của ta trở nên phong phú và bổ ích hơn – thì sự hiểu biết này được phép sử dụng. Mặt khác, Stolnitz cho phép người xem và sự trải nghiệm của anh ta về tác phẩm, ít nhất là đối với người xem, quy định chiều sâu hay phạm vi của các thuộc tính thẩm mỹ của đối tượng. Nếu nhà phê bình không đồng tình thì cũng chẳng sao; người xem không có lý do gì để thay đổi cái nhìn của mình gặp phải sự không đồng tình. Đây không phải là bước rẽ đáng ngạc nhiên. Mặc dù Stolnitz không quan tâm đến việc gạt bỏ các nhà phê bình, giống như hầu hết các nhà lý thuyết về thái độ thẩm mỹ, ông quan tâm đến việc đặt trọng tâm vào sự trải nghiệm thực tế của người xem.

Người ta có thể phản đối khi Stolnitz phát biểu rằng chú ý đến các thuộc tính của đối tượng với mục đích có được sự trải nghiệm thẩm mỹ  chú ý với một mục đích cụ thể nào đó ở trong đầu. Trong cái nhìn thẩm mỹ, động cơ hay mục đích ban đầu là nhận ra các đặc điểm thẩm mỹ của đối tượng, hay chính xác hơn, có được sự trải nghiệm thẩm mỹ. Vì thái độ thẩm mỹ chú ý tuy không quan tâm nhưng có sự đồng cảm có thể được phân biệt dễ dàng về mặt khái niệm với việc trải nghiệm thẩm mỹ, nên ta khó lòng thấy được làm thế nào mà thái độ thẩm mỹ có thể tránh được việc mình có mục đích hiểu theo nghĩa mục đích của nó là thúc đẩy việc trải nghiệm thẩm mỹ. Nghịch lý này không mất đi một cách dễ dàng như nghịch lý “sự không quan tâm nhưng có quan tâm”. Chúng ta tiếp nhận thái độ thẩm mỹ để có một trải nghiệm thẩm mỹ. Có lẽ Stolnitz muốn nói “không nên có mục đích ẩn kín nào”.

XEM XÉT SỰ KHÔNG QUAN TÂM

Có nhiều ý kiến phê phán về sự không quan tâm trong các tài liệu viết về thái độ thẩm mỹ. Nổi bật trong số đó có thể kể đến là ý kiến của George Dickie. Dickie cho rằng dường như ta có thể nhìn theo lối thẩm mỹ, nghĩa là chú ý đến các đặc điểm thẩm mỹ của đối tượng, trong khi vẫn chú ý đến mối quan hệ bên ngoài nào đó của đối tượng, tức khía cạnh nào đó của đối tượng có quan hệ nào đó với bộ phận nào đó khác của thế giới. Chẳng hạn, ta có thể chú ý đến cả đặc điểm thẩm mỹ của tác phẩm lẫn quan điểm đạo đức về đối tượng (nếu có). Stolnitz có thể nói rằng nếu ta cảm thấy bất an trước quan điểm đạo đức trong tiểu thuyết Quả cam đồng hồ của Anthony Burgess, ta sẽ không thể đánh giá tác phẩm này về mặt thẩm mỹ được. Nhưng đôi khi, như trong Quả cam đồng hồ, quan điểm đạo đức là yếu tố then chốt để hiểu hay đánh giá đầy đủ tác phẩm này.

Điều đáng lưu ý ở đây là cụm từ “nếu ta cảm thấy bất an” của Stolnitz. Bạn phải nhớ rằng ở trên chúng tôi đã nói rằng sự hiểu biết về một đối tượng là có thể chấp nhận được nếu nó giúp ta có được sự trải nghiệm thẩm mỹ hoặc góp phần làm phong phú thêm kinh nghiệm thẩm mỹ của ta. Trong Quả cam đồng hồ, quan điểm đạo đức dường như là yếu tố then chốt để có được sự đánh giá đầy đủ về tác phẩm. Có lẽ ý niệm mà ta có thể đưa vào quan điểm đạo đức là ta phải xem với sự đồng cảm. Thế nhưng vấn đề vẫn còn đấy: dường như ta không chỉ cần đến thái độ không quan tâm để có được sự trải nghiệm thẩm mỹ tốt nhất, mà đôi khi sự trải nghiệm thẩm mỹ ấy xảy ra cùng với những thái độ khác, như thái độ đạo đức, tôn giáo hay chính trị chẳng hạn.

Điều này dẫn đến một phê phán khác về thái độ không quan tâm. Đôi khi trạng thái được quan tâm có thể hữu ích cho sự trải nghiệm thẩm mỹ. Hãy xét ví dụ sau: Sally đang xem một bộ phim kinh dị. Bộ phim đặc biệt này dựa trên những cách giải thích của Kinh Thánh về Khải huyền và ngày tận thế. (Có lẽ bộ phim ấy là Điềm báo). Sally có thể thưởng thức bộ phim một cách ổn thỏa trong khi vẫn duy trì trạng thái không quan tâm đến nó, như Kant, Schopenhauer và Stolnitz đã chuẩn định. Cô ấy thậm chí có thể thưởng thức bộ phim nhiều hơn thế nếu cô ấy cũng có thái độ đạo đức hay tôn giáo nào đó đối với nó. Nhưng nếu Sally có sự quan tâm riêng tư đến bộ phim thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Sally có thái độ rất riêng – và dường như là rất quan tâm – của cô ấy rằng những gì cô ấy đang xem thực sự là những điều sẽ xảy ra ở những ngày cuối cùng? Giả sử Sally là một tín hữu Kitô và có lẽ là ngây thơ trước sự tô vẻ dựa theo Kinh thánh mà người đạo diễn hay nhà biên kịch nhúng tay vào. Có thể cô ấy cảm thấy rõ rằng cô ấy đang xem một bản ghi trước, một sự mô tả mang tính tiên tri, về những gì sẽ thực sự xảy ra tại thời điểm cuối cùng. Chính vì thế, cô ấy sẽ cảm thấy kinh hãi hơn phần nào so với khi cô ấy chỉ đơn giản là có thái độ không quan tâm. Nếu sự thành công của một bộ phim kinh dị một phần dựa trên mức độ sợ hãi mà nó gây ra nơi người xem, và sự trải nghiệm thẩm mỹ tuyệt vời nhất đối với một bộ phim kinh dị là cảm thấy sợ tột độ, thì việc không quan tâm gì tới bộ phim, tức tuyệt nhiên không quan tâm, có thể làm hại đến sức mạnh của bộ phim và làm cho sự trải nghiệm thẩm mỹ kém mạnh mẽ hơn.

Bất luận như thế nào, sự không quan tâm với tư cách là một định thức của thái độ thẩm mỹ đã và đang là một định thức phổ biến nhất xuyên suốt lịch sử xây dựng lý thuyết thái độ. Thậm chí hiện nay, nhiều nhà mỹ học có thiện cảm với ý niệm về thái độ thẩm mỹ công khai ủng hộ phái không quan tâm hơn.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt