Triết học ngôn ngữ

Về ngữ nghĩa học siêu nghiệm vượt khỏi Phê phán lý tính thuần túy

Về ngữ nghĩa học siêu nghiệm

vượt khỏi Phê phán lý tính thuần túy

ANDREA LUISA BUCCHILE FEGGION (*)

Đinh Hồng Phúc dịch

 


Andrea Luisa Bucchile Faggion. “On Transcendental Semantics beyond Critique of Pure Reason”. Kant e-Prints. Campinas, Série 2, v. 2, n. 2, p. 165-170, jul.-dez., 2007. Bản điện tử: ftp://ftp.cle.unicamp.br/pub/kant-e-prints/andrea-faggion-2-2-2-2007.pdf | Bản dịch tiếng Việt của Đinh Hồng Phúc.


 

Dẫn nhập

Luận đề chính của ngữ nghĩa học siêu nghiệm đó là để có một ý nghĩa thì bất cứ khái niệm nào – lý thuyết hay không – cũng đều cần có thể được áp dụng vào một lĩnh vực khả giác. Ta không cần biết thêm gì khác về ngữ nghĩa học siêu nghiệm để bàn luận điểm của bài viết này. Luận đề ngữ nghĩa học siêu nghiệm được chấp nhận, với một điều kiện là ta giới hạn phạm vi của nó vào các khái niệm lý thuyết. Cho nên ngữ nghĩa học siêu nghiệm ắt sẽ không ngang bằng với triết học phê phán.

Về Ngữ nghĩa học siêu nghiệm của Kant (tr. 45-47), Zeljko Loparic biện minh cho giá trị hiệu lực của luận đề của mình vượt khỏi các khái niệm lý thuyết bằng cách viện đến phương pháp phân tích và tổng hợp của Kant. Sự cấu tạo cảm tính của các khái niệm hay những ví dụ cảm tính về các khái niệm ắt giữ vai trò cơ bản cho phương pháp này. Do đó, vì phương pháp này ắt là một hằng số trong tư tưởng của Kant, nên tính vận dụng của các khái niệm vào những lĩnh vực khả giác cũng ắt sẽ là một hằng số. Tuy nhiên, tôi muốn khảo sát một sự biện minh khả hữu khác cho việc xem toàn bộ triết học phê phán như là ngữ nghĩa học siêu nghiệm. Tôi sẽ biện hộ rằng khái niệm của Kant về khái niệm dẫn ta trực tiếp đến một sự lý giải ngữ nghĩa về triết học Kant trong khi nó luôn là nhận thức thuần lý bằng những khái niệm.

Luận đề của tôi dựa vào hai luận điểm căn bản: 1) Phân tích pháp siêu nghiệm là phần cốt lõi của toàn bộ hệ thống Kant, nghĩa là nếu có bất cứ tính vô ước nào giữa nó với một học thuyết nào đó được Kant chủ trương trong quá trình lịch sử thì học thuyết, cái cuối cùng sẽ bị loại; 2) Phân tích pháp siêu nghiệm có thể làm việc khi và chỉ khi ta chấp nhận một cuộc cách mạng trong sự lý giải về các khái niệm, nghĩa là chúng không còn là các khái niệm lớp (class concepts) nữa, mà là những quy tắc hay chức năng của sự tổng hợp sao cho việc suy tưởng cũng chính là việc tổng hợp.

1

Về “Sự diễn dịch của các khái niệm thuần túy của giác tính”, tiết 1 §13, Kant giải thích làm thế nào những mô thức thuần túy của cảm năng lại có thể quan hệ với những đối tượng: “Vì lẽ, chỉ nhờ vào các mô thức thuần túy như thế của cảm năng mà một đối tượng có thể xuất hiện cho ta, tức có thể trở thành một đối tượng của trực quan thường nghiệm, cho nên không gian và thời gian là các trực quan thuần túy, chứa đựng một cách tiên nghiệm các điều kiện khả thể của những đối tượng như là những hiện tượng, và sự tổng hợp trong các trực quan ấy là có giá trị khách quan” (PPLTTT A 89-90, B 121-2). Trái lại, quan hệ giữa các khái niệm thuần túy với những đối tượng ắt là một vấn đề, bởi lẽ một đối tượng có thể xuất hiện cho ta trong trực quan thường nghiệm mà không cần có chúng:

Ngược lại, các phạm trù của giác tính không giới thiệu cho ta các điều kiện nhờ đó những đối tượng được mang lại trong trực quan, do đó, những đối tượng vẫn có thể xuất hiện ra cho ta mà không nhất thiết phải quan hệ với các chức năng của giác tính như thể không có sự nhất thiết nào buộc giác tính chứa đựng một cách tiên nghiệm các điều kiện cho đối tượng. Cho nên ở đây có một khó khăn mà ta đã không gặp phải trong lĩnh vực cảm năng, đó là: bằng cách nào các điều kiện chủ quan của tư duy lại phải có giá trị khách quan, tức là mang lại các điều kiện cho khả thể của mọi nhận thức về những đối tượng, bởi vì không cần các chức năng của giác tính, những đối tượng vẫn có thể được mang lại trong trực quan” (PPLTTT A 89-90, B 122).

Trước hết, ta đã nói là các khái niệm dựa vào các chức năng, trong khi đó ta lại hiểu một “chức năng” là “sự thống nhất của hành vi sắp xếp những biểu tượng khác nhau dưới một biểu tượng chung” (PPLTTT A 68, B 93). Nếu ta suy tưởng về hành vi ấy như là hành vi qua đó cái đa tạp của các trực quan được sắp xếp với nhau trong một biểu tượng cảm tính, thì “các chức năng” này là những điều kiện nhờ đó các đối tượng xuất hiện cho ta, cho dù chúng không phải là những điều kiện nhờ đó các đối tượng được mang lại cho ta. Lúc đó ta sẽ phải nói rằng Kant trình bày sai vấn đề của mình ở §13. Thế nhưng, ta có thể hiểu rằng hành vi mà Kant nói đến theo một phương cách khác ở thời bấy giờ, bởi lẽ ông cũng có thể nói rằng một biểu tượng là một khái niệm khi nó lĩnh hội những biểu tượng khác, tức những gì có thể là một khái niệm lớp đơn thuần. Nhưng đó chưa phải là lời lẽ cuối cùng của Kant về các khái niệm.

Ta có thể nói rằng Kant hiểu một khái niệm lớp là một sự thống nhất phân tích trong các biểu tượng của ta, tức là tức là một dấu hiệu chung mà ta có thể nhận thấy trong những biểu tượng khác nhau. Giờ đây, ở §10, ông quan tâm tới một sự thống nhất tổng hợp: “Tôi hiểu sự tổng hợp trong nghĩa khái quát nhất là hành vi nối kết những biểu tượng khác nhau lại và thấu hiểu sự đa tạp của chúng trong một nhận thức (PPLTTT A 77, B 103). Kant đưa ra hai luận điểm mà ở đây rất thiết yếu với ta: a) hành vi phân tích và tổng hợp dựa trên những chức năng giống nhau: “Cùng một chức năng đã mang lại sự thống nhất cho những biểu tượng khác nhau trong một phán đoán, cũng mang lại sự thống nhất cho sự tổng hợp đơn thuần những biểu tượng khác nhau trong một trực quan; sự thống nhất này, nói một cách khái quát, được gọi là khái niệm thuần túy của giác tính” (PPLTTT A 79, B 104-105); b) sự tổng hợp đi trước sự phân tích: “Các biểu tượng của ta phải được mang lại trước khi mọi sự phân tích về chúng được tiến hành và, về mặt nội dung, không khái niệm nào có thể ra đời bằng cách phân tích” (PPLTTT A 77, B 103). Kant không ám chỉ đến một kiểu hài hòa giáo điều của các quan năng. Longuenesse[1] đã làm rõ tại sao sự phân tích lại dựa vào sự tổng hợp và cả hai đều có chung những chức năng:

Tôi muốn nói rằng […] sự ý thức về ‘sự thống nhất tổng hợp’ vốn có trong bất cứ trực quan riêng biệt nào [tức sự thống nhất tổng hợp] là điều kiện của sự thừa nhận có tính cách thường nghiệm về tính đồng nhất chung của các biểu tượng thường nghiệm [tức sự thống nhất phân tích] […]. Nếu ta không ý thức, với từng trực quan riêng biệt, rằng mỗi yếu tố của cái đa tạp mà ta lĩnh hội và tái tạo một cách thành công trong trực quan gắn liền với một và cùng một hành vi lĩnh hội/tái tạo cái đa tạp của trực quan, thì ta sẽ không thể nào thừa nhận sau đó tính đồng nhất phổ biến của các trực quan thường nghiệm khác […]. Tính đồng nhất phổ biến của các trực quan thường nghiệm được tái tạo bởi trí tưởng tượng liên tưởng đã cho thấy là tính đồng nhất phổ biến của những hành vi tổng hợp tiếp diễn mà đến lượt mình, chúng sản sinh ra từng trực quan thường nghiệm riêng biệt này ‘như là’ sự thống nhất cá biệt của cái đa tạp” (LONGUENESSE 1993, tr. 47)[2].

Cho nên ta có thể có một khái niệm lớp khi và chỉ khi ta có một khái niệm như là một quy tắc cho sự tổng hợp về cái đa tạp trong trực quan, vì cái có tính cách đồng nhất một cách phổ biến trong những biểu tượng thường nghiệm khác nhau chính là hành vi lĩnh hội và tái tạo cái đa tạp trực quan được hợp nhất bằng một quy tắc. Nói cách khác, vì tri giác phụ thuộc vào những khái niệm với tư cách là “ý thức về sự thống nhất tổng hợp”, ta có thể có những khái niệm như là những biểu tượng phổ biến của các tri giác. Nhưng bấy giờ, một đối tượng không thể nào xuất hiện cho ta mà không cần có những khái niệm và Kant đã sai ở §13[3]

2

Vấn đề ở §13 lại còn rõ ràng hơn, và luận điểm của Longuenesse cũng dễ hiểu hơn, nếu ta nghiên cứu sự tổng hợp bộ ba ở tiết 2 phần Diễn dịch A, ở đó Kant mô tả làm thế nào ta có được một biểu tượng cảm tính về một đối tượng. Theo một tiền đề cơ bản của Kant, cảm năng không thể hợp nhất các dữ kiện cảm tính, vì nó chính là sự thụ động, và nó cũng không thụ nhận sự hợp nhất [hay thống nhất – chú thích của người dịch – Đ.H.P]. Vì thế sự tổng hợp là một sự chủ động và cấp độ đầu tiên của nó, cấp độ gần với cảm năng nhất, là sự lĩnh hội: “để từ cái đa tạp ấy trở thành sự thống nhất của trực quan […] trước hết tất yếu phải có quá trình trải nghiệm về tính đa tạp và sau đó là sự tập hợp chung lại của quá trình này; hành vi ấy tôi gọi là tổng hợp của sự lĩnh hội, vì chính sự tổng hợp này nhắm vào trực quan” (PPLTTT A 99). Nhưng ta không thể nào hiểu được quá trình trải nghiệm và tập hợp chung lại ấy, được gán cho trí tưởng tượng, nếu như không có cấp độ tiếp theo: tổng hợp của sự tái tạo:

Nếu tôi cứ quên ngay những biểu tượng đi trước (phần đầu của đường kẻ, phần đi trước của thời gian hay các đơn vị được hình dung kế tiếp nhau) và không thể tái tạo chúng được trong khi đi tiếp đến các biểu tượng sau, thì không bao giờ một biểu tượng toàn bộ, một ý tưởng nào trong tất cả những điều vừa kể, thậm chí các biểu tượng cơ bản đầu tiên và thuần túy nhất về không gian và thời gian lại có thể nảy sinh được. Vậy sự tổng hợp lãnh hội nối kết không tách rời với sự tổng hợp tái tạo” (PPLTTT,  A 102)

Ta đã “trải nghiệm và tập hợp chung lại” cái đa tạp cảm tính để cấu tạo một “biểu tượng hoàn chỉnh”, một biểu tượng ắt không thể nào có được nếu ta không thể tái tạo cái đa tạp tiếp diễn ấy. Thế đã đủ chưa? Chưa, ta cần phải đi đến cấp độ cuối cùng nếu ta muốn có được một “biểu tượng hoàn chỉnh”, cấp độ khái niệm hay tổng hợp của sự nhận thức:

Nếu ta không ý thức rằng điều ta đang suy tưởng cũng chính là điều ta vừa suy tưởng trong khoảnh khắc trước đó, mọi sự tái tạo trong chuỗi các biểu tượng đều hoài công. Vì như thế, một biểu tượng mới trong trạng thái hiện tại đều không hề thuộc về động tác, qua đó các biểu tượng được tạo ra lần lượt, và qua cái đa tạp của các biểu tượng cũng không bao giờ tạo nên một cái toàn bộ, vì thiếu sự thống nhất mà chỉ có ý thức mới có thể tạo ra được cho cái toàn bộ ấy (PPLTTT, A 103)

Cho nên sự nhận thức là một điều kiện cho sự tái tạo và sự tái tạo là một điều kiện cho sự lĩnh hội với tư cách là “quá trình trải nghiệm và sự tập hợp lại” làm sản sinh ra một biểu tượng cảm tính. Cái mô-men cuối cùng trong của tổng hợp mang lại sự thống nhất cho cái đa tạp cảm tính cũng giống như chủ đề mang lại sự thống nhất cho “một vở kịch, một bài phát biểu, một câu chuyện kể” (PPLTTT, B 114)[4], do đó, không có cái gì có thể xuất hiện ra cho ta mà không có sự nhận thức. Ngược lại, những khái niệm chính là những quy tắc thống nhất biến cái đa tạp cảm tính thành những đối tượng cho ta sao cho việc suy tưởng cũng ngang bằng với việc hợp nhất cái đa tạp ấy. Một quy tắc cho tính chủ động như thế không có nghĩa gì hết nếu không có cái đa tạp được hợp nhất. Đương nhiên ta có thể nghĩ đến những quy tắc khác như là cái đa tạp đối với các quy tắc bậc hai (second-order rules), nhưng ta không thể mở rộng thao tác đó một cách vô hạn. Đây là phần cốt lõi của bài viết này.

3

Tại điểm này, ta đang ở vào thế có thể giải thích luận đề chính của chúng ta. Lối đọc của Wolff sẽ đặc biệt quan trọng ở đây. Ta đã chỉ ra rằng các khái niệm là những quy tắc để biến cái đa tạp cảm tính thành một đối tượng cho ta, nhưng ta chưa xử lý bản thân đối tượng phê phán ấy. Vì lý thuyết tổng hợp của mình, Kant phải quan niệm một đối tượng là sự thống nhất của một tập hợp các biểu tượng. Điều này có nghĩa là ta có một tri giác P về một đối tượng O khi P là tri giác về cái đa tạp của các tri giác có thể được tái tạo dựa theo một quy tắc vốn là khái niệm của O[5]. Ý niệm rằng toàn bộ những tri giác ấy là những tri giác về cùng một đối tượng là cái nối kết chúng với nhau. Nói cách khác, ta có thể nói rằng một đối tượng giữ vai trò là cơ sở cho sự thống nhất của một tập hợp các biểu tượng hay nó là một phương cách đặc biệt để tổ chức chúng. Vì lẽ một đối tượng không thể là một thực thể khác biệt với các biểu tượng của ta về nó, bởi ta không thấy được nó, nên Wolff mới bảo ta “một nghiên cứu về đối tượng của nhận thức trở thành một sự phân tích về khái niệm về đối tượng ấy, cho đến khi rốt cuộc đối tượng ấy trở thành khái niệm – đặc biệt là, khái niệm để tái tổ chức cái đa tạp của các tri giác” (1973, tr. 315).

Giờ đây, vì Phân tích pháp siêu nghiệm cần đưa vào nghiên cứu về các khái niệm như là các quy tắc và các đối tượng như là các hệ thống của các dữ kiện cảm tính, nên “có một mâu thuẫn trong yêu cầu đối với một khái niệm về cái thực tồn độc lập” (Wolff, 1973, tr. 315). Lúc đó ta không thể suy tưởng về một vật-tự thân. Không có một khả thể lôgíc nào như vậy, bởi lẽ một đối tượng không thể được quan niệm tách rời với các dữ kiện cảm tính và một khái niệm lớp không có nghĩa tách rời với một sự tổng hợp có quy tắc. Ngữ nghĩa học mới đối với các khái niệm và các đối tượng cho phép Kant giải quyết vấn đề nhận thức nhưng lại không cho phép ông nói về một thế giới vượt khỏi lĩnh vực khả giác. Suy tưởng về cái gì vượt khỏi cảm giác hay cái gì kích động ta ở một cấp độ siêu nghiệm là hoàn toàn vô nghĩa.

Wolff thừa nhận rằng Kant có một chiến lược để cố tránh vấn đề: “Kant liên tục lẩn trốn từ việc nói về một đối tượng độc lập đến việc nói về một đối tượng khả tri theo một phương cách khác, tức là một đối tượng của một trực quan trí tuệ” (1973, tr. 315). Tuy nhiên, tôi đồng ý với Wolff, điều đó chưa đủ:

một trực quan của giác tính (hay một trực quan trí tuệ – hai chữ gần như cùng nghĩa) nhận thức đối tượng của nó “không phải một cách suy lý thông qua các phạm trù mà một cách trực quan trong một trực quan phi cảm tính” [B 312], tức là một giác tính trực quan không bị buộc phải đưa tính thống nhất vào tính đa dạng được trình hiện trong không gian và thời gian. Do đó, một khi các phạm trù được xem là các quy tắc của sự tổng hợp chứ không phải là các khái niệm lớp thông thường, thì kết quả là chúng không có đến cả sự áp dụng nghi vấn cho bất cứ sự vật nào khác ngoài cái đa tạp cảm tính (Wolff 1973, tr. 316)

Những nhận xét cuối cùng

Tôi thừa nhận Kant bị thuyết phục rằng đạo đức học của ông, chẳng hạn, đòi hỏi rằng một đối tượng khả hữu về mặt lôgíc được mang lại cho khái niệm về bản ngã tự thân. Tuy nhiên, tôi lại đồng ý với Wolff khi ông nói rằng Kant sẽ tránh sử dụng những khái niệm như là những biểu tượng có một sự áp dụng nghi vấn cho các vật-tự thân hay các noumenon. Kết luận theo lôgíc có vẻ như gạt bỏ triết học thực hành của Kant. Có vẻ như đó là sự lựa chọn của Wolff. Nhưng sự lựa chọn ấy là không cần thiết nếu ta chấp nhận sự mở rộng nguyên tắc ngữ nghĩa của ta vượt khỏi triết học lý thuyết. Nếu ta có thể suy tưởng các khái niệm thực hành như là các quy tắc cho các lĩnh vực khả giác khác ngoài lĩnh vực trực quan (các hành động và các xúc cảm chẳng hạn), thì ta có thể hiểu được các khái niệm thực hành theo phương cách đích thực của Kant. Cho nên để bảo vệ ngữ nghĩa học siêu nghiệm vượt khỏi Phê phán lý tính thuần túy cũng chính là bảo vệ triết học phê phán vượt khỏi Phê phán lý tính thuần túy.

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Những công trình của Kant:

Immanuel Kant: Werke in Zwölf Bande. Ed. W. Weischedel. Frankfurt: Surkamp, 1991. Kant’s Gesammelte Schriften. Berlin und Leipzig: Walter de Grunter & Co., 1926.

Những bản dịch:

Critique of Pure Reason. Translated by Norman Kemp Smith. Electronic edition. Humanities Computing & Methodology Program, RIH and  Philosophy Department of the Chinese University of Hong Kong. http://arts.cuhk.edu.hk/Philosophy/Kant/cpr/

Những công trình khác:

LONGUENESSE, Beatrice. Kant and the Capacity to Judge: sensibility and discursivity in the transcendental analytic of the Critique of Pure Reason. Princeton, new Jersey: Princeton University Press, 1993.

LOPRIC, Z. A Semântica Transcendental de Kant. Campinas: UNICAMP, Centro de Lógica, Epistemologica e História da Ciência, 2000.

WOLFF, R. P. Kant’s Theory of Mental Activity: a commentary on the transcendental analytic of the Critique of Pure Reason. Cloucester, Mass.: Peter Smith, 1973.

 



(*) Đại học Estadual de Maringa

[1] Béatrice Longuenesse là giáo sư triết học trường Đại học New York, từng học tại trường École Normale Supérieure (Paris, Pháp) và trường Đại học Paris – Sorbone. Các công trình chính của bà: Kant and the Capacity to Judge (1998), Kant on the Human Standpoint (2005), Hegel’s Critique of Metaphysics (2007). (chú thích của người dịch – Đ.H.P)

[2] Tôi nhận thấy ở Wolff  có một luận điểm y hệt: “Sự thống nhất tổng hợp của cái đa tạp trong các tri giác là […] điều kiện tất yếu của sự thống nhất phân tích của một khái niệm” (1973, tr. 68-69).

[3] Đó là những gì Wolff nói về §13: “khi vấn đề được đặt ra theo cách này, nó không có một giải pháp nào cả, […] không thể có những hiện tượng “được mang lại trong trực quan một cách độc lập với những chức năng của giác tính” (1973, tr. 94). Phần sau: “Rõ ràng […] là Kant phải từ bỏ lập trường được trình bày trong §13” (1973, tr. 156).

[4] Kant nghĩ […] rằng cái đa tạp có được sự thống nhất bằng cách phục tùng một thao tác nào đó, vốn là thao tác mà về đại thể có thể được gọi là “sự tác tạo dựa theo một quy tắc”. Trong trường hợp sự thống nhất cái đa tạp của các nội dung của ý thức, quá trình tác tạo dựa theo một quy tắc này được gọi là sự tổng hợp” (1973 tr. 101)

[5] Thực vậy, ngay cả khi tri giác P với tư cách là một hình ảnh được tổ chức được quy định trong hình thức của nó bởi việc nó là một phần của chuỗi có quy tắc ấy.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

NGUYỄN PHƯƠNG NGỌC - 23:28 05/05/2014
BÀI GIẢNG NÀY CHỈ NÓI HAY LÝ THUYẾT NHƯNG KHI TA HÀNH ĐỘNG THÌ CHÚNG NGƯỢC LẠI, NGUYỂN DU TỪNG NÓI: "MỖI NGƯỜI MỘT VẺ MƯỜI PHÂN VẸN MƯỜI"
NGUYỄN PHƯƠNG NGỌC - 00:29 06/05/2014
THEO TÔI TỪNG ĐOC QUA THÌ QUYỂN "Immanuel Kant: Werke in Zwölf Bande. Ed. W. Weischedel. Frankfurt: Surkamp, 1991 Kant’s Gesammelte Schriften. Berlin und Leipzig: Walter de Grunter & Co., 1926." KHÔNG NHƯ NHÀ PHÂN TÍCH NGHĨ
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt