Triết học ngôn ngữ

Wittgenstein bàn về triết học

WITTGENSTEIN BÀN VỀ TRIẾT HỌC

 

LUDWIG WITTGENSTEIN (1889-1951)

 


Ludwig Wittgenstein. Những tìm sâu triết học. Trần Đình Thắng dịch. Nxb. Đà Nẵng & Công ty sách Domino, 2019, chương “Triết học”, tr. 97-117. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Trần Đình Thắng và công ty sách Domino cho phép.


 

89.

Với[1] những cân nhắc này, bản thân ta thấy mình phải đối mặt với vấn đề: logic thì tinh ròng[2] theo nghĩa như thế nào?[3]

Vì dường như logic có một chiều sâu đặc biệt – một ý nghĩa rộng khắp |phổ quát|. Logic dường như là nền tảng của tất cả các bộ môn khoa học. – Vì tìm sâu logic nhằm khám phá bản chất của mọi sự. Nó tìm kiếm nền tảng của sự vật, và không quan tâm liệu sự vật có thực sự xảy ra theo cách này hay theo cách khác. — Nó không quan tâm đến các sự kiện tự nhiên, cũng như không cần nắm bắt các mối quan hệ nhân quả, nhưng chỉ từ sự thôi thúc để hiểu được cái nền tảng, hay bản chất của sự vật thường nghiệm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ta nên săn tìm các sự kiện mới; bản chất cuộc tìm sâu này thì không phải tìm kiếm điều mới lạ. Ta chỉ muốn hiểu điều gì đó trong một góc nhìn mở toang[4]. Vì điều này, theo một nghĩa nào đó, dường như là những gì ta không hiểu.[5]

Augustine nói (Confessions XI. 14), “Vậy, thời gian là gì? Tôi biết rõ nó là gì miễn là không ai hỏi tôi; nhưng nếu ai hỏi tôi nó là gì và càng cố giải thích, tôi càng bị rối.”[6]. – Điều này không thể nói về các vấn đề khoa học tự nhiên (chẳng hạn, “trọng lượng riêng của hydro là gì?”). Những gì ta biết khi không ai hỏi đến, nhưng ta sẽ hết biết khi được yêu cầu phải giải thích nó – là điều ta cần |ghi| nhớ[7]. (Vì lý do nào đó, rất khó |ghi| nhớ một số thứ.)

90.

Cứ như thể ta phải nhìn thấu qua[8] những hiện tượng: nhưng cuộc tìm sâu của ta không nhằm đến hiện tượng, mà đúng hơn là hướng đến ‘các khả năng’ xảy ra của hiện tượng. Điều đó có nghĩa là ta phải ghi nhớ về các loại phát biểu của ta về hiện tượng. Cũng vì thế, Augustine ghi nhớ những phát biểu khác nhau về khoảng thời gian của các sự kiện, về quá khứ, hiện tại hay tương lai của chúng. (Tất nhiên, đây không phải là những phát biểu triết học về thời gian, quá khứ, hiện tại và tương lai.)

Do đó, câu hỏi sâu[9] của ta là về ngữ pháp. Và câu hỏi sâu này sẽ làm sáng tỏ vấn đề của ta bằng cách xóa bỏ đi những hiểu sai.[10] Những hiểu sai liên quan đến cách dùng từ ngữ, trong số những thứ khác đã nảy sinh do các dạng biểu đạt na ná nhau trong các lĩnh vực khác nhau trong ngôn ngữ của ta. – Trong đó, một vài dạng có thể loại bỏ bằng cách thay thế một dạng biểu đạt nào đó bằng một biểu đạt khác; điều này được gọi là ‘phân tích’ các dạng biểu đạt, vì đôi khi thủ tục này giống như tháo rời một vật.

91.

Nhưng giờ như thể có một cái gì đó giống như một phân tích cuối cùng các biểu đạt ngôn ngữ của ta, nghĩa là, một dạng phân tích hoàn toàn duy nhất của mọi biểu đạt. Đó là, như thể các dạng biểu đạt thông thường của ta, về cơ bản vẫn chưa được phân tích; như thể có thứ gì đó ẩn giấu trong chúng phải được đưa ra ánh sáng. Như thể khi thực hiện xong, các biểu đạt đó sẽ được làm sáng tỏ hoàn toàn và nhiệm vụ của ta đã hoàn thành.

Có thể nói như thế này: ta loại bỏ các hiểu sai bằng cách làm các biểu đạt của ta chính xác hơn; nhưng giờ dường như ta đang nhắm vào một trạng thái cụ thể, một trạng thái chính xác hoàn toàn như thể đây là mục tiêu thực sự của cuộc tìm sâu của ta.

92.

Các quan sát[11] trên được thể hiện trong câu hỏi về bản chất[12] của ngôn ngữ, của mệnh đề, của tư tưởng. – Vì ngay cả khi ta đang cố để hiểu được bản chất của ngôn ngữ, chức năng, cấu trúc của nó – trong các cuộc tìm sâu của ta – thì đó không nằm trong mục đích của câu hỏi nêu trên. Vì câu hỏi này không cho thấy được bản chất của sự vật, là cái gì đó nằm sẵn phơi mở cho xem[13] và có thể nhìn bao quát[14] được bằng cách sắp xếp lại chúng. Song là cái gì đó ẩn sâu bên dưới bề mặt. Một cái gì đó nằm bên trong, mà ta nhận thấy khi ta nhìn thấu vào sự vật, và khi ấy một phân tích được phơi mở ra.

Cái bản chất thì ẩn kín với ta”: giờ đây, đó là hình thức vấn đề của ta. Ta hỏi: “Ngôn ngữ là gì?”, “Mệnh đề là ?” Và câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ được đưa ra, một lần và mãi mãi, bất kể trải nghiệm nào trong tương lai.

93.

Một ai đó có thể nói: “Mệnh đề là thứ thông thường nhất trong thế giới”, và một người khác: “Mệnh đề – đó là một cái gì đó rất lạ thường!”[15] — Và người sau thì không thể chỉ đơn giản nhìn vào các mệnh đề xem chúng quợt như thế nào. Vì các dạng biểu đạt mà ta dùng khi nói về mệnh đề và tư tưởng thì đã ngăn cản tầm nhìn của anh ta.[16]

Tại sao ta nói mệnh đề là một cái gì đó lạ thường? Một mặt, vì tầm quan trọng to lớn gắn liền với nó. (Và điều đó là đúng.) Mặt khác, tầm quan trọng này, cùng với một sự hiểu sai về logic của ngôn ngữ khiến ta nghĩ rằng mệnh đề phải làm gì đó phi thường, thậm chí độc đáo. – Sự hiểu sai khiến ta nghĩ rằng các mệnh đề đã làm điều gì đó kỳ lạ.

94.

“Mệnh đề, là thứ rất lạ thường!”: Sự tinh ròng[17] đã sẵn có trong toàn bộ góc nhìn của ta về logic, xu hướng giả định một trung gian tinh ròng[18] giữa dấu mệnh đề và các sự kiện. Hoặc cố gắng để làm trong veo[19], để tinh ròng chính dấu hiệu này. – Vì các dạng biểu đạt của ta, gửi ta đi săn lũ rồng[20], bằng mọi cách đã ngăn ta thấy rằng không có gì đặc biệt trong đó cả.

95.

“Suy nghĩ phải là cái gì đó có một không hai.” Khi ta nói hoặc có ý nói về ca này là như thế như thế, thì với điều ta có ý nói đến, ta không dừng đột ngột đâu đó[21] trước sự kiện ấy, nhưng ta có ý nói là: như thế như thếnhư vậy như vậy.[22] – Nhưng ta có thể diễn tả nghịch lý này (có hình thức của một sự thật rõ thấy) như sau: |người| ta có thể nghĩ về những thứ không thật[23].

96.

Ảo tưởng đặc biệt ngụ ý ở đây, được theo sau bởi những ảo tưởng khác từ các góc độ khác nhau. Tư tưởng, ngôn ngữ, giờ xuất hiện với ta như là hình ảnh, tương quan độc nhất của thế giới. Những khái niệm: mệnh đề, ngôn ngữ, tư duy, thế giới, đứng cùng hàng và ngang bằng với nhau.[24] (Nhưng những từ này sẽ được dùng như thế nào? Không có trò chơi ngôn ngữ nào mà chúng có thể được dùng[25].)

97.

Tư tưởng được bao quanh bởi một hào quang[26]. – Bản chất của nó, logic, cho thấy một trật tự[27], hoặc chính xác hơn, trật tự trước nghiệm[28] của thế giới; nghĩa là, trật tự của các khả năng mà thế giới và tư duy phải có chung với nhau. Nhưng dường như trật tự này phải hoàn toàn đơn giản[29]. Nó có trước tất cả trải nghiệm, phải xuyên suốt toàn thể trải nghiệm; nó không thể có mây mù hoặc tính không chắc chắn thường nghiệm nào. — Đúng hơn, nó trong suốt tinh ròng[30] nhất. Nhưng sự trong suốt này không xuất hiện như một sự trừu tượng, mà thực sự là cái gì đó cụ thể nhất, rắn nhất từng có (Tractatus Logico–Philosophicus 5.5563[31]).

Ta đang ảo tưởng[32] rằng, cái đặc biệt, cái sâu sắc, cái bản chất của cuộc tìm sâu của ta, thì nằm trong nỗ lực nắm bắt bản chất không thể so sánh được của ngôn ngữ. Nghĩa là, trật tự đang có giữa các khái niệm về mệnh đề, từ ngữ, suy diễn, tính đúng thật[33], trải nghiệm, v.v. Trật tự này là một siêu trật tự[34] giữa – tạm nói thế này – các siêu khái niệm[35]. Trong khi đó, nếu các từ “ngôn ngữ”, “trải nghiệm”, “thế giới” có một cách dùng, thì nó phải là một cách dùng khiêm tốn như với cách dùng của các từ “cái bàn”, “đèn”, “cửa cái”.

98.

Một mặt, rõ ràng là mọi câu trong ngôn ngữ của ta ‘có trật tự như nó vốn có’[36]. Nghĩa là, ta không theo đuổi một lý tưởng, như thể những câu bình thường, mơ hồ của ta vẫn chưa thật hoàn hảo, và ta vẫn phải xây dựng một ngôn ngữ hoàn hảo. – Mặt khác, có vẻ rõ ràng là, ở đâu có cái nghĩa, ở đấy phải có cái trật tự hoàn hảo. — Vì thế, trật tự hoàn hảo phải có ngay cả trong những câu mơ hồ nhất.

99.

Người ta có thể nói rằng, nghĩa của một câu – tất nhiên, có thể để ngỏ cái này cái khác, nhưng câu đó vẫn phải có một nghĩa xác định. Một nghĩa không xác định – thì không thực sự là một nghĩa chút nào.[37] – Nó giống như một đường ranh mờ thì không thực sự là một đường ranh. Ở đây, người ta nghĩ đại khái thế này: nếu tôi nói “Tôi đã khóa nhốt người đó trong phòng – chỉ để ngỏ một cánh cửa” – thì rõ là tôi không khóa nhốt anh ta gì cả; việc anh ta bị nhốt chỉ là giả (vờ). |Người| ta cũng có xu hướng nói rằng: “Thế thì, bạn chẳng đạt được gì cả.” Một cái bao bị thủng thì cũng như không. – Nhưng thật sự điều đó có đúng hay không?

100.

“Vậy thì, nó không phải là một trò chơi nếu các quy tắc mơ hồ.” Nhưng thế thì nó không thực sự là một trò chơi sao? – “Ừ, có lẽ bạn sẽ gọi nó là một trò chơi, nhưng nó không hoàn hảo chút nào.” Điều đó nghĩa là: vậy nó đã bị hỏng, và điều tôi quan tâm bây giờ là hỏng cái gì. – Nhưng tôi muốn nói rằng ta đã hiểu lầm vai trò của sự lý tưởng trong ngôn ngữ của ta. Nghĩa là: ta cũng sẽ gọi nó là một trò chơi, chỉ có điều ta chỉ bị lóa mắt bởi cái lý tưởng[38] ấy, và do đó không nhìn thấy được sự ứng dụng thực tế của từ “trò chơi” một cách rõ ràng.

101.

Ta muốn nói rằng, không thể có bất cứ mơ hồ nào trong logic. Ý tưởng giờ thu hút ta là: cái lý tưởng ấy ‘phải’ xuất hiện trong thực tại[39]. Cùng lúc đó, người ta vẫn chưa thấy nó có ở đó như thế nào, và không hiểu được tính chất của cái ‘phải’ này[40]. Ta nghĩ rằng cái lý tưởng này phải có trong thực tại; vì ta nghĩ rằng ta đã thấy nó ở đấy.

102.

Đối với ta, các quy tắc chặt chẽ và rõ ràng cho cấu trúc logic của một mệnh đề là một thứ gì đó bị ẩn giấu trong môi trường[41] của sự hiểu. Tôi đã nhìn thấy chúng (mặc dù thông qua một môi trường), vì tôi thực sự hiểu dấu hiệu này, tôi dùng nó khi tôi có ý nói gì đó.

103.

Cái lý tưởng, như ta quan niệm, thì không lay chuyển được[42]. Bạn không thể thoát khỏi nó. Bạn phải luôn quay lại. Không có bên ngoài; bên ngoài không có không khí. – Tại sao lại thế? Ý tưởng này giống như một cái kính trên mũi và bất cứ điều gì ta thấy đều phải qua nó. Ta thậm chí không buồn gỡ nó ra.

104.

Người ta xác nhận từ những gì nằm trong mốt mô tả[43]. Ta thấy được khả năng của so sánh[44] – gây ấn tượng sâu sắc cho ta – như là một nhận thức về một sự kiện rất tổng quát[45].

Faraday trong Lịch sử hóa học của một ngọn nến: “Nước là một thứ riêng biệt – nó không bao giờ thay đổi[46].”

105.

Khi tin rằng ta phải tìm ra trật tự đó, cái lý tưởng, trong ngôn ngữ thực sự của ta, thì ta sẽ không hài lòng với những gì thường được gọi là “câu”, “từ ngữ”, “dấu hiệu”.[47]

Câu và từ, được xử lý bằng logic, thì được cho là một cái gì đó tinh ròng và rành rõ. Và bây giờ ta phải bóp trán về bản chất của dấu hiệu thực sự ấy. – Có lẽ nó là ý niệm[48] về dấu hiệu đó? Hoặc ý niệm ngay khoảnh khắc này?

106.

Tại đây rất khó để giữ đầu ta ở trên mặt nước, để thấy rằng ta phải dính vào các suy tưởng hàng ngày, và để không lạc đường nơi dường như ta phải mô tả lại sự tinh tế tột bậc mà ta hoàn toàn không thể mô tả bằng các phương tiện theo ý ta. |Ta cảm thấy| như thể phải sửa chữa một mạng nhện rách bằng các ngón tay của ta.

107.

Ta càng xem xét sâu vào ngôn ngữ thực sự, sự xung đột giữa nó và các yêu cầu của ta lại càng lớn hơn. (Vì tính trong suốt tinh ròng của logic không phải là thứ gì đó mà tôi đã khám phá ra: nó là một yêu cầu.[49]) Xung đột đó đã trở nên không thể chấp nhận được; yêu cầu ấy hiện đang có nguy cơ trở nên trống rỗng. – Ta đã bước lên mặt băng trơn tuột, không có ma sát, và vì thế theo một nghĩa nào đó, các điều kiện này là lý tưởng; nhưng cũng chính vì điều này mà ta không thể đi lại được. Ta muốn đi: vì vậy ta cần có ma sát. Hãy quay về mặt đất thô ráp![50]

108.

Ta thấy rằng những thứ mà ta gọi là “mệnh đề”, “ngôn ngữ”, không có sự thống nhất hình thức[51] mà ta đã tưởng tượng, nhưng là một họ[52] các cấu trúc ít nhiều giống nhau. — Nhưng giờ đây, điều gì đang xảy đến với logic?[53] Sự nghiêm ngặt của nó dường đang đã vượt khỏi tầm tay. – Nếu như vậy, chẳng phải là logic biến mất hay sao? – Vậy logic có thể mất sự nghiêm ngặt của nó như thế nào? Tất nhiên không phải do ta mặc cả cò kè. – Chỉ bằng cách xoay chuyển toàn bộ soi xét của ta, ta mới có thể loại bỏ định kiến về tính trong suốt tinh ròng ấy. (Người ta có thể nói: phải đảo ngược sự soi xét này, nhưng xoay quanh trục của nhu cầu thực sự của ta.[54]

Triết logic không nói về câu và từ theo nghĩa khác với cái cách ta nói về chúng trong cuộc sống đời thường, chẳng hạn như khi ta nói, “Câu này viết bằng tiếng Sứ”, hoặc “Không, nó chỉ trông giống chữ viết thôi; thực sự nó chỉ là mẫu trang trí”, v.v..

Ta đang nói về hiện tượng theo không gian và theo thời gian của ngôn ngữ, không phải về một vài thứ không thực, phi thời gian, phi không gian. [Ta có thể quan tâm đến một hiện tượng theo vô số cách thức khác nhau]. Tuy nhiên, khi ta nói về các hiện tượng này, cũng giống như ta nói về các quân cờ mà ta đang nêu rõ các quy tắc di chuyển chúng, chứ không mô tả các tính chất vật lý của chúng.

Câu hỏi “Một từ thì thực sự là gì?” thì gần giống với “một quân cờ là gì?”

109.

Đúng là không thể xem những tìm sâu của ta là những tìm sâu khoa học.[55] Ta không quan tâm đến sự kiện thường có[56] ‘rằng có thể nghĩ về điều này điều kia trái ngược với những khái niệm được định trước của ta’[57] – cho dù chúng có ý nghĩa là gì đi chăng nữa. (Khái niệm trạng thái thanh khí [58] của tư duy.) Và ta sẽ không đưa ra bất kỳ loại lý thuyết nào. Không có bất cứ giả định nào trong những tìm sâu của ta. Tất cả giải thích phải biến mất, và thay thế chúng chỉ duy bằng mô tả.[59] Và mô tả này được chiếu sáng, nghĩa là mục đích của nó, từ các vấn đề triết học. Tất nhiên, đây không phải là những vấn đề thường nghiệm; nhưng chúng được giải quyết bằng một cái nhìn sâu vào cách thức hoạt động của ngôn ngữ của ta và rằng theo cách sao cho ta có được kiến thức về những hoạt động đó: mặc dù có một sức ép đưa đến hiểu sai chúng[60]. Các vấn đề này được giải quyết, không phải bằng cách đưa ra những khám phá mới[61], mà bằng cách lắp ráp lại những thứ mà ta đã quen thuộc từ lâu. Triết học dùng ngôn ngữ |của ta| để chống lại bùa phép của trí tuệ[62] |của ta|.

110.

“Ngôn ngữ (hoặc tư duy) là cái gì đó có một không hai”[63] – điều này chứng tỏ là một thứ mê tín[64] (không phải sai lầm!), bản thân nó được tạo ra bởi các ảo giác ngữ pháp.

Và bây giờ ấn tượng uy nghi ấy rút lui về các ảo giác này, về các vấn đề này.

111.

Các vấn đề nảy sinh từ việc diễn giải sai các dạng ngôn ngữ của ta có tính chất chiều sâu. Chúng là những rối loạn sâu sắc; bắt nguồn sâu trong ta y như các dạng của ngôn ngữ, và ý nghĩa của chúng cũng lớn lao như tầm quan trọng của ngôn ngữ. — Hãy tự hỏi: tại sao ta cảm thấy có sự sâu sắc trong các chuyện đùa[65] về ngữ pháp? (Và đây là chiều sâu của triết học.)

112.

Một phép so sánh[66] đã được cấy[67] vào dạng ngôn ngữ của ta, tạo ra vẻ ngoài giả khiến ta rối. “Nhưng đây không phải thế này!” – ta nói. “Tuy nhiên, đây là cách nó phải là thế này!”

113.

“Nhưng đấy là thế này – – –”[68], tôi tự mình lặp đi lặp lại. Tôi cảm thấy như thể, giá mà tôi có thể cố định ánh mắt của tôi hoàn toàn sắc lẹm vào sự kiện này và tập trung vào đó, thì tôi sẽ có thể nắm bắt được bản chất của vấn đề này.

114. [69]

Tractatus Logico–Philosophicus (4.5): “Dạng tổng quát của một mệnh đề là: Sự vật là như thế này.”[70]— Đó là loại mệnh đề mà người ta lặp lại vô số lần cho chính mình. Mọi người nghĩ rằng họ đang lặp đi lặp lại việc theo tự nhiên, và họ chỉ loanh quanh cái gọng kính mà họ đang nhìn xuyên qua nó.

115.

Một hình ảnh[71] chụp giữ ta. Và ta không thể thoát ra, vì nó nằm trong ngôn ngữ của ta, và ngôn ngữ dường như không ngừng lặp lại hình ảnh này với ta.

116.

Khi các triết gia dùng các từ – “tri thức”, “cái đang đấy”, “đối tượng”, “tôi”, “mệnh đề/câu”, “tên” – và cố nắm bắt bản chất của các sự vật, ta |one| phải luôn tự hỏi: các từ đó có bao giờ thực sự được dùng theo cách chúng ở trong mái nhà của mình?[72]

Nhiệm vụ của chúng ta là tước bỏ tính siêu hình của các từ này và đem chúng trở về cách dùng đời thường của chúng.

117.

Ai đó bảo tôi: “Bạn hiểu biểu đạt này, phải không? À thì – tôi cũng đang dùng nó với ý nghĩa quen thuộc như bạn.” Như thể ý nghĩa đó là vầng hào quang và cùng tham gia vào mọi cách dùng của từ này.

(Ví dụ, nếu ai đó cho rằng câu “Cái này đây” (chỉ vào một vật nào đó trước mặt anh ta) có nghĩa với anh ta, thì anh ta nên tự hỏi rằng câu này thực sự được dùng trong các hoàn cảnh đặc biệt nào. Anh ta có lý trong ca đó.)

118.

Vì tìm sâu của ta dường như chỉ phá hủy đi mọi thứ thú vị, đó là, mọi thứ lớn lao và quan trọng, vậy đâu là tầm quan trọng của tìm sâu của ta? (Như mọi toà nhà chỉ còn lại đống gạch vụn.) Nhưng những gì ta đang phá hủy chỉ là nhà giấy xếp, và ta đang dọn sạch mặt bằng mà ngôn ngữ đã dựng trên đấy.

119.

Những kết quả của triết học là các phát hiện ra một số vô nghĩa rành rành[73] và những cục u[74] sưng tấy do trí tuệ lao đầu vào |bức tường| các giới hạn[75] của ngôn ngữ. Chính những cục u đó khiến ta nhận ra giá trị của phát hiện đó.

120.

Khi tôi nói về ngôn ngữ (từ, câu, v.v..), tôi phải nói bằng ngôn ngữ đời thường. Phải chăng ngôn ngữ này quá thô tháp, quá cụ thể, cho điều ta muốn nói hay sao?[76] Vậy thì, làm thế nào để chế một ngôn ngữ khác? – Và cũng thật lạ thường khi ta có thể làm bất cứ gì bằng ngôn ngữ của ta!

Khi phải giải thích, tôi phải dùng loại ngôn ngữ đủ lông đủ cánh (không phải loại dự bị, tạm thời); điều này đủ cho thấy rằng tôi chỉ có thể chạm đến các rìa bên ngoài về ngôn ngữ.

Ừ, nhưng làm thế nào những quan sát này lại có thể làm ta hài lòng? – À thì, chính các câu hỏi của bạn đã bị đóng khung trong ngôn ngữ này; và nếu có điều gì để hỏi thì chúng phải được thể hiện bằng chính ngôn ngữ này!

Và những đắn đo của bạn là những sự hiểu lầm.

Câu hỏi của bạn chiếu đến từ ngữ; vì vậy tôi phải nói về từ ngữ.

Người ta nói rằng: vấn đề không nằm trong từ ngữ, mà là ý nghĩa của nó; và, mặc dù chúng khác nhau, hãy xem ý nghĩa đó thì cùng loại với từ đó. Đây là từ, đây là nghĩa. Đây số tiền, đây con bò |người| ta có thể mua bằng tiền này. (Mặt khác: tiền và có thể làm gì với tiền.[77])

121.

Ai đó có thể nghĩ rằng: nếu triết học nói về việc dùng từ “triết học”, thì phải có triết học cấp hai. Nhưng điều này không phải thế: môn chính tả, dù có liên quan đến từ “chính tả”, vẫn không thể xem là cấp hai.

122.

Một lý do chính của việc ta không hiểu là ta không có cái nhìn rộng khắp[78] về việc dùng từ của ta. – Ngữ pháp của ta thiếu sự bao quát[79]. Một mô tả bao quát có thể truyền đạt một cách chính xác loại hiểu đó mà cốt lõi là ‘thấy được các kết nối’[80]. Do đó việc tìm kiếm và phát minh ra các liên kết trung gian là điều quan trọng.

Khái niệm về một mô tả bao quát thì có ý nghĩa quan trọng đối với ta. Nó đặc trưng cách ta mô tả cho mọi thứ, cách ta nhìn vào vấn đề. (Đây có phải là một ‘Weltanschauung’[81] không?)

123.

Vấn đề triết học có dạng thế này: “Tôi không biết lối ra.”[82]

124.

Triết học không được can thiệp vào cách dùng thực sự của ngôn ngữ, vì thế, cùng lắm là triết học chỉ có thể mô tả nó.

Vì triết học không thể biện minh cho nó.

Triết học để nguyên mọi thứ[83].

Triết học cũng để nguyên toán học, và toán học cũng không thể thúc đẩy nó. Đối với ta, “vấn đề hàng đầu của logic toán”[84] cũng chỉ là một vấn đề của toán học cũng y như bất kỳ một vấn đề nào khác.

125.

Triết học không giải quyết các mâu thuẫn[85] bằng toán học hay logic toán, nhưng làm rõ tình trạng rắc rối của toán học gây cho ta – tức tình trạng trước khi các mâu thuẫn này được giải quyết. (Và cũng không tránh được khó khăn.)

Thực tế cơ bản ở đây là ta đặt ra các quy tắc, kỹ thuật cho một trò chơi, và khi ta tuân theo các quy tắc đó, mọi thứ đã không diễn ra như ta mong muốn, ta vướng vào các quy tắc của chính ta.

Sự vướng mắc trong các quy tắc này của ta là những gì ta muốn hiểu, đó là, muốn một cái nhìn rộng khắp[86].

Nó làm sáng tỏ khái niệm về sự có ý nói gì đó của ta. Trong những ca đó, mọi thứ diễn ra khác hẳn ý ta. Đó chính là điều ta nói, chẳng hạn, khi một mâu thuẫn xảy ra: “Đó không phải ý tôi.”

Trạng thái công dân[87] của một mâu thuẫn, hoặc trạng thái của mâu thuẫn trong đời sống công dân – đó là vấn đề triết học.[88]

126.

Triết học chỉ bày mọi thứ ra trước mặt ta[89], không giải thích cũng chẳng kết luận điều gì. – Vì mọi thứ đều nằm phơi mở cho xem, nên cũng chẳng có gì để giải thích. Bởi vì ta không quan tâm bất cứ điều gì bị ẩn kín, khuất lấp[90].

|Ta| cũng có thể đặt cái tên “triết học” cho những gì có thể trước tất cả những khám phá mới và phát minh mới.

127.

Công việc của người làm triết chủ yếu là thu thập, sắp xếp lại các nhắc nhở[91] cho một mục đích nhất định.[92]

128.

Nếu ai đó đưa những luận đề này vào triết học, thì chúng không bao giờ gây tranh cãi, vì mọi người hẳn tán thành chúng.

129.

Các khía cạnh quan trọng nhất của của sự vật[93] đối với ta bị che dấu đi do tính đơn giản và quen thuộc của chúng. (Người ta không thấy vì chúng ngay trước mắt họ.) Nền tảng thực sự của cuộc tìm sâu chúng không làm ai ngạc nhiên cả. Trừ khi họ đã từng nhận thấy nó. – Và điều này nghĩa là: ta sẽ không chuý đến cái ấn tượng nhất và mạnh mẽ nhất do đã từng thấy qua nó.

130.

Các trò chơi ngôn ngữ rõ ràng và đơn giản của ta không phải là các tìm sâu chuẩn bị cho một quy định tương lai cho ngôn ngữ – mà chỉ có thể nói là, các xấp xỉ đầu tiên[94], bỏ qua ma sát và sức cản không khí. Thay vào đó, các trò chơi ngôn ngữ này đứng ở đó như là các đối tượng dùng để so sánh[95] – dùng để soi sáng các trạng thái ngôn ngữ của ta thông qua không những các nét giống nhau mà còn qua các nét khác nhau.

131.

Vì để các khẳng định của ta tránh bị bóp méo hoặc thành trống rỗng[96], thì chỉ có cách là trình bày mô hình[97] này như là chính nó, như là một đối tượng để so sánh[98] – như là một thước đo; chứ không như là một định kiến mà thực tại phải tương ứng với nó. (Ta dễ rơi vào giáo điều khi ta làm triết.)

132.

Ta muốn thiết lập một trật tự trong sự hiểu về cách dùng ngôn ngữ: một trật tự cho một mục đích nhất định, một trật tự trong những trật tự có thể, không phải cái trật tự đó[99]. Vì mục đích này[100], ta sẽ lặp lại nhiều lần để nhấn mạnh các khác biệt mà các dạng ngôn ngữ thông thường của ta dễ dàng khiến ta bỏ sót. Điều này khiến như thể nhiệm vụ của ta phải là cải cách ngôn ngữ.[101]

Một cải cách như vậy cho các mục đích thực tế nào đó, việc cải tiến thuật ngữ của ta để ngăn ngừa hiểu lầm trong cách dùng thực tế, có lẽ là có thể. Nhưng đây không phải là các ca mà ta đang xem xét. Những lẫn lộn nảy sinh khi ngôn ngữ trùm mền[102] chứ không phải khi nó đang quợt.

133.

Ta không muốn tinh chỉnh hoặc hoàn thành hệ thống quy tắc cho cách dùng từ của ta theo những cách chưa từng nghe thấy.

Vì sự rõ ràng mà ta đang hướng tới là sự rõ ràng hoàn toàn. Và điều này có nghĩa là các vấn đề triết học phải hoàn toàn biến mất.

Khám phá thực sự là khám phá cho phép tôi ngưng làm triết khi tôi muốn. – Khám phá đó đem lại sự an nghỉ cho triết học, để nó không còn bị dày vò bởi những vấn đề chỉ để đem lại vấn đề khác cho chính nó. – Thay vào đó, giờ đây một phương pháp sẽ được trình bày bằng các ví dụ, và loạt các ví dụ này có thể bị phá vỡ. — Nhiều vấn đề được giải quyết (khó khăn được loại bỏ), không chỉ một vấn đề[103].

Không có một phương pháp triết học duy nhất, mà có nhiều phương pháp, cũng như nhiều liệu pháp điều trị khác nhau.[104]

 



[1] §89 —§108(a): quan tâm đến việc chẩn đoán các ảo tưởng do quan niệm về việc tìm sâu triết học-logic như là một cuộc tìm sâu tuyệt vời về bản chất của thế giới, cấu trúc trước nghiệm của nó, cấu trúc này rằng xác định cái gì là có thể. Phần này chia thành hai nhóm: (α) §89–§97; (β) §98–§108(a).
– Nhóm α bắt đầu với §89: tra hỏi bản chất của tính thăng hoa của logic. §90–§92 thăm dò những lý tưởng sai lạc về phân tích và tính chính xác (x. §60–§64, §88). Những quan niệm sai lạc này ủng hộ giả thiết rằng bản chất của ngôn ngữ, của mệnh đề, được vùi sâu bên dưới ngữ pháp bề mặt và chỉ có thể truy cập bằng cách phân tích. §93–§96 xem xét lại một số nguồn gốc của ý tưởng rằng bản chất của mệnh đề là ẩn kín và bí ẩn - vì dường như mệnh đề làm điều gì đó phi thường. Nó mô tả sự vật là như thế nào, và không như thế nào.
Bản chất của tư duy dường như cũng lạ thường không kém, và tính ý hướng của tư duy thì cũng vậy. Ta không thể chỉ nghĩ một tình huống thật là gì, ta cũng có thể nghĩ về một tình huống không thật. Những khái niệm: mệnh đề, ngôn ngữ, tư duy, thế giới, đứng cùng hàng và ngang bằng với nhau - tất cả cùng chia sẻ một dạng chung (Tractatus). §97 chuyển tiếp và kết nối nhóm α với nhóm β và phần §108(b)– §133).
Nó đào đúng gốc rễ của các vấn đề nằm trong một quan niệm sai lạc về logic như sự biểu diễn trật tự trước nghiệm của ngôn ngữ và thế giới. Nhận thức như thế, ta dễ hiểu nhầm khi xử lý các khái niệm về từ ngữ, mệnh đề, ngôn ngữ, thế giới, ... như là các siêu-khái niệm - các khái niệm siêu-logic có tính cấu trúc được giả định trước bởi mọi tư duy. Nhưng chúng chỉ là những khái niệm đời thường với cách dùng tẻ nhạt.
– Nhóm β, §98 đến §108(a). §98–§103 xem xét lại |trong TPL| một khía cạnh của sự diễn giải sai của ý tưởng đúng đắn; ý tưởng này cho rằng ngôn ngữ đời thường có trật tự logic hoàn hảo: đó là, nghĩa phải có tính xác định, và do đó tất cả sự mơ hồ thấy rõ sẽ phải biến mất khi phân tích. Ở đây W. đi lướt qua phần vừa được bàn đến trong §65–§88, nhưng với một mục đích khác hẳn: để giải thích sự hiểu sai về vai trò của lý tưởng trong ngôn ngữ.
Bởi vì ta hiểu sai vai trò của logic, ta phóng chiếu vào các đòi hỏi của ngôn ngữ (các lý tưởng) được đặt ra bởi quan niệm sai lầm của ta. Khi ta không thể tìm thấy những lý tưởng này trên bề mặt của ngôn ngữ, ta nghĩ rằng chúng phải có mặt trong ngữ pháp bề sâu - mà chúng sẽ lộ ra bằng cách phân tích. §104 đưa ra một chẩn đoán: ta xác nhận về mệnh đề, là cái thực sự nằm trong phương pháp trình bày mệnh đề của ta, sao cho cái trông giống như một tính bản chất của những gì mà ta đang mô tả (tính xác định của nghĩa, tính mô hình, dạng mệnh đề tổng quát) là gì, được khắc trên cái kính mà qua đó ta quan sát nó: đó là, một dạng đặc biệt để trình bày các mệnh đề.
§105–§107 cho thấy các khái niệm thông thường của từ và mệnh đề sau đó được tinh ròng như thế nào để đáp ứng các yêu cầu sai lạc của một ý tưởng đã được định trước. §108 (a) sẽ kết cuộc thảo luận này và cung cấp điểm bắt đầu cho phần tiếp theo.

[2] Sublime |thăng hoa|, thuật ngữ hoá học: quá trình chuyển trạng thái vật chất, trực tiếp từ thể rắn qua thể khí, mà không qua thể lỏng trung gian.
Logic tinh ròng như thế nào? Câu trả lời nằm ở 89b. x. §92.

[3] Vì vậy, tìm sâu logic như vậy sẽ không chỉ phơi mở ra bản chất của ngôn ngữ, mà còn rọi sáng bản chất của sự vật. §65–§88 đã chỉ ra rằng không có gì là lệch lạc với các khái niệm thiếu các dấu hiệu đặc trưng, và không có đường ranh sắc nét.
Thật vậy, giờ đây W. cho rằng các khái niệm then chốt, chẳng hạn như mệnh đề, ngôn ngữ, con số, là các khái niệm nét họ hàng giống nhau và không có các tính chất chung nào được chia sẻ bởi mọi sự mà có thể được xem là ngôn ngữ, hoặc một mệnh đề, hoặc một con số. Cũng tương tự, không có gì là lệch lạc với việc giải thích các từ-khái niệm như vậy bằng các ví dụ làm mẫu.

Những khái niệm như vậy không thiếu sót, và các giải thích như thế không thể chỉ rõ một sự hiểu sai. Nhưng đòi hỏi về định nghĩa sắc nét và về tính xác định của nghĩa dường như bị áp đặt bởi chính logic. Và logic dường như đã tạo thành ngữ pháp bề sâu của bất kỳ ngôn ngữ có thể nào và phản ánh cấu trúc của thế giới. Do các yêu cầu về định nghĩa sắc nét và tính xác định của nghĩa đã bị bác bỏ, nên câu hỏi về tình trạng của cuộc tìm sâu logic và bản thân logic cần phải được giải quyết.
‘Logic’ như thường được dùng bởi Russell và W. trẻ, để biểu thị các tìm sâu triết học. Cái tinh ròng về logic, theo quan niệm này, là nó nhằm để làm lộ ra bản chất của thế giới, của trải nghiệm, của tư duy.

[4] + plain view.

[5] + phần (b): lặp lại Tractatus.

[6] Gốc L.: “quyd est ergo tempus? si nemo ex me quaerat scio; si quaerenti explicare velim, nescio”; x. Confessions (Penguin Books, Harmondsworth, 1961), Bk. XI, §14 (tr. R. S. Pine-Coffin).

[7] call to mind, BD3 sử dụng ‘remind’; luý W. phân biệt nhớ |remember| và |ghi| nhớ |call to mind|, do đó, để phân biệt, bản dịch này sẽ dùng ‘|ghi| nhớ’, ‘nhớ ra’ cho từ ‘call |something| to mind’

[8] + see right into; durchschauen: tìm kiếm để có được sự phân tích cuối cùng của các dạng ngôn ngữ của ta. x. LLT 3.25: Một mệnh đề có một và chỉ một cách phân tích hoàn toàn.

[9] inquiry.

[10] TPL: mô tả triết học như là ‘giải thích, làm sáng tỏ’ |elucidation, Erläuterung, 3.263, 4.112, 6.54|.

[11] tức các ảo tưởng ‘sự phân tích cuối cùng’ và ‘sự chính xác tuyệt đối’.

[12] Essence. Wesen: từ Đức này khó dịch, Wittgenstein cân nhắc đùa trên tính mơ hồ của từ này. Bản thân ông đã thay đổi cách dịch Wesen từ ‘essence’ thành ‘tính chất|nature’ trong bản của Rhees.

[13] lies open to view …

[14] Surveyable.

[15] “A proposition – that’s something very remarkable!”

[16] tức là các dạng biểu đạt ta dùng để nói về các mệnh đề thì bản thân chúng đã đứng riêng theo cách của chúng, nghĩa là đã ngăn ta thấy được các mệnh đề quợt như thế nào. x. tiếp 94 (a).

[17] Sublimation |sự thăng hoa|& to sublimate |phần thăng hoa|: Wittgenstein mượn thuật ngữ hoá học. W muốn nói logic |LLT| đi trước, vượt quá tất cả kinh nghiệm và sự đang có của những sự vật cụ thể, theo nghĩa là logic làm cho chúng có thể; logic là môi trường hoặc ‘không gian’ trong đó cả kinh nghiệm (và do đó ý nghĩ, do đó là ngôn ngữ) và cấu trúc thực sự của thế giới đều có nghĩa. Logic vượt quá toàn bộ thực tại và là một hình ảnh phản chiếu của thế giới |LLT 6.13)|; logic thực sự là ‘một cái gì đó tinh ròng’, một cái gì đó rắn rỏi, chắc chắn, tất yếuchính xác.

[18] a pure intermediary: tư tưởng đúng khi ta nghĩ về một sự kiện có thật, thì khi ấy trung gian giữa tư tưởng và sự kiện này là trong suốt, tinh ròng, nghĩa là không một chút gì của thường nghiệm, của ngẫu nhiên.

[19] purify.

[20] + chimeras: ám chỉ các ‘mệnh đề được phân tích hoàn toàn’, các mệnh đề đơn độc lập với nhau, các tên thực sự là các cấu thành cho các mệnh đề đơn,…

[21] + vì không có trung gian nào giữa ý tưởng và sự kiện thật.

[22] + such-and-such – is – thus-and-so; das und das – so und so – ist.

[23] + one can think what is not the case.

[24] + Tractatus: tư tưởng, ngôn ngữ và thế giới là các cấu trúc đẳng cấu nhau về mặt logic: chúng có chung dạng logic.

[25] + Một sai lầm của Tractatus.

[26] + nimbus –hào quang: hình ảnh tương quan độc nhất giữa tư tưởng – ngôn ngữ –thế giới.

[27] + khái niệm logic trong LLT.

[28] S. tiên nghiệm.

[29] + TPL 5.4541: Phép giải cho các vấn đề của logic phải đơn giản … : toàn bộ logic chỉ là các mệnh dề đơn.

[30] purest crystal.

[31] + LLT 5.5563: Trên thực tế, tất cả các mệnh đề của ngôn ngữ hằng ngày, như chúng đang tồn tại, đều có trật tự logic hoàn hảo …

[32] + tháo gỡ vầng hào quang này.

[33] truth; Wahrheit

[34] super-order.

[35] super-concepts.

[36] +x. LLT 5.5563

[37] An indeterminate sense - that would really not be a sense at all; Ein unbestimmter Sinn, - das wäre eigentlich gar kein Sinn.

[38] … we too would call it a game, only we are dazzled by the ideal …

[39] + the ideal ‘must’ occur in reality; das Ideal ‘müsse’ sich in der Realität finden.

[40] tính chất này sẽ được làm rõ bằng cách so sánh mốt mô tả với cái kính trong §103.

[41] .. medium of understanding.

[42] Cái lý tưởng này được cấy sâu chắc vào tư tưởng của ta.

[43] + mode of representation; Darstellungsweise. Tiết này tiếp tục thảo luận về ‘cái lý tưởng’. Hiện tượng lý tưởng dường như phải được tìm thấy trong thực tại thì không là gì hơn các phép chiếu của mốt mô tả. Những 'lý tưởng' này không thực sự được tìm thấy trong thực tại, cũng không tìm thấy trong ngữ pháp bề sâu của ngôn ngữ (được mang lên bề mặt bằng phân tích) hay trong môi trường tâm trí (§105). W. khẳng định chúng chỉ là những phép chiếu và mọi mệnh đề đều có dạng ‘Sự vật là như thế như thế’ (‘This is how things are’), mốt mô tả phô ra tất cả các tham chiếu của các tên trong một câu được gắn kết cùng nhau trong một mạng lưới các quan hệ thuần logic (nghĩa là có một tính chất, tham gia vào quan hệ kép, v.v..)

[44] + không phải là loại so sánh giữa hai vật giống nhau, mà là so sánh giữa một cây thước và vật được đo hoặc kiểu so sánh giữa một dạng mô tả và cái được mô tả.

[45] ‘a highly general state of affairs’; ‘höchst allgemeinen Sachlage’: Ta nghĩ ta nhận thấy rằng mọi mệnh đề đều có dạng tổng quát ‘Như thế–như thế là như thế–như vậy’, rằng mọi mệnh đề đều có một nghĩa xác định tuyệt đối, rằng mọi tên thật đều thay mặt |đại diện| cho một đối tượng, rằng mọi mệnh đề đều bao gồm (qua phân tích ) một kết ghép các tên, v.v.

[46] Khái niệm về “nước” là cố định đối với Faraday. W. có lẽ dùng Faraday để minh hoạ tính như một của sự vật nằm trong mốt mô tả nó.

[47] §105 mô tả hậu quả của những quan niệm sai lầm của ta về dấu hiệu lý tưởng (§104). Ta đòi hỏi sự rõ ràng trong suốt, tính xác định của nghĩa, v.v.. và khi ta thấy rằng các dấu hiệu thông thường (từ ngữ, mệnh đề) không thực sự thỏa mãn những yêu cầu này, ta kết luận rằng chúng không phải là những dấu hiệu thực sự mà logic xử lý. W. đặt câu hỏi, "ta có thể xử lý một mệnh đề kiểu như ‘Cây viết nằm ở trên bàn’ mà không dây dưa theo các quy tắc logic hay không?

[48] idea; Vorstellung. Nhưng tại sao ta phải nghĩ rằng những dấu hiệu thực sự là ‘các ý niệm’ của các dấu hiệu, tức là, các biểu diễn tâm trí của các dấu hiệu?
W.: ‘… tư duy là một loại ngôn ngữ và dĩ nhiên, một ý tưởng cũng là một mô hình logic về mệnh đề, và do đó, cũng chỉ là một loại mệnh đề.’

[49] For the crystalline purity of logic was, of course, not something I had discovered: it was a requirement: tính trong suốt tinh ròng của logic là một giả định trước của TPL.

[50] Khi ta đào sâu hơn về ý nghĩa của ‘vĩnh hằng’, ‘thời gian’, ‘không gian’, ‘cái thiện’, ‘ý chí tự do’, ‘tâm trí’ và các câu hỏi lớn khác của triết học, ta bị bỏ bùa bởi ngôn ngữ. Ta đem các từ ra khỏi mái nhà tự nhiên của chúng |ngôn ngữ đời thường| và ngây ngây giả định chúng tham chiếu đến một bản chất hoặc một lý tưởng nào đó mà ta cố định nghĩa. Ta đã quên cách dùng của chúng! Hãy quay về mặt đất thô ráp!

[51] + nói về sai lầm trong TPL: mệnh đề, ngôn ngữ là những khái niệm hình thức được xác định rạch ròi.

[52] Tức gia đình.

[53] W. đã có cái nhìn sâu sắc liên quan đến góc nhìn mới của ông về logic: rằng cái mà ta gọi là 'câu' và 'ngôn ngữ' sự thống nhất hình thức[53] mà ta đã tưởng tượng, nhưng là một họ các cấu trúc ít nhiều giống nhau. Mệnh đề không có bản chất. Ta chỉ thấy trong ngôn ngữ có nhiều loại mệnh đề, chúng có liên hệ nhau về mặt ngữ pháp và các ca mà chúng được dùng, nhưng không có một tính chất duy nhất nào để xác định chúng là mệnh đề và có nghĩa. Các loại mệnh đề khác nhau tạo thành nét họ hàng giống nhau, giống như ‘trò chơi’ hoặc ‘ngôn ngữ’, chúng không phải là một tập đóng. Tuy nhiên, điều này đặt ra một vấn đề về logic, vì việc này có nghĩa là ta phải từ bỏ trò chơi Tractatus: không có điều kiện tất yếu dùng để phân loại chúng, do đó, sẽ không rõ ràng khi nói về các mệnh đề một cách tổng quát. Và vì thế, W. hỏi, ngay lúc này, cái gì đang xảy đến với logic?

[54] Baker và Hacker còm rằng 'sự xoay chuyển' cuộc tìm sâu này có nghĩa là, thay vì xem xét logic của ngôn ngữ ta nhằm phân biệt được trật tự trước nghiệm của sự vật trong thế giới, ta nên kiểm tra logic của ngôn ngữ nhằm làm lộ ra ảo tưởng về trật tự trước nghiệm như thế của sự vật.

[55] ám chỉ đến Tractatus 4.111: “Triết học không thuộc bộ môn khoa học tự nhiên. (Triết học’ phải ở trên hoặc ở dưới, chứ không ngang bằng với các ngành khoa học tự nhiên).”: tránh vướng vào nghiên cứu các tiến trình tư tưởng dưới góc độ tâm lý. 

[56] phổ biến

[57] có lẽ ám chỉ đến nhận định của Frank Ramsey ‘but it just is possible to think of such a thing’ (MS 116, 51); x. thêm MS 152, 93–5; Philosophical Remarks 304 (= MS 105, 23); Zettel, §272.

[58] + The pneumatic conception of thinking. X. bài báo “The pneumatic conception of thinking”của Joachim SCHULTE, ở đây tạm trích phần Summary |không dịch|:
This paper is an attempt at presenting a convincing reading of the first sentences of PI § 109, especially of its third sentence. There Wittgenstein mentions what he calls "the pneumatic conception of thought", which by Miss Anscombe is translated as "the conception of thought as a gaseous medium".

By comparing the relevant sentences with their sources in Wittgenstein's manuscripts and additional parallels it is found that Anscombe's rendering is liable to be misleading. Wittgenstein's notion of "pneuma" is likely to be inspired by a conception of the kind elucidated by Oswald Spengler, for instance, according to whose account pneuma is to be understood as a sort of body (Seelenkörper). If you take this as your central image, the pneumatic conception alluded to in PI § 109 is one which can be tracked down in Wittgenstein's early as well as in his middle-period work. In this remark (PI § 109), Wittgenstein tries to mention both helpful and misleading features of his earlier ways of thinking, and what he now calls the "pneumatic conception" can be seen to be the foil for both sorts of features. The central idea is that the core of language contains a scaffolding of rules whose ("pneumatic") substance is the same as that of our thought. In accordance with this view the logical structure of thought is held to be identical with that of language and reality—a notion which fits parts of the Tractatus as well as parts of the original "grammatical" conception developed in the early 1930ies.

[59] + All explanation must disappear, and description alone must take its place. Alle Erklärung muß fort, und nur Beschreibung an ihre Stelle treten.

[60] BD3: .. and that in such a way as to make us recognize those workings: in despite of an urge to misunderstand them; BD4: … and that in such a way that these workings are recognized - despite an urge to misunderstand them; Đ.: … und zwar so, daß dieses erkannt wird: entgegen einem Trieb, es mißzuverstehen.

[61] BD3: .. những thông tin mới..

[62] Khi ta bị bỏ bùa, ta có xu hướng nhìn ngây ngây (gaze)chằm chằm – một cái nhìn như bị thôi miên; rồi thì, ta có xu hướng nhìn thấy những "bản chất" ảo nảy sinh từ những hình ảnh được cấy vào trong ngôn ngữ, nhưng dường như lại nằm sâu trong tâm trí hay thế giới. Các phân biệt và khác biệt bị bỏ qua, con mắt ta bị "lóa mắt bởi cái lý tưởng này". (§100). Ví dụ: ta bị bỏ bùa bởi ý tưởng rằng tâm trí của ta quợt trong một không gian vô hình, mà trong đó ta có thể "nhìn thấy" hoặc suy diễn rằng suy nghĩ đang diễn ra …

[63] “Language (or thinking) is something unique”

[64] Mê tín: ngôn ngữ chỉ ra bản chất thế giới, các cấu thành của ngôn ngữ, các tên đơn – các đối tượng đơn là bản chất của thế giới. x. LLT 5.1361: Niềm tin vào mối liên hệ nhân quả này là siêu niềm tin |mê tín|.

[65] + Joke; Witz. Witt. không cho ví dụ. Ví dụ của tôi không biết có đúng ý ông không: “Một dạo, có một ông ở Việt, khệnh khạng tuyên bố giữ lễ rất kỹ của Khổng Tử & Nho giáo, viết trên blog rằng: “TÔI là ABC ... ... tôi – thịt xắt chẳng ngay chẳng ăn, chiếu trải không ngay, không ngồi; TÔI – đũa không cân, không dùng ...”. Wittgenstein nheo nheo mắt: “Chà! Hai thầy trò ông, nếu vợ các ông hai vú không đều, không cân, thì các ông không bóp à? Ngữ pháp của chữ ‘CHÍNH’ đấy sao!” Thầy trò Khổng Tử cũng chẳng vừa, khệnh khạng đáp trả: “… …”; Wittgenstein một mắt nhay nháy bồi dứt điểm: “…”! Ba bạn đọc đầu tiên có thể chế thêm hai câu bỏ trống này vừa hay, vừa sâu sắc, tôi sẽ gửi tặng mỗi bạn hai bản dịch của tôi có kèm đóng dấu mộc đỏ có ghi dòng chữ “Giải nhất|nhì|ba cuộc thi trò đùa ngữ pháp Wittgenstein”, hạn chót là cuối tháng 12-2019; dĩ nhiên, ban chấm điểm chỉ có một mình tôiJ. Bạn có thể tìm hiểu thêm một góc nhìn khác về Khổng Tử qua bài Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa: Bàn về cơn sốt Khổng Tử hiện nay của Lưu Hiểu Ba, Phan Trinh dịch.

[66] + Simile; Gleichnis: gây ra diễn dịch sai về các dạng của ngôn ngữ. Tạm ví dụ:từ thời gian lừa ta khiến ta đi đến quan niệm về nó như một môi trường qua các cách dùng dòng thời gian, thời gian trôi qua …; x. Culture and Value, edited by G. H. von Wright: Ta vẫn nghe nhận xét rằng triết học thực sự không tiến bộ, rằng ta vẫn đang loay hoay với những vấn đề triết học y như những người Hy Lạp. Tuy nhiên, những người nói điều này mà không hiểu tại sao nó lại như vậy. Đó là bởi vì ngôn ngữ của ta vẫn y nguyên và vẫn quyến ta đưa ra cùng những câu hỏi đó. Bao lâu mà vẫn còn động từ 'là' quợt y như 'ăn' và 'uống', bao lâu mà ta vẫn có các tính từ 'đồng nhất', 'đúng', 'sai','có thể', bao lâu mà ta vẫn tiếp tục nói về một dòng thời gian và một không gian trải rộng, v.v., thì ta vẫn mãi vấp phải những khó khăn khó hiểu ...

[67] + .. has been absorbed into..

[68] “But this is how it is – – –”

[69] Về lịch sử biên soạn thì tiết này đi trước tiết §113 và theo sau là:
‘Mọi mệnh đề đều nói: Đây là cách mọi thứ là thế.’ Đây là một dạng có thể đánh lừa ta (và kể cả tôi).
Plato: ‘Bất cứ ai có ý nói gì đó, thì đều có ý nói về cái gì đó đang đấy.’ (Theaetetus.)
Đây là loại mệnh đề … v.v.
và theo sau:
.. giả sử một người chỉ vào một vật bằng cách mô tả một vòng tròn trong không khí hướng về vật thể được chỉ vào. Một tay triết gia có thể nói rằng tất cả mọi thứ đều tròn, vì cái bàn trông như thế này, cái bếp trông như thế này, cái đèn trông như thế này (mỗi lần miêu tả lại khua tay một vòng tròn quanh vật đó).

[70] + “This is how things are”: trong bản dịch LLT được dịch là “.. Đây là cách mà sự vật phối hợp với nhau như thế” nhằm làm rõ ý tưởng trong đó, nay dịch ngắn lại để theo sát ý của câu này ở đây.

[71] Hình ảnh này là muốn nói đến dạng mệnh đề tổng quát ‘Sự vật là như thế như thế’ hay W. đã nghĩ đến việc Frege sử dụng dấu khẳng định trong logic về khẳng định, điều mà ông đã không chấp nhận trong Tractatus và W. cũng chỉ trích trong §22, phần I cuốn Tìm Sâu. W. nhắm đến một sự giải thích thực sự về thuyết của Frege; điều W. quan tâm là hình ảnh bắt giữ ta khi ta nhận thấy không thể trốn thoát khỏi mô hình do nó dùng dấu khẳng định. x. thêm §22.

[72] tri thức – Descartes; tồn tại – Russell; đối tượng – Witt. …

[73] plain nonsense.

[74] |Từ Bắc: cái u. | Các cục u sưng tấy trong quá trình đấu tranh chống lại sự mê hoặc của trí tuệ của ta; x. §109.

[75] running up against the limits of language; Anrennen an die Grenze der Sprache: có lẽ W. dùng lại câu của Karl Kraus: “If I cannot get further, this is because I have banged my head against the wall of language. Then, with my head bleeding, I withdraw. And want to go on.”

[76] Nhắm đến TPL, ngôn ngữ lý tưởng của Russell, Frege, và cả William James (“từ vựng tâm lý học của ta hoàn toàn không tương xứng”).

[77] Tiền không phải lúc nào cũng mua những thứ mà ta chỉ vào: nó có thể mua chức, mua quyền được làm gì đó ….

[78] + overview; Übersichtlichkeit. S. tổng quan.

[79] + surveyability: các quy tắc ngữ pháp cho |phép toán|, hoặc, không, hàm logic, … trong TPL.

[80] W.: Đừng chỉ tìm sự tương tự không thôi, mà còn có các kết nối – Ông bố truyền lại cái họ của mình cho người con, bất chấp người con này có thích hay không.

[81] + Weltanschauung: thế giới quan.

[82] A philosophical problem has the form: “I don’t know my way about.”; Ein philosophisches Problem hat die Form: “Ich kenne mich nicht aus.”
Nốt về nhận xét này: 1. Đây chỉ là một nhận xét ngữ pháp: ta có thể xác định một vấn đề là triết học, phần nào đó, dựa trên dạng của nó; nói cách khác, đây là một tiêu chuẩn xác định một vấn đề triết học là nó có một dạng đặc biệt nào đó. 2. một phần không thể tránh khỏi của dạng này là vấn đề triết học được biểu đạt ở ngôi thứ nhất: chỉ có một vấn đề triết học (đối với tôi) nếu đó là vấn đề của tôi. 3. khi tôi có một vấn đề triết học, mà trong vấn đề này, tôi không biết lối ra, nghĩa là, tôi bị lạc: tôi bị mất phương hướng. Mặt khác, theo B. & H. thì nhận xét này có trong MS 112 |Vol. VIII, 24r|, liên quan đến thảo luận về câu hỏi liệu một tên gọi có phải là một đại diện cho vật mang của nó hay không, và làm thế nào áp dụng cho tên của tên. Vất vả với sự phức tạp này, W. tự nhận xét ‘Tôi không biết lối ra’, và ngay lập tức bổ sung: ‘Đây là dạng của mọi vấn đề triết học.’ Nhận xét này sau đó được chọn đưa vào The Big Typescript (BT 421), nơi nó được đặt sau nhận xét: ‘Vấn đề triết học là ý thức về sự hỗn loạn có trong các khái niệm của ta, và chỉ có thể giải quyết bằng cách sắp xếp lại chúng.’

[83] Mọi thứ ở đây ám chỉ đến những thứ mà triết học mô tả, đó là cách dùng ngôn ngữ.

[84] “Vấn đề hàng đầu của logic toán học”: Wittgenstein liên kết câu này với Frank Ramsey (see MS 110, 189; The Big Typescript (Blackwell, Oxford, 2004), pp. 417f.; MS 115, 71).

[85] các mâu thuẫn: của toán học. Ngay cả trong triết học toán học: một vấn đề của siêu toán học cũng chỉ là một vấn đề của toán học, không phải của triết học. Do đó, một mâu thuẫn trong toán học, siêu toán học không phải là vẫn đề mà triết học phải giải quyết. Trong ca này, triết học chỉ mô tả các quy tắc vướng víu đã gây ra các mâu thuẫn này.

[86] .. that is, to survey.; .. d. h. übersehen wollen.

[87] ‘civic status’ |trong các BD1-2-3 là ‘civil status’|.

[88] The civic status of a contradiction, or its status in civic life a that is the philosophical problem.: B. & H.|Wittgenstein: Understanding and Meaning; Part II: Exegesis §§1–184| cho là do không rõ ý của W. nên tạm giải thích thế này: góc độ, khía cạnh toán học của một mâu thuẫn thì triết học không quan tâm: đó là công việc của toán, không phải triết. Nhưng ta có xu hướng nghĩ rằng một mâu thuẫn tiềm tàng - có thể gây ra những cây cầu sụp đổ - là nằm ngoài toán học, trong 'cuộc sống đời thường', các mâu thuẫn có thể gây ra những tổn hại lớn trong thực tế. Và đó là một sự nhầm lẫn sâu sắc thuộc triết học.

[89] + bác bỏ LLT 6.53: Phương pháp triết học đúng đắn thực sự là như sau: không nói gì ngoại trừ những gì có thể nói được, đó là những mệnh đề khoa học tự nhiên - tức là không liên quan gì đến triết học …

[90] triết học chỉ quan tâm đến việc mô tả cách dùng ngôn ngữ, ngữ pháp của các biểu đạt ngôn ngữ …

[91] Tôi dùng reminder thay vì bản gốc là recollections |các hồi tưởng|: các nhắc nhở chính là các cách dùng từ.

[92] + The work of the philosopher consists in marshalling recollections for a particular purpose. Die Arbeit des Philosophen ist ein Zusammentragen von Erinnerungen zu einem bestimmten Zweck.

[93] có lẽ là ngôn ngữ và các cách dùng của nó.

[94] first approximations, erste Annäherungen.

[95] objects of comparison: các đối tượng tham chiếu.

[96] Ví dụ, phát biểu “mọi mệnh đề đều có một nghĩa xác định”.

[97] x. ‘lý tưởng’ và ‘mô hình’ trong TPL.

[98] + ta chế ra một trò chơi, một ngôn ngữ, chúng có thể được so sánh với (chẳng hạn) một ngôn ngữ thực sự. Ví dụ (Thính Đằng) chế ra từ tìm sâu với ba nghĩa: nghiên cứu, truy tìm, điều tra, thì có ổn không?

[99] Ám chỉ cái trật tự tối hậu ẩn kín của ngôn ngữ trong TPL.

[100] (ví dụ minh hoạ) mục đích: phá vỡ lối đánh vần, chính tả mà ta bị ràng buộc bởi các dạng ngữ pháp nào đó, từ nghiên cứu chẳng hạn (ràng buộc Sứ Việt), ta sẽ tiến hành “gom, sắp lại cái ta đã biết” (ví dụ ‘tìm’ và ‘sâu’, ‘sâu sắc’), và ta có ‘tìm sâu’ – đây là một sắp xếp mới, một trật tự mới!?! Chính ta vi phạm §133? J

[101] So sánh với §124: Triết học không được can thiệp vào cách dùng thực sự của ngôn ngữ …

[102] + idling.

[103] Ám chỉ vấn đề đặt ra bởi TPL? hoặc: “một vấn đề lớn duy nhất”'trong Notebooks |NB| mà W. tự nhủ không được xé lẻ vấn đề này để xử lý: “Không sa đà vào các vấn đề riêng lẻ, mà luôn bay đến nơi có một góc nhìn thênh thang về tổng thể vấn đề lớn, ngay cả khi góc nhìn này không rõ ràng”. Và W. xác định “vấn đề lớn duy nhất” này như sau: “Toàn bộ nhiệm vụ của tôi là giải thích bản chất của mệnh đề” (NB, 39). Và câu hỏi đặt ra là: làm thế nào mà một mệnh đề có thể biểu diễn cho một sự kiện? Ý tưởng về “vấn đề lớn duy nhất” trong PI liên quan đến “sự võ đoán mà ta dễ dàng rơi vào khi làm triết” (§131), và với cái mà W. mô tả như là xu hướng xem logic “cái gì đó tinh ròng” (§89)?

[104] + There is not a single philosophical method, though there are indeed methods, different therapies, as it were. Es gibt nicht eine Methode der Philosophie, wohl aber gibt es Methoden, gleichsam verschiedene Therapien.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt