Triết học nhân học

Ngôi nhà hay là thế giới lật ngược

 

Ngôi nhà

hay là thế giới lật ngược

PIERRE BOURDIEU

 

Nội thất của ngôi nhà kabyle[1] mang hình chữ nhật. Ở vào khoảng một phần ba của chiều dài hình chữ nhật này, có một bức tường có chấn song, cao lưng chừng, ngăn không gian nội thất làm hai phần : căn rộng nhất, có nền được nâng cao lên khoảng 50 cm và được trát một lớp đất sét đen trộn với phân bò do phụ nữ mài láng bằng đá cuội, là khu vực dành cho con người ; và một căn nhỏ hơn, lát đá, dành cho súc vật. Thông từ căn phòng này qua căn phòng kia là một cái cửa có hai cánh.[2] Bên trên bức tường ngăn, ở một bên, người ta thường xếp những cái chum đất hoặc những cái giỏ làm bằng cỏ alfa[3] đựng những loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày như trái vả, các loại bột, các loại đậu ; còn ở đầu kia, gần cửa, là những chum nước. Ở bên trên chuồng gia súc là một cái gác xép, nơi mà người ta chất rơm rạ dành cho gia súc và cất đủ mọi thứ dụng cụ, và đó cũng là nơi mà phụ nữ và trẻ em thường ngủ, nhất là vào mùa đông. Dựa vào bức tường đầu hồi nhà, người ta xây một mảng tường trên đó có những cái hốc dùng để cất các dụng cụ nhà bếp (cái muôi, nồi niêu, chảo nướng bánh kẹp và những vật dụng khác đã ám đen khói) gọi là tường phía trên hay tường kanun (tường này thực ra được gọi là “cạnh”) ; phía bên này và phía bên kia của bức tường này, người ta đặt những cái vại lớn chứa đầy ngũ cốc. Trước bức tường này là cái lò bếp (kanun), đây là một cái hốc hình tròn, ở giữa sâu chừng vài centimét, xung quanh đó là ba hòn đá lớn xếp thành hình tam giác dùng để đặt vật dụng nấu nướng lên đó.[4]

Người ta thường đặt một cái khung cửi dệt trước bức tường đối diện với cửa ra vào – bức tường này thường được gọi cùng tên với bức tường mặt trước nhà giáp với cái sân (tasga[5]), hay cũng còn được gọi là tường khung cửi dệt hoặc tường đối diện (người ta đối diện với nó khi bước chân vào nhà). Còn bức tường phía ngoài, cạnh cửa ra vào, được gọi là tường của bóng tối, hay tường của giấc ngủ, hay tường của thiếu nữ, hay tường của ngôi mộ (người ta cũng thường nói : “thiếu nữ là hoàng hôn”, hay “thiếu nữ là bức tường của bóng tối”, hay cũng thường nói rằng “khi một đứa con trai chào đời, các bức tường của ánh sánh vui mừng, khi một người chết rời khỏi nhà, các bức tường của bóng tối than khóc” – Bassagana và Sayad) ; dựa sát vào bức tường này là một cái băng ghế dài đủ rộng để trải một chiếc chiếu ; dưới băng ghế này là nơi người ta thường nuôi con bê hay con cừu dành cho ngày lễ, đôi khi cũng là nơi chất củi hoặc nơi đặt vò nước. Vào ban ngày, quần áo, chăn và chiếu thường được treo trên một cái thanh ngang bằng gỗ, đặt dựa vào bức tường của bóng tối, hoặc là được xếp vào dưới cái băng ghế dài. Như vậy, chúng ta thấy rằng bức tường kanun nằm ở vị thế đối lập với cái chuồng gia súc giống như đối lập giữa phần trên và phần dưới (adaynin, chuồng gia súc, gắn liền với cái gốc rễ ada, tức là phần dưới), và bức tường khung cửi nằm đối lập với bức tường cửa ra vào giống như đối lập giữa ánh sáng và bóng tối. Người ta sẽ dễ rơi vào khuynh hướng giải thích những sự đối lập đó bằng lối giải thích thuần túy dựa trên kỹ thuật, bởi lẽ bức tường khung cửi, nằm đối diện với cửa ra vào, hướng về phía đông, là bức tường được chiếu sáng nhiều nhất, và chuồng gia súc thì nằm ở phía dưới (người ta thường xây nhà theo chiều thẳng góc với độ cao mấp mô của mặt đất, để cho nước phân và nước thải dễ chảy đi), nếu không thấy rằng còn có nhiều chỉ báo khác chứng tỏ rằng những sự đối lập đó thực ra nằm trong một hệ thống đối lập tương tự vốn không thể nào lý giải được bởi những yếu tố kỹ thuật.

Phần thấp của căn nhà, là phần tối tăm, nơi cất giữ những đồ ẩm ướt, những đồ còn tươi hoặc còn sống[6], những cái vò nước xếp trên những băng ghế dài đặt ở bên này và bên kia lối ra vào chuồng gia súc hoặc đặt dựa vào bức tường của bóng tối, củi, rơm rạ còn tươi, đây cũng là nơi của các động vật như bò đực và bò cái, lừa đực và lừa cái, nơi của các hoạt động tự nhiên như ngủ, hành vi tình dục, sinh đẻ, và cũng là nơi của sự chết, đối lập với phần trên của ngôi nhà, là nơi sáng sủa, sang trọng, nơi của con người và đặc biệt là của khách khứa, nơi có lửa và những đồ làm bằng lửa, đèn, vật dụng nấu nướng, khẩu súng, cái thuộc về thể diện người đàn ông (nif) vốn phải bảo vệ danh dự người đàn bà (h’urma), khung cửi dệt, biểu tượng của mọi sự bảo vệ, đây cũng là nơi mà hai sinh hoạt văn hóa đúng nghĩa thường diễn ra trong không gian của căn nhà, đó là công việc nấu ăn và công việc dệt vải. Thực ra, người ta chỉ hiểu được trọn vẹn cái ý nghĩa được khách thể hóa trong các đồ vật hay các địa điểm của không gian thông qua những tập quán được cấu trúc theo cùng những khuôn mẫu và được thực hiện trong khuôn khổ các đồ vật và các địa điểm ấy (và ngược lại). Chính ngay trước cái khung cửi là chỗ ngồi dành cho vị khách mời mà người ta muốn tôn kính, qabel, động từ vốn cũng có nghĩa là đối diện với ai, hay nhìn về hướng đông. Khi người ta không được tiếp đón tử tế, người ta thường nói : “Ông ta đã để tôi ngồi trước bức tường của bóng tối giống như trong mộ huyệt”. Bức tường của bóng tối cũng còn được gọi là bức tường của người bệnh, và thành ngữ “ở yên cạnh tường” [“tenir le mur”][7] có nghĩa là đang bị bệnh, và cũng có nghĩa khác nữa là ăn không ngồi rồi : quả vậy, người ta thường đặt giường người bệnh cạnh bức tường này, nhất là vào mùa đông. Người ta cũng thấy mối liên hệ giữa phần tối của căn nhà với cái chết bởi sự kiện là chính lối ra vào chuồng gia súc là nơi mà người ta tiến hành việc tắm rửa thi hài người quá cố. Mối liên hệ này cũng được bộc lộ thông qua sự tương đồng giữa giấc ngủ và cái chết, khi người ta dạy bảo rằng phải nằm nghiêng bên phải một hồi, rồi chuyển sang nằm nghiêng bên trái, bởi vì tư thế thứ nhất là tư thế của người chết trong huyệt mộ. Những bài hát đám tang thường hình dung ngôi mộ, “căn nhà ở dưới lòng đất”, như là một căn nhà đảo ngược (trắng/mờ tối, trên/dưới, có hình vẽ trang trí/đào một cách thô sơ), bằng cách khai thác những hình ảnh so sánh tương tự về hình thức như sau : “Tôi đã tìm thấy những người đang đào một ngôi mộ, Họ dùng cuốc để chạm khắc tường, Họ xây trong đó những cái băng ghế dài (thiddukanin), Bằng một thứ vữa còn tệ hơn cả bùn”, đó là lời trong một bài ca lúc thức đêm túc trực bên thi hài người chết (xem Genevois, 1955, số 46, trang 27). Thaddukant (số nhiều là thiddukanin) là cái băng ghế dài dựa lưng vào bức tường ngăn cách và đối diện với cái băng ghế dựa vào bức tường đầu hồi nhà (addukan), và cũng là cái băng đất nhỏ trong ngôi mộ dùng làm nơi cho thi hài người đàn ông tựa đầu vào (chỗ lõm nhẹ nơi mà người ta đặt đầu của thi hài người đàn bà được gọi là thakwath, cũng giống như những cái hốc nhỏ khoét vào trong các bức tường trong nhà và thường dùng để cất những vật dụng nhỏ linh tinh của người phụ nữ). Theo phong tục, người ta thường nói rằng cái gác xép, làm toàn bằng gỗ, được mang vác bởi cái chuồng gia súc giống như thi hài người chết được người ta khiêng, chữ thaârichth vừa có nghĩa là cái gác xép, vừa có nghĩa là cái đòn cáng mà người ta dùng để khiêng người chết.[8] Như vậy chúng ta mới hiểu là vì sao người ta có thể làm cho một người khách cảm thấy bị xúc phạm khi mời họ ngủ trong gian gác xép vốn có quan hệ đối lập với bức tường khung cửi cũng giống như với bức tường huyệt mộ. Cũng chính đàng trước bức tường khung cửi, đối diện với cửa ra vào, nơi hoàn toàn sáng sủa, là nơi mà người ta thường ngồi, hoặc còn hơn thế nữa, là nơi mà người ta đưa ra giới thiệu cô dâu mới vào ngày cưới, cũng theo cách giống như  người ta treo những món ăn được trang hoàng đẹp đẽ ngay tại chỗ ấy. Nếu chúng ta biết rằng người ta thường chôn sợi dây rốn của đứa bé gái đàng sau khung cửi dệt, và rằng, để bảo vệ sự trinh tiết của một cô thiếu nữ, người ta cho cô ta bước qua sợi tơ [chăng trên khung cửi], đi theo hướng từ cửa ra vào cho tới bức tường khung cửi, thì chúng ta mới thấy rõ được chức năng bảo vệ mang tính bùa phép [magique] mà người ta gán cho cái công cụ này.[9] Và trong thực tế, theo quan điểm của những người thân nam giới, thì toàn bộ cuộc đời của một người con gái hầu như được thâu tóm trong những tư thế khác nhau mà cô ta thể hiện một cách biểu tượng xung quanh cái khung cửi, vốn là biểu tượng của sự bảo vệ của người đàn ông : trước khi lấy chồng, cô ta luôn ngồi đàng sau cái khung cửi, khuất sau cái bóng của nó, dưới sự bảo vệ của nó, tương tự như cô ta đang ở dưới sự bảo vệ của cha mình và anh em trai của mình ; vào ngày cưới, cô ta ngồi trước khung cửi, quay lưng lại với nó, ngồi hoàn toàn ngoài ánh sáng, để rồi sau đó, cô ta sẽ ngồi dệt đàng sau khung cửi, lưng dựa vào bức tường ánh sáng.

Gian thấp và u tối [của ngôi nhà] đối lập với gian cao [của ngôi nhà] cũng giống như đối lập giữa nữ giới và nam giới : ngoài sự việc là sự phân công lao động giữa các giới tính đã giao phó cho người đàn bà bổn phận coi sóc phần lớn những đồ vật thuộc về gian u tối của ngôi nhà, và đặc biệt là việc đi lấy nước, lấy củi hay việc dọn phân và chăm sóc gia súc, sự đối lập giữa gian cao và gian thấp chính là hình ảnh tái hiện lại bên trong căn nhà sự đối lập giữa cái bên trong và cái bên ngoài, giữa không gian nữ giới, căn nhà và khu vườn, với không gian nam giới.

Sự đối lập giữa khu vực dành riêng cho việc tiếp khách và khu vực riêng tư (người ta cũng thấy có sự phân biệt này trong căn lều du mục, được chia ra làm hai phần bằng một tấm bạt, một phần mở ra để tiếp khách và một phần dành cho phụ nữ) cũng được bộc lộ chẳng hạn trong tập tục bói toán như sau : khi một con mèo, vốn được xem là một con vật biểu hiện điềm lành, bước vào nhà mang theo trên người nó một cái lông hoặc một sợi len trắng và đi về phía cái bếp lò, thì điều này có nghĩa là sắp có những người khách mà người ta sẽ mời ăn một bữa có thịt ; nếu con mèo đi về phía chuồng gia súc, thì điều ấy có nghĩa là người ta sẽ mua một con bò cái nếu lúc đó là mùa xuân, hay một con bò đực nếu đã bước sang mùa cày bừa. Con mèo, tình cờ len lỏi vào nhà và bị người ta đuổi đi, chính là dấu hiệu tượng trưng cho hành vi bước vào nhà. Sợi lông được mặc nhiên coi như tương ứng với sợi len, có lẽ vì cả hai thứ vật liệu này đều là những vật cùng có một tính chất tượng trưng cho điềm lành, đó là màu trắng. Người ta chỉ cần phối hợp sự đối lập giữa cái bếp lò với cái chuồng gia súc, vốn dẫn đến một chuỗi những hệ quả tiếp theo, giữa khu vực sang trọng nơi người ta nướng thịt, vốn là món ăn ngon nhất để mời khách, và là nơi mà người ta tiếp khách, với khu vực bên dưới dành cho gia súc, với sự đối lập giữa hai mùa, mùa thu, mùa của sự hy sinh tập thể, mùa của con bò và của việc cày bừa, với mùa xuân, mùa của sản phẩm sữa, thì người ta sẽ hiểu được tại sao lại ra con bò đực và con bò cái [trong tập tục bói toán trên đây].

Khu vực thấp của ngôi nhà là nơi kín đáo riêng tư nhất trong cái thế giới riêng tư, nghĩa là tất cả những gì liên quan đến tình dục và sinh sản. Khu vực u tối này thường hầu như hoàn toàn vắng lặng vào ban ngày, tức là thời gian mà mọi hoạt động, thuần túy của phụ nữ, đều tập trung xung quanh cái bếp lò. Nhưng vào ban đêm, khu vực này lại đầy người, đầy cả súc vật, vì bò đực và bò cái không bao giờ ngủ ngoài trời, chứ không như những con lừa ; và đông nhất là vào mùa mưa, vì lúc này đàn ông ngủ trong nhà và bò đực và bò cái được cho ăn trong chuồng. Ở đây, chúng ta thấy rõ mối liên hệ trực tiếp nối kết khả năng sinh sản của đàn ông và của ruộng đồng với khu vực u tối của căn nhà – một trường hợp đặc biệt thể hiện mối liên hệ tương đương giữa khả năng sinh sản với bóng tối, giữa cái đầy đặn (hay sự phình to) với cái ẩm ướt : trong lúc lúa thóc dành để ăn được cất giữ trong những cái chum đất nung lớn đặt dựa vào bức tường phía trên, ở hai bên bếp lò, thì chính là trong gian u tối của ngôi nhà mà người ta trữ lúa giống, hoặc là trong những tấm da cừu hay trong những cái rương đặt dưới chân tường của bóng tối, đôi khi cũng được đặt dưới cái giường của vợ chồng, hoặc là trong những cái rương gỗ đặt dưới cái băng ghế dài dựa vào bức tường ngăn cách (Servier, 1962, trang 229, 253). Vì sự chào đời [naissance] luôn luôn là sự tái sinh [renaissance] của tổ tiên, nên người ta mới hiểu ra rằng khu vực u tối của căn nhà có thể vừa là nơi của cái chết, vừa là nơi của sự sinh sản, và điều này không có gì mâu thuẫn cả.

Chính ở giữa bức tường ngăn cách, giữa “gian nhà của con người” và “gian nhà của con vật”, là nơi mà người ta dựng cái cột nhà chính, cái cột này đỡ cái xà nhà chính (asalas alemmas, từ giống đực) và toàn bộ sườn nhà. Cái xà chính này, vốn trải dài sự bảo vệ của mình từ phần nam giới cho tới phần nữ giới của ngôi nhà, được đồng hóa một cách rõ ràng với vị chủ nhân của căn nhà, vốn là người bảo vệ danh dự gia đình, trong lúc cái cột chính, vốn là cái thân cây có chạc (thigejdith, từ giống cái) mà nó tựa trên đó, được đồng hóa với người vợ (theo Maunier, những người Beni Khellili gọi nó là Masâuda, một cái tên phụ nữ có nghĩa là “người phụ nữ hạnh phúc”), sự lồng khớp vào nhau giữa cái xà chính và cái cột chính tượng trưng cho sự giao phối – vốn được biểu tượng bằng hai cái chạc [cành cây] đặt chồng lên nhau trong các bức hình vẽ trên tường, tương tự như sự hòa nhập giữa cái xà và cái cột (Devulder, 1951).

Chính là xung quanh cái xà nhà chính, biểu tượng của sức mạnh nam giới, mà người ta thấy có một biểu tượng khác của sức mạnh sinh sản của người đàn ông và cũng là của sự phục sinh quấn vòng xung quanh, đó là con rắn, “người gác dan” của ngôi nhà. Đôi khi, như ở vùng Collo chẳng hạn, con rắn cũng được vẽ trên những cái chum đất (do phụ nữ chế tác) chứa hạt mầm ; và người ta cũng nói rằng con rắn đôi khi bò xuống nhà, bò vào lòng người đàn bà vô sinh và gọi bà ta là mẹ. Ở Darma, người đàn bà vô sinh thường cột thắt lưng của mình lên cái xà chính (Maunier, 1930) ; cái xà này cũng là nơi mà người ta thường treo cái bao quy đầu và cây sậy vốn được dùng để cắt bì ; mỗi khi người ta nghe tiếng răng rắc của cái xà này, người ta thường vội nói ngay rằng “ước gì có điều tốt lành”, bởi lẽ điều đó là điềm báo cái chết của người chủ gia đình. Khi một đứa con trai chào đời, người ta thường cầu chúc nó “sẽ trở thành cái xà chính của ngôi nhà”, và, khi nó hoàn thành nghi lễ nhịn ăn lần đầu tiên, nó sẽ ăn bữa ăn đầu tiên trên mái nhà, nghĩa là trên cái xà chính (theo lời người ta nói, là để nó có sức khiêng vác những cái xà). Nhiều câu đố và câu ngạn ngữ đồng hóa một cách rõ ràng người phụ nữ với cái cột nhà chính. Đối với vị hôn thê trẻ, người ta nói : “Cầu mong Thượng đế làm cho cô trở thành cái cột dựng giữa nhà một cách vững chãi.” Theo lời một câu đố : “Cô ta đang đứng và không có bàn chân.” Vốn là cái chạc hướng lên trên, cây cột nhà chính là bản tính phụ nữ, mắn đẻ, hay đúng hơn là có khả năng mắn đẻ.

Là biểu tượng rút gọn của ngôi nhà, sự hợp nhất giữa cái asalas và cái thigejdith, vốn trải dài sự bảo vệ sinh sản của mình trên tất cả các cuộc hôn nhân của con người, chính là, giống như việc cày bừa, một cuộc hôn nhân giữa trời và đất : “Người đàn bà là cái nền, còn người đàn ông là cái xà nhà chính,” theo lời một câu tục ngữ khác. Một câu đố định nghĩa asalas như là “sinh ở dưới đất và chôn ở trên trời” (Genevois, 1963), còn cái thigejdith mắn đẻ thì trồng dưới đất và hướng lên trời.

Như vậy, ngôi nhà được tổ chức theo một tập hợp những cặp đối lập tương đồng nhau : khô : ẩm : : trên : dưới : : ánh sáng : bóng tối : : ngày : đêm : : giống đực : giống cái : : nif : h’urma : : làm thụ thai [fécondant] : có thể thụ thai [fécondable]. Nhưng thực ra, người ta cũng thấy cùng những sự đối lập này giữa toàn bộ ngôi nhà nói chung với phần còn lại của vũ trụ. Nếu xét trong mối quan hệ với thế giới đúng nghĩa của đàn ông là đời sống công cộng và công việc đồng áng, thì ngôi nhà, vũ trụ của người đàn bà, là h’aram, nghĩa là vừa linh thiêng vừa trái phép đối với mọi người đàn ông không thuộc về [vũ trụ này] (từ đó mới có câu thường được dùng trong những lần tuyên thệ : “Ước gì vợ tôi – hay ngôi nhà của tôi – sẽ trở thành trái phép (h’aram) đối với tôi, nếu…”). Người đàn ông họ hàng xa (hay gần, nhưng về phía những người phụ nữ, chẳng hạn như anh em trai của người vợ) khi lần đầu tiên được mời vào trong một ngôi nhà, thường trao cho vị nữ chủ nhân của ngôi nhà một khoản tiền mà người ta gọi là “cái nhìn” (thizri). Vốn là nơi linh thiêng phía tay trái, nơi của h’urma, nơi mà người ta gán cho tất cả những đặc trưng của phần tối của ngôi nhà, nó được đặt dưới sự bảo vệ của thể diện của người đàn ông (nif) cũng giống như phần tối của ngôi nhà được đặt dưới sự bảo vệ của cái xà nhà chính. Do đó, bất cứ một hành vi nào vi phạm vào không gian linh thiêng này đều mang một ý nghĩa xã hội như một hành vi phạm thánh : chẳng hạn, luật tục coi việc trộm cắp trong một ngôi nhà có người ở là một tội rất nặng, vì nó xúc phạm đến h’urma của ngôi nhà và lăng nhục cái nif của người đàn ông chủ nhà.

Người ta chỉ có cơ sở để nói rằng người phụ nữ tự giam mình suốt ngày trong nhà nếu người ta đồng thời quan sát thấy rằng người đàn ông không bao giờ ở trong nhà, ít ra là ban ngày. Chỗ của người đàn ông là ở bên ngoài, ngoài ruộng đồng hoặc nơi hội họp : người ta dạy điều này cho đứa con trai ngay từ nhỏ. Từ đó mới có câu mà những người phụ nữ thường lặp đi lặp lại, trong đó hàm ý rằng người đàn ông chẳng biết gì cả về những gì xảy ra ở trong nhà : “Hỡi người đàn ông, tội nghiệp ông ta, suốt cả ngày ở ngoài đồng giống như con lừa nhỏ ở ngoài bãi chăn thả !” Cứ sáng sớm là ông ta phải ra đồng hoặc đến nơi hội họp nếu là mùa hè ; còn vào mùa đông, nếu ông ta không ra đồng thì cũng đến nơi hội họp hoặc ra ngồi ngoài băng ghế đặt dưới hiên ngay cổng ra vào của cái sân. Vào ban đêm, ít nhất là vào mùa khô, đám đàn ông và đám con trai đã cắt bì thường ngủ ở bên ngoài căn nhà, hoặc là gần những đống rơm, trên cái sân đập lúa, bên cạnh những con lừa và con la bị cột chân, hoặc là trên chỗ phơi trái vả, hoặc là ở giữa đồng, cũng có khi ở chỗ thajmaâth.[10] Người đàn ông nào ở nhà nhiều quá vào ban ngày thường bị coi là khả nghi hoặc đáng chế giễu : hắn là một “người đàn ông ở nhà”, đó là cách mà người ta thường gọi người đàn ông hay quấy rầy ở giữa đám phụ nữ và hay “ấp ở trong nhà giống như con gà mái ở trong ổ.” Người đàn ông biết tự trọng phải là người xuất đầu lộ diện một cách công khai, luôn luôn đứng trước mặt người khác, đương đầu với họ, đối diện với họ : anh ta là người đàn ông giữa những người đàn ông (argaz yer irgazen). Mối quan hệ giữa những người đàn ông với nhau diễn ra ở bên ngoài : “bạn bè là bạn bè ở bên ngoài chứ không phải ở trong kanun.”

Mọi người đều hiểu rằng tất cả mọi hoạt động sinh học, như ăn, ngủ, sinh con đẻ cái, đều bị cấm đoán ở thế giới bên ngoài (người ta nói rằng “con gà mái không đẻ trứng ngoài chợ”) và phải được chuyển vào trong nơi trú ẩn của sự thân mật và của những bí mật của thiên nhiên vốn chính là ngôi nhà, thế giới của người đàn bà, người được sinh ra để quản trị thiên nhiên và đứng ngoài đời sống công cộng. Đối lập với công việc của người đàn ông, vốn được thực hiện lúc thanh thiên bạch nhật, là công việc của người đàn bà lúc nào cũng phải diễn ra trong mờ tối và che giấu (người ta nói là “Thượng đế đã giấu nó đi”) : “ở bên trong, bà ta làm không ngơi nghỉ, bà ta quậy cựa giống như một con ruồi trong chén sữa ; ở bên ngoài (ở bên trên), không ai thấy gì về công việc của bà ta.” Hai câu ngạn ngữ rất giống nhau đã mô tả như sau thân phận của người đàn bà, vốn không biết một thế giới nào khác ngoài cái mồ : “Ngôi nhà của ngươi, đó chính là cái mồ của ngươi” ; “người đàn bà chỉ có hai nơi ở, ngôi nhà và ngôi mồ.”

Như vậy, sự đối lập giữa ngôi nhà của người phụ nữ với nơi hội họp của những người đàn ông, giữa đời sống riêng tư và đời sống công cộng, hay nếu người ta muốn, giữa ánh sáng thanh thiên bạch nhật và cái bí mật của màn đêm, phản ánh một cách chính xác sự đối lập giữa phần thấp và tăm tối của ngôi nhà với phần trên, sang trọng và sáng sủa[11] : nói cách khác, sự đối lập giữa thế giới bên ngoài và ngôi nhà chỉ có ý nghĩa đầy đủ nếu người ta nhận thấy rằng chính ngôi nhà cũng được chia ra theo cùng những nguyên tắc vốn làm cho nó đối lập với thế giới bên ngoài. Do đó, sẽ vừa đúng vừa sai khi nói rằng thế giới bên ngoài đối lập với ngôi nhà giống như giữa giống đực và giống cái, giữa ngày và đêm, giữa lửa với nước, v.v…, bởi lẽ cái vế thứ hai của những sự đối lập này lúc nào cũng tự mình phân chia ra thành chính mình và mặt đối lập của mình.

Vốn là thế giới vi mô được tổ chức theo cùng những phạm trù đối lập trong vũ trụ, ngôi nhà có một mối quan hệ tương đồng với phần còn lại của vũ trụ ; nhưng, xét từ một góc độ khác, thế giới ngôi nhà nói chung có một mối quan hệ đối lập với phần còn lại của thế giới – với những nguyên tắc đối lập không gì khác là chính những nguyên tắc đối lập vốn chi phối không gian nội thất của ngôi nhà cũng như phần còn lại của thế giới, và, một cách tổng quát hơn, tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống. Như vậy, sự đối lập giữa thế giới đời sống của người phụ nữ với thế giới thị dân của người đàn ông cũng dựa trên cùng những nguyên tắc như hai hệ thống đối lập mà nó là thể đối lập. Việc áp dụng principium divisionis [nguyên tắc phân chia] vào những lĩnh vực đối lập nhau đảm bảo cho một kết cấu nhất quán, và tránh đi đến sự lẫn lộn giữa những lĩnh vực ấy. Cấu trúc theo kiểu a : b : : b1 : b2 có lẽ chính là một trong những cấu trúc đơn giản nhất và có hiệu lực nhất mà một hệ thống nghi thức-huyền thoại [système mythico-rituel] có thể sử dụng, bởi lẽ nó không thể đối lập mà không đồng thời hợp nhất, mà vẫn có khả năng hội nhập vô vàn dữ liệu vào trong một trật tự duy nhất, bằng một cách đơn giản là áp dụng đi áp dụng lại cùng một nguyên tắc phân chia. Mỗi một phần [trong hai phần] của ngôi nhà (và đồng thời, mỗi thứ đồ vật đặt trong đó và mỗi một hoạt động mà người ta thực hiện trong đó) được xác định một cách nào đó theo hai mức độ : thứ nhất, như mang tính chất nữ giới (ban đêm, tối tăm, v.v…) với tư cách là nó tham gia vào vũ trụ của ngôi nhà, và thứ hai, như mang tính chất nam giới hoặc nữ giới nếu nó thuộc về phần bên này hay phần bên kia của cái vũ trụ ấy. Do đó, chẳng hạn, với câu châm ngôn “đàn ông là cây đèn bên ngoài, còn đàn bà là cây đèn trong nhà”, thì chúng ta phải hiểu là người đàn ông mới là ánh sáng thực sự, ánh sáng ban ngày, còn người đàn bà là ánh sáng của bóng tối, ánh sáng mờ tối ; vả lại người ta cũng biết rằng phụ nữ đối với mặt trăng thế nào thì nam giới đối với mặt trời thế ấy. Cũng tương tự như vậy, nhờ dệt len, người phụ nữ tạo ra sự bảo vệ may mắn của tấm vải dệt, mà màu trắng tượng trưng cho hạnh phúc (“những ngày trắng” là những ngày hạnh phúc, và nhiều tập tục mà người ta thường tiến hành trong đám cưới, chẳng hạn như việc rẩy sữa, đều nhằm làm cho người phụ nữ được “trắng”) ; cái khung cửi, vốn là vật dụng đúng nghĩa của hoạt động của người phụ nữ, được dựng đối diện với hướng đông giống như một người đàn ông và giống như cái cày, và đồng thời cũng chính là phía đông của không gian nội thất và mang một giá trị nam giới giống như biểu tượng của sự bảo vệ. Và cũng lại tương tự như vậy, cái bếp lò, vốn là cái rốn của ngôi nhà (nó cũng được coi như cái bụng của một bà mẹ), nơi mà người ta ủ than hồng, ngọn lửa mang tính chất thầm kín, ẩn giấu và tính chất nữ tính, chính là lĩnh vực của người đàn bà, người được giao cho toàn quyền về tất cả những gì liên quan tới bếp núc và việc quản lý các đồ dự trữ [12]; chính khu vực gần bếp lò là nơi mà bà ta ăn uống, trong khi người đàn ông, vốn hướng ra bên ngoài, thì ăn ở giữa căn phòng hoặc ở ngoài sân. Tuy nhiên, trong tất cả những nghi thức có dính dáng tới cái bếp lò, thì cái bếp lò và những viên đá xung quanh bếp lò thường mang lại hiệu quả phù phép, hoặc là để bảo vệ người ta tránh khỏi người có ác cảm hay tránh khỏi bệnh tật, hoặc để cầu cho trời tốt, vì chúng tham gia vào trật tự của lửa, của cái khô và của sức nóng mặt trời[13]. Chính ngôi nhà cũng mang hai ý nghĩa cùng một lúc. Một mặt nó đối lập với thế giới công cộng giống như thiên nhiên với văn hóa, nhưng xét về mặt khác thì nó cũng là văn hóa : người ta đã chẳng nói là con chó rừng, vốn là hiện thân của thiên nhiên hoang dã, không làm nhà đó sao ?

Ngôi nhà và, nói rộng ra, ngôi làng, khu vực đầy ắp (laâmara hay thamurth iâamaran), khuôn viên có đông người, xét về mặt nào đó đối lập với những cánh đồng vắng người mà người ta gọi là lakhla, không gian trống rỗng và vô sinh [stérile]. Do đó, người dân ở Taddert-el-Djeddid tin rằng những ai xây cất ở bên ngoài phạm vi của ngôi làng sẽ gặp nguy cơ gia đình bị tận diệt (Maunier, 1930). Ở những nơi khác, người ta cũng tin như vậy, và người ta chỉ loại trừ cái vườn dù là nó ở cách xa ngôi nhà, vườn trồng cây ăn trái hay nơi phơi trái vả, vốn là những nơi được coi là phần nào đó thuộc về ngôi làng và cũng mang tính chất mắn đẻ [fécondité] [như ngôi làng]. Tuy nhiên sự đối lập này không xóa bỏ sự tương đồng giữa khả năng sinh sản [fécondité] của người đàn ông và khả năng sinh sản [fécondité] của cánh đồng – cả hai vốn đều là sản phẩm của sự hợp nhất giữa nguyên lý giống đực và nguyên lý giống cái, giữa ánh lửa mặt trời và sự ẩm ướt của trái đất. Thực vậy, chính sự tương đồng này là nền tảng chi phối hầu hết những nghi thức mang mục tiêu đảm bảo sự sinh sôi của con người và của đất đai, dù đó là việc bếp núc, vốn phụ thuộc chặt chẽ vào những sự đối lập vốn chi phối năm canh tác, và từ đó, vào nhịp điệu của lịch nông nghiệp, hoặc là những nghi thức đổi mới đá bếp lò (iniyen) vốn đánh dấu thời gian chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa hoặc là vào đầu năm, và một cách tổng quát hơn, là tất cả các nghi thức được thực hiện bên trong ngôi nhà – ngôi nhà vốn là hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ : khi người phụ nữ tham gia vào những nghi thức nông nghiệp, thì nền tảng của những hành vi nghi thức của họ chính là sự tương đồng giữa khả năng sinh sản của đất đai với khả năng sinh sản của con người, hình thức tiêu biểu nhất của bất cứ khả năng sinh sản nào. Người ta không thể kể ra hết những nghi thức thực hiện bên trong ngôi nhà, vốn chỉ có bề ngoài là những nghi thức trong nhà, bởi lẽ chúng đều hướng tới đảm bảo đồng thời khả năng sinh sản của cánh đồng lẫn khả năng sinh sản của ngôi nhà. Thật vật, ngôi nhà cần phải đầy ắp thì cánh đồng mới được đầy ắp, và người phụ nữ góp phần vào sự trù phú của cánh đồng bằng cách chuyên tâm vào việc tích trữ, tiết kiệm và bảo quản những của cải mà người đàn ông đã sản xuất ra, và tựa như là giữ lại tất cả những của cải nào vào được trong nhà. Người ta nói rằng “người đàn ông giống như là cái rãnh, còn người đàn bà giống như cái chậu”, người này thì đem về, còn người kia thì giữ lại và bảo quản. Người đàn ông là “cái móc để treo giỏ lên đó”, là người cung ứng, tựa như con bọ hung, con nhện hay con ong. Chính là người đàn bà mới nói : “Hãy cai quản của cải  của ngươi giống như đối với một thanh củi đang cháy dở. Có ngày hôm nay, có ngày mai, có ngôi mộ ; Thượng đế tha thứ cho kẻ nào đã để lại, chứ không tha cho kẻ nào đã ăn.” Người ta còn nói : “Thà có một phụ nữ tằn tiện còn hơn là có một cặp bò cày.” Cũng giống như “vùng đất đầy ắp” đối lập với “không gian trống rỗng”, “phần đầy của ngôi nhà” (laâmmara ukham) thường có nghĩa là “mụ già” vốn chuyên tằn tiện và tích trữ, đối lập với “phần rỗng của ngôi nhà” (lakhla ukham), vốn thường có nghĩa là cô con dâu. Vào mùa hè, cửa của ngôi nhà phải để mở suốt cả ngày để ánh sáng phì nhiêu của mặt trời có thể chiếu rọi vào và đem đến sự sung túc. Cửa đóng, thì đó có nghĩa là sự đói kém và sự vô sinh : ngồi ở bậc thềm ngưỡng cửa chính là ngăn cản không để cho hạnh phúc và sự đầy ắp có thể bước qua. Để chúc ai được sung túc, người ta nói : “Ước gì cửa của nhà anh luôn được mở”, hay là “Ước gì nhà anh lúc nào cũng mở cửa giống như một ngôi thánh đường [Hồi giáo]”. Người giầu có và rộng lượng là người mà người ta nói rằng : “Nhà của ông ta là một ngôi thánh đường [Hồi giáo], nó mở rộng cửa cho tất cả mọi người, người nghèo cũng như người giầu, nó được làm bằng bánh xếp và món cút-cút, nó đầy ắp” (thaâmmar ; âammar là tằn tiện và làm nội trợ giỏi, khi nói về một người đàn bà) ; sự rộng lượng là một biểu hiện của sự sung túc vốn đảm bảo cho sự sung túc. Phần lớn những động tác kỹ thuật và nghi thức thuộc về phận sự của người đàn bà đều được chi phối bởi ý hướng khách quan là làm sao để ngôi nhà trở thành nơi chứa đựng sự sung túc từ bên ngoài đưa vào, theo kiểu cái thigejdith mở cái chạc ra để đỡ lấy cái asalas alemmas, trở thành cái bụng giống như đất đai đón nhận lấy hạt mầm, và ngược lại, để chống lại tác động của tất cả những cái lực ly tâm có khả năng tước đoạt hết cái kho tàng mà ngôi nhà đã được giao phó.

 Do đó, chẳng hạn, người ta cấm không được cho lửa vào ngày ra đời của một đứa trẻ hay của một con bê hay khi người ta bắt đầu cày bừa[14] ; sau khi đập lúa xong, người ta không được đưa bất cứ cái gì ra khỏi nhà, và người đàn bà phải trả lại tất cả những vật dụng đã đi mượn ; người ta không được đưa số sữa bò vắt được trong ba ngày đầu tiên sau khi con bò đẻ ra khỏi nhà ; cô dâu không được bước qua ngưỡng cửa trước ngày thứ bẩy sau đám cưới ; người sản phụ không được ra khỏi nhà trước ngày thứ bốn mươi ; không được đưa đứa trẻ sơ sinh ra ngoài trước ngày Ạd Seghir ; không bao giờ được cho mượn cái cối xay bằng tay, và nếu để cái cối trống rỗng thì có nghĩa là đưa sự đói kém vào nhà mình ; người ta không được lấy tấm vải dệt ra trước khi dệt xong ; cũng giống như đối với việc cho mượn lửa, người ta cấm không được quét nhà trong bốn ngày cày bừa đầu tiên, vì việc quét nhà vốn là một hành vi trục xuất ; việc đưa người chết ra khỏi nhà thường được “tạo điều kiện làm cho nhanh chóng” để người này không mang theo mình sự sung túc[15] ; những lần “đi ra ngoài đầu tiên”, chẳng hạn khi con bò lần đầu tiên bước ra ngoài vào ngày thứ tư sau khi đẻ con, hay khi đưa sữa non ra ngoài, thì người ta đều đánh dấu những sự kiện này bằng những của hiến lễ.

Cái “trống rỗng” có thể xuất phát từ một hành vi trục xuất ; nó cũng có thể là hậu quả khi người ta đưa vào trong nhà những thứ như cái cày, vốn không được đem vào trong nhà giữa hai ngày cày bừa, hay đôi giầy của người đi cày (arkasen), vốn đi liền với lakhla, với không gian trống rỗng và vô sinh (giống như người mà người ta gọi là ikhla, tức là người ăn xài hoang phí và cô độc), hay một số người, chẳng hạn những bà già, bởi vì bà già thường mang theo mình sự vô sinh và vì họ đã bán đi nhiều nhà và cũng nhiều nhà bị họ đưa bọn ăn trộm đến. Ngược lại, có nhiều động tác nghi thức nhằm đảm bảo việc “làm đầy ắp” ngôi nhà, chẳng hạn như hành động quăng lên trên hòn đá đầu tiên ở dưới nền móng ngôi nhà những cái mảnh vỡ của cái đèn cưới (vốn có một vai trò trong hầu hết các nghi thức đánh dấu sự sinh sản) sau khi đã rảy máu một con vật lên trên hòn đá đó, hay là nghi thức đặt cho nàng dâu mới ngồi lên một cái túi da chứa đầy lúa, khi cô ta sắp bước vào nhà. Bất cứ lần bước vào nhà đầu tiên nào cũng đều là một sự đe dọa cho sự đầy ắp của thế giới nội thất, do đó những nghi thức ở ngưỡng cửa, vừa mang tính chất cầu phúc vừa mang tính chất phòng ngừa, là nhằm vượt qua sự đe dọa ấy : cặp bò mới được tiếp đón bởi người nữ chủ nhân của ngôi nhà, vốn là “phần đầy ắp của ngôi nhà”, bà này đặt lên trên ngưỡng cửa tấm da cừu mà người ta dùng để đặt cái cối xay tay và để đựng bột. Phần lớn những nghi thức nhằm mang lại khả năng sinh sản cho cái chuồng gia súc và, từ đó, cho ngôi nhà (người ta nói rằng “một ngôi nhà không có bò là một ngôi nhà trống”), đều là nhằm củng cố một cách phù phép mối quan hệ liên kết giữa sữa, màu xanh lục (azegzaw, vốn cũng là cái gì còn sống[16], thizegzawth), cỏ, mùa xuân, tuổi thơ ấu của thế giới tự nhiên và của con người : vào ngày xuân phân, thời điểm trở lại của azal, người chăn cừu trẻ tuổi vốn tham gia vào sự phát triển của cánh đồng lẫn của đàn gia súc, do tuổi tác và do chức trách của mình, hái và treo lên trên thanh ngang cửa một bó “bất cứ thứ gì mà gió làm đung đưa trên cánh đồng” (Rahmani, 1936) ; người ta cũng chôn một cái túi đựng hạt thìa là Ai Cập, cây cánh kiến trắng và cây chàm trên ngưỡng cửa vào chuồng gia súc và nói : “Hỡi màu xanh lục (azegzaw), xin đừng để cho bơ bị sút giảm !” Người ta treo lên cái máy đánh kem những cành cây mới hái và người ta dùng chúng để xoa lên những vật dụng dùng để đựng sữa. Trong số tất cả các sự kiện thì việc bước vào nhà của cô dâu mới cưới mang nặng ý nghĩa đối với khả năng sinh sản và sự đầy ắp của ngôi nhà : lúc cô ta còn ngồi trên lưng con lừa chở cô ta đi từ nhà của cha cô ta, người ta đưa cho cô ta nước, những hạt lúa, những trái vả, những trái hồ đào, những trái trứng luộc hay những cái bánh bột chiên, tức là tất cả những thứ (dù là có thể khác nhau tùy theo từng vùng) gắn liền với khả năng sinh sản của người đàn bà và của đất đai, và cô ta ném chúng về phía ngôi nhà, làm như vậy có nghĩa là đi trước cô ta chính là khả năng sinh sản và sự đầy ắp mà cô ta sẽ phải mang đến cho ngôi nhà. Cô ta được một người trong gia đình của chú rể hoặc đôi khi là một người da đen vác trên lưng để đi qua ngưỡng cửa (Maunier, 1930) (nhưng không bao giờ trên lưng của chú rể), vì những người này, khi ở vào giữa, sẽ ngăn chặn những sức mạnh xấu xa có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của cô ta, trong đó cái ngưỡng cửa, điểm gặp gỡ giữa những thế giới đối lập nhau, chính là nơi tập trung nhiều nhất : một người đàn bà bế con không bao giờ được ngồi gần ngưỡng cửa ; đứa trẻ và vị tân hôn thê, vốn đặc biệt dễ bị tổn thương giống như tất cả những người nằm ở vị trí ngưỡng [liminal], đều không được bước qua đó nhiều quá. Như vậy, người đàn bà, nhờ đó mà khả năng sinh sản đến với ngôi nhà, cũng góp phần mình vào khả năng sinh sản của thế giới nông nghiệp : vốn hiến thân mình cho thế giới nội thất, cô ta cũng tác động đến [thế giới] bên ngoài bằng cách đảm bảo sự đầy ắp ở bên trong và kiểm soát, với tư cách là người gác ngưỡng cửa, những trao đổi không cân xứng mà chỉ có cái lô-gic của bùa phép mới hình dung được, và chính nhờ những sự trao đổi đó mà mỗi một phần trong vũ trụ mới nhận được từ đối tác của mình cái đầy ắp trong lúc chỉ trao cho nó cái trống rỗng[17].

Nhưng một trong hai hệ thống đối lập nhau vốn xác định ngôi nhà, hoặc là trong cách tổ chức nội thất, hoặc là trong mối quan hệ của nó với thế giới bên ngoài, đều có thể được chú trọng hàng đầu tùy theo cách mà người ta xem xét ngôi nhà từ quan điểm nam giới hay từ quan điểm nữ giới : trong lúc, đối với đàn ông, ngôi nhà không hẳn là nơi mà người ta đi vào cho bằng là nơi mà từ đó người ta đi ra, thì người phụ nữ chỉ có thể gán cho hai hành vi di chuyển này [đi vào và đi ra] (cũng như gán cho những định nghĩa khác nhau về ngôi nhà có liên quan tới hai hành vi này) một tầm quan trọng và một ý nghĩa ngược lại, bởi lẽ hành động hướng ra bên ngoài đối với cô ta trước hết chính là những hành vi trục xuất, và hành động hướng vào bên trong, tức là từ ngưỡng cửa vào đến cái bếp lò, mới chính là thuộc về cô ta. Người ta thấy rõ nhất ý nghĩa của hành động hướng ra bên ngoài trong nghi thức mà người mẹ phải làm, vào ngày thứ bẩy sau khi sinh nở, “để cho đứa con trai của mình được can đảm” : khi bước qua ngưỡng cửa, cô ta đặt bàn chân phải lên trên cái lược chải thô và giả đánh nhau với người con trai đầu tiên mà cô ta gặp. Sự đi ra là hành động chỉ thuộc về nam giới, đây là hành động dẫn đến những người đàn ông khác, và cũng là dẫn đến những hiểm nguy và những thử thách mà người ta phải đương đầu như một người đàn ông cũng thô nhám như những cái răng của cái lược chải thô, nhất là khi liên quan tới danh dự[18]. Người đàn ông nào tự trọng thì phải đi ra khỏi nhà ngay từ sáng sớm tinh mơ, vì việc đi ra khỏi nhà từ sáng sớm là một sự sinh sản : vì thế người ta mới thấy tầm quan trọng của những thứ mà người ta bắt gặp vốn là điềm báo cho cả ngày, đến mức mà trong trường hợp gặp những thứ không hay (ông thợ rèn, người phụ nữ cầm một cái túi không, những tiếng la hét hay là một cuộc ẩu đả, một vật có hình thù dị dạng) thì tốt hơn hết là người ta cần phải “làm lại buổi sáng của mình” hay lại “đi ra khỏi nhà” một lần nữa.

Từ đó chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng dành cho cái hướng của ngôi nhà : mặt tiền của ngôi nhà chính, nơi mà ông chủ gia đình trú ngụ và bao gồm cả cái chuồng gia súc, hầu như luôn luôn quay về hướng đông, cái cửa chính – đối lập với cái cửa hẹp và thấp, dành cho phụ nữ, mở ra vườn, ra phía sau nhà – thường được gọi là cửa đông (thabburth thacherqith) hay cũng được gọi là cửa ra đường, cửa cao, cửa lớn[19]. Do địa thế của các ngôi làng và do vị trí phụ của cái chuồng gia súc, nên phần cao của ngôi nhà, cùng với cái bếp lò, nằm ở phía bắc, cái chuồng gia súc ở phía nam, và bức tường của cái khung dệt cửi nằm ở phía tây. Do đó, khi người ta đi về phía ngôi nhà để bước vào trong đó thì người ta đi từ phía đông sang phía tây, đối nghịch với động tác khi người ta bước ra khỏi ngôi nhà, phù hợp với phương hướng tốt nhất là đi về hướng đông, tức là hướng lên cao, về phía ánh sáng, phía cái tốt và cái thiện : người thợ cầy thường hướng những con bò về phía đông khi ông ta mắc chúng vào cái cầy, và ông ta bắt đầu cầy từ phía tây sang phía đông ; cũng tương tự như vậy, những người thợ gặt thường đứng quay mặt về phía đông, và khi chọc tiết con bò hiến lễ thì người ta cũng đứng quay mặt về phía đông ; không thể kể hết ra đây những hành động được thực hiện phù hợp với phương hướng chủ đạo này, từc là những hành động quan trọng vốn dẫn đến sự sinh sản và sự phồn thịnh của cả nhóm người.[20]

Bây giờ nếu chúng ta trở lại cách tổ chức bên trong của ngôi nhà, chúng ta sẽ thấy là phương hướng [của cách tổ chức này] chính là đảo ngược lại cách tổ chức không gian bên ngoài, giống như thể nó được sắp xếp bằng cách xoay hẳn một nửa vòng nếu chúng ta lấy bức tường mặt tiền hay ngưỡng cửa làm cái trục. Bức tường của cái khung cửi dệt, cái mà người ta đối diện ngay sau khi bước qua ngưỡng cửa, và vốn được rọi sáng trực tiếp bởi mặt trời buổi sáng, chính là ánh sáng của bên trong (cũng giống người đàn bà là cái đèn của bên trong), nghĩa là hướng đông của bên trong, đối xứng với hướng đông bên ngoài mà từ đó nó tiếp nhận ánh sáng (như chúng ta đã thấy, chính là bên cạnh cái khung cửi dệt là nơi mà ông chủ nhà ngồi tiếp khách). Mặt bên trong và u tối của bức tường mặt tiền đại diện cho hướng tây của ngôi nhà, nơi ngủ nghỉ, cái mà người ta bỏ lại đàng sau lưng khi mà người ta đi từ cái cửa tới cái kanun, là cái cửa biểu tượng cho “cái cửa của năm”, mở đầu của mùa mưa và của năm nông nghiệp. Và, cũng tương tự như vậy, bức tường của chuồng gia súc và bức tường của bếp lò có hai hướng đối nghịch nhau tùy theo người ta nhìn từ phía này hay phía kia : tương ứng với hướng bắc của phía ngoài là hướng nam (và mùa hè) của phía trong, tức là phần của ngôi nhà mà người ta thấy phía trước mặt và phía tay phải khi mà người ta bước vào và đối diện với cái khung cửi ; tương ứng với hướng nam của phía ngoài là hướng bắc (và mùa đông) của phía trong, tức là cái chuồng gia súc, vốn nằm phía sau và bên trái nếu người ta đi từ cửa đến cái lò bếp. Sự phân chia ngôi nhà thành một phần u tối (phía tây và phía bắc) và một phần sáng sủa (phía đông và phía nam) tương ứng với sự phân chia cả năm ra thành một mùa mưa và một mùa khô. Nói tóm lại, đối với mỗi mặt ngoài của bức tường (essur) đều tương ứng một khu vực của không gian bên trong (cái mà người ta gọi là tharkunt, gần như có nghĩa là một phía) vốn có một phương hướng đối xứng và đối nghịch trong hệ thống các sự đối lập nội tại ; người ta có thể biết được mỗi một trong hai không gian bằng cách quay nửa vòng cái không gian kia, nếu lấy cái ngưỡng cửa làm trục. Người ta sẽ không thể hiểu được trọn vẹn sức nặng và giá trị biểu tượng vốn được gán cho cái ngưỡng cửa trong hệ thống này nếu người ta không nhận ra rằng cái chức năng ranh giới bùa phép của nó xuất phát từ chỗ nó là nơi hội tụ của những cái đối nghịch, và đồng thời cũng là nơi đảo nghịch về lô-gic, và rằng với tư cách là điểm đi qua và điểm gặp gỡ bắt buộc giữa hai không gian, vốn được xác định trong tương quan với các động tác của cơ thể và với những quĩ đạo đã được xác định về mặt xã hội[21], nó là nơi mà thế giới tự lật ngược lại.[22]

Như vậy, mỗi vũ trụ đều có phương đông [orient] của mình, và hai sự di chuyển mang nhiều ý nghĩa nhất và nhiều hậu quả phù phép nhất, đó là sự di chuyển từ ngưỡng cửa tới cái bếp lò, vốn phải mang lại sự đầy ắp và việc thực hiện sự di chuyển này cũng như việc làm chủ nghi thức này đều thuộc về người đàn bà, và sự di chuyển từ ngưỡng cửa ra thế giới bên ngoài, vốn, do tính chất khai trương của nó, mang ý nghĩa bao trùm tất cả những gì thuộc về tương lai và đặc biệt là tương lai của công việc đồng áng, đều có thể được thực hiện phù hợp với phương hướng tốt lành, tức là từ tây sang đông[23]. Hai phương hướng của không gian của ngôi nhà làm cho người ta có thể đi vào và đi ra bằng bàn chân phải, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, với tất cả sự may mắn huyền bí gắn liền với sự tuân thủ này, mà không bao giờ phá vỡ mối liên hệ nối kết giữa phía tay phải với phía bên trên, với ánh sáng, và với cái tốt. Vì thế, việc xoay không gian một nửa vòng xung quanh cái ngưỡng cửa có thể đảm bảo, nếu người ta cho phép lối diễn đạt sau đây, việc tối đa hóa sự may mắn phù phép, bởi lẽ động tác hướng tâm và động tác ly tâm đều được thực hiện trong một không gian vốn đã được tổ chức làm sao để người ta khi đi vào thì đối diện với ánh sáng và khi đi ra cũng đối diện với ánh sáng[24].

Hai phương hướng của không gian của ngôi nhà

(hai đường ê-ke vuông góc [có mũi tên] là để chỉ các tư thế của cơ thể của chủ thể)

Hai không gian đối xứng và ngược nhau này không thể hoán chuyển chỗ cho nhau, nhưng lại có thứ hạng tôn ti. Phương hướng của ngôi nhà trước hết phải được xác định từ bên ngoài, từ quan điểm của những người đàn ông, và cũng có thể nói là bởi những người đàn ông và cho những người đàn ông, được xác định như là nơi mà những người đàn ông từ đó bước ra (người ta thường nói rằng : “Người đàn ông nhìn mọi sự từ bên ngoài cánh cửa ; còn người đàn bà thì nhìn mọi sự từ bên trong cánh cửa” ; “Một ngôi nhà trở nên sung túc nhờ người đàn bà ; còn bên ngoài ngôi nhà thì đẹp nhờ người đàn ông”). Ngôi nhà là một vương quốc trong một vương quốc, nhưng vẫn luôn luôn là một cái gì phụ thuộc bởi vì, mặc dù nó mang tất cả những tính chất và tất cả những mối liên hệ vốn qui định cái thế giới khuôn mẫu lý tưởng [le monde archétypal], nó vẫn là một thế giới lật ngược, một thứ phản ánh đảo ngược. “Người đàn ông là cái đèn của bên ngoài, người đàn bà cái đèn của bên trong.” [Nhưng chúng ta] đừng bị lầm lẫn vì cái vẻ đối xứng bên ngoài : về mặt hình thức bên ngoài  thì cái đèn của ban ngày chỉ được xác định trong mối tương quan với cái đèn của ban đêm ; thực ra, ánh sáng ban đêm, mang nam tính nữ tính [masculin féminin], vẫn được sắp xếp và phụ thuộc vào ánh sáng ban ngày, vào cái đèn của ban ngày, tức là vào ban ngày của ban ngày. Người ta thường nói rằng : “Người đàn ông thì trông mong vào Thượng đế, còn người đàn bà thì trông chờ vào người đàn ông.” “Người đàn bà bị cong như một cái liềm” ; vì thế, suy cho cùng cái phần thẳng nhất của những bản tính bên trái đó phải được uốn nắn lại. Người đàn bà có chồng cũng tìm được phương đông của mình ở bên trong ngôi nhà của người đàn ông, nhưng đó chỉ là sự đảo ngược lại của một phương tây. Người ta đã chẳng nói “cô thiếu nữ, đó là phương tây” đó sao ? Cái đặc quyền dành cho sự chuyển động hướng ra bên ngoài, mà nhờ đó người đàn ông tự khẳng định như một người đàn ông bằng cách quay lưng lại với ngôi nhà để đối diện với những người đàn ông khác bằng cách chọn con đường phương đông của thế giới – cái đặc quyền ấy chỉ là một hình thức khước từ dứt khoát đối với thiên nhiên, vốn là nguồn gốc không thể tránh khỏi của sự chuyển động, để rời xa khỏi nó./.

TRẦN HỮU QUANG dịch, 9-2002

 


Nguồn : Phụ lục (Annexe) : "La maison ou le monde renversé", trong cuốn Le sens pratique của Pierre Bourdieu, Paris, Éditions de Minuit, 1980, pp. 441-461. Bản dịch tiếng Việt đăng trên triethoc.edu.vn này đã được sự đồng ý của PGS.TS. Trần Hữu Quang.



[1] Tức là ngôi nhà của người dân sinh sống ở vùng Kabylie, vùng núi ở phía bắc của nước Algérie (Chú thích của người dịch – T.H.Q.).

[2] Bài viết này xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách mang tên Echanges et communications, Mélanges offerts à C. Lévi-Strauss à l’occasion de son 60e anniversaire (Trao đổi và thông tin, Tuyển tập đề tặng cho C. Lévi-Strauss nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của ông), Paris-La Haye, nhà xuất bản Mouton, 1970, trang 739-758. Bài viết này ở đây có được sửa lại đôi chỗ. Mặc dù trong bài đã thấy xuất hiện những nguyên tắc của các công trình phân tích về sau này, ít nhất là ở dạng phác thảo (bộc lộ chẳng hạn qua sự quan tâm tới những cử động và những vận động của thân thể), nhưng cách lý giải về không gian ngôi nhà kabyle vẫn còn nằm trong những giới hạn của lối tư duy cấu trúc luận. Sở dĩ cần phải in lại bài trên trong phần phụ lục của cuốn sách này, trước hết là bởi vì, do qui chế tiểu vũ trụ - đảo ngược - của ngôi nhà, hình ảnh thu nhỏ của thế giới mà ngôi nhà đem lại có thể được coi như phần nhập đề dẫn dắt đến những nội dung phân tích đầy đủ hơn và phức tạp hơn đã trình bày trong cuốn sách này. Mặt khác, do bài viết trên còn đưa ra những bằng chứng bổ sung cho những nội dung phân tích trong cuốn sách này, nên nó cũng giúp chúng ta hình dung thế nào là quá trình xây dựng lại một cách duy khách quan (reconstruction objectiviste) hệ thống các quan hệ mà người ta buộc phải tiến hành trước khi đi đến sự lý giải cuối cùng, vốn đôi khi gần với cách thấu hiểu dựa trên trực giác (appréhension intuitionniste).

[3] Đây là một loại cỏ mọc ở vùng Bắc Phi, xuất phát từ chữ halfa trong tiếng Ả-rập, thường được dùng để làm giỏ, thảm, dép, vải thô... (Chú thích của người dịch – T.H.Q.).

[4] Tất cả những tài liệu mô tả ngôi nhà của người berbère, kể cả những tài liệu mô tả chi li nhất và có phương pháp nhất (Laoust, 1912, trang 12-15 và 1920, trang 50-53 ; Maunier, 1930, trang 120-177 ; Genevois, 1955) đều bộc lộ những lỗ hổng về mặt hệ thống mà người ta buộc phải bù đắp lại bằng cách khảo sát trực tiếp.

[5] Chỉ ngoại trừ trường hợp này, còn thông thường thì người ta gọi tên các bức tường một cách khác nhau tùy theo cách nhìn từ trong nhà nhìn ra hay từ bên ngoài nhà nhìn vào. Mặt ngoài của bức tường được trét bằng bay do bàn tay của đàn ông, còn mặt trong thì do đàn bà quét vôi trắng và trang trí bằng tay. Sự đối lập giữa hai cách nhìn này có ý nghĩa rất căn bản, như sau này chúng ta sẽ thấy.

[6] Tức chưa nấu chín (Chú thích của người dịch – T.H.Q.).

[7] Hay cũng có thể dịch là “nằm cạnh tường” (Chú thích của người dịch – T.H.Q.).

[8] Việc khiêng vác những cái xà nhà, vốn được đồng hóa với người chủ nhà, cũng được gọi là thaârichth, giống như cái gác xép và cũng giống như cái đòn cáng dùng để khiêng người chết hay đưa một con vật bị thương ra xa khỏi nhà để hạ sát. Việc khiêng xà nhà được tiến hành theo một tập tục xã hội mà ý nghĩa hoàn toàn giống với việc chôn cất. Do tính chất  uy nghi, do hình thức tập tục và do qui mô số người được huy động tham gia, công việc tập thể này (thiwizi) hầu như không khác biệt gì so với việc chôn cất : những người đàn ông đi đến nơi xẻ gỗ sau khi nghe tiếng vang gọi từ tháp cao của đền thờ Hồi giáo, cũng giống y như khi làm nghi lễ chôn cất. Khi được tham gia vào việc khiêng vác xà nhà, một hành vi sùng tín mà người ta không bao giờ để người khác làm thay mình, người ta mong được hưởng công đức (h’assana, tiếng Pháp là mérite) cũng không kém gì so với khi tham gia vào những hoạt động tập thể của đám tang (đào huyệt, đi đục những tấm đan bằng đá hoặc đi khiêng những tấm đan này, giúp khiêng quan tài, hay tham gia vào công việc chôn cất).

[9] Đối với những người Ả-rập, khi họ tiến hành nghi thức bùa phép [magique] của cái kẹp sắt có tác dụng làm cho người phụ nữ không còn khả năng quan hệ tình dục nữa, người ta cho vị hôn thê bước qua sợi tơ giăng chùng trên khung cửi, từ phía ngoài vào phía trong, nghĩa là từ giữa phòng cho tới bức tường nơi mà những người phụ nữ ngồi dệt vải ; nếu cũng làm như thế, nhưng theo chiều ngược lại, thì hành vi này có nghĩa là hủy tác dụng của cái kẹp sắt (Marçais và Guiga, 395).

[10] Tính chất hai nhịp gắn liền với sự phân chia giữa mùa khô và mùa mưa cũng được thể hiện trong trật tự ở trong nhà : vào mùa hè, sự đối lập giữa phần  dưới và phần trên của ngôi nhà sẽ được thay thế bởi sự đối lập giữa chính ngôi nhà, nơi mà phụ nữ và trẻ con vào ngủ ban đêm và là nơi chứa đồ dự trữ, với cái sân là nơi mà người ta đặt cái bếp lò và cái cối xay tay, nơi mà người ta dùng bữa và cũng là nơi người ta tụ tập vào những ngày lễ.

[11] Người ta có thể thấy rõ sự đối lập giữa ngôi nhà và ngôi nhà hội họp (thajmaâth) trong sự khác biệt về qui hoạch của hai loại kiến trúc này : trong khi ngôi nhà mở ra bằng cánh cửa phía trước, thì ngôi nhà hội họp lại giống như một cái hành lang dài có mái, hoàn toàn mở rộng ra ở hai đầu hồi nhà, và người ta có thể đi xuyên qua từ chỗ này sang chỗ khác.

[12] Người thợ rèn là người suốt ngày ở trong nhà, bên cạnh bếp lửa, cũng giống như người phụ nữ.

[13] Cái bếp lò là nơi mà người ta tiến hành một số nghi thức và là đối tượng của một số cấm đoán vốn làm cho nó đối lập với phần u tối [của ngôi nhà]. Chẳng hạn, người ta cấm không được đụng vào tro tàn vào ban đêm, không được khạc nhổ vào bếp lò, không được để rơi nước vào đó hay nhỏ nước mắt vào đó (Maunier). Cũng tương tự như vậy, những nghi thức nhằm thay đổi thời tiết và dựa trên một sự đảo ngược thường sử dụng sự đối lập giữa khu khô ráo và khu ẩm ướt của ngôi nhà : chẳng hạn, để chuyển từ thời tiết ẩm ướt sang thời tiết khô ráo, người ta đặt một cái lược dùng để chải len (vật dụng được làm bằng lửa và thuộc về nghề dệt) và một cục than hồng trên thềm cửa trong suốt đêm ; và ngược lại, để chuyển từ thời tiết khô ráo sang ẩm ướt, người ta vẩy nước lên những cái lược chải len đặt trên bậc thềm suốt đêm.

[14] Ngược lại, việc đưa vào trong nhà những viên đá bếp lò mới, vào những thời điểm khai trương, chính là sự lấp đầy, sự mở đầu của cái tốt và cái thiện ; những lời tiên đoán đưa ra trong những dịp này cũng đều liên quan đến sự sung túc và khả năng sinh sản : nếu người ta thấy có một con sâu trắng nằm dưới một trong các viên đá, thì trong năm đó sẽ có người sinh nở ; nếu thấy một cọng cỏ xanh, thì sẽ trúng mùa ; nếu thấy nhiều kiến, thì có nghĩa là sẽ có thêm một đàn cừu ; nếu thấy một con mọt ẩm, thì đàn gia súc sẽ đông hơn.

[15] Để an ủi ai, người ta nói : “Ông ta sẽ để lại baraka” nếu đó là một người lớn, hay “baraka chưa ra khỏi nhà” nếu đó là một đứa trẻ sơ sinh. Thi hài người chết được đặt gần cửa, đầu hướng ra phía ngoài ; nước được đun nóng trong chuồng bò và việc lau rửa thi hài được thực hiện ngay lối vào chuồng bò ; những thanh củi cháy dở và tro của việc nấu nước này được đem ra quăng rải rác bên ngoài ngôi nhà ; tấm ván dùng để lau rửa thi hài người chết được để ba ngày ngay trước cửa ra vào.

[16] Tức chưa được nấu chín (Chú thích của người dịch – T.H.Q.).

[17] Người ta treo lên cửa nhiều đồ vật khác nhau có đặc tính chung là biểu hiện hai chức năng của cái ngưỡng cửa, đó là cái hàng rào chọn lọc mang nhiệm vụ chặn lại cái trống rỗng và cái ác, nhưng vẫn để cho cái đầy ắp và cái thiện được vào nhà.

[18] Lúc mới chào đời, đứa bé gái được bọc trong một cái khăn lụa, êm và mềm, trong khi đó đứa bé trai thì được quấn tã bằng những sợi dây khô và thô nhám vốn thường được dùng để cột các bó lúa.

[19] Cũng có khi theo hướng ngược lại (người ta có thể thấy khi nhìn xuyên qua sơ đồ của ngôi nhà), tuy là khá hiếm hoi. Người ta thường nói rõ rằng tất cả những gì đến từ hướng tây thường đem lại sự bất hạnh và một cái cửa hướng về phía này chỉ có thể đón nhận sự u tối và sự vô sinh. Nếu sơ đồ ngược lại của ngôi nhà “lý tưởng” thường khá hiếm hoi, thì thực ra trước hết là do những căn nhà phụ, khi nằm thẳng góc với nhau xung quanh cái sân, thường chỉ là gian phòng trú ngụ đơn giản, không có bếp lò và chuồng gia súc, và do cái sân thường được đóng lại, về phía đối lập với mặt tiền ngôi nhà chính, bởi cái lưng của ngôi nhà hàng xóm, vốn cũng hướng về phía đông.

[20] Người ta biết là hai nhóm s’uff, những liên minh chính trị và hiếu chiến vốn thường tập hợp lại mỗi khi xảy ra một sự kiện gì (và thường có những mối quan hệ khác nhau với các đơn vị xã hội đặt nền tảng trên thân tộc, từ chỗ đứng trên cho đến mức ly khai hoàn toàn) được gọi là s’uff bên trên (ufella) và s’uff bên dưới (buadda), hoặc s’uff bên phải (ayafus) và s’uff bên trái (azelmadh), hay cũng còn được gọi là s’uff phía đông (acherqi) và s’uff phía tây (aghurbi) ; cái tên sau cùng này, thường ít được dùng, được dành riêng để chỉ các phe trong các trò chơi nghi thức và vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay trong ngôn ngữ của các trò chơi trẻ con.

[21] Trong một số vùng ở Kabylie, hai người trong hoàn cảnh ngưỡng (liminal) là cô tân hôn thê và cậu con trai mới cắt bì phải gặp nhau trên ngưỡng cửa [tức là một người bước ra và một người bước vào – ghi chú của người dịch, T.H.Q.] vào dịp lễ cắt bì.

[22] Từ đó chúng ta hiểu rằng cái ngưỡng cửa thường gắn liền một cách trực tiếp hay gián tiếp với những nghi thức vốn được thực hiện nhằm xác định một sự đảo nghịch trật tự sự vật bằng cách tiến hành đảo nghịch những sự đối lập căn bản, chẳng hạn những nghi thức nhằm cầu mưa hay cầu cho trời tốt, hoặc những nghi thức tiến hành vào những cái ngưỡng giữa các thời kỳ (chẳng hạn, vào đêm trước ngày En-nayer, là ngày đầu tiên của năm mặt trời, lúc mà người ta chôn những cái bùa xuống dưới cái ngưỡng cửa).

[23] Sự tương ứng giữa bốn góc nhà với bốn điểm mấu chốt được thể hiện rõ trong một số nghi thức cầu phúc mà người ta quan sát được trong vùng núi Aurès : vào dịp đổi mới cái bếp lò, người đàn bà chaouia làm món tẩm bột rán, chia cái bánh chín đầu tiên làm bốn mẩu rồi ném ra bốn góc nhà. Bà ta cũng thường làm như vậy với món truyền thống của ngày đầu tiên của mùa xuân (Gaudry, trang 58-59).

[24] Để có thể thấy rằng đây có lẽ là một cung cách rất chung của lô-gic bùa phép, chúng ta chỉ cần xem một thí dụ khác cũng rất tương tự với trường hợp trên : Ben Cheneb kể lại rằng người Ả-rập vùng Maghreb coi là điềm tốt nếu một con ngựa có chân trước bên phải và chân sau bên trái màu trắng ; người chủ của con ngựa này chắc chắn sẽ là người hạnh phúc, bởi vì ông ta luôn luôn leo lên theo hướng màu trắng và leo xuống cũng theo hướng màu trắng – chúng ta biết rằng các kỵ sĩ Ả-rập luôn leo lên ngựa phía tay phải và leo xuống phía tay trái (Ben Cheneb, trang 312).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt