Triết học nhân học

Sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân Hy Lạp [phần 2]

 

Sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân Hy Lạp

Một bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng 

[tiếp theo phần 1]

ISAIAL BERLIN 

 

Không có sự đối lập nào chăng? Thế còn về cô Antigone[1] đã thách thức luật pháp Nhà nước để mai táng cho anh trai cô thì sao? Cô thách thức luật pháp của Creon, nhưng không nhân danh một niềm tin cá nhân nào đó hay nhân danh các giá trị nào đó của cuộc sống riêng tư: viện dẫn luật pháp bất thành văn, chứ không phải luật pháp của ngày hôm nay hay hôm qua, viện dẫn luật pháp mà toàn nhân loại phải phục tùng, luật pháp có giá trị đối với bất kỳ xã hội nhân tính nào, nhưng không có giá trị đối với các cá nhân không có mối liên hệ xã hội.

Ngọn đuốc tự do Hy Lạp

Đây là sự viện dẫn một nền đạo đức xã hội này kháng lại một nền đạo đức xã hội khác, chứ không phải viện dẫn một nền đạo đức cá nhân kháng lại một nền đạo đức xã hội.

Thế còn các nhà ngụy biện (Sophists)? Ở đây chúng ta tiếp cận với một vấn đề quan trọng, nhưng không may là không thể giải đáp. Vì rằng chúng ta không biết nhiều về những gì các nhà ngụy biện đã nói. Có thể là họ đã không viết những cuốn sách có tầm cỡ nào; hay có thể là những cuốn sách ấy đã mất đi – vì chúng ta ít nhất cũng biết vài tên sách qua các người đối lập là Socrates và Plato nhưng các sách ấy đã không còn lại nữa.

Tuy nhiên, sự hiểu biết của chúng ta về những gì mà Protagoras, Prodicus, Hippias, Thrasymachus[2] đã tin vào, ấy là những gì mà Plato và Aristotle nói cho chúng ta biết. Chúng ta biết về những nhân vật khác cũng chẳng nhiều hơn mấy chút, như về Antiphon[3] chẳng hạn.

Nhưng phần lớn những gì ta biết [về họ] lấy từ nguồn gốc ở những kẻ thù [của họ], những bức tranh biếm họa mà người vẽ là người căm ghét họ nhiều như là Aristophanes[4] –Aristophanes cũng đưa cả Socrates vào đây nữa – và khắc họa chân dung trào lộng các bậc thiên tài. Những sự kiện chân thực về những nhân vật mà họ mô tả vĩnh viễn bị xóa sạch. Tôi dự định sau đây sẽ còn quay trở lại điểm này nữa vì nó gắn nhiều với toàn bộ luận cứ của tôi. Nhưng tạm thời lúc này tôi chỉ nói rằng những nhà ngụy biện, giống như các nhà hùng biện và các nhà viết kịch, cho thấy bằng chứng của những bất đồng sâu sắc về chuyện Nhà nước theo kiểu gì là nhà nước tốt nhất, nhưng không phải về sự đối lập với vị thế tối thượng của các định chế xã hội.

Lycophron[5] đã cho rằng sự phân chia giai cấp là giả tạo, không phải là tác phẩm của tự nhiên mà của ý chí hay định kiến của con người. Alcidamas[6] (và ở mức độ nào đó cả Euripides) đã cho rằng định chế nô lệ là giả tạo vì tự nhiên hàm ý mọi người đều giống nhau, và sự khác biệt giữa người Hy Lạp và người man khai thì cũng như vậy. Antiphon đã nói:”Chẳng một ai trong chúng ta theo định nghĩa là người man khai hay người Hy Lạp, bởi vì tất cả chúng ta đều thở ra không khí bằng miệng và bằng mũi”[7].

Là người man khai hay người Hy Lạp là sự xếp đặt của con người, chắc hẳn con người có thể xóa bỏ xếp đặt ấy theo ý muốn. Archelaos[8] đã cho rằng những phân biệt giữa đúng đắn và gian dối là kết quả xếp đặt của con người chứ không phải của tự nhiên; Phaleas cho rằng phẩm tính cũng như vậy. Critias từng cho rằng Thượng đế được tạo ra nhằm giữ mọi người trong trật tự, vì rằng mọi người được cho biết là có con mắt luôn theo dõi họ ngay cả khi không ai nhìn thấy họ, con mắt ấy ghi nhận hành vi của họ và chuẩn bị trừng phạt họ vì các tội lỗi; mọi người hẳn sẽ cư xử tồi tệ khi họ cho rằng không có ai nhòm ngó và xã hội hẳn sẽ sụp đổ.

Các nhà ngụy biện là những người theo chủ nghĩa tương đối, những người đòi cào bằng, những người thực dụng, những người vô thần, thế nhưng ít nhất cho đến cuối thế kỷ thứ năm phần đông họ không phải là những người theo chủ nghĩa cá nhân. Họ muốn biến đổi xã hội, họ không chú trọng đến cá nhân và tính cách cá nhân cũng như các nhu cầu cá nhân. Họ khác biệt về vấn đề xã hội kiểu nào thì hợp lý nhất. Họ chỉ muốn xóa bỏ các tàn tích của truyền thống. Họ phê phán các định chế vì các định chế ấy không tốt, nhưng không phê phán bản thân cuộc sống theo các định chế. Một số có vẻ sẽ thành các nhà dân chủ, một số khác thì không. Một trong những nghịch lý to lớn của lịch sử là nền dân chủ vốn là niềm vinh quang chính trị vĩ đại nhất của Athens lại có quá ít người bảo vệ, đến nỗi hầu như mỗi nhà trước tác còn lưu danh đến nay đều là kẻ thù hay người phê phán nền dân chủ ấy ở mức độ nhất định.

Lý tưởng là isonomia, sự bình đẳng trước pháp luật – “cái tên gọi đẹp nhất trong mọi cái tên”, như là Herodotus đã khiến cho Otanes thốt lên điều đó[9] - hoặc là eunomia, trật tự tốt, một khẩu hiệu bảo thủ. Sự bình đẳng được bảo vệ chống lại bạo chúa hay sự cai trị tùy tiện. Aristotle cho rằng một Nhà nước tốt là Nhà nước mà người cai trị về phần mình cũng bị cai trị,[10] trong khi đó thì Antiphon khuyển nho (cynic) lại thắc mắc không biết liệu có ai mà lại không ưa thích thà [tự mình] cai trị một cách sai trái còn hơn là được những người khác cai trị mình một cách đúng đắn.

Không có dấu vết nào ở đây của chủ nghĩa cá nhân đích thực, cái học thuyết cho rằng có những giá trị cá nhân – niềm vui, hay hiểu biết, hay tình bạn, hay đức hạnh, hay tự thể hiện mình trong nghệ thuật hay trong cuộc sống – mà so với chúng các quy định chính trị và xã hội phải được xem là thứ yếu, bởi chính vì những giá trị ấy mà các quy định nói trên tạo ra một bệ đỡ, một phương tiện dù có là không thể thay thế được đi nữa, nhưng vẫn chỉ là phương tiện. Ngược lại, có một giả định là mọi giá trị ấy chỉ có thể được thực hiện trong khuôn khổ và như một bộ phận cuộc sống của cái polis Hy Lạp. Bỏ qua các quy định xã hội, sử dụng chúng để được lợi, đó không phải là trạng thái tinh thần chuẩn mực.

Ngay cả Thrasymachus, người cho rằng công bằng là lợi ích của kẻ mạnh hơn, cũng không cho rằng cuộc sống ở bên ngoài sự kết hợp thân thiết của các ông chủ và các nô lệ là có thể hình dung được. Callicles trong tác phẩm Gorgias của Plato phát biểu biện hộ cho một kẻ vị kỷ có tài, gan dạ, nhưng vô lương tâm, chỉ vì bản thân mình, đã quét đi những định chế của thành bang như quét mạng nhện, giẫm đạp lên chúng và làm theo ý thích của mình – tức là, có thể là đúng: tự nhiên đòi hỏi chuyên chế chứ không phải chủ nghĩa cá nhân. Lactantius[11] đã đúng khi cho rằng Socrates không thắng được luận cứ chống lại Thrasymachus và đồng bọn. Ý kiến chung mà Socrates sắp xếp chống lại hắn không đủ để chống lại chủ nghĩa cá nhân đầy bạo lực thuộc loại này. Nhưng rõ ràng Plato cho rằng Socrates đã bác lại được lời khẳng định của bọn hoang tưởng vị ngã ấy, với quan điểm đã bị bóp méo của chúng đối với các sự kiện mà kết cuộc hẳn chúng sẽ phải trả giá đắt.

Về điểm này người ta có thể hỏi liệu tôi có bỏ quên một thuyết giảng vĩ đại nhất trong tất cả những lời thuyết giảng về niềm tin chính trị, điếu văn của Pericles[12] như Thucydides tường thuật lại, lời khẳng định vĩ đại nhất không có gì so sánh được thuộc thể loại này trong suốt toàn bộ lịch sử của chúng ta.

Pericles nói là chắc chắn Athens khác biệt với Sparta trong việc “chúng ta sống như những công dân tự do, cả trong đời sống công cộng của chúng ta và cả trong thái độ của chúng ta đối với nhau trong các sự việc hàng ngày; chúng ta không giận dữ với hàng xóm của chúng ta, nếu người hàng xóm ấy cư xử theo ý thích của anh ta, chúng ta không lườm nguýt khó chịu với anh ta, cái lườm nguýt dù không gây tổn hại nhưng vẫn có thể gây đau đớn”.[13] Có một nhận xét tương tự, được biểu hiện ít cao quý hơn, trong diễn văn của Nikias trước binh lính Athens đang chán nản bị thất trận ở Sicily năm 416 trước công nguyên.[14] Euripides cũng nói về tự do ngôn luận,[15] và Demosthenes[16] đã nói:”Ở Sparta các anh không được cho phép ca ngợi luật pháp của Athens, hoặc của Nhà nước này hay Nhà nước kia; hơn thế nữa, các anh phải ca ngợi những gì phù hợp với hiến pháp của họ”;[17] trong khi đó ở Athens việc tự do phê phán các hiến chế hiển nhiên là được cho phép.

Những chuyện này dẫn tới điều gì? Pericles nói rằng một số Nhà nước có tự do nhiều hơn số khác: không phải như quá nhiều lần ông đã diễn giải rằng ở Athens các cá nhân có những quyền, do tự nhiên hay Nhà nước ban cho, được nói như họ muốn hay được làm như họ muốn trong một khuôn khổ giới hạn nào đó mà Nhà nước không có quyền can thiệp vào.

Đó là quan điểm do Gomme đưa ra, nhưng có vẻ như ông ta đã sai lầm. Chắc chắn là cá nhân đã có “quyền tự do dồi dào trong cuộc sống riêng tư”,[18] chắc chắn là đã có những phản đối từ phía những người bảo thủ, như là sự không tán thành của Aristotle để cho mọi người “sống theo ý thích của mình” – giống như Euripides nói:”mỗi người tùy theo khẩu vị của mình”[19] – hay sự kinh tởm của Plato đối với thành bang có quá nhiều sự đa dạng, quá nhiều người nước ngoài, những người phụ nữ và nô lệ tỏ ra tự cao tự đại, cư xử gần như họ là các công dân.

Hiến pháp của Athens theo kiểu Xenophon[20] giả danh ném ra lời chỉ trích kịch liệt chống lại cư dân gốc nước ngoài và những người nô lệ. Isocrates[21] than phiền rằng sự kiểm soát đạo đức đối với cuộc sống riêng tư còn chưa đủ, rằng Areopagus[22] lẽ ra phải tái khẳng định quyền uy cổ đại của nó trong những chuyện này.

Tất cả những điều đó hàm ý rằng cuộc sống ở Athens quả thực được tự do hơn, rằng ở đây có nhiều sự đa dạng hơn, có thể là nhiều lộn xộn hơn là ở Sparta toàn trị hay ở những Nhà nước tổ chức chặt chẽ hơn, nhiều tính quân phiệt hơn. Nhưng những gì Pericles nói thực ra là những gì mà bất cứ thầy giáo nào tự hào về tinh thần trường học của mình, hay bất cứ vị chỉ huy nào tự hào về tinh thần quân đội của mình, đều có thể cũng nói: Chúng tôi không cần đến sự ép buộc. Điều mà các Nhà nước khác phải ép buộc các công dân của họ làm, thì những công dân của chúng tôi thực hiện điều đó là vì họ thực sự tận tụy với thành bang của họ, là vì họ trung thành một cách tự phát, là vì cuộc sống của họ gắn liền với thành bang của họ, nơi mà tất cả bọn họ đều có niềm tin và sự tự hào.

Tự do cá nhân không bị suy diễn từ đạo đức xã hội...

 

Đây là một lời kêu gọi mà từ đó còn xa mới tới được sự khẳng định quyền của cá nhân. Những cậu học sinh, dù được cai trị nhẹ nhàng đến đâu đi nữa, cũng không có quyền gì chống lại các ông thầy. Nhà trường có thể lấy làm tự hào vì sự việc là họ không cần phải đe dọa hay bắt nạt, trừng phạt hay hăm dọa, nhưng đó là tinh thần tập thể của nhà trường, tình đoàn kết của các thành viên nhà trường, ấy là cái được ca ngợi: Nhà nước Athens là đối tượng cho sự sùng bái chính mình và mọi người đứng trước bàn thờ của nó, nếu ta tin vào Pericles, đều sẵn sàng hy sinh thân mình. Thế nhưng tự do hy sinh thân mình thì vẫn là hy sinh thân mình, dâng nộp tự nguyện thì vẫn là dâng nộp; và tật xấu cùng sai sót vẫn còn được xác định dưới hình thức mỗi người đi theo hướng của riêng mình, thỏa mãn bản chất cá nhân của riêng mình.

Thucydides giống như Pericles và không giống như Cleon.[23] Demosthenes tin vào tự do chính trị, tự do thoát khỏi sự cai trị của các Nhà nước khác – thí dụ như Macedon – và Pericles cũng vậy, cũng như tất cả những người Athens vĩ đại. Một số tin vào kết cấu lỏng lẻo, một số tin vào kết cấu chặt chẽ, nhưng ở đây không có chú ý nào tới chủ nghĩa cá nhân, tới giá trị của Nhà nước trong việc đóng góp cho các thỏa mãn cá nhân của các thành viên cá nhân. Họ phải sẵn sàng dâng mạng sống của họ cho Nhà nước; Nhà nước không có nghĩa vụ mà chỉ có các đòi hỏi; họ không có đòi hỏi đối với Nhà nước mà chỉ có nghĩa vụ.

Thế nhưng trong một Nhà nước có tổ chức, hài hòa, mà Pericles cố miêu tả Athens là như vậy, các đòi hỏi không phải thúc ép; chúng được thỏa mãn một cách tự nhiên, và không có cái nhìn giận dữ với người hàng xóm vì anh ta khác biệt với mình. Sự đa dạng chống lại đồng phục, tự nhiên chống lại ép buộc, lòng trung thành chống lại bạo ngược, tình yêu thay cho sợ hãi: đó là những lý tưởng của Pericles. Dù những lý tưởng ấy có hấp dẫn đến đâu chúng vẫn không đồng nhất cả với chủ nghĩa cá nhân lẫn với ý kiến về quyền của cá nhân chống lại sự xâm phạm của Nhà nước (một giai đọan muộn hơn trong sự phát triển của nhân loại) – sự đòi quyền bất khả xâm phạm cho một khu vực mà ở bên trong khu vực đó anh ta theo nghĩa đen có thể làm theo ý thích của mình, dù cho hành vi của anh ta có điên rồ, kỳ quặc, khác thường đến đâu đi nữa.

Điều ấy là chứng cứ thử thách các tác giả chủ chốt. Có một số tiếng nói bất đồng ý kiến; họ là số ít và cũng khác nhau nhiều, tôi sẽ có dịp nhắc đến họ ở phần sau. Aristotle có thể là một người bảo thủ cổ hủ vào cuối đời mình, nhưng đây chính là quan niệm của ông về bản thể của xã hội – một toàn thể xã hội hài hòa, theo đuổi những mục tiêu được khắc sâu vào xã hội bởi bản thể của xã hội, mỗi phần tử phải là phụ thuộc, cho nên đạo đức học và chính trị mang tính xã hội và giáo dục về toàn cục, như được giải thích trong các chuyên luận của ông, nói về mối quan hệ giữa các mục đích tự nhiên của các thành phần xã hội khác nhau là gì, và làm sao để khiến cho chúng thực hiện được các chức năng của mình, các chức năng mang tính tự nhiên của chúng, một cách thật hiệu quả và thật phong phú như có thể - chính cái nhìn như thế kể từ thời của ông đã tạo ra sức quyến rũ tác động lên thế giới cổ đại, thời trung đại và khá nhiều xã hội hiện đại.

Có một sự phát triển đáng kinh ngạc nhất ở điểm này. Aristotle mất năm 322 trước công nguyên. Khoảng sáu mươi năm sau Epicurus[24] bắt đầu dạy học ở Athens, và sau ông ta là Zeno,[25] một người Phoenic đến từ Kition trên đảo Cyprus. Trong vòng vài năm trường học của họ là những trường học triết học nổi bật tại Athens. Cứ tựa như là nền triết học chính trị đột nhiên biến mất tiêu. Chẳng nói gì về thành bang, về việc giáo dục các công dân để họ thực hiện các nhiệm vụ của họ trong phạm vi thành bang, về các hiến chế xấu và tốt – hoàn toàn chẳng nói gì về những chuyện đó cả.[26] Chẳng nói gì về sự cần thiết của các tôn ty thứ bậc và những mối nguy của chúng; chẳng nói gì về giá trị của những cộng đồng nhỏ bé có tổ chức, về cuộc sống xã hội hướng ngoại vui vẻ như chỉ dấu và tiêu chí của bản thể con người; chẳng nói gì về việc huấn luyện chuyên gia thế nào cho những người đang cầm quyền, hoặc về việc tổ chức cuộc sống sao cho những tài năng không ngang bằng nhau được đãi ngộ thích đáng, với sự giải thích rằng các hiến chế khác nhau đặt các sự nhấn mạnh khác nhau vào những loại khác nhau của tài năng và tính cách.

Đạo đức cá nhân thôi không còn được suy diễn ra từ đaọ đức xã hội, đạo đức thôi không còn là một nhánh của chính trị, cái toàn thể thôi không còn ưu tiên trước các bộ phận, ý kiến về sự thỏa mãn phải nhất thiết mang tính xã hội và công cộng đã biến mất không còn dấu vết. Trong vòng hai chục năm hay ít hơn thế chúng ta thấy thay thế cho tôn ty thứ bậc là sự bình đẳng; thay thế cho việc nhấn mạnh đến đề cao các chuyên gia là học thuyết về việc bất cứ người nào cũng có thể khám phá ra chân lý cho riêng mình và sống cuộc sống tốt đẹp giống như mọi người khác, ít nhất cũng về nguyên tắc; thay thế cho việc nhấn mạnh đến tài năng trí tuệ, khả năng, sự thành thạo thì bây giờ nhấn mạnh đến ý chí, các phẩm chất đạo đức, tính cách; thay thế cho lòng trung thành kết nối những nhóm nhỏ lại với nhau, những nhóm người được uốn nắn bởi truyền thống và ký ức, sự khớp nối hữu cơ của tất cả mọi bộ phận và chức năng của chúng, thì ở đây là một thế giới không có các biên giới quốc gia hay thành bang; thay thế cho cuộc sống hướng ngoại là cuộc sống hướng nội; thay thế cho các cam kết chính trị được xem như là của tất cả các nhà tư tưởng thời đại trước đây, là những thuyết giáo khuyến cáo một sự thờ ơ hoàn toàn.

Thay thế cho việc theo đuổi cái hùng tráng, vinh quang, danh tiếng muôn đời, tính cao thượng, tinh thần vì việc chung, sự tự thể hiện trong hành động xã hội hài hòa, các lý tưởng phong nhã, bây giờ chúng ta lại có ý kiến về sự tự đầy đủ cá nhân, ca ngợi sự khắc khổ, một sự nhấn mạnh đầy khe khắt lên nghĩa vụ, và bên trên tất cả là sự nhấn mạnh thường xuyên rằng giá trị cao nhất trong mọi giá trị là sự bình an trong linh hồn, sự cứu rỗi cá nhân, không đạt được bằng sự hiểu biết theo kiểu tích góp hay bằng sự gia tăng từng bước thông tin khoa học (như Aristotle đã dạy), cũng không phải bằng cách sử dụng sự phán xét hợp lý trong các công việc thực tiễn, mà bằng sự ngộ đạo đột ngột – một lóe sáng nội tâm. Con người phân chia thành người ngộ đạo và người không ngộ đạo. Không có loại người trung gian – con người hoặc là được cứu rỗi hoặc là không được cứu rỗi, dẫu họ khôn ngoan hay ngu đần cũng vậy.

Một người hoặc là biết cách cứu rỗi linh hồn hoặc là không biết. Người ta có thể bị chết đuối dễ dàng trong nước cạn hay trong nước sâu, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ (Stoics) nói thế. Người ta hoặc là ở trong Canopus[27] hoặc là ở ngoài nó: ở ngoài xa một tấc hay xa nhiều dặm thì cũng đều là không ở trong Canopus – hoặc tất cả hoặc không gì hết. Chuyện này cũng tương tự như chủ nghĩa thanh giáo ngộ đạo đột ngột thời đại nữ hoàng Elizabeth.

Đối với vị thầy cao tuổi hơn trong hai vị thầy, Epicurus, thì Nhà nước hầu như không tồn tại. Vấn đề là làm sao để tránh bị tổn thương, làm sao thoát khỏi khổ đau. Hiện thực – tự nhiên – được chi phối bởi các định luật sắt đá mà con người không thể thay đổi được. Anh không thể phá hủy hay né tránh được tự nhiên, nhưng anh có thể tránh va chạm với tự nhiên một cách không cần thiết.

Điều gì làm cho con người bất hạnh? Sợ hãi các thần linh, thành kiến, sợ chết, sợ đau đớn – từ đó mà có mọi nghi lễ chi tiết, cố làm nguôi giận, cảm hóa các sức mạnh địa ngục, tức là cái được gọi là tôn giáo. Thế nhưng nếu như các thần linh, ngay cả khi họ tồn tại đi nữa, chẳng quan tâm gì đến con người, mà sống sung sướng trong thế giới riêng xa xăm của họ, chẳng thiết gì đến các công việc trên trái đất thì sao? Nếu mất đi nỗi sợ hãi các thần linh thì gánh nặng sẽ nhẹ đi nhiều.

Còn đối với nỗi đau thì một ứng xử khôn khéo thành thạo cũng làm mất nó đi được, cả cho tôi và cả cho các hàng xóm của tôi. Nếu sự đau đớn mạnh quá không chịu nổi thì nó cũng chẳng kéo dài và cái chết sẽ giải thoát cho tôi; nếu nó kéo dài thì nó không thể quá mạnh, và bằng cách sống thận trọng, theo sự hướng dẫn của tự nhiên, người ta có thể tránh được đau đớn và bệnh tật. Cuộc sống còn lại cái gì? Hạnh phúc, bình an, sự hài hòa nội tâm.

Làm thế nào để có được những cái đó? Không phải bằng cách tìm kiếm giàu sang, quyền lực, danh tiếng, vì điều này sẽ phơi bày con người anh cho cuộc tranh đua với tất cả những nhọc nhằn vất vả nơi đấu trường. Cuộc sống công cộng đem lại nhiều đau đớn hơn niềm vui sướng; phần thưởng của nó không đáng có, vì chúng chỉ nhân lên những mối lo lắng cho anh. Hãy tránh xa các tình huống khiến anh có khả năng bị đau đớn. Mọi người đều dễ bị tổn thương. Anh cần làm co lại cái bề mặt dễ bị tổn thương khiến anh có thể bị thương tích bởi những người khác hay bởi những sự vật và các sự kiện.

Điều này phải được thực hiện bằng cách né tránh mọi hình thức cam kết. Epicurus thuyết giảng say sưa tựa như một người muốn dập đi hết những xúc cảm mãnh liệt vốn là nguồn gốc của đau khổ và rắc rối, chống lại cái mà nay ta gọi là thái độ say mê chính trị. Lathe biosas:[28] hãy cố gắng sống sao cho không ai nhận thấy mình. Tìm cách tránh để người ta nhận thấy mình và anh sẽ không bị tổn thương. Những phần thưởng mà cuộc sống công cộng tạo cơ hội chỉ là ảo tưởng đầy đau đớn.

Hãy giống như một diễn viên.[29] Hãy đóng vai được dành cho anh, nhưng đừng đồng nhất hóa mình với vai diễn. Trên hết là không nhiệt tình, đừng quá hăng say.[30] Hãy đóng thuế, tham gia bầu cử, tuân thủ trật tự, nhưng hãy rút lui vào nội tâm của mình. “Con người về bản chất không thích nghi với việc sống trong cộng đồng thành bang.”[31] “Hãy đối đầu với mỗi khát khao bằng câu hỏi: Tôi được gì nếu chiều theo nó, và tôi sẽ mất gì nếu dập nó đi?”[32]

Con người có nên công chính không? Có nên, vì nếu anh gian lận – phá luật lệ - anh có thể bị phát hiện, và những người khác có thể, do họ không điềm tĩnh khôn ngoan như anh, sẽ trừng phạt anh hay ít nhất cũng căm ghét anh; và nếu anh bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi bị phát giác, điều này sẽ phá hủy niềm vui của anh. Không có giá trị nào trong sự công chính như bản thân nó; công chính chỉ là phương tiện để tránh phải cọ xát quá nhiều với những người khác, để thoát khỏi. Lí do là vì nó ích lợi: mọi xã hội đều đặt trên một khế ước xã hội, nhờ đó mà tạo ra các sắp xếp khiến cho người ta có thể không cản đường nhau quá nhiều.

Còn tri thức thì sao? Cái đó có đáng mong muốn không? Chắc chắn rồi, vì chỉ bằng cách đó anh mới biết nên làm gì và nên tránh điều gì, nếu anh muốn đạt được bình an và thỏa mãn. “Lời nói của triết gia là hão huyền, chẳng chữa lành được con người đang đau khổ.”[33] Đây cũng có thể là phương châm cho Quỹ Rockefeller ngày nay. Tri thức không có mục đích tự thân; chẳng có gì là một mục đích tự thân ngoại trừ hạnh phúc cá nhân, và điều này có thể đạt được bằng những điều thiện đáng tin cậy – tình yêu bạn bè là nguồn gốc xác thực của niềm vui, những sung sướng của cuộc sống riêng tư.

Có nên tìm kiếm sự giàu có hay không? Không nên tìm kiếm bản thân sự giàu có vì nó dẫn đến những nỗi sợ hãi, những xung đột, nhưng nếu nó tự đến với anh thì chối bỏ nó sẽ là không hợp lý. Con người khôn ngoan phải biết kiếm đủ ăn đủ mặc, nhưng nếu sự sang trọng tự nó đến thì tại sao lại không chấp nhận cả nó nữa? Cuộc sống công cộng là cạm bẫy và ảo tưởng, và anh chỉ nên tham gia vào đó nếu cần thiết – để tránh khỏi đau đớn – hoặc nếu như tình cờ anh có khí chất hiếu động, hay nếu anh thích thú nó: tức là nếu như nó là một loại thuốc phiện dành cho anh mà các thứ khác không đem lại được cho anh.

Anh không thể có được tất cả mọi thứ anh muốn: muốn mà không đạt được là thành nô lệ cho ham muốn, là bị quăng ném bởi các thế lực mạnh mẽ hơn bản thân anh. Vì anh không thể đạt được cái anh muốn, thì cần phải cố gắng chỉ mong muốn cái gì anh có thể đạt được – anh không thể biến cải vũ trụ, nhưng anh có thể biến cải các trạng thái tâm lý của bản thân anh, trong những giới hạn nhất định. Hãy cố gắng đừng mong muốn điều gì đó có thể dễ dàng bị mất đi. “Chỉ có một con đường đến tự do: coi khinh những gì ở ngoài quyền năng của chúng ta.”[34] Cái gì anh không thể đạt được thì không đáng phải nỗ lực.

Có hai cách để được hạnh phúc – thỏa mãn các ham muốn và diệt trừ chúng. Cách thứ nhất đạt được chỉ ở tầm cỡ nhỏ bé, bởi vì chúng ta không biết hết mọi việc mà cũng chẳng phải cái gì cũng làm được, các sự việc là các sự việc như chúng vốn là thế và chẳng thể thay đổi gì nhiều; cách thứ hai là cách duy nhất để có bình an và độc lập. Độc lập là tất cả: hai từ ngữ vĩ đại của Epicurus là autarkeia ataraxia – tự đầy đủ và bình thản.

Thế còn đời sống xã hội? Còn sự vinh quang của thành bang? Còn những mối hiểm nguy to lớn mà những con người can đảm phải đối mặt? Còn Alexander đội mũ sắt có lông ngù đuổi theo bọn nô lệ của Nhà vua Ba tư? Đó không phải là những con đường dẫn đến hạnh phúc bền lâu. Chúng chỉ kích thích các ham muốn khiến cho anh cứ phải lao vào tìm kiếm nhiều nữa và thêm nhiều hơn nữa, và chúng biến anh thành nô lệ ngày càng tuyệt vọng nhiều hơn trước những tham vọng bao la không thể thực hiện nổi, rồi chúng phơi bày anh ra cho những hy vọng và nỗi sợ hãi chẳng để anh được nghỉ ngơi.

Thành tựu lớn nhất của con người là tự dạy dỗ mình để không còn lo lắng phiền muộn. Ấy là bài học phải rút ra từ cuộc đời của Socrates, chứ không phải là những sắp đặt xã hội hay giá trị của toán học như con đường đi đến chân lý siêu hình. Anh không phải cứ được sống mãi và anh cũng có thể tự sắp xếp cho mình một cách tiện ích như có thể ở một xó riêng của anh trong thế giới. Nếu anh không cản trở những người khác, hoặc ghen tỵ hay căm ghét họ, hoặc tìm cách thay đổi cuộc sống của họ trái với ý muốn của họ, hoặc cố theo đuổi quyền lực, thì anh sẽ xoay sở được.

Sự kết hợp niềm tin với chủ nghĩa duy lý như thế giải phóng con người khỏi tính cuồng tín và nỗi lo âu, niềm tin như thế vào chủ nghĩa công lợi và các mối liên hệ cá nhân như là điều thiện tối thượng trong cuộc sống là thứ học thuyết quen thuộc mỗi khi những căng thẳng của cuộc sống trở nên quá lớn đối với những cá nhân lỗi lạc và nhạy cảm.

Đó là hình thức rút lui vào chiều sâu, rút lui vào thành trì nội tâm của tâm hồn cá nhân bất khả xâm phạm, được che chở bởi sự dũng cảm chịu đựng và bởi lý trí, sao cho không gì có thể làm xáo trộn nó, hoặc làm tổn thương nó, hoặc làm nó bị mất cân bằng. Godwin[35] đã tin vào một thứ gì đó thuộc loại này và đã truyền nó cho Shelley[36] mà trong chủ nghĩa Plato của ông này nó có đóng một vai trò nhất định.

Trong thời buổi hiện nay khá nhiều trí thức người Anh và có lẽ một số người Pháp và người Mỹ trước và sau năm 1914 – người theo chủ nghĩa duy lý, chống thói thư lại, người theo đuổi hòa bình,  coi khinh sự theo đuổi danh vọng hay tiền tài – những người trên hết tin vào các mối liện hệ cá nhân và sự hưởng thụ mỹ học, tình bạn, sản xuất ra và thụ hưởng cái đẹp, theo đuổi chân lý không tô vẽ như cái duy nhất đáng giá với con người như Virginia Woolf,[37] Roger Fry,[38] triết gia G.E. Moore,[39] trong những năm đầu đời của mình Maynard Keynes[40] đã tin vào thứ gì đó thuộc loại này.

Khi E.M. Forster[41] trước cuộc chiến tranh vừa qua tuyên bố ngắn gọn: “nếu tôi buộc phải lựa chọn giữa phản bội đất nước tôi và phản bội bạn tôi, tôi hy vọng tôi sẽ có đủ gan dạ quyết tâm để phản bội đất nước tôi”,[42] đó là một biểu hiện tín điều mang tính chiến đấu của Epicurus – một niềm tin hoàn toàn ngược lại với các niềm tin Hy Lạp trước đó. “Một sự nghiên cứu các quy luật của tự nhiên tạo ra con người có tinh thần độc lập đầy ngạo nghễ [sobroi autarkeis] tự hào vì những đức thiện phù hợp với con người [idioi agathoi], chứ không phù hợp với các tình huống.”[43] Cuộc sống công cộng là một bộ phận của các tình huống, chứ không phải cuộc sống của cá nhân. Nhà nước là một phương tiện chứ không phải mục đích. Tất cả là ở sự cứu rỗi cá nhân. Học thuyết là thứ để giải phóng thông qua sự tự đầy đủ. Đây quả thật là một sự hoán chuyển giá trị.

(xem tiếp phần 3)

NGUYỄN VĂN TRỌNG dịch

Nguồn: phunutoday.vn



[1] Nhân vật trong vở kịch của Sophocles (496-406 tCN). Sophocles cùng với Aeschylus (sinh khoảng 525,524 mất khoảng 456,455 tCN) và Euripides (484-406 tCN) là ba kịch tác gia vĩ đại nhất của Athens cổ đại. Bi kịch Antigone của Sophocles được dịch trong Bi kịch Hy Lạp, Hoàng Hữu Đản dịch, NXB Giáo dục 2007. (ND)

[2] Các triết gia ngụy biện nổi tiếng nhất.(ND)

[3] Antiphon (nổi tiếng thời kỳ 480-411 tCN) chính khách và nhà hùng biện Athens. (ND)

[4] Aristophanes (450-388) đại diện vĩ đại nhất của hài kịch cổ Hy Lạp. (ND)

[5] Lycophron (thế kỷ III tCN) nhà thơ Hy Lạp. (ND)

[6] Một triết gia ngụy biện. (ND)

[7] Diels-Kranz, 6th ed., 87 B 44, B 2. 24-34 (ii 353) (TG)

[8] Archelaos (thế kỷ V trước CN) – triết gia Hy Lạp, được coi là tiền khu của Socrates do mối quan tâm đến các vấn đề luân lý. (ND)

[9] 3. 80. 6 (TG)

[10] Politics 1317b2 (TG)

[11] Lactantius (240-320) nhà biện giải Kitô giáo. (ND)

[12] Pericles (495-429 tCN) chính khách cổ Hy Lạp có công lớn trong việc xây dựng nền dân chủ Athens. (ND)

[13] 2. 37. (TG)

[14] 7. 67 (Nikias “nhắc nhở họ về tổ quốc của họ với tất cả nền tự do vĩ đại và nền tự do không bị ra lệnh trong phong cách sống của mọi người”) (TG)

[15] Hippolytus 421-2; Ion 672-5; Phoenissae 390-3; Temenidae fr.737 Nauck. (TG)

[16] Demosthenes (384-322 tCN) chính khách và nhà hùng biện nổi tiếng của Athens. (ND)

[17] Against Leptines, 20. 106. (TG)

[18] Herbert J. Muller, Freedom in the Ancient World (London, 1962), p.168. (TG)

[19] Aristotle, Politics 1310a33; Euripides, fr. 883 Nauck. (TG)

[20] Xenophon (khoảng từ năm 430 đến 355 tCN), triết gia cổ Hy Lạp (ND)

[21] Isocrates (436-338 tCN) nhà hùng biện Athens cổ đại. (ND)

[22] Tòa án Athens trên ngọn đồi Ares thời cổ Hy Lạp. (ND)

[23] Cleon (chết 422 tCN) đại diện đầu tiên của giới thương nhân trong nền chính trị Athens. Năm 429 trở thành thủ lĩnh của nền dân chủ Athens sau cái chết của Pericles. (ND)

[24] Epicurus (341-270 tCN) triết gia cổ Hy Lạp, tác giả triết thuyết về niềm vui, tình bạn và sự thoái lui về cuộc sống nội tâm. (ND)

[25] Zeno (khoảng 335-263 tCN) triết gia cổ Hy Lạp, người sáng lập ra thuyết khắc kỷ.(ND)

[26] Có thể là Berlin muốn đánh giá điều đó trong mức độ nhất định tính đến tác phẩm Republic của Zeno, nhằm đáp lại (chỉ còn lại một số đoạn) tác phẩm có cùng tên của Plato. Xin đọc Malcolm Schofield, The Stoic Idea of the City (Cambridge etc., 1991) (chú thích của ban biên tập)

[27] Chum sành mai táng các Pharaon Ai cập (ND)

[28] Fr. 551 Usener: nghĩa đen là “Đừng để người ta nhận thấy mình đang sống” (TG)

[29] Bion fr. 16A Kindstrand (TG)

[30] pas trop de zèle (tiếng Pháp trong nguyên bản) (ND)

[31] Xem Epicurus fr. 551 Usener (p.327, dòng 9-10). (TG)

[32] Epicurus fr. 6. 71 Arrighetti. (TG)

[33] Ibid. fr. 247. (TG)

[34] Encheiridion 19. 2. (TG)

[35] William Godwin (1756-1836) triết gia xã hội Anh.(ND)

[36] Percy Bysshe Shelley (1792-1822) nhà thơ trữ tình Anh, vợ sau của Shelley là con gái của Godwin. (ND)

[37] Virginia Woolf (1882-1941) nữ văn sĩ và nhà phê bình văn học Anh. (ND)

[38] Roger Fry (1866-1934) nhà phê bình nghệ thuật Anh dẫn đầu phong trào hậu ấn tượng. (ND)

[39] G.E. Moore triết gia Anh thế kỷ XX, đặt cơ sở cho triết học phân tích. (ND)

[40] Maynard Keynes (1883-1946) kinh tế gia Anh. (ND)

[41] E.M. Forster (1879-1970) nhà văn và nhà phê bình Anh. (ND)

[42] Two Cheers for Democracy (London, 1951), “What I Believe”, p. 78. (TG)

[43] Epicurus fr. 6. 45 Arrighetti. (TG)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt