Triết học nhân học

Thoát khỏi cái đã biết

 

THOÁT KHỎI CÁI ĐÃ BIẾT

 

JIDDU KRISHNAMURTI (1895-1986)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Jiddu Krishnamurti. 1969. Freedom from the known. Chapter 1. Phiên bản điện tử: http://www.jkrishnamurti.org/krishnamurti-teachings/view-text.php?tid=48&chid=56784 .


 

Con người qua các thời đại đã và đang tìm kiếm cái gì đó ở bên trên họ, bên trên đời sống sung túc về vật chất của họ – cái gì đó mà ta gọi là chân lý hay Thượng đế hay thực tại, tức một trạng thái phi thời gian – cái gì đó không thể bị xáo trộn bởi hoàn cảnh, bởi tư tưởng hay bởi tình trạng hủ bại của con người.

Con người luôn đặt ra câu hỏi: vấn đề là gì vậy? Cuộc sống có ý nghĩa gì không? Họ nhận thấy mình biết rất mơ hồ về đời sống, về những cảnh tượng nhẫn tâm, những cuộc nổi loạn, chiến tranh, những sự phân ly không có hồi kết của tôn giáo, ý thức hệ và tinh thần dân tộc, và cùng với việc cảm nhận về sự thất vọng sâu kín bên trong, họ hỏi: mình phải làm gì, cái mà ta gọi là sống ấy là gì, có gì nằm ở bên trên nó không?

Và khi không phát hiện ra cái không tên của hàng nghìn cái có tên mà mình đang tìm này, thì con người được vun đắp cho lòng tin – lòng tin vào một đấng cứu thế hay vào một lý tưởng – và lúc nào cũng vậy, lòng tin sản sinh ra bạo lực.

Trong cuộc chiến triền miên mà ta gọi là sống này, chúng ta cố gắng thiết định bộ quy tắc ứng xử căn cứ theo xã hội trong đó ta lớn lên, cho dù đó là xã hội cộng sản hay xã hội được gọi là tự do; chúng ta chấp nhận tiêu chuẩn của hành vi ứng xử như là một phần của truyền thống của chúng ta như Hindu giáo hay Hồi giáo hay Ki-tô giáo hay bất cứ truyền thống nào khác. Chúng ta trông đợi ai đó nói với chúng ta hành vi nào là đúng hay hành vi nào là sai, tư tưởng nào là đúng hay tư tưởng nào là sai, và khi đi theo khuôn mẫu này, hành vi ứng xử và tư duy của chúng ta trở nên máy móc, các phản ứng của chúng ta trở nên tự động. Chúng ta có thể nhận thấy điều này rất rõ ở bên trong mình.

Qua nhiều thế kỷ, chúng ta bị nhồi nhét bởi những ông thầy của chúng ta, những kẻ có quyền uy của chúng ta, những cuốn sách của chúng ta, những vị thánh của chúng ta. Chúng ta nói: “Hãy cho tôi biết mọi điều về nó đi – cái gì nằm bên trên những ngọn đồi, những ngọn núi và quả đất?” và chúng ta thỏa mãn với những mô tả của họ, điều đó có nghĩa là chúng ta sống dựa vào từ ngữ và cuộc sống của chúng ta hời hợt và trống rỗng. Chúng ta là những con người bị người khác nhào nặn. Chúng ta sống theo những gì được kẻ khác nói, bị dẫn dắt bởi những khuynh hướng, những xu hướng của chúng ta hoặc bị hoàn cảnh và môi trường cuộc sống ép phải chấp nhận. Chúng ta là kết quả của tất cả mọi loại ảnh hưởng và chẳng có gì mới mẽ ở trong ta, chẳng có gì để chúng ta khám phá ra cho mình cả; chẳng có gì độc đáo, chẳng có gì tinh khôi, chẳng có gì rõ ràng.

Suốt cả lịch sử thần học, các lãnh tụ tôn giáo khẳng quyết với chúng ta rằng nếu chúng ta thực hành những nghi lễ nào đó, lặp lại những lời cầu nguyên hay kinh kệ, phục tùng những khuôn mẫu nào đó, kiềm chế những dục vọng của mình, kiểm soát những tư tưởng của mình, chế ngự những đam mê của mình, hạn chế những cơn thèm khát của mình và tránh lối sống hoang dâm, thì sau khi hành hạ tinh thần và thân xác đủ mức, chúng ta sẽ tìm thấy cái gì đó ở bên trên cuộc sống bé mọn này. Và đó là điều mà hàng triệu người được gọi là có tôn giáo đã làm qua nhiều thời đại, hoặc là trong sự cô độc, tức đi vào nơi sa mạc hay lên núi thẳm non cao, ẩn dật trong động hang hay lang thang qua các làng mạc với chiếc bát khất thực trên tay, hoặc trong một nhóm, gia nhập vào tăng viện, ép tinh thần mình phục tùng một khuôn mẫu có sẵn. Nhưng một tinh thần bị méo mó, một tinh thần bị đổ vỡ, một tinh thần muốn trốn tránh khỏi mọi nỗi đắng cay, phủ nhận thế giới bên ngoài và trở nên ngờ nghệch do kỷ luật và sự phục tùng – một tinh thần như thế, dù có tìm kiếm lâu dài đến đâu, cũng sẽ chỉ thấy cái hình ảnh méo mó của nó mà thôi.

 

Cho nên để biết thực sự có hay không có cái gì đó ở bên ngoài cuộc sống đầy âu lo, tội lỗi, sợ hãi và ganh đua, theo tôi ta phải có một lối tiếp cận hoàn toàn khác. Lối tiếp cận truyền thống là từ ngoại vi vào nội tâm, qua thời gian, thực hành và từ bỏ, dần dần đi đến chỗ bất chợt nhận ra đóa hoa trong nội tâm ta, tức cái vẻ đẹp và tình yêu tương trong tâm hồn ta – nhưng trên thực tế là làm tất cả những gì để mình trở nên hẹp hòi, nhỏ nhen và tồi; cởi bỏ từng chút; mất nhiều thời gian; ngày mai sẽ làm, kiếp sau sẽ làm – và rốt cuộc khi đi đến chỗ cốt tủy trong tâm mình, ta mới té ngửa ra chẳng có gì ở đấy cả, vì tinh thần của ta đã trở nên bất lực, ngờ nghệch và vô cảm.

Sau khi quan sát quá trình này, người ta đi đến chỗ tự hỏi chẳng lẽ không có lối tiếp cận nào khác sao – nghĩa là ta không thể nào có sự bùng nổ từ trung tâm sao?

Toàn bộ thế giới chấp nhận và đi theo lối tiếp cận truyền thống. Nguyên nhân cơ vản của sự hỗn loạn trong ta là việc tìm kiếm thực tại được người khác hứa hẹn; chúng ta máy móc làm theo ai đó sẽ đảm bảo cho mình một đời sống tâm linh yên ổn. Trong khi hầu hết chúng ta đều chống lại sự độc tài và chuyên chế về chính trị thì lạ ở chỗ là trong nội tâm chúng ta lại chấp nhận quyền uy, sự độc tài của những ai làm méo mó tinh thần của chúng ta và làm sai lạc lối sống của chúng ta. Cho nên, nếu chúng ta hoàn toàn từ bỏ, không phải trong tư tưởng mà là trên thực tế, tất cả những cái được gọi là quyền uy tâm linh, tất cả những nghi thức, nghi lễ và giáo điều, điều đó có nghĩa là chúng ta đang cô độc một mình và đã nằm trong mối xung đột với xã hội rồi; chúng ta không còn là những con người đáng tôn kính nữa. Người đáng tôn kính thì không có cách nào tiến gần đến cái thực tại vô hạn không thể đo lường ấy được.

Giờ giả thử bạn bắt đầu bằng cách phủ nhận điều gì đó hoàn toàn sai lầm – tức lối tiếp cận truyền thống  - nhưng nếu bạn phủ nhận nó như là một phản ứng thì bạn sẽ tạo ra cho mình một khuôn mẫu khác và nó sẽ bẫy bạn; nếu bạn tự hỏi, một cách thông minh, rằng sự từ bỏ này là một ý niệm rất hay nhưng chẳng làm gì với nó cả thì bạn chẳng đi xa thêm một bước nào. Tuy nhiên, nếu bạn phủ nhận lối tiếp cận này vì bạn hiểu được sự xuẩn ngốc và thiếu chín chắn của nó, nếu bạn từ bỏ nó một cách hết sức khôn ngoan, vì bạn là người tự do và không sợ hãi, bạn sẽ gây ra một sự xáo trộn lớn ở trong bạn và xung quanh bạn nhưng bạn sẽ bước ra khỏi cái bẫy của sự tôn kính. Thế thì, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn không còn tìm kiếm nữa. Không tìm kiếm, đó là điều đầu tiên cần phải học. Khi bạn tìm kiếm, bạn chỉ là người đứng nhìn món hàng trong tủ kính mà thôi.

 

Vấn đề có hay không có Thượng đế hay chân lý hay thực tại (bạn thích gọi thế nào tùy bạn) không thể nào có được câu trả lời từ trong sách vở, từ các vị tu sĩ, các triết gia hay các đấng cứu thế. Không một ai và không một cái gì có thể trả lời câu hỏi này ngoài bản thân bạn và đó là lý do tại sao bạn phải biết chính mình. Tình trạng chưa trưởng thành chỉ nằm trong sự vô tri toàn diện về chính mình. Hiểu chính mình là khởi đầu của sự hiền minh.

Và chính bạn là gì? Cá nhân bạn là gì? Tôi nghĩ có sự khác nhau giữa con người và cá nhân. Cá nhân là một thực thể địa phương, sống trong một đất nước cụ thể, thuộc về một nền văn hóa cụ thể, một xã hội cụ thể, một tôn giáo cụ thể. Con người không phải là một thực thể địa phương. Con người ở đâu cũng có. Nếu cá nhân chỉ hoạt động trong một góc nào đó trong lĩnh vực rộng lớn của đời sống, thì hoạt động của anh ta hoàn toàn không có mối liên hệ nào với cái toàn thể. Cho nên ta phải ghi nhớ rằng chúng ta đang nói về cái toàn thể chứ không phải cái bộ phận, vì trong cái phần lớn nhất có cái phần nhỏ nhất, nhưng trong cái phần nhỏ nhất không có cái phần lớn nhất. Cá nhân là cái thực thể bé nhỏ, bị quy định, khốn khổ và thất vọng, không thỏa mãn với các vị thần nhỏ bé của mình và các truyền thống nhỏ bé của mình, trong khi đó con người lại quan tâm đến việc sống hạnh phúc toàn bộ, đến sự khốn khổ toàn bộ, và sự nhiễu nhương toàn bộ của thế giới.

 

Chúng ta, những con người, là những gì chúng ta đã là trong suốt hàng triệu năm – quá đỗi tham lam, đố kị, gây hấn, ghen ghét, lo lắng và tuyệt vọng, với những phút lóe sáng tình cờ của niềm vui và sự thương mến. Chúng ta là một tập hợp hỗn tạp lạ lùng sự thù ghét, sợ hãi và hiền lành; chúng ta vừa thích bạo lực lại vừa yêu hòa bình. Đã có sự tiến bộ ở bên ngoài từ chiếc xe bò đến máy bay phản lực, nhưng trong tâm lý, cá nhân vẫn không có sự thay đổi nào cả, và cấu trúc của xã hội trên khắp thế giới được tạo dựng bởi các cá nhân. Cấu trúc xã hội bên ngoài là kết quả của cấu trúc tâm lý bên trong của các mối quan hệ con người của chúng ta, vì cá nhân là kết quả của kinh nghiệm tổng thể, của sự nhận thức và hành vi ứng xử của con người. Mỗi một người trong chúng ta là kho chứa của toàn bộ quá khứ. Các nhân là con người, mà con người ấy là toàn thể nhân loại. Toàn bộ lịch sử của con người được viết ở trong bản thân chúng ta.

Hãy quan sát những gì đang thực sự diễn ra ở bên trong bạn và ở bên ngoài bạn trong một nền văn hóa cạnh tranh mà bạn sống cùng với sự ham muốn quyền lực, địa vị, uy tín, tên tuổi, thành công và những thứ khác – hãy quan sát những thành tựu mà bạn rất đỗi tự hào, toàn bộ lĩnh vực mà bạn gọi là sống; hãy quan sát những mối xung đột trong mọi lĩnh vực: các quan hệ, sự thù ghét, sự chống đối, sự tàn nhẫn và những cuộc chiến tranh không ngớt. Lĩnh vực này, tức đời sống này, là tất cả những gì chúng ta biết, và không thể nào hiểu được cuộc chiến sinh tồn khủng khiếp mà theo bản tính tự nhiên của mình chúng ta e sợ nó và tìm đủ mọi cách khôn khéo để tránh nó. Và chúng ta cũng sợ cái chưa biết – sợ cái chết, sợ những ngày chưa tới. Vì vậy, chúng ta sợ cái đã biết lẫn cái chưa biết. Đó là cuộc sống hàng ngày của chúng ta và trong đó không có một hy vọng nào, và do đó mọi hình thức của triết học, mọi hình thức của quan niệm thần học, chỉ là sự trốn tránh thực tại thực sự của cái đang là mà thôi.

Tất cả các hình thức thay đổi bên ngoài được tạo ra bởi các cuộc chiến tranh, cách mạng, cải cách, luật pháp và các ý thức hệ đã hoàn toàn thất bại trong việc làm thay đổi bản tính cơ bản của con người và do đó của xã hội. Với tư cách là con người đang sống trong thế giới tệ hại đến mức quái gở này, ta hãy hỏi chính ta, xã hội dựa trên sự cạnh tranh, tàn nhẫn và sợ hãi này có thể chấm dứt được không? Chúng ta đặt ra câu hỏi này không phải như là một quan niệm của trí tuệ, không phải như là một hy vọng, mà như là một sự kiện hiện thực, sao cho tinh thần được làm mới trở lại, tinh khôi và có thể tạo dựng nên một thế giới hoàn toàn khác. Điều đó chỉ có thể xảy ra, tôi nghĩ, nếu mỗi người trong chúng ta thừa nhận sự kiện trung tâm là chúng ta, với tư cách là những cá nhân, với tư cách là những con người, ở bất cứ một xứ sở nào, thuộc bất cứ nền văn hóa nào, chịu trách nhiệm hoàn toàn cho toàn bộ tình trạng hiện nay của thế giới.

Mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mỗi cuộc chiến tranh vì cái tính hung hăng của cuộc sống của chính chúng ta, vì chủ nghĩa dân tộc của chúng ta, thói vị kỷ của chúng ta, các vị thần của chúng ta, các thành kiến của chúng ta, các lý tưởng của chúng ta, tất cả chúng đều đang chia rẽ chúng ta. Chỉ khi nào ta nhận ra, không phải trên ý niệm mà là trên thực tế, thực tế không kém gì việc ta nhận ra rằng mình đang đói hay đang đau, rằng bạn và tôi đều chịu trách nhiệm cho mọi sự hỗn loạn hiện có này, cho mọi sự khốn khổ trên toàn thế giới vì chúng ta đã góp phần làm điều đó trong cuộc sống hàng ngày của mình và là một phần của cái xã hội kỳ quái này, kèm theo đó là những cuộc chiến tranh, những sự chia rẽ, sự xấu xa, tính hung bạo, và thói tham lam của nó – thì bấy giờ ta mới hành động.

Nhưng con người có thể làm gì, tức bạn và tôi có thể làm được gì, để tạo dựng nên một xã hội hoàn toàn khác? Chúng ta đang tự đặt ra một câu hỏi hết sức nghiêm túc. Có việc gì để làm không? Chúng ta có thể làm gì? Ai sẽ dạy cho chúng ta? Người ta đã dạy cho chúng ta. Những người được gọi là lãnh đạo tinh thần, những người được cho là hiểu những điều này sâu sắc hơn ta, đã dạy cho chúng ta bằng cách cố xuyên tạc và khuôn chúng ta vào một khuôn mẫu mới, và việc đó không dẫn chúng ta đi thật xa được; các nhà bác học đã dạy chúng ta bằng những từ ngữ uyên bác và điều đó không dẫn chúng ta tiến xa thêm. Chúng ta đã được dạy rằng mọi con đường đều dẫn tới chân lý – bạn có con đường của bạn với tư cách là người Hindu giáo và người khác có con đường của họ với tư cách là tín hữu Ki-tô và người khác nữa với tư cách là người Hồi giáo, và tất cả họ đều gặp nhau ở cùng một cánh cửa – nếu suy nghĩ một chút bạn sẽ thấy điều đó rõ ràng là phi lý. Chân lý không có con đường, và vẻ đẹp của chân lý là: nó đang sống. Sự vật chết mới có con đường vì nó tĩnh, nhưng khi bạn thấy rằng chân lý là cái gì đó sống, động, không chỗ yên nghỉ, không đền đài, thánh thất hay nhà thờ, không tôn giáo, không tôn sư, không triết gia, không ai có thể dẫn đường cho bạn – khi đó bạn cũng sẽ thấy rằng sự vật sống này là những gì bạn thực sự là – cơn giận dữ của bạn, sự tàn nhẫn của bạn, tính hung bạo của bạn, sự tuyệt vọng của bạn, sự đau đớn và đau khổ của bạn. Chân lý là việc hiểu ra được tất cả điều này, và bạn chỉ có thể hiểu nó nếu bạn biết cách xem xét những điều này trong cuộc sống của bạn. Và bạn không thể thấy được nó qua lăng kính ý thức hệ, qua màn chắn ngôn ngữ, qua những hy vọng và sợ hãi.

Vì thế, bạn thấy rằng bạn không thể phụ thuộc vào bất kỳ ai. Không có sự hướng dẫn nào, không có người thầy nào, cũng không có quyền uy nào. Chỉ có mỗi mình bạn – mối quan hệ của bạn với người khác và với thế giới – không có gì khác nữa cả. Khi bạn nhận ra điều này, hoặc nó đem lại cho bạn nỗi tuyệt vọng sâu sắc khiến bạn trở nên hoài nghi yếm thế và cay nghiệt, hoặc đối mặt với thực tế rằng bạn chứ không phải ai khác phải chịu trách nhiệm cho thế giới và cho chính bạn, cho những gì bạn nghĩ, những gì bạn cảm thấy, cách bạn hành động, thì bạn sẽ thôi không còn than thân trách phận nữa. Thường thì chúng ta hay đổ lỗi cho người khác, đấy là một dạng than thân trách phận.

Thế thì chúng ta, tức bạn và tôi, có thể tạo ra bên trong ta mà không cần tới bất cứ sự ảnh hưởng nào từ bên ngoài, không cần tới bất cứ sự thuyết phục nào, không cần tới bất cứ nỗi sợ bị trừng phạt nào – chúng ta có thể dấy lên trong chính bản chất của sự tồn tại của chúng ta một cuộc cách mạng toàn diện, một sự thay đổi về tâm lý, sao cho chúng ta không còn tàn nhẫn, hung bạo, ganh đua, lo lắng, sợ hãi, tham lam, thù ghét và tất cả những biểu hiện khác của bản tính của chúng ta, cái bản tính đã dựng lên cái xã hội thối nát mà hàng ngày chúng ta sống với nó được không?

Điều quan trọng là phải hiểu ngay từ đầu rằng tôi không tìm cách xác lập một thứ triết học nào đó, hay một cấu trúc học các ý niệm hay các khái niệm thần học. Đối với tôi, mọi ý thức hệ đều là những thứ hoàn toàn ngu xuẩn. Điều quan trọng không phải là triết lý về cuộc sống mà là quan sát điều đang thực sự diễn ra trong đời sống hàng ngày của chúng ta, cả ở bên trong lẫn ở bên ngoài. Nếu bạn quan sát những gì đang xảy ra và khảo sát nó thật cặn kẽ, bẹn sẽ thấy rằng nó dựa trên một quan niệm của trí tuệ, và cái trí năng không phải là toàn bộ lĩnh vực của tồn tại; nó là một phân mảnh, và một phân mảnh, dù được sắp đặt với nhau khéo léo đến mức nào đi nữa, dù chúng cổ xưa và có tính truyền thống như thế nào chăng nữa, vẫn là một phần nhỏ bé của tồn tại, trong khi đó cái mà chúng ta xét đến là toàn thể của đời sống. Và khi chúng ta xem xét cái đang diễn ra trong thế giới, chúng ta bắt đầu hiểu rằng không có quá trình bên ngoài và bên trong nào cả; chỉ có một quá trình độc nhất, đó là sự chuyển động toàn bộ, toàn diện, sự chuyển động bên trong tự nó biểu hiện ra là cái bên ngoài và cái bên ngoài, đến lượt nó, tác động trở lại cái bên trong. Đủ sức nhìn ra được điều này đối với tôi đó là tất cả những gì ta cần, bởi lẽ, nếu ta biết cách nhìn, thì toàn bộ sự việc sẽ trở nên thật sáng tỏ, và nhìn ra mà không cần phải triết lý, không cần đến người thầy. Không cần ai chỉ cho bạn cách để nhìn. Bạn chỉ nhìn thôi.

Thế thì, bạn có thể nhìn được toàn bộ bức tranh này, nhìn nó không phải trên ngôn từ và trên thực tế, bạn có thể chuyển hóa chính mình một cách tự khởi và dễ dàng không? Đấy mới là bản chất của vấn đề. Ta có thể tạo nên một cuộc cách mạng toàn diện trong tâm thức được không?

Tôi tự hỏi bạn sẽ phản ứng thế nào trước câu hỏi ấy. Bạn có thể nói: “Tôi không muốn thay đổi”, và hầu hết mọi người đều không muốn, đặc biệt là những ai khá yên ổn về mặt xã hội và kinh tế hay những ai khư khư giữ lấy các lòng tin giáo điều và bằng lòng với việc chấp nhận những gì mình đang có, hay chấp nhận mọi sự như chúng đang là hay trong hình thức có thay đổi chút đỉnh. Với những người này, chúng ta không cần phải quan tâm. Hay bạn có thể nói theo cách tế nhị hơn: “À, quá khó đấy, đấy không phải là việc của tôi”. Trong trường hợp này, bạn sẽ phải tự phong tỏa chính mình, bạn sẽ thôi không còn tra hỏi và nó sẽ không làm cho bạn đi xa hơn được nữa. Hay bạn cũng có thể nói: “Tôi thấy cần có sự thay đổi căn bản trong bản thân mình, nhưng tôi phải làm thế nào đây? Hãy chỉ cho tôi con đường nào để đi, hãy giúp tôi làm được điều đó.” Nếu bạn nói thế, thì điều bạn quan tâm không phải là bản thân sự thay đổi, bạn không thực sự quan tâm đến một cuộc cách mạng nền tảng: bạn chỉ tìm kếm một phương pháp, một hệ thống, để tạo ra sự thay đổi mà thôi.

Giả thử tôi đủ khùng để đưa cho bạn một hệ thống và giả thử bạn đủ khùng để theo hệ thống ấy, bạn ắt sẽ chỉ là bản sao, bắt chước, phục tùng, chấp nhận, và khi bạn làm điều đó bạn đã thiết lập trong bạn quyền uy của kẻ khác và vì thế có sự xung đột giữa bạn và quyền uy ấy. Bạn cảm thấy mình phải làm điều này điều nọ vì người ta đã bảo bạn phải làm nó, thế nhưng bạn lại thấy mình không thể làm được. Bạn có những khuynh hướng, xu hướng và áp lực riêng của mình, xung đột với hệ thống mà bạn nghĩ là bạn phải tuân theo và do đó phát sinh sự mâu thuẫn. Vì thế bạn sẽ đi đến một cuộc sống hai mặt giữa ý thức hệ của hệ thống và tính hiện thực của đời sống thường nhật của mình. Khi cố gắng phục tùng ý thức hệ, bạn đè nén chính mình – trong khi đó cái thực sự đúng không phải là ý thức hệ mà là những gì bạn đang là. Nếu bạn cố tìm hiểu chính mình qua lăng kính kẻ khác thì bạn sẽ vẫn là một người bị kẻ khác nhào nặn.

Người nào nói: “Tôi muốn thay đổi, hãy chỉ cách cho tôi” thì xem ra người ấy rất thực tâm và nghiêm túc, nhưng thực sự không phải thế. Anh ta muốn quyền uy mà anh ta hy vọng sẽ mang lại sự trật tự cho cuộc sống của mình. Nhưng quyền uy có bao giờ mang lại trật tự trong nội tâm đâu? Cái trật tự được áp đặt từ bên ngoài bao giờ cũng gây ra sự xáo trộn.

Bạn có thể thấy sự thật của điều này về mặt trí tuệ nhưng trên thực tế bạn có thể áp dụng nó sao cho tâm trí của bạn không còn phóng chiếu bất cứ quyền uy nào không, quyền uy của cuốn sách, người thầy, vợ hay chồng, cha mẹ, bạn bè hay của xã hội không? Vì chúng ta luôn hoạt động trong khuôn khổ của các công thức, các công thức này trở thành ý thức hệ và quyền uy; nhưng ngay khi bạn thực sự nhận ra rằng câu hỏi “làm thế nào tôi có thể thay đổi được” là câu hỏi sản sinh ra quyền uy mới, thì bạn đã vĩnh viễn đoạn tuyệt với quyền uy rồi.

Chúng ta hãy phát biểu lại câu hỏi này cho rõ ràng: tôi nhận ra rằng tôi phải hoàn toàn thay đổi từ gốc rễ của sự tồn tại của tôi; tôi không thể tiếp tục phụ thuộc vào bất cứ truyền thống nào nữa bởi lẽ truyền thống đã tạo ra sự lười nhác khủng khiếp này, tức sự chấp nhận và phục tùng; tôi không thể nào trông chờ người khác giúp tôi thay đổi nữa, không dựa vào bất cứ ông thầy nào, bất cứ Thượng đế nào, bất cứ lòng tin nào, bất cứ hệ thống nào, bất cứ áp lực hay ảnh hưởng bên ngoài nào nữa. Thế thì mọi sự sẽ ra sao?

Trước hết, bạn có thể vứt bỏ hết quyền uy được không? Nếu bạn có thể thì điều có có nghĩa là bạn không còn sợ hãi nữa. Thế thì chuyện gì sẽ xảy ra? Khi bạn vứt bỏ cái gì đó sai lầm mà bạn phải gánh lấy qua nhiều thế hệ, khi bạn trút được gánh nặng của bất cứ thứ gì, điều gì sẽ diễn ra? Bạn có nhiều năng lượng hơn, đúng không? Bạn có năng lực hơn, có đà phóng hơn, mãnh liệt hơn và đầy sức sống hơn. Nếu bạn không cảm thấy được điều này, đó là vì bạn chưa trút bỏ gánh nặng, bạn chưa dứt bỏ được cái gánh nặng chết người của quyền uy.

Nhưng khi bạn dứt bỏ được nó và tràn đầy năng lượng không có chút sợ hãi nào hết – không sợ phạm sai lầm, không sợ làm đúng hay sai – thì năng lượng ấy tự nó chẳng phải là sự chuyển hóa hay sao? Chúng ta cần rất nhiều năng lượng và chúng ta tiêu hao nó qua nỗi sợ hãi nhưng khi có được cái năng lượng đến từ việc trút bỏ mọi hình thức sợ hãi thì năng lượng ấy tự nó tạo ra một cuộc cách mạng triệt để trong nội tâm. Bạn không phải làm gì với nó cả.

Như vậy, bạn còn lại một mình với chính mình mà thôi, và đó là trạng huống thực sự của những ai có thái độ hết sức nghiêm túc về việc này; và khi bạn không còn dựa vào sự trợ giúp của bất cứ người nào khác hay bất cứ thứ gì khác, bạn đã tự do trên hành trình khám phá rồi. Có tự do là có năng lượng, và khi tự do, ta không còn làm những gì sai lầm nữa. Tự do hoàn toàn khác với nổi loạn. Khi có tự do thì không còn có chuyện làm đúng hay làm sai. Bạn tự do và từ giá trị cốt lõi đó bạn hành động. Và vì thế không còn nỗi sợ hãi và một tinh thần không sợ hãi có thể giàu tình thương yêu. Và khi có tình thương yêu ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn.

Điều mà giờ chúng ta sẽ làm đó là biết về chính mình, không phải theo tôi hay theo bất cứ nhà phân tích hay triết gia nào khác, vì nếu chúng ta tìm cách biết về chính mình dựa theo sự chỉ dẫn của người khác thì đó là ta tìm cách biết về họ chứ không phải về chính mình – điều mà chúng ta muốn biết đó là thực sự chúng ta là gì.

Vì hiểu rõ rằng chúng ta có thể không phụ thuộc vào bất cứ quyền uy bên ngoài nào trong việc dấy lên một cuộc cách mạng toàn diện trong cấu trúc tâm thức của chính chúng ta, chúng ta còn gặp phải một khó khăn hết sức lớn trong việc loại bỏ quyền uy ở bên trong ta, cái quyền uy của những kinh nghiệm nhỏ nhoi đặc thù và những tư kiến, nhận thức, ý niệm và các lý tưởng được tích lũy của chính ta. Hôm qua, bạn có một kinh nghiệm, kinh nghiệm ấy dạy bạn điều gì đó, và điều được dạy đó trở thành một quyền uy mới – và quyền uy ấy của ngày hôm qua cũng có tính chất phá hoại như quyền uy của nghìn năm trước. Hiểu chính mình không cần đến quyền uy hoặc của ngày hôm qua hoặc của nghìn năm trước vì chúng ta là những thực thể đang sống, luôn vận động, trôi chảy không bao giờ ngưng nghỉ. Khi ta nhìn vào chính mình với cái quyền uy chết tiệt của ngày hôm qua, ta sẽ không thể hiểu được sự vận động sống động và vẻ đẹp cũng như phẩm tính của sự vận động ấy.

Thoát khỏi mọi quyền uy, của chính bạn và của người khác, là hãy để tất cả những gì của ngày hôm qua lụi tàn đi, sao cho tinh thần bạn luôn tươi mới, luôn trẻ trung, tinh khôi, đầy mạnh mẽ và đam mê. Chính trong trạng thái ấy mà ta mới tìm cách biết và quan sát. Và vì mục đích ấy, bạn cần phải có ý thức cao độ về những gì sẽ xảy ra bên trong bạn, không cần phải điều chỉnh nó hay bảo nó nên là hay không nên là, vì lúc bạn điều chỉnh nó, bạn đã xác lập một quyền uy khác, tức một sự kiểm duyệt.

Cho nên giờ chúng ta sẽ cùng nhau tìm tòi chính mình – không phải theo cách có ai đó giải thích trong lúc bạn đọc, đồng ý hay không đồng ý với anh ta như bạn đang đi theo chữ nghĩa trên trang sách, mà theo cách chúng ta cùng làm chuyến hành trình, chuyến hành trình khám phá những góc khuất kín đáo nhất trong tinh thần của chúng ta. Và để thực hiện cuộc hành trình như thế, chúng ta phải nhẹ bước phiêu du; chúng ta không thể ì ạch mang theo những tư kiến, những thành kiến và những kết luận – tất cả những thứ đồ đạc cũ rích ấy chúng ta đã thu thập đến hơn hai nghìn năm nay rồi. Hãy quên tất cả những gì bạn biết về chính bạn; hãy quên tất cả những gì bạn đã từng nghĩ về chính bạn; chúng ta sẽ khởi hành như thể chúng ta chưa biết gì.

Đêm qua mưa nặng hạt, giờ đây trời bắt đầu quang đãng; đấy là một ngày hoàn toàn mới. Chúng ta hãy đón chào ngày mới ấy như thể đấy là ngày duy nhất. Chúng ta hãy cùng nhau lên đường, để lại sau lưng tất cả kỷ niệm của những ngày đã qua – và bắt đầu hiểu chính mình lần đầu.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt