Triết học tinh thần

Hạnh phúc của con người có hệ tại điều thiện nào của thân thể chăng?

VẤN ĐỀ 2

 

HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI HỆ TẠI 

NHỮNG ĐIỀU THIỆN NÀO?

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003.


 

 

MỤC 5

Hạnh phúc của con người có hệ tại điều thiện nào

của thân thể chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như hạnh phúc của con người hệ tại những điều thiện của thân thể.

1. Thực vậy, sách Huấn ca (30,16) chép: Không của cái nào bằng sự lành mạnh của thân xác. Nhưng hạnh phúc hệ tại điều tuyệt hảo. Cho nên, hạnh phúc hệ tại sự lành mạnh của thân thể.

2. Vả lại, Dionysius viết trong chương 5 của sách De Div. Nom. rằng: hiện hữu thì tốt hơn sinh sống, và sinh sống thì tốt hơn mọi thứ theo sau. Nhưng để con người được hiện hữu và sinh sống thì cần phải có sự lành mạnh của thân thể. Vậy vì hạnh phúc là điều thiện tuyệt đỉnh của con người, nên hình như sự lành mạnh của thân thể thì chính yếu thuộc về hạnh phúc.

3. Vả lại, phàm chi càng khái quát, càng lệ thuộc vào nguyên lý cao hơn: vì căn nguyên càng cao thì tiềm lực của nó càng phổ đạt đến nhiều thực tại. Mà như sức tác động của căn nguyên tác thành được đo lường theo ảnh hưởng của nó, thì sức tác động của căn nguyên cứu cánh được đo lường theo sự ham muốn. Thành thử, như tác căn đệ nhất ảnh hưởng đến mọi vật, thì mục đích tối hậu cũng được mọi vật ước muốn. Nhưng chính việc hiện hữu là điều được mọi vật ước muốn cách chính yếu. Cho nên, hạnh phúc của con người thì chính yếu hệ tại những gì thuộc về hiện hữu của con người, như sự lành mạnh của thân thể.

NHƯNG. Con người trổi vượt trên mọi động vật khác về hạnh phúc. Nhưng theo những điều thiện thể xác, con người lại thua kém nhiều động vật: như thua voi về sự sống lâu, thua sư tử về sự cường tráng, thua nai về sự chạy nhanh. Cho nên, hạnh phúc của con người không hệ tại những điều thiện của thân thể.

LUẬN GIẢI. Hạnh phúc của con người không thể hệ tại những điều thiện của thân thể vì hai lý do. Một là, khi một vật phải quy hướng về điều khác như về mục đích, thì cứu cánh của nó không thể là sự bảo tồn cho nó hiện hữu. Như viên thủy thủ không nhằm vào sự bảo tồn con tàu được trao phó mà mình, như nhằm vào mục đích tối hậu: vì con tàu được quy hướng về điều khác như về mục đích, ấy là để vượt biển. Nhung như con tàu được trao phó cho viên thủy thủ để y điều khiển nó, thì con người cũng được giao phó cho ý chí và lý trí của mình, theo lời sách Huấn Ca (15, 14): Từ nguyên thủy, chính Thiên Chúa đã làm nên con người, và để nó tự quyết định lấy. Nhưng hiển nhiên là con người được quy hướng về một điều khác như về mục đích của mình: vì con người không phải là điều thiện tối thượng. Cho nên mục đích tối hậu của lý trí và ý chí con người không thể là sự bảo tồn hữu thể của con người.

Hai là, giả dụ mục đích của lý trí và ý chí con người là bảo tồn hiện hữu của con người, chúng ta vẫn không thể nói được rằng, mục đích của con người là một điều thiện nào đó của thân thể. Vì hiện hữu của con người hệ tại linh hồn và thân thể: và mặc dù sự hiện hữu của thân thể lệ thuộc vào linh hồn, nhưng sự hiện hữu của linh hồn con người không lệ thuộc vào thân thể, như đã trình bày trên đây (I, vđ.75, m.2; vđ.76 m.1 gđ.5.6; vđ.90 m.2 gđ.2); và chính thân thể là vì linh hồn, như chất thể là vì mô thể, như những dụng cụ thì vì biến căn, để nhờ chúng mà thi hành công việc của mình. Cho nên, tất cả mọi điều thiện của thân thể thì quy hướng về những điều thiện của linh hồn, như về mục đích. Thành thử, hạnh phúc, là mục đích tối hậu của con người, không thể hệ tại những điều thiện của thân thể.

GIẢI ĐÁP1. Như thân thể được quy hướng về linh hồn như về mục đích, thì những ngoại thiện cũng được quy hướng về chính thân thể. Và vì thế, ta có lý để quí chuộng điều thiện của thể xác hơn những ngoại thiện, được biểu thị bằng của cải, cũng như ta quí chuộng điều thiện của linh hồn hơn mọi điều thiện của thân thể.

2. Hiểu hiện hữu một cách đơn thuần, như hàm chứa mọi hoàn bị của hiện hữu, thì trổi vượt hơn sự sống và tất cả những chi theo sau nó: vì như thế chính hiện hữu đã có sẵn nơi mình tất cả những chi theo sau nó. Và Dionysius đã nói theo nghĩa này. — Nhưng nếu ta hiểu chính hiện hữu như được thông dự nơi vật này hay nơi vật kia, là những vật không nắm toàn thể sự hoàn bị của hữu thể mà chỉ có hữu thể bất toàn, như hữu thể của bất cứ thụ tạo nào; thì hiển nhiên là hữu thể với sự hoàn bị thêm vào thì trác tuyệt hơn. Thành thử, Dionysius thêm rằng, những sinh vật thì hoàn hảo hơn những vật hiện hữu, và vật hiểu biết thì hoàn hảo hơn những sinh vật.

3. Vì cùng đích tương ứng với nguyên khởi, nguyên lý này đủ chứng minh rằng mục đích tối hậu là nguyên khởi đệ nhất của hiện hữu, trong đó có tất cả sự hoàn bị của hữu thể: mọi vật mong ước nên giống nguyên khởi ấy, theo tỷ lệ hoàn bị của chúng: chẳng hạn những vật này chỉ giống về hữu thể mà thôi; những vật kia thì về hữu thể sinh sống; những vật khác nữa thì về hữu thể sinh sống, hiểu biết và hạnh phúc. Và điều này chỉ thuộc về một số vật thôi.

 


Bài trước -- Bài tiếp theo

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt