Triết học tinh thần

Hạnh phúc của con người có hệ tại những tài sản chăng?

 

VẤN ĐỀ 2

 

HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI HỆ TẠI

NHỮNG ĐIỀU THIỆN NÀO?

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003.


 

 

Tiếp đến phải nghiên cứu hạnh phúc (xc. vđ.1, dẫn nhập): và trước hết hạnh phúc hệ tại những điều thiện nào; thứ đến hạnh phúc là gì (vđ.3); ba là chúng ta làm cách nào để có thể đạt được hạnh phúc (vđ.5).

Về vấn đề đầu tiên, có tám mục cần tìm hiểu

1. Hạnh phúc có hệ tại những tài sản chăng? 

2. Có hệ tại vinh dự chăng?

3. Có hệ tại danh tiếng hoặc danh vọng chăng? 

4. Có hệ tại quyền hành chăng?

5. Có hệ tại điều thiện nào của thân thể chăng? 

6. Có hệ tại khoái lạc chăng?

7. Có hệ tại điều thiện nào của linh hồn chăng? 

8. Có hệ tại điều thiện thụ tạo nào chăng?

 

MỤC 1

Hạnh phúc của con người có hệ tại

những tài sản chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như hạnh phúc của con người hệ tại những tài sản.

1. Thực vậy, vì hạnh phúc là mục đích tối hậu của con người, nên nó phải hệ tại điều cực kỳ quyến rũ sự ước muốn của con người. Mà điều quyến rũ đó là những tài sản, vì sách Giảng viên có lời: Vạn sự đều vâng phục tiền của (Gv 10, 19). Cho nên, hạnh phúc của con người hệ tại tài sản.

2. Vả lại, như Boetius viết trong cuốn III De Cons. thì: hạnh phúc là trạng thái hoàn bị gồm thâu mọi điều thiện. Mà hình như ta nhờ tiền của mà sắm được vạn sự: vì như nhà Hiền triết viết trong V Ethic.: tiền bạc được phát minh ra để bảo lãnh cho mọi thứ con người ưa muốn. Cho nên, hạnh phúc hệ tại những tài sản.

3. Vả lại, vì việc ước muốn điều tuyệt hảo thì khôn nguôi, nên hình như là lòng ước muốn thì vô hạn. Nhưng đây đặc biệt là lòng ước muốn tài sản; vì trong Giảng viên (5,10) có chép: Tiền của không làm cho kẻ keo kiệt được no thoả. Cho nên, hạnh phúc hệ tài sản.

NHƯNG. Điều thiện của con người hệ tại việc cầm giữ hạnh phúc hơn là phân tán nó. Nhưng, như Boetius nói trong cuốn II De Cons.: những tài sản được rạng ngời khi ta vung ra hơn là khi ta tích trữ; vì sự keo kiệt làm cho người giàu đáng ghét, còn lòng quảng đại làm cho người giàu được rạng rỡ. Cho nên hạnh phúc không hệ tại những tài sản.

LUẬN GIẢI. Hạnh phúc của con người không thể hệ tại những tài sản. Thực vậy, như nhà Hiền triết đã nói trong Polit. có hai thứ tài sản, ấy là tự nhiên và nhân tạo. Tài sản tự nhiên là những thứ trợ giúp con người để bù đắp những thiếu thốn tự nhiên: như đồ ăn, thức uống, áo quần, xe cộ, nhà cửa, và những thứ như thế. Tài sản nhân tạo là những thứ, như tiền của, nguyên chúng không trợ giúp cho tính tự nhiên, nhưng đã được tài nghệ của con người phát minh ra, như một thứ cân đo hàng hoá, để mua bán cho dễ dàng.

Nhưng hiển nhiên là hạnh phúc của con người không thể hệ tại những tài sản tự nhiên; vì những tài sản này được tìm kiếm vì điều khác, ấy là để nuôi dưỡng bản tính của con người: và vì thế chúng không thể là mục đích tối hậu của con người; đúng hơn, chúng được quy hướng về con người như về mục đích. Cho nên, trong phạm vi tự nhiên, mọi tài sản như thế đều thua kém con người và được tác thành vì con người, theo lời Thánh vịnh (8, 6): Chúa đã đặt muôn loài muôn sự dưới chân loài người.

Còn về những tài sản nhân tạo, chúng chỉ được tìm kiếm vì những tài sản tự nhiên: vì chúng chỉ được tìm kiếm để ta dùng mà mua sắm những vật thiết dụng cho cuộc sống. Do đó, chúng càng không có lý tính của mục đích tối hậu. Cho nên, hạnh phúc, là mục đích tối hậu của con người, không thể hệ tại tài sản. 

GIẢI ĐÁP1. Việc mọi vật thể chất đều vâng phục tiền của là theo ý nghĩ của đại chúng ngu đần, chỉ biết những điều thiện hữu hình, có thể mua sắm bằng tiền của. Nhưng phán đoán về những điều thiện nhân linh không thể do những người ngu đần, mà do những người khôn ngoan, cũng như phán đoán về mùi vị phải do những người có khẩu vị lành mạnh.

2. Nhờ tiền bạc ta có thể sắm được mọi thứ hàng hoá, nhưng không thể sắm được những thực tại thiêng liêng, những thứ không thể buôn bán. Vì thế, trong sách Châm ngôn có câu: Của cải nào ích gì cho kẻ ngu đần, nó đâu có mua được sự thông minh? (Cn 17,16)

3. Sự ham muốn những tài sản tự nhiên không phải là vô hạn: vì theo mức độ nào đó chúng đã đủ cho tính tự nhiên. Nhưng sự ham muốn những tài sản nhân tạo thì vô hạn: vì nó phục vụ tham dục hỗn loạn, là tham dục không được kiềm chế, như nhà Hiền triết đã chứng minh trong I Polit.. Nhưng sự ước muốn vô tận những tài sản thì khác với sự ước muốn điều tuyệt hảo. Vì điều tuyệt hảo càng được ta chiếm hữu cách hoàn bị hơn càng được ta yêu mến hơn, và những thứ khác càng bị ta khinh thị hơn. Vì ta càng chiếm hữu điều tuyệt hảo, càng nhận biết nó hơn. Vì thế, sách Huấn ca có chép: Phàm ai ăn Ta sẽ còn đói (Hc 29, 21). Nhưng đối với lòng ham muốn những tài sản, và tất cả những của cải trần thế, thì ngược lại: vì một khi ta chiếm hữu chúng, ta liền khinh thị chúng, và ham muốn những thứ khác: như Chúa Giê-su đã giãi bày khi phán: Ai uống nước này,- thứ nước ám chỉ những của cải trần thế, - sẽ lại khát (Ga 4,13). Sở dĩ như thế là vì, khi ta chiếm hữu những tài sản ấy, ta càng nhận biết sự bất túc của chúng. Điều này cũng giãi bày sự bất toàn của các tài sản, và điều thiện tối thượng không hệ tại các tài sản đó.

 


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt