Triết học tinh thần

Triết học sự sống của Henri Bergson

 

“KHẮC PHỤC QUAN ĐIỂM LÝ TÍNH…”

HAY TRIẾT HỌC SỰ SỐNG CỦA H. BERGSON

 

J. K. MELVIL

ĐINH NGỌC THẠCH, PHẠM ĐÌNH NGHIỆM dịch

 


J. K. MelvilCác con đường của triết học phương Tây hiện đại. Đinh Ngọc Thạch, Phạm Đình Nghiệm dịch. Nxb. Giáo dục, 1997.


 

Học thuyết của H. Bergson (1859 - 1941) là phương án Pháp của triết học sự sống, có nguồn gốc sâu xa từ ý chí luận của A. Schopenhauer và F. Nietzsche.

Vào năm 1889 Bergson công bố tác phẩm có giá trị đầu tiên “Những dữ liệu trực tiếp của ý thức” (thời gian và tự do ý chí). Sau đó mấy năm xuất hiện hàng loạt tác phẩm khác: “vật chất và ký ức” (1896), “nhập môn siêu hình học” (1903), “tiến hóa sáng tạo”(1907), “độ dài và đồng thời” (1922), “hai nguồn gốc của đạo đức và tôn giáo” (1932). Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Bergson được nước Pháp và châu Âu biết đến như một trong những nhà tư tưởng kiệt xuất của thời đại. Tiếng tăm của ông thêm lẫy lừng nhờ tài năng văn chương, phong cách chuẩn mực, pha đôi chút cầu kỳ, tính chất sắc sảo của phép ẩn dụ.

Nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự nổi tiếng của Bergson là ở chỗ, theo nhận định của nhà mác-xít người Pháp J. Politzer, ông biết tạo ra “sự thần bí hóa một phong cách lớn”, biết dung hình thức văn chương lôi cuốn để thể hiện khuynh hướng triết học “mốt” nhất - khuynh hướng phi lý tính.

Vào thời kỳ khủng hoảng tư tưởng bao trùm thế giới phương Tây cuối thế kỷ XIX, Bergson đặt ra cho mình nhiệm vụ không chỉ phanh phui những uẩn khúc sâu kín nhất của tâm hồn con người, mà còn nắm bắt bản chất đích thực của cuộc sống, tìm kiếm lời giải đáp mới cho những vấn đề trường cửu. Bên cạnh đó ý thức tôn giáo, bị xáo động bởi những thành tựu của khoa học tự nhiên nửa sau thế kỷ XIX, có thể phát hiện ở triết học Bergson chỗ dựa không mong đợi: “…Trong nhiều năm, một nhà văn - triết gia thời ấy nhận định, - tất cả thế hệ trẻ đều là thế hệ Bergson” (73, 22)[1].

Khi xây dựng triết học của mình, Bergson đã kết hợp khá nhuần nhuyễn những tư tưởng kế thừa từ các đại biểu phi lý tính Đức (F.Schelling thời đứng tuổi, A.Schopenhauer, F.Nietzsche) với những tư tưởng thuộc về truyền thống duy linh và phi lý tính của các nhà duy tâm Pháp - M.F Men de Biran ( 1766-1824) và E.Buchou (1845-1921). Mục đích của triết học mới, theo Bergson, là “khắc phục quan điểm lí tính”, (10, IX). Bác bỏ con đường nhận thức lý tính, ông cố gắng chứng minh ưu thế của phương pháp – trực  giác (intuition).

Điểm khởi đầu của triết học Bergson, cũng như toàn bộ triết học của sự sống nói chung, là đồng nhất sự sống với xúc cảm. Triết lý bám sát vào tồn tại của chính con người, thể hiện trong sự thay đổi thường xuyên các cảm xúc, ước muốn, trong sự thay đổi các trạng thái tâm lý. Dòng xúc cảmkiến tạo nên thực tại duy nhất, và do đó, là đối tượng của triết học. Đối với triết học duy tâm thì nét chung nhất là không những biến ý thức thành bản nguyên có trước sáng tạo, độc lập mà còn thay đổi tồn tại vật chất bằng ý thức như đối tượng nghiên cứu nền tảng. Trong phần lớn các hệ thống duy tâm cổ điển thường đề cập đến những hiện tượng nào của ý thức có ý nghĩa nhận thức - những hình thức khác nhau của sự phản ánh thế giới khách quan. Ngược lại, đối với khuynh hướng phi lý tính hiện đại, trọng tâm chú ý là những hiện tượng ý thức” thuần túy”. Chẳng hạn, nếu như sự phân tích của Hegel về những hình thức tư duy, suy cho cùng, là sự phân tích gián tiếp, thần bí hóa về tồn tại, thì sự phân tích của Bergson về các trạng thái ý thức không dẫn đến thế giới xung quanh, mà đặt triết gia vào khuôn khổ ý thức của chủ thể, vào phạm vi của những quan điểm không cần nội dung bên ngoài chủ thể nữa, và chỉ mang ý nghĩa tâm lý.

Điều đầu tiên Bergson khám phá khi tìm hiểu đời sống tâm lý là tính biến đổi các trạng thái của nó, sự đan xen thường xuyên các ý tưởng và hình ảnh, sự thay thế các tâm trạng và ước muốn. Ông đặc tính biến đổi của đời sống tâm lý ra ngoài phạm vi ý thức cá nhân, đẩy lên ý nghĩa rộng hơn. Bergson sẽ đúng, nếu như ông thừa nhận sự vận động, biến đổi là đặc tính cốt lõi của thực tại, song ông không xem bản  thân tính biến đổi là thực tại. Theo ông, tính biến đổi hoàn toàn không thiết định đối tượng biến đổi, nó “thiết định tự thân, nó cũng đồng thời là sự vật” (9, 4, 23). “Có những biến đổi, - ông viết, - nhưng không có những sự vật biến đổi: tính biến đổi  không cần  đến giá đỡ nào… sự vận động không thiết định vật vận động”(9, 4, 22). Lẽ đương nhiên, không nên hiểu những từ này một cách máy móc như sự phủ nhận tồn tại của sự vật. Đó là phép ẩn dụ, đặc trưng cho phong cách trình bày của Bergson. Tư tưởng chính rút ra từ đây là thừa nhận tính có trước của vận động và sự biến đổi ý thức so với vận động trong thế giới  khách quan.

Nếu xuất phát từ dòng xúc cảm, hay dòng ấn tượng thì, như D.Hume từng chỉ rõ, sẽ khó mà tìm được tính thực thể nào. Trên cơ sở này, Hume bác bỏ sự tồn tại của cả thực thể vật chất lẫn thực thể tinh thần. Nhưng Bergson tuyên bố: tính biến đổi chính là thực thể, hay thực tại, theo cách diễn đạt của ông (xem như trên 31). Đó cũng là một phương án của chủ nghĩa duy tâm, xem “dòng chảy” không ngừng của ý thức là cơ sở, bản nguyên của thực tại.

Phân tích đời sống tâm lý của chủ thể, Bergson chú ý đến hai năng lực ý thức, tương ứng với hai mối quan hệ với thế giới bên ngoài - quan hệ trực cảm thụ động và quan hệ tích cực chủ động: trực giác, gắn với mặt trực cảm của đời sống, và trí tuệ, gắn với mặt tích cực của nó. Tư tưởng Bergson từ hai cực này qua trực giác đi vào chiều sâu của ý thức chủ thể đến tinh thần, tạo nên cái gọi là bản chất sự sống và toàn thể vũ trụ, và qua trí tuệ – hướng ra ngoài, đến các vật thể, triển khai trong không gian, đến vật chất.

Mặc dầu biến đổi là thuộc tính chung của thực tại (đối với Bergson là chính thực tại), song mức độ biến đổi lại tùy thuộc vào quan hệ của nó với cái gì - với vật chất hay tinh thần, và đạt được bằng cách gì - trực giác hay trí tuệ. Tính biến đổi biểu lộ ra bên ngoài là sự chuyển dịch máy móc các vật thể, hay vật chất. Vật chất - đó là cái héo úa, vật vờ, chết cứng, mang trên mình tính quy định không gian, là lĩnh vực của sự lặp lại và đơn điệu vĩnh cửu. Trong thế giới vật chất không có sự xuất hiện cái mới, không có lịch sử hiện thực sáng tạo. Vật chất là vương quốc của quyết định luận máy móc: mỗi trạng thái vật chất hoàn toàn chịu sự chi phối của trạng thái đó, của tiền định. Bergson đối lập thế giới vật chất với cuộc sống của ý thức - quá trình xuất hiện thường xuyên cái mới, dòng chảy không phân chia, cái dòng chảy mà chỉ nhờ phương pháp “chặn đứng xúc cảm” mới “cắt rời” các trạng thái khác nhau. Sự thâm nhập bằng trực giác vào cuộc sống luôn biến đổi của ý thức mở ra cơ sở hiện thực bên trong của nó, tức độ dài liên tục, xúc cảm thời gian. Nói cách khác, từ “dòng chảy” xúc cảm Bergson đưa ra xúc cảm về tiến trình thời gian với tính cách cơ sở của nó. Độ dài liên tục - mảnh vải bền vững của cuộc sống, “cơ sở tồn tại của chúng ta và bản chất của các sự vật” (10, 35). Độ dài liên tục không có “trước đây”, không có “bây giờ”, nó là yếu tố thống nhất, không phân chia, ở đó quá khứ không chìm vào quên lãng mà được lưu giữ và tích lũy thường xuyên. Bergson liên tưởng độ dài liên tục với hòn tuyết, kết nối các lớp tuyết lại thành khối, biến đổi liên tục, đầy lên theo vòng lăn về phía trước. “Độ dài - đó là sự phát triển không ngừng của quá khứ, nó thu hút tương lai vào mình và tự vươn rộng ra trên bình diện của sự vận động về phía trước. Nhưng nếu quá khứ phát triển không ngừng, thì nó cũng được lưu giữ mãi mãi” (10, 4). Trong trường hợp này độ dài mang trên mình những đặc tính của ký ức. “Khó mà xác lập sự khác nhau giữa độ dài và ký ức” (8, 43).

Quá khứ sống động thể hiện trong độ dài liên tục, ý thức chúng ta tái lập nó không theo vết mòn cố định và đơn điệu, mà mỗi lần chạm đến quá khứ tựa như một lần chạm vào lịch sử, mới mẻ và xúc động. Từ đó Bergson đưa ra kết luận về tính chất không lặp lại của quá khứ và tính chất không thể tiên đoán được về tương lai. Sự phát triển nhân cách của chúng ta, trong thực tế đồng nhất với độ dài của nó, theo Bergson, là sự sáng tạo không ngừng cái mới, mỗi thời điểm của cuộc sống một thiên sáng tạo, không tuân theo tính quy luật nào, sản sinh ra những trạng thái khôn lường, đầy bất ngờ thú vị. Đời sống tinh thần – đó là vương quốc của phi tất định và tự do.

Như vậy tiền đề đầu tiên của sự phê phán lý trí là đối lập độ dài liên tục, thế giới đời sống tinh thần với thế giới vật chất. Tiền đề thứ hai – đối lập lý luận và thực tiễn, nhận thức và hành động. Ý nghĩa quan trọng của hoạt động thực tiễn đối với nhận thức thế giới và sự tự nhận thức của con người vào cuối thế kỷ XIX là điều khỏi cần bàn cãi.Trong triết học phương Tây hiện đại nó được phát Kant mới ở Marbourg tiếp thu, nhưng xem toàn bộ đời sống văn  hóa của nhân loại như lĩnh vực hoạt động của ý thức, dựa trên “lô-gíc sáng tạo”.

Các triết gia thuộc khuynh hướng phi lý tính, trước hết là Nietzsche, lý giải nhận thức khoa học chỉ như phương tiện phục vụ cho hoạt động thực tiễn. Theo sau Nietzsche, Bergson nhấn mạnh tính chất thực dụng của lý trí, đem đối lập lý trí với nhận thức trực giác. Theo Bergson, con người như vật thể vật lý, như cơ thể hoạt động giữa những sự vật cần thiết cho đời sống của mình. Bộ óc và hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ thể với mục đích sở hữu các vật thể. Chủ nghĩa duy vật khoa học tự nhiên nhất trí với luận điểm này, nhưng nó bị Bergson lái sang hệ thống duy tâm đặc trưng. Bộ óc, theo ông, liên kết và hướng dẫn các phản ứng cơ thể  đối với những tác động từ bên ngoài, song không có khả năng sinh ra các quan niệm, không có quan hệ trực tiếp với ý thức. Bergson đồng ý rằng lý trí,  tư duy liên kết với bộ não như cơ quan hoạt động. Tuy nhiên, sự liên kết này chỉ thể hiện ở chỗ bộ não vạch ra cho tư duy vị trí cấn thiết để hoạt động, còn tư duy tự lựa chọn phương thức hoạt động. Chức năng của tư duy, lý trí và khoa học do lý trí tạo nên chỉ có vậy! Lý trí phát triển trong con người là để giúp con người thực hiện công việc tái tạo và sử dụng các vật thể. Con người là homo faber, người thợ làm ra vật này từ vật khác; lý trí dành để phục vụ cho lao động hữu ích. “Lý trí …là năng lực làm ra các vật thể, chẳng hạn từ công cụ này làm ra công cụ khác, và đa dạng hóa sự chế tạo ấy” (10, 124-125). 

Không còn nghi ngờ gì nữa, lý trí đem đến cho con người làm ra các công cụ và định hướng hoạt động. Nhưng lý trí thực hiện chức năng này chỉ nhờ nó bám sát vào hoạt động thực tiễn, hoạt động cải tạo thế giới. Sự thành công bắt đầu tự sự hiểu biết, sự hiểu biết bắt đầu từ niềm say mê nghiên cứu những gì quanh ta. Hiểu biết càng sâu sắc, hoạt động thực tiễn của con người ngày càng đa dạng và phức tạp. Về phần mình, hoạt động ấy tạo điều kiện mở rộng hiểu biết về thế giới. Rất tiếc, cách tiếp cận vấn đề như thế bị Bergson chối bỏ.

Lý trí, theo Bergson, có ý nghĩa nhận thức nhất định trong quá trình tác động với vật chất thụ động. Nhờ công cụ của mình là lô –gíc học, lý trí được “cắt gọt” theo khuôn mẫu của các vật thể, nhưng nếu vậy thì sao nó nắm bắt được vận động biến đổi? Đặc trưng chủ yếu của lý trí là nó thể hiện mình như cái thụ động. Bergson so sánh nhận thức lý trí với kỹ xảo điện ảnh, loại kỹ xảo tạo ra vận động bằng chính việc tách vận động ra những khoảnh khắc tĩnh, bị tê liệt, rồi tích hợp lại, gắn lên đó những dấu hiệu (khái niệm). Ở đây chỉ ghi được những vị trí không gian của vật thể đang vận động, nhưng lại làm mất đi cái chủ yếu là bản thân vận động như yếu tố thống nhất không phân chia. Khái niệm là bóng tối của vật thể, nó không phải là hình ảnh, mà là dấu hiệu, biểu tượng. Do đó khoa học, như hệ thống những khái niệm, chỉ mang tính chất tượng trưng. Lô-gíc học chỉ đơn giản là tổng thể các quy tắc cần phải tuân theo khi đề cập đến những biểu tượng.

Thực chất của sự phê phán lý trí là gì? Đúng là tư duy siêu hình hiểu lệch lạc về vận động và phát triển. Song sẽ sai lầm nếu đống nhất mọi tư duy với tư duy siêu hình. Bergson phê phán tư duy siêu hình không phải với mục đích chuyển sang tư duy biện chứng, mà chỉ như cái cớ để ông tách triết học khỏi tư duy lô-gíc. Ông có lý khi cảnh báo rằng nếu bám sát vào khái niệm luận một cách quá đáng sẽ làm nghèo sự hiểu biết về thực tiễn, rằng không một khái niệm nào có thể phản ánh trọn vẹn các sự vật,  hiện tượng trong tính muôn vẻ của chúng. Nhưng ông tỏ ra lầm lẫn khi so sánh nhận thức với một thao tác trong khoảnh khắc. Nhận thức là quá trình phản ánh phức tạp, đầy mâu thuẫn thế giới khách quan.

Sự phản ánh diễn ra thông qua các cảm giác và các khái niệm không bất biến, mà được làm giàu thêm và cụ thể hóa cùng với sự phát triển của khoa học, là cái mặc dầu hết sức trừu tượng và không đầy đủ, xong xét đến cùng vẫn đem đến tri thức chân thực và sâu sắc về thế giới. Phản bác cách lý giải siêu hình về khái niệm, Bergson thực ra vẫn còn nằm trong vòng vây của tư duy siêu hình. Việc liên tưởng nhận thức lý trí với kỹ xảo điện ảnh chứng tỏ thái độ thiếu minh bạch của Bergson. Nhà quay phim trên thực tế trình bày sự vận động thực như tổng hợp các trạng thái đứng im, nhưng đây là một thủ pháp tái tạo vận động thực. Còn việc nhà quay phim có thể tái tạo lại vận động dưới bất kỳ vận tốc nào – điểm đó là khỏi bàn cãi (có thể thông cảm với Bergson về sự non nớt này, bởi lẽ ông viết “Tiến hóa sáng tạo” ở buổi đầu nền điện ảnh). Thiếu sót thứ hai của Bergson là ở chỗ, trong khi cố gắng chứng minh sự không thích hợp của lý trí đối với nhận thức về vận động và sự sống, đồng nhất vận động (có tính khách quan) với độ dài liên tục – dòng xúc cảm ý thức.

Như vậy, sự sống với cơ sở bên trong của mình – độ dài liên tục, theo Bergson, là phi lý tính và không diễn đạt trong các khái niệm. Phản bác tất cả các con đường nhận thức lý tính, Bergson cố tìm ra hình thức phi lý tính đặc sắc để diễn đạt “dòng chảy sự sống”. Năng lực phi lý tính ấy chính là trực giác. Chỉ có “lý hội trực giác” mới nắm được những hiện tượng luôn biến đổi của sự sống và ý thức: phải phân biệt “thời gian toán học” được tính bằng đồng hồ với “thời gian trực cảm” được đo bằng dòng chảy của đời sống tâm linh, một dòng chảy không ngừng và vô cùng uyển chuyển. Khái niệm trực giác đóng vai trò quan trọng trong triết học cận đại. R Descartes hiểu trực giác như năng lực nhận thức chân thực nhất của con người về chân lý tối hậu của tri thức. “Ánh sáng tự nhiên” của lý trí để thể hiện trước hết trong trực giác. Tư tưởng về “trực giác trí tuệ” là cơ sở của chủ nghĩa duy lý. Bergson, khác hẳn với các nhà duy lý, xem trực giác không như “khái niệm của đầu óc phân minh và tỉnh táo”, mà như năng lực phi lý tinh thần bị thâm nhập vào bản chất phi lý tính của sự sống và những hình thức của nó, hòa nhập vào nó.Trực giác là tư duy trong độ dài liên tục, là sức mạnh thụ cảm của mọi sinh vật. Tính chất thần bí của năng lực trực giác được ngụy trang một phần nhờ Bergson mô tả nó trong các thuật ngữ sinh học. Trực giác là một bản năng đặc biệt đi vào chiều  sâu sự sống. Nếu lí trí hướng đến vật chất thụ động và nghiên cứu các vật thể từ bên ngoài, thì bản năng hướng đến sự sống, hòa nhập với nó ở bên trong bản thân nó. Nhưng bản năng, thứ “tri thức bẩm sinh” ấy, vận hành một cách vô thức,  còn trực giác là bản năng vươn đến nấc thang thụ cảm.

Mặc dầu dựa vào thuật ngữ sinh học, nhưng Bergson vẫn phải thừa nhận rằng không thể định nghĩa đầy đủ về trực giác mà phải cảm nhận nó,  phải trải qua. Nhưng đó mới là ưu thế của trực giác! Bản chất phi lý tính của trực giác loại trừ tính quy định lô-gíc, loại trừ sự diễn đạt nó trong các khái niệm (9,  5,  6). Tóm lại, “tri thức trực giác không cần đến khái niệm” cũng đồng thời là tri thức triết học, hay siêu hình học “… triết lí là sự thâm nhập vào đối tượng bằng nỗ lực của trực giác…” (9,  5,  23). Điều kiện trước tiên của trực giác – hoàn toàn vứt bỏ mọi vướng bận vào hành động thực tế có ích. Nếu lý trí phục vụ cho hành động nên chưa hẳn đem đến tri thức “phổ biến”, thì nhận thức bằng trực giác vượt qua ý nghĩa “phàm tục” ấy, đạt tới trình độ chiêm nghiệm thuần túy. Có hai loại trực giác: trực giác triết học nắm bắt dòng chảy sự sống, trực giác nghệ thuật hướng đến tự do và sáng tạo cá nhân. Nghệ thuật là hoạt động sáng tạo,  vượt ra khỏi những khuôn mẫu trói buộc. Tài năng nghệ thuật không nhất thiết là năng lực phản ánh hiện thực bằng hình tượng, mà là năng lực phản kháng, “nổi loạn”, thoát ly hiện thực để trở về với thế giới bên trong của mình (nghệ thuật vị nghệ thuật). 

Điều kiện thứ hai của trực giác – xung đột ý chí mãnh liệt. Trực giác đối lập với toàn bộ hoạt động của ý thức chúng ta, vốn quen dựa vào quan hệ trí năng với các sự vật bên ngoài. Để đạt tới trực giác cần thiết phải chuyển dịch sự chú ý, sử dụng sức mạnh ý chí “trục xuất” trí năng ra ngoài (10, 174). Triết lý nghĩa là xoay chiều tư tưởng theo hướng ngược với bình thường (9, 5, 36). Đối tượng trực tiếp của nhận thức trực giác là cá nhân ta, “cái Tôi của chúng ta, cái Tôi đang trải dài” (9, 5, 7). Cùng với sự nỗ lực của ý chí, chúng ta vượt qua ranh giới của chính mình, độ dài cái Tôi mở rộng đến phạm vi Vũ trụ, đến sự sống như quá trình thế giới. Bản thân cái Tôi giờ đây là biểu hiện của sự sống Vũ trụ. Cái Tôi hoàn toàn tự do, không tuân theo một quỹ đạo máy móc nào, không chịu sự quy định bất kì điều kiện tiên quyết nào. Nhân cách được sáng tạo trong trưởng thành, và trưởng thành trong sáng tạo.

Bergson đã dành cho sự sống một ưu thế gần như tuyệt đối, hiểu nó như quá trình sinh thành sáng tạo không mệt mỏi, chi phối sự tiến hóa của thế giới. Tiến hóa của thế giới hữu cơ – đó là tiến hóa của ý thức cá nhân vươn ra và định hình tại thế giới bên ngoài. Vật chất, xét theo mối quan hệ với tinh thần, không phải là một bản nguyên độc lập, mà là nấc thang thấp nhất của tinh thần, phản ánh sự suy yếu năng lực sáng tạo của tinh thần. Ý chí sáng tạo khi nó tích cực; ý chí suy yếu khi nó thụ động; lúc ấy các yếu tố vật chất rơi rớt ra, tựa như chất cặn vun vãi từ dung dịch. Vật chất đại diện cho hiện thực bị phân hủy, thoái hóa, ù lì. Ngược lại “sự sống” phô bày một hiện thực sáng tạo, theo hướng đi lên, một động năng tinh thần luôn luôn cố gắng ngăn chặn sự thoái hóa của vật chất. Nói tóm, không phải vật chất, mà ý thức và siêu thức mới đóng vai trò khởi nguyên sự sống. Chúng được Borgson ví như quả tên lửa mà những mảnh vỡ còn sót lại đã tắt của nó rơi rớt dưới dạng vật chất. Ý thức là cái được giữ lại từ quả tên lửa ấy, và “xuyên thủng những mảnh vỡ, nghiền nát chúng, đốt cháy chúng, thắp chúng sáng lên trong từng cơ thể sinh vật” (10, 33). “Siêu thức” là trung tâm mà từ đó “như từ bó hoa lớn muôn màu sắc ngàn bạn thế giới phóng chiếu ra”, là Thượng đế, biểu tượng sáng tạo vĩ đại. “Thượng đế, được xác định như thế, không hề có điểm kết thúc nào. Ngài là sự sống không ngừng trôi, là hành động và tự do” (10,  222). Siêu hình trực giác trở thành siêu hình thần bí. “Sinh khí sống”, bản nguyên ý chí sáng tạo, chung quy, là Thượng đế. Thượng đế in dấu ấn lên những bước tiến hóa sáng tạo đầy bất ngờ trong vũ trụ.

“Tiến hóa sáng tạo”, theo nghĩa đó, là “một chuỗi những nhảy vọt không lường trước, loại trừ mọi khả năng dự báo” (110, 129). Bergson lý giải sự tiến hóa từ vật chất vô cơ sang vật chất hữu cơ theo tinh thần thuyết sức sống, dựa vào bản nguyên sống đặc thù (ý thức). Vật chất ngưng động, chết cứng “sưởi ấm” bởi bản nguyên sống, hồi sinh trở lại,  biến thành những thực thể sống, và bắt đầu cuộc hành trình tiến hóa theo mô típ của “sinh khí sống” xuất phát từ siêu thức thần linh. Bergson hẳn không xa lạ gì với những phát minh khoa học của thời đại mình, nhất là tư tưởng đã được thừa nhận rộng rãi rằng sự sống xuất hiện trên cơ sở tiến hóa lâu dài, còn ý thức hình thành ở nấc thang cao nhất của sự sống. Tuy nhiên sự sùng bái ý thức (cũng như Hegel trước đây sùng bái lý trí) đã đẩy ông tới chỗ xem ý thức như cơ sở của quá trình tiến hóa. Nếu ý thức cá nhân, tinh thần là tự do tuyệt đối, thì đời sống tâm lý, dòng chảy xúc cảm cá nhân luôn đầy ắp sáng tạo, thậm chí diễn ra trong những điều kiện không thuận lợi. “Tiến hóa sáng tạo” không bị lệ thuộc vào tính quy luật,  không ép mình theo những luồng, những tuyến đã dự báo. Nhờ thế sự sống sinh sôi nảy nở, không nhàm chán mà luôn luôn thú vị, quyến rũ,  mới mẻ.

Thuyết sức sống của Bergson nhấn mạnh: “sinh khí sống” truyền từ bào thai này sang bào thai khác và thúc đẩy cơ thể đi tới hoàn thiện, theo con đường tiến hóa sáng tạo. Dòng chảy sự sống thống nhất ban đầu phân tích ra ba lĩnh vực sự sống chủ yếu: sự sống thực vật, sự sống bản năng và sự sống lý trí. Bản năng thực hiện trong việc tạo ra những công cụ sinh tồn,  lý trí cần cho việc xác lập những công cụ nhân tạo. Bản năng và lý trí đều có ở con người, trong đó lý trí thể hiện nấc thang tiến hóa cao nhất. Song vì lý trí mang tính chất trừu tượng và máy móc, nên nó không đủ sức nắm bắt,  cắt nghĩa độ dài liên tục của sự sống.

Triết học sự sống của Bergson tỏ ra sắc sảo trong việc phân tích những vấn đề xã hội, tiêu biểu nhất là học thuyết “xã hội mở” và “đạo đức mở”. Châu Âu thời Bergson ngập tràn bóng tối và chết chóc: khủng hoảng kinh tế, sự thắng thế của chủ nghĩa của phát xít ở Đức và Ý, nguy cơ bùng nổ chiến tranh toàn cầu…. Điều đó khiến Bergson liên tưởng đến “trạng thái tự nhiên” thú vật, trạng thái “chiến tranh của tất cả chống lại tất cả” mà trước đó các nhà tư tưởng theo khuynh hướng “khế ước xã hội” như T. Hobbes, J. J. Rousseau đề cập. Ông đối lập dứt khoát “xã hội khép kín” và “xã hội mở”.

Bergson gọi cộng đồng sinh học là “xã hội khép kín’’, những nhóm người chỉ loanh quanh trong khuôn khổ một bộ lạc, một thành phố, một quốc gia. Tuy nhiên ở con người không chỉ tồn tại “bản nguyên thú’’, mà có cả “bản nguyên thần’’. Chính nghị lực và ý chí, “sinh khí sống’’ đã cổ vũ con người phá vỡ những ràng buộc, vượt qua những biên giới chật hẹp,  thiết lập (trong lý tưởng ) xã hội mở, bao gồm toàn thể nhân loại. Trên cơ sở bản tính hai mặt của con người nổi lên hai kiểu quan hệ xã hội, hai kiểu đạo đức và tôn giáo.Trong xã hội khép kín bản năng xã hội chiếm địa vị thống trị, sản sinh ra một nền đạo đức khép kín với chức năng bảo vệ lợi ích một nhóm xã hội nhất định. Nền đạo đức này thiếu bản sắc mang tính chất cưỡng chế, mệnh lệnh. Là thứ đạo đức bản năng, nó dựa vào thói quen và đòi hỏi mọi thành viên tuân phục như một nghĩa vụ. Cá nhân phải phụng sự vô điều kiện chế độ xã, nếu ngược lại đạo đức không còn giá trị định hướng nữa (trong thời gian chiến tranh chẳng hạn). Tương tự như đạo đức khép kín, “tôn giáo tĩnh’’ cũng không có chức năng bảo vệ xã hội khép kín .

Nếu chỉ có bản năng thì con người sống cho xã hội không chút đắn đo,  suy tính, tựa như con kiến, con ong. Nhưng trí tuệ khơi dậy ở con người sự hoài nghi, đánh thức ý tưởng về sự chết, thách thức những nỗ lực của bản thân, kích thích thói vị kỷ… Mục đích của “tôn giáo tĩnh’’ là làm thui chột sức mạnh phân tích của lý trí và hòa tan con người vào xã hội. Nó thực hiện mục đích này bằng cách buộc con người tuân thủ những qui chuẩn của đạo đức khép kín, đồng thời gieo vào lòng họ niềm tin về sự bất tử, sự cứu rỗi của những sức mạnh tối cao. Tôn giáo phục vụ cho sự nghiệp củng cố trật tự xã hội.

Xã hội khép kín tồn tại cho những cuộc chiến tranh, và nhờ chiến tranh mà nó có đất để tồn tại. Chiến tranh là điều kiện không tránh khỏi trong một xã hội mà con người sống dối trá, lừa lọc và giám sát nhau (xem 110, 297). Bản năng gây hấn ăn sâu bám rễ trong mỗi cá nhân, là cơ sở của nền văn minh: con người chất chứa lòng hận thù đối với kẻ ngoại bang, thích xung trận, khoái chí sử dụng những cái cớ nhỏ nhất để đánh nhau, xem hòa bình chỉ là chặng nghỉ giữa cuộc chiến. Cội nguồn sâu xa của chiến tranh là chế độ sở hữu, nhưng nguyên nhân trực tiếp của nó tại châu Âu lại là nạn nhân mãn. Nếu Nietzsche đôi khi ca ngợi chiến tranh như giải pháp cứu vãn sự đổ vỡ những giá trị, thì Bergson đòi hỏi chấm dứt mọi xung đột giữa người với người. Để chấm dứt chiến tranh nên hạn chế sinh đẻ và hạ thấp nhu cầu cá nhân đến mức tối thiểu. Từ lập trường “tự nhiên’’ Bergson cho rằng sự phân chia xã hội ra thành hai giai cấp chủ yếu – thống trị và bình trị - là điều kiện tiên quyết của tổ chức xã hội. Hệ thống chính trị “tự nhiên’’ nhất là quân chủ và hoạt đầu (oligarchie), cách biệt với chúng là dân chủ, chỉ tồn tại trong lý tưởng. “Quyền lực tuyệt đối ở một phía, sự tuân phục tuyệt đối - ở phía khác … Một hay một số cá nhân ra lệnh, những người khác tuân theo, - đó là đòi hỏi của tự nhiên’’ (110, 239 - 240).

Khác với đạo đức khép kín, đạo đức mở, hay đúng hơn, đạo đức của xã hội mở, vượt qua khuôn khổ các quyền lợi dân tộc và quốc gia, hướng tới toàn thể nhân loại; nó đưa ra những nguyên lý về tính chất thiêng liêng của cá nhân, về tự do cá nhân, về bình đẳng của tất cả mọi người, hoàn toàn xa lạ với đạo đức khép kín. Các nguyên lý này do những vĩ nhân xác lập ra, nhưng không như những mệnh lệnh, mà như những lời hiệu triệu, không cưỡng chế, mà thu hút, mời gọi. Nền đạo đức mở tiếp cận với tôn giáo “động’’, truyền bá tình yêu thiêng liêng giữa mọi người, đi vào tâm hồn mỗi chúng ta, hòa nhập với “sinh khí sống’’, với năng lực sáng tạo diệu kỳ. Thiên chúa giáo là kết tinh của tôn giáo ấy. 

Động lực phát triển trực tiếp của cả xã hội khép kín lẫn xã hội mở là ý chí và hoạt động của những vĩ nhân. Sự phát triển của lịch sử đầy bất ngờ, ngẫu nhiên với sự đột phá vượt qua tính quy luật. Không một lý trí nào, thậm chí lý trí siêu nhân, có thể tiên đoán khuynh hướng phát triển của xã hội. “Chúng ta không tin vào định mệnh của lịch sử. Không có chướng ngại nào mà ý chí không thể vượt qua… Do vậy không có quy luật lịch sử tất yếu nào cả’’(110,  317).

Tìm hiểu những nét căn bản của triết học Bergson, có thể rút ra một vài nhận định :

1/ Học thuyết của Bergson là thứ trường thi triết học mà ở đó phép ẩn dụ thay thế cho những luận giải của lý trí, còn tư tưởng hướng đến những xúc cảm và năng lực tưởng tượng của người đọc và người nghe. Vũ trụ quan Bergson là vũ trụ quan huyền thoại – nghệ thuật. Mục tiêu của ông là hạ thấp uy tín thuyết tiến hóa sinh học của Dawin, nhằm phổ biến học thuyết của mình lên toàn bộ tự nhiên hữu cơ và xác lập “triết học vũ trụ phổ quát’’, tràn ngập tinh thần phi lý tính và thần bí. Mặc dầu Bergson không phải là nhà triết học tôn giáo chính thống, song tư tưởng của ông về bản nguyên Thượng đế xuyên suốt siêu hình học, lý luận tiến hóa sáng tạo, học thuyết xã hội - đạo đức, lại được bao phủ bởi một màn sương thần bí - tôn giáo đặc trưng. Bergson-“Triết gia dị giáo”, bậc tiền bối của Teilhard de Chardin.

2/ Vấn đề con người, cuộc sống nội tâm và thế giới cảm xúc được khắc họa bằng dòng cảm xúc thời gian, độ dài liên tục, làm nên nét riêng của triết học Bergson, và đưa ông vào hàng ngũ những người mở đường cho triết học hiện sinh. Tính chất hai mặt của đạo đức mà Bergson lưu ý trong học thuyết xã hội - đạo đức chính là sự lý giải tính chất mâu thuẫn của nền đạo đức phương Tây. Nền đạo đức ấy có tham vọng hướng đến tính chất nhân loại chung, nhờ đó mà chứng tỏ bộ mặt của mình, khác với nền đạo đức của xã hội chiếm hữu nô lệ và xã hội phong kiến. Lẽ cố nhiên đạo đức trong các xã hội trước mang nặng tính đẳng cấp. Đạo đức mới, ngược lại, ngay từ đầu đã đã khẳng định quyền bình đẳng của tất cả mọi người. Song sự bình đẳng này là bình đẳng hình thức trước Chúa, trước pháp luật và ý thức đạo đức. Thực ra đạo đức ở xã hội phương Tây hiện đại luôn luôn có tính giai cấp, bảo vệ quyền lợi của một giai cấp nhất định. Bergson đã cảm nhận điều này, nhưng ông lý giải nó một cách mơ hồ trong học thuyết về hai nguồn gốc và hai kiểu đạo đức.

3/. Triết bọc Bergson ảnh hưởng đáng kể đến đời sống văn hóa, chính trị - xã hội phương Tây thế kỷ XX. Trước hết phương pháp của Bergson ảnh hưởng trực tiếp đến văn học nghệ thuật, đến sân khấu điện ảnh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà năm 1927 ông nhận được giải Nobel về văn chương, và được một triết gia khác, sinh sau đẻ muộn hơn nhưng nổi tiếng không kém - J. P. Sartre - đánh giá rất cao. Sự ảnh hưởng này có tính chất hai mặt. Phi lý tính của Bergson trở thành mảnh đất phát sinh và phát triển của nhiều trào lưu triết học hiện đại. Nhưng còn một khía cạnh khác đã tôn vinh hình ảnh Bergson: ông vạch ra cho hội họa những con đường mới mẻ,  hấp dẫn để lột tả chiều sâu tâm hồn con ngươi. Ông xác lập cách tiếp cận mới về con người, khai mở khả năng cho những phong cách và bút pháp mới trong văn chương. Theo ông cần phải hình dung hiện thực trong nghệ thuật như dòng ý thức mà ở đó không có cái gì được tiêu liệu trước, không có tính quy luật, không có nhịp điệu ổn định, dòng chảy ấy là dòng chảy đầy ắp những ngẫu nhiên, những thôi thúc bất ngờ, ngẫu hứng, chưa ý thức kịp. Thời gian thông thường mất hết ý nghĩa trước dòng chảy ấy, bởi lẽ cái gì xảy ra lúc nào đó đều trở thành một phần của chính con người, lưu giữ trong ký ức, làm cho những sự kiện của quá khứ (hồi nhớ) và tương lai (dung tưởng) dường như cũng diễn ra.

Đặc trưng của tiểu thuyết truyền thống là bố trí các sự kiện theo trình tự thời gian. Trong các tác phẩm hiện đại những sự kiện khác nhau về thời gian và không gian thường đan xen lẫn nhau, mà vẫn thể hiện được dòng chảy thống nhất không ngừng của ý thức; ở đó phần đầu có thể đưa vào cuối, phần cuối có thể đưa lên đầu, không đơn giản tường thuật sự kiện, mà làm toát lên sự cảm thụ của nhân vật về sự kiện. Lẽ cố nhiên phương pháp nghệ thuật được xác lập trên cơ sở quan niệm về dòng ý thức không hẳn là cột mốc dẫn đường lý tưởng cho nghệ thuật. Song khó mà hình dung nghệ thuật đương đại thiếu vắng những tác giả sử dụng phương pháp đó. 

Nói đến những đóng góp của Bergson vào các lĩnh vực ngoài triết học không thể bỏ qua sức hấp dẫn của chủ nghĩa yêu nước nồng cháy trong những trang viết của ông. “Tinh thần Pháp”, ý chí chiến thắng, sức mạnh của tự do, sự hy sinh quên mình vì nghĩa lớn - đó là những lời hiệu triệu đến các thế hệ những người yêu nước Pháp trong cuộc chiến tranh giải phóng chống phát xít Đức. Sẽ không quá đáng nếu nói rằng tư tưởng quân sự của S. de Gaulle chịu một phần ảnh hưởng của Bergson.

4/. Phương pháp luận khoa học đòi hỏi đánh giá một học thuyết triết học từ vị trí của nó trong cuộc luận chiến giữa các khuynh hướng trường phái khác nhau. Triết học phi lý tính - duy tâm chủ quan Bergson, với tất cả những mặt tích cực và hạn chế lịch sử của mình, đóng vai trò đáng kể trong đời sống văn hóa nhân loại. Nó tạo điều kiện cho sự ra đời của chủ nghĩa cách tân (modernism) trong nghệ thuật, làm phong phú thêm kho tàng sáng tạo của người nghệ sĩ. 

Đánh giá khách quan, đúng mực, toàn diện một con người cần phải đặt con người đó trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. 

 



[1] Các tài liệu tham khảo trong bài viết này chủ yếu là tiếng Nga, chúng tôi không xử lý được, vì thế, độc giả nào quan tâm thì có thể đối chiếu với bản gốc trong sách in. Chúng tôi rất xin lỗi vì sự bất tiện này (triethoc.edu.vn).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn Hoàng kỳ - 16:48 28/03/2024
Cảm ơn.
Tôi ý thức được rằng không đủ câu từ để cảm ơn hai người đàn ông ấy.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt