Triết học tôn giáo

Bertrand Russell nói về tôn giáo

BERTRAND RUSSELL NÓI VỀ TÔN GIÁO

Bertrand Russell trả li phng vấn

 


Bertrand Russell. "Tôn giáo" trong Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại, Nguyễn Hiến Lê dịch Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1996. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.


 

Thưa Huân tước Russell, Huân tước đã say mê tôn giáo lần nào chưa?

BERTRAND RUSSELL (B.R): Có. Hồi thiếu niên, tôi rất mộ đạo, cho rằng không gì quan trọng bằng tôn giáo - có lẽ trừ môn toán ra. Chính vì thiết tha với tôn giáo mà tôi mới tìm hiểu vì lẽ gì tôi tin, trọng nó như vậy (tôi nhận rằng trường hợp của tôi khá đặc biệt). Và tôi đã chuyên chú tới ba vấn đề mà tôi cho là thiết yếu. Thượng đế, linh hồn bất diệt, ý chí tự do. Tôi đã suy nghĩ về ba vấn đề đó theo thứ tự từ dưới lên trên, nghĩa là bắt đầu từ vấn đề ý chí tự do. Và lần lần tôi tới kết luận này, là tôi không có một lí do gì để tin ở ba cái đó cả. Tôi đã tưởng là không còn lí do để tin nữa thì tôi sẽ thất vọng vô cùng, mà lạ lùng thay, tôi chẳng thất vọng chút nào cả.

Cụ có thể cho chúng tôi biết do đâu mà cụ đã nhất quyết không tin ba điều đó nữa?

B.R: Về vấn đề ý chí tự do, hồi đó tôi đã dùng một luận cứ không giá trị gì mấy; và ngày nay tôi cho rằng nó chẳng chứng thực được gì cả. Luận cứ đó như vầy: mọi chuyển động vật chất đều tuân theo những luật về động lực; chẳng hạn môi của chúng ta mấp máy do một quyết định về vật chất, và như vậy tôi không thấy chúng ta có thể tác động gì tới những gì mình nói ra. Lý lẽ đó chẳng có giá trị gì hết, nhưng hồi đó tôi cho là chắc chắn chứ. Về vấn đề linh hồn bất diệt: thì theo tôi, thể chất và tinh thần hiển nhiên là liên quan với nhau, mà sự liên quan đó muốn ra sao thì ra, bề gì cũng thân thiết hơn là chúng ta tưởng; và không có lí do gì để cho rằng tinh thần còn tồn tại khi mà bộ óc đã thối nát rồi. Còn về vấn đề Thượng Đế… người ta đã đưa ra nhiều lí lẽ để chứng tỏ rằng có Thượng Đế; hồi xưa tôi nghĩ mà bây giờ tôi vẫn còn nghi rằng tất cả những lí lẽ đó tuyệt nhiên không có giá trị gì cả, và nếu người ta không có cái nhu cầu rút một kết luận từ cái đó ra, để rồi tin tưởng, thì không ai chấp nhận những lí lẽ đó cả.

Tôi chưa  hiểu rõ ý cụ khi nói rằng các luật về động học trái ngược với thuyết ý chí tự do?

B.R: Tôi xin nhắc lại, đó là một suy tư thời niên thiếu của tôi. Hồi đó, căn cứ vào các luật về động học, tôi nghĩ rằng tất cả các chuyển động của vật chất, từ những chuyển động của tinh vân nguyên thủy trở đi, tất cả đều đã hoàn toàn quyết định rồi, mà lời nói (cũng là một thứ chuyển động) thì cũng vậy nữa. Vậy, hồi đó tôi nghĩ rằng, do những luật về động học, cái tinh vân nguyên thủy đã chưa sẵn và rất đúng (nghĩa là đã quyết định trước từng li từng tí) những lời mà một người nào đó, ông X hay ông Y, sẽ nói sau này trong bất kì trường hợp nào. Do đó, ông X hay ông Y có ý chí tự do gì đâu khi ông ta nói một lời nào đó.

Cụ có thể quả quyết rằng không Thượng Đế không, hay cụ chỉ muốn nói rằng không có gì chứng tỏ rằng có Thượng Đế?

B.R: Không, dĩ nhiên, tôi quả quyết rằng không có Thượng Đế. Tôi nghĩ rằng vấn đề cũng như vấn đề thần thoại Hi Lạp hay Na Uy. Các vị thần trền núi Olympe (Hi Lạp) hay trong đền Valhalla (Na Uy) cũng có thể có được chứ; tôi không thể chứng thực rằng không có các vị đó; nhưng tôi cũng nghĩ rằng đấng Thượng Đế của Ki Tô giáo cũng không chắc gì có hơn các vị thần kia. Các vị ấy chỉ có thể có được thế thôi.

Theo cụ thì những biểu thị của tôn giáo có lợi hay có hại?

B.R: Tôi cho rằng trên dòng lịch sử, hầu hết những biểu thị của tôn giáo đều có hại. Tôn giáo cũng có được một số lợi ích: nhờ tôn giáo mà các tu sĩ Ai Cập thời cổ đã làm ra lịch, đã ghi khá kĩ các lần nhật thực, nguyệt thực để đoán được bao giờ thì những hiện tượng đó sẽ trở lại. Nhưng trong đa số trường hợp, hậu quả đều tai hại. Tai hại vì người ta cho rằng có một điều rất quan trọng là con người phải tin những cái mà chưa ai chứng thực được rằng có, thành thử tư tưởng của mọi người sai lầm đi, chế độ giáo dục cũng sai lầm đi; và từ những cái chưa được chứng thực mà người đã vội tin đó, người ta dựng nên một luân lí tuyệt đối, tà ngụy; có những điều chúng ta nên tin, nếu tin thì hại, ấy là chưa kể những điều đó đúng hay sai. Xét chung thì tôi cho rằng tôn giáo đã có nhiều hậu quả tai hại. Nó thần thánh hóa chủ nghĩa bảo thủ, cứ bám lấy những tục lệ thời trước, nhất là nó thần thánh hóa sự cố chấp, bất bao dung và lòng căm thù. Cái thái độ, những hành động cố chấp, bất bao dung trong tôn giáo, nhất là ở Châu Âu, quả thực là ghê tởm.

Phải cụ muốn nói tới cái thứ kiểm duyệt tinh thần nó ngăn cản sự tự do tư tưởng?

B.R: Chính vậy. Đây xin lấy thí dụ một trường học, bất kì một trường nào cho nam sinh hay nữ sinh, ở bất kì nơi nào trên thế giới, ông cũng thấy luôn luôn người ta nhồi cho trẻ một tín ngưỡng nào đó. Ở một quốc gia Ki Tô giáo, thì người ta nhồi thứ tín ngưỡng nay, ở một quốc gia cộng sản thì người ta nhồi thứ tín ngưỡng kia. Nhưng ở đây hay ở kia thì người ta cũng dạy một điều mà chứng cứ không được xét một cách vô tư; và người ta không khuyến khích trẻ tìm những chứng cứ để bác lại.

Vậy thì từ xưa tới nay, do đâu mà loài người có cái nhu cầu tôn giáo đó?

B.R: Theo tôi thì trước hết là do lòng sợ sệt. Loài người tự cảm thấy mình rất đỗi bất lực. Và có ba cái làm cho con người sợ sệt. Một, là sợ Thiên Nhiên, có thể mình bị sét đánh, hoặc bị chôn sống trong một cuộc động đất. Hai, là sợ các người khác: chẳng hạn, trên chiến trường địch có thể giết mình được. Ba, là sợ ngay những đam mê của ta (ở đây, chúng ta gần tiếp xúc với khu vực tôn giáo), nhưng đam mê đó khi mãnh liệt quá, có thể thúc đẩy mình làm những điều mà sau bình tĩnh lại rồi, mình sẽ rất ân hận. Do những lẽ đó mà đa số chúng ta sống trong cảnh sợ hãi. Tôn giáo giúp cho chúng ta bớt lo sợ đi.

Nhưng các nhà sáng lập ra các tôn giáo đầu có truyền báo cho chúng ta như vậy?

B.R: Không. Nhưng các nhà sáng lập ra các tôn giáo – tôi nhấn mạnh: các tôn giáo – đâu có liên quan gì bao nhiêu với những lời thuyết giáo của các môn đồ. Quả thực là chẳng được bao nhiêu. Lấy một thí dụ: cấc quân nhân nghĩ rằng trong sự chiến đấu với cấc quốc gia phía Đông, đức tin Ki Tô giáo quan trọng lắm; họ nghĩ rằng nếu ông không phải là tín đồ Ki Tô giáo thì ông chiến đấu không hăng hái. Nhưng này, tôi đã đọc bài “Thuyết giáo trên Núi” (của chúa Ki Tô), tôi không thấy có một chút nào khuyến khích người ta chế tạo bom H cả. Tuyệt nhiên không có một chữ.

Nhưng cụ có nghĩ rằng bây giờ tôn giáo còn có thể có hại không? Xét chung thì những điều cụ chỉ trích đó đã xảy ta từ lâu rồi. Còn bây giờ thì sao?

B.R: Thì cũng vẫn vậy. Thí dụ về bom H mà tôi mới đưa ra đó – khốn thay – đâu phải là chuyện đã qua rồi, và tôi nghĩ rằng hiện nay, thứ tôn giáo như người ta thấy hiện thân trong các Giáo hội đó, cản trở mọi gắng sức suy tư chính trực, mà làm cho những cái chẳng có chút giá trị gì được coi trọng. Có một điều tự nó sai lầm rồi, tức ý nghĩa của cái người ta cho là quan trọng.

Cụ có thể cho chúng tôi một thí dụ được không?

B.R: Được lắm. Đế quốc La Mã sụp đổ, nhưng các Linh mục trong Giáo hội có quan tâm tới cái đó đâu. Họ chỉ lo làm sao phụ nữ giữ được trinh khiết thôi. Cái đó, đối với họ mới là rất quan trọng.

Và họ làm gì cho chủ trương của họ?

B.R: Họ hô hào thiên hạ. Còn các đạo quân chiến đấu ở biên cương, sự cải cách chế độ thuế khóa, tài chính thì họ không quan tâm tới. Họ chỉ biết có mỗi một cái mà họ cho là quan trọng hơn cả một đế quốc. Ngày nay nhân loại cũng đương sụp đổ và tôi thấy nhiều giáo sĩ địa vị rất cao chỉ nghĩ tới vấn đề làm sao ngăn được sự thụ thai nhân tạo; họ cho việc đó quan trọng hơn nhiều việc ngăn ngừa thế chiến nó sẽ tiêu diệt nhân loại không còn lấy một mạng. Theo tôi, họ như thiếu ý thức về cân xứng, cái quan trọng thì cho là tầm thường và ngược lại.

Nhưng cụ cũng nhận rằng đôi khi tôn giáo cũng làm được nhiều việc hữu ích chứ. Chẳng hạn đã đảm nhiệm sự giáo dục trong những xứ mà có lẽ không một chế độ nào khác có thể xâm nhập được: tôi nghĩ tới nước Miến Điện chẳng hạn, tại đó các nhà sư đã thực hiện được một công trình lớn lao là dạy dỗ kẻ nghèo.

B.R: Có thể lắm. Tôi cho rằng trong phạm vi đó, các tu sĩ giòng thánh Benoit còn làm được nhiều hơn các nhà sư nữa. Nhưng trước khi làm được việc thiện thì họ đã bắt đầu làm việc ác rồi. Mới đầu là gây tai hại lớn lao, rồi sau mới được một chút ích lợi.

Nhưng còn những người cảm thấy phải có một tín ngưỡng, một tôn giáo mới đương đầu nổi với cuộc sống thì sao?

B.R: Tôi cho rằng những người đó có cái thái độ như khiếp nhược. Ở trong phạm vi khác thì người ta khinh thái độ đó, nhưng trong phạm vi tôn giáo thì người ta lại khen nó là đáng phục. Tôi thì trong phạm vi nào, tôi cũng không bao giờ khen thái độ khiếp nhược cả.

Nhưng tại sao cụ lại gọi như vậy là khiếp nhược chứ?

B.R: Là vì họ không thể đương đầu với cuộc sống mà không dựa vào cái này hay cái khác. Chúng ta phải có thể đương đầu nổi với cuộc sống bằng những phương tiện mà cuộc sống tặng chúng ta. Đó là chuyện… có can đảm cùng không.

Cụ cho rằng những kẻ trút bỏ những khó khăn của mình, để mặc Thượng Đế, hoặc một tu sĩ, hoặc một tổ chức tôn giao lo cho, mà khỏi phải đương đầu với những nỗi khó khăn đó, là có thái độ khiếp nhược sao?

B.R: Phải. Xin ông thử xét tình trạng vô cùng nguy hiểm của thế giới lúc này. Luôn luôn tôi nhận được những bức thư của những người bảo tôi rằng: “Thượng Đế sẽ lo cho!” Nhưng từ xưa tới nay Thượng Đế có bao giờ lo cho đâu, như vậy tôi không hiểu có cái gì làm cho gọ tin rằng sau này Ngài sẽ lo cho họ.

Cụ muốn nói rằng chính sách ấy không sáng suốt chút nào không? Cụ cho rằng mình phải đích thân xoay sở lấy, không nên trông cậy vào bất cứ người nào chăng?

B.R: Đúng vậy

Cụ bảo tôn giáo tai hại cho loài người, nhưng loài người vẫn một mực muốn có một tôn giáo. Tại sao vậy?

B.R: Loài người ư? Không, tôi không tin vậy. Chỉ có một số người thôi và những kẻ đó bị thói quen chi phối. Có những xứ mà người nào cũng dùng cà khêu để đi và họ không thích đi bằng cách khác. Tôn giáo thì cũng thế. Có những xứ quen với tôn giáo rồi. Tôi mới qua chơi bên Trung Hoa một năm, và tôi nhận thấy, xét chung, các người Trung Hoa trung lưu không theo một thứ tôn giáo nào cả, và không vì vậy mà họ kém sung sướng- nếu xét những hoàn cảnh khó khăn của họ thì tôi còn ngờ rằng họ sung sướng hơn những người theo Ki Tô giáo nữa.

Một tín đồ Ki Tô giáo tất sẽ bảo cụ rằng nếu người Trung Hoa theo Ki Tô giáo thì họ sẽ sung sướng hơn nhiều.

B.R: Tôi không tin rằng người đó có thể đưa ra một chứng cớ dù là nhỏ nhặt, để chống đỡ ý kiến của họ được.

Nhưng loài người bao giờ mà chẳng đi tìm một lí do để tin tưởng, một lí do ở ngoài bản thân mình và có vẻ lớn lao hơn nhiều? Mà không cho tin tưởng như vậy chỉ là khiếp nhược, trút được nỗi ưu tư đi, trái lại còn cho là một lẽ cao cả để hi sinh nữa.

B.R: Phải lắm, nhưng có thiếu gì cái lớn lao hơn ta. Trước hết có gia đình ta này. Rồi tới quốc gia này. Rồi tới nhân loại này. Những cái đó đều lớn hơn ta và cho ta một trường hoạt động mênh mông đủ cho ta tha hồ dùng tất cả nhũng tình cảm chân thành, tốt đẹp đúng như thiện ý của ta được.

Cụ có nghĩ rằng tổ chức tôn giáo lại sẽ tiếp tục nắm chặt nhân loại như vậy nữa không?

B.R: Theo tôi, cái đó còn tùy giải pháp mà loài người tìm ra hay không tìm ra được cho các vấn đề xã hội. Nếu vẫn còn những cuộc đại chiến, những cuộc áp chế dữ dội, nếu đa số nhân loại vẫn còn sống cuộc đời điêu đứng, thì có phần chắc rằng tôn giáo sẽ còn tồn tại. Vì tôi nhận thấy rằng lòng tin tưởng ở sự nhân từ của Thượng Đế tăng, giảm theo tỉ lệ ngược với những bằng chứng của sự nhân từ đó. Khi không có một bằng chứng nào cả thì người ta lại càng tin rằng Thượng Đế nhân từ; khi tình cảnh cải thiện hơn, đáng lí người ta tin rằng Thượng Đế quả thực nhân từ, thì trớ trêu thay người ta lại không tin. Do đó mà tôi nghĩ rằng nếu các vấn đề xã hội giải quyết xong thì tôn giáo sẽ chết. Ngược lại, hễ còn những vấn đề đó thì tôn giáo vẫn còn sống. Ôn lại dĩ vãng, chúng ta thấy không thiếu gì thí dụ. Ở thế kỉ XVIII, cái gì cũng yên ổn cả thì đa số các tri thức đều là những nhà tự do tư tưởng (nghĩa là không tin có Thượng Đế, không theo tôn giáo). Rồi tới cuộc Cách mạng Pháp, các nhà quí phái Anh kết luận rằng sự tự do tư tưởng đưa thẳng tới đoạn đầu đài. Vì vậy họ bỏ chủ trương đó mà hóa ra mộ đạo đáo để: đó là thời đại Nữ hoàng (Anh) Victorria. Cách mạng Nga thì cũng vậy. Cuộc cách mạng này làm cho mọi người kinh hoảng: người ta tự nhủ, nếu không tin ở Thượng Đế thì tài sản sẽ bị tịch thu hết; và người ta tin ở Thượng Đế. Tôi nói thực đấy, ông ạ, những cuộc hỗn loạn xã hội đó vô cùng có lợi cho tôn giáo.

Cụ có tin rằng khi cụ và tôi, chúng mình chết đi, thì là tiêu diệt hẳn không còn gì nữa không?

B.R: Tin chứ sao lại không. Tôi biết rằng cơ thể chúng ta sẽ tan rã, và tôi không thấy có lí do gì để cho rằng tinh thần còn tiếp tục tồn tại khi mà cơ thể đã tan rã.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn Duy Long - 22:40 13/12/2014
Cuộc phỏng vấn một người vĩ đại thế này mà ít người đọc hay bình luận quá.
Nguyễn Hoàng Ninh - 13:10 27/08/2015
Thanks ad, bài đọc hay quá. Cho mình hỏi thêm, sao ad ko up hết toàn bộ quyển sách. để người đọc có cái nhìn tổng quát qua từng chương. Rồi đưa ra 1 cái nhìn của mỗi người. Đọc dứt đoạn mình tiếc lắm ^^
Nguyễn Thành Sang - 12:13 22/11/2015
Hay lắm!
Trần Văn Thành - 20:59 29/03/2017
Bertrand Russel có những lời phát biểu không được thuyết phục.
Về vấn đề ý chí tự do, linh hồn bất tử, Thượng Đế nên đọc lại Immanuel Kant.
Russell có cái nhìn duy khoa học, triết gia chỉ dừng lại thế giới hiện tượng chưa thực sự là một triết gia chân chính.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt