Triết học tôn giáo

Câu hỏi 21. Về sự công bình và nhân từ của Thiên Chúa

 

CÂU HỎI 21

 

VỀ SỰ CÔNG BÌNH VÀ NHÂN TỪ CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh


 

 

Sau khi nghiên cứu tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta phải thảo luận về sự công bình và sự nhân từ của Thiên Chúa. Về vấn đề này, có bốn điểm cần bàn :

1. Có sự công bình trong Thiên Chúa không ?

2. Sự công bình của Thiên Chúa được gọi là sự thật không ?

3. Có sự nhân từ trong Thiên Chúa không ?

4. Trong mỗi công việc của Thiên Chúa, có sự công bình và nhân từ không ?

 

Tiết 1

CÓ SỰ CÔNG BÌNH TRONG THIÊN CHÚA KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra không có sự công bình trong Thiên Chúa.

1. Sự công bình và sự tiết độ được phân biệt nhau. Mà sự tiết độ không hiện hữu trong Thiên Chúa; vậy sự công bình cũng không.

2. Người nào, làm bất cứ cái gì mà người đó muốn và vui thú, không làm theo sự công bình. Mà thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa là Đấng làm mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người” (Ep 1.11). Vậy, trong Thiên Chúa không có công bình không được chỉ về Thiên Chúa.

3. Hành động của sự công bình là trả điều mắc nợ. Mà Thiên Chúa không phải là kẻ mắc nợ của nhân loại. Vậy sự công bình không thuộc về Thiên Chúa.

4. Bất cứ cái gì ở trong Thiên Chúa, là yếu tính của Ngài. Mà sự công bình không thuộc về yếu tính của Thiên Chúa. Vì Boèce nói : “Sự tốt quan hệ với yếu tính; sự công bình quan hệ với hành động” (De Hebdom., PL. 64, 1314). Vậy sự công bình không thuộc về Thiên Chúa.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : “Thiên Chúa công bình. Ngài đã yêu thương sự công bình” (Tv 10,8).

TRẢ LỜI :

Có hai thứ công bình. Một thứ công bình cốt ở tại cho nhau và lãnh nhận cùng nhau, như mua với bán, cùng những sự tương tự như sự chuyển thông và trao đổi. Thứ công bình này được Triết gia gọi là công bình giao hoán, hướng dẫn sự trao đổi và sự chuyển thông (Eth., 5,4). Sự công bình này không thuộc về Thiên Chúa, vì như thánh Phaolô nói : Ai đã tặng Ngài trước, mong được đền đáp sau chăng? (Rm 11,35).

Sự công bình thứ hai, cốt ở tại sự phân phối, và được gọi là sự công bình phân phối, nhờ đó, một nhà cai trị, một quản gia, một quản lý phân phát cho mỗi người điều mà họ đáng được. Vậy, như trật tự xứng hợp được bày tỏ trong gia đình hoặc trong bất cứ cộng đồng nào, chứng tỏ thứ công bình nơi người lãnh đạo, cũng vậy trật tự của vũ trụ, được trông thấy vừa ở trong các hiệu quả trong tự nhiên, vừa ở trong các hiệu quả của ý chí, tỏ bày thứ công bình của Thiên Chúa. Do đó, Denys nói : “Chúng ta, cách tất yếu, phải trông thấy Thiên Chúa công bình thật sự, khi trông thấy cách thức Ngài ban cho tất cả mọi sự vật đang hiện hữu, điều riêng cho địa vị, cho thân phận của mỗi sự vật; và bảo tồn bản tính của mỗi sự vật với trật tự và các năng lực riêng thuộc về nó” (De Div. Nom., 8,7).

GIẢI ĐÁP :

1. Một vài nhân đức trong các nhân đức luân lý, có quan hệ với các đam mê, như tiết độ với ham muốn, sức mạnh với sự sợ hãi, sự nhân từ với sự giận dữ. Các nhân đức này được chỉ về Thiên Chúa cách ẩn dụ mà thôi, vì, như đã trình bày, trong Thiên Chúa không có đam mê (Q.20, a.1, ad.i), cũng không có giác dục, theo lời Triết gia nói, các nhân đức luân lý ở trong giác dục, như ở trong chủ thể (Eth 3,10). Đàng khác, một vài nhân đức luân lý quan hệ với công việc cho chác và tiêu dùng; như đức công bình, đức độ lượng và đức đại lượng đại độ và các nhân đức này không ở trong năng lực cảm giác, nhưng ở trong ý chí. Do đó, không cái gì trở ngại việc chúng ta chỉ các nhân đức này về Thiên Chúa; mặc dầu không có quan hệ với các vấn đề dân sự, nhưng trong các hành động thích hợp với Thiên Chúa. Vì, như Triết gia nói, thật là ngu ngốc để mà ca tụng Thiên Chúa trong các nhân đức chính trị của Ngài (Eth. 10,8).

2. Bởi vì sự tốt đã được lãnh hội, là đối tượng của ý chí, do đó Thiên Chúa dứt khoát không thể muốn một cái gì, người điều hợp tuy nhiên do sự khôn ngoan của Ngài. Sự khôn ngoan là luật của Ngài về sự công bình; được phù hợp với luật này, thì ý chí của Ngài đúng và công bình. Bởi đó, cái gì Ngài làm cách phù hợp với ý chí của Ngài, Ngài làm cách công bình. Như chúng ta làm cách công bình, điều mà chúng ta làm tùy theo luật. Nhưng vì luật đến với chúng ta do năng lực cao hơn, còn Thiên Chúa là luật cho chính Ngài.

3. Đối với mỗi người, cái gì là của riêng họ, là vật mắc nợ họ. Nhưng cái gì được qui định, sắp đặt cho một người nào, được nói là của riêng của người ấy. Như vậy, ông chủ làm chủ người đày tớ, và không ngược lại, cái gì là chủ chính mình, thì tự do. Do đó trong tiếng nợ, được bao hàm một sự đòi hỏi hoặc một nhu cầu về phần của một hữu thể đối với một hữu thể khác mà nó được sắp đặt hướng về đó. Nhưng có hai thứ trật tự phải được nghiên cứu trong các sự vật : trật tự thứ nhất, do đó mà một sự vật đã được sáng tạo, được sắp đặt hướng về sự vật được sáng tạo khác, như là phần đối với cái nguyên vẹn, tùy thể với bản thể, và như tất cả mọi sự vật đối với mục đích của chúng nó; trật tự thứ hai, là cái trật tự, mà do đó tất cả mọi sự vật thụ tạo được sắp đặt qui về Thiên Chúa. Như vậy, trong các hành động của Thiên Chúa, nợ có thể nhận xét hai thể cách, mắc nợ hoặc là đối với Thiên Chúa, hoặc đối với các thụ tạo, trong hai cách này, Thiên Chúa trả cái gì Ngài mắc nợ. Thiên Chúa mắc nợ với chính Ngài : nợ này là để Ngài làm thỏa mãn trong các thụ tạo cái gì mà ý muốn và sự khôn ngoan của Ngài chứa đựng; và cái gì mà thiện tính của Ngài được biểu lộ. Trong quan hệ này, sự công bình của Thiên Chúa quan hệ với vinh dự của Ngài mà do đó Ngài trả cho chính Ngài cái gì mắc nợ Ngài. Cũng có nợ đối với mỗi một thụ tạo, là để nó chiếm hữu được cái gì được sắp đặt cho nó; như vậy, mắc nợ người ta, là người ta có các bàn tay và các con thú vật khác phải phục vụ người ta. Vậy Thiên Chúa cũng thi hành sự công bình, khi Ngài ban cho mỗi sự vật cái gì mắc nợ nó, tùy theo bản tính và thân phận của nó. Tuy nhiên, món nợ này được phát xuất do nợ thứ nhất; bởi vì cái gì mắc nợ mỗi sự vật, thì mắc nợ nó như đã được sắp đặt cho nó do sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Và dầu Thiên Chúa, theo thể cách này, trả cho mỗi sự vật điều mắc nợ nó, nhưng chính Ngài không phải là người mắc nợ, vì Ngài không sắp đặt đến với các sự vật khác, nhưng đúng hơn là các sự vật khác được sắp đặt về với Ngài. Bởi đó, sự công bình, trong Thiên Chúa đôi khi được nói là cái gì thiện tính của Ngài đòi hỏi; đôi khi được nói là sự thưởng của công đức. Thánh Anselmô quan hệ đến cả hai quan điểm này, khi ông nói : Khi Chúa phạt kẻ hung ác, đó là công bình, vì sự đó phù hợp với việc làm của họ; và khi Chúa tha thứ kẻ hung ác, đó cũng là công bình, vì sự đó thích hợp với thiện tính của Thiên Chúa (Proslog., 10).

4. Dầu sự công bình quan hệ với hành động, điều này không trở ngại việc nó là yếu tính của Thiên Chúa; bởi vì cái gì thuộc về yếu tính của một sự vật, nó có thể là nguyên lý của hành động. Nhưng sự tốt không luôn luôn quan hệ với hành động, bởi vì một sự vật được gọi là tốt, không phải chỉ vì nó có quan hệ đến hành động của mình, mà còn có quan hệ với sự hoàn hảo của yếu tính của mình. Vì lý do này, được nói là sự tốt có tương quan với sự công bình, như sự phổ quát với sự đặc thù.

 

Tiết 2

SỰ CÔNG BÌNH CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ THẬT KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra sự công bình của Thiên Chúa không phải là sự thật.

1. Sự công bình trong ý chí, vì, như thánh Anselmô nói: “Sự công bình là sự ngay thẳng của ý chí” (De Ver., 12). Còn sự thật thì ở trong trí năng, như Triết gia nói (Metaph., 5,4 và Eth., 6,2). Bởi đó, sự công bình không quy về sự thật.

2. Hơn nữa, theo Triết gia, sự thật là nhân đức phân biệt với sự công bình (Eth., 4,7). Vậy sự thật không thuộc bản tính của sự công bình.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : “Sự nhân từ và sự thật gặp nhau”, ở đây sự thật thay thế sự công bình (Tv 85,11)

TRẢ LỜI :

Sự thật cốt tại sự thích nghi hoàn toàn của trí năng và sự vật, như đã trình bày trước (Q.16, a.1). Còn trí năng là nguyên nhân của các sự vật, tương quan với chúng nó như mực thước và dụng cụ đo lường; còn sự ngược lại đối với trí năng, là năng lực lãnh nhận sự tri thức của mình từ các sự vật. Do đó, khi các sự vật là dụng cụ đo lường và là mực thước của trí năng thì sự thật cốt tại sự thích nghi của trí năng với sự vật; như xảy ra trong chính chúng ta. Vì tùy theo một sự vật hiện hữu, hoặc không hiện hữu, các tư tưởng của chúng ta hoặc các ngôn ngữ của chúng ta qui về nó là thật hoặc sai lầm. Nhưng khi trí năng là mực thước hoặc dụng cụ đo lường của các sự vật, sự thật cốt tại sự thích nghi của sự vật với trí năng; như sản phẩm của nhà mỹ thuật được nói là thật, khi nó phù hợp với mỹ thuật của họ.

Nhưng như sản phẩm của nhà mỹ thuật có tương quan với mỹ thuật, thì các công việc của sự công bình cũng có tương quan với luật mà chúng phù hợp. Bởi đó, sự công bình của Thiên Chúa đã thiết lập trong các sự vật, các trật tự phù hợp với mực thước của sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vốn là luật của sự công bình của Thiên Chúa, thì một cách thích hợp được gọi là sự thật. Như vậy, chúng ta cũng nói đến sự thật của sự công bình trong các vấn đề nhân loại.

GIẢI ĐÁP :

1. Sự công bình là luật cai trị, ở trong lý trí, hoặc trong trí năng; nhưng, là mệnh lệnh cai trị các hành động theo luật, thì sự công bình ở trong ý chí.

2. Sự thật mà Triết gia đề cập đến trong đoạn văn này, là một nhân đức đặc biệt, nhờ nhân đức này mà một người nào bày tỏ chính mình trong ngôn ngữ và hành vi như họ đang hiện hữu thật sự. Như vậy, sự thật này cốt ở tại sự phù hợp của ký hiệu với sự vật được biểu thị; chứ không phải trong sự phù hợp của hiệu quả với nguyên nhân và mực thước của nó, như đã trình bày về sự thật của sự công bình.

 

Tiết 3.

PHẢI CHĂNG SỰ NHÂN TỪ ĐƯỢC CHỈ VỀ THIÊN CHÚA ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra sự nhân từ không được chỉ về Thiên Chúa.

1. Nhân từ là một thứ buồn rầu như thánh Damascenô nói (De Fide Orth., 2,14). Mà không có sự buồn rầu trong Thiên Chúa; vậy, không có sự nhân từ ở trong Thiên Chúa.

2. Nhân từ là buông lỏng công bình. Mà Thiên Chúa không thể miễn cái gì thuộc về sự công bình của Ngài. Vì có lời ghi chép : “Trái lại, chúng ta không tin cẩn, Ngài cũng vẫn trung thành : Ngài không thể nào tự mâu thuẫn Ngài” (2 Tm 2,13). Mà Ngài có thể mâu thuẫn Ngài, như lời sách Chú giải nói, nếu Ngài phủ nhận lời nói của Ngài. Vậy, sự nhân từ không thích hợp với Thiên Chúa.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : “Chúa nhân từ đại lượng khoan nhân” (Tv 110,4).

TRẢ LỜI :

Sự nhân từ, một cách đặc biệt phải được chỉ về Thiên Chúa, tùy theo các hiệu quả, chứ không tùy theo sự xúc động của đam mê. Để minh chứng điều này, phải nhận xét người ta nói ai có lòng nhân từ (misericors) thì buồn rầu trong lòng (miserum cor); nói cách khác, thì bị xúc động buồn rầu về tình cảnh khổ cực của kẻ khác, dường như tình cảnh khổ cực này là của riêng mình. Do đó, mà người này nỗ lực đánh tan sự khốn khổ ấy cho khỏi người đó, như là khốn khổ riêng của mình; đây là hiệu quả của sự nhân từ. Bởi đó, buồn rầu về sự cực khổ của kẻ khác, không thuộc về Thiên Chúa; nhưng điều này thuộc về Ngài một cách tột bậc chính xác. là làm tiêu tan sự cực khổ, đến nỗi quan niệm bất cứ tình trạng không có nào, đều là sự cực khổ. Những các tình trạng không có, không được xóa bỏ đi, trừ phi nhờ sự hoàn hảo của một thứ thiện tính nào; mà nguồn gốc đầu tiên của thiện tính là Thiên Chúa, như đã trình bày trước (Q.6, a.1).

Tuy nhiên, phải chú ý việc ban cho sự hoàn hảo trên các sự vật, không những thuộc về thiện tính của Thiên Chúa, mà còn thuộc về sự công bình, sự độ lượng và sự nhân từ của Thiên Chúa, nhưng với các phương diện khác nhau. Sự chuyển thông các sự hoàn hảo, được nhận xét cách tuyệt đối, thuộc về thiện minh, như đã trình bày trước (Q.6, a.1); theo mức độ các sự hoàn hảo được ban cho các sự vật, tùy theo cái gì là vật mắc nợ chúng, đó là công việc làm của sự công bình, như đã trình bày trước; theo mức độ ban cho các sự hoàn hảo, không phải vì sự sử dụng riêng của Ngài, nhưng chỉ vì thiện tính của Ngài, thuộc về đức độ lượng; theo mức độ các sự hoản hảo được ban cho các sự vật do Thiên Chúa, xóa bỏ các tình trạng không có, thuộc về sự nhân từ.

GIẢI ĐÁP :

1. Chứng cứ này có căn cứ trên sự nhân từ, được coi là sự xúc động của đam mê.

2. Thiên Chúa hành động cách nhân từ, nhất định không phải đi ngược lại với sự công bình của Ngài, những bằng cách làm một cái gì hơn sự công bình. Như thế, một người trả cho người khác hai trăm đồng bạc, dầu chỉ mắc nợ người ấy một trăm đồng, thì không làm gì ngược lại với sự công bình, nhưng hành động cách độ lượng và nhân từ. Đó cũng là trường hợp của kẻ tha thứ một sự xúc phạm đến mình; vì khi tha thứ sự xúc phạm này, thì người này được nói là cho một vật tặng. Do đó, thánh Phaolô nói : “Hãy tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32). Do đó, rõ ràng là sự nhân từ không phá hủy sự công bình, nhưng theo một ý nghĩa nào đó, sự nhân từ là sự sung mãn của sự công bình. Và như vậy, có lời ghi chép : Lòng nhân từ thắng việc xử đoán (Gc 2,13).

 

Tiết 4

TRONG TẤT CẢ CÁC HÀNH ĐỘNG CỦA THIÊN CHÚA

CÓ SỰ NHÂN TỪ VÀ SỰ CÔNG BÌNH KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra, không.

1. Một số hành động của Thiên Chúa được chỉ về cho sự nhân từ, như sự công-chính-hóa của tội nhân; và những hành động khác được chỉ về sự công bình, như sự đoán phạt người hung ác. Do đó, đã có lời ghi chép : Lòng nhân từ thẳng việc xử đoán (Gc, 213). Vậy trong mỗi hành động của Thiên Chúa không thấy sự nhân từ và sự công bình xuất hiện.

2. Thánh Phaolô chỉ việc trở lại của người Do Thái do sự công bình và sự thật, nhưng sự trở lại của các Dân Ngoại, thì do sự nhân từ (Rm 15,8-9). Vậy trong mỗi công việc của Thiên Chúa không có sự công bình và sự nhân từ.

3. Nhiều người công bình bị cực khổ ở trần gian; đó là bất công. Vậy, trong mỗi công việc của Thiên Chúa, không xuất hiện sự công bình và sự nhân từ.

4. Hơn nữa, về phần công bình, thì trả điều mắc nợ, và phần nhân từ, là làm nhẹ bớt sự cực khổ. Như vậy, vừa công bình, vừa nhân từ, tiền-giả-định một cái gì trong các công việc của chúng; còn sự sáng tạo, thì không tiền-giả-định cái gì hết. Vậy, trong sự sáng tạo, không gặp sự công bình và sự nhân từ.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : “Tất cả các đường lối của Thiên Chúa là nhân từ và sự thật” (Tv 24,10).

TRẢ LỜI :

Sự nhân từ và sự thật một cách tất yếu, được gặp thấy trong tất cả mọi công việc của Thiên Chúa; cho rằng sự nhân từ có nghĩa là cất mất đi tình trạng không có. Tuy nhiên tất cả mọi tình trạng không có đều được gọi là sự cực khổ, nhưng duy tình trạng không có ở nơi bản tính có trí năng mà vận mạng là được hạnh phúc, được gọi cách chính xác là cực khổ, vì tình trạng không có đối lập với sự hạnh phúc. Đối với cảnh túng thiếu này, có lý do, bởi vì nợ được trả tùy theo sự công bình của Thiên Chúa, người ta có thể mắc nợ hoặc là với Thiên Chúa, hoặc là với thụ tạo; nợ này cũng như nợ kia không thể bị bỏ qua trong bất cứ công việc nào của Thiên Chúa : vì Thiên Chúa không có thể làm cái gì mà không phù hợp với sự khôn ngoan và thiện tính của Ngài. Theo ý nghĩa này, như chúng ta đã trình bày trước, bất cứ sự vật nào đều được nói là nợ về phần Thiên Chúa. Cũng thế, bất cứ cái gì được Thiên Chúa làm trong các sự vật được sáng tạo, được làm theo trật tự và cân xứng riêng : sự công bình hệ ở đó. Vậy sự công bình phải hiện hữu trong tất cả các công việc của Thiên Chúa.

Những việc làm bởi sự công bình của Thiên Chúa luôn luôn tiền-giả-định việc làm của sự nhân từ, cùng có nền tảng trên công việc của sự nhân từ. Vì không gì mắc nợ các thụ tạo, ngoài sự giả thiết một cái gì tiền-hiện-hữu, hoặc đã được tri thức trong chúng. Lại nữa, nếu điều tiền-hiện hữu, hoặc đã được tri thức trong chúng nó và đã được tri thức này mắc nợ thụ tạo, thì điều này phải được mắc nợ do cái đi trước nữa. Và bởi vì chúng ta không thể đi tiếp tục tới vô cùng, thì chúng ta phải tới một sự vật nào chỉ lệ thuộc vào thiện tính của ý chí Thiên Chúa, đó là cái cùng đích. Chúng ta có thể nói, thí dụ, việc chiếm hữu các bàn tay là vật mắc nợ người ta vì linh hồn có trí năng của người ta; và việc chiếm hữu linh hồn có trí năng của người ta, là vật mắc nợ người ta, ngõ hầu người ta có thể là người ta; và thực tế người ta là người ta vì thiện tính của Thiên Chúa. Vậy trong mỗi công việc của Thiên Chúa, nhìn trong nguồn gốc đầu tiên của nó, thì sự nhân từ xuất hiện ở đó. Trong tất cả các nhân từ xảy ra tiếp theo sau, năng lực của sự nhân từ tồn tại, và hoạt động nhất định với sức mạnh lớn hơn; như ảnh hưởng của đệ nhất nguyên nhân có cường độ cao hơn ảnh hưởng của các nguyên nhân đệ nhị. Vì thế, Thiên Chúa, do sự phong phú của thiện tính Ngài ban cho các thụ tạo, điều mắc nợ chúng bằng cách rộng rãi hơn mực cân xứng đối với sự xứng đáng của chúng. Điều đủ để bảo tồn trật tự của sự công bình, thì ít hơn điều do thiện tính Thiên Chúa ban cho thật sự; Vì thiện tính Thiên Chúa vượt quá sự cân xứng của các thụ tạo.

GIẢI ĐÁP :

1. Một số công việc được chỉ về sự công bình, và một số công việc khác được chỉ về cho sự nhân từ. Nhưng chính sự phạt một người hình phạt hỏa ngục, cũng tỏ bày sự nhân từ của Thiên Chúa, không tha thứ tất cả, nhưng làm nhẹ bớt một phần nào, bằng cách phạt ít hơn mức người đóđáng. Trong sự công chính hóa của tội nhân, sự công bình được trông thấy, khi Thiên Chúa tha tội. Vì tình yêu, dầu chính Thiên Chúa, một cách nhân từ, đổ xuống tình yêu này, như thể chúng ta đọc về bà thánh Madalena : “Bởi đó, Ta bảo cho ông rõ : tội lỗi bà này nhiều lắm, nhưng đã được tha hết rồi, vì bà yêu mến nhiều hơn” (Lc 7,47).

2. Sự công bình và sự nhận từ của Thiên Chúa xuất hiện vừa ở trong sự trở lại của người Do Thái, vừa ở trong sự trở lại của các Dân Ngoại, song một dung mạo của sự công bình xuất hiện trong sự trở lại của người Do Thái mà không có trong sự trở lại của Dân ngoại, vì dân Do Thái đã được cứu chuộc theo Lời Hứa cho các Tổ phụ họ.

3. Sự công bình và sự nhân từ xuất hiện trong sự phạt người công chính ở đời này, vì nhờ các sự đau khổ, các tội nhỏ mọn nơi họ được làm cho sạch, và họ được nâng lên cao khỏi các tình cảm trần gian mà đến cùng Thiên Chúa. Như thánh Grêgôriô nói : “Các sự xấu đè ép chúng ta ở dương thế này, thì ép buộc chúng ta đi tới Thiên Chúa” (Moral., 26,13).

4. Dấu sự sáng tạo không tiền giả-định cái gì trong vũ trụ; nhưng rõ ràng tiền-giả-định một cái gì ở trong sự tri thức của Thiên Chúa. Theo thể cách này, ý tưởng về sự công bình được bảo tồn trọng sự sáng tạo, vì các sự vật được đem đến sự hiện hữu theo thể cách phù hợp với sự khôn ngoan và thiện tính của Thiên Chúa. Và ý tưởng về sự nhân từ cũng được bảo tồn trong sự đi qua từ phi hữu đến hiện hữu.

 


CÂU HỎI 22
CÂU HỎI 20

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt