Triết học tôn giáo

Câu hỏi 23. Sự tiền định

 

CÂU HỎI 23

SỰ TIỀN ĐỊNH

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. Quyển I, Tập 2: "Thiên Chúa và thứ tự sáng tạo" (Từ câu hỏi 15 đến câu hỏi 38). Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. | Xem bản dịch tiếng Anh


 

 

Sau khi nghiên cứu sự quan phòng của Thiên Chúa. chúng ta phải nghiên cứu sự tiền định và quyển sách Hằng Sống. Liên hệ với sự tiền định, có 8 điểm cần bàn :

1. Thiên Chúa có tiền định cho nhân loại không ? 

2. Thế nào là tiền định và sự tiền định đặt để cái gì trong sự vật được tiền định ?

3. Thiên Chúa có bắt một số người bị phạt đời đời không?

4. Đối chiếu sự tiền định với sự tuyển chọn; nghĩa là, những kẻ được tiền định thì được tuyển chọn không? 

5. Phải chăng công đức là nguyên nhân hoặc là lý do của sự tiền định ?

6. Về sự chắc chắn của sự tiền định; người được tiền định sẽ được cứu rỗi cách không sai lầm không ? 

7. Phải chăng số các kẻ được tiền định thì chắc chắn? 

8. Sự tiền định có được tán trợ do lời cầu nguyện của các Thánh không ?

 

Tiết 1

THIÊN CHÚA CÓ TIỀN ĐỊNH CHO NHÂN LOẠI KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra nhân loại không được tiền định bởi Thiên Chúa.

1. Thánh Damascino nói : “Phải biết rằng : Thiên Chúa thật sự tiền-tri-thức tất cả các sự vật, chứ Ngài không tiền định tất cả các sự vật; bởi vì Ngài tiền-tri-thức tất cả cái gì ở trong chúng ta, nhưng không tiền định nó (De Fide Orth., 2.30). Nhưng công đức và điều lầm lỗi ở trong chúng ta, vì là những ông chủ các hành vi riêng của mình, do tự do ý chí. Bởi đó, tất cả những gì thuộc về công đức hoặc về điều lầm lỗi không được tiền định bởi Thiên Chúa; và như thế, sự tiền định về nhân loại bị hủy bỏ.

2. Tất cả các thụ tạo được hướng dẫn về mục đích của mình do sự quan phòng của Thiên Chúa, như đã trình bày trước (Q.22, a.1.2). Nhưng các thụ tạo khác không được nói được tiền định bởi Thiên Chúa. Vậy nhân loại cũng không.

3. Các Thiên thần có khả năng hưởng hạnh phúc đời đời, như nhân loại. Nhưng sự tiền định không thích hợp các thiên thần, vì trong các thiên thần không có sự khổ sở; vì sự tiền định - như thánh Augustinô nói - là một công việc nhằm để tỏ bày sự nhân từ. Vậy, nhân loại không được tiền định.

4. Các ân huệ Thiên Chúa ban cho nhân loại, được mặc khải bởi Đức Chúa Thánh Thần cho các người thành, theo lời nói của thánh Phaolô : “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Cr 2,12). Bởi đó, giả như nhân loại được tiền định bởi Thiên Chúa, vì sự tiền định là một ân huệ bởi Thiên Chúa, sự tiền định hẳn được làm cho tất cả các người được tiền định hiểu biết; điều này rõ ràng sai lầm.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : “Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,30).

TRẢ LỜI :

Điều này thích hợp là Thiên Chúa tiền định nhân loại. Vì tất cả mọi vật lệ thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa; như đã trình bày trước (Q.22, a.2). Nhưng điều thích hợp với sự quan phòng, là hướng dẫn các sự vật về các mục đích của chúng (Q.22, a.1). Mục đích mà các sự vật đã được sáng tạo, được Thiên Chúa hướng dẫn đến, có hai thứ. Mục đích thứ nhất vượt quá tất cả mọi sự cân xứng và mọi khả năng của bản tính thụ tạo; và mục đích này là sự sống vĩnh cửu, cốt tại sự trông thấy Thiên Chúa, là Đấng ở trên bản tính của tất cả các thụ tạo, như đã trình bày trước (Q.12, a.4). Tuy nhiên, mục đích thứ hai, thì cân xứng với bản tính thụ tạo; mục đích mà hữu thể thụ tạo, do năng lực của bản tính của mình có thể đạt tới được. Nhưng nếu một sự vật nào, không đạt được một sự vật gì do năng lực của bản tính mình, nó phải được hướng dẫn đến đó, bởi sự vật khác; như thế, một mũi tên được điều khiển bởi người bắn cung hướng về một mục tiêu. Do đó, nói cách chính xác, một thụ tạo có trí năng, có khả năng đạt tới sự sống vĩnh cửu, được dẫn đưa tới đó, được hướng dẫn bởi Thiên Chúa. Mô phạm về sự hướng dẫn này tiền-hiện-hữu trong Thiên Chúa; như ở trong Ngài hiện hữu cái mô phạm về trật tự của tất cả các sự vật hưởng về một mục đích, mô phạm này được xác nhận là sự quan phòng của Thiên Chúa, như đã trình bày trước (Q.22, a.1). Nhưng mô phạm ở trong trí năng của tác nhân của một sự vật nào phải được làm là một thứ tiền-hiện hữu ở trong tác nhân này, thuộc về sự vật phải được làm đó. Do vậy, mô phạm đã được nói trước về sự hướng dẫn thụ tạo có trí năng đến mục đích sự sống vĩnh cửu, được gọi là sự tiền định. Tiền định, dịch tiếng la ngữ là praedestinatio. Praedestinatio được hợp thành bằng hai tiếng : prae và destinarePrae có nghĩa là trước và destinare có nghĩa là hướng dẫn, là gởi. Như vậy, rõ ràng sự tiền định, đối với các vật là một phần của sự quan phòng.

GIẢI ĐÁP :

1. Thánh Damascenô gọi tiền định là sự đặt ra tất-yếu-tính theo thể cách các sự vật thiên nhiên, là những sự vật được tiền định hướng về một mục đích duy nhất. Sự giải thích này xuất hiện rõ ràng nhờ những lời thánh nhân nói thêm : “Ngài không muốn sự ác độc và Ngài cũng không ép buộc nhân đức”. Do đó, sự tiền định không bị thánh nhân trục xuất.

2. Các thụ tạo không có trí năng, không có khả năng đối với các mục đích vượt quá khả năng của bản tính nhân loại. Do đó, chúng không thể được nói cách chính xác là được tiền định. Mặc dầu một cách không chính xác, từ ngữ này được sử dụng đối với mục đích nào khác.

3. Sự tiền định ứng dụng cho Thiên thần như cho nhân loại, dầu các đấng ấy không bao giờ bị khổ sở. Vì sự chuyển động không lấy cái bản tính của mình do chỗ bỏ mà đi, nhưng do chỗ đi tới. Bởi vì không ảnh hưởng gì đối với yếu tính của màu trắng, nếu một người hiện giờ trở nên trắng, mà trước người ấy đen hoặc có màu vàng. Cũng vậy, không hề có gì đối với yếu tính của sự tiền định, nếu một người được tiền định đến sự sống vĩnh cửu mà trước kia người này đã ở trong tình trạng khổ sở hoặc không; dầu có thể nói sự ban cho một sự tốt vượt quá sự mắc nợ, thì thuộc về sự nhân từ, như đã trình bày trước (Q.21, a.3, ad.2).

4. Cho dầu do một đặc sủng, một số người được mặc khải hiểu biết họ được tiền định, nhưng không thích hợp mặc khải như thế cho mọi người, vì giả có như vậy, hẳn những người không được tiền định thì thất vọng và sự chắc chắn hẳn gây nên sự hờ hững ở nơi kẻ được tiền định.

 

Tiết 2

SỰ TIỀN ĐỊNH ĐẶT CÁI GÌ TRONG NGƯỜI ĐƯỢC TIỀN ĐỊNH ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra sự tiền định đặt một cái gì trong kẻ được tiền định. Mỗi hành động do chính mình gây nên sự thụ động. Bởi đó, nếu sự tiền định là hành động của Thiên Chúa, sự tiền định phải là sự thụ động ở nơi kẻ được tiền định.

2. Origène nói trong bản văn : Kẻ nào được tiền định, v.v... Sự tiền định thuộc về kẻ không hiện hữu, nhưng sự hướng dẫn thuộc về kẻ đang hiện hữu. Và thánh Augustinô nói : “Sự tiền định là gì, nếu không phải là sự hướng dẫn kẻ đang hiện hữu” (De Divers, Quaest. ad Simplic., 1,2). Vậy, sự tiền định chỉ thuộc về kẻ đang hiện hữu, và như vậy; sự tiền định đặt một cái gì trong kẻ được tiền định.

3. Sự chuẩn bị là một cái gì ở trong sự vật được chuẩn bị. Mà sự tiền định là sự chuẩn bị về các ân huệ của Thiên Chúa, như thánh Augustinô nói (cf. de dono Persev., 14). Vậy, sự tiền định là một cái gì trong kẻ được tiền định.

4. Không cái gì thuộc về thời gian đi vào trong lời định nghĩa về vĩnh-cửu-tính. Nhưng ân sủng là một cái gì thuộc về thời gian, được gặp trong lời định nghĩa về tiền định. Vì tiền định là sự chuẩn bị ân sủng cho hiện tại và sự vinh hiển cho tương lai (cf. Pierre Lombard, sent., 1,40,2). Bởi đó, tiền định không phải là cái gì vĩnh cửu. Vậy tất nhiên nó là cái gì ở trong kẻ được tiền định, chứ không ở trong Thiên Chúa; vì bất cứ cái gì ở trong Thiên Chúa, thì vĩnh cửu.

TRÁI LẠI :

Thánh Augustinô nói : “Sự tiền định là sự tiền-tri-thức về ân huệ của Thiên Chúa” (De dono persev., 14). Mà sự tiền-tri-thức không phải ở trong các sự vật được tiền-tri-thức nhưng ở trong kẻ tiền-tri-thức chúng. Vậy, sự tiền định ở trong kẻ tiền định chứ không ở trong kẻ được tiền định.

TRẢ LỜI :

Sự tiền định không phải là cái gì ở trong kẻ được tiền định, nhưng chỉ ở trong kẻ tiền định. Chúng ta đã nói trước rằng sự tiền định là một phần của sự quan phòng. Những sự quan phòng không phải là cái gì ở trong các sự vật được quan phòng, vì, chỉ là cái mô phạm trong trí năng của kẻ quan phòng, như đã trình bày trước (Q.22, a.1). Còn sự thi hành sự quan phòng, được gọi là sự thống trị, thì theo thể cách thụ động, ở trong các sự vật được thống trị và theo thể cách chủ động, thì ở trong người thống trị. Do đó, thấy được rõ ràng sự tiền định là một thứ mô phạm về sự sắp đặt một số người đến sự cứu rỗi đời đời, hiện hữu trong trí năng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự thi hành trật tự này, theo thể cách thụ động, thì ở trong kẻ được tiền định; nhưng theo thể cách chủ động, thì ở trong Thiên Chúa. Việc thi hành sự tiền định là sự kêu gọi và là sự công-chính-hóa, theo lời thánh Phaolô: “Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính” (Rm 8,30).

GIẢI ĐÁP :

1. Các hành động đi qua tới chất thể bên ngoài, thì tự chúng nó tạo nên sự thụ động, thí dụ, các hành động đun nóng và chặt cắt; nhưng các hành động tồn tại trong tác nhân, như sự hiểu biết và sự ước muốn, thì không, như đã trình bày trước (Q.14, a.2, 9.18, a.3,1). Sự tiền định là hành động vào hạng thứ hai này. Bởi đó, nó không đặt để cái gì trong kẻ được tiền định. Nhưng sự thi hành nó, đi qua tới các sự vật bên ngoài và đặt hiệu quả trong chúng nó.

2. Từ ngữ “gởi đi” (destination) đôi khi biểu thị việc thật sự; gởi một người đi đến một mục đích nhất định; như vậy, sự gởi đi (sự sai đi, sự phái đi), chỉ được nói về kẻ đang hiện hữu. tuy nhiên, theo ý nghĩa khác, thì từ ngữ “gởi đi” có nghĩa là sự gởi đi được ý niệm trong trí năng mà thôi; và theo thể cách này, chúng ta được nói là gởi một sự vật bằng cách quyết định chắc chắn trong trí năng mà thôi. Theo thể cách thứ hai này, ông Eléazar quyết định không làm những điều trái luật, vì ham mộ sự sống (2 Mcb. 6,20). Như vậy, sự gởi đi có thể được thuộc về một sự vật không đang hiện hữu. Tuy nhiên, sự tiền định, vì do sự đi trước mà nó bao hàm, có thể được chỉ về sự vật không đang hiện hữu và sự gởi đi được hiểu biết theo một thể cách nào đó.

3. Sự chuẩn bị có hai thứ : sự chuẩn bị của thụ nhân đối với sự thụ động, sự chuẩn bị này ở trong sự vật được chuẩn bị; còn sự chuẩn bị của tác nhân đối với sự hành động, thì sự chuẩn bị này ở trong tác nhân. Sự chuẩn bị thế ấy, là sự tiền định, theo mức độ tác nhân được nói là nhờ trí năng chuẩn bị chính mình, để hành động, tùy theo trí năng tiền-ý-niệm mô phạm về điều phải được làm. Như vậy, Thiên Chúa từ trước vô cùng, đã chuẩn bị công trình cứu rỗi nhờ sự tiền định, bằng cách nhận thức ý tưởng về sự hướng dẫn một số người đến sự cứu rỗi.

4. Ân sủng không thể đi vào trong lời định nghĩa về tiền định, như một cái gì thuộc về yếu tính của nó, nhưng bởi vì sự tiền định bao hàm tương quan với ân sủng như của nguyên nhân với hiệu quả, và như hành động với đối tượng của nó. Do đó mà sự tiền định không phải là một cái gì thuộc thời gian.

 

Tiết 3

THIÊN CHÚA CÓ BẮT MỘT SỐ NGƯỜI BỊ PHẠT ĐỜI ĐỜI KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra Thiên Chúa không phạt ai đời đời.

1. Không ai phạt đời đời cái gì mình yêu thương. Mà Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, theo lời nói : “Khôn ngoan quí yêu mọi loài thụ tạo, đâu có ghét bỏ sự vật nào chính Ngài kiến tạo sinh thành” (Kn 11,25). Vậy, Thiên Chúa không phạt ai đời đời.

2. Nếu Thiên Chúa phạt người nào đời đời, thì cách tất yếu, sự phạt đời đời đối với các người bị phạt, có cũng một tương quan như sự tiền định đối với người được tiền định. Nhưng sự tiền định là nguyên nhân cứu rỗi người được tiền định. Bởi đó, sự phạt đời đời cũng là nguyên nhân diệt vong của người bị phạt đời đời. Những điều này sai. Vì có lời chép: "Israel ơi, sự phá hủy là của riêng ngươi ! Chỉ còn Ta phù trì ngươi được mà thôi” (Hs 13,9). Vậy Thiên Chúa không phạt nhân loại đời đời.

3. Điều gì mà người ta không thể trách được, không phải bị qui tội cho. Mà, nếu Thiên Chúa phạt ai xuống hỏa ngục, người ấy phải diệt vong. Vì có lời ghi chép : “Hãy nghiệm xét công trình Thiên Chúa : Kẻ bị Ngài ruồng bỏ tài nào uốn nắn lại được” (Gc 7,14). Vậy người bị diệt vong cũng không được qui cho người ta. Nhưng điều này sai. Vậy, Thiên Chúa không ai hỏa ngục.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép: “Ta yêu Giacóp mà ghét Êsau” (Mt. 1.2.3).

TRẢ LỜI :

Thiên Chúa thật sự phạt đời đời một số người. Vì đã trình bày trước, sự tiền định là một phần của sự quan phòng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều này thuộc về sự quan phòng, là cho phép một số khuyết điểm ở trong các sự vật lệ thuộc vào sự quan phòng, như đã trình bày trước (Q.22, a.2.ad 2). Như vậy, nhân loại được sắp đặt đến sự sống vĩnh cửu, nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa; điều này cũng thuộc về sự quan phòng của Thiên Chúa, là cho một số người thất bại về mục đích ấy, và việc cho phép sự thất bại này gọi là sự phạt đời đời. Như vậy, cũng như sự tiền định là một phần của sự quan phòng, đối với những kẻ được Thiên Chúa sắp đặt đến sự cứu rỗi vĩnh cửu; cũng vậy, sự phạt đời đời là một phần của sự quan phòng đối với những kẻ bỏ mục đích ấy. Do đó, sự phạt đời đời không biểu thị sự tiền-tri-thức mà thôi, song còn một điều hơn nữa theo sự xem xét của trí năng như người ta đã trình bày ở trước về sự quan phòng (Q.22. a.1. sol.3). Và cũng như sự tiền định bao hàm ý muốn ban cho ân sủng và vinh phúc, sự phạt đời đời bao hàm ý muốn để người nào đó phạm tội và bị hình phạt đời đời vì tội này.

GIẢI ĐÁP :

1. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, vì Ngài muốn cho mọi người được sự tốt; nhưng Ngài không muốn tất cả mọi sự tốt cho mọi người. Bởi đó, vì Ngài không muốn cho một số người sự tốt đặc thù này, tức là sự sống vĩnh cửu, thì Ngài bị nói là ghét họ hoặc phạt họ đời đời.

2. Sự phạt đời đời phân biệt nhân-quả-tính của mình với sự tiền định. Sự tiền định là nguyên nhân vừa cho điều kẻ được tiền định chờ đợi trong sự sống đời sau, tức là sự vinh phúc, vừa cho điều được lãnh nhận trong đời sống ở đời này, tức là, ân sủng. Tuy nhiên, sự phạt đời đời không phải là nguyên nhân của điều ở trong hiện tại, tức là sự tội; nhưng nó là nguyên nhân cho sự từ bỏ của Thiên Chúa. Nó còn là nguyên nhân cho điều bị chỉ định trong tương lai, tức là hình phạt đời đời. Nhưng tội phát xuất bởi sự tự do ý chí của kẻ bị phạt đời đời và bị ruồng bỏ bởi ân sủng. Theo thể cách này, lời nói của tiên tri Hôsê thật chí lý, tức là “sự phá hủy là của riêng của ngươi, ôi, Israel” (Hs 13,9).

3. Sự phạt đời đời bởi Thiên Chúa không lấy đi mất cái gì về năng lực của người bị phạt đời đời. Do đó, khi nói người bị phạt đời đời không thể lãnh được ân sủng, thì phải hiểu biết đã không phải là bất-khả-tính tuyệt đối, nhưng chỉ là bất tính theo điều kiện; như đã trình bày trước. Kẻ được tiền định phải được cứu rỗi cách tất yếu, nhưng bằng tất-yếu-tính theo điều kiện, không hủy bỏ tự do ý chí (Q.19, a.3). Do đó, mặc dầu, bất cứ ai bị phạt đời đời bởi Thiên Chúa, không thể lãnh nhận ân sủng; tuy nhiên, sự kiện người này phạm tội đặc thù này hoặc tội đặc thù kia, phát xuất do sự sử dụng tự do ý chí của người này. Do đó, sự sử dụng do ý chí như thế qui tội cho người ấy một cách đích đáng.

 

Tiết 4

KẺ ĐƯỢC TIỀN ĐỊNH,

ĐƯỢC THIÊN CHÚA TUYỂN CHỌN KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra kẻ được tiền định không được tuyển chọn bởi Thiên Chúa.

1. Denys nói : “Như mặt trời hữu hình gởi các tia sáng trên tất cả mọi sự vật mà không có sự tuyển chọn, Thiên Chúa chuyển thông thiện tính của Ngài cũng vậy” (De Div.Nom., 4.1). Mà thiện tính của Thiên Chúa được chuyển thông cho một số người theo một thể cách đặc biệt nhờ sự thông phần ân sủng và vinh phúc. Vậy Thiên Chúa chuyển thông ân sủng và sự vinh phúc của Ngài không có sự tuyển chọn; và đường lối này thuộc về sự tiền định.

2. Sự tuyển chọn thuộc về các sự vật hiện hữu. Nhưng sự tiền định từ vĩnh cửu, cũng thuộc về các sự vật không hiện hữu. Vậy, một số người được tiền định mà không có sự tuyển chọn.

3. Sự tuyển chọn bao gồm sự phân biệt. Mà Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu rỗi (1 Tm 2,4). Vậy, sự tiền định sắp đặt nhân loại đến sự cứu rỗi vĩnh cửu, không có sự tuyển chọn.

TRÁI LẠI :

Có lời ghi chép : “Chúa đã chọn chúng ta từ trước khi tạo thành trời đất, để chúng ta nên thánh thiện và tinh khiết trước mặt Chúa” (Ep 1,4).

TRẢ LỜI :

Sự tiền định, theo thể cách luận lý, tiền giả định sự tuyển chọn; và sự tuyển chọn tiền-giả-định tình yêu. Lý do minh chứng sự khẳng định này, là sự tiền định, như đã trình bày trước, là một phần của sự quan phòng. Nhưng sự quan phòng, cũng như sự khôn ngoan, là hoành đồ hiện hữu trong trí năng hướng dẫn sự sắp đặt một số sự vật hướng về một mục đích, như đã trình bày trước (Q.22, a.1). Nhưng không cái gì được hướng dẫn về mục đích, trừ phi sự muốn mục đích này đã hiện hữu. Do đó, sự tiền định của một số người đến sự cứu rỗi vĩnh cửu, theo thể cách luận lý, tiền-giả-định Thiên Chúa muốn sự cứu rỗi của họ; sự kiện Thiên Chúa muốn sự cứu rỗi của họ bao hàm sự tuyển chọn và sự yêu thương của Ngài đối với họ : sự yêu thương, vì Ngài muốn cho họ sự tốt đặc biệt này thuộc về sự cứu rỗi đời đời; vì yêu thương người nào là muốn sự tốt đẹp cho họ, như đã trình bày trước (Q.20, a.2.3). Sự tuyển chọn, vì Ngài muốn sự tốt này cho một số người được ưu tiên hơn các kẻ khác bởi vì Ngài phạt đời đời đối với một số người, như đã nói trước. Tuy nhiên, sự tuyển chọn và sự yêu thương được sắp đặt theo thể cách dị biệt trong Thiên Chúa và trong chính chúng ta. Bởi vì trong chúng ta, sự muốn trong khi yêu thương không sinh ra sự tốt, nhưng chúng ta bị khêu gợi để yêu thương, bởi sự tốt đã hiện hữu; và do đó, chúng ta tuyển chọn người nào để yêu thương; và như vậy, ở trong chúng ta, sự tuyển chọn đi trước sự yêu thương. Trái lại, trong Thiên Chúa, có sự ngược lại. Vì sự muốn của Ngài, trong khi yêu thương. Ngài muốn sự tốt cho người nào, là nguyên nhân của sự tốt mà một số người chiếm hữu cách ưu tiên hơn các kẻ khác. Như thế, được thấy rõ ràng theo thể cách luận lý, sự yêu thương đi trước sự tuyển chọn, và sự tuyển chọn đi trước sự tiền định. Do đó, tất cả mọi người được tiền định là đối tượng của sự tuyển chọn và sự yêu thương.

GIẢI ĐÁP :

1. Nếu sự chuyển thông về thiện tính của Thiên Chúa được nhận xét cách tổng quát, Thiên Chúa chuyển thông thiện tính của Ngài mà không tuyển chọn; vì không cái gì mà một thể cách nào đó, không thông phần thiện tính của Ngài, như đã trình bày trước (Q.6, a.4). Như nếu chúng ta nhận xét sự chuyển thông sự tốt đặc thù này hoặc sự tốt đặc thù kia. Ngài không ban phát nếu không tuyển chọn; vì Ngài cho một số sự tốt đến những người này, mà không cho các kẻ khác. Vậy sự tuyển chọn được bao hàm trong sự ban ân sủng và ban sự vinh phúc.

2. Khi ý chí của một người đang tuyển chọn, bị khêu gợi để tuyển chọn, bởi sự tốt đang hiện hữu trong các sự vật, thì sự tuyển chọn cách tất nhiên phải thuộc về những sự vật đang hiện hữu, như xảy ra trong sự tuyển chọn của chúng ta. Trong Thiên Chúa thì khác hẳn, như đã trình bày trước (Q.20. a.2). Như vậy, thánh Augustinô nói : “Cho dầu những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn, không hiện hữu; Ngài vẫn không sai lầm trong sự tuyển chọn của Ngài” (Serm. 25.4).

3. Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi theo ý chí dĩ tiền : ý chí dĩ tiền không muốn cách tuyệt đối, nhưng muốn cách tương đối; chứ không theo ý chíi dĩ hậu : ý chí dĩ hậu muốn cách tuyệt đối.

 

Tiết 5

SỰ TIỀN-TRI-THỨC VỀ CÔNG ĐỨC

LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ TIỀN ĐỊNH KHÔNG?

 

VẤN NẠN :

Xem ra sự tiền-tri-thức về công đức là nguyên nhân của sự tiền định.

1. Thánh Phaolô nói : “Những kẻ Thiên Chúa đã biết trước, thì Ngài cũng tiền định họ” (Rm 8,29). Khi Chú giải thư thánh Phaolô gởi cho Rôma, chương 9, câu 15 : “Ta xử nhân từ với kẻ Ta muốn xử nhân từ”, thánh Ambrôxiô nói : “Ta sẽ ban lòng nhân từ cho kẻ Ta trông thấy trước, sẽ hết lòng trở về với Ta”. Vậy, xem ra sự tiền-tri-thức về công đức là nguyên nhân của sự tiền định.

2. Sự tiền định của Thiên Chúa bao gồm ý chí Thiên, Chúa, mà ý chí Thiên Chúa không thể phi lý; vì sự tiền định là một công trình nhằm biểu lộ sư nhân từ, như thánh Augustinô nói (cf. De Divers. Quaest. ad Simplic., 1,2). Nhưng không có lý do nào khác cho sự tiền định, ngoài sự tiền-tri-thức các công đức. Vậy sự tiền-tri-thức này là nguyên nhân hoặc là lý do của sự tiền định.

3. Không có bất công trong Thiên Chúa (Rm 9.14). Mà xem ra có sự bất công, là cho những và bằng nhau những sự vật không bằng nhau. Và tất cả mọi người đều bằng nhau vừa về bản tính, vừa về nguyên tội; và sự không bằng nhau xảy ra do các công đức hoặc các điều đáng trách do các hành động của họ. Vậy Thiên Chúa không chuẩn bị các sự vật không bằng nhau cho nhân loại bằng nhau cách tiền định và phạt đời đời, trừ phi do sự tiền-tri-thức các công đức và các điều đáng trách.

TRÁI LẠI :

Thánh Phaolô nói : “Thiên Chúa đã cứu chúng ta, không phải vì các công việc lành chúng ta làm, mà vì lòng nhân từ của Chúa” (Cv 3,15). Và như Thiên Chúa đã cứu rỗi chúng ta, cũng vậy Ngài tiền định chúng ta sẽ được cứu rỗi. Do đó, sự tiền-tri-thức về các công đức không phải là nguyên nhân hoặc là lý do của sự tiền định.

TRẢ LỜI :

Vì sự tiền định bao gồm sự muốn, như đã trình bày trước, lý do của sự tiền định phải được tìm hiểu theo một đường lối như lý do cho sự muốn của Thiên Chúa. Mà đã trình bày (Q.19, a.5) chúng ta không thể chỉ nguyên nhân nào cho ý muốn Thiên Chúa, về phần hành động; nhưng một lý do có thể được gặp thấy về phần các sự vật được Thiên Chúa muốn, vì Thiên Chúa muốn sự vật này vì sự vật nào khác. Bởi đó không ai điên đến nỗi nói rằng : công đức là nguyên nhân cho sự tiền định của Thiên Chúa, đối với hành động của Đấng tiền định. Nhưng vấn đề đúng hơn là, phải chăng đối với hiệu quả, sự tiền định có nguyên nhân nào hoặc là, nói cách khác, phải chăng Thiên Chúa đã sắp đặt trước Ngài sẽ ban cái hiệu quả của sự tiền định cho người nào vì những công đức nào.

Vậy có những người nói hiệu quả của sự tiền định đã được sắp đặt trước đối với một người, vì những công đức tiền-hiện hữu trong kiếp sống trước. Đây là ý kiến của Origène, dạy các linh hồn nhân loại đã được sáng tạo thời kỳ thủy, và tùy theo tạp-đa tính của các công việc làm của họ, được chỉ định những địa vị khác nhau ở dương gian này, khi phối hợp với thể xác (Peri archon 1,6). Tuy nhiên, thánh Phaolô bỏ ý kiến này, khi nói : “Ngay khi hai đứa trẻ chưa sinh ra, chưa làm điều gì lành hoặc điều gì dữ; vậy mà đã để cho ta biết Thiên Chúa hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn; lựa chọn không phải theo công việc làm của người được lựa chọn, mà là theo ý của Đấng kêu gọi, Thiên Chúa đã phán bảo bà ấy rằng : “Con trưởng sẽ phục tùng con thứ”.

Một số kẻ khác nói : “Các cộng đức tiền-hiện-hữu trong đời sống này là lý do và là nguyên nhân cho cái hiệu quả của sự tiền định”. Vì những người theo thuyết Pelagius chủ trương sự bắt đầu làm tốt lành thì do chúng ta, và sự hoàn thành do Thiên Chúa (cf. Denzinger, 105); ngõ hầu xảy ra là hiệu quả của sự tiền định được ban cho người này, mà không được ban cho người kia, bởi vì người này bắt đầu bằng cách chuẩn bị, còn người kia thì không. Nhưng chống lại với học thuyết này, thánh Phaolô nói : “Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do Thiên Chúa” (2 Cr 3,5). Nhưng người ta không thể gặp được nguyên lý nào trước hành động suy nghĩ. Vậy, không thể nói rằng : cái gì bắt đầu trong chúng ta, mà có thể là lý do cho hiệu quả của sự tiền định.

Và còn những kẻ khác nữa chủ trương công đức theo sau hiệu quả của sự tiền định, là lý do cho sự tiền định (cf. Glossa Ordin; super Rm. 4,5). Qua lập trường này, họ muốn nói cho chúng ta hiểu biết Thiên Chúa ban ân sủng cho một người, và đã sắp đặt trước Ngài sẽ ban ân sủng này, bởi vì Ngài tri thức trước người này sẽ sử dụng tốt ân sủng ấy; như ông vua cho một người lính một con ngựa, vì ông biết rằng nó sẽ sử dụng con ngựa cách tốt nhất. Hai sự việc này xem ra phân biệt nhau vì hai lý do : một phát xuất từ ân sủng và một thì phát xuất từ tự do ý chí, dường như cũng một sự vật duy nhất không thể phát xuất do cả hai sự việc này. Tuy nhiên hiển hiện điều này là cái gì thuộc về ân sủng, là hiệu quả của sự tiền định; nhưng hiệu quả này không được là lý do cho sự tiền định, vì hiệu quả này được bao hàm trong sự tiền định. Bởi đó, giả như sự vật nào khác ở trong chúng ta, là lý do cho sự tiền định, thì nó phải ở bên ngoài hiệu quả của sự tiền định. Nhưng không có sự phân biệt giữa cái gì phát xuất do tự do ý chí và cái gì thuộc về sự tiền định; như không có sự phân biệt ở giữa cái gì phát xuất do nguyên nhân đệ nhị và cái gì phát xuất do đệ nhất nguyên nhân. Vì sự quan phòng của Thiên Chúa sinh ra những hiệu quả nhờ hành động của các nguyên nhân đệ nhị, như đã trình bày trước (Q.22, a.3). Vậy, cái gì phát xuất do tự do ý chí thì cũng thuộc về sự tiền định.

Bởi đó, chúng ta phải nói hiệu quả của sự tiền định được nhận xét hai thể cách. Thể cách thứ nhất, là thể cách đặc thù, và như vậy không có lý do tại sao một hiệu quả của sự tiền định sẽ không phải là lý do và nguyên nhân của một hiệu quả khác; một hiệu quả đi sau là lý do của một hiệu quả đi trước, với tính cách là nguyên nhân công đức của nó, nguyên nhân công đức đóng vai trò sắp đặt chất thể. Như vậy, chúng ta có thể nói Thiên Chúa đã sắp đặt trước sẽ ban vinh phúc vì công đức, và Ngài đã sắp đặt trước sẽ ban ân sủng để làm cho xứng đáng lãnh nhận vinh phúc. Thể cách thứ hai, thể cách tổng quát, hiệu quả của sự tiền định được nhận xét cách tổng quát. Được hiểu biết như vậy thì hiệu quả toàn vẹn của sự tiền định cách tổng quát sẽ không có thể có nguyên nhân nào xuất phát từ chúng ta; bởi vì bất cứ cái gì ở trong người ta, mà sắp đặt người ta đến sự cứu rỗi, thì tất cả được bao gồm trong hiệu quả của sự tiền định; chính sự chuẩn bị để lãnh nhận ân sủng cũng vậy. Vì chính sự chuẩn bị để lãnh nhận ân sủng, thì cũng không xảy ra cách khác ngoài ơn trợ giúp của Thiên Chúa, theo tiên tri Giêrêmia : “Lạy Chúa, xin hướng chúng con lại với Chúa, và chúng con sẽ trở về với Chúa” (Ac 5,21). Nhưng sự tiền định, theo thể cách này, đối với hiệu quả của mình thì có thiện tính của Thiên Chúa làm lý do cho mình; nguyên vẹn hiệu quả của sự tiền định được hướng dẫn về thiện tính Thiên Chúa như mục đích, và nó tiến hành từ thiện tính của Thiên Chúa, như từ nguyên lý chủ động đệ nhất của mình.

GIẢI ĐÁP :

1. Sự sử dụng ân sủng được Thiên Chúa tiền-tri-thức, không phải là nguyên nhân cho sự ban ân sủng, trừ phi theo thể cách của nguyên nhân mục đích như đã trình bày trước.

2. Sự tiền định có nền tảng của mình trong thiện tính của Thiên Chúa, đối với các hiệu quả của mình cách tổng quát. Tuy nhiên sự tiền định được xem xét trong các hiệu giả đặc thù của mình, thì hiệu quả này là lý do của hiệu quả khác, như đã trình bày trước.

3. Lý do cho sự tiền định của những người này và sự phạt đời đời của những người khác, phải được tìm hiểu trong thiện tính của Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa đã tạo thành tất cả mọi sự vật do thiện tính của Ngài, ngõ hầu thiện tính của Ngài được miêu tả trong các sự vật. Nhưng điều này tất yếu là thiện tính của Thiên Chúa, vốn tại sự, thì đơn nhất và đơn giản, được biểu lộ theo nhiều thể cách trong sự sáng tạo của mình. Vì các thụ tạo, trong chính mình, không thể đạt tới đơn-giản tính của Thiên Chúa. Như vậy, vì sự hoàn thành của vũ trụ, đòi phải có nhiều cấp bậc khác nhau về sự hiện hữu; do đó, mà một số sự vật chiếm chỗ cao và một số sự vật chiếm chỗ thấp trong vũ trụ. Để sự thiên hình vạn trạng về cấp bậc được bảo tồn nơi các sự vật, Thiên Chúa cho phép một số sự xấu, kẻo nhiều sự vật tốt bị ngăn cản, như đã trình bày trước (Q.22, a.2). Vậy, chúng ta hãy xem xét toàn thể nhân loại, như chúng ta xem xét toàn thể vũ trụ. Thiên Chúa đã muốn biểu lộ thiện tính của Ngài ở nơi nhân loại : Đối với những người mà Ngài tiền định, do sự nhân từ của Ngài, bằng cách dung thứ cho họ; và đối với những người mà Ngài phạt đời đời, do sự công bình của Ngài. bằng cách phạt họ. Đây là lý do tại sao Thiên Chúa tuyển chọn một số người và Ngài ruồng bỏ những người khác. Về điều này thánh Phaolô đưa ra nguyên nhân, khi Ngài nói : “Thiên Chúa cũng vậy : dù muốn cho thấy cơn thịnh nộ và cho biết sức mạnh của Người, nhưng Người đã hết lòng kiên nhẫn chịu đựng những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ, và chờ sẵn ngày diệt vong. Thiên Chúa cũng muốn cho biết vinh quang của Người dồi dào biết mấy đối với những kẻ được Người thương xót, những kẻ mà Người đã chuẩn bị trước cho họ lãnh nhận vinh quang đó” (Rm 9,22-23). Và thánh Phaolô còn nói : “Nhưng trong một ngôi nhà to lớn, không những có những bình bằng vàng và bằng bạc, mà còn những bình gỗ và bằng sành, thứ thì dùng vào việc trọng, thứ thì dùng vào việc thấp hèn” (2 Tm 2,20). Nhưng tại sao Thiên Chúa tuyển chọn một số người để hưởng vinh quang và phạt đời đời các người khác, hẳn Ngài không có lý do nào ngoài ý chí Ngài. Do đó, thánh Augustinô nói : Tại sao Thiên Chúa lôi cuốn người này mà không lôi cuốn người kia, người đừng tìm phán đoán, nếu ngươi không muốn sai lầm (Tract. 26, super Joann. 6.44). Cũng như trong các sự vật của thiên nhiên, chất thể đệ nhất tại sự hoàn toàn đồng hình, một lý do được chỉ cho biết tại sao phần này của chất thể đệ nhất được Thiên Chúa tạo thành từ nguyên thủy với mô thể lửa; và phần kia với mô thể đất, tức là, để cho có tạp-đa-tính về các loại trong các sự vật của thiên nhiên. Nhưng tại sao phần đặc thù này của chất thể nọ, ở với mô thể khác, lại chỉ lệ thuộc vào ý chí đơn giản của Thiên Chúa; như do ý chí đơn giản của người thợ khéo, thì viên đá này ở trong phần này của bức tường, và viên đá kia ở trong bức tường khác; đầu cái hoành đồ đòi một số đá sẽ ở trong chỗ này và một số đá khác ở trong chỗ kia. Cũng không vì thế mà có thể có sự bất công trong Thiên Chúa, nếu Ngài sắm sẵn những vận mạng không bằng nhau cho những sự vật không bằng nhau. Điều này có thể là hoàn toàn trái ngược với ý niệm về sự công bình, nếu hiệu quả của sự tiền định được ban cho như món nợ, chứ không được ban cho bằng cách cho không. Trong các sự vật được cho bằng cách cho không, một người có thể cho nhiều hơn hoặc ít hơn, như người này muốn, miễn là không lấy vật mắc nợ người nào, thì không vi phạm sự công bình tí nào. Đây là điều mà ông chủ nhà đã nói : “Anh hãy cầm lấy phần anh mà về, Tôi muốn cho người đến sau cũng bằng anh. Tôi lại không được phép sử dụng của tôi như ý tôi sao ?” (Mt 20,14-15).

 

Tiết 6

PHẢI CHĂNG SỰ TIỀN ĐỊNH THÌ CHẮC CHẮN ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra sự tiền định không chắc chắn.

1. Vì lời : “Đây Ta đến gấp, người hãy nhanh cầm giữ điều ngươi hiện có, kẻo ai khác chiếm mất phần thưởng của người” (Kh 3,11), thì thánh Augustinô nói : “Người khác sẽ không lãnh nhận phần thưởng ấy, nếu người này không làm mất” (De Corrept. et Grat. 13). Do đó, phần thưởng là hiệu quả của sự tiền định, có thể vừa lãnh nhận được vừa làm mất được. Bởi đó, sự tiền định có thể không chắc chắn.

2. Một cái gì là khả hữu, thì do đó không phát xuất cái gì bất khả. Nhưng điều này khả hữu, là một người được tiền định, thí dụ, Phêrô, có thể phạm tội và rồi tức thì bị giết. Nhưng một khi trường hợp này được đặt ra, thì hiệu quả của sự tiền định có thể bị làm hỏng. Điều này không phải là bất khả. Vậy, sự tiền định không chắc chắn.

3. Bất cứ cái gì Thiên Chúa đã có thể làm được, thì hiện giờ Ngài vẫn có thể làm. Mà Ngài đã có thể không tiền định kẻ mà Ngài đã tiền định. Vậy, bây giờ Ngài có thể không tiền định người ấy.

TRÁI LẠI :

Sách Chú giải về thư gởi cho tín hữu Rôma, đoạn 8, câu 29 : Kẻ mà Thiên Chúa đã tiền-tri-thức, Ngài cũng đã tiền định, thì nói : “Tiền định là sự tiền-tri-thức và sự sắm sẵn các ân huệ của Thiên Chúa, nhờ đó, hễ những ai được cứu rỗi thì sẽ được cứu rỗi chắc chắn hơn hết” (Glossa Ordin., super. Rm 8,29).

TRẢ LỜI :

Sự tiền định hoàn thành hiệu quả của mình cách chắc chắn nhất và không lầm lỗi nhất; nhưng nó không đặt ra tất-yếu-tính nào, đến nỗi hiệu quả của nó xảy ra do tất-yếu-tính. Vì đã trình bày trước, tiền định là một phần sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhưng không phải tất cả mọi sự vật lệ thuộc vào sự quan phòng đều là tất yếu. Vì một số sự vật xảy ra do bất-tất-tính, tùy theo sự sắp đặt của nguyên nhân gần đã được sự quan phòng sắp đặt đến các hiệu quả thể ấy. Còn trật tự của sự quan phòng không lầm lỗi như đã trình bày trước (Q.22, a.4). Cũng thế, trật tự của sự tiền định cũng chắc chắn; và còn tự do ý chí không bị phá hủy, chính do tự do ý chí mà hiệu quả của sự tiền định, có bất-tất-tính; lại nữa, tất cả cái gì đã nói về sự tri thức và sự muốn của Thiên Chúa đều cũng phải được xem xét ở đây (Q.14, a.13q.19. a.4.8); bởi vì chúng không thủ tiêu bất-tất-tính trong các sự vật, dầu chúng chắc chắn nhất và không sai lầm nhất.

GIẢI ĐÁP :

1. Phần thưởng được nói thuộc về một người nào theo hai thể cách. Thể cách thứ nhất, do sự tiền định của Thiên Chúa, và như thế, không ai mất phần thưởng của mình; thể cách thứ hai, do công đức của ân sủng vì sự gì chúng ta đáng được do công đức của chúng ta, là cái của chúng ta theo một thể cách nào đó; và như vậy, bất cứ ai cũng có thể mất phần thưởng đã mất như thế, vì chiếm chỗ của người trước. Vì Thiên Chúa không cho phép một người nào sa ngã mà không làm cho những kẻ khác đứng lên, theo lời ông Gióp : Ngài diệt nhiều vô kể và đặt những kẻ khác thay thế họ (G 34,24). Như vậy, người ta được thay thế các thiên thần sa ngã; và các Dân Ngoại thay thế dẫn Do Thái. Kẻ nào thay thế kẻ khác trong ơn công chính hóa, thì cũng lãnh nhận phần thưởng của kẻ đã sa ngã, về phương diện này, tức là, trong sự sống vĩnh cửu, người này sẽ hưởng sự tốt mà người kia đã làm; về trong sự sống vĩnh cửu, người này sẽ hưởng sự tốt đã được các kẻ khác làm như đã được chính người này làm.

2. Dầu có thể người đã được tiền định, được nhận xét trong chính họ, chết trong tội trọng; nhưng vấn đề người này đã được tiền định, thì nhân loại không thể biết được. Vậy, do đó chúng ta không nói được sự tiền định thất bại trong hiệu quả của mình.

3. Sự tiền định bao gồm sự muốn của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta đã trình bày trước (Q.19, a.3), sự muốn của Thiên Chùa về bất cứ sự vật thụ tạo nào, tất yếu theo điều kiện vì sự không thể thay đổi của ý chí Thiên Chúa, nhưng không tất yếu cách tuyệt đối; ở đây chúng ta cũng nói như vậy về sự tiền định. Bởi đó, người ta không nên nói rằng Thiên Chúa có thể không tiền định. Kẻ mà Ngài đã tiền định, nên người ta hiểu câu này theo ý nghĩa hỗn hợp mặc dầu nói cách tuyệt đối, Thiên Chúa có thể tiền định hoặc không tiền định. Nhưng theo thể cách đó, sự chắc chắn của sự tiền định không bị phá hủy.

 

Tiết 7

SỐ CÁC KẺ ĐƯỢC TIỀN ĐỊNH CÓ CHẮC CHẮN KHÔNG ?

 

VẤN NẠN :

Xem ra số các kẻ được tiền định không chắc chắn.

1. Một số mà có thể được cộng thêm lên, thì không chắc chắn. Mà có thể cộng thêm lên các người được tiền định, vì xem có thể như vậy, do đã ghi chép : “Ước gì Chúa, Thiên Chúa Tổ phụ các ngươi gia tăng các người ngàn vạn lần” (Đnl 1,11), và sách Chú giải nói : Thêm số, gia tăng được quyết định do Thiên Chúa, là Đấng tri thức những kẻ thuộc về Ngài (Glossa Ord). Bởi đó, số của những kẻ được tiền định không chắc chắn.

2. Người ta không thấy lý do nào cho biết tại sao Thiên Chúa sắp đặt trước cho sự cứu rỗi số này hơn số khác. Mà không có gì Thiên Chúa sắp đặt mà không có lý do. Vậy số người được cứu rỗi được Thiên Chúa sắp đặt trước không chắc chắn.

3. Các hành động của Thiên Chúa hoàn hảo hơn các hành động của thiên nhiên. Mà trong các hành động của thiên nhiên, sự tốt được thấy ở nơi phần nhiều các sự vật; còn các sự khuyết điểm, cùng các sự xấu, thì thấy ở nơi phần ít trong các sự vật. Vậy, nếu số các kẻ được cứu rỗi được Thiên Chúa quyết định đến một mức phỏng chừng nào đó, số kẻ được cứu rỗi đông hơn số người bị phạt đời đời. Nhưng sự ngược lại xuất hiện trong Phúc âm : “Anh em hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường rộng đưa đến sự hư hỏng, và có nhiều người vào qua lối ấy. Cửa hẹp và đường hẹp dẫn đến sự sống, song ít người tìm được lối ấy” (Mt 8,13). Như thế, con số các kẻ được Thiên Chúa sắp đặt trước để được cứu rỗi thì không chắc chắn.

TRÁI LẠI :

Thánh Augustinô nói : “Số các kẻ được tiền định, thì chắc chắn, và không thể gia tăng, cũng không thể giảm bớt” (De Corrept. et Grat., 13).

TRẢ LỜI :

Số các kẻ được tiền định, thì chắc chắn. Có những người nói điều đó chắc chắn cách mô thể, chứ không phải cách chất thể; dường như chúng ta phải nói có sự chắc chắn là một trăm hoặc một ngàn người được cứu rỗi, chứ không phải các cá thể này hoặc cá thể kia được cứu rỗi. Nhưng trong trường hợp này phá hủy sự chắc chắn của sự tiền định, mà chúng ta đã đề cập trước. Bởi đó, chúng ta phải nói rằng đối với Thiên Chúa, số các kẻ được tiền định chắc chắn không những theo thể cách mô thể, mà còn theo thể cách chất thể.

Tuy nhiên, phải xem xét điều này, là số các kẻ được tiền định được nói là chắc chắn đối với Thiên Chúa không những vì lý do của sự tri thức của Ngài, nghĩa là, bởi vì Ngài tri thức bao nhiêu kẻ được cứu rỗi, vì theo đường lối này, số các giọt nước mưa và những hạt cát biển chắc chắn đối với Thiên Chúa; nhưng còn bởi lý do của sự tuyển chọn và sự quyết định. Để minh chứng điều này, chúng ta phải biết mọi tác nhân có ý định tạo nên một công việc nhất định, như đã trình bày khi nghiên cứu vô-cùng-hữu (Q.7, a.4). Nhưng bất cứ ai trù định một chừng mực nhất định cho hiệu quả của mình, thì nghĩ ra một số nhất định trong các phần chủ yếu là những phần theo bản tính thật sự của mình được đòi hỏi phải có để đem lại sự hoàn hảo cho toàn thể. Người này không bằng cách nguyên thường tuyển chọn một số nào trong các sự vật không được đòi hỏi cách chủ yếu, nhưng bằng thể cách vì một sự vật khác : người này sử dụng chúng rủ theo những số thể ấy, được coi là tất yếu vì sự vật khác đó. Thí dụ, nhà thầu khoán lo đo đạt cái nhà và số nhất định các phòng mà ông muốn làm trong nhà này; cũng lấy thước tấc các bức tường và mái nhà; tuy nhiên, ông không tuyển chọn một số nhất định về các viên đá, nhưng ông nhận và sử dụng đúng bao nhiêu đá theo sự đòi hỏi của kích thước các bức tường. Theo thí dụ này, chúng ta hãy giả thiết nó là trường hợp của Thiên Chúa đối với toàn thể vũ trụ, là hiệu quả của Ngài. Vì Ngài đã sắp đặt trước kích thước của toàn thể vũ trụ và số nào sẽ thích hợp cho các phần chủ yếu của vũ trụ, nghĩa là, những phần theo thể cách nào đó, được sắp đặt đến vĩnh cửu : bao nhiêu thiên thể, bao nhiêu ngôi sao tinh tú, bao nhiêu nguyên tố và bao nhiêu loại. Tuy nhiên, các cá thể, có thể bị tiêu diệt, không được sắp đặt một cách chủ yếu cho sự tốt của vũ trụ, nhưng theo thể cách phụ thuộc, vì sự tốt của loại được bảo tồn nhờ chúng nó. Do đó, dầu Thiên Chúa tri thức tổng số toàn vẹn của mọi cá thể; nhưng số các con bò, các con ruồi và các con vật tương tự, thì tại sự không được sắp đặt trước bởi Thiên Chúa; như sự quan phòng sản xuất bao nhiêu đủ để bảo tồn nòi giống các loại.

Nhưng trong tất cả các thụ tạo, thì thụ tạo có trí năng, một cách chủ yếu được sắp đặt cho sự tốt của vũ trụ, vì chúng không thể bị tiêu diệt; và cách càng đặc biệt, các thụ tạo có trí năng được hạnh phúc vĩnh cửu, vì chúng nó đạt tới cùng đích cách trực tiếp hơn. Do đó, số kẻ được tiền định chắc chắn đối với Thiên Chúa, không những nhờ đường lối tri thức, mà còn nhờ đường lối sắp đặt trước từ nguyên thủy

Nhưng không hoàn toàn như thế về số những kẻ bị phạt đời đời, mà những người này xem ra đã được Thiên Chúa sắp đặt vì sự tốt của các kẻ đã được tuyển chọn; vì với những kẻ đã được tuyển chọn, thì tất cả mọi sự vật đều cộng tác vào sự tốt cho họ (Rm 8,28). Về số tất cả các người đã được tuyển chọn một số người (St. Augustin, Enchir., 29,62; De Civit. Dei 22,1) nói : “Số người được cứu rỗi bằng số thiên thần sa ngã”; những kẻ khác (Pierre Lombard, Sent., 2.9) nói: “Số người được cứu rỗi bằng số các thiên thần còn lại”; còn những kẻ khác nữa (cf G. Bareille “Angel”, 2) nói : “Số người được cứu rỗi bằng số thiên thần sa ngã cộng với số thiên thần được sáng tạo trước nhất”. Song tốt nhất là nói số các người được tuyển chọn mà vinh phúc được dành cho, chỉ được Thiên Chúa tri thức mà thôi.

GIẢI ĐÁP :

1. Các lời nói của Thứ Luật được sử dụng như ứng dụng cho những kẻ Thiên Chúa ghi dấu trước đối với sự công chính trong đời sống hiện tại. Vì con số của họ được gia tăng hoặc giảm bớt; chứ đó không phải số các kẻ được tiền định.

2. Lý do về lượng của mỗi phần phải được phán đoán do tỷ lệ của phần với toàn thể. Như vậy, trong Thiên Chúa, lý do tại sao Ngài đã tạo thành rất nhiều tinh tú, hoặc rất nhiều loại của các sự vật hoặc rất nhiều kẻ được tiền định, đó là tùy theo tỷ lệ của các phần chủ yếu với sự tốt của toàn thể vũ trụ.

3. Sự tốt, có tỷ lệ với tình trạng chung của vũ trụ, được gặp nơi đa số, và thiếu ở nơi thiểu số trong các trường hợp. Sự tốt vượt qua tình trạng chung của thiên nhiên, được gặp ở nơi thiểu số và thiếu ở nơi đa số. Như vậy thấy rõ ràng đa số nhân loại có đủ tri thức đối với sự hướng dẫn đời sống;và có ít kẻ không có sự tri thức này và có ít kẻ bị nói là ngu dại hoặc điên khùng; nhưng kẻ đạt tới sự tri thức uyên thâm về các sự vật khả niệm là một thiểu số rất thấp trong sự đối chiếu với số còn lại. Vì hạnh phúc vĩnh cửu, cốt tại sự trông thấy Thiên Chúa, vượt qua tình trạng chung của Thiên Chúa, và một cách riêng biệt, thiên nhiên bị tước đoạt ân sủng do sự hư hỏng của nguyên tội, nên rất ít người được cứu rỗi. Tuy nhiên, ngay trong tình trạng này, lòng nhân từ của Thiên Chúa xuất hiện một cách đặc biệt, là Ngài đã tuyển chọn một số người được sự cứu rỗi mà rất đông người không được do sự vận chuyển và khuynh hướng chung của bản tính.

 

Tiết 8

SỰ TIỀN ĐỊNH CÓ THỂ ĐƯỢC TÁN TRỢ

DO LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CÁC THÁNH KHÔNG?

 

VẤN NẠN :

Xem ra sự tiền định không được tán trợ do lời cầu nguyện của các thánh.

1. Không có gì vĩnh cửu có thể được tán trợ bởi cái gì thuộc về thời gian; và một cách hợp lý, không cái gì thuộc thời gian mà có thể giúp sức để tạo nên một sự vật vĩnh cửu. Nhưng sự tiền định là vĩnh cửu. Do đó, bởi vì các lời cầu nguyện của các Thánh thuộc về thời gian, không có thể giúp tạo nên kẻ nào được tiền định. Vậy, sự tiền định không được tán trợ do lời cầu nguyện của các Thánh.

2. Không ai cần đến lời chỉ bảo, trừ phi bởi vì họ tri thức không đủ; cũng vậy, không ai cần đến sự giúp đỡ, trừ phi bởi năng lực họ không đủ. Nhưng cả hai trường hợp này không được nói về Thiên Chúa, khi Ngài tiền định. Do đó, đã có lời nói : “Nào ai biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ?” (Rm 11,34). Vậy, sự tiền định không có thể được tán trợ do lời cầu nguyện của các Thánh.

3. Nếu một sự vật được giúp đỡ, nó cũng có thể bị ngăn cản. Mà sự tiền định không thể bị sự vật nào ngăn cản. Vậy, sự tiền định không thể được tán trợ do lời cầu nguyện của các Thánh, cũng không do bất cứ cái gì khác.

TRÁI LẠI :

Có lời nói : “Vì nàng son sẻ, nên Isaac cầu Chúa thương đến vợ mình. Chúa nhậm lời người mà cho Rebecca thụ thai” (Kn 25,21). Nhưng nhờ sự thụ thai này. Giacóp được sinh ra và được tiền định. Nhưng sự tiền định của Giacóp không được hoàn thành, giả như Ông không bao giờ sinh ra. Vậy, sự tiền định được tán trợ do lời cầu nguyện của các Thánh.

TRẢ LỜI :

Liên hệ với vấn đề này, có nhiều sai lầm. Một số người nhìn vào sự chắc chắn trong sự quan phòng của Thiên Chúa, mà nói các lời cầu nguyện dư thừa, cũng như bất cứ cái gì được làm để đạt tới sự cứu rỗi; bởi vì cho dầu các việc này được làm hoặc không, kẻ được tiền định sẽ đạt được sự cứu rỗi đời đời, và kẻ bị phạt đời đời, không đạt được. Nhưng trái ngược ý kiến này, đã có các sự dạy cho biết trong Kinh thánh khuyên bảo chúng ta cầu nguyện và làm các việc lành khác.

Những kẻ khác (cf. Nemesius, De Nat. Hom., 36), chủ trương sự quan phòng của Thiên Chúa thay đổi do lời cầu nguyện. Đây được nói là ý kiến của những người Ai Cập, nghĩ rằng sự sắp đặt của Thiên Chúa, mà họ gọi là vận mạng, có thể được làm ra vô hiệu bởi các hy lễ và cầu nguyện. Chống lại ý kiến này, chúng ta cũng có thế giá của Kinh thánh. Vì có lời chép : “Người chiến thắng lòng dân Israel sẽ không dung thứ và sẽ không cảm động trước sự sám hối” (1 Sm15,29); và có lời chép : “Khi Thiên Chúa đã ban ơn kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11,29).

Bởi đó, chúng ta phải đề nghị một sự giải thích khác, tức là, trong sự tiền định, có hai điều được xem xét : sự sắp đặt trước và hiệu quả của nó. về điều thứ nhất, không một thể cách nào, sự tiền định được tán trợ bằng lời cầu nguyện của các Thánh. Vì không phải do lời cầu nguyện của các Thánh mà người nào được tiền định bởi Thiên Chúa. Về điều thứ hai, sự tiền định được nói là được giúp đỡ do lời cầu nguyện của các Thánh, và do các việc lành khác; bởi vì sự quan phòng mà sự tiền định là một phần, không trục xuất các nguyên nhân đệ nhị, nhưng sự quan phòng hoạt động trên các hậu quả theo một thể cách thể ấy đến nỗi các nguyên nhân đệ nhị lệ thuộc vào sự quan phòng. Cũng thế, như Thiên Chúa thi hành sự quan phòng trên các hiệu quả thiên nhiên theo một thể cách như thế đến nỗi các nguyên nhân thiên nhiên được sắp đặt để đem đến các hiệu quả thiên nhiên, mà nếu không có các nguyên nhân thiên nhiên này, các hiệu quả đó sẽ không xảy ra; cũng vậy, sự cứu rỗi của một cá nhân được tiền định bởi Thiên Chúa, theo một thể cách thể ấy đến nỗi bất cứ cái gì giúp cá nhân này đối với sự cứu rỗi, thì đi vào trong trật tự của tiền định, hoặc là những lời cầu nguyện riêng của đương sự, hoặc là những lời cầu nguyện của những người khác, hoặc là những việc lành khác, hoặc cái gì tương tự, mà không có những việc này, người ấy không được cứu rỗi.

GIẢI ĐÁP :

1. Chứng cứ này tỏ bày sự tiền định không được tán trợ do các lời cầu nguyện của các Thánh, đối với sự sắp đặt trước của Thiên Chúa.

2. Người ta có thể được kẻ khác giúp đỡ theo hai thể cách : thể cách một, vì người này lãnh nhân năng lực thêm từ kẻ khác: và việc được giúp đỡ như vậy, là thuộc về người yếu đuối. Nhưng tình trạng này không thích hợp với Thiên Chúa và theo ý nghĩa này đã có lời nói : “Ai đã giúp đỡ Thánh Thần Thiên Chúa”. Theo thể cách hai, một người nào được giúp đỡ bởi một kẻ khác, mà nhờ người này, người đó thi hành công việc của mình, như ông chủ nhờ đầy tớ. Theo thể cách này, Thiên Chúa được chúng ta giúp đỡ, vì chúng ta thi hành mệnh lệnh của Ngài, theo Kinh thánh : “Chúng tôi đều là cộng tác viên của Thiên Chúa” (1 Cr 3,9). Sở dĩ có sự việc này, không phải là do có sự khuyết điểm nào trong năng lực Thiên Chúa, nhưng bởi vì Thiên Chúa sử dụng các nguyên nhân trung gian, ngõ hầu sự tốt đẹp về trật tự được bảo tồn trong vũ trụ, và cũng để Ngài có thể chuyển thông cho các thụ tạo. sự cao trọng của nhân-quả-tính.

3. Các nguyên nhân đệ nhị không thể thoát ra ngoài trật tự của nguyên nhân phổ quát đệ nhất, như đã trình bày trước (Q.19, 6q.22. 4.2 và 1). Thật sự chúng nó thi hành trật tự này. Vậy, tiền định có thể được tán trợ do các thụ tạo, nhưng không bị chúng nó ngăn trở.

 


CÂU HỎI 24
CÂU HỎI 22

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt