Triết học tôn giáo

Lu-the với tư cách là thẩm phán trọng tài giữa Stơ-rau-xơ và Phoi-ơ-bắc

 

LU-THE VỚI TƯ CÁCH LÀ THẨM PHÁN TRỌNG TÀI

GIỮA STƠ-RAU-XƠ VÀ PHOI-Ơ-BẮC

 

KARL MARX (1818-1883)

 


C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 1. Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 46-48. | Bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn


 

Stơ-rau-xơ và Phoi-ơ-bắc! Ai là người trong bọn họ đã có lý trong vấn đề khái niệm về phép mầu, một vấn đề được nêu lên cách đây không lâu?8 Đó là Stơ-rau-xơ, xem xét vần đề với tươ cách là một nhà thần học, do đó đã xem xét một cách có định kiến, hay đó là Phoi-ơ-bắc, nghiên cứu vấn đề ấy với tư cách là một người không phải là nhà thần học, do đó nghiên cứu một cách tự do? Đó là Stơ-rau-xơ, xem xét sự vật như chúng đã thể hiện ra trong con mắt của nhà thần học tư biện, hay đó là Phoi-ơ-bắc, xem xét chúng như đã thể hiện ra trong thực tế? Stơ-rau-xơ, người đã không nêu lên được ý kiến dứt khoát về phép mầu là cái gì mà chỉ giả định thêm rằng, đằng sau phép mầu còn có một sức mạnh tinh thần đặc biệt khác với sự mong muốn (làm như thể là mong muốn không phải là cái sức mạnh của tinh thần hay của con người mà ông ta đã giả định; làm như thể là sự mong muốn được tự do chẳng hạn, không phải là hành vi đầu tiên của tự do), hay Phoi-ơ-bắc, người đã nói không úp mở rằng: phép mầu là sự thực hiện một mong muốn tự nhiên, tức là của con người, bằng một phương thức siêu nhiên? Ai trong bọn họ đã có lý ? Lu-the - một uy tín rất lớn, vượt rất xa tất cả những nhà giáo điều của đạo Tin lành cộng lại, vì tôn giáo đối với ông ta là một chân lý trực tiếp, có thể nói là thiên nhiên, - cứ hãy để cho Lu-the trả lời xem trong bọn họ ai là người có lý.

Ví dụ, Lu-the nói, - bởi vì có thể dẫn ra vô số những đoạn tương tự trong các tác phẩm của ông ta, - về sự hồi sinh của  những người đã chết trong Kinh thánh của Thánh Lu-ca (chương 7):

“Những việc làm của Chúa chúng ta, Giê-xu Cri-xtơ, chúng ta phải tôn kính một cách khác, cao hơn những việc làm của con người, vì những việc làm đó được thực hiện là để chúng ta có thể biết được Người là một vị Chúa vạn năng như thế nào, - cụ thể là, một vị Chúa và Thượng đế có thể giúp đỡ khi mà không còn ai có thể giúp đỡ được; do vậy, không một người nào bị sa ngã xuống thấp đến mức Chúa không giúp đỡ được, dù cho tai họa đó lớn đến mấy chăng nữa”. “Đối với Thượng đế - Chúa của chúng ta, có cái gì mà Người không thể làm được, khiến cho chúng ta không thể đặt hy vọng vào Người? Chính Thượng đế từ chỗ không có gì đã tạo ra trái đất và bầu trời, và tất thảy những thứ khác. Năm này qua năm khác, Người làm cho cây mang đầy các quả anh đào, mận, táo, lê, và để làm công việc ấy, Người không cần cái gì cả. Bất kỳ một ai trong chúng ta, ngay giữa mùa đông tuyết phủ, cũng không thể lấy ra được ở dưới tuyết dù là một quả anh đào. Còn Thượng đế là một người có thể tạo ra tất cả, có thể làm sống lại những gì đã chết,làm nẩy sinh những gì không tồn tại. Như vậy, dù cho một người nào đó có sa ngã xuống thấp như thế nào chăng nữa, nhưng đối với Thượng đế chúng ta thì người đó sa ngã không xuống thấp đến mức mà Người không thể không nâng dậy và cứu giúp. Chúng ta phải nhận thức những việc làm đó của thượng đế và phải hiểu rằng, đối với Người thì không có gì không làm được, và một khi chúng ta gặp điều không may thì, tin vào sức vạn năng của Người, chúng ta phải học tập can đảm. Dù cho bọn Thổ Nhĩ Kỳ hay một tai họa khác nào đó có đến đi nữa, thì chúng ta phải nhớ rằng có một người bảo hộ và một vị cứu tinh, mà bàn tay vạn năng có thể cứu giúp. Đó là một niềm tin đúng đắn, chân chính". “Cần phải tìm ở Thượng đế lòng dũng cảm chớ nên nản chí. Bởi vì cái gì mà tôi và những người khác không thể làm được thì Người làm được. Nếu như cả tôi lẫn những người khác không thể giúp đỡ được, thì Người có thể giúp tôi và cứu tôi thoát chết, nhươ trong thánh ca thứ 68 đã nói: Chúng ta có Chúa giúp đỡ, có vua của các vị vua sẽ cứu chúng ta thoát chết. Vì vậy, trái tim của chúng ta phải đầy can đảm và hy vọng vào Người. Những trái tim như vậy mới thật là tôn thờ Người và kính yêu Người, đó là những trái tim không bị chán nản và không hề biết sợ”. “Chúng ta phải tìm sự dũng cảm ở Chúa ở người con của Chúa, Giê-xu Cri-xtơ. Bởi vì cái mà chúng ta không thể làm được, thì Người có thể làm được; cái gì mà chúng ta không có, thì Người lại có. Nếu bản thân chúng ta không thể tự giúp mình, thì Người có thể giúp, - và Người vui sươớng và sẵn sàng làm việc đó như chúng ta đang thấy ở đây” (Lu-the. “Toàn tập”, [phần XVI], Lai-pxích, 1732, tr.442-445)9.

Trong một vài lời đó, các người có sự tán dương toàn bộ cuốn sách của Phoi-ơ-bắc10, - tán dương tất cả những định nghĩa về định mệnh, tính vạn năng, sự sáng tạo, phép mầu, lòng tin, đã nêu ra trong cuốn sách ấy. Các người hãy hổ thẹn đi, hỡi những tín đồ của đạo Cơ Đốc, - quý tộc và thường dân, những nhà thông thái và những người không thông thái, - các người hãy hổ thẹn đi, bởi vì một kẻ chống đạo Cơ Đốc đã phải chỉ cho các người bản chất của đạo Cơ Đốc dưới cái dạng thực sự không che đậy của nó. Còn đối với các ngài, những nhà thần học và những nhà triết học tư biện, thì tôi khuyên các ngài: hãy thoát ra khỏi những khái niệm và những thành kiến của nền triết học tư biện trước đây, nếu như các ngài muốn đến được tới sự vật như chúng đang tồn tại trong thực tế, nghĩa là đến được chân lý. Và đối với các ngài thì không có con đường nào khác để dẫn đến chân lý tự do, ngoài con đường đi qua suối lửa*. Phoi-ơ-bắc - đó là chốn luyện ngục của thời đại chúng ta.

 

Do C.Mác viết vào cuối tháng Giêng 1842

Đã in trong Tập văn "Anekduta zur neuesten deutschen Philosophie und Publicistik", Bd. II, 1843

Ký tên: Không phải người Béc-lin

 

In theo bản in trong Tập văn

Nguyên văn là tiếng Đức

 

 

 



8 Đây là nói về cuộc luận chiến chống lại Phoi-ơ-bắc, do Stơ-rau-xơ nêu lên trong cuốn sách của ông: "Giáo lý của đạo Cơ Đốc trong sự phát triển lịch sử của nó và trong cuộc đấu tranh với khoa học hiện đại" (D. F.Strauss. "Die christliche Glaubenslehre in ihrer geschichtlichen Entwicklung und im Kampfe mit der modernen Wissenschaft"); tập đầu cuốn sách của Stơ-rau-xơ đơược xuất bản năm 1840, tập thứ hai - năm 1841. Nhân có cuộc luận chiến này, một loạt bài viết về vấn đề phê phán tôn giáo đã đươợc đăng trong tạp chí của phái Hê-ghen cánh tả, tờ "Deutsche Jahrbücher für Wissenschaft und Kunst" ("Niên giám Đức về các vấn đề khoa học và nghệ thuật"). Trong các bài đăng ở số 105 ngày 1 tháng Mươời một 1841 và trong các số 7, 8 ngày 10 và 11 tháng Giêng 1842, với bí danh "Người dân Béc-lin" và "Cũng là dân Béc-lin", ngươời ta đã mươu toan xóa bỏ sự khác biệt trong quan điểm của Stơ-rau-xơ và Phoi-ơ-bắc. Ký tên "Không phải người Béc-lin" dưới bài báo của mình, C.Mác muốn nhấn mạnh sự bất đồng của mình với các tác giả đã viết những bài báo nói trên.

9 Martin Luther. "Sọmtliche Deutsche Schrifften und Wercke", 22 Theile, Leipzig, 1729-1734 (Mác-tin Lu-the. “Toàn tập bằng tiếng Đức", gồm 22 phần, Lai-pxích, 1729-1734).

10 Mác muốn nói về cuốn: L.Feuerbach. "Das Wesen des Christenthums" (L.Phoi-ơ-bắc. Bản chất đạo Cơ  Đốc"), xuất bản ở Lai-pxích tháng Sáu 1841.

* - Chơi chữ: từ "Feuerbach" có nghĩa là "suối lửa".

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt