Triết học tôn giáo

Những bài giảng về bản chất tôn giáo: Bài giảng thứ mười hai

 

 

NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT TÔN GIÁO

BÀI GIẢNG THỨ MƯỜI HAI

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31  
                               

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)

LÊ KHẮC THÀNH dịch

 


Ludwig Feuerbach. “Bài giảng thứ mười hai”, trong Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Lê Khắc Thành dịch. | Phiên bản điện tử do bạn Lê Trần Anh Thư thực hiện.


 

NỘI DUNG

Sự chứng minh bằng vũ trụ luận không cho ta một sự giải thích mà ta đang tìm kiếm. – Tính chất phi tiền đề và tính tự quy định vốn có ở thiên nhiên để được di chuyển sang một thực thể trừu tượng được tưởng tượng ra. – Hoạt động lô-gích của tư tưởng với tư cách là gương mẫu của lối “giải thích thiên nhiên” có tính chất thần học: nguyên nhân đầu tiên không giải thích gì cả, mà chỉ mang lại sự thỏa mãn chủ quan quá trình tư duy. Ảnh hưởng trực tiếp của thiên nhiên với tư cách là tác động của một đấng tối cao. – Sức mạnh của thiên nhiên và sức mạnh của thần thánh. – Những nguyên nhân gáin tiếp và cách quãng và một cái gì đó “cao hơn”, là tiền đề của con người. – Sự đồng nhất của các quan niệm về thiên nhiên với các quan niệm về thượng đế. – Điều mâu thuẫn và không giải thích được khi tách biệt thiên nhiên ra khỏi thượng đế.

 

         Trong bài giảng cuối của tôi, tôi đã lấy thí dụ con người để trình bày cho thấy một trong những bằng chứng đầu tiên và thông thường nhất, một bằng chứng vẫn được gọi là thuộc vũ trụ luận, về sự tồn tại của thần, nó được dựa trên cơ sở cho rằng mọi cái trong thế giới đều hữu hạn và lệ thuộc, và vì vậy mặc nhiên phải một cái gì đó vô tận và không phụ thuộc, ở bên ngoài ta. Và kết luận của tôi là: con người thoạt đầu là con, nhưng đồng thời cũng lại là cha, tuy là kết quả nhưng đồng thời cũng lại là nguyên nhân, tuy bị phụ thuộc nhưng đồng thời cũng độc lập. Nhưng những gì có liên quan đến con người cố nhiên cũng liên quan với những thực thể khác – chỉ với một điểm khác tự nó có thể hiểu được, đó là sự khác nhau nói chung vẫn thấy có giữa con người và các thực thể khác. Mỗi một thực thể, mặc dầu bị lệ thuộc vào các thực thể khác, vẫn thuộc bản thân nó, vẫn độc lập; mỗi một thực thể đều có cơ sở tồn tại của nó ở trong chính bản thân, là vì nếu khác thế thì nó tồn tại để làm gì? Mỗi một thực thể được phát sinh trong những điều kiện và từ những nguyên nhân mà, cho dù chúng là như thế nào đi nữa, cũng không thể cho ta một thực thể nào khác hệt như thế; mỗi một thực thể được phát sinh từ sự kết hợp của nhiều nguyên nhân, một sự kết hợp mà hẳn sẽ không có nếu như không có thực thể đó. Mỗi một thực thể cũng là kết quả như thể nó là nguyên nhân. Sẽ không có cá nếu như không có nước, nhưng sẽ có nước nếu như không có cá, hay ít ra, sẽ không có các loài vật có thể sống ở trong nước như cá. Cá là những sinh vật, những thực thể lệ thuộc vào nước; chúng không thể sống không có nước; có chúng mặc nhiên là phải có nước ; nhưng nguyên nhân lệ thuộc của chúng nằm trong bản thân chúng, trong bản tính cá thể của chúng đã khiến cho chính nước đã trở nên nhu cầu của chúng, môi trường của chúng.

        Thiên nhiên không có khởi đầu và cũng không có kết thúc. Mọi cái ở trong nó đều tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, tất cả đều là tương đối, tất cả đều cùng một lúc là tác động và nguyên nhân, tất cả ở trong nó đều toàn diện và tương hỗ; nó không được dựa trên một nhóm thiểu số hoạt đầu quân chủ, nó là một nền cộng hòa. Kẻ nào vốn quen với một lối quản trị quân chủ cố nhiên là không thể nào tưởng tượng ra một nhà nước, một đời sống xã hội cộng đồng của con người không có quốc vương; và cũng vậy, kẻ nào ngay từ tấm bé đã quen với các biểu tượng thần linh thì không thể nào hình dung thiên nhiên lại không có thần. Nhưng thiên nhiên vẫn cứ có thể quan niệm được mà không cần có thần trong đó, không cần có một thực thể phi thiên nhiên và siêu nhiên cũng như thể một quốc gia hay một dân tộc vẫn có được mà không hề cần đến một quốc vương làm thần tượng đứng bên ngoài và bên trên dân tộc. Và nếu nhiệm vụ lịch sử, mục đích thực tiễn của nhân loại là tạo dựng nên một nền cộng hòa, mục đích lý luận của con người là: thừa nhận cơ cấu của thiên nhiên có tính chất cộng hòa, không di chuyển việc cai quản thiên nhiên ra bên ngoài nó, mà luận chứng sự điều khiển đó bằng chính bản chất của thiên nhiên. Không có gì phi lý hơn là đem biến thiên nhiên thành kết quả đơn phương và đem đối lập cái kết quả đó với cái nguyên nhân đơn phương dưới dạng một thực thể phi thiên nhiên mà đến lượt nó lại không là kết quả của một thực thể nào khác nữa. Thế nhưng, nếu nhưng tôi đã không nén được và cứ mãi suy tưởng cứ mãi buông thả cho trí tưởng tượng đi ngày một xa hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở thiên nhiên và nếu như tôi không tìm thấy được một sự thỏa mãn cho khát vọng vô độ của trí óc tôi mà cứ muốn tìm kiếm những nguyên nhân trong tác động toàn diện và qua lại của thiên nhiên, thì thử hỏi cái gì sẽ giữ tôi lại mà không đi xa hơn ngay cả thần linh nữa? Tại sao tôi lại phải dừng lại ở đây? Vì sao lại không đặt vấn đề về cơ sở của thần hay về nguyên nhân của nó? Và, khi ta nói về thần, có chăng ở đây mối tương quan của các sự vật như chúng ta được thấy trong sự ngẫu hợp của các nguyên nhân và kết quả tự nhiên, mối tương quan mà chúng ta vừa muốn loại bỏ bằng giả thuyết về thần? Lẽ nào thần, một khi tôi hình dung nó như là nguyên nhân của thế giới, lại không lệ thuộc vào thế giới? Có chăng một nguyên nhân của trạng thái bất động? Còn lại gì ở thần nói chung, nếu như tôi để thế giới sang một bên hay vứt bỏ nó khỏi ý nghĩ? Đâu là sức mạnh của ông ta – ông thần – nếu như ông ta không sáng tạo nên gì cả; đâu là sự sáng suốt của ông ta nếu như không có thế giới, vì sự sáng suốt của ông ta chính là ở việc điều khiển cái thế giới đó? Đâu là lòng tốt của ông ta nếu như chẳng có gì để qua mối quan hệ với nó mới thấy được ông ta là tốt bụng? Đâu là sự hiểu biết của ông ta nếu như không có một đối tượng mà qua nó ông ta mới tự ý thức được mình? Đâu là tính vô hạn của ông ta nếu như không có cái gì là hữu hạn, là vì ông ta chỉ là vô hạn khi được đem đặt đối lập với cái hữu hạn đó? Bởi vậy cho nên, nếu như tôi vứt bỏ thế giới đi thì tôi sẽ chẳng còn lại gì của thần cả. Vậy cớ làm sao chúng ta lại không muốn dừng lại ở cái thế giới này mà chúng không thể nhảy qua nó hay vượt ra ngoài giới hạn của nó được, là vì ngay các biểu tượng về thần và sự thừa nhận tồn tại của thần cũng sẽ quẳng ta trở lại với thế giới, là vì với sự xa lánh, vứt bỏ thiên nhiên và thế giới, chúng ta cũng sẽ thủ tiêu luôn cả toàn bộ hiện thực, và cũng có nghĩa, cả hiện thực về thần, là vì ông ta được hình dung như là nguyên nhân của thế giới.

        Bởi vậy những khó khăn đang nẩy sinh trước cái nhìn bên trong của chúng ta về vấn đề khởi nguyên của thế giới sẽ không thể nào giải quyết được nếu chỉ với cái cách ta giả định sự tồn tại của một vị thần, một đứng nào đó đứng ở bên ngoài thế giới, mà chỉ bị đẩy lùi hay bị vứt bỏ sang một bên, hoặc che đậy, lấp liếm đi mà thôi. Vậy thì, hợp lý hơn cả là nên thừa nhận rằng thế giới đã và sẽ mãi mãi tồn tại, rằng nó, do đó, có ở trong chính bản thân nó cơ sở tồn tại của mình. Trong những bài giảng của ông về triết học tôn giáo, Kant có nói : “Không thể nào từ bỏ ý nghĩ, và đồng thời cũng không thể nào cho rằng cái thực thể mà chúng ta hình dung như là một đấng tối cao trong số các thực thể có thể có được, dường như đang tự nói với mình: ta đang tồn tại từ vĩnh cữu và trong vĩnh cữu ; ngoài ta ra không có gì cả nữa ngoại trừ cái điều mà, theo ý muốn của ta, hiện là một cái gì đó; nhưng chính bản thân ta do đâu mà có?” Nói một cách khác, điều đó có nghĩa rằng: thần ở đâu mà ra vậy; cái gì buộc tôi phải dừng lại ở ông ta? Không gì cả; ngược lại, tôi phải tự hỏi vì nguyên nhân xuất xứ của ông ta. Và cái nguồn gốc phát sinh đó không phải là một điều bí mật: cái nguyên nhân của nguyên nhân đầu tiên hay phổ biến của các sự vật, hiểu theo cái nghĩa của các nhà thần luận, thần học, và các nhà triết học vẫn được gọi là tư biện, chính là lý trí của con người. Lý trí đã đi từ cái đơn nhất và cái đặc thù lên đến cái phổ biến, từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, từ cái xác định đến cái vô định. Cũng hệt như vậy, lý trí đã đi từ những nguyên nhân thực tế, xác định, đặc thù cho đến khi và cứ mãi thế cho đến tận khi nào đạt đến cái nguyên nhân với tư cách như thế: cái nguyên nhân không hề sinh sản ra những kết quả đặc thù, xác định. Thần không phải (hay tôi ít không phải một cách trực tiếp, như ý kiến của các nhà thần luận) là nguyên nhân của sấm sét, của mùa hè và mùa đông, của mưa và nắng, mặt trời, của lửa và nước, của mặt trời và mặt trăng; tất cả những sự vật và hiện tượng đó chỉ có những nguyên nhân cảm tính, đặc thù, xác định; còn thần chỉ là nguyên nhân phổ biến, nguyên nhân của các nguyên nhân; nó là nguyên nhân nhưng không phải là một nguyên nhân thực tế, cảm tính, xác định; nó là một nguyên nhân được khái quát hóa từ mọi chất và chất liệu cảm tính, từ mọi mục đích đặc biệt, có nghĩa nó là nguyên nhân nói chung, là khái niệm nguyên nhân với tư cách là cái bản chất được thể hiện lên, trở thành độc lập. Cũng tựa như lý trí là sự thể hiện của cái khái niệm bản chất (ở trong đó đã được lấy đi mọi đặc tính xác định của các sinh vật thực tế) dưới dạng của một bản chất duy nhất; thì cũng hệt như thế, nó là sự thể hiện của cái khái niệm nguyên nhân (đã bị tước bỏ đi mọi tính chất của nguyên nhân, xác định, thực tế) dưới dạng của một nguyên nhân đầu tiên. Cũng như nói chung, trên quan điểm của lý tính gạt bỏ mọi tình cảm, con người đã, một cách hoàn toàn đứng về mặt chủ quan và lô-gích, cho rằng giống loài có trước các cá thể, màu sắc nói chung có trước một màu xác định, loài người có trước con người cụ thể; thì cũng hệt như vậy, nó cho rằng nguyên nhân nói chung, với tư cách như thế, có trước mọi nguyên nhân. Thần là cơ sở của thế giới, điều đó có nghĩa rằng: cái nguyên nhân với tư cách như thế là cơ sở của các nguyên nhân; nếu như không có một nguyên nhân thì không có các nguyên nhân; cái điều đầu tiên, trong lô-gích, trong qui chế của lý tính, là một nguyên nhân, cái điều thứ nhỉ là cái phụ thuộc vào một nguyên nhân, hay là những dạng thức của nguyên nhân; nói tóm lại, nguyên nhân đầu tiên được giản lược lại, được quy kết thành khái niệm nguyên nhân và khái niệm nguyên nhân được quy kết lại thành lý tính, và lý tính nói chung được rút ra, được kết luận từ các sự vật cụ thể và sau đó, phù hợp theo với bản tính của nó, cái điều phổ biến được quy kết từ những sự vật cụ thể trên lại được lấy làm tiền đề cho chúng, như là cái có đầu tiên. Nhưng chính bởi vậy, vì lẽ cái nguyên nhân đầu tiên là một khái niệm đơn thuần thuộc lý tính, hay chỉ là bản chất của lý tính, nó vốn không có một sự tồn tại vật chất nào cả, cho nên nó không phải là nguyên nhân của cuộc sống và sự tồn tại của tôi; cái nguyên nhân nói chung không giúp gì được cho tôi cả; nguyên nhân của cuộc sống của tôi là một khái niệm bao hàm ở trong nó nhiều nguyên nhân khác nhau, xác định; chẳng hạn như nguyên nhân của việc tôi thở, về mặt chủ quan là lá phổi, về mặt khách quan là không khí; nguyên nhân của việc tôi nhìn thấy được, về mặt khách quan là ánh sáng, về mặt chủ quan là con mắt. Cho nên một lần nữa tôi xin rời bỏ cái đề tài trừu tượng, chả có gì là vui thú về cái nguyên nhân đầu tiên không sản sinh ra một cái gì cả, và quay sang nói về thiên nhiên, về cái tổng thể của những nguyên nhân thực tế, để một lần nữa chứng minh một cách lý thú rằng chúng ta phải dừng lại ở thiên nhiên như là ở nền tảng cuối cùng của sự của chúng ta, rằng mọi sự mưu toan đem quy kết sự tồn tại đó từ một thực thể phi tự nhiên những sự quy kết vượt ra ngoài giới hạn của thiên nhiên như thế đều chỉ là sự tưởng tượng tự do hay sự tự lừa mị mà thôi. Những bằng chứng này một phần có tính chất trực tiếp, một phần có tính chất gián tiếp, một số được lấy từ thiên nhiên và có liên quan trực tiếp đến bản chất của nó; một số khác trình bày lên cho thấy những mâu thuẫn được hàm chứa trong một giả định ngược lại, và những kết luận phi lý từ sự giả định này mà ra.

        Thế giới của chúng ta, và tuyệt nhiên không phải chỉ là một thế giới chính trị và xã hội mà thôi mà còn là một thế giới sống bằng những hứng thú tinh thần, cái thế giới khoa học, thông bác, là một thế giới lộn ngược, sự thắng lợi của nền học vấn của chúng ta, của nền văn hóa của chúng ta một phần rất lớn lại là một sự xa lìa và đi chệch ra xa càng nhiều càng tột khỏi thiên nhiên; sự thắng lợi của nền khoa học của chúng ta, của sự thông bác của chúng ta lại là ở chỗ xa rời và đi chệch bước ra càng xa càng tốt, xa khỏi cái chân lý đơn giản và hiển nhiên. Nên chi, cái luận điểm cơ bản phổ biến của thế giới chúng ta, một thế giới bị quay lộn ngược, lại nêu lên rằng thần, thượng đế tự phát lộ mình ra qua thiên nhiên, trong khi đáng lẽ ra phải nói ngược lại rằng thiên nhiên, ít ra cũng là buổi thoạt đầu, đã đến với con người với tư cách là thần, rằng thiên nhiên đã gây nên ở con người cái ấn tượng được nó gọi tên là thần, cái ấn tượng mà trong ý thức của nó được lắng đọng lại dưới cái tên là thần, được nó khách thể hóa. Nên chi, luận thuyết phổ biến của cái thế giới đảo ngược của chúng ta đã nêu lên rằng thiên nhiên được phát sinh từ thần, trong lúc đáng lý phải nói ngược lại, thần được phát sinh từ thiên nhiên, rằng được tiết ra từ thiên nhiên, rằng nó tạo thành một khái niệm được trừu tượng hóa, được sản sinh từ thiên nhiên mà ra; là vì mọi thuộc tính (có nghĩa mọi đặc tính hay định tính), mọi thực tại, như các nhà triết học vẫn nói (có nghĩa mọi đặc tính chủ yếu hay mọi sự hoàn thiện được đem hội tụ lại ở thần, hay tổng thể của những cái đó được coi là thần), tất cả những thuộc tính thần thánh đó như vậy là đều được rút ra từ cái cội nguồn thiên nhiên – chừng nào chúng không phải do từ con người mà có - ; tất cả những thuộc tính, những thần tính đó đều khách thể hóa và đều nói lên, đều trình bày lên cho thấy một cách rõ rệt hiển nhiên với chúng ta không phải gì khác hơn là cái bản chất của thiên nhiên, hay, nói một cách khác, chính thiên nhiên. Chỉ có khác một điều là thần thì trừu tượng, có nghĩa được tạo nên trong ý nghĩ, còn thiên nhiên thì cụ thể có nghĩa là một thực thể thực, nhưng bản chất và nội dung của chúng cũng chỉ là một mà thôi; thần là thiên nhiên trừu tượng, có nghĩa một thiên nhiên được trừu tượng hóa khỏi sự trực quan cảm tính, được suy tưởng, biến thành khách thể, thành bản chất của trí năng (entendement); thiên nhiên theo nghĩa riêng là thiên nhiên thực, cảm tính; như đã được các cảm giác trực tiếp phát hiện và trình bày lên cho chúng ta.

        Quay về định nghĩa những đặc tính của bản chất thần thánh, chúng ta sẽ thấy được rằng chúng chỉ được bắt nguồn từ thiên nhiên mà ra, rằng chúng chỉ có được ý nghĩa và cơ sở hợp lý trong trường hợp chúng được quy về thiên nhiên. Một đặc điểm chủ yếu của thần là ở chỗ nó là một thực thể có sức hùng mạnh và thậm chí mạnh hơn hết thảy, và trong các quan niệm có về sau này nhất, thì đấy là một đấng toàn năng, vạn năng. Sức mạnh cũng là đặc tính quyết định đầu tiên của thần linh, nói đúng hơn, đó là vị thần đầu tiên. Nhưng sức mạnh đó là cái gì vậy, nó biểu thị điều gì? Không phải gì khác hơn là sức mạnh của các hiện tượng thiên nhiên; chính vì thế mà, như ta đã có nêu lên ở các bài giảng đầu, sấm và sét với tư cách là những hiện tượng gây nên ở con người một ấn tượng mạnh mẽ nhất, khủng khiếp nhất, nên chúng là hành động của vị thần tối cao, hùng mạnh nhất, hay thậm chí được đồng nhất với nó. Ngay trong “Cựu ước” cũng có nói: sấm là giọng nói của thần, còn sét thì ở nhiều địa phương được gọi là “bộ mặt của thần”. Nhưng thần, mà giọng nói là sấm và bộ mặt là sét, là gì nếu không phải là thực thể thiên nhiên, hay thực thể sấm và sét? Ngay cả ở các nhà thần luận theo đạo Kitô, sự hùng mạnh, mặc dầu tính chất tinh thần của vị thần của họ, cũng có nghĩa không phải gì khác hơn là sức mạnh cảm tính của thiên nhiên. Chẳng hạn như nhà thơ theo đạo Kitô Tờ-ri-le đã nói như sau trong tập “Những suy tưởng” của ông:

Là vì ở nhà ngươi – hãy thừa nhận điều đó ; -

Quả tim đang chết vì sự sợ hãi,

Khi tiếng sấm hùng tráng rền vang

Và trên bầu trời lóa lên ánh chớp.

 

Do đâu nỗi khiếp sợ đó ở trong tim ?

Ai là kẻ đã mang nó lại ở trong đó ? Đấy là cái ý thức,

Biết rằng thượng đế có thể, bằng một cơn giông tố,

Biến nhà ngươi – tạo vật của người – trở về với kiếp tro bụi.

 

Và vì vậy, chẳng nghi ngờ gì nữa,

Rằng, Thượng đế, từ tầng mây đen, đang nói với chúng ta

Rằng sấm và sét là những lá cờ,

Biểu tượng cho sức mạnh của vì chúa tể.   

 

        Nhưng ở nơi nào mà sự hùng mạnh đó của thiên nhiên không hiện ra rõ đối với tình cảm của những người tín đồ Kitô giáo, như là trong trường hợp này sấm và sét được hiện ra đối với nhà thơ Tờ-ri-le, một kẻ thuộc giới tu hành, thì nó, cái sức mạnh đó, vẫn cứ là cơ sở. Cho nên những nhà thần luận theo đạo Kitô, mà bản chất của họ là sự trừu tượng và cũng chính vì vậy, họ vốn xa rời chân lý của thiên nhiên, đã sản sinh ra nguyên nhân của sự vận động trong thiên nhiên từ sức hùng mạnh và toàn năng của Thượng đế, - là vì họ đã biến thiên nhiên thành một khối hay một vật chất chết, bất động. Họ nói: Thần (Thượng đế) đã đưa, truyền sự vận động vào cho vật chất vì bản thân vật chất là bất động, và chính vì vậy mà họ thán phục sức mạnh ghê gớm của Thượng đế, cái sức mạnh mà người đã dùng để làm vận động được cả cái khối hay cái bộ máy phi thường này. Nhưng sự hùng mạnh đó mà bằng sức của nó Thượng đế có thể làm cho vật thể hay vật chất hoạt động được, nó chẳng phải là được trừu tượng hóa hay sao; nó chẳng phải đã được tách ra từ cái lực hay cái sức mạnh mà với nó vật thể đã truyền được sự vận động cho một vật thể khác đang đứng yên đấy hay sao? Thật ra thì những nhà thần luận có mưu thuật hơn đã phủ nhận việc thượng đế làm cho vật chất vận động bằng một cái hích, một sự đụng chạm trực tiếp, nhưng theo họ nói thì tinh thần, chính nó đã thực hiện được tất cả mọi điều chỉ với ý chí của nó mà thôi. Nhưng cũng như thần không chỉ là tinh thần đơn thuần mà đồng thời còn là một thực thể, và hơn nữa, một thực thể vật chất, cảm tính, cho dù là vật chất một cách che đậy, cảm tính một cách che đậy; thì cũng hệt như vậy, thần đã không tạo nên được sự vận động chỉ độc bằng ý chí của mình. Ý chí sẽ không là gì cả nếu như không có sức mạnh, nếu như không có khả năng vật chất, tích cực. Mà ngay chính bản thân những nhà thần luận cũng có phân biệt một cách rõ ràng ở thần sức mạnh với ý chí và lý tính kia mà. Nhưng cái sức mạnh khác biệt với ý chí và lý tính đó là gì nếu chẳng phải là sức mạnh của thiên nhiên?

         Cái ý niệm về sức mạnh cũng như về đặc tính thần thánh chủ yếu hay về thần linh, đã được tiếp thụ và phát triển ở con người, đặc biệt qua sự so sánh các tác động của thiên nhiên với các hành động của con người. Con người không thể nào tạo nên cây cỏ, sản sinh ra bão tố, chế tạo ra thời tiết, không thể nào làm lóe tia chớp và rền vang sấm động. Bởi vậy nếu Virgile gọi mũi tên của thần sét Jupiter là “không thể nào bắt chước được”, còn Xan-mô-nê trong thần thoại Hy lạp vì thế đã làm cho thần sét Jupiter phải kinh ngạc khi y dám cả gan muốn sáng lòa và rền vang như Jupiter. Những tác động đó của thiên nhiên vượt quá sức của con người, chúng không nằm trong quyền lực của con người. Chính vì vậy mà thực thể nào tạo nên được các tác động và hiện tượng đó, đối với con người là một thực thể siêu nhiên cũng như siêu nhân, một đấng thần thánh. Nhưng tất cả các tác động và hiện tượng đó biểu thị không phải gì khác hơn là sức mạnh của thiên nhiên. Thật ra, những người theo đạo Kitô, các nhà thần luận đem quy các tác động đó cho thần (Thượng đế) một cách gián tiếp, có nghĩa bằng cách quy kết nguồn gốc phát sinh của chúng vào thần, với tư cách là một thực thể, có khác biệt với thiên nhiên, tác động thông qua ý chí, lý tính, ý thức; nhưng đấy chỉ là một cách giải thích mà thôi, còn ở đây ta đang đến không phải về vấn đề phải chăng tinh thần là nguyên nhân của các hiện tượng đó của thiên nhiên, hay liệu nó có thể hay không có thể là nguyên nhân, mà chỉ là vấn đề những hiện tượng và tác động đó của thiên nhiên (mà ngay đến cả người theo đạo Kitô, hay ít ra người tín đồ Kitô giáo có kiến thức và có quan điểm duy lý, cũng không coi như là những hành động trực tiếp của thần, của thượng đế, mà chỉ là tác động của thần, của thượng đế chừng nào mà ta bàn về nguồn gốc phát sinh thoạt đầu tiên hết của chúng mà thôi; xét theo bản chất thực tế và những đặc tính của chúng, họ cũng cho rằng chúng là những tác động của thiên nhiên), chỉ là vấn đề phải chăng những hiện tượng và tác động đó của thiên nhiên là một nguyên bản (un original) từ đó con người buổi thoạt đầu đã rút ra cái định nghĩa và khái niệm về sức mạnh và uy lực siêu nhân của thần thánh? Sau đây là một thí dụ. Khi sét đánh chết một người thì người tín đồ đạo Kitô nói hay nghĩ rằng điều này đã xảy ra không phải do ngẫu nhiên hay không xem như là kết quả của một kiến tạo đơn giản của thiên nhiên, mà như là kết quả của quyết định của thần linh; là vì “không một con chim sẻ nào từ mái nhà rơi xuống mà lại không do ý chí của Thượng đế”. Chính Thượng đế muốn nó chết một cách như thế. Ý chí của thần, của thượng đế là nguyên nhân cuối cùng hay đầu tiên của cái chết, còn xét là phương tiện mà nhờ đó chính bản thân thần linh, thượng đế đã giết chết con người; nhưng theo niềm tin của thời nay thì xét là nguyên nhân làm trung giới, gây nên cái chết theo ý chí của thần linh, hay ít ra cũng là với quyết định của thần (một sự hạ cố đến). Nhưng sức mạnh hủy diệt, giết người, biến thành tro bụi là sức mạnh riêng của sét, cũng tựa hồ như sức mạnh hay hiệu lực của nhân ngôn (arsenic) mà ta dùng để giết chết một con người, không phải là kết quả của ý chí của tôi, của sức mạnh của tôi, mà là sức mạnh hay hiệu lực mà chất nhân ngôn vốn có. Như vậy, trên quan điểm thần luận, hay, Kitô giáo, chúng ta phân biệt sức mạnh của các sự vật với sức mạnh, hay nói đúng hơn, ý chí của thần linh, của thượng đế; chúng ta không cho rằng các hiệu lực và, cũng có nghĩa, các đặc tính – là vì chúng ta quả chỉ hiểu các đặc tính của các sự vật từ các hiệu lực, tác dụng của chúng – của điện, từ tính, của không khí, nước, lửa, là những đặc tính và tác động của thần linh ; chúng ta không nói: thần, thượng đế cháy và sưởi ấm, mà nói: lửa cháy và sưởi ấm; chúng ta không nói và không nghĩ rằng: thượng đế làm ướt, mà là nước làm ướt, mà không phải thượng đế rền vang và lóe sáng mà là sấm rền vang và chớp sáng, v.v… Nhưng chính những hiện tượng, đặc tính và tác động đó của thiên nhiên, khác biệt với thần hay thượng đế với tư cách là một thực thể tinh thần (như người theo Kitô giáo vẫn tưởng tượng ra như vậy), lại đúng là những cái mà từ đó con người ra rút cái ý niệm của mình về sức mạnh thần thánh, siêu nhân và vì chúng mà con người tôn thờ thiên nhiên như là thần, chừng nào nó vẫn còn tin vào cái quan niệm đơn giản buổi thoạt đầu của nó, còn chưa phân xẻ thiên nhiên ra làm thần và thế giới.

        Trong khi dùng thành ngữ “siêu nhân”, tôi không thể nén mình để khỏi ném ra đây một lời nhận xét. Một trong những điều ta thán thông thường nhất của những kẻ thích giả khóc, mộ đạo và uyên bác, khi họ nói về chủ nghĩa vô thần là cho rằng chủ nghĩa vô thần đang phá hủy hay coi thường, không cần biết đến nhu cầu chủ yếu của con người, cụ thể là nhu cầu của nó muốn thừa nhận và tôn thờ một cái gì đó đứng ở bên trên nó, và cũng chính vì vậy nên nó đã làm cho con người trở thành một sinh vật vị kỷ và cao ngạo. Thế nhưng, trong khi thủ tiêu một cái gì đó có tính chất thần học đứng ở bên trên con người, chủ nghĩa vô thần không vì thế mà thủ tiêu được cái thẩm quyền tinh thần (l‘inotance morale) đứng ở bên trên nó. Cái điều tối cao về tinh thần đứng ở bên trên nó chính là cái lý tưởng mà mỗi một con người phải đặt ra cho mình để trở thành một cái gì đó có nghĩa lý, thích đáng; nhưng lý tưởng đó là – và phải là lý tưởng và mục đích của con người. Cái điều tối cao tự nhiên đứng bên trên con người là bản thân thiên nhiên, đặc biệt những sức mạnh trên bầu trời mà sự tồn tại của chúng ta, mà quả đất chúng ta đang phụ thuộc vào đó; là vì bản thân trái đất chỉ là một thành phần của các sức mạnh đó, và những gì mà nó có thì cũng chỉ là có được theo với vị trí mà nó đã chiếm giữ được trong hệ thống mặt trời. Ngay cả một thực thể tôn giáo siêu thế gianv à siêu nhân cũng phải nhờ vào các sự tồn tại quang học của bầu trời và của các thiên thể trên đầu chúng ta mới có được sự tồn tại của nó. Julien và Ki-ri-la chứng minh tính thần thánh của các tinh tú trên bầu trời là do mỗi người chúng ta dang tay lên bầu trời khi cầu nguyện hay thề nguyền, hay nói chung gọi đến tên thần, thượng đế như thế nào đấy. Là vì ngay cả những người theo đạo Kitô cũng đem đặt quỷ thần “tinh thần, có mặt khắp mọi nơi” ở trên trời; và họ đem đặt ông ta lên trời cũng chỉ với lý do là chính bầu trời buổi đầu được coi như là thần. Ariston người xứ Chio (?), người học trò của Zénon, người sáng lập ra thuyết khắc kỷ, đã nói: “(Thiên nhiên) hữu hình ở bên trên chúng ta và đi qua bên ngoài chúng ta, là vì không thể nào và cũng chẳng có ích gì để phải hiểu biết nó”. Nhưng cái thiên nhiên hữu hình đó chủ yếu là ở trên trời. Những đối tượng của thiên văn học và khí tượng học là những đề tài trước hết khêu gợi sự chú ý của các nhà tự nhiên học và triết học tự nhiên. Cho nên Socrate đã phủ nhận vật lý học, coi nó như là một cái gì đó vượt quá sức hiểu biết của con người, và ông đã dắt dẫn con người ta từ vật lý học đến đạo đức học; nhưng ông hiểu cái vật lý học đó chủ yếu là thiên văn học và khí tượng học; do đó mới có câu châm ngôn nổi tiếng, là ông ta đã “đem triết học từ bầu trời xuống mặt đất”, và cũng do đó mới có việc ông ta gọi mọi sự biện luận triết học vượt quá sức lực và mục đích của con người là metereologein (có nghĩa việc chuyên tâm nghiên cứu những sự vật ở trên trời, siêu trần gian).

        Nhưng cũng cả sức mạnh, tính chất siêu nhân, một thực thể cao hay tối cao ở bên trên chúng ta – ở người La Mã các vị thần được gọi tên là Superi – lẫn những thuộc tính khác nữa của thần linh, như tính vĩnh cữu, tính vô tận, buổi đầu đều là những định nghĩa về thiên nhiên. Chẳng hạn như ở Homère tính vô hạn là thuộc tính của biển và của trái đất, ở nhà triết học Anaximène, là thuộc tính của không khí, ở bộ kihn “Zend Auste” tính vĩnh cữu và bất tử là thuộc tính của mặt trời và các vì sao. Ngay nhà triết học lớn nhất của thời đại cổ đại là Aristote cũng đã đem quy tính bất biến và vĩnh cữu cho thiên giới và các thiên thể, đối lập lại với tính chất mong manh và đổi thay của những gì thuộc trần gian. Và ngay cả người theo Kitô giáo cũng suy diễn (có nghĩa quy kết) về sự vĩ đại và tính vô hạn của thượng đế thì sự vĩ đại và tính vô hạn của thế giới hay của thiên nhiên, nhưng lập tức ngay sau đó – từ một lý do hoàn toàn có thể hiểu được nhưng không đáng để chúng ta xem xét đến ở đây họ lại buốc những đặc tính đó của thế giới phải biến đi trước những đặc tính của thượng đế. Chẳng hạn như, trong cuốn “Vạn vật học của Job” của ông, Sây-khơ-txer cũng đồng tình với vô số các tín đồ Kitô giáo khác và nói rằng : “Không chỉ tầm cỡ lớn lao không thể thấu hiểu được của thế giới và các thiên thể mà ngay cả một hạt bụi nhỏ bé nhất cũng đều chỉ ra cho thấy sự vĩ đại của Người (Thượng đế). Và trong cuốn “Lý học hay tự nhiên học”, cũng vẫn nhà vạn vật học uyên bác và mộ đạo này: “Sự sáng suốt và sức mạnh vô hạn của đấng sáng thế bật nổi rõ rệt không chỉ từ infinite magnis (những đại lượng vô cùng lớn), từ cái khối của toàn thế giới và của các vật thể to lớn đang vận hành trong bầu trời tự do…, mà cả từ infinite parvis (những đại lượng vô cùng nhỏ), từ những hạt bụi và loài vật hết sức nhỏ… mỗi hạt bụi nhỏ bé đều bao gồm ở trong nó vô số những thế giới cực kỳ nhỏ bé. Khái niệm tính vô hạn trùng hợp với khái niệm tính phổ biến bao trùm lấy tất cả. Thần (thượng đế) không phải là một thực thể đặc thù, và vì thế, hữu hạn, bị giới hạn bởi một dân tộc, một quốc gia này hay khác, một nơi này hay nơi khác, nhưng nó cũng không phải là thiên nhiên. Một nhà triết học Hi Lạp nói: mặt trời, mặt trăng, bầu trời, trái đất và biển đều là chung cho tất cả mọi người; còn một nhà thơ La Mã (Ovide) thì lại nói: thiên nhiên không ban phát mặt trời, không khí và nước cho riêng một ai cả. “Thượng đế không thiên vị”, nhưng cả thiên nhiên cũng vậy. Đất sản sinh ra các quả của nó không phải để riêng cho một cá nhân hay một dân tộc “được tuyển chọn” này hay khác. Mặt trời chiếu sáng trên đầu không phải chỉ riêng của người tín đồ đạo Kitô, đạo Do Thái, nó soi sáng mọi người không phân biệt. Chính do tính vô hạn và phổ biến đó của thiên nhiên mà những người Do Thái thời xưa, tự cho mình là một dân tộc được Thượng đế tuyển chọn, có nghĩa là một dân tộc duy nhất có đủ quyền năng, tin rằng thế giới đã được tạo dựng nên chỉ để riêng cho họ, những người Do Thái, mà thôi, họ đã không hiểu được rằng tại sao các niềm hạnh phúc của cuộc sống không chỉ được trao cho riêng họ mà còn cả những kẻ thời ngẫu tượng giáo nữa. Những nhà bác học Do Thái đã trả lời cho câu hỏi, tại sao thượng đế không trừ bỏ việc thờ các tượng thần, rằng thượng đế hẳn sẽ diệt trừ những kẻ thời ngẫu tượng nếu như họ không thờ chúng các sự vật cần thiết đối với thế giới; nhưng đằng này họ lại thời mặt trời, mặt trăng, các vì sao, nước, lửa, thì sao thượng đế lại hủy diệt thế giới chỉ vì một vài nhóm người? Thực ra, câu trả lời trên có nghĩa: thượng đế phải chấp nhận sự tồn tại của các nguyên nhân và đối tượng của tục thờ ngẫu tượng, là vì nếu không có chúng thì người Do Thái không thể tồn tại.

        Trong trường hợp này chúng ta có được một thí dụ lý thú về một số nét đặc điểm chủ yếu tiêu biểu của tôn giáo. Trước hết là thí dụ về sự mâu thuẫn giữa thần học và thực tiễn, giữa đức tin và cuộc sống, một mâu thuẫn vẫn thường được gặp ở mọi tôn giáo. Sự cộng đồng tự nhiên về đất đai, ánh sáng, không khí mà người Do Thái cùng có với những người thờ ngẫu tượng, đã trực tiếp mâu thuẫn với lý thuyết của họ, với đức tin của họ; là vì họ không muốn có chung một gì cả với những người thờ đạo nhiều thần (thờ ngẫu tượng) và theo đạo giáo của họ thì không nên có cái gì là chung cả, nên họ cũng không nên cùng có chung các phúc lợi đời sống với những người này. Nếu như họ nhất quán, thì họ hẳn phải tước bỏ hoặc ở những người theo đạo nhiều thần, hoặc ở chính bản thân họ, việc sử dụng những phúc lợi đó để khỏi có gì chung chạ với những kẻ thờ ngẫu tượng bất lương đó. Thứ nhì, chúng ta có trong trường hợp này một thí dụ để cho thấy rằng thiên nhiên thực phóng khoáng hơn vị thần của tôn giáo đến dường nào, rằng quan điểm phù hợp với thiên nhiên của con người hay quan điểm tự nhiên thực có tính chất phổ biến hơn nhiều so với quan điểm tôn giáo, vì quan điểm tôn giáo còn phân biệt con người với con người, người theo đạo Kitô với người theo đạo Do Thái, người theo đạo Do Thái với người thờ ngẫu tượng; do đó, ta cũng thấy được rằng sự thống nhất của nhân loại, một thứ tình yêu được mở rộng ra khắp mọi người, tuyệt nhiên không dựa vào cái khái niệm đức cha ở trên trời hay, như những nhà triết học ngày nay đã diễn dịch cái cách nói đó ra một cách khác, không phải trên khái niệm tinh thần, mà là dựa, một cách bằng như thể hoặc tốt hơn thế, trên thiên nhiên và thoạt đầu tiên thì chỉ dựa trên nó mà thôi. Bởi vậy, tình yêu phổ biến đối với nhân loại đã được phát sinh không phải chỉ mới từ cái thời của Kitô giáo. Ngay những nhà triết học theo đạo nhiều thần cũng đã dạy ta về tình yêu này ; nhưng vị thần của các nhà triết học theo đạo nhiều thần không phải gì khác hơn là thế giới hay thiên nhiên.

         Những người theo đạo Kitô thì, ngược lại, có cùng một niềm tin như người Do Thái; họ cũng tin và nói rằng thế giới đã được tạo lập nên là để cho họ. Những tín đồ Kitô giáo, và được gìn giữ để cho họ; vì vậy họ cũng ít có thể cắt nghĩa một cách nhất quán sự tồn tại của những kẻ không có đức tin và nói chung những người theo đạo nhiều thần, như chính những người Do Thái vậy; là vì, nếu quả thế giới chỉ tồn tại cho những người theo đạo Kitô mà thôi thì tại sao những người khác không phải là tín đồ Kitô giáo, những kẻ không tin ở vị thần của Kitô giáo lại tồn tại và tồn tại để làm gì? Người ta có thể cắt nghĩa bằng vị thần của Kitô giáo chỉ sự tồn tại của những người theo đạo Kitô giáo mà thôi, chứ tuyệt nhiên không cắt nghĩa được sự tồn tại của những người theo đạo nhiều thần và những kẻ không có đức tin. Vị thần đang để cho mặt trời mọc lên bên trên đầu những kẻ chính và những kẻ tà, những kẻ có đức tin hay không có đức tin, những kẻ theo đạo Kitô hay những kẻ theo đạo nhiều thần, là vị thần bàng quan với những sự khác biệt về đạo giáo đó, không muốn hay biết gì về chúng cả, thực tế đó không phải gì khác hơn là thiên nhiên. Bởi vậy, nếu như trong Kinh Thánh ta được thấy nói: Thượng đế để cho mặt trời mọc lên bên trên đầu cả kẻ thiện lành lẫn kẻ ác dữ, thì qua những lời đó chúng ta có được dấu vết bằng chứng của một quan điểm tôn giáo tự nhiên, hay những kẻ thiện và ác về mặt tinh thần, luân lý mà thôi chứ hoàn toàn không phải về mặt giáo lý, là vì vị thần của giáo lý Kinh Thánh phân biệt rất nghiêm ngặt giữa bầy dê và đàn cừu, giữa một bên là những người theo đạo Kitô, và một bên kia là những người Do Thái và những người theo đạo nhiều thần, giữa những kẻ có đức tin và những kẻ không có đức tin: với những người này thì nó hứa dành cho địa ngục, với kẻ kia nó hứa dành cho thiên đường; người này nó hứa hẹn một cuộc sống vĩnh cữu và hạnh phúc, với những kẻ khác thì nó hứa cho một mối tai họa suốt đời và cái chết. Nhưng chính vì vậy mà ta không thể nào quy kết được rằng sự tồn tại của những con người phải chịu cái thân phận không ra gì đó là do thần, do thượng đế mà ra; chúng ta đã có thể tự cắt nghĩa cho mình; chúng ta có thể nói chung có thể tránh được hàng nghìn mối mâu thuẫn lúng túng, rắc rối và thiếu nhất quán trong đó niềm tin tôn giáo đã làm cho ta rối tung rối mù lên, chỉ với một điều kiện là chúng ta phải thừa nhận rằng vị thần buổi thoạt kỳ thủy chỉ là một thực thể được sản sinh ra từ thiên nhiên, và, do vậy chúng ta phải đem đặt một cách có ý thức và cái tên và thực chất của thiên nhiên thay vào chỗ của cái tên và thực chất thần bí, có thể giải thích bằng đủ mọi cách khác nhau, của thần hay thượng đế.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt