Triết học tôn giáo

Những bài giảng về bản chất tôn giáo: Bài giảng thứ tám

 

NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT TÔN GIÁO

BÀI GIẢNG THỨ TÁM

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31  
 

 

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)

LÊ KHẮC THÀNH dịch

 


Ludwig Feuerbach. “Bài giảng thứ tám”, trong Những bài giảng về bản chất của tôn giáo. Lê Khắc Thành dịch. Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Quốc Thắng đánh máy.


 

NỘI DUNG

Lợi ích và việc thận trọng sự sùng bái các thần ở đạo nhiều thần và đạo Kitô. – Quan điểm của thời cổ đại có tính chất kinh điển, của các giáo phụ nhà thờ, của Kinh thánh và của Luther. – Mosheim. – Sự hạn chế của hoạt động thần thánh đó; hoạt động này tạo điều kiện cho “tính vị kỷ” của loài người. – Những ý kiến phản đối thông thường chống lại điều nói trên: tôn giáo, theo như họ nói, chính là sự tự phủ nhận và hy sinh quên mình. – Những thí dụ về một sự phủ nhận bề ngoài tính vị kỷ. – Những thí dụ về sự hy sinh quên mình của tôn giáo. – Ý nghĩa và tầm quan trọng của một loạt các hiện tượng tương tự: chúng chỉ là những phương tiện để gián tiếp tự khẳng định: những vật hiến sinh.

 

 

Khi những tàn tích cuối cùng của đạo nhiều thần đã bị phá hủy hay ít ra cũng đã bị tước bỏ mất ý nghĩa chính trị và sự kính nể đối với nó, khi mà, tiện thể, người ta dời luôn bức tượng nữ thần chiến thắng khỏi vị trí mà nó vẫn được đặt từ trước cho đến giờ, Sim-mác đã viết một tác phẩm để bênh vực tôn giáo xưa, có tính chất lịch sử, và cũng là để bênh vực việc sùng bái Victoria1*. Trong số các luận chứng được ông đưa ra để bênh vực, ông có viện dẫn cả sự có ích, như là một dấu hiệu chắc chắn nhất để phân biệt được thần thánh, ông ta nói tiếp: Không một ai lại đi phủ nhận một điều là ta phải tôn thờ vị thần mà ta thừa nhận là hợp với ý muốn của mình. Điều đó có nghĩa rằng: chỉ những gì là đối tượng của những điều mong muốn của con người mới là đối tượng của tôn giáo, của sự tôn thờ, nhưng chỉ những điều tốt, có ích, mang lại hiệu lực tốt lành mới là điều mà họ mong muốn. Vì vậy nên những con người có hiểu biết rộng trong số những người theo đạo nhiều thần cổ điển, và cụ thể đó là những người Hi Lạp, đã xác định với tư cách là đặc tính chủ yếu và điều kiện của thần thánh: lòng tốt, khả năng mang lại điều tốt lành, thái độ yêu thương con người. Trong “Tê-e-tét” của Platon, Socrate nói[1]: “Không một vị thần nào lại thù địch với con người”. Trong những bức thư của ông, Sénèque nói: “Cái gì ở các vị thần là cơ sở cho khả năng mang lại điều tốt lành của họ? – Bản chất của họ. Niếm tin rằng họ muốn làm hại là một ý kiến sai lầm; thậm chí họ không thể làm điều đó”. Ông ta cũng có nói: “Thần không tìm lấy cho mình những người đầy tớ; chính bản thân thần phục vụ cho loài người”. Trong tác phẩm của ông viết về những mâu thuẫn của người thuộc phái khắc kỷ, Plutarque nói: “Phủ nhận sự bất tử của thần thánh cũng là điều vô lý như thể phủ nhận sự chăm sóc và tình yêu thương của họ đối với con người hay khả năng của họ mang lại điều thiện lành”. Cũng trong tác phẩm đó của Plutarque, ta được nghe An-ti-xa-tơ-rơ người xứ Tac-xít nói: “Chúng tôi quan niệm thần là một thực thể toàn phúc, bất tử và làm điều thiện cho con người”. Bởi vậy nên các vị thần được người Hi Lạp, hay ít ra những người Hi Lạp ưu tú nhất, gọi là “những kẻ mang lại hạnh phúc”, rồi sau đó là soteres, có nghĩa, những kẻ cứu vớt mang lại sự may mắn, những kẻ giải thoát. Tôn giáo của người Hi Lạp thậm chí còn không có lấy một vị thần ác nào đặc biệt, độc lập giống như thần Tijphon của người Ai Cập hay thần A-ri-man của người Ba Tư.

Các giáo phụ chế diễu những người theo đạo nhiều thần về việc họ đã biến những vật và sinh vật có ích hay có hiệu lực thiện lành làm đối tượng tôn thờ hay tôn giáo của mình. Thí dụ như Jules Firmin (?) đã nói: những người Hi Lạp nông nỗi đã coi như là thần tất cả mọi sinh vật đang hay đã mang lại điều tốt cho họ. Ông ta nhân đấy cũng chê trách họ về điều là các thần gia đình Pénates[2] có nguồn gốc từ ngữ Pénus, và từ này có nghĩa không phải gì khác hơn là thức ăn. Ông ta nói: những người theo đạo nhiều thần là những con người đã không quan niệm được cuộc sống có ý nghĩa gì khác hơn là tha hồ ăn và uống nên họ đã biến các phương tiện nuôi sống mình thành các vị thần. Ông ta chê trách họ đã tôn thờ Vesta[3], là vì bà ta không phải gì khác hơn là ngọn lửa trong nhà, được dùng đến hàng ngày ở trong bếp, và vì vậy đáng ra bà ta phải có các thầy tế của mình là những đầu bếp thay vì các nữ đồng trinh. Nhưng các giáo phụ và nói chung những người theo đạo Kitô có công kích và chê cười những người theo đạo ngẫu tượng đến như thế nào đi nữa về việc những người này đã tỏ niềm tôn kính thần thánh đối với các vật có ích – lửa, nước, mặt trời, mặt trăng – do chính bởi những tác động rất đỗi tốt lành của chúng đến con người, thì họ vẫn đâu phải công kích kẻ theo đạo ngẫu tượng về nguyên tắc hay cơ sở của sự tôn thờ này, mà chỉ về đối tượng của sự tôn thờ mà thôi, có nghĩa đâu phải vì kẻ theo đạo ngẫu tượng đã lấy hiệu lực thiện lành hay tính chất có ích làm cơ sở cho sự tôn thờ, mà chỉ vì họ đã lấy làm đối tượng của sự tôn thờ một thực thể không thích đáng mà thôi, chỉ vì lẽ kẻ theo đạo ngẫu tượng không tôn sùng cái đấng mà từ đó xuất phát mọi đặc tính và tác động của thiên nhiên, có ích và có khả năng mang lại điều tốt lành cho con người, cái đấng là kẻ duy nhất có thể giúp đỡ con người, có thể làm cho con người được hạnh phúc, sung sướng, tức là Chúa, một thực thể khác biệt với thiên nhiên, có tính chất tinh thần, vô hình, toàn năng, là kẻ sáng tạo hay tạo dựng nên thiên nhiên. Cái sức mạnh có thể làm hại hay mang lại điều lợi ích, mang lại niềm hạnh phúc hay nỗi đau buồn, sức khỏe hay bệnh tật, sự sống hay cái chết, cái sức mạnh mà những người theo đạo ngẫu tượng (đạo nhiều thần), theo với cách nhìn cảm tính của họ đối với các sự vật, đã đem thống nhất lại trong cùng một thực thể, thành thử ra cái thực thể thống nhất đó mà những người theo đạo Kitô gọi là Chúa, là một đấng duy nhất đáng sợ và hùng mạnh, duy nhất thân thiết và phúc đức. Hay nếu như chúng ta xem khả năng mang lại điều tốt lành là đặc tính cơ bản của thần thánh, thì chúng ta sẽ nói rằng: những điều phúc lợi mà những người theo đạo nhiều thần đem phân bố ra cho các sự vật khác nhau trong đời sống, thì những người theo đạo Kitô lại đem tập hợp vào một đối tượng duy nhất, bởi vậy nên những người theo đạo Kitô đã định nghĩa Chúa như là một khái niệm bao gồm trong nó mọi vị thần. Thế nhưng trong định nghĩa, có nghĩa trong quan niệm về ngay bản thân đấng thần linh, thì xét về nguyên tắc, có nghĩa trong bản chất hay trong căn bản, họ không khác biệt với những người theo đạo nhiều thần. Trong Kinh thánh, cả trong Cựu ước cũng như trong Tân ước, từ ngữ “thần”, ở mọi chỗ trong đó được nói: “ta sẽ là vị thần của anh hay vị thần đối với anh”, hay ở trong số đó có theo sau nó sinh cách (le cas génitif), chẳng hạn như nói “Tôi là thần của Abraham”, thì từ ngữ đó đều có nghĩa là kẻ ban ân, là kẻ làm phúc. Trong cuốn thứ tư của tác phẩm Thành thị của thần (La Cité de Dieu) của ông ta, Augustin nói: “Nếu như hạnh phúc là thần, và được người La Mã cho là như vậy, thì tại sao người ta không thờ độc một mình nó mà thôi, tại sao họ lại không đổ đốn đến một ngôi đền thờ nó mà thôi? Là vì ai là kẻ không muốn được hạnh phúc sung sướng? Ai là kẻ mong muốn một điều gì đấy mà lại không phải để cho mình, qua đó, được trở nên hạnh phúc sung sướng? Người ta cố đạt điều gì ở thần nếu không phải là hạnh phúc? Thế nhưng hạnh phúc không phải là thần mà chỉ có thể là ân huệ của thần. Cũng có nghĩa, người ta tìm kiếm vị thần nào, có thể mang nó lại cho họ”. Cũng trong tác phẩm trên, nhân nói về những quỉ của Platon, Augustin viết: “Có kẻ bất tử và toàn phúc nào lại không sống ở chốn thiên đình, nhưng nếu như họ không thương chúng ta và không muốn cho chúng ta cũng được toàn phúc, thì chúng ta không có gì để phải tôn thờ họ cả”. Vì vậy, chỉ những gì có sự yêu thương con người và muốn cho nó được hạnh phúc, mới là đối tượng tôn thờ đối với con người, mới là đối tượng của tôn giáo. Trong lời bình giải của ông cho một số chương trong cuốn sách thứ năm của Moise, Luther nói: “Như vậy lý tính đã miêu tả thần như là một cái gì đó giúp đỡ con người, mang lại cho nó điều lợi ích, đưa nó đến hạnh phúc. Những người theo đạo nhiều thần đã làm như vậy. Người La Mã đã tạo nên vô số các vị thần với những yêu cầu khác nhau và để được giúp đỡ … Có bao nhiêu nhu cầu, bao nhiêu điều tốt lành và nơi chốn để sử dụng trên trái đất này, thì cũng được tạo nên bấy nhiêu vị thần, thậm chí ngay cả đến loài cây cỏ và cây tỏi cũng được tôn làm thần … Dưới chế độ quyền vị của các giáo hoàng chúng ta cũng tạo nên vô số các thần thánh, mọi bệnh tật hay nhu cầu đều có một đấng cứu chuộc riêng hay thần. Những người đàn bà chửa khi đến ngày ở cữ, vẫn gọi tên thánh Margarite, bà ta là vị nữ thần của họ … Người ta nói rằng thánh Christophe đã giúp đỡ những kẻ đang cơn hấp hối. Như vậy, mỗi người đều đem qui cái tinh thần cho kẻ nào mang lại được điều tốt lành cho nó nhiều hơn cả. Cho nên tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng: lý tính biết được đến một mức độ nào đó rằng thần có thể giúp đỡ và đang giúp đỡ, nhưng nó không thể tìm thấy một vị thần thực sự … Vị thần đích thực ở trong Thánh thể được gọi là kẻ cứu trợ trong cảnh thiếu thốnkẻ ban cho mọi điều tốt lành”. Ở một đoạn khác ông nói về những người theo đạo nhiều thần như sau: “Mặc dầu họ nhận định sai lầm về nhân cách của thần do tục thờ tượng thánh của họ (có nghĩa thay vì tôn thờ mội vị thần đích thực, họ đã thờ một vị thần giả), tuy vậy ở đây ta vẫn được thấy một sự sùng bái thích ứng với một vị thần đích thực, có nghĩa một sự mời gọi đấng đó và việc họ mong đợi ở đấng đó  mọi sự tốt lành và sự giúp đỡ”. Như vậy, nguyên lý chủ quan của những người theo đạo nhiều thần là đúng, hay họ đúng về mặt chủ quan, chừng nào họ hiểu về thần như là một cái gì đó chỉ có sự từ tâm, từ thiện mà thôi, nhưng về mặt khách quan, có nghĩa về đối tượng tôn thờ, thì họ đã nhầm lẫn, sai lầm.

Vì vậy nên những người theo đạo Kitô đã nổi dậy để đặc biệt chống lại các vị thần của triết học đa thần giáo, và cụ thể là chống lại vị thần của phái khắc kỷ, phái Épicure, phái Aristote, bởi vì những người này đã thủ tiêu đấng Quan Phòng[4], bằng lời nói hay trên việc làm thực tế, bởi vì họ đã loại bỏ những đặc tính vốn là những đặc tính duy nhất, như tôi đã có nêu lên bên trên, tạo nên cơ sở của tôn giáo, những đặc tính vốn có liên quan đến niềm hạnh phúc và nỗi đau khổ của con người. Thí dụ như trong những lời chú giải cho cuốn Phương pháp duy lý của Ki-ô-đvô-rtơ – một tác phẩm triết học và thần học nhằm chống lại chủ nghĩa vô thần - , Mosheim, nhà thần học uyên bác của thế kỷ VXIII, đã nói về vị thần của Aristote rằng “ông ta (vị thần đó) chẳng có ích và cũng chẳng có hại chút nào đối với loài người và vì vậy, nói cho đúng ra, không đáng để được tôn thờ đặc biệt. Aristote tin rằng thế giới cũng tồn tại một cách tất yếu và vĩnh viễn như thể thần vậy. Vì vậy ông cho rằng bầu trời cũng không thay đổi như thể là thần. Từ đó ta phải xem như thần không hề được tự do, có nghĩa là kêu gọi ông ta cũng chẳng có ích lợi gì; là vì, nếu như thế giới vận động theo những quy luật vĩnh hằng và không thể nào thay đổi trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, thì tôi sẽ không thấy được tôi có thể chờ đợi một sự giúp đỡ nào của ông ta (nhân tiện tôi cũng xin nhận xét: ở thí dụ này chúng ta được thấy rằng niềm tin vào thần và niềm tin vào sự mầu nhiệm, được thuyết duy lý hiện đại đem tách biệt ra với nhau, đều đồng nhất làm một, như bên dưới chúng ta sẽ thấy rõ). Arstote chỉ để lại thần trên lời nói mà thôi, trên thực tế ông ta đã thủ tiêu thần. Vị thần của Arstote là vô tác dụng, cũng như vị thần của Épicure vậy; năng lực, có nghĩa sự hoạt động của ông ta chỉ bao hàm ở cuộc sống bất tử và sự chiêm quan hay tư biện. Hãy hạ bệ một vị thần như thế, một vị thần chỉ sống cho bản thân mình và thực chất thần chỉ độc là tư duy. Là vì, làm sao con người có thể chờ đợi một vị thần như thế mang lại cho nó niềm an ủi và sự bảo vệ?”. Những câu phương ngôn được dẫn ra cho đến giờ tuy vậy đã phản ánh không phải não trạng tôn giáo hay thần học của những con người đơn độc đó, mà chính chúng phản ánh não trạng của bản thân đạo Kitô và thần học Kitô giáo, ta còn có thể dẫn thêm vô số những câu phương ngôn tương tự như thế. Nhưng cần gì phải dẫn ra cho nhiều một cách không cần thiết và chán ngấy như thế? Tôi chỉ xin lưu ý một điều là những người theo đạo nhiều thần kính tín, mộ đạo, ngay cả trong số các nhà triết học, cũng đã luận chiến chống lại những vị thần triết học không có ích lợi gì; chẳng hạn như phái Platon đã chống lại ông thần của phái khắc kỷ, và phái khắc kỷ chống lại phái Épicure (vì so với phái Épicure thì phái khắc kỷ lại là những kẻ đa thần giáo có đức tin). Chẳng hạn như trong một tác phẩm của Cicéron nhan đề Bàn về bản chất của các vị thần ông ta nói: “Ngay đến cả những người dã man và thậm chí đến cả người Ai Cập bị chế diễu nhiều đến thế cũng sẽ không thờ loài vật nếu như con vật không mang lại điều thiện lành; còn như ở vị thần vô công rỗi nghề của các ngươi, thì lại không thể nào chỉ ra cho thấy những việc làm từ thiện, và ngay cả các hành vi cà hành động cũng không có nữa. Nhưng cũng chính vì vậy mà ông ta chỉ là thần trên tên gọi mà thôi”.

Nhưng nếu như những đoạn trích được dẫn ra cho đến giờ dưới dạng tài liệu để chứng minh có một ý nghĩa phổ biến, nếu như những quan điểm được phát biểu lên ở trong đó đều quán xuyến qua mọi tôn giáo và thần học, thì ai là kẻ có thể phủ nhận rằng tính vị kỷ của con người là nguyên tắc cơ bản của tôn giáo và thần học? Là vì, nếu như việc đáng được sùng bái và tôn thờ, và theo đó, nếu như phẩm chất thần thánh của một thực thể chỉ tùy thuộc độc vào mối quan hệ của thực thể đó đối với phúc lợi của con người, nếu như chỉ thực thể nào mang lại điều thiện lành cho con người, có ích đối với nó, mới có tính thần thánh mà thôi, thì như vậy cơ sở của tính thần thánh của một thực thể đó đối với phúc lợi của con người, nếu như chỉ thực thể nào mang lại điều thiện lành cho con người, có ích đối với nó, mới có tính thần thánh mà thôi, thì như vậy cơ sở của tính thần thánh của một thực thể quả là được dựa độc trên tính vị kỷ của con người, nó đem qui tất cả chỉ độc vào bản thân mình và theo với mối quan hệ đó để đánh giá mọi cái. Vã chăng, nếu như tôi lấy tính vị kỷ làm cơ sở và bản chất của tôn giáo, thì tôi đã thề sẽ không còn trách cứ nó nữa, hay ít ra về nguyên tắc, tất nhiên. Tôi chỉ trách cứ nó khi mà tính vị kỷ này hoàn toàn tầm thường dung tục, lấy thí dụ như ở trong mục đích luận chẳng hạn; ở nơi đây tôn giáo đã lấy làm bản chất của nó mối quan hệ của sự vật, và cụ thể là của thiên nhiên, đối với con người, và chính vì thế mà nó đã khoác lấy một tính chất vị kỷ vô hạn đối với thiên nhiên, một tính cách xem thường thiên nhiên; hoặc giả, ở nơi đây, vượt qua quá giới hạn của một tính vị kỷ cần thiết, được luận chứng một cách tự nhiên, tính vị kỷ đã mang tính chất phi tự nhiên và siêu nhiên, huyền hoặc hoang đường, như là trong niềm tin của Kitô giáo vào phép lạ và sự bất tử.

Chống lại quan niệm đó và cách giải thích đó của tôi về tôn giáo, những nhà thần học giả nhân giả nghĩa và những bộ óc mơ mộng tư biện, những kẻ chỉ biết xem xét các sự vật và con người từ quan điểm của những khái niệm tùy hứng và những quan niệm được họ bịa đặt, tưởng tượng ra, những kẻ không bao giờ tự hạ mình từ giảng đài chốn thánh đường cũng như từ diễn đàn chốn giảng đường của họ, những đỉnh cao giả tạo đó của tính tự phụ thần học và tư biện của họ, để đặt mình vào cùng một bình diện với các sự vật được họ xem xét đến; những con người giả nhân giả nghĩa và những đầu óc mộng mị đó đã lên tiếng phản đối, cho rằng tôi (một kỷ, ngược lại với các ngài thần học và tư biện đó, vốn quen với việc trước tiên đồng nhất hóa bản thân mình với các sự vật để rồi cảm thấy sự thống nhất và gần gũi với chúng, trước khi đi vào đánh giá, xét đoán về chúng) đã lấy làm bản chất của tôn giáo, những biểu hiện cục bộ, thứ yếu, ngẫu nhiên của nó mà thôi. Những con người giả nhân giả nghĩa đó, những đầu óc mộng mị và tư biện đó, đã phản đối tối mà không hề đưa mắt mình vào đời sống thực tế của con người; họ nói: bản chất của tôn giáo đúng hơn phải là một cái gì đó ngược lại với những gì mà tôi đã lấy làm bản chất của tôn giáo; nó không phải là sự tự khẳng định, không phải là tính vị kỷ, mà là một sự chan hòa trong cái tuyệt đối, cái vô hạn, cái thần thánh hay – vẫn là những lời lẽ trong những câu trống rỗng – nó là một sự hy sinh, một sự từ chối mình, một sự tự dâng hiến mình của con người. Quả thật, có khá nhiều hiện tượng đang bác bỏ, ít ra là nhìn bề ngoài, quan điểm của tôi về tôn giáo và biện minh cho một quan điểm ngược lại. Đấy là những trường hợp từ chối thỏa mãn những sự ham mê thích thú tự nhiên nhất và mạnh mẽ nhất, sự hành hạ thể xác cùng những – như cách nói của tín đồ Kitô giáo – dục vọng xấu xa của nó, là sự tự thiến mình về mặt tinh thần và thể xác, là sự tự dày vò hành hạ mình và tự hủy hoại bản thân, là sự ăn năn hối lỗi và tự quất vào mình; những hiện tượng đó đều có đóng một vai trò trong hầu hết mọi tôn giáo. Nên chúng ta cũng đã được thấy rằng những kẻ tôn thờ loài rắn một cách cuồng tín tại Ấn Độ đã để cho rắn cắn vào người họ; những kẻ tôn thờ loài vật một cách cuồng tín và nhiệt thành ở Ấn Độ và Tây Tạng đã để cho loài rệp, chấy rận và bọ chét hút lấy máu ở thân thể và lý tính khỏi đầu óc của mình hay của người khác.

Tôi còn thích thú bổ sung thêm vào các thí dụ trên nhiều thí dụ khác nữa để cung cấp vũ khí cho những kẻ đang chống lại tôi. Người Ai Cập đã hy sinh hạnh phúc của con người cho hạnh phúc của các con vật thiêng liêng. Chẳng hạn, trong các đám cháy ở Ai Cập, người ta lo cứu các con mèo hơn là nghĩ đến chuyện dập tắt lửa. Sự quan tâm lo lắng đó bỗng dưng làm cho tôi nhớ đến đội hiến binh của quốc vương Phổ cách đây một vài năm; câu chuyện xảy ra vào một ngày chủ nhật, vào lúc đang dâng lễ; vì một sự phủ nhận con người có tính chất Kitô giáo thực sự Phổ, đội hiến binh nọ cũng đã cấm dập tắt đám cháy. Và sau đấy là một vài tài liệu mà Diodore cho ta biết: “Có một lần người Ai Cập bị đói và, theo như người ta nói, nhiều người đã thấy bắt buộc phải ăn thịt lẫn nhau, nhưng không một ai để mình bị cáo buộc là đã ăn thịt loài vật thiêng liêng”. Thực ra là sùng kính, thực ra là thần thánh đến thế. Vì lòng thương yêu giới động vật đã được tôn giáo thần thánh hóa, con người đã ăn thịt lẫn nhau. Trong bài luận văn thứ tám của ông, Măc-xim Tiêc-xki đã thuật lại rằng có một người đàn bà Ai Cập nọ đã nuôi nấng một con cá sấu con cùng với đứa con trai ruột của mình; bà đã không hề khóc con trai mình khi chú cá sấu, lớn lên, đã ăn thịt mất anh ta; ngược lại, bà ta còn lấy làm hạnh phúc, hoan hỉ, vì thấy con trai mình thực sự hy sinh cho vị thần trong nhà; còn Hérodote thì lại kể về một người đàn bà Ai Cập khác đã giao cấu cả với dê đực. Tôi xin hỏi các nhà thần học và triết học đang bác bỏ, không phải trên thực tế, lẽ cố nhiên, mà là chỉ trên lý thuyết mà thôi, tình yêu của con người đối với bản thân nó với tư cách là nguyên lý của tôn giáo, luân lý và triết học: người ta có thể đi xa hơn thế nữa trong sự tự xem rẻ và hy sinh mình hơn là những người Ai Cập đó được chăng? Trong những lời chú giải cho cuốn sách của Hiu-tner nhan đề “Những luật lệ của người Hindu hay bộ luật manou” có thuật lại một chuyện như sau: Có một lần nọ, một người Anh đi qua một khu rừng rậm. Bỗng nhiên một con hổ nhảy chồm ra và vồ lấy đứa bé con (của một người Hindu); đứa bé kêu thét lên. Người Anh nọ hoảng sợ hết hồn, nhưng người Hindu vẫn bình tĩnh như không. Người Anh liền nói: “Làm sao ông lại có thể thản nhiên đến thế được?”. người Hindu đáp: “Vị thần vĩ đại muốn điều đó mà”. Ta có thể hình dung một sự hy sinh to lớn hơn thể việc để cho hổ ngấu nghiến cắn xé đứa bé, để mặc như vậy mà không hề biểu lộ một tình cảm nào và làm một cử chỉ nào cả, vẫn một mực tin cậy với tất cả niềm sùng kính và vẫn tin tưởng rằng tất cả những gì đã xảy ra đều xuất phát từ thần, mà những gì do thần làm ra đều được làm vì hạnh phúc của họ? Như chúng ta đều biết, người dân Carthages[5], khi cần và khi gặp nguy hiểm, đã hy sinh cho vị thần của họ, thần Moloch[6] những gì thân yêu nhất đối với con người: những đứa con của họ. Ta không thể nào đưa ra một kết luận để chống lại ý nghĩa quan trọng của điều nói trên và của những thí dụ khác được dẫn ra, rằng trong sự hy sinh bản thân mình có tính chất tôn giáo con người đáng ra phải phủ nhận không phải những người khác mà là chính bản thân mình; là vì không thể nào nghi ngờ một điều là rất nhiều người mẹ và người cha dễ dàng hy sinh mình hơn là hy sinh con cái của mình. Qua những gì mà Dodore thuật lại ta có thể nghĩ rằng người dân Carthages không phải đã mất đi tình cảm yêu thương đối với các con ruột của mình; có một lúc nào đó họ cũng đã thử đem hiến sinh những đứa con của người khác thay cho các con ruột của mình. Nhưng các thầy tế của thần Moloch đã tiếp nhận mưu toan nhân đạo hóa việc sùng bái Moloch, tuy cũng chỉ là một mưu toan hết sức hạn chế và ảo tưởng mà thôi, với một thái độ độc ác, cũng như thể giờ đây những kẻ bênh vực với một quan điểm tôn giáo và tư biện cho tính chất vô nhân đạo thần thánh vẫn còn đón nhận với một thái độ độc ác như thấy nguyện vọng nhân đạo hóa tôn giáo. Những người Hindu đã nói như sau và điều này được thấy ghi rõ trong các quy tắc của bộ luật Manon: “Có những kẻ tôn thờ thần linh và biểu thị sự tôn kính người bằng những vật hiến tế, bằng sự tự hành hạ mình, bằng một tấm lòng sùng kính đến như ghen tuông, một sự gia tâm nghiên cứu Thánh thư, bằng sự đè nén các dục vọng và một lối sống khắc khổ. Một số đã hy sinh cả hơi thở của mình và đã xuôi đuổi nó một cách thô bạo ra khỏi con đường tự nhiên của nó, một số khác, ngược lại, đã dùng hơi thở của mình dồn ép những luồng khí đang đọng xuống dưới đưa chúng lên phía trên; còn một số người, đánh giá cao cả hai lực đó, bít chặt lấy cả hai lỗ thoát”. Quay ngược phần dưới của thân thể con người lên phía trên và kiềm chế, đè nén thiên hướng tự nhiên những cũng có tính chất vị kỷ, cố nhiên, của con người muốn đi đến một lối thoát và một sự tự do thoát bỏ khỏi mọi sức ép, thì quả là cả một khắc phục bản thân mạnh mẽ đến dường nào. Không một dân tộc nào đã nổi bật đến thế trong việc tự hành hạ và đày đọa bản thân, không một dân tộc nào lại có thể thực hành những điều kỳ lạ về loại thể dục có tính chất tôn giáo, như thể những người Hindu. Trong cuốn sách của ông ta mang tựa đề “Chuyến du lịch sang đảo Ấn Độ và Trung Hoa”, Dôn-nhi-rat thuật lại như sau, nhằm nói về những sự tự hành hạ thể xác của người Hindu: “Một số người đã tự hành hạ bản thân bằng cách dùng roi quất liên tiếp vào người hay ra lệnh đem trói chặt mình bằng xích vào một thân cây nào đó và cứ thế để trói mình như thế cho đến chết. Một số khác thì nghĩ rằng suốt đời cần phải ở trong một tư thế khó khăn, chẳng hạn như thường xuyên nắm chặt tay, đến nỗi các móng tay, do không bao giờ được cắt bớt, lâu ngày mọc dài thành chồi đâm xuyên qua bàn tay. Còn một số người khác thì lại thường xuyên để tay chắp lên ngực hay dang tay lên trên đầu đến nỗi rốt cuộc họ không còn có thể sử dụng được chúng nữa. Nhiều người đem vùi mình xuống đất và chỉ hít thở không khí qua một lỗ nhỏ”. Những người Hindu đã đạt đến một trình độ đắc đạo trong việc tu hành “còn nằm ngay vào vết lõm của bánh xe để cho cỗ xe ngựa cán lên mình, và đấy là chiếc xe trên đó người ta chở một bức hình to tướng của vị thần phá hoại (Çiva) vào những ngày hội”. Ta còn có thể đòi hỏi một gì hơn thế nữa chăng? Ấy thế nhưng chúng ta, những người châu Âu đầy tính vị kỷ, hẳn đồng ý chịu những thứ tra tấn cực hình trên còn hơn là cái lối tự phủ định, tự hy sinh mình theo như cái kiểu người Ấn Độ: uống lấy nước tiểu của con bào cái để tẩy rửa các tội lỗi của mình và cho rằng sự tự sát là một điều đáng được quý trọng, và cái cách tự sát của họ là phủ mình đầy phân bò cái rồi tự thiêu.

Nhưng cái điều đáng lưu ý hơn cả đối với chúng ta, những người theo đạo Kitô, lại là những sự tự hành hạ mình, là sự tự phủ nhận, hy sinh bản thân mà những người tín đồ đạo Kitô thời cổ đại xưa đã tự đặt ra cho mình. Thánh Siméon Stylite[7] đã trải qua không ít hơn ba mươi năm trói mình vào cây cột, còn thánh Antoine thì đã có một thời gian nằm vào quan tài và đã đẩy xa việc đè nén, kiềm chế những ước vọng, ham muốn của con người và mọi biểu hiện độc đáo của xác thịt đến chỗ không thèm xua đuổi các loài sâu bọ quấy rầy vào thân thể ông ta, và không bao giờ tắm rửa. Còn về bà Sylvania kính tin (mà tôi đã biết đến một cách rất thích thú cũng là nhờ cuốn “Lịch sử văn hóa” của Côn-bơ), người ta thuật lại rằng con người có “tâm hồn trong trắng đó cho đến 60 tuổi mà vẫn không hề rửa tay, rửa mặt cũng như bất kỳ một bộ phận nào trên cơ thể, chỉ trừ các đầu ngón tay khi bà ta đưa ra đón nhận lấy thánh thể[8] mà thôi”. Để làm được điều đó thực ra cần thiết phải có được một thứ siêu tự nhiên chủ nghĩa và siêu nhân văn chủ nghĩa anh hùng xiết bao, mới vượt qua cho được thiên hướng tự nhiên đối với sự sạch sẽ, để từ bỏ cái ý thức làm điều thiện lành, có tính vị kỷ, cố nhiên, được gắn liền với việc giải thoát thân thể khỏi mọi sự bẩn thỉu. Tôi trình bày các thí dụ trên để nhằm chống lại những kẻ theo một quan điểm tuyệt đối về tôn giáo; họ không thể nào bác bỏ chúng xem đấy chỉ là những điều sai lầm, ngu ngốc.

Đúng, những thí dụ được dẫn ra trên, đấy quả là những con đẻ của sự vô nghĩa của tôn giáo và sự điên rồ của tôn giáo. Nhưng sự điên rồ, ngu ngốc, mất trí cũng thuộc về lĩnh vực của tâm lý học hay nhân loại học, như thể nó thuộc về cả triết học lẫn lịch sử tôn giáo, là vì trong tôn giáo không hề phát huy tác dụng và cũng không hề biểu hiện những lực, những nguyên nhân, những cơ sở nào đó khác hơn là trong nhân loại học nói chung. Một con người mộ đạo đã xem bệnh tật, về thể xác lẫn tâm thần, như là những hiện tượng thần thánh, mầu nhiệm. Cho nên cho đến giờ đây, như lời nhận xét của Liechtenstein trong cuốn “Những nguyên nhân của tỷ lệ tử vong lớn của trẻ em lên một tuổi”, tại Nga “sự mê tín của nhân dân đã coi nhiều chứng bệnh của trẻ em, đặc biệt khi chúng được thể hiện thành những cơn co giật như là một cái gì đó có tính chất thiêng liêng và không được động chạm đến”. Những người điên và những kẻ yếu nhược về tâm thần đủ mọi loại cho đến hiện giờ vẫn được nhiều dân tộc coi như là những con người được thần giáng, như những vị thánh. Vã lại, cho dù những dạng thức của việc con người tự phủ nhận bản thân mình có vô nghĩa đến như thế nào đi nữa, thì chúng vẫn là hậu quả tất yếu của cái nguyên tắc mà hiện giờ vẫn còn được giữ lại trong đầu óc của các nhà thần học, triết học chúng ta, và của mọi kẻ có đức tin nói chung. Nếu như tôi đã phô bày lên như một nguyên tắc của mình sự tự phủ nhận bản thân hay sự tự chan hòa vào trong cái bản chất hoang đường của tôn giáo và thần học, thì tôi không thấy tại sao tôi lại không thể phủ nhận, cũng như mọi thiên hướng say mê ham thích khác, cả nguyện vọng muốn di động, muốn rửa ráy những ghét bẩn khỏi cơ thể, cái ý muốn được đi thẳng người chứ không phải bò bằng bốn cẳng như nhiều vị thánh vẫn làm. Tất cả những thiên hướng ham thích đó, theo quan điểm của thần học, đều mang tính vị kỷ trong bản chất; là vì sự thỏa mãn chúng gắn liền với sự mãn nguyện, với một cảm giác khoan khoái. Nguyện vọng muốn đứng thẳng có nguồn gốc của nó ở niềm tự hào và sự cao ngạo của con người và trực tiếp mâu thuẫn lại với cái ý thức quy thuận, trung thành mà thần học quy định cho chúng ta phải theo.

Tất cả những ai đang loại bỏ tôn giáo nguyên lý về tính vị kỷ – hiểu theo nghĩa rộng của từ này, như tôi đã phải thường xuyên nhắc đi nhắc lại điều đó – đều là những kẻ cuồng tín tôn giáo trong căn bản con người họ, cho dù họ có ngụy trang nó bằng những câu nói triết học đi chăng nữa; cho đến ngày nay, nếu như không phải về mặt vật chất thì cũng là về mặt tinh thần, họ vẫn còn đứng trên quan điểm của những vị thánh – trói mình vào cột của Kitô giáo trước đây; cho đến cả ngày nay, nếu không phải về mặt lý luận thì cũng là về mặt cảm tính, họ đã đem con người hy sinh cho vị thần của mình, như người xưa đã từng làm và như những dân tộc nguyên thủy sống cảm tính ngày nay vẫn con làm như vậy; cho đến cả hiện nay, do sự cảnh giác và thành kiến tôn giáo, họ vẫn không chịu rửa ghét bẩn khỏi đôi mắt và đầu óc của mình, mặc dầu ngược lại với thánh nữ Sylvania – lý tưởng của họ –, do sự thiếu nhất quán và tính vị kỷ thô lậu, họ cũng có cọ rửa ghét bẩn khỏi cơ thể (là vì ghét bẩn ở mắt, ít ra về mặt tinh thần, không đến nỗi nặng nề, là vì nó không trông thấy rõ như ở phần còn lại của thân thể). Ví thử như họ chịu rửa đôi mắt vào nước lạnh của thiên nhiên và của thực tế đời sống, thì họ sẽ hiểu được rằng sự tự phủ nhận, sự tự hy sinh mình, mặc dầu tất cả ý nghĩa tôn giáo của nó, không phải là bản chất của tôn giáo, ấy thế nhưng bản thân họ lại nhìn con người, và cũng do đó cả tôn giáo, bằng đôi mắt mù lòa. Từ đinh cao của diễn đàn và của giảng tòa họ không nhận xét thấy cái mục đích vị kỷ được làm cơ sở cho sự hy sinh, tự phủ nhận mình đó, và cụ thể họ không thấy được rằng con người ta trong đời sống thực tiễn vẫn thông minh hơn là nhà thần học ở giảng tòa và vị giáo sư ở bục diễn đàn, và ở trong tôn giáo con người ta đã nghe không phải những lời giảng giải triết lý về tôn giáo, mà là nghe theo bản năng sáng suốt của mình; nó đã bảo vệ, che chở họ khỏi tính chất phi lý, vô nghĩa của sự hy sinh mình trong tôn giáo, và cả khi họ có rơi vào sự phi lý, vô nghĩa đó, thì họ vẫn cứ lén chuồi vào đấy một ý nghĩa và mục đích có tính chất con người.

Vậy lý do tại sao con người lại phủ nhận bản thân mình ở trong tôn giáo? Cũng chỉ để có được lòng tốt của các vị thần của họ đối với họ, các thần đó vì thế sẽ ban cấp cho họ những gì mà họ mong muốn. Bằng một thái độ xả thân quên mình thực ngiêm ngặt của bản thân “ta có thể buộc các vị thần thõa mãn mọi lời yêu cầu thậm chí thực hiện ngay lập tức những gì ta có trong ý nghĩ” (Bô-len “Nước Ấn Độ cổ đại” tập I). Do đó, con người tự phủ nhận bản thân mình không phải để tự phủ định – một sự phủ nhận như thế, nếu có gặp được, thì chỉ là một sự điên rồ, vô nghĩa có tính tôn giáo thuần túy nhất –; nó phủ nhận mình là để, qua sự phủ định đó, khẳng định mình, ít ra cũng là ở nơi nào mà con người còn giữ được những tình cảm con người của nó. Sự phủ nhận chỉ là hình thức, là phương tiện để tự khẳng định tình thương đối với chính mình. Điều đó được biểu lộ rõ ràng hơn cả trong tôn giáo qua vật hiến sinh.



1* Nữ thần chiến thắng

[1] Các tác phẩm của Platon được viết dưới dạng các đối thoại nổi tiếng, trong đó ông để cho Socrate, thầy ông, nói lên các tư tưởng của mình.

[2] Giống như ông Táo của ta.

[3] Nữ thần lửa của người La Mã, tương đương với nữ thần Hestia của người Hi Lạp (hay ông Táo của ta).

[4] Providence. Từ dịch tiếng Việt bên trên được dùng theo các sách báo Công giáo tiếng Việt hiện đại. Từ Providence còn có thể được dịch là Thiên hựu, Thiên mệnh, hay Thượng đế.

[5] Một thành phố ở châu Phi xưa, là một nước cộng hòa rất phồn thịnh thời cổ đại.

[6] Đây là một vị thần chỉ nhận vật hiến tế là trẻ con

[7] Thực ra đây là một tên gọi chung chỉ ba vị “thánh” của Kitô giáo đều tự hành hạ mình bằng cách trói mình vào cột cho đến chết.

[8] Tức bánh thánh (làm từ bánh và rượu) /Encharistie hay Saint sacrement/.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt