Triết học tôn giáo

Sự phát triển của Khái niệm trong tôn giáo tuyệt đối

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

TÔN GIÁO KHẢI THỊ

1 2 3

 

III.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHÁI NIỆM TRONG TÔN GIÁO TUYỆT ĐỐI

3 3a 3b 3c

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel, “Sự phát triển của Khái niệm trong tôn giáo tuyệt đối” trong Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

§ 767

Thoạt đầu, Tinh thần là nội dung của ý thức của nó trong hình thức của Bản thể thuần túy, hay nói khác đi, là nội dung của ý thức thuần túy của nó. Môi trường (Element) này của Tư duy là tiến trình vận động đi xuống đến sự hiện hữu (Dasein) hay đi xuống đến tính cá biệt [tính cá nhân]. Bước trung giới giữa chúng là sự nối kết tổng hợp [ngoại tại] của cả hai, là ý thức về việc “trở thành cái khác” (Anders-werden) hay tiến trình của việc hình dung bằng biểu tượng, xét như biểu tượng. Giai đoạn [hay yếu tố] thứ ba là sự quay trở lại từ sự hình dung bằng biểu tượng và từ cái “tồn tại khác” này; nói cách khác, đó là môi trường của bản thân Tự-ý thức.

Chính ba mô-men này tạo nên Tinh thần. | Việc tháo rời nó ra ở trong tư duy-biểu tượng chính là việc [chỉ] nắm lấy một phương thức [hiện hữu] nhất định; tuy nhiên, tính quy định nhất định này  không gì khác hơn [chỉ] là một trong những yếu tố của nó mà thôi. Vì thế, tiến trình vận động đã phát triển đầy đủ chi tiết của nó là ở chỗ triển khai bản tính của nó ra trong từng mỗi yếu tố như trong một môi trường [sản sinh] của chính nó, vì mỗi một vòng tròn [lãnh vực] của những vòng tròn này hoàn tất bản thân mình ở trong chính mình, nên sự phản tư này của Tinh thần vào trong chính mình đồng thời là sự quá độ sang “vòng tròn” [“lãnh vực”] khác. Tư duy-biểu tượng là cái tạo nên hạn từ trung giới (Mitte) giữa tư duy thuần túy và Tự-ý thức xét như Tự-ý thức, và chỉ đơn thuần là một trong những hình thức có tính quy định nhất định. | Song, đồng thời, như đã chỉ rõ, tính chất [thuộc về việc hình dung bằng] biểu tượng như thế – tức tính chất của việc “nối kết tổng hợp” [ngoại tại] – được triển khai đều khắp trên tất cả mọi “môi trường” này và là đặc điểm quy định chung của chúng[1].

 

§ 768

Bản thân nội dung cần xem xét đã được trình bày trước đây một phần như là sự hình dung bằng hình tượng về “Ý thức bất hạnh” [§207], và phần khác, như là “Ý thức có lòng tin” [§527]. | Tuy nhiên, trong trường hợp Ý thức bất hạnh, nội dung này [về Hữu thể tuyệt đối] có đặc điểm là do ý thức tạo ra và được ý thức khao khát, tức nội dung trong đó Tinh thần không thể tìm thấy được sự thỏa mãn và yên bình, bởi nội dung chưa phải là nội dung đích thực của Tinh thần một cách tự-mình, hay không phải là Bản thể của nó. | Còn trong trường hợp của Ý thức có lòng tin, nội dung này đã được xem là một Bản chất của thế giới nhưng lại không có Tự ngã, hay, về bản chất, là một nội dung có tính đối tượng khách quan của sự hình dung bằng biểu tượng, – một sự hình dung nhằm trốn chạy hiện thực nói chung, do đó, không có được sự xác tín của Tự-ý thức; nghĩa là, sự xác tín này tách rời với Tự-ý thức, phần thì như là tính hư huyễn của cái biết [§367 và tiếp], phần thì như là sự Thức nhận thuần túy [§527 và tiếp]. Trái lại, ý thức của cộng đồng [tôn giáo] lại lấy nội dung này làm Bản thể của mình, đồng thời nội dung này cũng là sự xác tín mà cộng đồng [tôn giáo] có được về Tinh thần của riêng mình[2].

 



[1] Tiểu đoạn §767 phát họa khái quát nội dung biểu tượng tôn giáo. Môi trường chung cho mọi yếu tố cũng như cho mỗi yếu tố này là sự hình dung bằng hình tượng. Mỗi yếu tố trong ba yếu tố của nội dung: “vương quốc của Chúa cha”, “của Chúa con”, “của Chúa Thánh thần” – là một vòng tròn khép kín, và, trong chừng mực phản tư vào trong chính mình, là bước quá độ sang yếu tố tiếp theo. Sự hình dung bằng hình tượng (về bà “vương quốc”) này sẽ được nâng lên thành tư duy Khái niệm (tri thức tư biện) nơi Hegel, tương ứng với việc phân chia triết học của ông thành ba “lãnh vực”: Lôgíc (Logos); Tự nhiên và Tinh thần.

 

[2] Trong ý thức bất hạnh, nội dung này là tính chủ quan; trong ý thức lòng tin, nó là tính khách quan, còn ở đây, trong ý thức của tôn giáo khải thị, nội dung này vừa là Bản thể của cộng đồng tôn giáo (tính khách quan), vừa là sự xác tín về chính mình của nó (tính chủ quan).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt