Triết học tôn giáo

Vấn đề 11. Về sự đơn nhất của Thiên Chúa. Mục 1

 

VẤN ĐỀ 11

VỀ SỰ ĐƠN NHẤT CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

Sau những điều trên đây, bây giờ phải suy cứu về sự đơn nhất của Thiên Chúa. Bốn điều được đặt ra:

1. “Một” có thêm gì vào hữu thể chăng?

2. “Một” và “nhiều” có tương phản nhau chăng? 

3. Phải chăng Thiên Chúa thì đơn nhất? 

4. Phải chăng Thiên Chúa đơn nhất tuyệt đối?

 

MỤC 1

“Một” có thêm gì vào hữu thể chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như “một” có thêm chi đó vào hữu thể.

1. Phàm chi thuộc về một giống nhất định tức là thêm điều gì vào hữu thể, vì hữu thể bao trùm mọi giống. Mà “một” thì ở trong một giống nhất định, vì là khởi điểm của số, mà số là một thứ lượng. Cho nên “một” có thêm chi đó vào hữu thể.

2. Phàm chi phân chia điều chung, là do thêm chi đó vào điều chung ấy. Mà hữu thể thì chia thành “một” và “nhiều”. Cho nên “một” có thêm chi đó vào hữu thể.

3. Nếu “một” không thêm gì vào hữu thể, thì nói “một” hay nói hữu thể cũng như nhau. Vậy cũng như nói hữu thể là hữu thể thì trùng lặp, thì nói hữu thể là “một” cũng trùng lặp. Nhưng đó là sai lầm. Cho nên “một” có thêm chỉ đó vào hữu thể.

NHƯNG. Dionysio nói: Không chi hiện hữu nếu không phải là một; điều đó không thể có nếu “một” thêm chi đó vào hữu thể để phân định nó. Cho nên “một” không thêm chi vào hữu thể cả.

LUẬN GIẢI. “Một” không thêm gì vào hữu thể cả, mà chỉ phủ nhận sự phân chia: “một” không nói lên điều gì khác ngoài hữu thể không bị phân chia. Và do đó ta thấy “một” có thể chuyển hoán với hữu thể. Vì mọi hữu thể thì hoặc đơn thuần hoặc phức hợp. Nếu đơn thuần thì không bị phân chia theo hiện thể và tiềm thể; nhưng nếu phức hợp thì không là phức thể bao lâu các thành phần bị phân chia, mà chỉ khi chúng cấu tạo và tổ hợp nên chính phức thể. Cho nên hiển nhiên là hữu thể của mỗi vật hệ tại sự không bị phân chia. Nhiên hậu, như mỗi vật bảo tồn hiện hữu của mình thế nào thì cũng bảo tồn sự đơn nhất của mình như thế.

GIẢI ĐÁP

1. Một số người, vì nghĩ rằng “một” mà họ cho là đồng nhất với hữu thể cũng là “một”, như khởi điểm của số, nên đã có những lập trường tương phản. Pythagore và Platon nhất trí rằng, “một” như đồng nhất với hữu thể, không thêm chi vào hữu thể cả, và ám chỉ bản thể không bị phân chia của hữu thể, cũng là “một” như khởi điểm của số; mà vì số được thành nên bởi những đơn vị, cho nên họ cho rằng các số là bản thể của mọi vật. Trái lại Avicenna, vì cho rằng “một” là khởi điểm của số, có thêm chi đó vào bản thể của hữu thể (chẳng vậy số tổ hợp bởi những đơn vị sẽ không là một loại của lượng), nên ông nghĩ rằng “một” chuyển hoán được với hữu thể, có thêm chi đó vào bản thể của hữu thể, như sắc trắng thêm vào con người. Nhưng điều này hiển nhiên là sai: vì do bản thể của mình mà mỗi vật là một. Nếu mỗi vật là “một” do cái gì khác, mà cái khác này lại là “một” do cái gì khác nữa, hẳn phải diễn tiến đến vô tận. Cho nên phải theo ý kiến thứ nhất. Bởi vậy phải nói rằng “một”, xét như có thể chuyển hoán với hữu thể thì không thêm chi vào hữu thể, nhưng “một” xét như khởi điểm của số, và thuộc về phạm trù lượng, thì có thêm điều gì vào hữu thể.

2. Không chi cản trở để một vật theo cách này thì bị phân chia, còn theo cách kia thì không bị phân chia: như bị phân chia về số, nhưng không bị phân chia về loại: và như vậy một vật theo cách này là “một”, theo cách kia là “nhiều”. Nhưng nếu vật đó tuyệt đối không bị phân chia thì hoặc không bị phân chia theo yếu tố thuộc yếu tính, dù bị phân chia theo những gì ở ngoài yếu tính, như vật là “một” về chủ thể và “nhiều” về những phụ thể; hoặc vì không bị phân chia theo hiện thể và bị phân chia theo tiềm thể, như vật là “một” về toàn thể, và “nhiều” về thành phần: những thứ đó là “một” cách tuyệt đối, nhưng là “nhiều” theo khía cạnh nào đó. Trái lại, nếu có vật nào không bị phân chia theo khía cạnh nào đó, nhưng bị phân chia xét cách tuyệt đối, vì bị phân chia theo yếu tính và không bị phân chia theo lý tính hay theo căn nguyên: thì sẽ là “nhiều” xét cách tuyệt đối, và là “một” theo khía cạnh nào đó: như “nhiều” về số và “một” về loại hay là “một” về căn nguyên. Như thế hữu thể phân thành “một” và “nhiều”, như là “một” xét cách tuyệt đối, nhưng là “nhiều” theo khía cạnh nào đó. Vì chính “đa phức” không được hàm chứa trong hữu thể, nếu không được hàm chứa cách nào đó trong “một”. Ông Dionysio nói: “không đa phức nào mà không thông dự sự đơn nhất: vì điều gì là “nhiều” về những thành phần, lại là “một” về toàn thể; và điều là “nhiều” về phụ thể, lại là “một” về chủ thể; điều gì là “nhiều về số, lại là “một” về loại; và điều gì là “nhiều” về loại, thì lại là “một” về giống điều gì là “nhiều” về phát xuất thì lại là “một” về nguyên lý.

3. Sở dĩ nói “hữu thể” là “một” mà không phải là trùng lặp, vì theo lý tính, “một” có thêm gì vào “hữu thể”.

 


 MỤC 2
 VẤN ĐỀ 10

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt