Triết học tôn giáo

Vấn đề 12. Thiên Chúa được chúng ta nhận biết như thế nào. Mục 3

 

VẤN ĐỀ 12

THIÊN CHÚA ĐƯỢC CHÚNG TA NHẬN BIẾT NHƯ THẾ NÀO?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

MỤC 3

Phải chăng yếu tính Thiên Chúa 

có thể được mắt phàm nhìn thấy?

 

NGHI VẤN. Hình như yếu tính Thiên Chúa có thể được mắt phàm nhìn thấy.

1. Sách Gióp chép: “Trong thân xác tôi, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”; “Trước kia con chỉ được nghe biết về Ngài; giờ đây chính con mắt con nhìn thấy Ngài”.

2. Thánh Augustino nói: “Đôi mắt của họ (nghĩa là của những vị hiển thánh) được kiện cường, không phải để nhìn một cách nhạy bén hơn loài rắn hay phượng hoàng, như có người nghĩ thế (dù thị giác của những động vật này tinh anh đến đâu cũng không thể nhìn thấy chi khác ngoài những vật hữu hình), mà còn để nhìn thấy cả những vật vô hình. Nhưng phàm ai có thể trông thấy vật vô hình đều có thể được cất nhắc lên để nhìn thấy Thiên Chúa. Cho nên mắt hiển vinh có thể nhìn thấy Thiên Chúa.

3. Với cái nhìn tưởng tượng, con người có thể nhìn thấy Thiên Chúa, vì sách ngôn sứ Isaia viết: “Tôi đã nhìn thấy Đức Chúa ngự trên ngai...”. Nhưng cái nhìn tưởng tượng bắt nguồn từ giác quan: vì tưởng tượng là chuyển động phát xuất từ giác quan đang hoạt động, như Aristốt nói. Cho nên Thiên Chúa có thể được thị giác nhìn thấy.

NHƯNG. Thánh Augustino viết: “Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ: dù ở đời này, cũng không ai có thể nhìn thấy đích thị Thiên Chúa, dù trong đời sống các thiên thần, Thiên Chúa cũng không được thấy như những vật khả thị được thị giác nhìn thấy”.

LUẬN GIẢI. Thiên Chúa không thể được thị giác hay bất cứ giác quan hoặc tài năng cảm giác nào nhìn thấy. Thực vậy mọi tài năng như thế là hiện thể của cơ quan hữu chất, như sẽ nói sau (m.4; vđ.78, m.1). Mà hiện thể thì tương ứng với bản tính của điều nó hiện thể hóa. Cho nên không tài năng nào như thế có thể vươn ra ngoài những vật hữu hình. Nhưng Thiên Chúa là Đấng vô hình, như đã chứng minh (vđ.3, m.1). Cho nên Thiên Chúa không thể được nhìn thấy bởi giác quan hay óc tưởng tượng, nhưng chỉ bởi trí khôn mà thôi.

GIẢI ĐÁP

1. Khi ông Gióp nói: “trong thân xác tôi, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi” thì lời ấy không có nghĩa là với con mắt xác thịt ông sẽ nhìn thấy Thiên Chúa: nhưng là sống trong thân xác, sau khi phục sinh, ông sẽ nhìn thấy Thiên Chúa. Cũng vậy “giờ đây chính mắt con nhìn thấy Ngài” được hiểu về con mắt trí khôn, như thánh Tông Đồ nói: “Xin Thiên Chúa ban cho anh em tinh thần khôn ngoan để nhận biết Người, và cho con mắt tâm hồn anh em được soi sáng”.

2. Thánh Augustino nói những lời ấy theo lối tìm hiểu và có điều kiện. Vì trước đó người đã nói: “nếu với những con mắt ấy (mắt hiển vinh) mà nhìn thấy bản tính vô hình thì quả là có một năng lực rất khác lạ”. Sau đó thánh nhân xác định và nói: “Điều đáng tin là lúc đó chúng ta sẽ nhìn thấy thế giới hữu hình của trời mới đất mới như thể nhìn thấy minh bạch Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, quản trị cả vũ trụ hữu hình; không phải như hiện nay những gì không thể nhìn thấy nơi Thiên Chúa lại có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người; nhưng như ở giữa những người đang sống, đang thực hiện những sinh hoạt, thoạt nhìn là chúng ta thấy, chứ không phải tin là họ sống”. Do đó hiển nhiên là những con mắt hiển vinh sẽ nhìn thấy Thiên Chúa, như hiện nay con mắt chúng ta nhìn thấy sự sống của ai đó. Sự sống không do mắt phàm nhìn thấy như điều khả thị cách tự thể, mà như điều khả giác cách ngẫu trừ: đó là điều không được thu nhận bởi giác quan, nhưng được nhận ra ngay lập tức bởi một tài năng khác đi theo cảm giác. Thực vậy, thoạt khi được nhìn thấy, những vật hữu hình làm cho trí khôn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa hai cách: ấy là do sự sắc sảo của trí khôn và do ánh rạng ngời của Thiên Chúa phản chiếu trên các vật thể đã được đổi mới.

3. Yếu tính Thiên Chúa không được nhìn thấy trong thị kiến tưởng tượng, nhưng một hình ảnh được hình thành trong óc tưởng tượng, biểu thị Thiên Chúa theo họa ảnh nào đó, như trong Thánh Kinh điều thần linh được mô tả cách bóng bẩy bằng những vật khả giác.

 


 MỤC 4
 MỤC 2

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt