Triết học tôn giáo

Ý niệm về Thiên Chúa

KARL JASPERS - TRIẾT HỌC NHẬP MÔN

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
                           

Ý NIỆM VỀ THIÊN CHÚA

KARL JASPERS (1883-1969)

LÊ TÔN NGHIÊM dịch

 


Karl Jaspers. Triết học nhập môn. Chương 5: “Ý niệm về Thiên Chúa”. Lê Tôn Nghiêm dịch. Bộ Giáo dục và Thanh niên – Trung tâm học liệu xuất bản, 1969, tr. 52-62.


 

Kinh thánh và triết học Hi Lạp

Theo quan điểm lịch sự, ý niệm về Thiên chúa ở Âu châu đã phát xuất do hai nguồn tư tưởng khác nhau là Kinh thánh và triết học Hi Lạp.

Jeremie, một tiên tri Do thái, đã chứng kiến sự suy sụp hoang tàn của đất nước và dân tộc ông là những gì ông hằng lưu tâm suốt đời; ở Ai Cập còn sót lại được ít người nhưng chính họ của phản bội đức Jahve và quay ra thờ thần Isis. Thất vọng, Baruch, một tiên tri khác môn đệ của Jeremie cũng phải than vãn rằng: “Tôi làm việc kiệt lực rồi mà không được một giây để nghỉ ngơi!”. Nhưng Jeremie đáp lại: “Đức Jahve đã lệnh rằng những gì Ta đã tạo dựng, Ta cũng phải hủy hoại, những gì Ta vun trồng, Ta cũng phải nhổ phăng đi; còn người sao lại ước mong những chuyện đại sự? Thôi im đi!”.

Theo bản ý đây, những lời nói trên chỉ muốn nói là: Thiên chúa có. Thế thôi! Vấn đềtrường sinh có hay không, không nói tới. Cả vấn đề Thiên chúa có xá tội hay không, cũng không phải là vấn đề thiết yếu trên hết. Con người cũng không phải tối ư quan hệ, vì ước vọng cũng như những lo lắng riêng tư về hạnh phúc muôn đời của họ đều bị dập tắt hết. Đồng thời còn phải nhận rằng: dưới bất cứ hình thức nào, tự nó vũ trụ vạn vật này không có ý nghĩa hoàn bỉ hay trường tồn bất diệt, vì mọi sự đều do Thiên chúa từ hư vô mà tạo dựng và mọi sự đều hiện hữu trong tay Ngài.

Tất cả những cái đó có thể tan biến đi, nhưng vẫn còn lại điều này: Thiên chúa có!

Rồi cả lúc sống khi con người hướng về điều thiện và tưởng rằng được Thiên chúa dìu dắt. Sau cùng họ vẫn có thể thất bại, nhưng chân lý vô song đây vẫn còn: Thiên chúa có!

Nếu biết quên mình và những tư lợi của mình, con người sẽ được chân lý trên thể hiện ra với họ như một chân lý duy nhất. Nhưng chân lý ấy không thể hiện một cách tiên thiên, trừu tượng. Nó chỉ thể hiện khi con người dấn thân vào cuộc đời, khi gặp những bước đường cùng.

Những lời nói của Jeremie là những lời nói chua cay. Nhưng ông nói thể không phải với mục đích để thay đổi thế cuộc tùy theo những điều kiện lịch sử cố định. Trái lại, dòng dã cả cuộc đời con người, mục đích ấy đã xuất hiện và sau cùng khi hoàn toàn thất bại con người mới cảm nhận sự hữu hiệu của những lời nói ấy. Vì những lời ấy rất chân thật không có vể gì quá khích (kiểu tín lý võ đoán), nhưng bên trong chứa chấp một chân lý bất tận. Được thế, chính vì Jeremie đã không diễn tả chúng bằng những công thức cố định.

Tuy lối phát biểu có khác nhưng triết học Hi Lạp cũng đã nói những điều tương tự như trên:

Ví dụ 500 năm trước Tây lịch, Xenaphanecũng đã nói: “Có một Thiên chúa độc nhất thống trị. Nhưng Ngài không giống con người chi cả từ hình hài cho đến tư tưởng”. Rồi Platon lại quan niệm một Thiên chúa gọi là Toàn thiện thể và coi Toàn thiện thể ấy là nguồn suối cho mọi tri thức. Nghĩa là những gì ta biết đều nhờ sự Thiện ấy cả và sự Thiện ấy còn đem lại hữu cho vạn sự hữu khác vì phẩm cách và sức mạnh của nó vượt trên mọi sự hữu khác.

Phần đông triết gia Hi lạp đã hiểu như thế: nhưng tục lệ đã quan niệm ra nhiều thiên chúa. Mà thực sự chỉ có thể có một! Nhưng người ta không thể nhìn Thiên chúa bằng mắt vì Ngài không giống ai, và cũng không giống một hình ảnh nào cả.

Thiên chúa lại thường được quan niệm như nguyên nhân hay định luật phổ biến, như định mệnh và thiên hựu hay như một kiến trúc sư của hoàn vũ.

Nhưng nếu theo các nhà tư tưởng Hi lạp, Thiên chúa kia chỉ là Thiên chúa do khái niệmnghĩ ra chứ không phải là Thiên chúa linh độngnhư của Jeremie. Tuy nhiên hai ý nghĩa ấy vẫn phù hợp nhau được. Vì dưới nhiều hình thức khác biệt nhau, nhưng tư tưởng Thần học và Triết học Tây phương cũng chỉ nhằm khai triển có hai luận đề sau đây:

- Thiên chúa có và bản tính của Ngài như thế nào?

Triết gia phải trả lời

Ngày nay hình như các triết gia dụng ý thông qua vấn đề Thiên chúa hiện hữu. Họ không công nhận cũng không phủ nhận. Nhưng nên biết rằng: bất cứ ai hễ đã bước chân vào lĩnh vực triết lý đều phải đề cập tới vấn đề đó cả. Và mỗi khi vấn đề ấy bị hoài nghi, cần thiếttriết gia phải nêu ra một chứng minh để trả lời. Nếu không, triết gia vẫn phải luẩn quẩn trong Hoài nghi thuyết, luôn luôn treo lửng phán đoán, không công nhận cũng không phủ nhận. Hay vẫn đứng trên bình diện tri thức khách quan cố định nghĩa là căn cứ trên lập trường của khoa học, rồi triết gia cũng bắt chước nói rằng: “Những điều không biết thì không nên nói tới”

Bốn nguyên tắc xem ra đối lập nhau

Người ta có thể nghiên cứu vấn đề Thiên chúa theo những nguyên tắc sau đây. Nhưng nên biết rằng chúng thường đối lập nhau:

- Theo nguyên tắc Thần học, ta chỉ nhận thức được Thiên chúa qua những điều đã mặc khải từ các tiên tri Do thái cho tới Đức Jesus. Không được mặc khải, con người không thể biết được Thiên chúa. Vì người ta không thể bắt gặp được Thiên chúa bằng tư tưởng mà chỉ bằng sự thần phục trong đức Tin. (Đó là theo Thần học)[1].

Nhưng sự thực thì trước khi được mặc khải và bên ngoài ảnh hưởng mặc khải người ta đã tin có Thiên chúa từ lâu rồi. Ngay chính trong xã hội Kyto giáo Tây phương, nhiều người vẫn tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên chúa, mà không cần đến bảo đảm của mặc khải.

Đối lập với nguyên tắc Thần học, mộtnguyên tắc Triết lý cũ cho rằng: chúng ta có thể biết được Thiên chúa phần nào, là vì sự hiện hữu của Ngài có thể chứng minh được. Và từ ngàn xưa, những chứng minh ấy đã kết tinh thành một hệ thống đồ sộ!

Nhưng những chứng minh ấy sẽ bị xuyên tạc nếu coi chúng có giá trị hiển nhiên như những chứng minh toán học hay những kiểm chứng thực nghiệm. Kant đã phản đối lập trường ấy, vì theo ông không thể chứng minh Thiên chúa một cách hiển nhiên như vậy được.

Nhưng để chống lại Kant, người ta đã lập luận rằng: không chấp nhận những chứng minh về Thiên chúa là phủ nhận Thiên chúa rồi.

Nhưng cả hai lập trường đều không đứng vững, nghĩa là không chứng minh được hiện hữu của Thiên chúa cũng không chứng minh được không có Thiên chúa. Cả lối chứng minh cả lối phủ nhận chứng minh đều dẫn đến cùng một kết quả: mang Thiên chúa ra mỗ xẻ như vậy thì đương nhiên coi Ngài là một sự vật như muôn vàn sự vật thông thường khác rồi.

Vậy đối với việc tìm chứng minh cũng như với việc phản đối chứng minh có lẽ phải nói rằng: thực ra thoạt tiên, những chứng minh về hiện hữu của Thiên chúa không phải là những chứng minh mà chỉ là những con đường dẫn lối, nhờ đó con người Suy tư và tin tưởng ở sức mạnh suy tư của mình. Vì đã được sáng nghĩ ra qua hàng ngàn năm và được trình bày dưới nhiều hình thức, các chứng lý ấy có tính cách khác hẳn các chứng lý khoa học.

Như vậy, chúng chứng tỏ rằng: mỗi khi cảm nghiệm đà tiến nâng nó lên tới Thiên chúa, tư tưởng con người có một năng lực tiềm ẩn chắc chắn đến mức nào! Vì khi suy tư, con người khám phá ra được nhiều con đường dẫn đến những ngõ bí. Những lúc ấy, bó buộc tư tưởng phải “nhảy vượt”. Và nhờ “nhảy vượt” ấy, ý thức của ta về Thiên chúa mới biến thành một sự hiện diện rất tự nhiên của Ngài trong ta.

Mấy chứng lý về Thiên chúa hiện hữu: theo vũ trị luân, chủ đích luận và hiện sinh luận

Bây giờ chúng ta hãy lược qua vài chứng lý về Thiên chúa hiện hữu:

- chứng lý xưa nhất là chứng lý theo vũ trụ luận. Theo chứng lý ấy người ta lập luận: nhận thấy có vũ trụ hòa âm (Hi lạp: Kosmos) tất nhiên phải kết luận rằng: có Thiên chúa nghĩa là:

- nhận thấy vạn sự hữu trong vũ trụ như những hậu quả hữu hình, người ta tìm xemnguyên nhân sơ khởi của chúng là gì?

- hay nhận thấy mọi sự đều vận chuyểntrong vũ trụ, vây đâu là nguồn suối phát sinh ra những vận chuyển đó.

- sau cùng nhận thấy mọi sự đều cá biệtngẫu nhiên, tất phải có một cái gì bao hàm tất cả và nó phải tất yếu có.

Tóm lại, mới nhìn sơ qua ra như trên đây là một lối lập luận máy móc như sau: hễ nhận thấymột thực tại hiện hữu thì tất nhiên phải tìm đếnmột thực tại khác nó làm nguyên nhân cho nó (ví dụ khi nhìn phía này của mặt trăng, tất nhiên ta ngầm hiểu còn mặt bên kia nữa).

Nhưng không phải thế! Những lập luận trên chỉ có giá trị là khi ta có thể căn cứ vào những sự vật ta thấy như những đối tượng tách rời ta để rồi tìm tới những nguyên nhân của chúng.

Nhưng ở đây, Vũ trụ không phải là một đối tượng tác rời ta, vì luôn luôn ta sống trong lòng vũ trụ mà không bao giờ tách rời nó với ta để coi nó như một đối tượng đối diện với ta được. Vì thế ta không thể căn cứ vào toàn diện vũ trụ để kết luận được rằng: bên ngoài nó phải có một cái gì khác nữa.

Vậy phải nói rằng: những lối lập luận trên không chủ ý nêu ra những chứng lý máy móc như vậy. Trái lại, giá trị chứng minh phải được coi là một ẩn dụ[2]. Ẩn dụ ấy gợi cảm lên trong ta ý thức về Huyền lý sau đây: vũ trụ có thực đây và ta sống trong lòng vũ trụ ấy. Nghĩa là đứng trước vũ trụ vạn vật ta phải đinh ninh tự hỏi: có lẽ không cần phải có gì cả như hiện có, như Schelling hỏi: tại sao lại phải có gì? Vậy không cần có gì có được không?

Thắc mắc như vậy, ta mới chắc chắn rằng: có một cái gì làm nền tảng cho vạn vật, nhưng ở đây sự chắc chắn không do những chứng lý máy móc mang lại, vì ta không nhận được giải đáp nào rõ rệt, mà chỉ được dẫn tới Bao dung thể.

Mà Bao dung thể thiết yếu phải hiện hữu một cách tuyệt đối không thể không có được. Và nhờ nó mọi sự mới có.

Ngoài những chứng lý trên, người xưa còn chủ trương: vũ trụ hằng cửu và tự tại. Như vậy vũ trụ cũng được coi là đồng bản tính với Thiên chúa.

Nhưng không thể thế được, vì ví dụ:

Tất cả những vẻ đẹp, những thuần đích, trật tự và hoàn hảo trong vũ trụ này; tất cả những gì trong Thiên nhiên huy hoàng này có sức gây cảm xúc triền miên trong tâm hồn ta.

Tất cả không thể giảng nghĩa bằng một thức tại thực nghiệm nào mà ta có thể biết được một cách thuần triệt, như khi biết một thành chất nào chẳng hạn.

Vì chuẩn đích của muôn ngàn sinh vật, vẻ đẹp của Thiên nhiên với mọi sắc thái của nó và toàn sự an bài khéo léo trong vũ trụ, những kiến thức thực nghiệm của ta càng ngày càng mở rộng thì tất cả những cái đó càng ngày càng trở thành khó hiểu và bí nhiệm.

Đó là bề mặt của vũ trụ, nhưng nếu căn cứ vào đó để bảo rằng: Thiên chúa có và do đó Ngài phải đầy lòng nhân hậu, thì không đúng. Vì lập tức ta lại gặp thấy những gì xấu xí, bi đát, hỗn độn trong vũ trụ. Lúc ấy ta lại như sống trong những trạng thái sâu thăm thẳm vì không còn thấy vũ trụ gần gũi với ta nữa mà đã trở nên xa lạ, thù nghịch và tàn ác. Trong những trường hợp ấy ta có thể bảo rằng: chỉ có quỷ thần, làm gì có Thiên chúa!

Tóm lại, huyền lý về Thiên chúa siêu việt càng ngày càng thăm thẳm, không biết đâu là cùng!

Hơn nữa, còn một điểm khác khó hiểu hơn là vũ trụ này vẫn còn dở dang, chưa có gì hoàn tất cả! Thật vậy, vũ trụ này vẫn như biến dịch không ngừng. Nên ta không thể kết luận về đàng nào được cả! Vũ trụ thiết yếu không thể giảng nghĩa được!

Vì thế, không những không chứng minh được hiện hữu của Thiên chúa, các chứng lý trên còn cho ta cảm tưởng như Thiên chúa là một sự vật nào đó trong vũ trụ. Do đó, Thiên chúa như bị đóng khung trong những giới hạn hẹp hòi, và qua những giới hạn ấy hình như còn có thể quan niệm ra một thế giới thứ hai nữa.

Như thể các chứng lý ấy càng làm lu mờ ý niệm về Thiên chúa.

Tuy nhiên, những chứng lý ấy vẫn gieo trong ta một ấn tượng mạnh mẽ, mỗi khi qua những ảo ảnh cụ thể, chúng càng dẫn ta tiến sâu mãi cho tới khi ta bắt gặp Hư vô và bất toàn vũ trụ. Nhưng chính nhờ đó ta mới lấy được đà tiến và thấy rằng: vũ trụ này không tự nó có đầy đủ ý nghĩa nữa vì nó không phải là sự Hữu duy nhất.

Nhờ những điều nói trên, luôn luôn ta phải chấp nhận rằng: Thiên chúa không phải là đối tượng cho tri thức; ta không thể khám phá Thiên chúa một cách tường tận rõ ràng. Ngài cũng không phải là đối tượng của thực nghiệm khách quan, mà là vô hình. Không nhìn thấy Ngài, ta chỉ có thể tin tưởng vào Ngài.

Chứng lý Hiện sinh: Tự do với việc hiểu biết Thiên Chúa, Nhưng lòng tin tưởng ấy bắt nguồn từ đâu?

Niềm tin ấy không bắt nguồn ở những khi ta kinh nghiệm về vũ trụ đến tận cùng, mà là khi ta cảm thấy mình được hoàn toàn tự do. Vì khi biết mình tự do, đồng thời con người tin tưởng chắc chắn có Thiên chúa.

Như thể, tự do và Thiên chúa không thể tách rời nhau. Vì sao vậy?

Vì tôi chắc chắn rằng: tôi là một thực thể tự do, mà đã là tự do, tôi không hiện hữu bởi chính tôi; vì trong tự do, tôi trở thành tặng vật cho chính tôi[3]. Thực thế, tự tôi và với sức mạnh riêng tư của tôi, có thể tôi không có tự do. Nhưng khi sống đầy đủ ý nghĩa cuộc đời, tôi mới thấy rằng: tôi không do tôi và tự lực mà có.

Vậy hoàn toàn tự do là khi thoát ly mọi áp lực của trần gian và đồng thời cảm thấy mình có liên hệ sâu xa với một cái gì siêu việt và hơn mình.

Như thế, tự do phải được gọi là hiện sinh của con người nghĩa là chính khi tôi quyết định sống cho đầy đủ ý nghĩa của cuộc đời là khi tôi tin chắc có Thiên chúa. Nhưng sự tin tưởng ấy không được coi Thiên chúa bị hạn hẹp trong một công thức lý luận mà phải trình bày Ngài hiện diện trước mặt ta.

Như thế, công nhận tự do cũng là công nhận có Thiên chúa. Và ngược lại, phủ nhận tự do cũng là phủ nhận Thiên chúa. Vì nếu không có kinh nghiệm - một kinh nghiệm kỳ diệu rằng: ta là một chủ thể tự do, thì tôi không cần có liên hệ gì với Thiên chúa; ta có thể chỉ cần có nhiên giới, có muôn vàn quỷ thần với ta là đủ!

Ngoài ra, còn phải công nhận rằng: người ta có thể đi tới tự do phóng đãng không tin ở Thiên chúa nữa và do đó người ta “thần hóa con người”. Nhưng tự do ấy là một tự do phóng đãng, càn dỡ, tự phụ mình là tuyệt đối với những quyết đáp liều lĩnh rằng: “tôi tự do”. Như thế, con người còn tin vào sức mạnh của những quyết đáp vô căn cứ như “Tôi muốn thế là phải như thế!”. Nếu không, tôi cũng có thể liều chết là cùng!

Những lúc ấy là lúc con người tự lừa dối chính mình, coi mình như chỉ mình và vì mình mà có. Tự do ấy là tự do vật vờ trước những gì trống rỗng, vô căn cứ rồi. Lúc ấy càng vẫy vùng muốn đề cao tự do bao nhiêu, tôi càng sa lầy thất vọng bấy nhiêu. Tình trạng này Kierkegaard gọi là tình trạng vừa muốn triệt để thực hiện được bản vị vừa muốn triệt để không thức hiện được.

Tóm lại, với tôi, tôi càng sống tự do bao nhiêu, Thiên chúa càng hiện hữu bấy nhiêu trong tôi. Vì thiên chúa không thể hiện ra với tri thức khách quan, mà chỉ xuất hiện ra với Hiện sinh.

Nhưng cả ở đây nữa, giải thích hiện sinh như một tự do cũng không phải để chứng minh Thiên chúa hiện hữu, mà để chỉ thị rằng hiện sinh là vị trí giúp ta chắc hắn cảm nghiệm được Thiên chúa hiện diện trong ta.

Nếu mục đích của những chứng lý về Thiên chúa là phải đạt tới đích xác bất kháng thì phải nói rằng: không một chứng lý nào đạt được mục đích cả. Trái lại, chỉ những khi tư tưởng thất bại, tự cảm thấy không đích xác bất kháng được, bấy giờ nó để lại một vết tích trong ý thức con người. Vết tích ấy rất quan trọng. Nó chỉ thị những gì xuất hiện ra với ý thức. Vì do đó ý thức có tính cách luôn luôn tra vấn, và bao dung tính bất tận về Thiên chúa.

Như vậy ta không thể lãnh hội Thiên chúa như một sự vật trong vũ trụ. Vì thế con người không được phung phí tự do của mình vào những thực tại trước mắt, vào sức mạnh này hay quyền bính kia. Con người phải trách nhiệm về số kiếp của mình. Trách nhiệm ấy họ không thể lẫn tránh bằng cách muốn tự do từ chối tự do của mình. Quyết định những gì và quyết định theo con đường nào, đều phải do ở sự quyết định của mình cả.

Vì thế Kant dạy ta rằng: Tấm lòng bao dung khôn lường của Thiên chúa không những đáng ta khâm phục ở những điều tấm lòng đó ban cho ta mà còn đáng khâm phục cả ở những điều tấm lòng ấy từ chối ta nữa.

Thực vậy, nếu tấm lòng đó bao giờ cũng thể hiện trước mắt ta với tất cả vẻ huy hoàng uy nghi của nó, hay luôn luôn nói với ta một ngôn ngữ đơn nghĩa (không hàm hồ) qua những thực thể của vũ trụ, và với một sự hiền minh chắc chắn thì khi ấy chúng ta chỉ còn là những con người máy để cho Ngài điều khiển thôi. Nhưng không, Thiên ý đã muốn tác tạo ta thành những con người tự do.

Ý thức Bao dung về Thiên chúa hiện hữu nhìn theo ba nguyên tắc của Kinh thánh

Tóm lại, tri thức không bắt gặp được Thiên chúa. Vậy ta cần phải gặp Ngài bằng “ý thức Bao dung”. Đó là điều ta cần minh giải bằng triết lý.

Vậy trong ý tưởng Thiên chúa hiện hữu chỉ có nội dung thực tại của nó mới là yếu tố quan trọngquyết liệt. Vì nếu chỉ suy tư về Thiên chúa có mà thôi chưa đủ cho ta nắm được thực tại ấy. Suy tư suông chỉ dẫn đến một sự trống rỗng. Với trí năng và giác quan, câu nói đó không có thực tại. Vì ta chỉ có thể lãnh hội được sự hiện diện của thực tại ấy bằng cách siêu việt và vượt lên trên mọi sự hữu nhiên giới.

Bởi vậy, mục đích tối cao và ý nghĩa thực sự của cuộc đời ta là ở chỗ ta nắm chắc được thực tại tự tại ấy, chính là Thiên chúa vậy.

Thực tại ấy chỉ có thể xuất hiện ra với một hiện sinh khi hiện sinh ấy biết liên lạc trực tiếp tự thâm tâm với Thiên chúa, mà không phải nhờ một trung gian nào cả. Đây không phải nói là một sự tin tưởng. Nhưng tin tưởng ở đây không bắt nguồn ở những tín điều đã công thức hóa, cũng không căn cứ vào một xã hội có tổ chức đồng đều cho hết mọi người, mà là ở mỗi hoàn cảnh lịch sử riêng biệt, trong tương quan trực tiếp giữa người với Thiên chúa, một cách biệt lập không cần trung gian.

Sau cùng, mối liên hệ bằng sử tính giữa Hiện sinh của mỗi người và Thiên chúa như thế cũng sẽ diễn tả và quan niệm được. Nhưng chân lý ở đây không phải chân lý tuyệt đối cho mọi người; trái lại, chân lý này tuyệt đối đích thực nhưng trong nguồn suối của mỗi Hiện sinh. Vì Thiên chúa hiện hữu là phải hiện hữu một cách tuyệt đối, chứ không hiện hữu theo một phương diện lịch sử hay ngôn ngữ nào của loài người. Thiên chúa có là có cho bất cứ ai. Ngài phải thể hiện một cách trực tiếp với mọi Hiện sinh tư riêng, không cần trung gian.

Tóm lại, hiện hữu của Thiên chúa và liên hệ trực tiếp giữa Hiện sinh và Thiên chúa không thể nhận thức được bằng tri thức tổng quát và bất kháng. Nếu vậy thay vào đó chúng ta cần phải có một thái độ Hiện sinh để cư xử với Ngài.

Vậy thường thường Thiên chúa đã được quan niệm qua những hình ảnh của nhiên giới hay qua hình thức một ngôi vị tương tự con người. Nhưng những lối hình dung trên lại là bình phong che mắt Thiên chúa. Vì thiên chúa không phải những gì ta có thể tưởng tượng ra được.

Vậy thái độ hiện sinh con người phải có để cư xử với Thiên chúa đã thấy hoạch định trong những mệnh lệnh của Kinh thánh rồi. Ví dụ Kinh thánh nói: Người đừng đục đẽo hình tượng hay phác họa chân dung nào về Ta cả… Ngày kia những mệnh lệnh ấy đã được giải thích như sau: Thiên chúa vô hình, nên không được phép cầu nguyện Ngài theo hình thức những hình ảnh Thần này hay Thần khác, tượng đá hay tượng gỗ. Lệnh cấm ấy muốn nói rằng: không những vô hình Thiên chúa còn vượt trên mọi quan niệm, trên mọi tưởng tượng. Không một biểu tượng nào diễn tả Ngài được cũng không một cái gì thay thế Ngài được. Bất cứ tượng trưng nào về Ngài cũng là huyền thoại cả. Tượng trưng thiết yếu chỉ có giá trị nhất thời vì là tượng trưng. Nếu nghĩ rằng: nó thay thế được Thiên chúa là mê tín.

Tóm lại, bất cứ hình dung nào vì mang hình ảnh cũng đều xóa mờ những gì nó chỉ thị mà ở ngoài nó.

Vì vậy Thiên chúa chỉ đích thực hiện hữu là khi không còn hình ảnh nào cả.

Đó là mệnh lệnh rất chính đáng của Cựu ước.

Nhưng Cựu ước cũng vẫn chưa hoàn toàn, vì trong đó vẫn còn thấy Thiên chúa được hình dung theo hình ảnh của một nhân vị, biết phẩn nộ, biết yêu thương, biết xử kiện và biết gia ân.

Vậy tuyệt đối cần thiết Thiên chúa còn phải là Siêu nhân vị[4], phải thực hữu thuần túy[5].

Triết lý hữu thể học trừu tượng đã cố gắng lĩnh hội cho được yếu tính của Ngài mà không căn cứ vào hình ảnh nào cả ví dụ Parmenide và Platon, quan niệm Atman: Braman của Ấn độ, quan niệm Đạo ở Trung hoa. Tất cả đều đã thử nghiệm, nhưng không một quan niệm nào thành đạt. Vì luôn luôn trong quan niệm và trong tưởng tượng của ta bao giờ cũng còn thấy hình ảnh xuất hiện. Tuy thế chính trong suy tư triết lý, khi mọi biểu tượng khách quan hầu đã biến mất, con người mới cảm thấy một ý thức không lời xuất hiện. Ý thức ấy có thể mang lại cho đời ta một căn bản vững chãi.

Như thế cũng nhờ lý trí ta mới phanh phui ra được những quan niệm xuyên tạc về Thiên chúa như phong thần cho Thiên nhiên hay quỷ thần, hay thờ Thiên chúa qua những tượng ảnh thẩm mỹ hay mê tín.

Tuy đã loại bỏ được từng ấy sai lạc, nhưng huyền bí vô cùng sâu xa về Thiên chúa vẫn chưa sao chấm dứt. Vì ý thức không lời kia vẫn còn ảm ảnh ta, cả những khi mọi quan niệm triết học đã thất bại. Vậy ta còn phải tiến sâu thêm vào ý thức ấy nữa xem sao?

Ý thức không lời là im lặng cung kính trước sự Hữu. Vì đứng trước Siêu việt thể vô hình, vô tượng, ngôn ngữ cũng phải ngừng bặt!

Sự Hữu huyền diệu kia chỉ xuất hiện với ta khi ta vượt qua được mọi đối tượng tư tưởng. Nó là một vực thẳm không ai vượt qua nổi. Trước dung nhan ấy mọi người chỉ còn phải khiêm tốn kính cẩn. Và ở đây mọi ước vọng hiểu biết phải được dập tắt hết. Ở đây tuy ta được ẩn thân, nhưng đây không phải một vị trí vững chãi (khách quan). Ở đây là địa điểm an ninh, nhưng an ninh mà không bao giờ hết lo âu, vì an ninh này chỉ nâng đỡ lo âu liên lỉ của ta trên đường đời. Ở đây tư tưởng phải hòa tan trong ánh sáng nhiệm mầu vì ở đâu không còn là vấn đề thì không còn cần giải đáp.

Tóm lại, vượt mọi giới hạn kỳ cùng do triết lý nêu ra tức là đã đạt tới trình độ im lặng trước sự Hữu.

Bây giờ chúng ta hãy cứu xét mệnh lệnh thứ hai của Kinh thánh: “Người không được thờ một thần nào khác!”. Ban đầu mệnh lệnh ấy chỉ có nghĩa là phải loại trừ các thần ngoại bang.

Nhưng sau dần được suy niệm sâu xa hơn, mệnh lệnh ấy lại mang ý nghĩa đơn sơ, phong phú hơn: tức là chỉ có một Thiên chúa! Cuộc đời con người tin vào Thiên chúa duy nhất khác hẳn cuộc đời con người đa thần. Vì vậy tập trung vào duy nhất thể[6] là đem lại cho sức quyết sống một nền tảng vững chãi. Nếu không tập trung vào duy có một cái gì thì kho tàng phong phú mấy cũng sẽ bị tiêu tan hết và thực tại cao quý nhất cũng mất tuyệt đối của nó. Vì thế mà tự ngàn xưa cũng như ngày nay, mối bận tâm liên lỉ nhất của con người là tìm hiểu xem mình có tập trung cuộc đời vào “Nhất thể” được không?

Mệnh lệnh thứ ba là “Xin cho Thiên ý Ngài được thực hiện!”. Đứng trước những gì không hiểu nổi, người ta thường phải nghiêng mình kính cẩn, vì không ai biết Trời muốn gì. Nên con người mới tín nhiệm công nhận rằng: Thiên ý vượt trên sự hiểu biết của loài người. Và họ ngoan ngùy chấp nhận: “Ý định của Ngài không phải như ý định của chúng tôi; và đường lối của Ngài khác đường lối của chúng tôi!”

Đó là thái độ tín nhiệm tùng phục Ý Trời. Cùng với sự tín nhiệm ấy con người còn đồng thời tỏ lòng tri ân và yêu mến Thiên chúa bằng một tình yêu lặng lẽ, vô ngã.[7]

Ở đây, đứng trước Thiên chúa như đúng trước một vị thần tiềm ẩn[8], con người có thể chịu đựng những tai ương của cuộc đời vì họ tin rằng tuy không ra mặt nhưng Thiên ý gởi cho họ những tai ương ấy. Nên Thiên ý cũng không bao giờ thể hiện ra rõ rệt vì họ tin tưởng rằng: diễn tả Thiên ý bằng ngôn ngữ nào cũng là xuyên tạc con người.

Nói tóm, chúng ta chỉ cư xử với Thiên chúa bằng thái độ Hiện sinh, theo những yêu sách và mệnh lệnh của Kinh thánh như: “Không được dùng hình ảnh hay quan niệm để biết Thiên chúa!”. Hay “Chỉ duy có một Thiên chúa”. Và với tinh thần khâm phục, ta chấp thuận! “Xin cho Thiên ý Ngài được thực hiện”.

Tin tưởng và chiêm niệm

Tìm hiểu Thiên chúa bằng quan niệm lý trí để soi sáng cho lòng ta tin tưởng ở Ngài (khỏi mù quáng). Nhưng tin tưởng chưa phải là xem thấy (chiêm niệm)[9] vì Thiên chúa vẫn còn xa xăm, u uẩn. Sống với Ngài không phải là bằng một tri thức chắc chắn mà là sống như ta dám can đảm tin tưởng rằng: Thiên chúa có.

Tin vào Thiên chúa là sống bằng sức mạnh không có trong trần gian hay chỉ có như tiếng nói hàm hồ của những hiện tượng mà ta gọi là tượng số hay tượng trưng của Siêu việt thể.

Thiên chúa của tín ngưỡng là Thiên chúa xa vời, Thiên chúa tiềm ẩn và Thiên chúa không thể chứng minh nổi.

Vì vậy phải tâm niệm rằng: không những tôi không biết được Thiên chúa mà cũng không biết tôi có tin thực không? Vì tin không phải là sở hữu. Tin không gồm chứa một tri thức chắc chắn nào cả. Trái lại, tin là chắc tâm thực hiện sự tin ấy ra hành động.

Người ta tín hữu luôn luôn sống trong sự hàm hồ của những thực tại khách quan, nên họ sẵn sàng nghe ngóng. Họ ngoan ngoãn là khi họ phó thác tin và người nói, vì như thế họ tin rằng họ không bị lạc đường. Họ mạnh mẽ dưới bóng dáng yểu điệu. Họ cởi mở ra cùng muôn vật và quyết định sống.

Tóm lại, cố gắng tìm hiểu Thiên chúa như trên là một ví dụ mô phạm cho bất cứ suy tư triết lý nào, vì ở đây cũng như trong mọi suy tư triết lý, cuộc tìm khảo không đem lại một tri thức nào chắc chắn mà chỉ mở ra một không gian bao la ở đó mỗi con người phải tự định đoạt lối sống của mình. Nó mang lại bảo đảm nền tảng cho tình yêu trong trần gian, cho công việc đọc văn tự tượng số và cho những viễn ảnh không cùng của trí năng con người.

Như thế không lạ gì mà ta thường thấy những gì được diễn tả ra trong triết học đều nghèo nàn và khô khan, vì vậy Hiện sinh của con người nghe phải đem lại cho chúng sức sống và sinh khí.

Triết lý không đem lại được gì cả, nó chỉ thức tỉnh để con người hồi tưởng, củng cố và bảo vệ được những gì đã sẵn có trong họ.

Vì vậy có thể nói: mỗi người nhờ triết lý mà hiểu được những gì thực sự họ đã biết trước cả rồi.

 



[1] chúng tôi thêm.

[2] Ẩn dụ (im Gleichnis eines Schlusses) nghĩa là nếu coi chúng là ý có nội dung khách quan thì kết quả là trả lời đích xác, hết thắc mắc, nhưng theo Jaspers chỉ được coi chúng là những ẩn dụ hay chỉ là những chỉ đạo gợi cảm.

[3] Vì trong tự do, tôi trở thành tặng vật cho chính tôi (Werde mir ju ihr geschenkt = je suis donné à moi-même en présent). Dưới chương 6, ý tưởng này còn được lặp lại một lần nữa dưới hình thức hơi khác (Wir werden uns in unserer Fretheit geschenkt). Thoạt nhìn, ý tưởng này xem ra có vẻ kỳ lạ, nhưng tựa trung tác giả chỉ muốn nói rằng: ở bên ngoài không còn gì có thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên chúa cho tôi nữa, vậy thì chỉ còn một cách là nhìn vào chính bản vị của tôi. Bản vị ấy là tự do, vậy khi nào tôi sử dụng tự do tôi hết cỡ thì ở những giới hạn ấy tôi gặp thấy một thực tại khác nằm sâu trong nội địa của tôi, mà không phải chính tôi. Thực tại ấy còn Bao dung cả bản vị của tôi. Do đó tôi nhận ra bản vị của tôi không do tôi mà có. Nó là tặng vật của Siêu việt thể ban cho tôi qua tự do của tôi.

[4] Siêu nhân vị (das Ueberpersoliche - Dieu au-delà du personnel). Theo khuynh hướng Huyền niệm thông thường xưa nay. Thiên-chúa thường được hiểu là siêu nhân vị, vì dầu sao trong quan niệm về Thiên chúa ngôi vị và tam vị vẫn còn những vết của khuynh hướng Nhân hình hóa. Trong đường hướng tư tưởng theo Bao dung thể Jaspers cũng đi tới đó, nhưng lại khác với Huyền niệm thông thường ở chỗ Siêu việt thể của ông phải Thiết yếu Nội thế, nên cuối cùng ông còn chấp nhận những cách thức phải gần gũi Siêu việt thể một cách cụ thể như Thách đố và tự ủy thác (Défi et Abandon), Sa sẩy và Thăng tiến (Chute et Ascension), Luật ngày và Tình đêm (Loi du jour et Passion de la nuit). Những cách thái giao tiếp ấy giả thiết Siêu việt thể phải là một Ngôi vị. Vậy Jaspers có tự mâu thuẫn không? Đó là điểm chúng tôi đã trình bầy sơ lược về song luận nan giải giữa Siêu việt thể và Nội Thế.

[5] Thực hữu thuần túy (das reine wirkhliche Gottes) cũng phải hiểu như vậy.

[6] Duy nhất thể (das Eine): vấn đề thuộc phạm vi tương quan giữa phiếm thần và Nhất thể một đàng và một đàng tương quan giữa Đa thần (Polythéisme) và Nhất thần (Monothéisme). Ở đây Jaspers chủ trương Nhất thần, vì không được tản mát vào nhiều thần. Những quan niệm Nhất thể này có dung hòa được với quan niệm Siêu việt Nội thế hay không? Đó là tất cả những khó khăn của vấn đề Siêu việt Nội thế.

[7] Tình yêu vô ngã (unpersonliche Liebe): quan niệm này cũng gặp những khó khăn trên.

[8] Thần tiềm ẩn (Verbogen Gott) vừa ẩn vừa hiện. Rudolf Otto nói về tính cách “Le Numineux” và “Le Tremendum”.

[9] Xem thấy (chiêm niệm): danh từ của Huyền niệm, nhìn Diện đối Diện.

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

thai viet hoa - 12:28 17/11/2017
hay
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt