Triết học văn hóa

Văn hóa như là ... tha hóa

 

VĂN HÓA NHƯ LÀ…THA HÓA

Bùi Văn Nam Sơn

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

  1. Giữa tự nhiên và văn hóa
  2. Văn hóa như là tha hóa
  3. Khai minh về … khai minh
  4. Tha hóa như là … văn hóa
  5. Văn hóa và văn minh
  6. Các thước đo của văn hóa
  7. Có hai văn hóa?
  8. Văn hóa và đời sống

 

Phê phán văn hóa bao giờ cũng nhằm bảo vệ và phát huy văn hóa. Nhưng khi nhân danh tự nhiên hay lấy tự nhiên làm chuẩn mực để phê phán văn hóa (ta gọi là “tự nhiên luận”), thì thành quả văn hóa lại chỉ có thể có được bằng cách thoát ly khỏi tình trạng tự nhiên thô lậu.

Nói cách khác, cần dựa vào phần tích cực của tự nhiên để phê phán văn hóa, đồng thời phê phán phần tiêu cực của tự nhiên để bảo vệ văn hóa. Từ viễn tượng tự nhiên luận, Jean Jacques Rousseau (1712-1778) đã kết hợp hai nhiệm vụ có vẻ nghịch lý này như thế nào?

MÔ HÌNH “THA HÓA”

J. J. Rousseau có vinh dự là người đầu tiên dùng mô hình về sự tha hóa để tiếp cận và giải quyết nhiệm vụ song đôi này. Theo ông, khi rời bỏ trạng thái tự nhiên, con người không đánh mất bản tính tự nhiên của mình cũng như mối quan hệ với giới tự nhiên bên ngoài mình, trái lại chỉ tha hóa khỏi tự nhiên mà thôi, nghĩa là, chỉ trở nên xa lạ với những gì thật ra là của chính mình và nay đứng đối lập lại với chính mình. Tuy nhiên, chính việc rời bỏ tính tự nhiên ấy lại là điều kiện tiên quyết để con người phát huy được nhân tính. Nền văn hóa “phản tự nhiên” là tiến trình của sự tha hóa, đồng thời là tiến trình không thể đảo ngược của việc vượt ra khỏi “con người hoang dã” (homme sauvage), tuy vậy, vẫn phải lấy bản tính tự nhiên của con người làm cơ sở và kim chỉ nam cho tiến trình văn hóa.

Nhiều người xem mô hình tha hóa - cho phép nhận ra sự thống nhất lẫn khác biệt giữa tự nhiên và văn hóa - là hình thức được thế tục hóa của hình ảnh con người “phạm tội”, “sa đọa”, bị trục xuất khỏi vườn địa đàng như được mô tả trong Kinh thánh. Hegel, trong Các bài giảng về triết học lịch sử cũng xem đây là khởi điểm thực sự của việc “trở thành người”: “Vườn địa đàng là chỗ cư trú của thú vật chứ không phải của con người!”. Vì sao? Vì “con người hoang dã” chỉ mới là con người trong tiềm năng, con người trong trạng thái “tự mình”, chưa có ý thức, chưa phải “cho mình” và sẽ không thành người nếu cứ ở mãi nơi chốn ấy, tức trong sự hợp nhất đơn giản với tự nhiên! Sự tha hóa - bị quy là “phạm tội” - thật ra là hành vi của bản thân con người, là sự tự-tha hóa. Theo Rousseau, tha hóa khỏi tự nhiên là thành tựu văn hóa đầu tiên của con người, nhưng nó cũng đẩy con người vào sự xung đột giữa tự nhiên và văn hóa. Làm sao giải quyết hay khắc phục sự xung đột này? Rousseau trả lời: chỉ có thể bằng cách “thẳng tiến để hoàn thiện văn hóa!” chứ không phải “quay trở về với tư nhiên!” theo nghĩa thô thiển là vào rừng leo cây cùng với khỉ! (khẩu hiệu nỗi tiếng: “quay trở về với tự nhiên!” thường được gán cho Rousseau, dù không ai tìm được câu nói ấy trong toàn bộ tác phẩm của ông cả!).

“HÒA GIẢI” GIỮA TỰ NHIÊN VÀ VĂN HÓA

Mô hình trên đây của J. J. Rousseau về sự tha hóa không chỉ cung cấp một giải pháp có tính cấu trúc cho việc khắc phục sự xung đột giữa tự nhiên và văn hóa và tính nghịch lý của công cuộc phê phán văn hóa tự nhiên luận mà còn đặt mối quan hệ tự nhiên-văn hóa vào trong một viễn tượng có tính cách triết học về lịch sử. Trong viễn tượng ấy, việc “phạm tội”, hiểu như sự tự tha hóa của con người, là khởi điểm của lịch sử, còn sự kết thúc sẽ được soi sáng bởi viễn cảnh không tưởng về một sự hòa giải giữa tự nhiên và văn hóa. Thật thế, theo mô hình này, bản thân lịch sử bắt đầu bằng sự tha hóa, trong khi con người hoang dã là vô-lịch sử, nếu cứ ở yên trong sự hợp nhất đơn giản với tự nhiên.

Qua việc đề xuất và phác họa mô hình “hợp nhất - phân ly (tha hóa) - hòa giải”, quả thật Rousseau đã mang lại cho xu hướng phê phán văn hóa tự nhiên luận một hình thái hiện đại, bởi nó sớm đáp ứng tâm thức mới mẻ của thời đại: tâm thức và tư duy lịch sử, vốn chỉ trở nên phổ biến từ nửa sau thế kỷ 18. Ngược lại, tư duy và triết học lịch sử hiện đại, với đỉnh cao là triết học duy tâm Đức và truyền thống mác-xít, không thể không bắt nguồn từ Rousseau, khi lịch sử được hiểu như tiến trình tự đánh mất và tái chiếm hữu của con người. Marx: nhân hóa giới tự nhiên và tự nhiên hóa con người là “lời giải cho câu đố của lịch sử thế giới”.

Nhưng, làm thế nào để con người, sau khi rời bỏ trạng thái tự nhiên và đánh mất tính tự nhiên trong văn hóa, còn có thể tiếp cận được (bản tính) tự nhiên “đích thực”, bởi nếu không, không tài nào tiến hành phê phán văn hóa đươc? Bằng cách nào đến được với bản tính của con người tự nhiên? Cái đã bị tha hóa không phải hoàn toàn xa lạ mà là của chính mình nay chỉ trở thành xa lạ thôi, vậy, về nguyên tắc, có thể nhận ra lại và khôi phục? Thay vì “trở về với tự nhiên”, làm sao đi tìm một sự thống nhất mới giữa con người và tự nhiên theo nghĩa “trở về với tính tự nhiên” và thực hiện những đặc điểm bản chất do tự nhiên ban cho hay đã sở đắc trong tiến trình văn hóa như lý trí, ngôn ngữ, lao động, tư hữu, tình yêu, danh dự, đức hạnh và đời sống cộng đồng, những đặc điểm tuy đã bị thoái hóa nhưng vẫn có mặt thường xuyên nơi con người?

“ÉMILLE” VÀ “KHẾ ƯỚC XÃ HỘI”

Tóm lại, vấn đề của Rousseau là làm sao tiến hành phê phán văn hóa một cách gay gắt, nhưng không phủ định và thù địch văn hóa. Và làm sao con người văn hóa tìm trở lại được cuộc sống hài hòa với bản tính đích thực của mình. “Émile hay là về giáo dục”(1762) và “Khế ước xã hội” (1762 ) phác họa mô hình sư phạm và mô hình chính trị cho hai vấn đề ấy, hai phác họa sẽ có ảnh hưởng sâu sắc và mang nhiều biến thể hay phiên bản trong các thế hệ tiếp nối: từ Lessing, Kant, Fichte, Hegel và Marx thời trẻ cho đến Erich Fromm, Adorno…

 

 

 

“Thiên nhiên không bao giờ lừa dối con người. Chỉ có con người tự lừa dối chính mình”.

Jean Jacques Rousseau (1712-1778)


Nguồn: bài viết do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho triethoc.edu.vn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt