Triết học xã hội

Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học - II

 

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

TỪ KHÔNG TƯỞNG ĐẾN KHOA HỌC

 

PH. ĂNG-GHEN (1820-1895)

 


Các Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 19. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.


 

II

 

Trong thời gian ấy, cùng với và tiếp theo triết học Pháp thế kỷ XVIII, triết học mới ở Đức đã ra đời và đã đạt tới đỉnh cao nhất của nó với Hê-ghen. Công lao lớn nhất của nó là đã quay trở lại phép biện chứng, coi đó là một hình thức cao nhất của tư duy. Những nhà triết học Hy Lạp cổ đại đều là những nhà biện chứng tự phát, bẩm sinh, và A-ri-xtốt, bộ óc bách khoa nhất trong các nhà triết học ấy, đã phân tích những hình thức căn bản nhất của duy vật biện chứng. Trái lại, mặc dầu triết học cận đại cũng có những đại biểu xuất sắc của phép biện chứng (như Đê-các-tơ và Xpi-nô-da), nhưng triết học này đặc biệt là do ảnh hưởng của triết học Anh, dần dần bị sa vào phương pháp tư duy gọi là siêu hình, là phương pháp tư duy hầu như hoàn toàn chi phối những người Pháp trong thế kỷ XVIII, ít nhất cũng trong những tác phẩm của họ chuyên bàn về triết học. Nhưng ngoài lĩnh vực triết học hiểu theo đúng nghĩa của nó ra, họ cũng để lại cho chúng ta nhiều kiệt tác về phép biện chứng; chúng ta chỉ cần kể những cuốn "Người cháu trai của Ra-mô" của Đi-đrô [1] và "Bàn về nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa người và người" của Rút-xô. Ở đây, chúng tôi sẽ giới thiệu vắn tắt thực chất của hai phương thức tư duy ấy.

Khi chúng ta xem xét một cách có suy nghĩ giới tự nhiên, lịch sử loài người, hay hoạt động tinh thần của bản thân chúng ta thì trước nhất, chúng ta thấy bức tranh là một sự chằng chịt vô tận những mối liên hệ và những tác động qua lại trong đó không có cái gì là không động, không thay đổi, mà tất cả đều vận động, biến hoá, phát sinh và mất đi. Như vậy, trước hết chúng ta thấy một bức tranh chung, trong đó những chi tiết ít nhiều đều tạm thời lùi lại phía sau, chúng ta chú ý đến vận động, đến chuyển hoá và đến liên hệ nhiều hơn là chú ý đến cái gì đang vận động, đang chuyển hoá, đang liên hệ lẫn nhau. Cái thế giới quan nguyên thuỷ, ngây thơ, nhưng căn bản đúng đó là của các nhà triết học Hy Lạp thời cổ và người thứ nhất đã trình bày nó một cách rõ ràng là Hê-ra-clít: mọi vật tồn tại, đồng thời lại không tồn tại, vì mọi vật đều trôi đi, mọi vật đều không ngừng biến hoá, mọi vật đều luôn luôn ở trong quá trình không ngừng phát sinh và chết đi. Nhưng dù đã nắm đúng đến thế nào tính chất chung của bức tranh về toàn bộ các hiện tượng, cách nhìn ấy vẫn không đủ để giải thích những chi tiết cấu thành bức tranh toàn bộ và chừng nào chúng ta chưa giải thích được các chi tiết ấy thì chúng ta chưa thể hiểu rõ được toàn bộ bức tranh. Muốn nhận thức được những chi tiết ấy, chúng ta buộc phải tách chúng ta khỏi sự liên hệ tự nhiên hay lịch sử của chúng, phải phân tích lần lượt từng chi tiết một theo đặc tính của chúng, theo nguyên nhân và kết quả riêng của chúng, v.v.. Đó trước hết là nhiệm vụ nghiên cứu của khoa học tự nhiên và khoa học lịch sử là những ngành nghiên cứu mà những người Hy Lạp thời cổ điển, vì những lý do hoàn toàn dễ hiểu, đã đặt vào một địa vị thứ yếu vì trước hết họ còn phải thu thập những tài liệu đã. Chỉ sau khi thu thập những tài liệu về khoa học tự nhiên và lịch sử đến một mức nào đó, thì mới có thể chuyển sang phân tích một cách có phê phán, so sánh và căn cứ theo đó mà phân chia ra thành các lớp, các cấp và các loại. Vì thế cho nên việc nghiên cứu một cách chính xác giới tự nhiên, chỉ đến thời kỳ A-lếch-xan-đri [2], mới được người Hy Lạp bắt đầu phát triển, và về sau trong thời Trung cổ, được người A-rập phát triển thêm một bước. Nhưng khoa học tự nhiên chân chính thì chỉ bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XV, và từ bấy đến nay, khoa học đó đã phát triển ngày càng nhanh chóng. Việc phân giới tự nhiên ra thành những bộ phận cá biệt, việc phân các quá trình tự nhiên và sự vật tự nhiên khác nhau thành những lớp nhất định, việc nghiên cứu cấu tạo bên trong của những vật thể hữu cơ theo các hình thái giải phẫu muôn vẻ của nó, tất cả những cái đó đều là những điều kiện cơ bản cho những tiến bộ lớn lao của sự phát triển khoa học tự nhiên trong bốn thế kỷ vừa qua. Nhưng phương pháp nghiên cứu ấy đồng thời cũng truyền lại cho chúng ta một thói quen là xem xét sự vật tự nhiên và quá trình tự nhiên trong trạng thái cô lập, ở bên ngoài mối liên hệ to lớn chung, và do đó không xem xét chúng trong trạng thái vận động mà trong trạng thái tĩnh, không coi chúng là những sự vật về bản chất là hay biến đổi, mà coi là những sự vật vĩnh viễn không thay đổi, không coi chúng trong trạng thái sống mà coi trong trạng thái chết. Khi phương pháp xem xét ấy được Bê-cơn và Lốc-cơ đem từ khoa học tự nhiên sang triết học thì nó tạo nên tính hạn chế riêng của những thế kỷ gần đây, phương pháp tư duy siêu hình.

Đối với nhà siêu hình học thì những sự vật và sự phản ánh của chúng vào tư tưởng, tức là những khái niệm, đều là những cái riêng biệt, bất biến, cố định, vĩnh viễn, phải được nghiên cứu cái này sau cái kia, cái này độc lập đối với cái kia. Nhà siêu hình học suy nghĩ bằng những phản đề tuyệt đối không thể tương dung được với nhau; họ nói: "có là có và không là không; ngoài cái đó ra tức là nói bừa"[3]. Đối với họ thì sự vật hoặc là tồn tại hoặc là không tồn tại và cũng giống như thế, một sự vật không thể vừa là bản thân nó lại vừa là một sự vật khác. Chính diện và phản diện tuyệt đối bài trừ lẫn nhau; nguyên nhân và kết quả cũng đối lập hẳn với nhau. Phương pháp tư duy ấy mới xem thì có vẻ hết sức hợp lý vì nó là phương pháp của cái mà người ta gọi là lẽ phải thông thường. Nhưng lẽ phải thông thường của người ta, nếu cứ nằm trong bốn bức tường sinh hoạt gia đình thôi, thì thật là ông bạn đáng kính; song khi nó mạo hiểm xông vào thế giới nghiên cứu rộng bao la thì lập tức nó sẽ gặp phải những biến cố thật lạ lùng. Phương pháp tư duy siêu hình dù được coi là thích đáng và thậm chí không thể thiếu được trong những lĩnh vực ít nhiều rộng lớn tuỳ theo tính chất của đối tượng nghiên cứu, nhưng chóng hay chầy, nó cũng sẽ gặp phải một ranh giới và vượt khỏi đấy thì nó trở thành một chiều, hạn chế, trừu tượng và sa vào những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được, vì nó chỉ nhìn thấy những sự vật cá biệt mà không nhìn thấy mối liên hệ qua lại giữa những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy sự tồn tại của những sự vật ấy mà không nhìn thấy sự phát sinh và sự tiêu vong của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy trạng thái tĩnh của những sự vật ấy mà quên trạng thái động của những sự vật ấy, chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Thí dụ như trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta biết và có thể nói một cách chắc chắn rằng một con vật đang tồn tại hay không tồn tại, nhưng nghiên cứu kỹ hơn nữa thì nhiều khi đó lại là một vấn đề hết sức phức tạp, điều đó các luật sư hiểu rất rõ khi đã uổng công vùi đầu đi tìm một giới hạn hợp lý mà vượt quá đó thì giết một cái thai trong bụng mẹ bị coi là tội giết người. Cũng như không thể xác định một cách chính xác lúc chết là lúc nào, vì sinh lý học chứng minh rằng chết không phải là một sự việc đột ngột và chốc lát, mà là một quá trình hết sức dài. Trong cùng một lúc, bất cứ một vật hữu cơ nào cũng vừa là bản thân nó, vừa không phải là bản thân nó; trong cùng một lúc, nó tiêu hoá những chất mà nó nhận được từ ngoài vào và bài tiết ra những chất khác; cũng trong cùng một lúc, nhiều tế bào trong cơ thể của nó chết đi và nhiều tế bào khác sinh ra; cho nên sau một thời gian nhất định, những vật chất của cơ thể ấy đổi mới hoàn toàn và được cấu tạo bằng những nguyên tử thay thế. Thành thử trong bất cứ lúc nào, mỗi vật hữu cơ cũng là bản thân nó và lại không phải là bản thân nó. Khi nghiên cứu kỹ hơn, chúng ta thấy rằng hai cực của một thể đối lập - chính diện và phản diện - là không thể lìa nhau cũng như không thể đối lập với nhau, và mặc dầu tất cả sự đối lập giữa chúng với nhau, chúng vẫn thâm nhập vào nhau. Chúng ta cũng thấy rằng nguyên nhân và kết quả, về thực chất, là những khái niệm chỉ có ý nghĩa khi được áp dụng vào những trường hợp cá biệt nhất định; nhưng nếu chúng ta nghiên cứu những trường hợp cá biệt ấy trong mối liên hệ chung của chúng với toàn thế giới thì những khái niệm ấy lại hoà vào nhau và xoắn xuýt với nhau thành khái niệm về tác động qua lại phổ biến, trong đó nguyên nhân và kết quả luôn luôn đổi chỗ cho nhau, cái lúc này và ở chỗ này là nguyên nhân thì lúc khác và ở chỗ khác lại là kết quả và ngược lại.

Tất cả những quá trình ấy, tất cả những phương pháp tư duy ấy không nằm trong khuôn khổ của tư duy siêu hình. Trái lại, đối với phương pháp biện chứng là phương pháp xem xét những sự vật và những phản ánh của chúng vào tư tưởng, chủ yếu theo sự liên hệ qua lại, sự móc nối, sự vận động, sự phát sinh và sự tiêu vong của chúng thì những hiện tượng nói trên chỉ là những điều chứng thực cho phương pháp nghiên cứu riêng của nó mà thôi. Giới tự nhiên là cái để khảo nghiệm phép biện chứng, và khoa học tự nhiên hiện đại đã cung cấp cho sự khảo nghiệm ấy những tài liệu hết sức phong phú và ngày càng tăng thêm, do đó nó đã chứng minh rằng trong tự nhiên, rút cục lại, mọi cái đều diễn ra một cách biện chứng chứ không phải siêu hình, rằng tự nhiên không vận động đều đều mãi trong một vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại, mà trải qua một lịch sử thật sự. Ở đây, trước hết nên nói đến Đác-uyn là người đã đả kích rất mạnh mẽ quan niệm siêu hình về tự nhiên bằng cách chứng minh rằng toàn bộ thế giới hữu cơ hiện nay, thực vật, động vật và như vậy là cả loài người, đều là sản phẩm của một quá trình phát triển kéo dài hàng mấy triệu năm. Nhưng vì cả cho đến nay, có thể đếm trên đầu ngón tay con số những nhà tự nhiên học có thể suy nghĩ một cách biện chứng cho nên sự xung đột giữa những thành quả của khoa học và phương pháp tư duy siêu hình thâm căn cố đế giải thích tại sao hiện nay có tình trạng hết sức lẫn lộn đang thống trị trong lý luận của các khoa học tự nhiên khiến cho cả thầy lẫn trò, cả người viết lẫn người đọc, đều tuyệt vọng.

Cho nên muốn có những khái niệm đúng đắn về vũ trụ, về sự phát triển của vũ trụ và sự phát triển của loài người, cũng như về sự phản ánh của những sự phát triển ấy vào trong đầu óc con người thì phải dùng phép biện chứng, bằng cách luôn luôn chú ý đến tác động qua lại phổ biến giữa sự phát sinh và sự tiêu vong, giữa sự biến hoá tiến lên và sự biến hoá thụt lùi. Ngay từ lúc đầu, triết học hiện đại Đức đã theo tinh thần đó. Can-tơ bắt đầu sự nghiệp khoa học của ông bằng việc biến thái dương hệ của Niu-tơn, cái thái dương hệ cố định và vĩnh viễn - sau khi có cái đòn bẩy đầu tiên nổi tiếng - thành một quá trình lịch sử: quá trình mặt trời và mọi hành tinh sinh ra từ khối tinh vân đang xoay. Từ đó, ông đã rút ngay ra được kết luận là thái dương hệ đã nảy sinh ra thì tất phải tiêu vong. Quan điểm đó của ông, nửa thế kỷ sau, được La-pla-xơ chứng minh bằng toán học và một thế kỷ sau, kính quang phổ đã chứng minh rằng trong không gian của vũ trụ, có những đám khí rực đỏ có độ ngưng tụ khác nhau, giống như thế [4].

Triết học mới của Đức được hoàn thành bằng hệ thống Hê-ghen; công lao lớn nhất của Hê-ghen là ở chỗ ông là người đầu tiên đã coi toàn bộ thế giới tự nhiên, lịch sử và tinh thần là một quá trình - nghĩa là không ngừng vận động, biến đổi, biến hoá và phát triển; và đã thử tìm hiểu mối liên hệ nội tại của sự vận động và sự phát triển ấy. Theo quan điểm ấy, lịch sử nhân loại không còn là một mớ hỗn độn gồm những hành vi bạo lực vô nghĩa và đáng phải kết tội như nhau - trước toà án của lý tính triết học ngày nay đã thành thục - và cũng đáng quên đi cho thật nhanh, mà là một quá trình phát triển của bản thân loài người, và nhiệm vụ của tư duy hiện nay là phải theo dõi bước tiến tuần tự của quá trình ấy qua tất cả những khúc quanh co của nó và chứng minh tính quy luật bên trong của nó qua tất cả những cái ngẫu nhiên bề ngoài.

Dù hệ thống của Hê-ghen không giải quyết nhiệm vụ đặt ra cho nó, điều ấy ở đây không quan trọng lắm. Công lao lịch sử của ông là đã đề ra nhiệm vụ ấy. Nhiệm vụ ấy là thuộc những nhiệm vụ mà riêng một người thì không thể giải quyết nổi. Mặc dù Hê-ghen cũng như Xanh-Xi-mông là nhà học giả bách khoa nhất thời bấy giờ, song ông vẫn bị hạn chế, trước hết vì sự hiểu biết của bản thân ông là có giới hạn tất nhiên của nó, sau nữa là sự hiểu biết và quan niệm của thời đại ông cũng có hạn. Ngoài ra cũng còn phải kể đến nguyên nhân thứ ba nữa. Hê-ghen là người duy tâm chủ nghĩa, nghĩa là đáng lẽ phải coi những tư tưởng trong đầu óc của mình là những phản ánh ít nhiều trừu tượng của những sự vật và quá trình hiện thực, ông lại đảo ngược lại mà coi những sự vật và sự phát triển của những sự vật ấy chỉ là những phản ánh đã thể hiện ra của một "ý niệm" nào đó tồn tại ở một nơi nào đó ngay trước khi có thế giới. Như vậy tất cả đều đứng bằng đầu, và mối liên hệ thực tế của các hiện tượng trên thế giới đều hoàn toàn bị đảo ngược. Và mặc dầu Hê-ghen nắm được một cách chính xác và thiên tài một số liên hệ cá biệt giữa các hiện tượng, nhưng nhiều chi tiết của hệ thống Hê-ghen không thể không gò ép, giả tạo, hư cấu, nói tóm lại là bị giải thích sai đi bởi những nguyên nhân nói trên. Hệ thống Hê-ghen, với tư cách là một hệ thống, là một cái thai đẻ non khổng lồ, tuy đó là cái thai đẻ non cuối cùng trong loại của nó. Nghĩa là hệ thống ấy chứa đựng một mâu thuẫn bên trong không thể cứu chữa được: một mặt, tiền đề cơ bản của nó là quan điểm cho rằng lịch sử nhân loại là một quá trình phát triển, một quá trình mà xét về bản chất, thì ta không thể coi việc nó phát hiện ra cái gọi là chân lý tuyệt đối là thành tựu tinh thần cao nhất của nó được; nhưng mặt khác, hệ thống Hê-ghen lại tự coi là thành tựu cao nhất của chân lý tuyệt đối ấy. Một hệ thống nhận thức về tự nhiên và lịch sử bao quát tất cả và bất biến, là mâu thuẫn với những quy luật cơ bản của tư duy biện chứng; nhưng điều đó không mảy may phủ nhận mà trái lại hàm ý rằng sự hiểu biết có hệ thống về toàn bộ thế giới bên ngoài có thể tiến những bước khổng lồ từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Một khi đã hiểu rằng chủ nghĩa duy tâm vẫn thống trị từ trước đến nay ở Đức là một chủ nghĩa hoàn toàn sai lầm thì tất nhiên phải quay về chủ nghĩa duy vật, nhưng đương nhiên không phải giản đơn quay về chủ nghĩa duy vật siêu hình và hoàn toàn máy móc của thế kỷ XVIII. Ngược lại với những lời buộc tội có tính chất cách mạng ngây thơ gạt bỏ một cách giản đơn tất cả lịch sử đã qua, chủ nghĩa duy vật hiện đại thấy lịch sử là một quá trình phát triển của loài người và nhiệm vụ của nó là phát hiện ra những quy luật vận động của quá trình ấy. Ngược lại với quan điểm thịnh hành ở những người Pháp thế kỷ XVIII cũng như ở Hê-ghen, về tự nhiên, cho rằng tự nhiên là một chỉnh thể không thay đổi, vận động trong những vòng tuần hoàn chật hẹp, với những thiên thể vĩnh viễn như Niu-tơn đã dạy, với những loài sinh vật hữu cơ không thay đổi như Hê-ghen đã chỉ ra, - ngược lại với quan niệm về tự nhiên ấy, chủ nghĩa duy vật hiện đại tổng hợp tất cả những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên nói lên rằng giới tự nhiên cũng có lịch sử của bản thân nó trong thời gian, những thiên thể cũng như những loại sinh vật có thể sống trên những thiên thể ấy trong những điều kiện thích hợp thì đều sinh ra và chết đi và những vòng tuần hoàn, nếu quả là có, thì cũng có những quy mô vô cùng lớn hơn. Trong hai trường hợp ấy, chủ nghĩa duy vật hiện đại về bản chất là biện chứng, nó không cần đến bất cứ một triết học nào đứng trên các khoa học khác. Khi người ta đòi hỏi mỗi khoa học phải nhận rõ vị trí của nó trong mối liên hệ chung của sự vật của sự hiểu biết về những sự vật ấy thì bất cứ khoa học đặc biệt nào về mối liên hệ chung ấy đều trở thành thừa. Như vậy thì trong toàn bộ triết học trước kia, chỉ còn lại có học thuyết về tư duy và những quy luật của tư duy - tức là lô-gích hình thức và phép biện chứng - là còn giữ được ý nghĩa độc lập. Tất cả các khoa học khác đều quy thành khoa học thực chứng về tự nhiên và về lịch sử.

Nếu sự chuyển biến ấy trong quan niệm về tự nhiên chỉ có thể hoàn thành dần dần tuỳ theo sự nghiên cứu khoa học đã cung cấp được một số lượng tương đương những tài liệu thực chứng cho nhận thức thì những sự kiện lịch sử xảy ra sớm hơn nhiều dẫn tới một bước ngoặt quyết định trong quan niệm về lịch sử. Năm 1831, cuộc khởi nghĩa đầu tiên của công nhân nổ ra ở Ly-ông; từ năm 1838 đến năm 1842, phong trào toàn quốc đầu tiên của công nhân, phong trào Hiến chương ở nước Anh, đã đạt tới mức cao nhất của nó. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản đã dần dần chiếm địa vị hàng đầu trong lịch sử các nước phát triển nhất ở châu Âu, một mặt là tuỳ theo trình độ phát triển của đại công nghiệp, mặt khác là tuỳ theo trình độ phát triển của quyền thống trị chính trị mà giai cấp tư sản mới giành được. Nhiều sự thật ngày càng vạch trần ra rằng những lời dạy của thuyết kinh tế tư sản cho rằng lợi ích của tư bản và lao động là nhất trí, cạnh tranh tự do sẽ đem lại sự hoà hợp phổ biến và đời sống hạnh phúc phổ biến, là những lời giả dối. Không thể không biết đến những sự thật ấy, cũng như không thể không biết đến chủ nghĩa xã hội Pháp và Anh, tức là biểu hiện lý luận mặc dầu không được hoàn bị của những sự thật nói trên. Nhưng quan niệm duy tâm cũ về lịch sử, một quan niệm chưa bị đẩy lùi, không biết có cuộc đấu tranh giai cấp dựa trên lợi ích vật chất, và nói chung không biết có cả lợi ích vật chất nữa. Sản xuất và mọi quan hệ kinh tế chỉ được xem là những nhân tố thứ yếu của "lịch sử văn hoá" thôi.

Những sự việc mới buộc người ta phải nghiên cứu lại một lần nữa toàn bộ lịch sử đã qua và người ta thấy rằng toàn bộ lịch sử đã qua, trừ trạng thái nguyên thuỷ, đều là lịch sử của đấu tranh giai cấp; rằng những giai cấp xã hội đấu tranh với nhau ấy luôn luôn là những sản phẩm của những quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi, tóm lại là những sản phẩm của những quan hệ kinh tế của thời đại của các giai cấp ấy; do đó cơ cấu kinh tế của xã hội luôn luôn là cái cơ sở hiện thực mà xét đến cùng ta phải dựa vào mới giải thích được tất cả thượng tầng kiến trúc là chế độ pháp quyền và chế độ chính trị, cũng như những quan niệm tôn giáo, triết học và các quan niệm khác của mỗi thời kỳ lịch sử nhất định. Hê-ghen đã giải phóng quan niệm về lịch sử khỏi phương pháp siêu hình, đem lại cho nó phương pháp biện chứng, nhưng quan niệm về lịch sử của ông, về bản chất, lại là duy tâm. Hiện nay, chủ nghĩa duy tâm đã bị tống ra khỏi nơi ẩn náu cuối cùng của nó, tức là ra khỏi quan niệm về lịch sử; hiện nay quan niệm về lịch sử đã là quan niệm duy vật và người ta đã tìm thấy phương pháp để giải thích ý thức của con người bằng sự tồn tại của con người, chứ không phải lấy ý thức của con người để giải thích sự tồn tại của con người như từ trước tới nay.

Cho nên ngày nay chủ nghĩa xã hội không còn bị xem là một sự phát hiện ngẫu nhiên của một khối óc thiên tài nào đó mà là một kết quả tất nhiên của cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp phát sinh trong quá trình lịch sử - giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội không còn là ở chỗ phải nặn ra một chế độ xã hội hết sức hoàn thiện, mà là ở chỗ nghiên cứu cái quá trình kinh tế - lịch sử đã tất nhiên sản sinh ra các giai cấp nói trên và sự đấu tranh giữa các giai cấp ấy và ở chỗ tìm ra, trong tình hình kinh tế do quá trình ấy tạo ra, những thủ đoạn giải quyết sự xung đột. Nhưng chủ nghĩa xã hội cũ không thể phù hợp với quan niệm duy vật lịch sử ấy, cũng giống như quan niệm về tự nhiên của những nhà duy vật Pháp không thể phù hợp với phép biện chứng và khoa học tự nhiên cận đại. Chủ nghĩa xã hội trước kia tuy có phê phán phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện có và những kết quả của phương thức ấy, nhưng không thể giải thích được phương thức sản xuất ấy và vì thế cũng không đánh đổ được phương thức ấy; nó chỉ có thể tuyên bố một cách đơn giản rằng phương thức ấy là vô dụng. Chủ nghĩa xã hội trước kia càng phẫn nộ đối với sự bóc lột không thể tránh khỏi mà giai cấp công nhân phải chịu trong phương thức sản xuất ấy thì nó lại càng không thể vạch rõ cho thấy rằng sự bóc lột ấy là ở chỗ nào và do đâu mà có. Nhưng nhiệm vụ là ở chỗ một mặt phải giải thích tính tất yếu của sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong mối liên hệ lịch sử của nó và tính tất yếu của nó đối với một thời kỳ lịch sử nhất định, và do đó tính tất yếu của sự tiêu vong của nó; mặt khác, phải vạch trần tính chất bên trong còn chưa phát hiện được của phương thức sản xuất ấy. Sự phát hiện ra giá trị thặng dư đã làm tròn nhiệm vụ ấy, và đã chứng minh rằng sự chiếm hữu lao động không được trả công là hình thức cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và của sự bóc lột công nhân do phương thức sản xuất ấy sản sinh ra; rằng dù nhà tư bản có bỏ tiền mua sức lao động của công nhân theo toàn bộ giá trị của nó, tức là giá trị của nó với tư cách là hàng hoá ở trên thị trường, thì nhà tư bản cũng vẫn bóp nặn sức lao động ấy được nhiều giá trị hơn số tiền bỏ ra để mua nó; rằng giá trị thặng dư ấy, rốt cuộc, họp thành tổng số những giá trị đẻ ra cái khối tư bản ngày càng lớn lên và tích luỹ lại trong tay những giai cấp có của. Thế là đã giải thích được cho thấy nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, cũng như sự sản xuất ra bản thân tư bản, được tiến hành như thế nào rồi.

Hai phát hiện vĩ đại ấy - quan niệm duy vật về lịch sử và việc dùng giá trị thặng dư để bóc trần bí mật của sản xuất tư bản chủ nghĩa - là công lao của Mác. Nhờ hai phát hiện ấy, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một khoa học mà ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó.



[1] Đối thoại của Đ.Đi-đơ-rô "Người cháu trai của Ra-mô" ("Le neveu de Rameau") viết vào khoảng năm 1762 và sau đó được tác giả sửa lại hai lần. Nó được xuất bản lần đầu tiên ở Lai-pxích năm 1805 bằng bản dịch tiếng Đức của Gơ-tơ. Nguyên bản tiếng Pháp được đăng trong cuốn "Oeuvres inédites de Diderol". Paris, 1821 ("Những tác phẩm chưa được xuất bản của Đi-đơ-rô". Pa-ri, 1821); nó được xuất bản thành sách thật sự vào năm 1823.

[2] Thời kỳ A-lếch-xăng-đri của sự phát triển khoa học là thời kỳ từ thế kỷ III trước công nguyên đến thế kỷ VII sau công nguyên mang tên thành phố Ai Cập A-lếch-xăng-đri (trên bờ Địa Trung Hải), một trong những trung tâm lớn nhất của quan hệ kinh tế quốc tế đương thời. Trong thời kỳ A-lếch-xăng-đri, một loạt khoa học: toán học và cơ học (Ơ-clít và ác-si-mét), địa lý học, thiên văn học, giải phẫu học, sinh lý học, v.v. đã phát triển mạnh mẽ.

[3] Kinh thánh. Phúc âm Ma-thi-ơ, chương 5, câu 37.

[4] Giả thuyết tinh vân của Can-tơ theo đó hệ mặt trời phát triển từ tinh văn nguyên thuỷ (chữ la-tinh nebula – sương mù) được trình bày trong tác phẩm của ông "Allegemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels, oder versuch von der verfassung and dem mechanischen ursprunge des ganzen Weltgebọudes nach Newtonischen Grundsọtzen abgechandelt". Kửnigsberg und Leipzig, 1755 ("Lịch sử tự nhiên đại cương và thuyết bầu trời hay là Thử trình bày kết cấu và nguồn gốc cơ học của vũ trụ theo những nguyên lý của Niu-tơn". Khuê-ních-xbéc và Lai-xpích, 1755). Cuốn sách được xuất bản không đề tên tác giả. Giả thuyết của La-pla-xơ về sự hình thành hệ mặt trời được trình bày lần đầu tiên ở chương cuối tác phẩm của ông "Exposition du système du monde". T.I-II, Paris, I'an IV de la République Française [1796] ("Trình bày về hệ thống vũ trụ". T.I-II, Pa-ri, năm thứ IV của nước Cộng hoà Pháp [1796]). Trong bản in cuối cùng, bản in lần thứ sáu được chuẩn bị khi La-pla-xơ còn sống, xuất bản năm 1835 sau khi tác giả mất, giả thuyết được trình bày ở chú thích cuối cùng, chú thích VII của tác phẩm.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt