Triết học xã hội

Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học - III

 

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

TỪ KHÔNG TƯỞNG ĐẾN KHOA HỌC

 

PH. ĂNG-GHEN (1820-1895)

 


Các Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 19. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.


 

III

 

Quan niệm duy vật lịch sử xuất phát từ luận điểm cho rằng sản xuất và trao đổi sản phẩm của sản xuất tiến hành sau sản xuất, là cơ sở của mọi chế độ xã hội; rằng trong mỗi xã hội xuất hiện trong lịch sử, sự phân phối sản phẩm, và cùng với sự phân phối ấy là sự phân chia xã hội thành giai cấp hoặc đẳng cấp, là tuỳ theo cái đã được sản xuất ra, tuỳ theo cách thức sản xuất ra những cái đó và tuỳ theo cách thức trao đổi những sản phẩm đã được sản xuất ra. Do đó, phải tìm những nguyên nhân cuối cùng của tất cả những biến đổi xã hội và của tất cả những biến cách chính trị không phải trong đầu óc người ta, không phải ở sự hiểu biết ngày càng tăng thêm của người ta về chân lý và chính nghĩa vĩnh cửu, mà là ở sự biến đổi của phương thức sản xuất và trao đổi; phải tìm những nguyên nhân đó không phải ở triết học, mà ở nền kinh tế của thời đại mình nghiên cứu. Nếu người ta giác ngộ thấy được rằng những tổ chức xã hội hiện có là không hợp lý và bất công, rằng "thông minh trở thành ngu xuẩn, thiện biến thành ác"[1], thì điều đó chẳng qua chỉ chứng tỏ rằng trong những phương pháp sản xuất và trong những hình thức trao đổi, đã lặng lẽ xảy ra những biến đổi không còn phù hợp với chế độ xã hội sinh ra từ những điều kiện kinh tế đã lỗi thời. Điều đó có nghĩa là những thủ đoạn để gạt bỏ những tai hoạ đã được phát hiện ra cũng nhất định phải tồn tại, dưới một hình thức ít nhiều phát triển, trong bản thân những quan hệ sản xuất đã biến đổi. Vậy phải dùng đầu óc để phát hiện ra những thủ đoạn ấy trong sự kiện vật chất hiện có của nền sản xuất, chứ không phải sáng chế ra những thủ đoạn ấy trong đầu óc.

Vậy do đó tình hình của chủ nghĩa xã hội hiện đại phải như thế nào?

Hiện nay, mọi người đều biết chế độ xã hội hiện có là do giai cấp thống trị hiện nay - giai cấp tư sản - sáng lập nên. Phương thức sản xuất vốn có của giai cấp tư sản - mà từ thời Mác về sau, người ta gọi là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa - không tương dung được với những đặc quyền địa phương và đặc quyền đẳng cấp, cũng như với những sợi dây ràng buộc giữa các cá nhân với nhau dưới chế độ phong kiến; giai cấp tư sản đã đập tan chế độ phong kiến và trên những điêu tàn của chế độ đó, dựng lên chế độ xã hội tư sản, tức là vương quốc của tự do cạnh tranh, của tự do đi lại, của quyền bình đẳng giữa những người có hàng hoá, nói tóm lại của tất cả những cái mỹ miều của giai cấp tư sản. Hiện nay, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã có thể phát triển tự do. Từ khi hơi nước và nền sản xuất mới bằng máy móc đã biến công trường thủ công cũ thành đại công nghiệp thì lực lượng sản xuất được tạo ra dưới sự điều khiển của giai cấp tư sản, đã phát triển nhanh chưa từng thấy và trên một quy mô chưa từng có. Nhưng cũng như trong thời kỳ của chúng, công trường thủ công và thủ công nghiệp do ảnh hưởng của công trường thủ công mà phát triển thêm, đã xung đột với những sự ràng buộc phong kiến của phường hội, thì đại công nghiệp cũng thế, trong giai đoạn phát triển đầy đủ hơn của nó, tất phải xung đột với khuôn khổ chật hẹp trong đó phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa giam hãm nó. Những lực lượng sản xuất mới đã vượt quá hình thức tư sản của việc sử dụng chúng. Và sự xung đột ấy giữa lực lượng sản xuất về phương thức sản xuất không phải là sự xung đột sinh ra từ đầu óc người ta, như sự xung đột giữa tội tổ tông của con người và sự công bằng của thần thánh, mà là có thật, khách quan, ở bên ngoài chúng ta, độc lập đối với ý muốn hay hoạt động của chính ngay những người đã gây ra nó. Chủ nghĩa xã hội hiện đại không phải là cái gì khác mà chỉ là sự phản ánh của sự xung đột có thật ấy vào trong tư tưởng; là sự phản ảnh của sự xung đột ấy, dưới hình thức tư tưởng, trước hết vào đầu óc của giai cấp trực tiếp chịu đau khổ vì sự xung đột ấy, tức là giai cấp công nhân.

Sự xung đột ấy là như thế nào?

Trước khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện tức là trong thời trung cổ, khắp nơi đều có nền sản xuất nhỏ, dựa trên cơ sở quyền tư hữu của những người lao động về tư liệu sản xuất của họ; nông nghiệp của những tiểu nông tự do hay nông nô, thủ công nghiệp ở thành thị. Những tư liệu lao động - đất đai và nông cụ, xưởng thợ và dụng cụ thủ công - là tư liệu lao động của cá nhân, chỉ thích hợp cho cá nhân dùng, nên những tư liệu ấy tất phải nhỏ bé, thô sơ, có hạn. Cũng chính vì thế mà theo lẽ thông thường các tư liệu ấy thuộc về bản thân người sản xuất. Tập trung và mở rộng những tư liệu sản xuất phân tán và nhỏ bé ấy, biến chúng thành những đòn bẩy mạnh mẽ và hiện đại của nền sản xuất, đó chính là vai trò lịch sử của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và của kẻ đại biểu cho nó - tức là giai cấp tư sản. Từ thế kỷ XV, giai cấp tư sản đã hoàn thành sự nghiệp ấy trong lịch sử như thế nào qua ba giai đoạn khác nhau của sản xuất: hiệp tác giản đơn, công trường thủ công và đại công nghiệp; - điều đó, Mác đã trình bày rất tỉ mỉ trong phần thứ tư của bộ "Tư bản"[2]. Nhưng giai cấp tư sản, như Mác đã chứng minh trong cũng phần ấy, không thể biến những tư liệu sản xuất có hạn thành lực lượng sản xuất lớn mạnh nếu không biến những tư liệu sản xuất do cá nhân sử dụng thành những tư liệu sản xuất xã hội mà chỉ một số đông người cùng làm mới sử dụng được. Guồng quay sợi, khung cửi dệt tay, búa thợ rèn đã nhường chỗ cho máy xe sợi, máy dệt, búa chạy bằng hơi nước; xưởng thợ nhỏ nhường chỗ cho những công xưởng lớn đòi hỏi lao động chung của hàng trăm, hàng nghìn công nhân. Cũng như tư liệu sản xuất, bản thân sự sản xuất cũng biến đổi từ chỗ là một loạt động tác cá nhân thành một loạt động tác xã hội và sản phẩm cũng từ sản phẩm cá nhân biến thành sản phẩm xã hội. Sợi, vải, hàng kim loại do các công xưởng và nhà máy hiện nay sản xuất ra, đều là sản phẩm tập thể của nhiều công nhân, tức là những sản phẩm phải tuần tự qua tay của họ thì mới hoàn thành. Về sản phẩm ấy, không một cá nhân nào có thể nói được rằng: "Cái này là do tôi làm ra, đó là sản phẩm của tôi".

Nhưng ở nơi nào mà sự phân công lao động tự phát trong xã hội, xuất hiện dần dần, không có kế hoạch gì, là hình thức cơ bản của sản xuất thì ở đó, sự phân công ấy làm cho những sản phẩm mang hình thức những hàng hoá mà sự trao đổi lẫn nhau, mua và bán, khiến cho người sản xuất cá thể có thể thoả mãn nhu cầu muôn vẻ của mình. Trong thời trung cổ, tình hình là như thế. Người nông dân, chẳng hạn, bán nông phẩm cho thợ thủ công và mua của thợ thủ công những sản phẩm thủ công nghiệp. Một phương thức sản xuất mới đã thâm nhập vào trong xã hội những người sản xuất cá thể, những người sản xuất hàng hoá ấy. Trong sự phân công lao động tự phát, không có kế hoạch đang thống trị toàn xã hội, phương thức sản xuất ấy đã xác lập ra sự phân công lao động có kế hoạch được thi hành trong công xưởng cá lẻ; bên cạnh nền sản xuất cá thể, đã xuất hiện nền sản xuất xã hội.

Sản phẩm của hai nền sản xuất ấy đều được bán trên cùng một thị trường, vậy là được bán với giá ít ra cũng xấp xỉ bằng nhau. Nhưng tổ chức có kế hoạch thì mạnh hơn sự phân công lao động tự phát nhiều, sản phẩm của các công xưởng thực hành lao động xã hội thì rẻ hơn sản phẩm của những người sản xuất nhỏ cá thể. Sản xuất cá thể thì thất bại trong hết ngành này đến ngành khác; sự sản xuất xã hội, cuối cùng, đã cách mạng hoá toàn bộ phương thức sản xuất cũ. Nhưng tính chất cách mạng ấy của sự sản xuất xã hội, thì ít được hiểu đến nỗi trái lại người ta dùng nó để nâng cao và xúc tiến nền sản xuất hàng hoá. Sự sản xuất xã hội nảy sinh ra, trực tiếp gắn liền với một số những đòn bẩy đã có từ trước của nền sản xuất hàng hoá và trao đổi hàng hoá, tức là với tư bản thương mại, thủ công nghiệp và lao động làm thuê. Vì nó xuất hiện ra là một hình thức mới của sản xuất hàng hoá cho nên hình thức chiếm hữu vốn có của sản xuất hàng hoá cũng vẫn hoàn toàn có hiệu lực đối với nó.

Dưới hình thức sản xuất hàng hoá đã phát triển trong thời Trung cổ, thì thậm chí không thể đặt ra vấn đề sản phẩm lao động phải thuộc về ai. Nói chung thì người sản xuất cá thể làm ra sản phẩm bằng những nguyên liệu họ có và thường là nguyên liệu do họ sản xuất ra, dùng công cụ lao động của họ, dùng lao động chân tay của họ hay của gia đình họ. Người đó không cần gì phải trước hết chiếm hữu sản phẩm của mình, sản phẩm ấy tự nhiên đã là của người đó rồi. Do đó, quyền sở hữu sản phẩm là dựa trên lao động của bản thân. Ngay ở những nơi người ta có nhờ đến sự giúp đỡ của người khác thì sự giúp đỡ ấy nói chung cũng vẫn chỉ là thứ yếu và ngoài tiền công ra còn thường được đền bù bằng những cái khác: đối với thợ học việc hay thợ bạn trong phường hội thì lao động để kiếm tiền công và sinh sống là thứ yếu mà chủ yếu là để thành nghề, để thành người thợ cả độc lập. Sau đó thì xuất hiện sự tập trung những tư liệu sản xuất vào những xưởng thợ lớn và công trường thủ công lớn, tức là trên thực tế chúng bắt đầu biến thành tư liệu sản xuất xã hội. Nhưng tư liệu sản xuất và sản phẩm xã hội dường như vẫn tiếp tục được coi như thể là hiện nay chúng vẫn là tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động của cá nhân như trước. Nếu trước đây, người có tư liệu lao động là người chiếm hữu sản phẩm vì những sản phẩm ấy thông thường là sản phẩm lao động của người đó, sự tham gia lao động của người khác chỉ là một ngoại lệ thì ngày nay, người có tư liệu lao động vẫn tiếp tục chiếm hữu sản phẩm, mặc dù sản phẩm ấy không phải là sản phẩm do người đó làm ra nữa mà hoàn toàn là sản phẩm do người khác làm ra. Như vậy, sản phẩm của lao động xã hội không phải do những người thực sự vận dụng tư liệu sản xuất và thực sự sản xuất ra những sản phẩm ấy chiếm hữu, mà là do nhà tư bản chiếm hữu. Tư liệu sản xuất và sản xuất, về thực chất, đã biến thành có tính chất xã hội; nhưng chúng vẫn phải lệ thuộc vào một hình thức chiếm hữu lấy sản xuất riêng rẽ của người sản xuất cá thể làm tiền đề, hình thức trong đó mỗi người đều là chủ nhân của sản phẩm của mình và đem những sản phẩm ấy bán ra thị trường. Phương thức sản xuất phải lệ thuộc vào hình thức chiếm hữu ấy, tuy nó đã phá huỷ tiền đề của hình thức chiếm hữu ấy [3]. Cái mâu thuẫn ấy, cái mâu thuẫn đã mang lại tính chất tư bản chủ nghĩa cho phương thức sản xuất mới, đã chứa đựng sẵn những mầm mống của mọi xung đột hiện nay. Phương thức sản xuất mới càng hoàn toàn thống trị trong tất  cả các ngành sản xuất quyết định và trong tất cả các nước đang thống trị về kinh tế, do đó càng chèn ép sản xuất cá thể đến mức sản xuất cá thể chỉ còn là những tàn dư không đáng kể thì tất nhiên càng thấy rõ sự không tương dung giữa sự sản xuất xã hội và sự chiếm hữu tư bản chủ nghĩa.

Như chúng ta đã thấy, những nhà tư bản đầu tiên đã tìm thấy hình thức lao động làm thuê sẵn có. Nhưng lao động làm thuê chỉ là một trạng thái ngoại lệ, thêm thắt, phụ, tạm thời mà thôi. Người làm ruộng thỉnh thoảng đi làm công nhật, có mảnh đất riêng của mình, khiến người đó trong lúc quá ngặt nghèo, chỉ trông vào đó cũng sống được. Quy chế phường hội chú ý để cho người thợ bạn hôm nay có thể trở thành người thợ cả ngày mai. Nhưng ngay khi tư liệu sản xuất trở thành tư liệu sản xuất xã hội và tập trung trong tay các nhà tư bản thì mọi việc đều thay đổi. Tư liệu sản xuất cũng như sản phẩm của người sản xuất nhỏ cá thể ngày càng mất giá trị; người sản xuất nhỏ ngoài việc đi làm thuê cho nhà tư bản thì không còn đường thoát nào khác. Lao động làm thuê trước kia là ngoại lệ và thêm thắt, nay trở thành thông lệ và thành hình thức cơ bản của toàn bộ nền sản xuất; trước kia là công việc phụ thì nay nó đã biến thành hoạt động duy nhất của công nhân. Người làm thuê ngắn hạn biến thành người làm thuê suốt đời. Hơn nữa số người làm thuê suốt đời lại tăng lên rất nhiều vì sự tan rã đồng thời của chế độ phong kiến, vì sự giải tán các đội vệ binh của bọn chúa phong kiến, vì việc đuổi nông dân khỏi đất đai của họ và vân vân. Sự tách rời triệt để đã được hoàn thành giữa một bên là tư liệu sản xuất tập trung trong tay những nhà tư bản, và một bên là người sản xuất bị đẩy đến chỗ chỉ còn có sức lao động của mình thôi. Mâu thuẫn giữa sự sản xuất xã hội và sự chiếm hữu tư bản chủ nghĩa biểu hiện thành sự đối kháng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản.

Chúng ta đã thấy phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thâm nhập vào giữa một xã hội gồm những người sản xuất hàng hoá, những người sản xuất cá thể mà quan hệ xã hội giữa họ với nhau được thực hiện thông qua sự trao đổi sản phẩm của họ. Nhưng đặc điểm của bất cứ xã hội nào dựa trên cơ sở sản xuất hàng hoá cũng là: trong xã hội ấy, người sản xuất mất hết quyền chi phối những quan hệ xã hội của chính bản thân mình. Mỗi người sản xuất cho chính mình bằng những tư liệu sản xuất ngẫu nhiên có trong tay, và để thoả mãn nhu cầu trao  đổi riêng của cá nhân mình. Không ai biết rằng bao nhiêu sản phẩm do mình sản xuất ra sẽ xuất hiện trên thị trường và số lượng mà thị trường cần đến; không ai biết rằng sản phẩm cá nhân của mình ra đến thị trường, có thực sự cần thiết cho người ta không, có thu được đủ chi phí sản xuất và thậm chí có bán được không. Tình trạng vô chính phủ thống trị trong sản xuất xã hội. Nhưng sản xuất hàng hoá, cũng như mọi hình thức sản xuất khác, có những quy luật riêng của nó, vốn có của nó và gắn liền với nó; và những quy luật ấy cứ phát huy tác dụng bất chấp tình trạng vô chính phủ ấy, ở ngay trong tình trạng ấy và thông qua tình trạng ấy. Những quy luật ấy biểu hiện trong hình thức duy nhất còn sót lại của quan hệ xã hội, tức là sự trao đổi, và tác động đến những người sản xuất với tư cách là những quy luật không thể cưỡng nổi của cạnh tranh. Cho nên bản thân những người sản xuất ấy lúc đầu cũng không biết những quy luật ấy và chỉ có trải qua kinh nghiệm lâu dài thì họ mới dần dần phát hiện ra chúng. Do đó, không thông qua những người sản xuất và chống lại họ, những quy luật ấy tự nó phát huy tác dụng với tính cách là những quy luật tự nhiên mù quáng của hình thái sản xuất của họ. Sản phẩm chi phối người sản xuất.

Trong xã hội Trung cổ, đặc biệt là trong những thế kỷ đầu, sản xuất chủ yếu là để thoả mãn sự tiêu dùng riêng của mình. Chủ yếu nó thoả mãn nhu cầu của người sản xuất và gia đình họ. Ở chỗ nào, như ở nông thôn, có những quan hệ lệ thuộc về thân thể thì sản xuất còn thoả mãn những nhu cầu của chúa phong kiến nữa, ở đấy, không có trao đổi và sản phẩm không mang tính chất hàng hoá. Gia đình người nông dân sản xuất được hầu hết những vật họ cần dùng: cả công cụ quần áo cũng như thực phẩm. Họ chỉ bắt đầu sản xuất để đem bán khi họ đã sản xuất vượt nhu cầu của bản thân và số phải nộp hàng năm cho chúa phong kiến: số sản phẩm thừa được ném vào trao đổi xã hội, được đem bán, thì trở thành hàng hoá. Thợ thủ công ở thành thị thì dĩ nhiên là ngay từ đầu đã buộc phải sản xuất để trao đổi. Nhưng chính họ cũng phải sản xuất để tự túc phần lớn những nhu cầu riêng của họ; họ có vườn rau và mảnh đất nhỏ; họ chăn gia súc của họ ở trong rừng công cộng, ở đó họ kiếm gỗ làm nhà và củi; phụ nữ thì kéo sợi lanh và len v.v.. Sản xuất để trao đổi, tức là sản xuất hàng hoá, lúc đó chỉ mới bắt đầu. Vì thế trao đổi bị hạn chế, thị trường hẹp, phương thức sản xuất ổn định, địa phương cách biệt với thế giới bên ngoài, nội bộ địa phương thì thống nhất, như mác-cơ ở nông thôn, phường hội ở thành thị.

Cùng với sự mở rộng sản xuất hàng hoá và nhất là cùng với sự xuất hiện của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì những quy luật của sản xuất hàng hoá, trước kia còn nằm im, liền bắt đầu tác động một cách công khai hơn và mạnh mẽ hơn. Những sự ràng buộc cũ đã được nới rộng ra, những chướng ngại cũ bị phá bỏ, người sản xuất ngày càng biến thành những người sản xuất hàng hoá độc lập và phân tán. Tình trạng vô chính phủ trong sản xuất xã hội xuất hiện và ngày càng đi đến chỗ cực đoan. Nhưng công cụ chủ yếu nhất mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dùng để làm tăng thêm tình trạng vô chính phủ ấy trong sản xuất xã hội, chính là cái đối lập trực tiếp với tình trạng vô chính phủ: đó là sự tổ chức ngày càng tăng thêm của sản xuất, với tính cách là sản xuất xã hội, ở trong từng xí nghiệp sản xuất một. Chính là nhờ cái đòn bẩy ấy mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã chấm dứt tình trạng ổn định hoà bình trước kia. Trong bất cứ ngành công nghiệp nào mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xâm nhập vào thì nó đều không để cho những phương pháp sản xuất cũ cùng tồn tại với nó. Ở đâu mà nó khống chế được thủ công nghiệp thì nó liền tiêu diệt thủ công nghiệp cũ. Địa bàn của lao động biến thành một bãi chiến trường. Những phát hiện lớn về địa lý và công cuộc thực dân tiếp sau những phát hiện ấy làm tăng gấp bội số thị trường tiêu thụ và đẩy nhanh việc biến thủ công nghiệp thành công trường thủ công. Đấu tranh không phải chỉ nổ ra giữa những người sản xuất cá thể trong từng địa phương, mà những cuộc đấu tranh địa phương đến lượt chúng lại phát triển tới mức thành những cuộc đấu tranh giữa các dân tộc, thành chiến tranh thương nghiệp trong thế kỷ XVII và XVIII [4]. Cuối cùng, đại công nghiệp và sự thiết lập thị trường thế giới đã làm cho những cuộc đấu tranh ấy lan rộng khắp nơi và đồng thời kịch liệt chưa từng thấy. Giữa từng nhà tư bản với nhau cũng như giữa từng ngành sản xuất với nhau và giữa từng nước với nhau, vấn đề sống còn là phụ thuộc vào chỗ những điều kiện tự nhiên hoặc nhân tạo có lợi ít hay có lợi nhiều cho sản xuất. Kẻ thất bại bị loại trừ thẳng tay. Đó chính là quy luật đấu tranh để sinh tồn của Đác-uyn áp dụng một cách mãnh liệt gấp bội từ giới tự nhiên vào xã hội. Điều kiện của thú vật trong tự nhiên biểu hiện ra là sự phát triển cao nhất của loài người. Mâu thuẫn giữa sự sản xuất xã hội và sự chiếm hữu tư bản chủ nghĩa biểu hiện ra thành sự đối lập giữa tình trạng có tổ chức của sản xuất trong mỗi công xưởng riêng biệt với tình trạng vô chính phủ của sản xuất trong toàn thể xã hội.

Chính trong hai hình thức biểu hiện ấy của cái mâu thuẫn vốn có của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ngay từ khi phát sinh, mà phương thức ấy vận động, vạch thành "cái vòng luẩn quẩn" do Phu-ri-ê đã phát hiện ra trong phương thức ấy. Cố nhiên, trong thời đại của mình, Phu-ri-ê chưa thể thấy được rằng cái vòng ấy co hẹp dần dần lại, rằng vận động của sản xuất là đi theo một con đường xoáy trôn ốc không thể không kết thúc bằng cách đâm vào trung tâm, như vận động của các hành tinh vậy. Chính động lực của tình trạng vô chính phủ của xã hội trong sản xuất đang ngày càng biến đa số người ta thành vô sản; và đến lượt mình, chính quần chúng vô sản này cuối cùng sẽ chấm dứt tình trạng vô chính phủ của sản xuất. Chính động lực của tình trạng vô chính phủ của xã hội trong sản xuất biến cái khả năng cải tiến vô hạn những máy móc dùng trong đại công nghiệp thành một quy luật bắt buộc đối với từng nhà tư bản công nghiệp một, buộc họ phải không ngừng cải tiến máy móc của mình, nếu không sẽ bị phá sản. Nhưng cải tiến máy móc là làm cho một số lao động của con người trở thành thừa. Nếu áp dụng và tăng thêm máy móc có nghĩa là thay hàng triệu lao động thủ công bằng một số ít công nhân sử dụng máy móc thì cải tiến máy móc có nghĩa là ngày càng gạt bỏ thêm nhiều chính ngay công nhân sử dụng máy móc ấy và xét đến cùng, có nghĩa là tạo ra một số công nhân thừa, ngoài nhu cầu trung bình của nhà tư bản. Số lớn công nhân không có việc làm ấy họp thành đạo quân công nghiệp dự trữ - như tôi đã gọi năm 18451) - đội quân ấy là để sẵn cho thời kỳ công nghiệp thịnh vượng và sẽ bị ném ra lề đường khi khủng hoảng tất nhiên xảy ra sau mỗi thời kỳ hưng thịnh; đạo quân ấy là hòn đá buộc chân giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh sống còn giữa họ và tư bản: là yếu tố điều tiết giữ tiền công ở mức thấp phù hợp với yêu cầu của tư bản. Như vậy là máy móc, theo lời của Mác, trở thành công cụ mạnh mẽ nhất của nhà tư bản để chống lại giai cấp công nhân; là công cụ lao động luôn luôn cướp mất tư liệu sinh sống trong tay người lao động, và chính sản phẩm của công nhân lại trở thành công cụ nô dịch bản thân họ [5]. Thành ra ngay từ đầu, tiết kiệm tư liệu lao động thì đồng thời lại là lãng phí sức lao động một cách hết sức nghiêm trọng và cướp đọat một cách vô sỉ những điều kiện lao động bình thường [6]; máy móc, một phương tiện mạnh nhất để giảm bớt thời gian lao động lại trở thành phương tiện chắc chắn nhất để biến cả đời của người công nhân và của gia đình họ thành thời gian lao động nhàn rỗi để tăng thêm giá trị cho tư bản. Chính vì thế mà lao động quá sức của bộ phận này trong giai cấp công nhân lại làm cho bộ phận kia trở thành hoàn toàn thất nghiệp; mà đại công nghiệp đi khắp thế giới để tìm ra người tiêu dùng mới, lại hạn chế sự tiêu dùng của quần chúng công nhân trong nước ở mức chết đói thấp nhất và do đó phá hoại thị trường trong nước của bản thân nó. "Cái quy luật luôn luôn làm cho mức phát triển của nạn nhân khẩu thừa tương đối hay đội quân công nghiệp dự trữ thăng bằng với mức phát triển của tích luỹ tư bản thì cột người công nhân vào tư bản chặt hơn là những cái nêm mà Vuyn-canh đã dùng để đóng chặt Prô-mê-tê vào tảng đá. Quy luật ấy chế ước sự thích ứng giữa sự tích luỹ tư bản với sự tích luỹ sự khốn cùng. Thành thử tích luỹ của cải ở cực này đồng thời lại là tích luỹ nghèo nàn, đau khổ, ngu dốt, dã  man, truỵ lạc ở cực kia, tức là ở phía giai cấp sản xuất ra sản phẩm của mình, với tư cách là tư bản" (Các Mác, "Tư bản", tr.671) [7]. Trông chờ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phân phối sản phẩm theo một lối khác thì cũng chẳng khác gì đòi hỏi những điện cực của một hòm điện đừng phân hoá nước nữa, nghĩa là đừng dẫn ô-xy đến cực dương và dẫn hy-đrô đến cực âm trong khi mạch điện vẫn đóng.

Chúng ta đã thấy rằng do tình trạng vô chính phủ của sản xuất trong xã hội mà khả năng cải tiến cao độ của máy móc hiện đại đã biến như thế nào thành một quy luật bắt buộc đối với từng nhà tư bản công nghiệp riêng lẻ, buộc hắn phải luôn luôn cải tiến máy móc của mình và luôn luôn tăng công suất của máy móc lên. Đối với hắn thì cái khả năng thực tế đơn giản là mở rộng quy mô sản xuất của hắn cũng biến thành một quy luật bắt buộc như vậy. Sức bành trướng to lớn của đại công nghiệp - mà so với nó, sức bành trướng của chất khí chỉ là một trò trẻ con - thì hiện đang biểu hiện ra thành nhu cầu phải bành trướng về chất và về lượng, một nhu cầu khinh thường mọi trở lực. Trở lực ấy là sự tiêu dùng, là chỗ tiêu thụ, là thị trường cho các sản phẩm đại công nghiệp. Nhưng khả năng mở rộng của thị trường về bề rộng và bề sâu lại bị chi phối trước hết bởi những quy luật khác hẳn, tác động kém mãnh liệt hơn nhiều. Sự bành trướng của thị trường không theo kịp sự mở rộng sản xuất. Sự xung đột là không thể tránh được và vì không có giải pháp nào ngoài việc phá vỡ bản thân phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, cho nên sự xung đột ấy trở thành có tính chất chu kỳ. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại sản sinh ra một "vòng luẩn quẩn" mới.

Thật thế, từ năm 1825, tức là lúc nổ ra cuộc tổng khủng hoảng lần thứ nhất thì cứ trong vòng độ mười năm một, toàn thế giới công nghiệp và thương nghiệp, nền sản xuất và trao đổi của tất cả các dân tộc văn minh cũng như của những xứ phụ thuộc ít nhiều chưa khai hoá của họ, lại bị rối loạn một lần. Thương nghiệp ngừng trệ, thị trường tràn ngập hàng đống hàng hoá không bán đi được; tiền biến mất, tín dụng ngừng lại, các công xưởng đóng cửa, quần chúng lao động thiếu tư liệu sinh hoạt vì đã sản xuất ra quá nhiều tư liệu sinh hoạt, các cuộc vỡ nợ nối tiếp nhau, những cuộc phát mại cũng nối tiếp nhau. Tình trạng đình trệ kéo dài hàng mấy năm liền, hàng đống lực lượng sản xuất và sản phẩm bị lãng phí và phá huỷ cho đến khi hàng hoá tích đống lại vơi đi do mất giá nhiều hay ít, cho đến khi sản xuất và trao đổi dần dần hoạt động trở lại. Dần dần nhịp độ của hoạt động ấy ngày càng nhanh thêm, chuyển sang nước kiệu, nước kiệu công nghiệp chuyển sang nước phi, rồi từ nước phi sang nước phi cực nhanh của cuộc đua ngựa vượt rào thực sự của công nghiệp, thương nghiệp, tín dụng và đầu cơ, để rồi cuối cùng sau những bước nhảy nguy hiểm nhất, rơi vào cái hố khủng hoảng. Và cứ quanh đi quẩn lại như thế mãi. Mới từ năm 1825 đến nay, chúng ta đã trải qua năm cuộc khủng hoảng, và bây giờ (1877), chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng thứ sáu. Và tính chất của những cuộc khủng hoảng ấy đã rõ rệt đến nỗi Phu-ri-ê đã nói lên thực chất của tất cả những cuộc khủng hoảng ấy khi gọi cuộc khủng hoảng thứ nhất là crise pléthorique, tức là khủng hoảng thừa [8].

Trong các cuộc khủng hoảng, mâu thuẫn giữa sự sản xuất xã hội và sự chiếm hữu tư bản chủ nghĩa nổ ra dữ dội. Lưu thông hàng hoá bị tạm thời ngừng trệ, phương tiện lưu thông là tiền trở thành một chướng ngại cho lưu thông, mọi quy luật của sản xuất hàng hoá và lưu thông hàng hoá đều bị đảo lộn. Sự xung đột kinh tế lên đến tột độ: phương thức sản xuất nổi dậy chống lại phương thức trao đổi.

Sự tổ chức xã hội của sản xuất ở trong nhà máy đạt tới trình độ phát triển khiến nó không còn có thể tương dung được với tình trạng tồn tại bên cạnh nó và bên trên nó là tình trạng vô chính phủ của sản xuất trong xã hội - điều đó chính bản thân nhà tư bản cũng đã cảm thấy vì trong thời kỳ khủng hoảng, nhiều nhà đại tư sản và một số lớn hơn những nhà tư bản nhỏ đều lâm vào cảnh phá sản khiến cho tư bản tập trung một cách dữ dội. Toàn bộ cơ cấu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ngừng hoạt động dưới sức ép của những phương thức sản xuất mà chính cơ cấu ấy đã tạo ra. Nó đã không còn có thể biến hết tất cả những tư liệu sản xuất thành tư bản nữa. Những tư liệu sản xuất ấy phải nghỉ việc; vì thế cho nên đạo quân công nghiệp dự trữ cũng buộc phải thất nghiệp. Tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, người công nhân dự trữ của tư bản, mọi nhân tố của sản xuất và mọi nhân tố của đời sống hạnh phúc chung đều có thừa thãi. Nhưng như Phu-ri-ê đã nói, "sự thừa thãi ấy lại trở thành nguồn gốc của sự khốn cùng và thiếu thốn", vì sự thừa thãi ấy đã ngăn trở những tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt biến thành tư bản. Vì trong xã hội tư bản chủ nghĩa tư liệu sản xuất không thể có tác dụng được nếu trước đó chúng không được biến thành tư bản, nghĩa là thành công cụ bóc lột sức lao động của con người. Sự tất yếu của việc tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt phải biến thành tư bản, đứng sừng sững như một bóng ma giữa những công nhân và những tư liệu ấy. Sự tất yếu ấy ngăn cản sự kết hợp giữa những đòn bẩy của sản xuất, tức là tư liệu và người, với nhau: chính nó là cái duy nhất ngăn cản tư liệu sản xuất hoạt động, ngăn cản công nhân lao động và sống. Cho nên một mặt, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thấy rằng nó không còn đủ sức tiếp tục quản lý những lực lượng sản xuất nữa. Mặt khác, bản thân những lực lượng sản xuất, với một sức mạnh ngày càng tăng, đều hướng đến chỗ tiêu diệt mâu thuẫn ấy, đến chỗ thoát khỏi tư cách tư bản của nó, đến chỗ thực tế thừa nhận tính chất của mình là những lực lượng sản xuất xã hội.

Chính sự phản kháng đó của những lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ chống lại tư cách tư bản của nó, sự tất yếu ngày càng tăng buộc phải thừa nhận tính chất xã hội của những lực lượng sản xuất - chính những cái ấy buộc bản thân giai cấp những nhà tư bản ngày càng phải thừa nhận, trong chừng mực có thể được dưới quan hệ tư bản chủ nghĩa, những lực lượng sản xuất là những lực lượng sản xuất xã hội. Thời kỳ công nghiệp cực thịnh với tín dụng phình lên vô hạn, cũng như thời kỳ khủng hoảng của sự phá sản của nhiều xí nghiệp tư bản chủ nghĩa lớn, dẫn tới hình thức xã hội hoá một khối lớn tư liệu sản xuất như chúng ta thấy trong các loại công ty cổ phần. Một số những tư liệu sản xuất và giao thông ấy, ví dụ như đường sắt, thì ngay từ đầu đã đồ sộ đến nỗi chúng gạt bỏ mọi hình thức khác của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa. Nhưng đến một trình độ phát triển nhất định thì chính ngay hình thức ấy cũng thành ra không đủ nữa; tất cả những nhà sản xuất lớn trong cùng một ngành công nghiệp của một nước kết hợp lại thành một "tờ-rớt", tức là một hội liên hợp lấy việc điều tiết sản xuất làm mục đích; những hội này quyết định tổng số sản phẩm phải sản xuất, phân phối tổng số ấy với nhau và quy định trước giá bán. Nhưng vì những tờ-rớt ấy hễ gặp thời vẫn làm ăn không khấm khá thì phần lớn liền bị tan rã cho nên chúng lại dẫn tới một sự xã hội hoá mạnh hơn: toàn bộ một ngành công nghiệp biến thành một công ty cổ phần lớn; sự cạnh tranh trong nội bộ một nước nhường chỗ cho sự độc quyền của công ty duy nhất đó ở nước ấy. Năm 1890, tình hình ấy đã xảy ra trong ngành sản xuất chất kiềm ở Anh; ngành sản xuất này sau khi tập hợp tất cả 48 công xưởng lớn lại thì trở thành một công ty duy nhất do một trung tâm lã nh đạo, với số tư bản là 120 triệu mác.

Trong các tờ-rớt, tự do cạnh tranh biến thành độc quyền và nền sản xuất không có kế hoạch của xã hội tư bản chủ nghĩa đầu hàng trước nền sản xuất có kế hoạch của xã hội xã hội chủ nghĩa sắp đến. Cố nhiên, lúc đầu, điều đó chỉ có lợi lớn cho nhà tư bản. Nhưng dưới hình thức ấy của nó, sự bóc lột đã trở thành quá lộ liễu đến nỗi nó không thể không sụp đổ. Không có nhân dân nước nào lại có thể chịu đựng được lâu dài sự sản xuất do các tờ-rớt lãnh đạo, một sự bóc lột toàn xã hội một cách vô liêm sỉ bởi một nhúm nhỏ gồm những tên ngồi cắt phiếu lấy tiền bỏ túi.

Vô luận thế nào, có tờ-rớt hay không có tờ-rớt, thì cuối cùng, đại biểu chính thức của xã hội tư bản chủ nghĩa, tức là nhà nước, cũng buộc phải [9] đảm đương việc lãnh đạo sản xuất.

Sự tất yếu phải biến thành sở hữu nhà nước thì trước hết xuất hiện trong các cơ cấu giao thông đại quy mô: bưu điện, điện báo và đường sắt.

Nếu các cuộc khủng hoảng đã vạch rõ sự bất lực của giai cấp tư sản trong việc tiếp tục quản lý những lực lượng sản xuất hiện đại thì việc chuyển các cơ cấu sản xuất và giao thông đại quy mô thành các công ty cổ phần, các tờ-rớt và thành tài sản quốc gia lại càng chứng tỏ rằng người ta chẳng cần đến giai cấp tư sản mới đạt được mục đích ấy. Hết thảy chức năng xã hội của những nhà tư bản hiện nay đều do những nhân viên làm công đảm nhiệm. Nhà tư bản không còn có hoạt động xã hội nào khác ngoài việc bỏ tiền thu nhập vào túi, cắt phiếu lấy lãi và đầu cơ ở Sở giao dịch, nơi mà chúng cướp đoạt tư bản lẫn của nhau. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa lúc đầu loại bỏ công nhân thì hiện nay nó loại bỏ cả nhà tư bản, cố nhiên là tạm thời nó chưa gạt những nhà tư bản vào đạo quân công nghiệp dự trữ, mà chỉ gạt vào số nhân khẩu thừa mà thôi.

Nhưng dù những lực lượng sản xuất là ở trong tay các công ty cổ phần và các tờ-rớt hay biến thành tài sản nhà nước thì những tư liệu sản xuất cũng vẫn không mất tính chất của chúng là tư bản. Điều đó ta thấy rất rõ trong những công ty cổ phần và các tờ-rớt. Và nhà nước hiện đại lại chỉ là tổ chức do xã hội tư sản tự tạo ra cho mình để tránh cho những điều kiện chung bên ngoài của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa khỏi bị công nhân cũng như những nhà tư bản cá thể xâm phạm tới. Nhà nước hiện đại, bất cứ dưới hình thức nào, về thực chất, vẫn là một bộ máy tư bản chủ nghĩa, là nhà nước của những nhà tư bản, là nhà tư bản tập thể lý tưởng. Nhà nước ấy càng biến nhiều lực lượng sản xuất thành tài sản của nó bao nhiêu thì nó càng biến thành nhà tư bản tập thể thực sự bấy nhiêu và càng bóc lột nhiều công nhân bấy nhiêu. Công nhân vẫn là những người làm thuê, những người vô sản. Quan hệ tư bản chủ nghĩa vẫn không bị thủ tiêu mà trái lại còn được đẩy tới chỗ tột cùng. Nhưng khi đã đạt tới chỗ tột cùng thì sẽ xảy ra cuộc đảo lộn. Sở hữu nhà nước về lực lượng sản xuất không phải là cách giải quyết xung đột nhưng đã là cái cách giải quyết về mặt hình thức, tức là khả năng để giải quyết xung đột ấy.

Cách giải quyết này chỉ có thể là ở chỗ tính chất xã hội của lực lượng sản xuất hiện đại phải được thừa nhận trên thực tế và do đó, phương thức sản xuất, chiếm hữu và trao đổi phải được làm cho thích hợp với tính chất xã hội của các tư liệu sản xuất. Và chỉ có thể làm được như vậy nếu xã hội công khai và trực tiếp nắm lấy những lực lượng sản xuất đã phát triển đến nỗi ngoài xã hội ra, không ai có thể quản lý được chúng. Như vậy là tính chất xã hội của tư liệu sản xuất và của sản phẩm ngày nay đang chống lại bản thân những người sản xuất đã đang phá vỡ phương thức sản xuất và trao đổi theo chu kỳ, đồng thời tác động một cách thô bạo, một cách phá hoại như một quy luật mù quáng của tự nhiên - tính chất xã hội ấy sẽ được những người sản xuất vận dụng một cách hoàn toàn tự giác và sẽ biến từ nguyên nhân của sự rối loạn và khủng hoảng theo chu kỳ, thành đòn bẩy hết sức mạnh mẽ của chính ngay sản xuất.

Những lực lượng xã hội, cũng giống như những lực lượng tự nhiên, tác động một cách mù quáng, thô bạo, phá hoại, khi chúng ta hiểu được chúng và chưa tính đến chúng. Nhưng một khi chúng ta đã hiểu được chúng, hiểu được tác động, phương hướng và ảnh hưởng của chúng thì lúc đó chúng ta có thể tuỳ ý buộc chúng ngày càng phải phục tùng ý chí của chúng ta và lợi dụng chúng để đạt mục đích của chúng ta. Điều đó là đặc biệt đúng khi nói về những lực lượng sản xuất lớn mạnh hiện đại. Chừng nào chúng ta khăng khăng cự tuyệt không muốn hiểu bản chất và tính chất của những lực lượng ấy - mà lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa và những kẻ bênh vực nó lại cự tuyệt không chịu hiểu - thì chừng đó lực lượng sản xuất vẫn tác động bất chấp ý muốn của chúng ta, chống lại chúng ta, chúng vẫn thống trị chúng ta, như đã nói tỉ mỉ ở trên. Nhưng một khi đã hiểu được bản chất của chúng rồi thì ở trong tay những người sản xuất tập thể, chúng có thể biến đổi từ chỗ là những bà chủ quỷ quái thành những cô đầy tớ ngoan ngoãn. Sự khác nhau đó cũng giống như sự khác nhau giữa sức mạnh phá hoại của điện trong giông tố với luồng điện đã chế ngự được trong điện báo và trong đèn điện, giữa ngọn lửa của đám cháy với ngọn lửa mà người ta sử dụng. Xử trí như vậy đối với những lực lượng sản xuất hiện nay, sau khi đã hiểu được bản chất của chúng rồi thì tình trạng vô chính phủ của sản xuất xã hội sẽ được thay thế bằng một sự điều tiết sản xuất theo kế hoạch của xã hội, nhằm thoả mãn toàn bộ xã hội cũng như thoả mãn mỗi thành viên trong xã hội. Lúc đó phương thức chiếm hữu tư bản chủ nghĩa, trong đó sản phẩm trước hết nô dịch người sản xuất rồi nô dịch người chiếm hữu, được thay thế bằng phương thức chiếm hữu mới dựa trên chính ngay tính chất của tư liệu sản xuất hiện đại: một mặt là sự chiếm hữu trực tiếp của xã hội về các sản phẩm, coi đó là những tư liệu để duy trì và phát triển sản xuất, mặt khác là sự chiếm hữu trực tiếp của cá nhân về các sản phẩm, coi đó là tư liệu sinh hoạt và hưởng thụ.

Ngày nay biến đại đa số dân cư thành vô sản, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra một lực lượng bị buộc phải hoàn thành cuộc cách mạng ấy nếu không thì tiêu vong. Ngày càng đẩy tới chỗ biến những tư liệu sản xuất lớn đã xã hội hoá thành sở hữu nhà nước, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tự nó lại vạch ra con đường để hoàn thành cuộc cách mạng ấy. Giai cấp vô sản chiếm lấy chính quyền nhà nước và biến tư liệu sản xuất trước hết thành sở hữu nhà nước. Nhưng chính do đó, giai cấp vô sản cũng tự xoá bỏ tính cách vô sản của nó, nó xoá bỏ mọi sự phân biệt giai cấp và mọi đối kháng giai cấp, và cũng xoá bỏ nhà nước với tư cách là nhà nước. Xã hội trước kia và hiện tại, vận động trong đối kháng giai cấp, nên cần có nhà nước, nghĩa là một tổ chức của giai cấp bóc lột để duy trì những điều kiện sản xuất bên ngoài của nó, như vậy thì chủ yếu là để duy trì bằng vũ lực giai cấp bị bóc lột trong những điều kiện áp bức (chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ làm thuê) do phương thức sản xuất hiện có lúc đó quyết định. Nhà nước là đại biểu chính thức của toàn thể xã hội, là sự tập trung của toàn thể xã hội, thành một cơ thể hữu hình, nhưng nó chỉ là như thế, khi nào nó là nhà nước của giai cấp đại biểu trong thời đại của mình cho toàn thể xã hội: trong thời cổ, đó là nhà nước của chủ nô; trong thời trung cổ, đó là nhà nước của quý tộc phong kiến; trong thời đại chúng ta, đó là nhà nước của giai cấp tư bản. Khi nhà nước rút cục thật sự trở thành đại biểu của toàn thể xã hội thì nó sẽ hoá ra thừa. Khi không còn giai cấp xã hội cần phải duy trì trong vòng áp bức nữa, khi không còn sự thống trị của một giai cấp đối với một giai cấp khác và sự đấu tranh để sinh tồn nảy sinh ra trong tình trạng sản xuất vô chính phủ hiện nay, khi những xung đột và những sự quá lạm nảy sinh ra từ cuộc đấu tranh đó đều bị quét sạch, thì lúc đó sẽ không cần áp bức ai, ràng buộc ai nữa, lúc đó một chính quyền nhà nước chấp hành chức năng ấy như hiện nay cũng sẽ mất tính tất yếu của nó. Hành động thứ nhất, do đấy nhà nước thật sự là đại biểu của toàn thể xã hội - biến tư liệu sản xuất thành sở hữu của xã hội - cũng đồng thời là hành động độc lập cuối cùng của nó với tư cách là nhà nước. Việc chính quyền nhà nước can thiệp vào các quan hệ xã hội sẽ dần dần hoá ra thừa và tự đình chỉ. Việc cai trị người sẽ nhường chỗ cho việc quản lý vật và chỉ đạo quá trình sản xuất. Nhà nước không "bị xoá bỏ", nó tự tiêu vong. Chính phải đứng trên quan điểm ấy để đánh câu: "Nhà nước nhân dân tự do" [10], câu này xét về mặt cổ động thì tạm thời còn có lý do tồn tại, nhưng xét đến cùng thì không có căn cứ khoa học. Cũng phải căn cứ vào điểm ấy để đánh giá yêu sách của những kẻ được gọi là những người vô chính phủ chủ nghĩa đòi xoá bỏ ngay nhà nước trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ.

Từ khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong lịch sử, việc xã hội chiếm hữu mọi tư liệu sản xuất thường đã là một lý tưởng ít nhiều lờ mờ về tương lai đối với những cá nhân riêng biệt hoặc đối với những nhóm riêng biệt. Nhưng việc chiếm hữu ấy chỉ có thể trở thành một khả năng, trở thành một tất yếu lịch sử, khi đã có những điều kiện thực tế để thực hiện nó. Cũng như mọi tiến bộ khác của xã hội, nó có thể thực hiện được, không phải chỉ do chỗ người ta đã nhận thức được rằng sự tồn tại của các giai cấp là trái với chính nghĩa, với bình đẳng, v.v., không phải chỉ do ý muốn đơn giản là tiêu diệt những giai cấp ấy đi, mà là do có những điều kiện kinh tế mới nào đó. Sự phân chia xã hội thành giai cấp bóc lột và bị bóc lột, thống trị và bị trị, là kết quả tất nhiên của sự phát triển thấp của sản xuất trước kia. Chừng nào mà toàn bộ lao động xã hội chỉ cung cấp một số sản phẩm không vượt quá số thật cần thiết cho sự sống còn của mọi người được mấy, chừng nào mà do đó, lao động choán hết hay gần hết thì giờ của tối đại đa số thành viên trong xã hội thì chừng đó, xã hội ấy tất nhiên phải chia thành giai cấp. Bên cạnh đại đa số hoàn toàn phải lao động bắt buộc ấy, thì hình thành ra một giai cấp không lao động trực tiếp sản xuất và phụ trách những công việc chung của xã hội như việc điều khiển lao động, công việc nhà nước, tư pháp, khoa học, nghệ thuật, v.v.. Vậy quy luật phân công lao động là cơ sở của sự phân chia thành giai cấp. Nhưng điều đó tuyệt nhiên không loại trừ việc sử dụng các phương pháp bạo lực, cướp bóc, quỷ kế và gian lận; không ngăn cản giai cấp thống trị, một khi đã nắm được chính quyền, củng cố địa vị thống trị của nó trên lưng giai cấp lao động và biến sự điều khiển xã hội thành sự tăng cường bóc lột quần chúng.

Do đó, nếu sự phân chia thành giai cấp có một lý do tồn tại lịch sử nào đó thì nó chỉ có thể có lý do tồn tại ấy trong một thời gian nhất định, trong những điều kiện xã hội nhất định. Nó dựa trên sự sản xuất không đầy đủ; nó sẽ bị sự phát triển đầy đủ của những lực lượng sản xuất hiện đại xoá bỏ. Thật thế, sự xoá bỏ giai cấp xã hội đòi hỏi phải có tiền đề là một giai đoạn phát triển lịch sử trong đó sự tồn tại của không những một giai cấp thống trị nào đó mà của bất cứ giai cấp thống trị nào, do đó của ngay cả sự phân chia giai cấp, cũng đều trở thành lỗi thời, thành cũ kỹ. Do đó việc xoá bỏ giai cấp đòi hỏi phải có tiền đề là một trình độ phát triển cao của sản xuất trong đó việc một giai cấp xã hội riêng biệt chiếm hữu tư liệu sản xuất và sản phẩm và do đấy, nắm quyền thống trị chính trị, nắm độc quyền giáo dục và chỉ đạo tinh thần, đã không những hoá ra thừa mà còn cản trở sự phát triển kinh tế, chính trị và tinh thần nữa. Trình độ ấy ngày nay đã đạt được. Sự phá sản về chính trị và tinh thần của giai cấp tư sản hầu như không còn là một bí mật đối với ngay cả bản thân giai cấp đó nữa và sự phá sản kinh tế của giai cấp đó cứ tái diễn đều kỳ trong vòng mười năm một. Trong mỗi cuộc khủng hoảng xã hội lại nghẹt thở dưới sức ép của những lực lượng sản xuất và của những sản phẩm mà bản thân xã hội đã tạo ra và không tài nào lợi dụng được nữa, xã hội tự thấy bất lực trước mâu thuẫn vô lý này là: những người sản xuất không có gì để tiêu dùng vì thiếu người tiêu dùng. Sức bành trướng của những tư liệu sản xuất phá tung xiềng xích mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã trói buộc chúng. Giải phóng tư liệu sản xuất khỏi những xiềng xích đó là điều kiện tiên quyết duy nhất để bảo đảm cho lực lượng sản xuất phát triển liên tục với một tốc độ ngày càng nhanh, và trên thực tế, cho chính ngay sản xuất tăng lên vô hạn. Nhưng không phải chỉ có thế. Việc xã hội chiếm hữu tư liệu sản xuất không những gạt bỏ được xiềng xích nhân tạo hiện tại đang trói buộc sản xuất mà còn xoá bỏ được sự lãng phí và sự phá hoại trực tiếp những lực lượng sản xuất và sản phẩm, tức là những hiện tượng không thể không đi kèm theo sự sản xuất hiện nay và lên tới tột độ trong thời kỳ khủng hoảng. Thêm nữa, sự chiếm hữu ấy còn giải phóng được cho xã hội một khối tư liệu sản xuất và sản phẩm, bằng cách xoá bỏ nạn lãng phí ngu xuẩn thể hiện ở sự xa hoa của những giai cấp thống trị hiện tại và của những đại biểu chính trị của chúng. Khả năng bảo đảm, bằng một nền sản xuất xã hội, cho mọi thành viên trong xã hội không những một đời sống hoàn toàn đầy đủ về vật chất và ngày càng phong phú hơn mà còn bảo đảm cho họ phát triển và vận dụng một cách hoàn toàn tự do và đầy đủ những năng khiếu thể lực và trí lực của họ nữa - khả năng ấy hiện nay mới xuất hiện lần đầu tiên nhưng nó đã xuất hiện thực sự [11].

Một khi xã hội đã chiếm hữu những tư liệu sản xuất làm của mình rồi thì sản xuất hàng hoá sẽ bị thủ tiêu, và do đó sự thống trị của hàng hoá đối với những người sản xuất cũng bị thủ tiêu. Tình trạng vô chính phủ trong nội bộ nền sản xuất xã hội được thay thế bằng một sự tổ chức có kế hoạch và có ý thức. Cuộc đấu tranh cho sự sống còn của cá nhân sẽ chấm dứt. Do đó mà lần đầu tiên, con người tách hẳn - nói theo ý nghĩa nào đó - khỏi giới thú vật, chuyển từ điều kiện sinh tồn của thú vật sang điều kiện sinh tồn thật sự của con người. Những điều kiện sinh hoạt bao quanh con người và từ trước đến nay vẫn thống trị con người thì lúc này sẽ bị chi phối và kiểm soát bởi con người lần đầu tiên làm chủ tự nhiên một cách thật sự và có ý thức, vì con người đã làm chủ đời sống xã hội của chính mình. Những quy luật chi phối hành động xã hội của con người, cho đến nay vẫn đối lập với con người như những quy luật tự nhiên, xa lạ và thống trị thì từ nay được con người vận dụng một cách hoàn toàn tự giác và do đấy, bị con người chi phối. Tồn tại xã hội của con người từ trước đến nay vẫn đối lập với con người như những cái do tự nhiên và lịch sử gán cho con người thì hiện nay đã biến thành hành động tự do của bản thân con người. Những lực lượng khách quan bên ngoài, từ trước đến nay vẫn thống trị lịch sử thì hiện nay sẽ do chính con người kiểm soát. Chỉ từ lúc đó, con người mới bắt đầu tự mình sáng tạo ra lịch sử của chính mình một cách hoàn toàn tự giác; chỉ từ lúc đó, những nguyên nhân xã hội mà con người làm cho phát huy tác dụng, mới đưa lại, với một mức độ lớn và luôn luôn tăng lên mãi, những kết quả mà con người mong muốn. Đó là bước nhảy của con người từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do.

Để kết luận, chúng ta hãy tóm tắt quá trình trình bày của chúng ta lại như sau:

I. Xã hội trung cổ: Sản xuất nhỏ cá thể. Tư liệu sản xuất thích hợp với sự sử dụng cá nhân, vì thế dĩ nhiên là có tính thô sơ, nhỏ nhặt, có tác dụng rất hạn chế. Sản xuất là cho tiêu dùng trực tiếp của chính người sản xuất, hoặc của bọn lãnh chúa phong kiến của họ. Chỉ ở nơi nào, ngoài số tiêu dùng trực tiếp mà còn sản xuất thừa ra thì chỗ thừa ấy mới đem bán, đem trao đổi: sản xuất hàng hoá chỉ mới đang ở trong quá trình phát sinh, nhưng lúc ấy nó đã chứa đựng mầm mống của tình trạng vô chính phủ trong nền sản xuất xã hội.

II. Cách mạng tư bản chủ nghĩa: Sự biến chuyển của công nghiệp trước tiên được thực hiện bằng hiệp tác giản đơn và công trường thủ công. Tập trung những tư liệu sản xuất từ trước đến lúc đó vẫn rải rác, vào trong các xưởng thợ lớn và biến những tư liệu đó từ chỗ là những tư liệu sản xuất của cá nhân thành những tư liệu sản xuất xã hội - sự biến chuyển này nói chung không đụng chạm đến hình thức trao đổi. Những hình thức chiếm hữu cũ vẫn còn phát huy tác dụng. Nhà tư bản xuất hiện: với tư cách là kẻ sở hữu tư liệu sản xuất, hắn chiếm lấy sản phẩm và biến những sản phẩm ấy thành hàng hoá. Sản xuất đã trở thành một hành vi xã hội; trao đổi và cùng với trao đổi là sự chiếm hữu, vẫn là những hành vi cá nhân, hành vi của những người riêng biệt: sản phẩm của lao động xã hội bị nhà tư bản cá thể chiếm hữu. Đó là mâu thuẫn cơ bản, từ đó nảy sinh ra tất cả những mâu thuẫn trong đó xã hội hiện nay đang vận động, những mâu thuẫn mà đại công nghiệp đang làm cho thấy đặc biệt rõ:

a) Tách người sản xuất khỏi tư liệu sản xuất. Giam hãm người lao động vào trong chế độ lao động làm thuê suốt đời. Sự đối lập giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản.

b) ý nghĩa ngày càng rõ và tác dụng ngày càng tăng của những quy luật chi phối sản xuất hàng hoá. Cạnh tranh hết sức kịch liệt. Mâu thuẫn sự tổ chức có tính chất xã hội trong mỗi công xưởng và tình trạng vô chính phủ có tính chất xã hội trong toàn bộ nền sản xuất.

c) Một mặt - sự cải tiến máy móc, một sự cải tiến mà cạnh tranh đã biến thành một quy luật bắt buộc đối với mọi chủ xưởng, một sự cải tiến có nghĩa là ngày càng không ngừng loại bớt công nhân khỏi công xưởng: đạo quân công nghiệp dự trữ phát sinh. Mặt khác - sự mở rộng sản xuất vô hạn, đó cũng là quy luật cạnh tranh bắt buộc đối với mỗi chủ xưởng. Cả hai mặt sự phát triển chưa từng thấy của những lực lượng sản xuất, cung vượt quá cầu, sản xuất thừa, thị trường ứ đọng, những khủng hoảng cứ mười năm lại xẩy ra, vòng luẩn quẩn: ở đây thì thừa tư liệu sản xuất và sản phẩm, ở kia thừa công nhân không có việc làm và không có tư liệu sinh hoạt. Nhưng hai đòn bẩy ấy của sản xuất và của phúc lợi xã hội không thể kết hợp với nhau được, vì hình thức của sản xuất tư bản chủ nghĩa ngăn cản không cho lực lượng sản xuất hoạt động, không cho sản phẩm lưu thông, trừ phi những đòn bẩy đó trước hết phải biến thành tư bản, điều mà chính ngay sự quá thừa những đòn bẩy ấy lại ngăn cản. Mâu thuẫn ấy phát triển tới chỗ phi lý: phương thức sản xuất nổi loạn chống lại hình thức trao đổi. Giai cấp tư sản tỏ ra bất lực trong việc tiếp tục quản lý những lực lượng sản xuất xã hội của nó.

d) Sự thừa nhận một phần nào tính chất xã hội của những lực lượng sản xuất là điều bắt buộc đối với chính ngay những nhà tư bản. Việc các công ty cổ phần rồi đến các tờ-rớt, và sau cùng đến nhà nước chiếm hữu các cơ cấu lớn về sản xuất và giao thông. Giai cấp tư sản tỏ ra là một giai cấp thừa; mọi chức năng xã hội của nó hiện nay đều do người làm thuê đảm nhiệm.

III. Cách mạng vô sản, sự giải quyết các mâu thuẫn: giai cấp vô sản đoạt quyền lực xã hội và nhờ quyền lực ấy, biến những tư liệu sản xuất xã hội đã thoát khỏi tay giai cấp tư sản, thành sở hữu của toàn xã hội. Bằng hành vi ấy, giai cấp vô sản làm cho những tư liệu sản xuất thoát khỏi tính chất là tư bản trước kia của chúng, làm cho tính chất xã hội của tư liệu sản xuất được hoàn toàn tự do phát triển. Như vậy, sự sản xuất xã hội theo một kế hoạch đã định trước trở thành có khả năng thực hiện được. Sự phát triển sản xuất làm cho sự tồn tại của các giai cấp xã hội khác nhau không còn hợp thời nữa. Tình trạng vô chính phủ trong nền sản xuất xã hội càng biến mất đi bao nhiêu thì uy quyền chính trị của nhà nước cũng càng biến mất đi bấy nhiêu. Con người, cuối cùng làm chủ tồn tại xã hội của chính mình thì cũng do đó mà làm chủ tự nhiên, làm chủ cả bản thân mình, trở thành người tự do.

Làm tròn sự nghiệp giải phóng thế giới ấy, đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại. Nghiên cứu những điều kiện lịch sử và thực chất của sự biến đổi ấy, do đó làm cho giai cấp bị áp bức hiện đang có sứ mệnh hoàn thành sự nghiệp ấy hiểu rõ được những điều kiện và bản chất của sự nghiệp của chính họ, đó là nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội khoa học, biểu hiện lý luận của phong trào vô sản.

 

- Do Ph.Ăng-ghen viết vào tháng Giêng - nửa đầu tháng Ba 1880

- Đã đăng trong tạp chí "La Revue socialiste" các số 3, 4, 5; ngày 20 tháng Ba; 20 tháng Tư; 5 tháng Năm 1880;

- và in thành cuốn sách mỏng bằng tiếng Pháp: F. Engels. "Socialisme utopique et socialisme scientifique". Paris, 1880.

 

- In theo bản tiếng Đức xuất bản năm 1891, có đối chiếu với bản tiếng Pháp xuất bản năm 1880.

- Nguyên văn là tiếng Đức



[1] Gơt-tơ. “Phau-xtơ”. Phần I, màn IV (“Phòng làm việc của Phau-xtơ”).

[2] Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr.454-714.-308.

[3]  Ở đây không cần phải giải thích rằng ngay cả khi hình thức chiếm hữu vẫn như xưa thì cũng không phải vì thế mà tính chất của sự chiếm hữu, so với sản xuất, lại ít bị quá trình nói trên đây cách mạng hoá. Tôi chiếm hữu sản phẩm lao động của bản thân tôi, hay là chiếm hữu sản phẩm lao động của người khác- cố nhiên đó là hai sự chiếm hữu rất khác nhau. Nhân tiện chúng ta nói thêm rằng lao động làm thuê, chứa đựng mầm mống của toàn bộ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì đã có từ thời cổ; dưới trạng thái lẻ tẻ và ngẫu nhiên, lao động làm thuê đã từng tồn tại song song với chế độ nô lệ suốt mấy thế kỷ. Nhưng chỉ khi những tiền đề lịch sử tất yếu đã chín muồi thì mầm mống còn bị che giấu ấy mới có thể phát triển thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được.

[4] Có ý muốn nói đến một loạt cuộc chiến tranh ở thế kỷ XVII và XVIII giữa các nước lớn ở châu Âu để giành quyền bá chủ trong buôn bán với ấn Độ và Mỹ và để chiếm thị trường thuộc địa. Ban đầu, Anh và Hà Lan là các nước cạnh tranh chính (các cuộc chiến tranh Anh – Hà Lan 1652 – 1654, 1664 – 1667 và 1672 – 1674 là những cuộc chiến tranh thương nghiệp điển hình), về sau cuộc đấu tranh có tính chất quyết định diễn ra giữa Anh và Pháp. Thắng lợi trong tất cả những cuộc chiến tranh ấy, nước Anh đã tập trung trong tay mình vào cuối thế kỷ XVIII hầu hết thương nghiệp thế giới.

[5] Ở đây Ăng-ghen trích dẫn tập I bộ "Tư bản" (xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr.621 và tr.692).

[6] Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr.659.

[7] Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.23, tr.908.

[8] 145 Ch.Fourier. Oeuvres complètes, t.VI, Paris, 1845, p.393 – 394 (s. Phu-ri-ê. Toàn tập, t.VI, Pa-ri, 1845, tr.393 – 394).

[9] Tôi nói "buộc phải", vì chỉ trong trường hợp mà tư liệu sản xuất và tliệu giao thông đã thực sự quá lớn khiến các công ty cổ phần không thể quản lý được, và do đó việc quốc hữu hoá trở thành một sự tất yếu về phương diện kinh tế, chỉ trong trường hợp đó thì việc quốc hữu hoá- ngay cả khi nó do nhà nước hiện nay thực hiện- mới là một bước tiến về kinh tế, mới có nghĩa là người ta đã đạt tới một giai đoạn mới, giai đoạn làm tiền đề cho bản thân xã hội nắm lấy mọi lực lượng sản xuất. Nhưng mới đây, từ khi Bi-xmác lao vào việc quốc hữu hoá thì người ta thấy xuất hiện một thứ chủ nghĩa xã hội giả hiệu và ở chỗ này chỗ nọ, nó thậm chí đã thoái hoá thành một sự hoàn toàn quỵ luỵ tuyên bố không do dự rằng bất cứ sự quốc hữu hoá nào về các tư liệu sản xuất, ngay cả quốc hữu hoá theo kiểu Bi-xmác, cũng đều là chủ nghĩa xã hội cả. Hiển nhiên là nếu độc quyền nhà nước về thuốc lá cũng là chủ nghĩa xã hội thì Na-pô-lê-ông và Mét-téc-ních cũng có thể coi là kẻ sáng lập ra chủ nghĩa xã hội. Nếu Chính phủ Bỉ vì lý do rất bình thường về chính trị và tài chính mà tự mình bắt tay kiến thiết những đường sắt chủ yếu; nếu Bi-xmác không vì bất cứ sự tất yếu nào về kinh tế mà đem những đường sắt chủ yếu của nước Phổ biến thành quốc doanh nhằm mục đích duy nhất là để tổ chức và sử dụng những đường sắt trong thời chiến được tốt hơn, để biến nhân viên đường sắt thành một đàn cừu đầu phiếu ủng hộ chính phủ một cách ngoan ngoãn và chủ yếu là để có được một nguồn thu nhập mới mà không cần đến những quyết nghị của quốc hội - thì đó tuyệt nhiên không phải là những biện pháp xã hội chủ nghĩa dù là trực tiếp hay gián tiếp, tự giác hay không tự giác. Nếu không thì Seehandlung146 của nhà vua, xưởng chế đồ gốm của nhà vua, thậm chí xưởng may quần áo trong quân đội, thậm chí việc quốc hữu hoá nhà thổ mà một anh chàng hết sức ranh ma dưới triều Phri-đrích - Vin-hem III đề nghị một cách nghiêm túc trong những năm 30, cũng là những thiết chế xã hội chủ nghĩa.

[10]  "Nhà nước nhân dân tự do" là yêu cầu có tính chất cương lĩnh và khẩu hiệu thường dùng của những người dân chủ – xã hội Đức trong những năm 70. Sự phê phán theo quan điểm mác-xít với khẩu hiệu ấy, xem mục IV tác phẩm của Mác "Phê phán cương lĩnh Gô-ta" và thư Ăng-ghen gửi Bê-ben ngày 18 – 28 tháng Ba 1875 (xem tập này, tr.44-53 và 9-19). Xem thêm tác phẩm của Lê-nin "Nhà nước và cách mạng", ch.I, Đ4 và ch. IV, Đ3 (V.I.Lê-nin, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t.33, tr.202-209) và 210-226).

[11] Vài con số sau đây sẽ cho ta một ý niệm đại khái về sức bành trướng to lớn của tư liệu sản xuất hiện đại, ngay cả dưới áp lực tư bản chủ nghĩa. Theo những con số mới nhất của Ghíp-phen, trưởng phòng thống kê Anh, thì sự phát triển của tổng số của cải của Anh và Ai-rơ-len tính tròn lại là:

Năm 1814 - 2.200 triệu pao xtéc-linh = 44 tỷ mác

Năm 1865 - 6.100 triệu pao xtéc-linh = 122 tỷ mác

Năm 1875 - 8.500 triệu pao xtéc-linh = 170 tỷ mác

Còn về tư liệu sản xuất và sản phẩm bị phá huỷ trong các cuộc khủng hoảng thì Đại hội II của các nhà công nghiệp Đức (họp ở Béc-lin ngày 21 tháng Hai 1878)149 đã ước tính tổng số tổn thất của ngành công nghiệp luyện kim, trong thời kỳ khủng hoảng 1875 - 1878, riêng ở nước Đức là đến 455 triệu mác.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt