Thuật ngữ chuyên biệt

ĐẠO ĐỨC HỌC HIỆN SINH [existentialist ethics]

Thuật ngữ Jean-Paul Sartre:

 

ĐẠO ĐỨC HỌC HIỆN SINH [existentialist ethics]

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
                                       

GARY COX

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 

Sartre nhiều lần nhấn mạnh trong các công trình khác nhau rằng chịu trách nhiệm, khẳng định sự tự do và cố gắng đạt tới tính đích thực là tốt, trong khi đó ngụy tín trong các hình thức khác nhau của nó là xấu, và chắc chắn là ông có một cảm thức cá nhân rất mạnh mẽ về lẽ đúng và sai, chính cảm thức ấy đã dẫn ông tới chỗ nhiệt tình tham gia nhiều phong trào đạo đức và chính trị. Thế nhưng, ông lại không mấy chắc chắn khi đi tới chỗ viện đến quyền uy của đạo đức học triết học để làm chỗ dựa cho những cảm nghĩ và ý kiến của ông. Cuối tác phẩm Tồn tại và Hư vô (1943), Sartre hứa sẽ đưa ra một lý thuyết hiện sinh hoàn chỉnh về đạo đức học, nhất quán với các yêu sách trung tâm của thuyết hiện sinh của ông, nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra, cho dù giữa những năm 1945 và 1948 ông đã viết những tập ghi chép luận giải rộng thêm về đạo đức học, nhiều tập trong số ấy đã được xuất bản sau khi ông mất với nhan đề là Các ghi chép cho một nền đạo đức học (1983). Những tập ghi chép này đã trở thành cơ sở chính yếu cho sự tìm tòi chuyên sâu của các học giả nghiên cứu Sartre về đạo đức học hiện sinh theo cách cứ như thể đạo đức ấy đã được Sartre phát biểu đầy đủ cả rồi. Trong tác phẩm ấy, Sartre muốn đi đến quan niệm rằng đạo đức học là tính đích thực trong quan hệ với người khác và bao hàm việc con người tôn trọng và khẳng định sự tự do của người khác.

Trong Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (1946), một tác phẩm ít nhiều cùng thời với Các ghi chép cho một nền đạo đức, khi tìm kiếm một thứ đạo đức học hiện sinh, Sartre châm chọc một phiên bản trình bày sai lệch đạo đức học duy nghĩa vụ hay đạo đức học Kant (xem Kant). Sartre cho rằng khi chọn một phương hướng hành động nào đó, người ta đều muốn rằng ai ai cũng nên lựa chọn giống như thế. Chẳng hạn, nếu chọn lập gia đình, thì ủng hộ việc mọi người đều nên lập gia đình. Sartre bác ngay lý thuyết kỳ quái này, coi nó là mù mờ và không thuyết phục, mặc dù ông vẫn tiếp tục “ve vãn” đạo đức học Kant ở những phương diện khác trong Các ghi chép cho một nền đạo đức học.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt