Thuật ngữ chuyên biệt

Thuật ngữ triết học Hegel: "Nghệ thuật, Đẹp (cái) và Mỹ học"

 

NGHỆ THUẬT, ĐẸP (CÁI) VÀ MỸ HỌC

[Đức: Kunst, Schönheit und Ästhetik; Anh: art, beauty and aesthetics]

MICHAEL INWOOD

 

Từ tiếng Đức (die) Kunst (“nghệ thuật, tài khéo, thủ công”, bắt nguồn từ động từ können: “có thể, có năng lực”), giống như từ Hy Lạp techne, vốn nguyên thủy không có quan hệ đặc biệt nào với từ cái đẹp (Schönheit) hay với cái gì được gọi là “các ngành nghệ thuật” (die schönen Künste) được biết ở thế kỷ 18. Nghĩa nguyên thủy ấy tương phản với (1) bảy “ngành nghệ thuật tự do” ở thời trung cổ (bao gồm cả thiên văn học, toán học và triết học) và với (2) thủ công, tài khéo hay nghề nghiệp. (Kunst, khác với từ “art” trong tiếng Anh, không có mối liên hệ đặc biệt với hội họa). Khái niệm về mỹ thuật, bao gồm kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội họa và thi ca có nguồn gốc từ Plato. Nhưng Plato xét nghệ thuật và cái đẹp một cách riêng rẽ (chẳng hạn bàn về cái đẹp trong đối thoại Symposium và bàn về nghệ thuật, chẳng hạn trong đối thoại Cộng hòa) cũng như nơi Aristoteles (trong quyển Thi Pháp học của ông).

Đối với Plato và Aristoteles, nghệ thuật, nếu nó không đơn giản chỉ là một nghề thủ công, thì chủ yếu là sự mô phỏng giới tự nhiên và việc người. Các nhà Plato-mới, nhất là Plotinus, lần đầu tiên so sánh người nghệ sĩ với đấng tạo hóa (nhất là với “đấng tạo hóa thần linh/Demiurg” trong đối thoại Timaeus của Plato, là kẻ làm cho những Ý NIỆM hiện thân trong vật chất). Như thế, người nghệ sĩ không chỉ mô phỏng những sản phẩm của tự nhiên, mà còn mô phỏng hoạt động sáng tạo của tự nhiên: trong tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ hiện thực hóa ý niệm trong vật liệu khả giác. Vào thế kỷ 17 và 18, nghệ thuật vẫn còn được xem như là sự mô phỏng, nhưng cách nhìn này đã bị Goethe, Hegel và nhất là Schelling bác bỏ, vì Schelling đã đặt sự sáng tạo của người nghệ sĩ ngang hàng với sự sáng tạo của giới tự nhiên.

Chính Plotinus mới là người sát nhập khái niệm về nghệ thuật và khái niệm về cái đẹp lại với nhau (Enneads, V. viii, 1). Theo quan niệm của Hegel, chỉ có tác phẩm nghệ thuật mới là schön, “đẹp” về bản chất. Trong các tác giả trước đó, chẳng hạn Burke và Kant (nhất là trong Quan sát Xúc cảm về cái Đẹp và cái Cao cả, 1764 của Kant), cái cao cả (das Erhabene) là một phạm trù thẩm mỹ phối hợp với cái đẹp (das Schöne). (Cái cao cả xuất hiện lần đầu tiên trong một tác phẩm vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên được gán cho Longinus, peri hypsous, Về cái Cao cả). Nhưng, do thái độ thù địch của Hegel đối với cái gì không thể nắm bắt được về mặt trí tuệ và nhất là đối với sự VÔ HẠN tồi dẫn đến chỗ ông cho tính cao cả chỉ giữ một vai trò mờ nhạt trong MH và ít hay nhiều bị thu gọn trong nghệ thuật tượng trưng tiền-cổ điển chưa được thỏa mãn về mặt thẩm mỹ, trong đó HÌNH THỨC và NỘI DUNG không ở trong sự hòa điệu. Chữ schön nơi Hegel là một thuật ngữ có nghĩa rộng hơn chữ “beautiful” trong tiếng Anh, xuất hiện trong nhiều văn cảnh như: “một tác phẩm mỹ thuật” và “hoàn thành điều gì đó một cách tốt đẹp”. Với Hegel, Schönheit bao hàm cả những cái nghịch tai và thậm chí cả cái xấu.

Thuật ngữ “mỹ học”/“Ästhetik” (bắt nguồn từ chữ Hy Lạp Aisthesis, aisthanesthai: “sự tri giác”, “tri giác”, vì thế có nghĩa đen là “môn học về tri giác”) được sử dụng lần đầu tiên để chỉ “việc nghiên cứu về cái đẹp cảm tính” (bao hàm cái đẹp của tự nhiên lẫn của nghệ thuật) nơi một môn đồ của Leibniz, đó là A. G. Baumgarten, nhất là trong quyển Aesthetica của ông (1750-1758). Trong PPLTTT, Kant phản đối cách dùng nàyvà bác bỏ hy vọng của Baumgarten về việc “mang sự nghiên cứu phê phán về cái đẹp vào dưới các nguyên tắc của lý tính và nâng những quy tắc của nó thành KHOA HỌC” (A21, B35 và tiếp). Kant muốn giữ từ này trong nghĩa nguyên thủy của nó, dành cho việc nghiên cứu các điều kiện của tri giác. Nhưng sau đó trong PPNLPĐ, Kant lại sử dụng từ này theo nghĩa của Baumgarten, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng “không có một khoa học về cái đẹp, mà chỉ có một môn phê phán về cái đẹp, không có khoa học, không có khoa học đẹp, mà chỉ có nghệ thuật đẹp” (§44). Trong MH, Hegel phê phán thuật ngữ Ästhetik, vì nó chỉ nhấn mạnh đến cái CẢM TÍNH và XÚC CẢM, tuy vậy ông vẫn dùng từ này làm nhan đề cho loạt bài giảng của ông. (“Các bài giảng về Mỹ học”). (Hegel cũng bác bỏ một thuật ngữ khác được đề nghị, đó là Kallistik (“nghiên cứu về cái đẹp” - từ chữ Hy Lạp kalos, kallos, “đẹp”, “cái đẹp”, bởi nó bàn về cái đẹp nói chung, chứ không giới hạn vào cái đẹp của nghệ thuật như cách hiểu của Hegel).

Ở nước Đức của Hegel lúc bấy giờ, mỹ học được thống trị bởi tác phẩm PPNLPĐ của Kant. Đối lập lại với thuyết vị lợi, thuyết khoái lạc và thuyết duy trí, Kant cho rằng cái đẹp làm nảy sinh một sự vui sướng “không được quan tâm”, bắt nguồn từ trò chơi tự do của trí tưởng tượng của ta; cái đẹp là “không-có tính khái niệm”; có “hình thức của tính MỤC ĐÍCH mà không có sự hình dung về mục đích”; và là “đối tượng của một sự vui sướng phổ biến”. Cái đẹp nảy sinh từ năng lực PHÁN ĐOÁN (Urteilskraft/faculty of JUDGMENT) trong sự liên kết với cảm xúc. Ta du nhập ý niệm về cái đẹp của ta vào trong một thế giới vốn không phải là đẹp một cách cố hữu, và ta xem cái đẹp như là một biểu trưng của cái thiện LUÂN LÝ.

Sau Kant, mỹ học trở thành trung tâm của triết học Đức. Trước hết, Schiller, nhất là trong GDTN (một tác phẩm được Hegel rất ngưỡng mộ), cho rằng cái đẹp là khách quan và việc chiêm ngưỡng nó sẽ điều trị được sự THA HÓA đang gây khổ đau cho con người hiện đại, điều chỉnh những sự phân ly giữa con người và tự nhiên, giữa người với người, và giữa lý tính và ham muốn. Sau đó là học thuyết của Fichte, cho rằng thế giới hiện tượng chỉ được tạo ra bởi hoạt động (TỰ DO, nhưng lại TẤT YẾU) của cái Tôi, cho thấy một sự song hành với hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ. Đặc biệt, Schelling trong DTSN, phát triển sự song hành này và cho rằng “hòn đá tảng” của triết học chính là triết học về nghệ thuật: nghệ thuật trung giới tinh thần và tự nhiên, bởi hoạt động nghệ thuật kết hợp tính sáng tạo tự do, có mục đích của tinh thần với tính sáng tạo tất yếu, vô ý thức của tự nhiên. Như thế, nghiên cứu về nghệ thuật của các triết gia duy tâm Đức khác với quan niệm của Kant về nhiều phương diện:

(1) Cái đẹp là khách quan; nó là sự khải thị của TINH THẦN, Ý NIỆM, và cái thần linh trong thế giới hiện tượng.

(2) Trong khi Kant chỉ quan tâm đến năng lực phán đoán chủ quan về sở thích, thì họ quan tâm nhiều hơn đến người nghệ sĩ và những sản phẩm của nghệ sĩ.

(3) Kant xem xét cái đẹp trong tự nhiên lẫn trong nghệ thuật, nhưng các người kế tục ông đánh giá thấp cái đẹp của tự nhiên. Với Schelling, TỰ NHIÊN, cũng như TINH THẦN (con người) và cái Ý THỂ, nhưng trong cái đẹp lại thấp kém hơn nghệ thuật, vì nghệ thuật hợp nhất tinh thần (con người) và tự nhiên. Với Hegel, Tinh thần phát triển vượt ra khỏi tự nhiên, vì thế trong cái đẹp, tự nhiên là thấp kém hơn các sản phẩm của Tinh thần, và chỉ được xem là đẹp dưới ánh sáng của những sản phẩm ấy.

(4) Kant không quan tâm đến LỊCH SỬ của nghệ thuật (và của sở thích), trong khi các nhà duy tâm dành một vị trí trung tâm cho lịch sử.

Nghiên cứu của Hegel về nghệ thuật đã đúc kết thành quả của một cương lĩnh được ông chia sẻ với Schelling và Fichte. Trong HTHTT, VII. B, nghệ thuật được Hegel xem xét dưới tiêu đề “TÔN GIÁO” chứ không phải “TINH THẦN”: “tôn giáo nghệ thuật” (Hy Lạp) xuất hiện giữa “tôn giáo tự nhiên” (Ba Tư, Ấn Độ và Ai Cập) và “tôn giáo khải thị” (Kitô giáo). Nhưng trong BKT III, các hình thức nghệ thuật, cùng với tôn giáo và TRIẾT HỌC, lại là một bộ phận của “tinh thần TUYỆT ĐỐI”, tức là tinh thần đã tiền giả định tâm lý học cá nhân của “tinh thần CHỦ QUAN” lẫn các định chế xã hội của tinh thần KHÁCH QUAN, nhưng vượt lên trên cả hai. Giống như tôn giáo và triết học, nghệ thuật có một giá trị nhận thức, hợp lý tính: nó vén mở dần dần bản tính của thế giới, của con người và mối quan hệ giữa cả hai (tức cái tuyệt đối) trong hình thức cảm tính hay trong hình thức của TRỰC QUAN (Anschauung), trong khi tôn giáo lại làm điều ấy trong hình thức của sự HÌNH DUNG bằng hình tượng (Vorstellung), còn triết học thì trong hình thức của TƯ TƯỞNG hay KHÁI NIỆM. Trong MH, Hegel kết hợp nghiên cứu có hệ thống về nghệ thuật với nghiên cứu về sự triển khai của nó qua lịch sử. Trước hết, nghệ thuật được chia thành ba phong cách chính - biểu trưng, cổ điển và lãng mạn - và thứ hai, thành những thể loại - kiến trúc, điêu khắc và hội họa, âm nhạc và thi ca. Về mặt lịch sử, nghệ thuật chia làm ba thời kỳ chính: phương đông cổ đại (nhất là Ai Cập), Hy Lạp và La Mã cổ đại, và Kitô giáo hiện đại. (Các sự phân chia này, và những sự phân chia nhỏ hơn, đi vào chi tiết, có mục đích đặt cơ sở mang tính khái niệm cho nghệ thuật hơn là có tính thường nghiệm, và kỳ cùng dựa trên hệ thống khái niệm được trình bày trong Khoa học Lôgíc. Nhưng Hegel lại hỗ trợ cho những sự phân chia này bằng chất liệu thường nghiệm hết sức phong phú). Một thể loại nghệ thuật, trong khi có thể xuất hiện trong mọi thời kỳ, thì lại là thể loại thống trị trong một thời kỳ nhất định và gắn liền với một phong cách đặc thù: chẳng hạn, kiến trúc là hình thức nghệ thuật biểu trưng và đã thống trị ở Ai Cập; nền kiến trúc muộn hơn được chuyển sang phong cách cổ điển hay lãng mạn, nhưng không còn là thể loại thống trị của các thời kỳ này nữa, nghĩa là không mang lại sự thể hiện nghệ thuật cao nhất cho cái tuyệt đối trong các thời kỳ này.

Hegel đã sống trong thời đại của những nhà nghệ sĩ lớn, mà một số (như Goethe và Hölderlin) vốn là bạn của ông. Nhưng ông phủ nhận địa vị tối cao mà Schelling (và nhiều người đương thời với ông) đã dành cho nghệ thuật. Trước hết, theo Hegel, nghệ thuật nói chung thể hiện cái tuyệt đối một cách không thích đáng so với tôn giáo và triết học, bởi trực quan là một môi trường thấp kém hơn quan niệm và tư tưởng. (Chẳng hạn triết học có thể lãnh hội nghệ thuật, nhưng nghệ thuật thì không thể lãnh hội triết học). Thứ hai, trong thời hiện đại, nghệ thuật không thể diễn tả cái nhìn của ta về cái tuyệt đối một cách thích đáng như nó đã từng thể hiện những cái nhìn của những thời kỳ trước đây. Nghệ thuật Hy Lạp đã diễn đạt cái nhìn Hy Lạp về thế giới một cách thích đáng và trang nhã cực độ - thậm chí hơn cả triết học Hy Lạp; nghệ thuật LÃNG MẠN lại có thể diễn đạt những quan niệm ấy như là tính Tam vị nhất thể - trong chừng mực đó, nó vượt lên khỏi lĩnh vực nghệ thuật và vượt bỏ sự hài hòa, đẹp đẽ của nghệ thuật cổ điển. Schelling đồng ý rằng nghệ thuật Hy Lạp chưa bị vượt bỏ hay thậm chí chưa có gì có thể sánh được trong thời hiện đại, nhưng ông hy vọng điều này có thể diễn ra trong tương lai, sau sự sáng tạo của một thần thoại hiện đại có thể so sánh được với thần thoại của Homer. Nhưng Hegel thì lại tin rằng nghệ thuật không còn có thể nắm bắt được sự phức tạp của cái nhìn của chúng ta về thế giới, và không có triển vọng trở thành công cụ hàng đầu cho việc diễn đạt cái tuyệt đối.

Học thuyết nói trên của Hegel về sự cáo chung của nghệ thuật gắn liền với quan niệm của ông về xã hội hiện đại. Cả Hegel lẫn Schelling đều cho rằng nghệ thuật, tuy là sản phẩm trực tiếp của những cá nhân thiên tài, nhưng theo nghĩa rộng hơn, lại là sản phẩm của xã hội hay dân tộc (Volk) mà chúng thuộc về. (Vì nghệ thuật không chỉ phụ thuộc vào tài năng bẩm sinh của người nghệ sĩ nên nghệ thuật có một lịch sử). Schelling tin rằng xã hội hay nhà nước có thể và nên là một công trình nghệ thuật. Hegel, ngược lại, tuy ở thời trẻ, ông cho rằng xã hội Hy Lạp cổ đại có được sự hài hòa và cố kết vốn là đặc trưng của nghệ thuật, nhưng ở thời trường thành, ông không tin rằng lý tưởng thẩm mỹ này có thể được khôi phục trong xã hội hiện đại. Con người hiện đại đã trở nên phản tỉnh và tự giác hơn nhiều, cũng như quá phân tán trong đời sống kinh tế phức tạp của XÃ HỘI DÂN SỰ, nên không thể tạo nên một cái toàn bộ chặt chẽ về mặt thẩm mỹ. Những công trình nghệ thuật vĩ đại không thể ra đời trong những khung cảnh vô thẩm mỹ như thế được.

BÙI VĂN NAM SƠN dịch


Nguồn: Michael Inwood. Từ điển triết học Hegel. Bùi Văn Nam Sơn chủ biên dịch thuật. (Sắp xuất bản)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt