Thuật ngữ chuyên biệt

Tồn tại và Hư vô: Luận văn về hữu thể học hiện tượng học (1943)

Thuật ngữ Jean-Paul Sartre:

 

TỒN TẠI VÀ HƯ VÔ: LUẬN VĂN VỀ HỮU THỂ HỌC HIỆN TƯỢNG HỌC (1943)

(Being and Nothingness: A Essay on Phenomenological Ontology (1943) / L’Être et le Néant. Essai d’ontologie phénoménologique   

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
                                     

 

 GARY COX

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 

 

Kiệt tác của Sartre, công trình triết học chính của ông. Tuy không phải là công trình dày nhất, khoảng độ hơn sáu trăm trang, nhưng nó là công trình quan trọng nhất và gây nhiều ảnh hưởng nhất. Hầu hết các triết gia trên thế giới, khi phân tích thuyết hiện sinh của Sartre họ đều tập trung vào công trình này. Có lẽ, không có một cuốn sách đơn lẻ nào có thể có thẩm quyền được coi là ‘thánh kinh’ của chủ nghĩa hiện sinh, nhưng Tồn tại và Hư vô chắc chắn là một trong những viên đá đặt nền cho trường phái tư tưởng hiện sinh. Với quy mô và cao vọng của nó, với độ dày đặc và phức tạp về cấu trúc và ngôn ngữ của nó, công trình này muốn sánh ngang với các văn bản đồ sộ đầy sức nặng và thách thức của nền triết học Lục địa, như Tồn tại và Thời gian (1927) của Heidegger, Thế giới như ý chí và biểu tượng (1818) của Schopenhauer, hay Hiện tượng học tinh thần (1807) của Hegel, vốn là những công trình đưa ra một cái nhìn chủ toàn, thống nhất và toàn diện, theo cách riêng của chúng, về các đặc điểm bản chất của thân phận con người.

Câu hỏi hay mối quan tâm lâu bền của Sartre trong  Tồn tại và Hư vô ít nhiều giống với mối quan tâm của ba vị triết gia, vốn là ba nguồn ảnh hưởng chính của ông: Hegel, HusserlHeidegger. Bản tính của “cái tồn tại” [ám chỉ “con người”. N.D] đang có và đang là mối quan hệ với thế giới, tức là ý thức về thế giới và tác động đến thế giới, tất phải là cái gì? Khi sử dụng phong cách và phương pháp biện chứng của những nguồn triết học ảnh hưởng tới ông làm phương tiện hữu hiệu để bóc ra những mối quan hệ nội tại và nền tảng đang hiện hữu giữa các hiện tượng khác biệt nhau rõ nét, Sartre cho rằng loại tồn tại duy nhất có thể hiện hữu như là mối quan hệ với thực tại hay thế giới là cái tồn tại đang tồn tại, tự mình, hư vô; cái tồn tại mà là một sự phủ định hay sự không-tồn tại. Một số học giả chuyên nghiên cứu về Sartre cho rằng dịch cho chính xác nhan đề tiếng Pháp L’Être et le Néant sang tiếng Anh thì phải dịch là Being and Non-Being [Tồn tại và Không-tồn tại], nhưng cách dịch Being and Nothingness trong tiếng Anh giờ đây đã nhuốm màu ẩn ngữ linh thiêng tới mức không một nhà xuất bản nào dám thay đổi nó.

Điều chắc chắn là chính sự năng động phức hợp của mối quan hệ giữa tồn tại và không-tồn tại, hay nói đúng theo ngôn ngữ của Sartre là giữa tồn-tại-tự-mìnhtồn-tại-cho-mình, ở ngay tâm điểm của Tồn tại và Hư vô. Công trình này khai triển các mô tả trên diện rộng cả mối quan hệ giữa tồn-tại-cho-mình và tồn-tại-tự-mình lẫn mối quan hệ giữa một tồn-tại-cho-mình này với một tồn-tại-cho-mình khác, đó là những mô tả nêu bật lên những hàm ý và những tình tiết phức tạp, dường như vô tận, mở rộng đến mọi phương diện của việc sống ở đời của cá nhân con người – ý thức, tính thời gian, sự hiện thân, hành động, ham muốn, tự do, lo âu, trách nhiệm, ngụy tín, tồn-tại-cho-kẻ-khác, luân lý v.v. Trong Tồn tại và Hư vô, có vô vàn những ví dụ, minh họa, liên tưởng, thức nhận, gợi ý, và chỉ dẫn cho ta thấy tài năng thiên bẩm của Sartre và làm cho triết học của ông trở nên hết sức thú vị đáng để ta nghiên cứu, phê phán và phát triển nó.

Chính vì cứ chỗ nào Sartre cố gắng đề cập đến những hàm ý khác nhau của tư tưởng phức tạp của ông thì các luận cứ trong Tồn tại và Hư vô có phần rối rắm và sự tiến triển của tác phẩm khá là quanh co. Sartre có xu hướng muốn tát cạn vấn đề, và “hoàn tất” Tồn tại và Hư vô, hay thậm chí những phần quan trọng của nó, độc giả phải mất nhiều thời gian và công sức để cùng Satre ngao du một chặng đường dài nhưng đầy thú vị khi ông vẽ nên một tấm bản đồ lãnh thổ rộng lớn và phức tạp. Độc giả nào chí tâm cuối cùng cũng sẽ nhận ra rằng cuốn sách này thật là khắt nghiệt, thậm chí là tàn nhẫn, trong việc nó theo đuổi một chiều hướng và luận đề bao trùm, dựng lên một lý thuyết thấu đáo, hết mực trung thực và khá mạch lạc về thực tại người.

Bắt đầu bằng việc khảo sát hữu thể học về tồn tại và không-tồn tại, cuốn sách đi tới chỗ giải thích rằng ý thức không-tồn tại khi nó được biểu hiện ở cấp độ các hiện tượng hay cấp độ hiện tượng học. Ý thức được mô tả đa dạng và công phu, như là cái đang hiện hữu cho mình chứ không phải là tự mình (ở đây thuật ngữ của Sartre là ‘tồn-tại-cho-mình’), là sự thiếu vắng tồn tại đang hoài công cố gắng đạt tới sự đồng nhất với chính mình bằng cách khắc phục sự thiếu vắng ấy, là cái tự bản chất là có tính ý hướng, tính thời gian, hiện thân và tự do. Luận đề sự tự do triệt để của Sartre phái sinh trực tiếp từ triết học tinh thần của ông. Mỗi một cá nhân là một hữu thể đang bay trong kích thước thời gian từ sự hư vô hiện tại của mình tới sự trùng khít với chính mình trong tương lai, một thứ không bao giờ đạt được. Mỗi một cá nhân là một ý hướng tương lai hóa, và chính trong tương lai để ngỏ đó xác định anh ta và mục tiêu anh ta nhắm đến đó là con người là tự do. Với tư cách cốt yếu là tự do [cẩn thận!!! Sartre thường tránh dùng từ “bản chất”!!], con người không thể không tự do, ta phải chọn ta là ai và ta làm gì và mọi toan tính lẫn tránh trách nhiệm bằng cách không chọn cho mình sự lựa chọn nào hết đó sẽ tạo nên sự ngụy tín.

Một chủ đề chính của cuốn sách là các hiện tượng then chốt như ý thức, tự do, và ngụy tín diễn ra như thế nào và được quy định bởi những mối quan hệ với người khác ra sao. Sartre mô tả các cấu trúc hữu thể học nền tảng của hiện tượng tồn-tại-cho-người-khác trước khi đắp da thịt cho các bộ xương hữu thể học qua lối phân tích sắc sảo về các mối quan hệ cụ thể với người khác. Ông mô tả tài tình hiện tượng yêu, ghét, ham muốn tình dục, khổ dâm, bạo dâmdửng dưng, qua việc giải thích một cách hoàn toàn nhất quán với luận đề bao trùm của ông: cái gì là cốt yếu đối với chúng, các hiện tượng ấy nảy sinh từ chính bản tính của việc ta sống ở đời như thế nào và chúng có quan hệ mật thiết với nhau ra sao. Trong lúc đó, khi tiếp tục phần việc chính là phân tích các quan hệ cụ thể này, ông ban thưởng cho độc giả của mình sự giàu có các thức nhận khơi gợi suy tư về bản tính và ý nghĩa của các hiện tượng khác nhau khác liên quan đến người Khác như khỏa thân, khiêu dâm, ân huệ và bị làm nhục.

Cho dù trong Tồn tại và Hư vô, còn nhiều điều cần phải phê phán và làm sáng tỏ, nhưng sự thức nhận sâu sắc của Sartre, tính sáng tạo trí tuệ của ông, năng lực phi thường mà ông thể hiện xuyên suốt tác phẩm qua việc nhận diện và mô tả bản tính cốt yếu và sự liên kết của tất cả các phương diện của thân phận con người là rất đáng kể và là nguồn cảm hứng lớn lao.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt